TRẦN ĐẠI VINH
1. Các trầm tích văn hoá tộc người và gốc gác di dân
Xứ Huế từ thuở đầu công nguyên đã là vùng đất giao thoa giữa văn hoá Đông Sơn và văn hoá Sa Huỳnh. Từ thế kỉ III là một tiểu quốc trong vương quốc Champa. Từ đó đã có những thành tựu xuất sắc trong xây dựng kiến trúc đền tháp, tượng tròn và phù điêu, còn để lại di sản ngày hôm nay.
Từ năm 1307, sau khi Đoàn Nhữ Hài vào tuyên bố đức ý của triều Trần, đổi tên hai châu Ô - Rí thành hai châu Thuận - Hoá, cộng đồng nhân dân đa sắc tộc của tiểu quốc phía Bắc Champa cũ đã sinh sống dưới triều đại mới. Cũng từ đó việc di dân từ phía Bắc vào ngày càng nhiều. Đến khoảng 1380, vùng cư trú của các sắc dân cũ và dân di cư mới đã thành lập được 7 huyện: Sạ Lệnh, Lợi Bồng, Bồ Đài, Bồ Lãng, Trà Kệ, Thế Vinh và Tư Dung.
Nhưng đợt nhập cư đời Hậu Lê mới đông đảo nhất. Cho đến đầu thế kỉ XVI, các làng định cư đã phân bố khắp đồng bằng, lập nên 6 huyện:
- Kim Trà 63 làng.
- Đan Điền 54 làng.
- Tư Vinh 69 làng.
Đến giữa thế kỉ XVIII, thống kê được:
- Hương Trà 81 làng, 7 thôn, 18 phường, 1 giáp.
- Quảng Điền 74 làng, 7 thôn, 7 phường.
- Phú Vang 78 làng, 9 thôn, 56 phường, 4 sách, 1 chợ.
Cộng chung 233 làng, 23 thôn, 71 phường, 1 giáp, 4 sách, 1 chợ.
Ở vùng núi rừng còn có nhiều thôn bản của các tộc người Pa cô, Pa hi, Ka tu sống du canh du cư, số lượng không thống kê được.
Xét về nguồn gốc của dân nhập cư thì đa số là người Thanh Hoá, Nghệ An. Lẻ tẻ cũng có một số ít làng gốc gác từ Thăng Long, Hà Nam, Hà Đông, Nam Định hay Bắc Ninh, Bắc Giang…
Năm 1786 các làng lớn ở Huế, mỗi làng tiếp nhận khoảng 50 dân đinh vốn là quân lính Tây Sơn có quê hương từ Quảng Nam đến Phú Yên, là quân bản bộ của Nguyễn Huệ.
Từ năm 1801 lại bổ sung một số quan, dân gốc Nam Bộ lần lượt theo Nguyễn vương trở về Phú Xuân, về sau một số họ đã quy tụ lập ấp Nam Trung tại huyện Phú Vang, nhưng cư trú rải rác ở xung quanh đô thị Huế.
Dưới đời Quang Trung, một số người quê ở miền Bắc đã về công cán, trú ngụ ở Phú Xuân trong khoảng trên 10 năm, nhưng khi Quang Toản rút chạy ra Bắc thì họ lại trở về quê cũ.
Dưới đời Gia Long một số danh sĩ hay quan viên đất Bắc cũng được mời về làm quan ở Huế. Tiếp sau là số người đỗ đạt thi Hương, thi Hội khắp cả nước được bổ hay thuyên chuyển làm quan ở kinh đô Huế.
Giới thợ thủ công có năng lực cũng được trung tập về Huế. Như nghề thợ đúc với dân ngũ xã (Thăng Long, Kinh Bắc), dân Phước Kiều (Quảng Nam), dân Phan Xá, Hoàng Giang (Quảng Bình) đã về xây dựng nên 5 dãy thợ đúc bên hữu ngạn sông Hương và định cư tại đây. Nghề kim hoàn do các vị tổ Cao Đình Độ, Cao Đình Hương quê Cẩm Thuỷ, Thanh Hoá, được trưng tập vào kinh Phú Xuân từ đời Quang Trung, đã truyền nghề cho con dân làng Kế Môn, Vĩnh Xương. Nghề mộc đã có những làng nghề chuyên mộc ở Huế như Phước Tích, Địa Linh, Đường Long, Lương Mai, nhưng cũng bổ sung thêm thợ giỏi vào làm các công trình xây dựng cung điện. Một vị đã dừng lại ở Mỹ Xuyên và truyền nghề cho con dân nơi đây. Nghề chạm mộc bản chữ Hán, do nhu cầu cũng được một số người dân làng Lựu Bảo tiếp nhận thay thế cho những người thợ Bắc phải trở về quê hương. Nghề nề hình thành do nhu cầu cung đình, trưng tập nhiều người thợ xây đá, xây gạch về cư trú ở Huế và lan truyền nghề này một cách rộng rãi cho các phổ nề ngoã tại Huế. Nghề ngói gạch đã có ở làng Đào Cù nhưng sau đó tiếp nhận thêm dân nghề Thanh Hà, Quảng Nam làm nên ấp Nam Thanh.
Tại Huế và phụ cận từ thế kỉ XV đã có rải rác những người Việt gốc Hoa đến cư trú, tạo thành các họ như họ Quách (làng Phú Lương, An Thành), họ Sử (làng Thanh Hương), họ Lương (làng Phước Tích), họ Ngô (làng Phù Bài), họ Nguyễn (làng Phú Bài), họ Thẩm (làng Văn Xá). Từ thế kỉ XVII đến XX, đáng kể là các họ tại làng Minh Hương, và các họ Vương, Nhậm, Hầu… ven biển Phú Vang.
Cũng từ đó nhiều người Hoa đến lên cư trú ven phố Gia Hội, ngày nay tập trung tại đường Chi Lăng với các bang người Hoa như Hải Nam, Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu.
2. Việc tiếp nhận các tư tưởng Á Đông và Tây phương
Hệ tư tưởng Nho, Phật, Đạo đã truyền bá vào Việt Nam từ thời kì Bắc thuộc, sau đó lại được các vương triều chủ động tiếp nhận, làm thành mảng văn hoá truyền thống Á Đông, mà cư dân Huế đã tiếp nhận sâu sắc.
Từ khoảng 1625 đã có các linh mục dòng tên người Âu đến truyền đạo dần tạo thêm một tôn giáo, một hệ ý thức mới. Huế cũng là nơi có những giáo xứ toàn tòng tiếp nhận đức tin Chúa và Mẹ từ thế kỉ XVII. Trong dân gian, loại hình tín ngưỡng dân gian đã chi phối đa số người dân Huế.
Việc học tập khoa cử tại vùng đất này đã phôi thai vào đầu thế kỉ XVI, và mở rộng dần cuối thế kỉ XVII cho đến thế kỉ XIX, tạo nên một tinh thần hiếu học một cách thiên lệch: học để làm quan, học để có bằng cấp nhằm mưu sinh hay thăng tiến.
Việc học trong nhà trường Pháp Việt phổ biến từ năm 1907, với bản học quy của viện cơ mật, năm Thành Thái thứ 18, tống đạt về tận các làng. 10 năm sau đã kết thúc việc khoa cử chữ Hán. Dần dần tư tưởng dân chủ tư sản đã được truyền bá. Tư tưởng cách mạng vô sản cũng lan truyền đến đây. Ngay trong địa hạt văn nghệ cuộc tranh luận vì nghệ thuật hay nghệ thuật vì nhân sinh cũng bùng bổ tại đây.
3. Quy luật giao lưu tiếp biến giữa văn hoá dân gian và văn hoá cung đình
Tất cả văn minh vật chất hay tinh thần cơ bản phát xuất từ dân gian, đến khi nổi tiếng thì được phủ Chúa đón nhận, giúp cho có điều kiện phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu của cung đình. Sau đó thông qua việc giao lưu gần gũi với các ông hoàng bà chúa ở các phủ đệ lập ở ngoại thành, sự tiếp nhận và truyền bá của gia đình quan lại, đã lan truyền dần ra dân gian.
Ví dụ tiêu biểu nhất như nghề chế biến món ăn hay nói thẳng ra là nghề đầu bếp. Khi phủ Chúa đóng ở Phước Yên, một số người dân Phước Yên được trưng tập làm lính bếp nấu ăn cho phủ Chúa. Cho đến các đời vua Nguyễn, dân Phước Yên được chọn đi lính được phục vụ trong các đội, ty lý thiện hay thượng thiện. Nếu dân Phước Yên không đủ cung cấp cho đội này thì lấy lính sở các làng khác xung quanh để kèm cặp, rèn luyện trong thực tiễn trở thành một đội ngũ đông đảo lính nấu ăn phục vụ cho hoàng gia nhất là trong các đại lễ hay đại yến. Hết hạn lính, họ lại được các phủ đệ mời về chỉ bày việc chế biến cho các hầu thiếp tôi tớ ở các phủ đệ. Có trường hợp duy nhất là bà Trương Đăng Thị Bích, con gái quan lớn Trương Đăng Quế gả làm phủ thiếp của ông hoàng Tùng quốc công Miên Thẩm, đã đúc rút kinh nghiệm thành những bài ca chỉ bày cách nấu ăn “Thực phổ bách thiên”. Từ đó càng dễ truyền bá ra các phủ đệ.
Lại thêm sông ngòi và đầm phá Huế đã đem lại món thuỷ sản vùng nước lợ của Tam Giang - Cầu Hai, các làng chuyên canh rau như Thành Trung, Diên Đại, Xuân Ổ, Vĩnh Xương, Thế Chí, Niêm Phò, Phước Yên, các làng nuôi lợn kiêm nấu rượu như Dương Sơn, An Thành, An Truyền, các làng có nghề mổ lợn như Phú Lễ, mổ trâu bò như Vân Dương, An Hoà đã tạo thêm nhưng thuận lợi cho nghề nấu bếp cung đình.
Tất nhiên luật pháp của triều đại phong kiến đã có nhiều cấm đoán, khắc khe như cấm dân không được xây cất các kiểu nhà chữ công,chữ môn, ngay các phủ đệ cũng không được chạm khắc, trang trí mỹ lệ, hạn chế chiều cao, kích tấc của công trình. Vì thế nhà cổ ở Huế thấp hẹp, tối tăm, ẩm thấp.
Nhưng từ giữ thế kỉ XX khi vương triều không còn nữa, các thợ nề ngoã mộc chạm, xây dựng tha hồ làm theo yêu cầu của dân gian. Bộ tứ linh to lớn khảm màu rực rỡ đã ngự trị trên các nóc mái đình, nhà thờ họ.
Trong xu hướng giao lưu tiếp biến văn hoá cung đình, hơn bất cứ địa phương nào khác, xứ Huế ngay cạnh kinh đô, nên đã tiếp nhận nhiều hơn các ảnh hưởng của văn hoá cung đình, từ đó làm nên đặc thù trong lối sống của người Huế. Những ảnh hưởng tiêu biểu trong lối sống như sau:
1. Lối sống nhàn nhã, thanh lịch, hưởng thụ thanh cao.
2. Lối cư xử theo lễ giáo Á Đông.
3. Lối chế biến thức ăn, cỗ bàn cầu kì, ngon mắt và ngon miệng.
4. Lối phục sức trang nhã lịch sự.
5. Lối nói hoà nhã lịch thiệp.
6. Lối bố trí cảnh quan nhà vườn hài hoà.
7. Lối sống đề cao đạo lý.
8. Niềm tin sâu sắc về tôn giáo và tín ngưỡng.
9. Lối thờ cũng tổ tiên và thần linh chuẩn mực.
10. Lối phản ứng chậm vì suy nghĩ chín chắn.
Và từ đó, có người, có vùng nếu không biêt quân bình sẽ dẫn đến những thái quá, như việc xây cất lăng mộ to lớn, kiểu cách, phức tạp của cư dân có tiền hỗ trợ từ con cháu ở nước ngoài.
4. Hoàn cảnh kinh tế, điều kiện phát triển công thương nghiệp hạn chế
Huế không có được địa lợi, ruộng đất hẹp, khí hậu khắc nghiệt, giao thông thuỷ bộ bất tiện. Đô thị lại không có nhịp sống sôi nổi, tất bật làm ăn mua bán như các vùng khác. Xưa nay chỉ là đô thị dành cho học sinh, sinh viên, công nhân, viên chức, của người hưu dưỡng. Đó là kiểu đô thị êm đềm người dân chỉ thức đến 10 giờ đêm trong ngưỡng cửa gia đình. Tình trạng kinh tế tài chánh của người dân Huế cũng hạn chế, không có đông đảo người giàu có, tiêu xài rộng rãi, vì thế không kích thích cho nghề thủ công mỹ nghệ phát triển. Vì thế người thợ mộc Mỹ Xuyên phải đi làm ăn tận Sài Gòn, Hà Nội vì ở đó mới những người giàu có có nhu cầu xây dựng nhà rường, trang trí chạm khắc kéo dài hàng năm.
Người Huế không đánh đổi bình yên lấy giàu có. Đây là địa phương ít người đăng kí đi lao động nước ngoài theo các hợp đồng có tổ chức của nhà nước. Một vài làng có một số người đi Lào làm ăn, nhưng đó là do có số bà con đi trước làm chỗ dựa.
Do các thuận lợi về các trường sở đào tạo và bản tính từ ái, khoan hoà, người Huế ưa làm thầy thuốc, thầy giáo, viên chức, tu sĩ, dần dà tạo ra những thiên hướng trong gia đình và xã hội.
Trừ dòng họ Nguyễn Phúc và các nhánh công tính tham gia làm vua chúa, hoàng thân, quan lại cao cấp, các dòng họ bách tính ở Huế phải học tập đỗ đạt mới được bổ dụng làm quan, hoặc những người có công lao phò tá hoặc có quân công mới được thăng dần lên cấp cao. Người dân Huế không có thiên hướng mong làm quan lớn, trừ một vài nhân vật mà hoàn cảnh lịch sử đã tạo nên hoàn cảnh thăng tiến. Người Huế có học có xu hướng làm quan tham mưu, đóng vai trò quân sư hơn là chủ soái. Đó cũng là rút tỉa bài học về đạo của Lão Tử: “Hậu kì thân nhi thân tồn, tiền kì thân nhi thân vong”.
Nhìn chung, người Huế đã thấm nhuần tư tưởng của tam giáo và vận dụng trong suốt cuộc đời của mình. Tuy nhiên, mức tín mộ sâu cạn thế nào còn tuỳ trình độ nhận thức của mỗi người, tuỳ môi trường hoạt động của mỗi người, thậm chí còn do truyền thống của gia đình. Đó chính là những yếu tố nền tảng làm nên văn hoá Huế, con người Huế.