Văn nghệ dân gian
Ca Huế trong di sản âm nhạc dân tộc
14:40 | 12/01/2022

PHAN THUẬN THẢO

Ca Huế trong di sản âm nhạc dân tộc

Nói đến âm nhạc Huế, người ta liên tưởng ngay đến âm điệu ngọt ngào, sâu lắng, day dứt của những điệu Nam Ai, Nam Bình. Đó là những bài bản đặc trưng của Ca Huế - loại hình âm nhạc thính phòng đặc sắc của vùng đất cố đô.

Dù mốc lịch sử ra đời chính xác của Ca Huế đến nay vẫn chưa được xác định một cách chắc chắn, nhưng dựa vào yếu tố lịch sử vùng Huế - nơi sản sinh ra loại hình âm nhạc này - cùng với những đặc điểm nghệ thuật của Ca Huế, chúng ta có thể khẳng định rằng nó có nguồn gốc cung đình. Bên cạnh đó, âm điệu hơi Nam trầm buồn, sâu lắng của Ca Huế ắt hẳn bắt nguồn từ những điệu hò, câu lý của âm nhạc dân gian xứ Huế. Là thú chơi âm nhạc tao nhã của các ông hoàng bà chúa trong suốt quãng thời gian dài khi Huế là trung tâm chính trị, văn hóa, nơi hội tụ của tao nhân mặc khách bốn phương, Ca Huế đã phát triển đến trình độ nghệ thuật cao, có giá trị không chỉ đối với vùng đất kinh đô hay dải đất miền Trung mà còn góp một âm điệu đặc biệt vào kho tàng âm nhạc dân tộc Việt Nam.

1. Ca Huế có giá trị nghệ thuật cao

Hiện nay, khi nói đến di sản âm nhạc của người Việt, người ta thường nghĩ ngay đến ba phong cách âm nhạc đại diện cho ba miền Bắc, Trung, Nam, trong đó, nhạc Chèo đại diện cho âm nhạc Bắc bộ, nhạc Cải lương đại diện cho Nam bộ, còn Ca Huế đại diện cho Trung bộ. Chương trình đào tạo nhạc công âm nhạc dân tộc trong ba nhạc viện ở Hà Nội, Huế và thành phố Hồ Chí Minh đều có khung chương trình giảng dạy bắt buộc có ba phong cách này. Thực ra, âm nhạc Bắc bộ không chỉ có Chèo, những loại hình khác như Ca Trù, Quan họ, Hát văn, Hát Xẩm…cũng đặc sắc không kém. Tương tự, miền Trung có Ví, Dặm Nghệ Tĩnh, dân ca Nam Trung bộ, âm nhạc Bài Chòi, Nhã nhạc…cũng vô cùng đặc sắc, nhưng Ca Huế vẫn được xem là đại diện của âm nhạc miền Trung. Điều này không phải là ngẫu nhiên mà vì những lý do sau đây.

Trước hết, Ca Huế có một phong cách riêng, độc đáo, không thể lẫn với âm nhạc các vùng, miền khác. Khi thoáng nghe một giai điệu Ca Huế nào đó, chúng ta có thể nhận ra ngay nó mang tính chất Huế. Điều này phụ thuộc vào hơi nhạc đặc trưng của Huế. Cũng là hơi Bắc hay hơi Nam, nhưng hơi Bắc, hơi Nam của Huế không giống với hơi Bắc, hơi Nam của Nam bộ hay của các vùng, miền khác. Vấn đề cái gì tạo nên bản sắc Huế trong âm nhạc xin được bàn kỹ trong một chuyên khảo khác, song bản sắc đặc trưng của âm nhạc Huế đã được mặc nhiên công nhận không chỉ trong nhạc giới mà còn đối với công chúng yêu nhạc gần xa. Rất nhiều nhạc sĩ tân nhạc đã sử dụng âm điệu riêng có của Ca Huế và dân ca Huế để sáng tác nên các tác phẩm mới mang đậm tính chất Huế, làm say lòng các thế hệ khán giả hôm nay.

Bản sắc âm nhạc thì vùng nào cũng có, song cái làm cho Ca Huế có giá trị nổi bật là sự phát triển cao về nghệ thuật. Bắt nguồn từ âm điệu trầm lắng, bâng khuâng của các điệu hò, câu lý trong âm nhạc dân gian Huế và nét quyền quý, cao nhã của âm nhạc cung đình, nghệ thuật Ca Huế đã ra đời, định hình một phong cách riêng và từ đó, phát triển thành một bộ môn nghệ thuật mang tính bác học cao. Kinh đô Huế - trung tâm văn hóa của cả nước - từng là môi trường văn hóa thuận lợi để phát triển, nuôi dưỡng nghệ thuật Ca Huế đạt đến đỉnh cao. Chủ nhân của bộ môn nghệ thuật này chính là các ông hoàng, bà chúa, các tao nhân mặc khách có trình độ văn hóa cao, có thẩm âm nghệ thuật sành điệu. Tài liệu lịch sử đã ghi nhận sự yêu thích đặc biệt của nhiều ông hoàng, bà chúa, quan lại triều Nguyễn đối với Ca Huế, chính họ là những người sáng tác (đặt lời), thưởng thức, thậm chí là những tay đàn cự phách của bộ môn nghệ thuật này(1). Người ta còn truyền tụng chính vua Tự Đức là người sáng tác bài Tứ đại cảnh. Tóm lại, do được phát triển, nuôi dưỡng trong môi trường văn hóa của giới thượng lưu, quý tộc, Ca Huế đã có điều kiện thuận lợi để phát triển cao về nghệ thuật, biểu hiện bởi tính bác học, chuyên nghiệp của nó.

Nếu bác học là sự học rộng, biết nhiều thì tính bác học có thể hiểu là sự uyên thâm trong nội dung tư tưởng và cách thức thể hiện. Tính bác học thường đối nghĩa với tính bình dân vốn chỉ những gì gần gũi, dễ hiểu. Còn chuyên nghiệp ở đây là sự chuyên sâu và giỏi về Ca Huế. Đó không hẳn là những nhạc công sống bằng nghề nhạc mà có thể là những ông hoàng bà chúa chơi nhạc điêu luyện. Chính những vị này đã góp phần đưa nghệ thuật Ca Huế phát triển đến đỉnh cao.

Xét về góc độ âm nhạc, có thể nhận thấy Ca Huế có sự phát triển cao về khí nhạc. Trong khi nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam thiên về ca hát hơn là chơi nhạc cụ, tính khí nhạc cao là một bước phát triển của tư duy âm nhạc. Cho dù tên gọi của nó có chữ “Ca”, chứng tỏ phần thanh nhạc là quan trọng, song có thể thấy rõ phần khí nhạc chiếm một vị thế đáng kể trong nghệ thuật diễn xướng Ca Huế. Một tài liệu năm 1863 ghi chép 25 bài bản Ca Huế, trong đó có 15 bài không kèm theo lời ca và 10 bài kèm theo lời ca, một số bài trong 10 bài này trùng tên với các bản hiện còn như Lưu thủy, Kim tiền, Xuân phong, Hồ Quảng, Nam Xuân(2). Qua đó, có thể đặt giả thuyết rằng phải chăng đã có thời, Ca Huế thiên về khí nhạc hơn là thanh nhạc.

Đến nay, cho dù yếu tố ca hát chiếm ưu thế trong Ca Huế, phần diễn tấu nhạc cụ vẫn có tính độc lập tương đối của nó. Nếu đa số các thể loại dân ca trước đây không cần có nhạc đệm thì Ca Huế nhất thiết phải có nhạc đệm. Mặt khác, có khi Ca Huế được trình diễn dưới dạng hòa tấu nhạc cụ chứ không có người ca. Dàn nhạc đầy đủ của Ca Huế là dàn Ngũ tuyệt gồm 5 nhạc cụ: tranh, tỳ, nhị, nguyệt, bầu(3). Đây là các nhạc cụ dây có âm lượng hòa hợp với nhau dù âm sắc khác nhau. Đàn tranh có tiếng thanh, mảnh, thánh thót, còn đàn tỳ bà, đàn nguyệt thì trầm đục; bên cạnh các nhạc khí dây gảy có đàn nhị thuộc loại dây kéo nên có giai điệu liền mạch, đàn bầu tuy cũng là nhạc khí dây gảy nhưng do dùng âm bồi nên cũng cho giai điệu liền mạch. Dù được trình diễn theo lối đồng âm (các nhạc cụ có cùng lòng bản), mỗi nhạc cụ (kể cả giọng người) có lối diễn tấu riêng của nó, còn gọi là biến tấu lòng bản. Với lối diễn tấu này, mỗi nhạc cụ có một tiếng nói riêng, song lại đồng hòa với nhau trong bản hòa tấu. Đây có thể xem là sự đối thoại giữa những người trình diễn, trong đó có sự xướng - họa, sự hòa điệu giữa các nhạc cụ, qua đó thể hiện tình cảm, tính cách của những người trình diễn. Nói cách khác, tiếng đàn thể hiện tính người. Thầy Nguyễn Kế (1919 - 2002) - nghệ nhân Ca Huế chuyên về đàn tỳ bà và đàn nguyệt - từng dạy tôi rằng khi hòa đàn phải “tế nhị”, không được lớn tiếng mà phải biết lắng nghe và nhường nhịn, đó cũng chính là triết lý sống ở đời. Khi mà người ta nói chuyện với nhau, hiểu tâm tình của nhau bằng âm nhạc thì thể loại âm nhạc này ắt hẳn ẩn chứa tính bác học cao, và người đàn phải là những người giỏi nghề thực sự mới có thể thể hiện tâm tình, tính cách của mình qua tiếng nhạc.

Cấu trúc bài bản Ca Huế thường được phân đoạn (nghệ nhân thường gọi là “lớp”), nhất là ở những bài bản lớn, trong mỗi lớp hoặc toàn bài có số nhịp rõ ràng, chứng tỏ ở đây đã có tư duy lý luận. Sự phát triển bài bản từ nhịp một sang nhịp ba phản ánh tư duy lý luận về nhịp của các nghệ nhân xưa. Giai điệu của các bài bản Ca Huế rất mượt mà, trau chuốt với nhiều luyến láy điêu luyện. Đặc biệt, kỹ thuật diễn tấu nhạc cụ đã đạt đến trình độ tinh xảo, uyên thâm với nhiều tay đàn cự phách từng được truyền đời như đã được tác giả Hoàng Yến ghi lại. Để đạt được trình độ ấy, người đàn phải trải qua ít nhất là 5 năm rèn luyện để tiếng đàn đạt được độ “chín” cần thiết. Những người trình diễn Ca Huế sau khi nắm được lòng bản thì phải biết biến tấu để tạo nên cá tính của mình trong tiếng đàn, đồng thời phải hòa hợp với nhau trong một bản hòa tấu đầy ngẫu hứng. Bằng cá tính và độ “chín” của tiếng đàn, họ có thể tạo ra những chữ đàn “đắt” và “độc” khiến người nghe phải thán phục. Đây thực sự là cuộc chơi cao nhã của những bậc tri thức về âm nhạc ở kinh đô Huế thuở nào.

Về nội dung tư tưởng, Ca Huế thể hiện chiều sâu cả ở phần âm nhạc lẫn nội dung lời ca. Nếu không có chiều sâu tư tưởng thì không có những tác phẩm dài hơi như Nam Ai, Nam Bình, Tứ đại cảnh…Lời ca mang tính triết lý sâu sắc về nhân tình thế thái. Bên cạnh những bài ca thể hiện tình yêu quê hương, tình cảm đôi lứa, nội dung lời ca bày tỏ nỗi niềm tâm sự của giới học thức ngày xưa: những nỗi sầu nhân thế, tư tưởng lánh đời để tìm quên trong một xã hội rối ren…Nghệ thuật ngôn từ ở đây đã đạt đến trình độ uyên thâm với những lời lẽ trau chuốt, giàu hình tượng. Một số lời ca Huế được viết bằng chữ Hán, chỉ những người có học mới hiểu được. Trong Ca Huế, ca từ được chắt lọc tối đa và mang tính biểu cảm rất cao. Với việc sử dụng nhiều điển tích, các phép ẩn dụ, hoán dụ, chỉ một vài từ đã nói lên được rất nhiều điều. Chỉ cần một hình ảnh lá ngô đồng rơi bắt nguồn từ tứ thơ xưa “Ngô đồng nhất diệp lạc/Thiên hạ cộng tri thu”, câu hát sau trong bài Nam Bình sau đây đã gợi lên hình ảnh một trời thu buồn vời vợi: “Lá ngô rời rạc rơi thu, trước thềm châu…”. Hay trong bài ca Nam Ai nổi tiếng, tác giả đã dùng điển tích “Chiêu Quân cống Hồ” để nói lên tâm sự của nàng Huyền Trân Công chúa đời Trần khi phải rời xa quê hương về làm vợ vua Chế Mân của Champa: “Không sánh đặng Chiêu Quân cho tròn đạo quân thần”. Có thể khẳng định phần lời trong Ca Huế ẩn chứa giá trị lớn về mặt văn học. Đó là tâm tình, là trí tuệ của giới học thức ở Huế ngày xưa. 

 Về mặt số lượng, nếu bài bản âm nhạc có khoảng hơn 20 bài bản chính thống(4) thì phần lời ca cực kỳ phong phú. Như đã trình bày, tài liệu năm 1863 đã ghi lại 25 bài bản Ca Huế, trong đó có một số bài còn lại đến ngày nay. Một tài liệu khác năm 1919 của học giả Hoàng Yến đã ghi lại 16 bài bản Bắc và 5 bài bản Nam (cho đàn nguyệt) cùng 15 bài bản Bắc và 9 bài bản Nam (cho đàn tranh)(5). Hiện nay, chúng tôi thống kê được 14 bài bản chính thống và khoảng 30 mươi bài bản du nhập từ các thể loại khác như Hò, Lý, nhạc cung đình. Phần lời của Ca Huế đặc biệt phong phú do hiện tượng có nhiều lời ca trên cùng một giai điệu, thể hiện sự yêu thích đặc biệt của các nhà thơ, văn sĩ đối với loại hình âm nhạc này, đồng thời cho thấy sức sống của Ca Huế trong đời sống văn nghệ thuở nào. Truyền thống sáng tác lời mới trên giai điệu đã có của Ca Huế vẫn được tiếp diễn đến ngày nay.

2. Sức hội tụ và lan tỏa của Ca Huế

Là một loại hình âm nhạc có giá trị cao về nghệ thuật, Ca Huế có sức lan tỏa lớn không chỉ ở miền Trung mà còn mở rộng phạm vi ra cả trong Nam, ngoài Bắc. Từ các vương phủ, Ca Huế đã lan tỏa ra dân gian và được người dân mến mộ. Nhân dân vùng phụ cận của Huế, kể cả Quảng Trị, Quảng Bình đã đóng góp nhiều nhạc sĩ, ca nương cho nghệ thuật Ca Huế. Không những thế, loại hình âm nhạc đặc sắc này còn vượt khỏi mảnh đất khai sinh ra nó để đến với những vùng văn hóa âm nhạc khác. Giáo sư Trần Văn khê khẳng định sự lan tỏa của Ca Huế vào miền Nam đã khai sinh ra một loại hình âm nhạc mới: “lối nhạc tài tử trong Nam là con đẻ của lối ca Huế miền Trung”… “Những người học nhạc trong Nam, cũng đàn Huế - Ông nội chúng tôi, ông Trần Quang Diệm chuyên đàn tì bà theo lối Huế và cô ruột chúng tôi bà Trần Ngọc Viện cũng thường đàn Cổ bản Huế, kim tiền Huế…”(6). Trên thực tế, trong 20 bản tổ của nhạc Tài tử Nam bộ có nhiều bài bản có nguồn gốc từ Ca Huế. Bên cạnh đó, sự lan tỏa của Ca Huế ra miền Bắc cũng đã được nhạc sĩ Vĩnh Phúc khẳng định: “… trong giai đoạn phát triển thịnh đạt, Ca Huế đã lan tỏa, thâm nhập trở lại với cội nguồn và trở thành một thành phần tương hợp trong hầu hết dân ca vùng Trung du và đồng bằng Bắc bộ. Chẳng hạn: hơi Huế, giọng Lý, giọng Kinh ở khối giọng Vặt, giọng Ngoại trong hát Quan họ, hát Xoan, hát Ghẹo, hát Chèo v.v...”. Nhạc sĩ Vĩnh Phúc cũng đã chứng minh sự lan tỏa mạnh mẽ của Ca Huế ra miền Bắc bằng một số ấn phẩm lời Ca Huế được ấn hành ở Hà Nội như “Các bài Ca lý” năm 1927, “Bài hát năm canh” và “Lý giao duyên vọng phu” năm 1929(7). Còn ở miền Trung, Ca Huế đã vượt qua đèo Hải Vân để hình thành nên lối đờn Quảng (tức Quảng Nam, Quảng Ngãi). Riêng ở Bắc Trung bộ, nghệ thuật Ca Huế cũng được yêu thích ở vùng Quảng Bình, Quảng Trị. Bản nhạc phổ tìm thấy ở thôn Điếu Ngao, Đông Hà, Quảng Trị với các bài Hành Vân, Cổ Bản, Nam Bình,…chứng tỏ Ca Huế đã có mặt ở đây khoảng 100 năm trước(8).

Theo chiều ngược lại, Ca Huế cũng đã tiếp nhận vào mình một số yếu tố của các loại hình âm nhạc khác. Một số điệu hò, lý, chầu văn của dân gian Huế đã được tiếp nhận vào nhạc mục của Ca Huế. Từ những làn điệu dân ca chất phác, mộc mạc, khi được du nhập vào Ca Huế, giai điệu của chúng trở nên trau chuốt hơn, mượt mà hơn bởi những luyến láy tinh xảo, phần lời ca cũng mang tính học thuật hơn cho phù hợp với giới Nho sĩ trí thức. Điển hình có cụ Ưng Bình Thúc Giạ từng đặt nhiều lời hò Mái nhì, hò Giã gạo rất đặc sắc. Có thể thấy trong quá trình tiếp nhận và sử dụng dân ca, Ca Huế đã nâng nó lên một tầm cao mới. Cũng nhờ được du nhập vào môi trường Ca Huế (và Ca kịch Huế) mà các bài dân ca này được tiếp tục nuôi dưỡng đến ngày nay, trong khi một số thể loại (như hò, lý) đã bị mất đi trong môi trường nguyên thủy của chúng ở dân gian. Nói cách khác, chính Ca Huế đã tiếp nhận, nâng cao và nuôi dưỡng các làn điệu dân ca, khiến chúng khỏi bị thất truyền.

Bên cạnh đó, Ca Huế cũng tiếp nhận một số bài bản nhạc cung đình Huế. Mười bài ngự, Ngũ đối thượng, Long ngâm, Đăng đàn cung là những bài bản từng được diễn tấu trong nhạc cung đình và cũng được dùng trong Ca Huế. Có ý kiến cho rằng Mười bài ngự (hay Mười bản Tàu) nguyên là của Ca Huế, sau đó được du nhập vào nhạc cung đình, song điều này chưa được chứng minh. Nhưng những bài bản khác như Ngũ đối thượng, Long ngâm, Đăng đàn cung, theo chúng tôi, nguyên là những bài nhạc không lời của cung đình, chúng được ghép lời ca vào để dùng trong Ca Huế (điều này sẽ được lý giải rõ hơn trong một bài viết khác). Mười bài ngự rất có thể cũng ở trong tình trạng tương tự.

Một điều thú vị là sau khi Ca Huế đi vào Nam và khai sinh ra nhạc Tài tử, rồi được đưa lên sân khấu thành nhạc Cải lương, sự phát triển mạnh mẽ của nghệ thuật Cải lương nửa đầu thế kỷ XX đã tác động ngược trở lại đối với Ca Huế. Bài Tương tư khúc của Ca Huế do một nghệ sĩ hoàng phái - ông Bửu Bát - sáng tác vào thập niên 1940 mang âm hưởng của Cải lương rõ rệt. Đây chính là thời kỳ mà nghệ thuật Cải lương rất được ưa chuộng ở Huế (và cả ở những địa phương khác), nên nó đã gây ảnh hưởng trở lại đối với Ca Huế thông qua bài Tương tư khúc ai oán, đau thương.

Tóm lại, Ca Huế là loại hình âm nhạc có giá trị nghệ thuật cao. Là thú chơi âm nhạc tao nhã của các ông hoàng, bà chúa ở kinh đô Huế ngày xưa, Ca Huế có điều kiện phát triển cao về nghệ thuật với tính bác học, chuyên nghiệp, thể hiện qua nghệ thuật diễn tấu lẫn lời ca. Ca Huế có sức hội tụ và lan tỏa mạnh mẽ. Nó đã tiếp nhận và nuôi dưỡng một số bài bản của cả hai dòng nhạc dân gian và cung đình ở vùng đất kinh đô và nhanh chóng lan tỏa ra dân gian Huế, vùng phụ cận và tiến xa hơn trên con đường giao lưu văn hóa Bắc, Nam. Dấu ấn của Ca Huế ngày nay vẫn còn lưu lại rõ nét trong một số thể loại âm nhạc ở các vùng miền Bắc, Trung, Nam.

Đến nay, nghệ thuật Ca Huế đã qua khỏi thời kỳ hoàng kim của nó và đang đối diện với nguy cơ mai một, thất truyền rất cao dù hàng đêm vẫn có hàng chục con thuyền trình diễn Ca Huế trên sông Hương phục vụ khách du lịch. Làm sao để Ca Huế sống được trong lòng người dân Huế - chủ nhân thực sự của nó – thì mới hy vọng bảo tồn được di sản âm nhạc đặc sắc này, không những cho mảnh đất cố đô mà còn vì sự phong phú và đặc sắc của văn hóa Việt Nam và thế giới.

 

P.T.T

 

********************

Chú thích:

1. Hoàng Yến, Âm nhạc Huế: đờn nguyệt và đờn tranh, bản dịch của Đặng Như Tùng, Nxb Thận Hóa, Huế, 1998, tr. 107 - 110.

2. Thân Trọng Bình, Lịch sử phát triển Ca Huế trong truyền thống âm nhạc cổ truyền Việt Nam, chuyên đề thuộc đề tài NCKH cấp Bộ Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Ca Huế do ThS. Bùi Ngọc Phúc chủ biên, Học viện Âm nhạc Huế, Huế, 2013.

3. Một số nhà nghiên cứu từng cho rằng trong dàn Ngũ tuyệt có đàn tam thay vì đàn tranh hay đàn bầu. Nhưng trên thực tế, đàn tam không có ngón nhấn, ngón rung nên không thể diễn tấu những bài bản hơi Nam. Cho nên, đàn tam không đóng vai trò quan trọng trong Ca Huế hiện nay vì nó chỉ chơi được những bài bản Bắc mà thôi.

4. Số liệu này thay đổi tùy theo thời kỳ.

5. Hoàng Yến, bài đã dẫn.

6. Hồi ký Trần Văn Khê, tập 1, Nxb Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 2001, tr. 9.

7. Vĩnh Phúc (Bùi Ngọc Phúc). Âm nhạc cổ truyền Việt Nam qua báo chí nửa sau thế kỷ XX. Nxb Thuận Hóa, Huế, 2011, tr. 149.

8. Âm nhạc cổ truyền Quảng Trị, Viện Nghiên cứu Âm nhạc, Sở Văn hóa Thông tin, Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Trị xuất bản, Quảng Trị, 1997, tr. 81 - 85.

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng