Văn nghệ dân gian
Sự sôi động trong âm nhạc hát chầu văn
15:32 | 30/12/2021

TRẦN HỮU PHÁP

Sự sôi động trong âm nhạc hát chầu văn
Ảnh minh họa (Internet)

Có nhiều hình thức tín ngưỡng trong dân gian Huế. Hầu như tín ngưỡng nào cũng sử dụng đến âm nhạc để đưa tâm linh vào cõi ngưỡng mộ. Tín ngưỡng Mẫu Liễu là một trong những hình thức tín ngưỡng sử dụng đến âm nhạc mạnh nhất. Nó đã thu hút nhiều loại hình nghệ thuật ca múa, văn học, mỹ thuật và âm nhạc là nền tảng để đưa sinh hoạt của tín ngưỡng này đến đỉnh cao phong phú. Hát chầu văn là một hình thức âm nhạc dân gian đa dạng về làn điệu tiết tấu và độc đáo về cách diễn xướng văn chương.

Thông thường trong các bài hát chầu văn từ xa xưa, các “cung văn” sáng tác theo vần điệu của thơ lục bát hay song thất lục bát, nội dung ca ngợi cảnh đẹp của các nơi thờ phụng Mẫu Liễu hoặc các thần thánh mà tín ngưỡng mẫu Liễu tôn thờ.

Tính chất dân gian trong âm nhạc hát chầu văn rất rõ nét. Trong hát chầu văn có các làn điệu cò lã, trống quân bồng mạc (đó là ở đồng bằng Bắc bộ). Trong hát chầu văn có cả âm điệu của Ngũ đối, Kim tiền, Bình bán hoặc Lưu thủy (ở các tỉnh miền Trung). Ảnh hưởng của các làn điệu ca trù cũng có trong hát chầu văn như các điệu bỉ, phú nói, phú chênh, chuốc rượu…có cả âm hưởng của hát quan họ, dân ca Chăm, Xê Đăng…Do sự tiếp thu của các nguồn dân ca ở nhiều vùng, hát chầu văn mang nhiều yếu tố âm nhạc của nhiều địa phương, gần với tầng lớp lao động, tùy theo phong tục và tập quán của từng vừng, có nhiều hình thức sinh hoạt và nghi thức khác nhau. Nhưng gặp nhau ở định kỳ tổ chức: vào mùa xuân, nhập hạ, vía tháng 7 rồi tất niên, các ngày lễ lên đồng lên vọng ngày rằm, mồng một. Các nghi lễ này tùy theo tính chất mà sử dụng âm nhạc sao cho thích hợp với các ngày giờ tôn nhang trình đồng, hầu bóng.

Những cung văn vừa đàn, vừa hát rất nhuần nhuyễn. Tùy theo phong tục tập quán từng địa phương họ dần dần hình thành một phong cách riêng trong lối diễn tấu âm nhạc đệm cho hát chầu văn.

Âm nhạc đệm trong hát chầu văn giàu tiết tấu, có nơi kết hợp với nhảy lên đồng. Các nhạc cụ đệm thường có đàn nhị, đàn nguyệt, và cảnh, phách. Ở miền Bắc có trống ban, phèng la, nếu nói cả bộ gõ thì có 5 loại chính:

- Đàn (nhị, nguyệt).

- Trống.

- Thanh la (phèng la).

- Phách, cảnh.

- Song loan.

Đàn nguyệt bao giờ cũng giữ vai trò chính bám sát giai điệu, ưu điểm thuận lợi của Nguyệt là có 4 âm sắc quyện với những giọng ca: Thổ, Thổ đồng, Kim, Kim pha thổ… Đàn nguyệt có quãng 7 (còn gọi là Tô Lan) các nhạc cụ khác ít thấy.

- Dây bình 1 quãng 5 đúng.

- Dây lệch quãng 4 đúng.

- Dây son thanh quãng 8.

Hát chầu văn ở Bắc Việt Nam thường có 2 người, người hát, người đàn kiêm gõ. Song khi cần để trương sự hoàng tráng, người thực hiện buổi hát thường mời thêm nhạc công sáo, thập lục, nhị, trống cái, trống cơm, chiêng mõ. Ở miền Nam trung bộ còn có cả kèn bóp bổ sung vào dàn nhạc. Đặc biệt ở miền Nam thường là người hát vừa đàn vừa dậm chân gõ song loan…

Tìm hiểu về hát chầu văn, chúng ta thấy tùy theo thời cuộc của xã hội đương thời cho phép thịnh hành hoặc hạn chế. Song trong dân gian thì không bao giờ mất. Trong đời sống của nhân dân âm nhạc hát chầu văn ra đời và phát triển theo đời sống thực tế được ổn định hay không ổn định mà tạo ra sức sống phong phú trong mọi nơi, mọi lúc.

Hình thức hát chầu văn có 2 loại: hát lên đồng hầu bóng và hát hành lễ thờ các vị thánh.

- Hát lên đồng hầu bóng rất đa dạng về làn điệu, đặc biệt là tiết tấu, vì tiết tấu là vai trò chính để kích động người ngồi đồng nhập vai một vị thánh nào đó. Hát lên đồng ít nhất phải mất 20 phút mới khích lễ, có lúc kéo dài sự cầu xin của gia chủ đến 2, 3 giờ liền. Hát chầu văn có rất nhiều loại: hát bỉ, hát dọc, hát xá và hát nhịp một, ngoài ra do truyền cảm người hát còn tạo ra một vài loại không rõ rệt, lơ lớ, điều này thường là do nội dung lời văn mà hình thành.

Các loại hát trên thường cấu trúc theo lời ca, thông thường có 2 loại: Kết ở vần trắc không dấu. Kết ở vần bằng.

Ngoài ra còn do người hát có sáng tạo ra các tiếng đệm i i i. Những tiếng đệm này đôi khi nghe vô nghĩa nhưng nó làm tăng thêm sự hấp dẫn lối hát bạch thanh, dùng làm đà cho sự lấy hơi, nó thuận lợi cho việc nhả chữ trong cách hát dân gian. Nghiên cứu về các loại nhịp trong hát chầu văn cho ta thấy sự giàu có về nhịp điệu:

Nhịp đôi, nhịp ba, nhịp phủ đồng (âm hưởng tiết tấu của trống ngũ liên).

Nhịp xá thường (thường hát theo đệu xá, người ta dùng chập chõa, thanh la, buộc vào đó đồng xu để tạo ra âm thanh rè rè dồn dập gây một cảm giác rừng rú (điệu ông Chín Thượng ngàn). Ở miền Bắc còn có nhịp “Sai” hát vào những ngày hành lễ dành riêng cho các vị thành.

Hát chầu văn nói chung được sử dụng trong các buổi lễ tổ chức rải rác ở các am cảnh, tùy theo từng nơi thờ phụng các vị thánh nhưng phổ biến rộng rãi là vào mùa xuân và các lễ lớn. Mẫu Sòng, 21 tháng 2 âm lịch, lễ Mẫu Phủ ngày 3.3 âm lịch và tháng tám âm lịch, lễ đức cha 20.8 Đức Trần Hưng Đạo, 22.8 Đức cha Bát Hải. Hiện nay, loại tín ngưỡng này được xem như là một loại thờ cúng tỏ lòng biết ơn Mẫu Liễu, người tượng trưng cho đức tính cao đẹp phúc hậu của người mẹ Việt Nam qua nhiều thế hệ.

 

 

 

 

 

Tác giả: Trần Hữu Pháp
Các bài mới
Các bài đã đăng