Văn nghệ dân gian
Huê: Những giá trị riêng có và những gì cần gìn giữ
14:39 | 15/12/2021

NGUYỄN HỮU THÔNG

Huê: Những giá trị riêng có và những gì cần gìn giữ

Có từng trải qua, có quan tâm đến cái đã mất mới biết mình mất gì?. Đây là câu hỏi tôi cho rằng sẽ rất quan trọng khi đặt vấn đề xác định điều riêng có của Huế trong bức tranh chung của cảnh quan, lịch sử, và văn hoá dân tộc.

Để xác định bản sắc của một vùng đất hay một quốc gia, nhà văn hoá học hiện đại như Francoise Jullien đang đặt ra vấn đề có hay không có bản sắc văn hoá, khi chúng ta muốn quy chuẩn hay xác định nó bằng những cái gạch đầu dòng cứng nhắc, mang tính tổng kết hay khẳng định.

Bản sắc một vùng đất không phải là những gì bất biến hay hoá thạch để chúng trở thành một thứ chuẩn mực hay tiêu chí nhằm đánh giá sự phát triển mang tính đúng- sai, hay - dở, tốt - xấu. Bản sắc theo chúng tôi, nó bàng bạc trên mọi mặt đời sống một cộng đồng tộc người, quốc gia hay một đơn vị cư trú. Ở đấy, chúng hiện hữu một cách vô hình, nhưng là nền tảng để người khác cảm nhận khí chất hay tính cách của cộng đồng đó, mà không thể dùng bất cứ một tình huống hay trường hợp cụ thể nào để dẫn chứng như một sự tiêu biểu mang tính đại diện.

Có như vậy, chúng ta mới thận trọng hơn khi dùng cái nhìn hiện đại để nhận diện quá khứ. Tỉnh táo hơn trong việc hồi cố, để chiêm nghiệm những gì chúng ta đã buông thả khỏi vòng tay mình các giá trị đã từng được xác lập trong dĩ vãng, và vội vàng xem sự biến mất của nó như một quy luật tất yếu của lịch sử.

Chúng ta đang có xu hướng sa đà vào phương pháp đối sánh sự phát triển Huế theo chiều đồng đại nặng hơn chiều lịch đại. Đây chính là nguyên nhân khiến cho việc quy hoạch, cũng như những dự án mang tầm tương lai của đô thị này, luôn bị ám ảnh và được tiến hành một cách vội vã, nóng lòng sợ thua kém các tỉnh bạn, hay sợ dư luận đánh giá Huế chậm chạp ù lỳ trong việc hội nhập và phát triển (nghiêng về chiều đồng đại). Trong lúc, chúng ta lại ít khi sốt ruột hay băn khoăn về việc hiện nay chúng ta đã mất, đang bị xói mòn, hay phai nhạt những giá trị từng hiện hữu, từng tồn tại và trở thành nề nếp trong quá khứ (xét trên chiều lịch đại).

Huế là nơi hội tụ hàng loạt yếu tố khách quan lẫn chủ quan, thủ đắc những “kho báu” từ một số cơ duyên hiếm hoi và diễm phúc trong lịch sử. Và, chúng ta nên hiểu, tự hào rằng không phải địa phương nào trên đất nước này cũng có được điều ấy. Nếu để mất chúng cũng đồng nghĩa là tự đánh mất điều riêng có của mình.

Hà Nội là kinh đô của nhiều triều đại. Các di chỉ khảo cổ nơi này chồng chất nhiều tầng văn hoá rực rỡ, nhưng trên góc độ nhận diện trực quan, Hà Nội có mơ cũng không thể tái hiện cho mọi người ngắm nhìn một thực thể hoành tráng nguyên vẹn và quy mô của các triều Lý - Trần - Lê như di tích Nguyễn trên đất Huế.

Các thành phố lớn khác trên khắp đất nước không ai có thể cạnh tranh với Huế về mật độ của di tích từ cung đình, quý tộc, cho đến các thiết chế về văn hoá, đức tin của các tầng lớp xã hội đa dạng, đại diện cho bộ mặt quốc gia hàng thế kỷ.

Trên khắp đất nước, không phải không có những cảnh quan sơn thuỷ xinh đẹp và thơ mộng, nhưng chẳng thể nào có một dòng sông trong xanh như ngọc bích chảy xuyên qua trái tim thành phố với hậu cảnh núi rừng chập chùng nhiều tầng điểm tô một cách đầy ấn tượng như tranh vẽ.

Và không phải nơi đâu cũng đã từng là điểm tụ hội của những tầng lớp tinh hoa nhất của quốc gia trong suốt hàng thế kỷ, cho nên, sau đó dù có ly tán thì không thể không để lại những dấu ấn, dựng nên nề nếp cho cư dân sở tại về những gì sang trọng, lịch lãm, cao quý trên mảnh đất này.

Tôi cứ hình dung và liên tưởng đến tính chất và ưu thế của từng vùng miền trong bức tranh văn hoá Việt qua hình ảnh một ngọn lau. Chúng mảnh mai nhưng khó gãy gập bởi sự mềm mại và uyển chuyển. Văn hoá của vùng châu thổ sông Hồng sông Mã cắm vào đất tổ để ngọn lau không bật gốc [SÂU]. Văn hoá miền Trung như thân lau cố định, thẳng, mảnh dẻ [TĨNH] làm cầu nối giữa gốc với ngọn lau là vùng đất Nam bộ luôn năng động và linh hoạt trước mọi biến chuyển [ĐỘNG].

Đó là ba tính chất cùng một nguồn xuất phát, bổ sung cho cây văn hoá Việt vững chãi, nhưng mỗi miền biểu lộ những ưu thế khác nhau. Chúng ta thử đối sánh những tính chất vừa nêu trên ba vùng tiêu biểu: Hà Nội - Huế - Sài Gòn/thành phố Hồ Chí Minh:

- Sự hấp dẫn của Hà Nội ngoài vị trí trung tâm của đất nước, thủ đô Việt Nam nơi có những công trình tiêu biểu mang tầm vóc quốc gia, còn vô số những công trình gối đầu trên những truyền thuyết giai thoại và truyện tích có nguồn gốc sâu xa trong lịch sử. Những gì được xem là tinh hoa của dân tộc trên nhiều lĩnh vực, luôn được nuôi dưỡng bằng độ sâu của gốc rễ trên cây văn hoá Việt. Hà nội rõ ràng lan toả sự thu hút trên góc độ SÂU này một cách mạnh mẽ.

- Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh là điểm bộc lộ sự năng động, hào nhoáng, cởi mở, tràn đầy sức sống của một cơ thể tráng kiện. Là nơi có nhiều cơ hội cho những giấc mơ thể hiện những năng lực tiềm ẩn của con người trở thành hiện thực. Chính vì vậy hấp lực của nó luôn phù hợp với tính chất động, phóng khoáng và trẻ trung. ĐỘNG chính là ưu thế không nơi nào sánh kịp của đô thị sầm uất phương Nam này.

- Huế trong mắt kẻ ly hương luôn như một tiếng thở dài: “Huế là nơi đi để mà nhớ - chớ không phải ở để mà thương”.

Có phải do Huế buồn, trầm mặc và chậm chạp ù lỳ trong bức tranh sôi động chung của đất nước? Có phải Huế bảo thủ và kênh kiệu không phải lối trong những cơ hội thay đổi mình? Có phải Huế luôn co mình e ngại với những thử thách mang tính quyết đoán hay nặng chất phiêu lưu? Có phải đây chỉ là đất cho những người thủ từ lo ly hương, bát nước, trong chiếc tổ ấm dòng tộc?, để những cánh chim hậu thế yên ả tìm sinh kế nơi trời xa… Và, có phải Huế chỉ tồn tại trong cảnh sắc mộng ảo để làm thơ, hoài niệm và không ai màng đến chuyện phản biện những phi lý đang tồn tại thâm căn cố đế trên mảnh đất này?

Phải công bằng mà nhận xét, người Huế mến mộ và yêu chiều quá khứ, nên họ sẵn sàng “xù lông” để phản đối những gì làm xô lệch hiện trạng, nhất là điểm gắn một cách máu thịt với những gì lưu lại bởi thời gian, thuở hoàng kim của dải đất kinh kỳ.

Không ai ngoài Huế, gọi không gian trong khu đô thị nhỏ bé, khiêm tốn này là “Huế mình”. Nói với nhau mà thiếu “mình” sau chữ Huế, là cảm thấy không đúng và không đủ. Chữ “Huế mình” tự thân đã hàm chứa một điều gì đó tự bảo vệ và khu trú cái “ngã” trong một không gian vật lý, lẫn tâm lý, vừa tự tôn vừa tự ti, vừa tạo rào chắn, vừa từ chối hòa tan, vừa cố tách mình ra khỏi cái chung của những cộng đồng nhỏ láng giềng.

Trên những đặc hữu của Huế vừa nêu, không bàn đến chất hay, dở, tốt, xấu.., chúng ta có thể lưu ý nhận diện ở đây những đặc thù về sở trường và sở đoản của Huế, để từ đó có thể tìm đến Huế, và tìm cho Huế một con đường đi phù hợp trong hướng nhìn về phía trước, nhưng, không làm tổn thương quá khứ mà họ cứ mãi ru mình ôm ấp.

 Việc thừa nhận theo thói quen để đánh giá sự phát triền của một đô thị, từ nhiều lý do, chúng ta thường bị lệch chuẩn bởi sự hào nhoáng của nhiều cao ốc, phương tiện dân sinh, ánh sáng, màu sắc, và tính đổi thay đến choáng ngợp trong mắt nhìn so sánh theo chiều thời gian với hình ảnh cũ… Điều này không sai, nhưng, rõ ràng không đúng cho mọi trường hợp. Chẳng hạn như Huế, nếu cứ chen chúc xây đựng bất chấp ở khu trung tâm bằng cách giành giựt những khoảng không gian trống, vốn như một nét điểm xuyết nâng cao giá trị cho kiến trúc; hoặc triệt giải những kiến trúc cổ thời thuộc địa để thay vào đó bằng những dự án cao ốc hào nhoáng nhằm đổi mới Huế, để chạy trong đường đua hiện đại hóa đô thị, thì vô tình, chúng ta đang lấy sở đoản của mình cạnh tranh, hoặc bị cuốn vào ‘cuộc chơi” sở trường của những thành phố trẻ. Sự đúng sai trên mặt lý thuyết lẫn thực tế trong trường hợp này đã quá rõ.

Thật khó giải thích nếu vì cứ mãi cảm thấy sốt ruột khi nhìn sự thay đổi của kẻ khác, trong lúc việc giữ lại mình và làm đẹp mình lên lại bị xem thường, quên lãng hoặc thấy không có lợi lộc gì.

Công viên thơ mộng, hoa cỏ, cây xanh, được chăm chút, con người hiền hòa lịch sự xen chút khó hiểu, đường phố sạch đẹp, di tích được trân trọng chăm chút, có những giải pháp tốt trong việc giữ gìn an ninh trật tự và nề nếp văn minh, ăn uống tinh tế, tiểu vẻ, và cần khám phá, giải trí thì nhẹ nhàng, ý vị… Đó là điểm khó tìm ở bất cứ đâu trên đất VN. Chẳng cần theo đuôi ai, Huế sẽ là nơi có nhiều khách du lịch, thậm chí là khách sang, chịu chi tiêu và thuộc giới lịch lãm.

Đó chính là cái TĨNH hấp dẫn và thúc đẩy người khác khám phá Huế. Không dụng cái tĩnh để giới thiệu Huế thì thật khó để nói về điều riêng có của mình

Gọi hiện tượng này là bảo thủ ư?, khi chúng ta nhận diện được sự khác biệt, và làm nên một xứ Huế không giống ai. Đây không phải là lời giải của bài toán của du lịch hiện đại sao?

Trong mắt chúng tôi, Huế sẽ trở thành một vùng đất khó quên khi ghé đến, một điểm hút đối với du khách mỗi lần dừng chân, nếu chúng ta tập trung sự quan tâm một cách chí tình và khoa học trong 3 vấn đề sau:

- Cảnh quan: Mỗi quyết sách tô điểm không gian thiên nhiên cho Huế phải được phân tích bằng một hệ lý thuyết được xây dựng trên những luận chứng về khoa học cảnh quan (cây xanh, hoa, chiếu sáng, lề đường, công viên...), để từ đó có thể tôn tạo những nét đẹp vốn có và rất đặc thù của thành phố này một cách hợp lý, chứ không phải là những quyết định mang chất cảm tính hay dễ dãi đáp ứng với những gì mình vốn có sẵn. Sự hào nhoáng loè loẹt (biểu hiện của cái giàu trọc phú) hình như đối lập với sự yên ả nhu hoà của cảnh quan Huế (không giàu nhưng sang cả).

- Di tích văn hoá lịch sử: Dù muộn nhưng chúng ta phải bắt đầu đến với di tích bằng quan niệm đó không chỉ là kiến trúc và khuôn viên độc lập cho chính nó. Mỗi di tích đều là một “thành viên” liên quan không chỉ làm đẹp chính mình mà phải đặt nó trong mối liên kết với một tổng thể hoàn chỉnh và đúng nghĩa của một thành phố di sản. Vì vậy, trong quy hoạch tổng thể phải giữ cho được một Huế yên tĩnh, trong lành cổ kính, và một Huế khác lộng lẫy sôi động ở khu đô thị mới phía bên ngoài, phía xung quanh. Nhất quyết không chen chúc một cách vô tội vạ ở khu trung tâm để chúng đối kháng lẫn nhau, làm mất đi hình ảnh của một thành phố từng sống một cách đầy ấn tượng trong lòng nhiều người khi nghĩ đến nơi này.

- Con người và văn hoá Huế: Tại sao Huế hiện hữu một cách phong phú và tràn ngập trong nhiều áng văn chương, thơ, nhạc.. từ các nghệ sĩ khắp nơi khi đến Huế, chứ không riêng gì cư dân tại chỗ? Hẳn nhiên, không chỉ do cảnh sắc Huế đẹp mà tính cách con người ở đây đã đóng một vai trò không nhỏ. Những gì làm nên tính cách người Huế, lễ nghĩa, thong dong thong thả, thâm trầm, nề nếp... đã từng lan toả khắp mọi nơi, nay đang lặng lẽ mất dần để thay vào đó là sự hoà tan một cách đáng tiếc vào những xu thế của lối sống thực dụng, vội vã và cứ luôn bị ám ảnh sợ bị tụt hậu so với kẻ khác.

Tôi thì hoàn toàn không có ý phản đối, nhưng thật lòng không hào hứng với những phong trào “vực Huế dậy”, “đánh thức Huế”, “làm mới Huế” bằng những logo, slogan rất kêu như “Huế: kinh đô áo dài”, “Huế: kinh đô ẩm thực”, “Huế: thành phố không còi xe” “Huế: thành phố không khói thuốc”, “Huế: thành phố bốn mùa hoa”... Huế trong tôi luôn khiêm tốn ẩn chứa môt sự kiêu hãnh ngầm. Huế trong tôi luôn bí ẩn và buộc mọi người phải khám phá. Huế trong tôi thâm trầm, từ tốn, và không bị cuốn vào một cách vội vã mọi xu hướng nhất thời. Huế không mặc cảm vì nghèo, mà chỉ nuối tiếc điều sang trọng ẩn tàng trong hệ ứng xử đang dần bị đánh mất. Đó chính là cái riêng và chất thu hút không cùng của thành phố này.

Một mâm cơm nguyên liệu đạm bạc nhưng không ai dám coi thường đó là một bữa ăn bình dân; chiếc áo dài không chỉ là thân thể với y phục mà còn là dáng điệu, phong thái hoà hợp một cách tuyệt vời với người mặc nó; khu vườn Huế mới nhìn qua tưởng như vườn tạp hay vườn rừng, nhưng nó ẩn chữa cả một triết lý nhân sinh và cách đối đãi của chủ nhân và thiên nhiên nơi mình sinh sống; lời thưa, tiếng dạ không phải là sự khép nép, khiêm cung và tuỳ ngữ cảnh có khi đó là một sự phủ định, từ chối nghiêm khắc và quyết liệt.

Rồi tự nó sẽ toả sáng và Huế tự nó sẽ tạo nên hấp lực, bên cạnh những điều giới thiệu mình một cách khiêm tốn nhưng không phải không ẩn chứa niềm kiêu hãnh.

 Tất cả những điều ấy bộc lộ cái TĨNH của Huế bên cạnh cái SÂU của Hà Nội và cái ĐỘNG của Sài Gòn Thành phố Hồ Chí Minh.

 Những gì riêng có đầy ấn tượng của Huế chính là các “mảnh ngọc bích” đang bị vỡ vụn trong không gian lẫn thời gian, chúng ta nhất thiết phải tìm lại nếu chúng đã mất, phải nuôi dưỡng nếu chúng đang trên đà mai một và phải phát triển những gì chúng đang được duy trì.

 Tôi muốn được nhấn mạnh một lần nữa, giữ gìn giá trị của những nề nếp cũ không phải là động thái quay lại ngưỡng mộ quá khứ, mà là một cách dọn đường đầy trí tuệ để xác lập cái riêng trên nền dự phóng tương lai. Tất nhiên, chúng ta không quên tận hưởng những giá trị đương đại để bồi đắp cho những gì vốn có trở nên hoàn hảo nhất trong điều kiện có thể.

Nếu không từng chứng kiến, không có ký ức, kỷ niệm về những giá trị mà chúng ta đã từng thủ đắc, thì hãy cùng nhau tìm lại, đọc lại, nghe lại... để biết mình đã bỏ rơi khỏi tầm tay những gì đáng quý lúc nào, và tại sao,... để từ đó biết tiếc nuối, biết tự hào và cùng nhau khôi phục lại bằng nhiều cách.

Tôi nghĩ rằng sẽ không ai ngoảnh mặt với quá khứ tốt đẹp mà Huế đã từng một thời là niềm tự hào, là điều đặc hữu được mọi người thừa nhận. Cho nên, đó cũng chính là điểm thuận lợi nếu chúng ta thiết tha với việc “tìm lại thời gian đã mất”.

Điểm hấp dẫn của du lịch, ấn tượng về nét đặc trưng văn hoá, suy cho cùng, đó là sự khác biệt mang tính tích cực… Và, Huế đang là nơi thấp thoáng những bí ẩn cần sự khám phá…

 Thiên nhiên, lịch sử - văn hóa Huế đã hàm chứa nhiều điều mà ai cũng nhận ra. Vấn đề làm nó toả sáng là của chúng ta.

Xin được kết thúc bài viết của mình bằng một giai thoại liên quan đến Phùng Quán có tôi dịp được nghe qua câu thơ mang tính tổng kết về Huế (chưa có cơ hội kiểm chứng).

Mưa!

Đá hoá bùn.

Nắng!

Bùn hoá đá.

Con sông dịu dàng như một lưỡi gươm.

Người nhút nhát, tự thiêu khi nổi giận.

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng