Văn nghệ dân gian
Đọc sách "Làng Văn vật Thừa Thiên Huế" tập 4
13:54 | 14/01/2022

TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONG

Đọc sách "Làng Văn vật Thừa Thiên Huế" tập 4
Ảnh minh họa sách: KTS Nguyễn Xuân Lực

Từ năm 2017, với sự gợi ý của nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh và một số nhà nghiên cứu khác của Huế, Làng Văn vật Thừa Thiên Huế bắt đầu được trình làng khi đó mới có 45 làng được khảo cứu, biên soạn theo dạng địa chí hoặc chí lược đã thực sự gây được tiếng vang lớn. Đến năm 2018 có thêm 33 làng được giới thiệu trong Làng Văn vật Thừa Thiên Huế tập 2, đây là sự tiếp nối nghiêm túc của các hội viên Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế và một số nhà nghiên cứu không phải là hội viên của Hội.

Qua các tư liệu lịch sử của làng và bằng vốn kiến thức về lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ Hán Nôm, kiến trúc, nghệ thuật, tín ngưỡng, tôn giáo và khảo cổ học, các tác giả đã phần nào giới thiệu rõ nét về một làng chuyên biệt. Sách được nhiều nhà nghiên cứu, các thư viện trên địa bàn tỉnh, thư viện các trường Đại học sử dụng làm tư liệu cho học sinh, sinh viên tham khảo. Với nhu cầu lớn như vậy các nhà nghiên cứu ngồi lại với nhau, bàn bạc phân công và tiếp tục thực hiện viết tiếp những làng văn vật truyền thống trên địa bàn.

Và với tâm nguyện phải làm cho hết số làng văn vật mà Thừa Thiên Huế đang có, nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh đã trăn trở một điều rằng “Làng quê ở Thừa Thiên Huế có bề dày lịch sử khai canh, khai khẩn chừng sáu bảy trăm năm, nhiều giá trị văn hóa truyền thống còn lưu giữ vậy nên làm được đến đâu là mừng đến đó”. Thế là nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh huy động các nhà nghiên cứu trẻ, năng động có nhiều am hiểu về Hán Nôm và lịch sử tiếp tục ra mắt Làng Văn vật Thừa Thiên Huế tập 3 vào năm 2019, lần này có 36 làng văn vật được biết đến với một loạt tư liệu mới về Hán Nôm, về di sản văn hóa đình, chùa, miếu, am, điện được công bố từ tư liệu chữ viết lẫn tư liệu ảnh.

Thiết nghĩ, với sức người có hạn, lúc đầu chúng tôi cứ nghĩ rằng ra thêm được tập 3 là một cố gắng lớn. Thế nhưng, bẵng đi 1 năm, đến cuối năm 2021, Làng Văn vật Thừa Thiên Huế tập 4 được ra mắt công chúng. Đây là niềm hân hoan không những của các bậc cao niên ở các làng mà còn là niềm vinh dự của những người làm văn hóa ở Thừa Thiên Huế.

Tập 4 dày 507 trang khổ 16x24cm, giới thiệu 38 làng với 22 nhà nghiên cứu do nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh chủ biên. Cầm trên tay tập sách nặng trĩu, là tập dày dặn nhất so với 3 tập trước người đọc hình dung về mỗi làng qua kết cấu:

- Quá trình tụ cư và lập làng và những thay đổi địa giới hành chính qua từng thời kỳ lịch sử.

- Những dấu ấn lịch sử và văn hóa.

- Đời sống kinh tế.

- Thiết chế văn hóa kiến trúc dân gian.

- Nhân vật của làng.

Và điều đặc biệt là kênh ảnh trong sách rất phong phú, mỗi làng đều có sử dụng từ 5 - 8 ảnh minh họa di tích lịch sử, sắc phong, nhân vật. Có nhiều làng được sử dụng cả không ảnh (fly cam) làm cho người đọc, người xem bao quát hết được những cảnh quan, bố cục của một di tích nào đó của làng.

Một thuận lợi cho Làng Văn vật Thừa Thiên Huế tập 4 đó là với sự cộng tác của đội ngũ các nhà nghiên cứu tại Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế nên có cái nhìn bao quát hơn về hồ sơ lí lịch di tích của làng mà họ đề cập đến. Và một di sản đồ sộ của làng là kho tư liệu Hán Nôm cũng được các nhà nghiên cứu Hán Nôm như Võ Vinh Quang, Trần Văn Dũng, Nguyễn Văn Cương, Nguyễn Hữu Phúc, Đỗ Minh Điền sưu tầm, dịch, ảnh đã được đưa vào sách đã làm sinh động thêm nội dung của cuốn sách.

Lần này, số lượng 38 làng được khảo cứu cũng được phân bố rộng về không gian nghiên cứu và thời gian thành lập làng. Ở vùng biển thì có các làng được khảo cứu như Diêm Trường, An Cư Đông - An Cư Tây, Ngư Mỹ Thạnh..; vùng đầm phá thì có các làng Thanh Hà, Phụng Chánh, Hà Trung, Tân Sa…; vùng trung du thì có các làng Hải Cát, Thanh Hương…; vùng đồng bằng phì nhiêu có các làng Nho Lâm, Nghĩa Lộ, Sư Lỗ Đông (xã Phú Hồ), Sư Lỗ Đông (xã Lộc Điền), Sư Lỗ Thượng, Cao Đôi, Thanh Lam Bồ, Thanh Lam Thượng, Thanh Lam Trung, Mỹ Lam, Diên Đại, Xuân Đài, Ưu Điềm, Thượng An, Phò Trạch, Tây Thành, An Thành…; làng ở trong lòng thành phố thì có An Bình, Bao Vinh, Địa Linh, Đốc Sơ, Lưu Khánh, Lựu Bảo, Lương Quán, Phò An, Phú Khê, Thạch Căn...

Trong quá trình thực hiện công trình Tập 4, các nhà nghiên cứu còn gặp khá nhiều khó khăn trong việc tiếp cận tư liệu của làng, các văn bản chữ Hán Nôm đều được chép tay, lưu trữ không được tốt nên có hư hỏng, mất mát cho nên công việc đối chiếu tư liệu, sách báo, tạp chí để đối sánh, bù đắp những mất mát đáng tiếc của di sản Hán Nôm mà làng lưu giữ hàng trăm năm qua.

Theo tin từ nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế cho hay “Đây là tập cuối của công trình Làng Văn vật Thừa Thiên Huế”. Và nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh cho biết “Đây là tất cả tấm lòng của những con dân Thừa Thiên Huế dâng lên các thế hệ tổ tiên, và cũng là món quà tinh thần dành cho những ai yêu mến, nặng lòng với làng quê Thừa Thiên Huế”.

Tuy là kết thúc một giai đoạn của dự án Làng Văn vật Thừa Thiên Huế với sự ra đời tập 4 nhưng với lòng mong muốn của các làng chưa được đề cập đến, sự nhiệt huyết của một số nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, chúng tôi vẫn nuôi hy vong rằng, một ngày nào đó, rồi cũng sẽ có thêm một số làng văn vật danh hương khác được nhắc đến trên báo, tạp chí hoặc tuyển tập sách nào đó để góp phần thêm cho sự đa dạng bản sắc văn hóa Huế xưa và nay.

So với các địa phương khác trên cả nước thì Thừa Thiên Huế cũng đã là một trong những địa phương đi đầu trong việc viết địa chí làng xã và công trình Làng Văn vật Thừa Thiên Huế nói chung và Tập 4 này nói riêng cũng đã phần nào giải quyết được những thứ cấp bách mà các làng mong muốn đó là viết về làng danh hương, làng văn vật là để tri ân các bậc tiền khai canh, hậu khai khẩn, thập nhị tôn phái đã vượt qua những khó khăn trong hành trình mở cõi, vỡ đất lập làng. Xin tri ân đến với người của làng và hân hạnh giới thiệu đến bạn đọc.

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng