MAI KHẮC ỨNG
Bất chợt. Tưởng như có con lợn chạy giữa sân điện Cần Chánh tại Hoàng thành Huế. Định thần lại tôi đã nhìn thấy chúng trong mấy ô trang trí bên thân hai chiếc vạc đồng đúc thuở Kim Long còn là phủ chúa dưới thời Hiền vương Nguyễn Phúc Tần (1648 - 1687) mà lạc khoản lại ghi Thịnh Đức thứ 8 và Thịnh Đức thứ 10. Bản chú thích bên hai vạc này ghi là đúc năm 1660 và 1662.
Vua Thần Tông Lê Duy Kỳ có đến 4 niên hiệu: Khánh Đức (1649 - 1652), Thịnh Đức (1653 - 1657), Vĩnh Thọ (1658 - 1661), Vạn Khánh (1662). Năm 1660 ứng với Vĩnh Thọ thứ 3. Năm 1662 ứng với Vạn Khanh nguyên niên. Vì là hai Đàng nên bên ngoài đổi niên hiệu rồi mà bên trong chưa biết cứ y như cũ. Chỉ từng đó thôi cũng đã thấy vấn vương, đủ để gợi ý đưa ta tìm lại bóng dáng Thăng Long trên đất Huế thuở xa xưa ấy. Đầu tiên là con lợn trên vạc đồng thời Lê Thần Tông. Thật đấy. Bám theo bốn năm con lợn chạy vòng quanh hai cái vạc đồng Thịnh Đức, tôi lại nhìn thấy thêm mấy con chim mỏ sừng và một lô các chú hươu ổ. Mô típ trang trí ở đình Thổ Hà và đình Lỗ Hạnh thế kỷ XVII trên đất Bắc, mà cố Giáo sư Nguyễn Du Chi đưa vào trong các bài viết của ông, đã chỉ đường cho tôi nhìn thấy Thăng Long nơi vạc Nguyễn không sai vào đâu được.
Giữa thế kỷ XVII Trịnh, Nguyễn đánh nhau đến 7 trận ác liệt trong và ngoài lũy Trấn Ninh, lũy Trường Dục (Đinh Mão, 1627; Canh Ngọ, 1630; Ất Hợi, 1635; Mậu Tí, 1648; Ất Mùi, 1655; Tân Sửu, 1661; Nhâm Tí, 1672). Vậy mà chúa Nguyễn đúc vạc, hươu lợn, chim muông Thăng Long vẫn ùa vào. Đã bảo người Huế có tự trên trời rớt xuống đâu. Kẻ trước người sau tiếp sức nhau đi mở nước. Người đi thì nghề đi. Con hươu ổ Thổ Hà theo vào nằm gọn trong những ô hoa văn hình chữ nhật bên thân vạc chúa Hiền làm mầm Thăng Long mọc lên giữa Huế. Bốn thế kỷ hơn. Kể từ năm đó. Đâu phải một hai ngày. Từng lớp. Từng lớp mang tâm thức văn hóa Thăng Long, mang nghề từ Thăng Long, nói cho có tính tổng quan hơn là Đàng Ngoài, liên tiếp bổ sung, tăng cường cho Đàng Trong, đương nhiên là đọng lại ở Huế trước khi phát tán vào xa hơn là điều đã xẩy ra. Con lợn chạy thấp thoáng giữa sân điện Cần Chánh đủ cho ta nhận ra Thăng Long trên đất Huế rồi. Lên Thiên Thụ lăng ta lại gặp các mô típ trang trí ở lan can bậc cấp trước cửa điện Minh Thành, bên hồ Dài, sao mà giống những bức hoa văn ở Văn Miếu, Quốc Tử Giám và ở chân đàn Nam Giao Thái Hà ấp, Hà Nội thế. Ối giời ơi! Tôi kêu lên. Lại Thăng Long đây nữa này. Lê Văn Thanh, con trai nhà bác học Lê Quý Đôn đi tìm địa cuộc xây lăng Thiên Thụ lẽ nào không có người Đàng Ngoài cùng vào với ông. Thuở đó, đầu thế kỷ XIX xây dựng kinh đô Huế, thợ cả nước góp tài. Người Đàng Ngoài thế tất phải đông. Vì nghề Đàng Ngoài trội hơn là cái chắc. Người Đàng Ngoài vào đã làm nên làng Gốm Phước Tích, làng điêu khắc Mỹ Xuyên, làng kim hoàn Kế Môn, làng kim khí Mậu Tài, làng đúc Dương Xuân ban đầu, để rồi về sau tách thành phường Đúc, làng mộc Phước Yên, làng rèn Hiền Lương… từ những thế kỷ trước. Đàng Ngoài gần cho đến nay vẫn còn làng mộc Thái Yên, thuộc xã Đức Bình huyện Đức Thọ, làng rèn Trung Lương thuộc xã Đức Hồng, Thị xã Hồng Lĩnh. Thái Yên - Phước Yên, Trung Lương - Hiền Lương có dan díu gì không mà sao toàn dân rặt một nghề mộc, rặt một nghề rèn lâu đời đại trà đến vậy. Nhiều nữa, ví như Cương Gián ở huyện Nghi Xuân, Kim Đôi của huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) vào Quảng Công, Quảng Thành thuộc huyện Quảng Điền hồi nào? Văn hóa Đàng Ngoài chảy vào Đàng Trong cứ đọng lại thành trạm bên đường thiên lý cho ta một cái nhìn anh em nghề, anh em làng nghề.
Trải qua hàng ngàn năm với nhiều mối quan hệ phức tạp và lắm can qua bởi phương Bắc, để khỏi bị diệt vong, Việt Nam đã sớm biết tổ chức cư dân thành từng cộng đồng làng xã, biết dựa vào sức mạnh ấy và biết hoá giải để cùng tồn tại. Tuy vậy, lịch sử cũng lại dạy dân tộc Việt Nam, muốn vững mặt bắc phải củng cố mặt nam. Ý thức được điều đó, nên nhiều thế hệ tiếp sức nhau giản nhanh về phía trong để có đất mà làm điểm tựa. Thế đứng của Việt Nam buộc dân tộc Việt Nam phải vậy. Có người mơ ước rằng giá như trời thương mà cho một dòng sông rộng hơn Dương Tử, rộng hơn Hoàng Hà chảy từ Vân Nam ra bán đảo Lôi Châu để Quảng Tây, Quảng Đông nằm bên tả ngạn, Việt Nam nằm riêng bên hữu ngạn thì môi hở một chút nhưng bắc nam hai ngả đỡ đau biết nhường nào? Trên thế gian này sự chung biên giới quốc gia và vùng lãnh thổ là của mọi châu lục. Dường như ở đâu cũng đều êm thấm, ổn định. Riêng ta chưa được một ngày yên. Chiến tranh xâm lược và chống xâm lược thế kỷ nào cũng xẩy ra. Thắng hay thua đều chịu thiệt. Cột mốc biên giới đời trước dựng đời sau dời. Cửa ải đời trước xây đời sau chuyển. Thế ta lòng bạn khó lường. Mới biết người xưa thật sự tốt, thật sự tài. Xin nghiêng mình trước anh linh người xưa giữ nước.
Nguyên suy, Minh thịnh, nguy cơ xâm lược từ phương Bắc buộc Việt Nam phải biết đề phòng. Hồ Quý Ly vừa chuẩn bị dời đô vào Thanh Hóa, vừa lập ngay các châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa. Quân xâm lược thế kỷ XV thắng được Hồ Quý Ly nhưng đất nước Đại Việt đã mở xa về phương Nam làm chỗ dựa cho cuộc kháng chiến của Lê Lợi.
Với xu thế ấy, các chúa Nguyễn đã xác lập nên xứ Đàng Trong vươn tới nam Trung Bộ và Nam Bộ ngày nay.
Đối lập, nên Nguyễn cố bứt ra khỏi triều đình Lê - Trịnh mà xây dựng giang sơn riêng. Nguồn gốc sinh thành, tâm lý truyền thống với mục tiêu phò Lê để tìm sức ủng hộ của dân chúng lại trói chặt Đàng Trong vào chân Đàng Ngoài. Càng chống Trịnh, càng xuất hiện lực ly tâm, lại càng bị sức hút bởi lãnh thổ cố quốc. Căm ghét họ Trịnh nhưng lại dan díu với Thăng Long máu thịt làm nên tính đề kháng và kế thừa, ly khai và đoàn tụ.
Hai mặt liên kết và đối lập ấy cứ hằn lên trong mọi hoạt động của cộng đồng dân cư Thuận - Quảng. Tuy về danh nghĩa, Đàng Trong vẫn là một xứ của nhà Lê. Nhưng thực tế đã là một vùng lãnh thổ biệt lập nên nội trị, ngoại giao đều do các chúa Nguyễn toàn quyền định đoạt. Sự giao lưu buôn bán với nước ngoài được tự do thiết lập. Kinh tế, văn hoá, xã hội đều phát triển trong bối cảnh riêng của nó. Tình thế phát triển đó đã làm nẩy sinh ra một thực tế không bình thường là Thuận Hoá đứng yên, quy tư duy quản lý đất nước trong tầm nhìn hẹp theo vùng lãnh thổ một trấn nghèo biệt lập, nằm giữa đèo Ngang và đèo Hải Vân. Quảng Nam thì từ khi vượt được đèo Cù Mông rồi vừa hưng phấn vừa có đà bươn vào tận Châu Đốc, Hà Tiên. Vậy là trình độ chỉ huy một trấn phải rướn lên quán xuyến toàn dải lãnh thổ rộng dài mới mở và khả năng chỉ quen cai quản thừa tuyên Quảng Nam lại phải ôm cả vùng đất dân chưa thuần, địa bàn chưa thuộc. Vua Lê ngồi trên ngai vàng của họ Trịnh không đủ tầm quan tâm biên viễn cực nam. Họ Trịnh sợ họ Nguyễn lớn mạnh nên không muốn Đàng Trong được quyền lập dinh định phủ. Họ Nguyễn thì còn mang ý thức lệ thuộc vua Lê chưa đủ tư cách pháp nhân lập đơn vị hành chính mới và bổ dụng quan chức, đâm ra lúng túng. Trước tình thế không tương xứng giữa năng lực quản lý và phạm vi lãnh thổ đó, nếu được toàn dân nhận ra, cùng có trách nhiệm cộng đồng, chia sẻ và nhà cầm quyền không bị nạn tham nhũng lũng đoạn hoành hành thì có thể lượng theo thời gian để điều chỉnh, khắc phục. Thật tiếc. Thực tế không diễn ra như thế. Biến cố dữ dội cuối thế kỷ XVIII giống như một cơn lốc xoáy giữa cánh đồng hoang vừa mới khai phá mà lúa, ngô, khoai, sắn mùa đầu còn non lại phải chen giữa cỏ dại bùn lầy, khi dân cư chưa kịp tổ chức thành làng xã ổn định. Những người say sưa đi mở nước bị đánh bất ngờ bỏ cuộc và tan rã. May mà gió bão qua nhanh. Nước Đại Việt thuở Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê cương giới phía nam chưa vượt đèo Cù Mông đã lớn thành xứ Đàng Trong thời chúa Nguyễn. Năm 1774 họ Trịnh xoá bỏ ranh giới sông Gianh. Năm 1786 Nguyễn Huệ Bắc tiến lật đổ triều đình Lê - Trịnh vô hình trung đã tạo điều kiện thuận lợi, hợp pháp cho nhà vua Nguyễn Thế Tổ thiết lập Vương triều ngay từ tuổi đầu thế kỷ XIX không vướng chân ai. Nhà vua Nguyễn Thánh Tổ nối ngôi (1820 -1840) đã đổi tên nước Việt Nam thành Đại Nam để sánh với Đại Thanh có lẽ xuất phát từ sự hưng phấn chung. Như vậy là sự lớn lên về lãnh thổ dĩ nhiên kéo theo sự lớn lên về ý thức và cả về bổn phận. Thời nào cũng vậy. Mỗi lớp người đều có sứ mệnh cao cả đối với non sông ở thời họ sống. Nhờ vậy mới có đất, có nước để chuyển giao và để thừa kế.
Một quốc gia đa dân tộc xuất hiện trong quá trình đấu tranh tránh thiên tai, chống địch hoạ dai dẳng hàng nghìn năm, đến thế kỷ XIX càng được khẳng định. Từ sự gồng lên để giữ mình tránh bị tiêu diệt, chống bị đồng hoá, dân tộc Việt Nam buộc phải tiếp thu một cách hữu thức văn minh Trung Hoa là một điều hiển nhiên. Các loại hình văn hóa phương Bắc thuở đó giống như chiếc áo khoác ngoài buộc người Việt Nam phải nhận. Chưa thể khước từ nhưng ý thức chống nô dịch và chọn lọc để tiếp thu thường xuyên đều phải cân nhắc. Vì vậy, khi quân thù rút chạy thì mọi thứ văn hoá áp đặt, khiên cưỡng nhanh chóng rời khỏi tâm thức và cuộc sống người Việt, chỉ để lại những gì cần thiết có thể thích nghi và dần dần được Việt hoá.
Bản lĩnh, bản sắc văn hóa dân tộc được nuôi dưỡng, giữ gìn bằng sự nhắc nhở thường xuyên về cội nguồn con Rồng, cháu Tiên, về dòng giống Lạc - Hồng… Giữ được tinh hoa văn hóa dân tộc trong hoạn nạn càng có sức bật dậy trên cái nền tự chủ của một quốc gia thống nhất. Nghìn năm Bắc thuộc và sau đó lại phải trải qua những cuộc xâm lăng phi lý, tàn bạo mà kẻ thù thời nào cũng tìm mọi cách cướp và triệt phá để xoá sạch mọi dấu vết bản địa do ông cha ta làm nên. Nhưng cốt cách và bản lĩnh nòi giống làm lõi cho sự phát triển về sau thì không đời nào bị mất. Di sản thuộc nền văn hóa Thăng Long trên mỗi chặng đường như Diên Hựu, Phật Tích, Trăm Gian, Bút Tháp, Thái Lạc, Đình Bảng, Chu Quyến, Tây Phương, Tây Đằng… còn sót lại không chỉ là mẫu thức mà còn là chỗ dựa tâm tình, nguồn gốc để văn hoá Huế tiếp thu và trưởng thành.
Ngoài những điều vừa nói, Huế mà rộng hơn là xứ Đàng Trong trước thế kỷ XIX đã có mặt những người Việt cổ thuộc cư dân Đông Sơn chung sống bên cạnh cư dân Sa Huỳnh. Có thể có những người Việt do biến cố bất ngờ trên biển bị dạt vào đất liền tị nạn rồi ở lại tham gia quá trình thành lập vương quốc Chămpa. Lại có thể có những người Chăm đã ở lại với Đại Việt khi Ô, Rí trở thành Thuận Hoá. Các lớp cư dân ấy đã đón nhận và chung sống với những đoàn Nam tiến có tổ chức từ sau đám cưới Trần Huyền Trân. Họ giống như những con suối nhỏ đầu nguồn hợp dòng, tích tụ (vừa có di truyền vừa có biến dị) để làm nên sông, nên đầm phá ngoạn mục. Thăng Long là mạch chủ trong sự tổng hoà các chi lưu đó.
Nhìn lại quá trình lập họ, lập làng qua gia phả, tộc phả, hương phả mọi người có thể nhận ra chân dung của mỗi thời kỳ. Làng mang tên một họ: Bùi Xá, Hoàng Xá, Lê Xá, Hồ Xá, Phan Xá… Làng mang tên cố hương: Cương Gián, Kim Đôi, Hà Trung… Tình làng chính là nghĩa nước. Có làng chỉ một người khai canh. Có làng do một nhóm đồng khai canh. Họ tự nguyện đi mở đất, mở nước lòng luôn mang nặng tình cảm, kỷ niệm nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Họ được bổ sung, được tiếp sức dường như thường xuyên. Bởi xuôi nam thời nào cũng là chiều thuận. Mối quan hệ giữa họ với quê cha đất tổ luôn là sợi dây tình vững bền dai dẳng. Các lớp người này đã cùng với cư dân bản địa làm nên bộ mặt mới của vùng Thuận Hoá, Quảng Nam thuở ban đầu. Tiếp thu và hòa nhập giữa hai dòng văn hoá Chăm Việt ở tuổi sinh thành xứ Đàng Trong đã diễn ra trong dặm dài lịch sử.
Sau năm 1558, những lớp người ra đi theo vị trấn thủ họ Nguyễn sa cơ với nỗi lòng uất hận, lại muốn mau chóng bứt mình khỏi triều đình Lê - Trịnh để xác lập một trật tự mới khác xa những điều mà họ đã chán ngấy sau lưng. Vươn lên vượt nhanh hơn thế lực Trịnh là mục tiêu chi phối mọi hoạt động xã hội trên đất Thuận - Quảng suốt hơn hai thế kỷ (1558 - 1774). Trăn trở, đối lập lại chính quyền Lê - Trịnh, xứ Đàng Trong tách dần ảnh hưởng của xứ Đàng Ngoài, hình thành nên một vương quốc riêng. Vừa xa cách về địa lý vừa cố tình xa cách về tình cảm, tư tưởng, các chúa Nguyễn còn can thiệp trực tiếp vào sinh hoạt xã hội của dân chúng làm nên sự thay đổi của xứ Đàng Trong. Nhà cửa, ăn mặc, cấu trúc làng xã, trong đó có cả việc tạo nên một phong cách văn hóa - nghệ thuật bởi sự quy định chủ quan khác với những mô thức truyền thống.
Cuộc chiến giữa hai thế lực Trịnh - Nguyễn càng quyết liệt, lực ly tâm càng lớn, nhu cầu ngoại viện càng thôi thúc. Sự tiếp thu văn hóa tây phương cụ thể là Hà Lan, Bồ Đào Nha… chừng mực nào đó đã xuất hiện ban đầu là Hội An, Phú Xuân.
Mặt khác, chiến tranh và xây dựng. Mỗi người lính Đàng Trong phải là một người thợ như là tiêu chuẩn đào tạo trong quá trình tại ngũ. Sự thôi thúc cấp bách phải mạnh hơn Trịnh để tiêu diệt Trịnh đã làm cả xứ Đàng Trong vừa thách thức vừa đối lập với xứ Đàng Ngoài. Đây là giai đoạn phức tạp, khẩn trương đầy biến động nhưng lại quan trọng, để hình thành nên phong cách bản sắc văn hoá Huế.
Do yêu cầu phục hưng đất nước hơn hai trăm năm bị tàn phá bởi nội chiến, nhà vua Nguyễn Thế Tổ mà nhất là nhà vua Nguyễn Thánh Tổ đã huy động nhân tài vật lực cả nước tham gia mọi hoạt động xã hội nhằm xây dựng củng cố vương triều.
“Hiền tài là đồ dùng của nhà nước, cho nên ngoài khoa mục ra phải nhờ có cử tri… Trẫm mới nối ngôi, mưu toan gắng gỏi, rất muốn trong triều có nhiều người giỏi, ngoài nội không sót người hiền, để tô điểm mưu to, vang lừng đức hoá. Vậy ra lệnh cho các quan… đề cử một, hai người có đức hiền lành, ngay thẳng và có văn học, không kể nhà sang hay hèn, đều kê tên tâu lên”. (Đại Nam Thực lục, đệ nhị kỷ, V, trang 49).
Ngoài việc cho tiến cử những người hiền tài “không kể nhà sang hay nhà hèn”, sau khi lên ngôi nhà vua Nguyễn Thánh Tổ đã cho mở các khoa thi Hội. Khoa đầu diễn ra vào năm Nhâm Ngọ (1822) đã chọn được 8 vị Tiến sĩ hầu hết là người từ Quảng Bình trở ra. Từ đó, cho đến khoa Kỷ Mùi, 1919 trải qua 97 năm, triều Nguyễn đã tổ chức 39 khoa thi Hội, tuyển được 293 vị tiến sĩ và 264 vị phó bảng. Những vị tiến sĩ, phó bảng này dần dần thay thế một số võ tướng lắm công huân đã trở thành công thần.
Vậy là sĩ phu Bắc Hà đã có có mặt ngày càng đông ở Kinh đô Phú Xuân. Quy hoạch và hoàn chỉnh Kinh đô được tiến hành khẩn trương. Cả lớp thầy và thợ khắp mọi nẻo đường đất nước về đây đã góp thêm cho Huế những nét tinh tế trong kiến trúc, điêu khắc, hội họa, trang trí.
Đề kháng, tiếp thu, giao hòa, hội nhập diễn ra triền miên, liên tục trong cả một quá trình nam tiến mở nước. Mỹ thuật Huế nói riêng và văn hoá Huế nói chung như là một phép cộng lịch sử trên nền một vùng đất xa xưa vốn là điểm gặp gỡ, chia sẻ, giao lưu của hai nền văn minh Đông Sơn, Sa Huỳnh, đã diễn ra trong cả quá trình hình thành, phát triển xứ Đàng Trong đồng hành với quá trình xây dựng, cũng có vương triều Nguyễn. Văn hoá Huế là kết quả của sự hội tụ và giao hòa. Thấp thoáng Thăng Long nơi văn hoá Huế là vậy.
Xuất phát từ nhận thức thực tế Đàng Ngoài, Đàng Trong, đàng nghề như thế mà những người đi trước lại dùng thuật ngữ “mỹ thuật Lý Trần”, “mỹ thuật Lê Sơ”, “mỹ thuật Tây Sơn”,“mỹ thuật Nguyễn”,… vô hình trung người ta đã gán cho mỹ thuật chỉ là của các Vương triều. Đành rằng mỗi thời đoạn mỹ thuật đều có tuổi ứng với sự tồn tại của từng triều đại. Người đi là nghề đi. Có phân biệt vua quan sĩ thứ thầy thợ đâu. Một số tác giả còn sợ lẫn lộn khi gọi chung chung văn hóa dân tộc nên đã vội vàng phân ranh riêng rẽ thành văn hóa dân gian, văn hóa bác học hay văn hóa cung đình… Mỹ thuật cũng vậy. Thật ra nếu hiểu văn hoá nói chung là sản phẩm của hoạt động xã hội với mọi hành vi tương tác giữa con người với thiên nhiên, thì nghệ thuật là những đoá hoa đẹp mang sắc thái tự giác dung chứa ý thức tư duy bất kỳ của tầng lớp nào trong xã hội đó. Dân chúng thuộc về số đông. Tính trội của mọi nền văn hoá thuộc về đại chúng, kể cả nền mỹ thuật bác học mang bản chất, phong cách hàn lâm. Đã là đại chúng thì mặc nhiên là của thế gian. Cái gọi là mỹ thuật cung đình cũng do nghệ nhân dân gian, thợ thủ công dân gian, binh phu dân gian, kể cả họa sĩ có nghề cũng là những con người cụ thể xuất thân từ dân chúng làm nên. Thời nào cũng vậy, vua quan chỉ nói và giỏi lắm cũng chỉ làm nên thứ văn hoá bề trên mà thôi. Văn hóa bề trên thì thường bay bổng với thượng tầng kiến trúc. Sắc lệnh, chiếu chỉ, tấu trình, quy cách điển chế, luật lệ… đều có người soạn ra, dâng lên. Ngay cái đơn giản nhất là ăn, ta gọi là “văn hoá ẩm thực” thì “vua quan” cũng chỉ tham dự vào công đoạn gần cuối. Phần sản xuất, chế biến, dọn dẹp… đều thuộc về người làm - đại chúng. Cung đình đặt hàng và thụ hưởng sản phẩm, thành quả, tác phẩm. Ít khi là tác giả. Cho nên cái gọi là văn hoá cung đình cũng là văn hoá bắt nguồn từ đại chúng, của đại chúng. “Dân tộc, khoa học, đại chúng”. Tôi chuộng ba cặp khái niệm ngôn ngữ này hơn là tách bạch thành dân gian, bác học.
Vậy nên văn hóa nói chung và tác phẩm mỹ thuật nói riêng đều thuộc về đại chúng. Đại chúng là cộng đồng người. Cộng đồng người lập nên từng “ga” thế hệ để truyền nối. Vì thế, nghệ thuật, mỹ thuật là một chuỗi phát triển liên tục, tiệm tiến, bền vững trải qua trường kỳ lịch sử. Có con rồi mới có cha. Có cháu giữ nhà rồi mới có ông. Người là vậy thì nghề mà cao hơn là nghệ thuật, mỹ thuật cũng là vậy. Phát triển, sáng tạo trên cái lõi đã được sinh thành, đã được tiếp thu. Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, mỹ thuật thời Trần không chết theo vua. Mạc Đăng Dung tranh ngôi vua Lê, mỹ thuật thời Lê Sơ không mất theo ngôi. Mùa Xuân năm Kỷ Dậu Quang Trung đánh đuổi quân Thanh chấm dứt Vương triều Lê, chưa kịp sinh thành một nền mỹ thuật tương ứng nên mỹ thuật Lê vẫn được bảo tồn trong lòng cộng đồng cư dân Đại Việt. Vì thế phân kỳ lịch sử mỹ thuật theo triều đại chỉ nên coi là ước lệ. Bởi văn hóa là một dòng chảy liên tục, không gián đoạn. Nhanh hoặc chậm, lặng lẽ hoặc ồn ào tùy thuộc vào tình thế mỗi thời. Mất nguồn hay đứt hẳn mạch dẫn có lẽ chưa mấy khi xẩy ra. Việc ngắt rời từng dòng nghệ thuật triều này, thời này là do ta muốn vậy, nghĩ vậy. Nhờ thế, đôi khi người ta tưởng tượng ra một thời đoạn nghệ thuật chưa xác lập cho dù là sơ đẳng nhất để khen. Dẫu biết đó chỉ là “di duệ” của quá khứ gần. Từ suy nghĩ như thế nên tôi cho rằng mỹ thuật Nguyễn là mỹ thuật Lý, Trần, Lê nối dài. Văn hóa Huế là văn hóa Thăng Long ở môi trường sinh thái bên ngoài phạm vi Thăng Long vừa có ta vừa có người. Cộng sinh và cộng hưởng. Hội tụ và phát tán. Cái riêng, chính là sự phản ảnh tâm thức, trình độ, điều kiện sống ở một môi trường địa - lịch sử khác rộng hơn nên sự hòa đồng dung nạp mỹ thuật Nam Á gần gũi hơn, thuận tiện hơn. Khác Lý, Trần, Lê, phải chăng là thêm bóng dáng Chămpa trong mỹ thuật Nguyễn. Không hoàn toàn nguyên vẹn Đàng Ngoài phải chăng Đàng Trong còn bị chi phối bởi lụt bão nhiều hơn, nắng hạn gay gắt hơn, thời tiết khắc nghiệt hơn. Thấp thoáng Thăng Long mà không y nguyên bản sao Thăng Long còn là vì vậy. 143 năm với tư cách là kinh đô, trung tâm đất nước, Huế không chỉ đón nhận các đoàn thầy, đoàn thợ, nghệ nhân và văn nhân mà còn đón 39 đoàn lều chõng “lai kinh ứng thí”. Ai bảo văn hóa Thăng Long, văn hóa Gia Định không theo vào, không theo ra. Huế là Thăng Long nguồn, rễ. Huế là Gia Định ngọn ngành. Thăng Long dừng chân ở Huế trước khi đi xa. Thấp thoáng Thăng Long trên đất Huế là vậy.
Nhiều người viết rằng mỹ thuật dân gian hưng thịnh rực rỡ dưới các triều Lý, Trần, Lê. Mỹ thuật bác học ra đời và hưng thịnh sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 bởi các con chim đầu đàn từng học khoá đầu ở trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương biết gạt bỏ tư tưởng thực dân phong kiến dám “gác bút nghiên theo việc đao cung” làm nên. Xét về hiện tượng, điều đó không sai. Nhận biết bản chất có lẽ lại khác. Với nghệ thuật/mỹ thuật, không nên khiên cưỡng thái quá. Vả lại, thế kỷ XVI, XVII chiến tranh Nam - Bắc triều chưa dứt thì đã tiếp diễn nội chiến Trịnh - Nguyễn tương tàn. Sự hiện hữu vài ba ngôi đình chùa thời đó hãy nên coi là phép thả lỏng lấy lòng để dân quên tai họa.
“Sự xuất hiện một phong trào phát triển phong phú với nhiều truyền thống dân gian mở đường cho những thành công suốt thế kỷ XVI và nở rộ vào thế kỷ XVII nhưng rồi lại ngưng đọng, chỉ nẩy nở vào cuối thế kỷ XVIII (mỹ thuật Tây Sơn, tg) trước khi bị bóp nghẹt vào đầu thế kỷ XIX với nhà Nguyễn” (Viện Mỹ thuật, Nghiên cứu Mỹ thuật, Hà Nội, 1992, trang 14).
Thế kỷ bị bóp nghẹt thì đương nhiên mỹ thuật chỉ là khoảng trắng. Thực ra thực tiễn lại không hẳn vậy. Khoảng trắng đồng nghĩa khoảng trống (dân gian và bác học) được quy vào thế kỷ sau đỉnh cao huy hoàng của mỹ thuật Tây Sơn với hai ngôi chùa Kim Liên ở Hà Nội và Tây Phương ở Sơn Tây cuối thế kỷ XVIII do những người thợ đã thành nghề từ Vương triều Lê làm nên. Những mảng hoa văn dạng mây vảy trên các con giao làm thành bậc ở đàn Nam Giao (Thái Hà ấp), ở Văn Miếu Thăng Long thời Lê thế kỷ XVII đã nhập thân vào những con giao làm thành bậc ở điện Minh Thành, thành bậc cấp xuống hồ Dài ở cuối sân chầu lăng Gia Long đầu thế kỷ XIX là hệ quả của sự vận hành mặc nhiên bởi những “đoàn tàu” chở tâm thức qua các “ga” chạy dọc “cung đường thời gian”. Vạn vật có nòi. Con người cũng vậy. Nòi còn là nghề còn. Những cái đầu tượng đá bị bắn gãy vỡ, vùi lấp khuất trong cỏ dại ở lăng Gia Long mà Giáo sư Tiến sĩ Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính là người tìm ra, rất giống tượng quan hầu ở lăng Lê Thánh Tông (thế kỷ XV). Thợ Thanh Hoá thế kỷ XV và thợ Thanh Hoá thế kỷ XIX là “đồng” tác giả những tác phẩm trên đã để lại dấu ấn thừa kế bền vững trong tư duy hồi cố của người đời.
Như đã trình bày, từng đoàn người từ Bắc vào Nam trong trường kỳ lịch sử Nam tiến thì từng dòng nghề cũng từ Bắc vào Nam với họ là điều dĩ nhiên. Sao lại không? Bởi thực tế ngầm của văn hóa lại có đời sống tâm hồn như một đoàn tàu. Người vận hành có thể được thay thế từng ga, tốc độ chạy tàu nhanh chậm từng ga, nhưng đích đến thì luôn luôn ở phía trước. Lên án người vận hành nào đó rồi phủ nhận một chặng đường nào đó mà con tàu đã đi qua là tự dối mình. Bởi sự thật khách quan là chặng đường đó đã từng tồn tại với chức năng của chính nó. Ai đó tôn thờ luận điểm hai dòng văn hóa dân tộc rồi ca ngợi bên này, thóa mạ bên kia vô hình trung là đã chia rẽ, phá hoại sự cố kết thiêng liêng của cả cộng đồng. Bởi giàu đẹp, thịnh vượng, bền vững của mỗi quốc gia phải được xây dựng trên tình người, tình dân tộc, quốc tộc. Làm mất tình cảm cố kết thiêng liêng đó cũng có nghĩa là làm mất thế thái nhân tình!
Vừa qua Tiến sĩ Đinh Trọng Hiếu đấu hụt bức tranh sơn dầu của tác giả Ưng Mộng vẽ chùa Thiên Mụ năm 1900, tại một cuộc bán đấu giá ở Paris, nuối tiếc chụp vài tấm hình gửi về cho bè bạn. Ưng Mộng và tác phẩm của ông ra đời trước dăm bảy chục năm các thế hệ làm nên nền mỹ thuật đương đại xã hội chủ nghĩa Việt Nam cuối thế kỷ XX. Chín đỉnh đồng lại ra đời trước bức tranh chùa Thiên Mụ của Ưng Mộng 63 năm. Hiển Lâm các xây dựng trước ngày đúc Cửu Đỉnh 16 năm. Lăng Gia Long khởi công trước Hiển Lâm các 7 năm. Phạm Như Đăng (Nam), Tống Phước Lương (Trung), Lê Duy Thanh (con trai nhà Bác học Lê Quý Đôn, Bắc) là những đại biểu nhân sĩ, trí thức, nghệ nhân, thợ thủ công cả nước làm nên công trình lăng tẩm đầu tay dưới Vương triều Nguyễn. Điều đó chứng tỏ mỹ thuật Nguyễn trước hết là sự kết tinh hội tụ mỹ thuật đại chúng trên đất Đàng Trong. Người Đàng Trong là hậu duệ của nhiều lớp con dân từng làm nên mỹ thuật Lý, Trần, Lê. Người Đàng Trong còn là hậu duệ của nhiều thế hệ đã từng làm nên đền tháp Chămpa kiêu sa kỳ vĩ. Có con người là có sự sống. Có sự sống là có kết quả lao động sáng tạo. Phủ nhận sạch trơn xem ra lại là tự phủ nhận chính mình.
Nghĩ đến chuyện con lợn bị “bọn phong kiến vẫn thường cho là con vật xấu xí, bẩn thỉu” và con lợn được “bọn phong kiến” và cả vợ các ông Đồ - Thầy của “bọn phong kiến” chăn nuôi và cho đúc lên vạc, lên đỉnh, tôi băn khoăn không hiểu có hai loại lợn hay hai loại phong kiến. Có lẽ là hai loại phong kiến. Phong kiến kinh điển thuộc phạm trù lý thuyết và phong kiến xương thịt thuộc phạm trù thực tiễn ở nước ta. Vì lợn thì nhiều loại nhưng tựu trung vẫn là lợn. Từ đó xem ra cái gọi là hai dòng văn hoá dân tộc mà “một bên là nghệ thuật phản động của giai cấp thống trị mang tính chất hình thức, giả tạo, diêm dúa, lai tạp; một bên là nghệ thuật tiến bộ của nhân dân mang tính hiện thực, chân thực, lành mạnh, giản dị…” (Viện Mỹ thuật, Nghiên cứu Mỹ thuật, Hà Nội, 1992, trang 14) cũng cùng chung một tri thức tiên phong. Con lợn lên Cửu Đỉnh là ý vua do thợ thủ công dân gian thực hiện thuộc về “nghệ thuật phản động của giai cấp thống trị” hay “là nghệ thuật tiến bộ của nhân dân”? Nếu xếp hình tượng con lợn thuộc dòng mỹ thuật dân gian thì Cửu Đỉnh là tác phẩm “nghệ thuật tiến bộ của nhân dân” - dân gian. Nếu coi Cửu Đỉnh của “bọn phong kiến” “là nghệ thuật phản động của giai cấp thống trị” thì hình tượng con lợn ở đây trở nên lạc loài.
Chiêm ngưỡng một tác phẩm nghệ thuật khi bị đánh mất tính hồn nhiên, vô tư, khách quan thì tự nó đã tước đoạt quyền được hưởng thụ nghệ thuật - mỹ thuật. Sức cảm thụ vì thế chỉ bằng không.
“Lại không phải bất cứ lúc nào và trước bất cứ tác phẩm nào, ta cũng rung động, hoan hỷ hay bùi ngùi được. Lại không phải bao giờ chúng ta cũng hiểu hết một tác phẩm. Ta chỉ gia nhập được vào tác phẩm, thấm nhuần được ý nghĩa và nội dung của nó, ở một mức độ nào đấy, khi ta có sự tương đồng nội tâm với nó. Tương đồng nội tâm là cái mạch điện ngầm, chạy suốt, một cách hồn nhiên, từ tác phẩm đến người xem. Nó là cái chứng minh thư chính xác và cao quý mà công chúng sẵn sàng cấp cho người nghệ sĩ chân chính, gắn mình với vinh, nhục và số phận của con người và nghệ thuật” (Thái Bá Vân, Tiếp xúc với tác phẩm, Nghiên cứu Mỹ thuật, Hà Nội, 1992, trang 66).
Vạc đồng thời Chúa, đỉnh đồng thời Vua. Cả hai đều là sản phẩm - tác phẩm đại chúng. Ý tưởng, kinh phí, vật liệu, nguyên liệu, nhiên liệu, trí tuệ, tài năng, công sức không riêng của tầng lớp nào. Vua chúa, quan lại, sĩ phu, thầy thợ, dân chúng…, kẻ có của, có trí, người có tài, có công đều góp “tiếng nói” chung trong thành tựu đó.
Một cái vạc dạng nồi, mười cái vạc dạng chảo (sanh) thời Chúa thế kỷ XVII vẫn còn hơi ấm Đông Sơn. Chín phẩm đỉnh thời Vua thế kỷ XIX chưa tàn phai bóng dáng nồi kiềng một thời thịnh hành trên đất nước. 9 đỉnh xếp thành một bộ, nhìn chung thì giống, xét riêng lại khác. Quai, thân, chân, miệng… làm nên dị biệt. Quy mô, hình dáng làm nên tương đồng. Chỉ từng đó thôi, ta biết, người xưa không chỉ khéo tay mà còn tinh tế lắm. Vua quan và sĩ đại phu, thợ thủ công và nghệ nhân, có đồng lòng mới tạo nên những sản phẩm - tác phẩm mang tính đồng chủng, đại chúng hoàn hảo đến thế. Và, từ cốt cách bản địa ấy thấp thoáng vài ba cái mặt nạ mang phong thái thao thiết nguồn gốc Trung Cận Đông có mặt trên một vài bộ chân đỉnh, lại gợi nên dấu ấn tìm kiếm, học hỏi, tiếp thu điều hay, nét đẹp của người để làm nên điều hay nét đẹp cho ta.
Từ trống đồng Đông Sơn thời Hồng Bàng đến vạc đồng và đỉnh đồng thời Nguyễn đã trải qua hàng nghìn năm văn hiến, dân tộc ta không giẫm chân tại chỗ là vậy.
Biển có triều cường, triều nhược. Nước có thời thịnh, thời suy. Hải lưu là vậy. Dòng đời là vậy. Văn hoá - nghệ thuật - mỹ thuật như hải lưu, như thế lưu trong biển cả, dòng đời. Giới hạn và vô hạn. Đừng quá phù thịnh mà bội suy. Đừng vì ỷ cường mà ép nhược. Xin hãy có “sự tương đồng nội tâm với nó” (Thái Bá Vân) vô tư khách quan CHÂN THIỆN MỸ.