Văn nghệ dân gian
Quan niệm "Cư Nho Mộ Thích" của các vua chúa nhà Nguyễn qua văn bia chùa Huế
10:09 | 20/01/2022

PHAN ĐĂNG

Quan niệm "Cư Nho Mộ Thích" của các vua chúa nhà Nguyễn qua văn bia chùa Huế
Ảnh minh họa (Internet)

Huế là đất Phật, đó là câu nói cửa miệng của dân gian. Điều đó không sai, vì Huế là nơi có nhiều chùa chiền, nơi ngày trước có rất nhiều cao tăng Trung Hoa đến truyền đạo Thiền và cũng là nơi xuất phát của các thiền sư Việt Nam nổi tiếng từ thế kỷXVII, XVIII. Đến thế kỷ XIX, số chùa và cao tăng đã tăng lên rất nhanh và đã có những đóng góp đáng kể trong từng bước đi của dân tộc. Hiện nay, trên đất Thừa Thiên Huế có gần 300 ngôi chùa (và niệm Phật đường) lớn nhỏ, những ngôi cổ tự rải đều khắp vùng nhưng các chùa lớn và lâu đời đều tập trung trong địa phận thành phố Huế. Hầu hết các ngôi quốc tự, chùa lớn này đều có bia, có chùa có đến 5, 6 bài bia mà hầu hết các bài văn bia này đều do các chúa Nguyễn, vua Nguyễn hay các danh nho đại bút thời Nguyễn biên soạn.

Chúng tôi đã sưu tầm được 44 bài văn bia trên 22 chùa ở Huế và phụ cận, thống kê về tác giả và số bài văn bia như sau:

Tác giả

Vua chúa

Danh nho

Nhà sư

Không ghi tên

Số văn bia

8

18

7

11

 

Điều đó đã tạo ra một sắc thái khá đặc biệt của Phật giáo xứ Huế xưa và cũng thể hiện quan niệm của vua chúa nhà Nguyễn trong việc xây dựng và củng cố đế chế triều Nguyễn.

Sau khi đẩy được họ Mạc lên Cao Bằng, đưa Lê Trang Tông về lại Thăng Long và để củng cố chiếc ghế chúa củamình, Trịnh Kiểm đã giết em vợ là Nguyễn Uông, con trai trưởng của Nguyễn Kim, nhằm trừ hậu hoạ. Nguyễn Hoàng nghĩ không thể thoát khỏi lưỡi gươm Trịnh Kiểm nên mới nhờ chị là Ngọc Bảo, vợ Trịnh Kiểm, xin giùm cho vào trấn thủ đất Thuận Hoá. Năm 1558, Nguyễn Hoàng (1524-1613) cùng hai con là Hoàng quận công và Thuỵ quận công, bộ hạ gồm các tướng là Văn Nham, Thạch Xuyên, Tường Trung, Tường Lộc đem hơn ngàn quân cùng gia nhân và bà con đồng hương Tống Sơn (Thanh Hoá) đi đường thuỷ thẳng tiến vào Thuận Hoá, lần đi này đã trở thành dấu mốc quan trọng của họ Nguyễn sau này.

Tình hình tư tưởng vào thời Lê sơ đã có những thay đổi đáng kể, quan niệm Tam giáo đồng nguyên vốn có tác dụng tích cực ở thời Trần đến lúc này không còn nguyên vẹn, mỗi tư tưởng phát triển theo cách của mình. Nho giáo vốn được nhà nước phong kiếnthời Hậu Lê sử dụng mạnh mẽ trong việc củng cố vương quyền, tuy vậy tinh thần tiếp thu Nho giáo thời này vẫn đứng trên lập trường dân tộc, tức là tiếp thu những gì có lợi cho triều đại, cho nhân dân, những điều nhân, lễ, nghĩa phải gắn liền với lợi ích và phong hoá của dân tộc. Có thể nói rằng, Nho giáo có được ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống người Việt chính là từ thời đại này. Nhưng bước sang thế kỷ XVI, nhà Hậu Lê bắt đầu suy yếu và đã kéo theo sự rạn nứt của mô hình nhà nước phong kiến lấy Nho giáo làm tư tưởng chính thống. Việc Mạc Đăng Dung chiếm Thăng Long năm 1527, chúa Trịnh tiếm quyền, rồi Nguyễn Hoàng vào Thuận Hoá với ý đồ xây dựng giang sơn riêng... là những minh chứng. Trước tình hình ấy, Đạo và Phật mất dần vị trí trong lòng giai cấp thống trị nên phải tự chọn cho mình một cách tồn tại, đó là sự hoà nhập vào tín ngưỡng dân gian hoặc hành đạo khép kín trong các tự quán, thiền viện.

Nguyễn Hoàng vốn là người bản lĩnh, trung thực và mưu trí, gia đình nhiều đời phục vụ tích cực dưới triều Lê, ông từng được vua Lê phong tước quận công và ắt là người chịu ảnh hưởng sâu sắc quan niệm trị nước chăn dân của các vua Lê. Khi biết không thể tồn tại dưới trướng Trịnh Kiểm, ông đã phải tự tìm cho mình một hướng đi không chỉ tránh được cái hoạ cho bản thân và gia tộc mà còn có cơ hội làm nên nghịêp lớn. Đất Thuận Hoá nơi ông đến, vùng đất vốn được tiếp quản sau sự kiện Trần Anh Tông gã công chúa Huyền Trân cho vua Chăm (1306), rồi Lê Thánh Tông mở biên cương đến núi Đá Bia (1471), nhưng cũng là vùng đất mà chính chúa Trịnh gọi là “viễn châu”, một vùng xa xôi hoang vắng, rừng thiêng nước độc, dân cư thưa thớt, câu ca xưa được nhắc đến giờ còn làm người nghe tê tái (Tới đây đất nước lạ lùng, nghe chim kêu cũng sợ thấy cá vùng cũng kinh). Hình ảnh ấy giúp chúng ta hình dung ra những ngày đầu của Nguyễn Hoàng trên vùng đất mới: Về chính trị, ông còn mang danh nghĩa là quan của vua Lê chúa Trịnh, phải lo thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ được giao, và ông đã thực hiện rất nghiêm túc; nhưng về lý tưởng cá nhân là phải nhanh chóng xây dựng cơ ngơi chờ cơ hội tách ra khỏi ảnh hưởng của triều đình Thăng Long, giữa lúc mọi thứ còn ngổn ngang.

Sau khi ổn định dinh cơ, Nguyễn Hoàng đã bỏ công nghiên cứu hình thế núi sông, dân tình và đã có những chính sách nhằm thích nghi với lòng dân nơi còn hoang sơ này nhằm nâng cao uy tín cho mình. Tất nhiên học thuyết Nho giáo vẫn là mô hình kiểu mẫu cho việc gây dựng vương quyền, nhưng từ sự đặc thù của vùng đất mới, nơi mà văn hoá đang có sự đan xen giữa người Việt - người Chăm, giữa các tín ngưỡng dân gian khác nhau, tư tưởng có cả Nho, Phật và Đạo nên Nguyễn Hoàng một mặt lấy Nho làm tiêu chí để dựng nghiệp nhưng vẫn dựa vào Phật và Đạo để hành động. Ông đã quan sát khắp vùng, cuối cùng vẫn thấy đất Hoá châu là đắc địa, nên năm 1601 ông cho đại tu chùa Thiên Mụ ở phía thượng lưu sông Hương và tiếp đó là chùa Sùng Hoá ở hạ lưu sông này để lấy thế theo thuật phong thuỷ, ấy là đã nghĩ đến sự nghiệp dài lâu. Các chúa Nguyễn kế tiếp cũng theo tinh thần như thế. Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635), người kế vị Nguyễn Hoàng, đã đưa bàn thờ tổ tiên cha mẹ mình vào thờ trong chùa Thiên Mụ, đấy phải chăng là ý tưởng dùng Phật làm thế tựa cho vương triều mà vương triều vốn sùng Nho ?Ý tưởng ấy càng được biểu lộ rõ trong các đời chúa về sau. Đến thời Nguyễn Phúc Lan(1635-1648), đời sống xứ Thuận Hoá lúc này đã có sự phát triển đáng kể, bờ cõi đã được mở rộng thêm, dân cư càng đông đúc, ruộng vườn được khai phá thêm nhiều, chúa cũng đã cho phép các nhà sư Trung Hoa đến truyền đạo. Qua thời Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) thì Thuận Hoá đã thực sự thịnh đạt, phủ chúa đã dời đến Kim Long, gần với kinh thành hiện nay,tinh thần dung hợp giữa Nho và Phật trong giới cầm quyền càng được thể hiện rõ: Các thiền sư Trung Hoa đã đến dựng thảo am truyền pháp, phái thiền Lâm Tế bắt đầu hình thành. Nguyễn Phúc Thái - trước đây đọc là Nguyễn Phúc Trăn (1687-1691) khi vừa lên kế vị đã dời phủ từ Kim Long về Phú Xuân, một mặt ông lo củng cố vương quyền nhưng mặt khác lại cho mời các danh tăng Trung Hoa đến giảng kinh, dựng chùa, chính ông đã nhờ thiền sư Nguyên Thiều ở chùaQuốc Ân về Quảng Đông mời các cao tăng sang Thuận Hoá truyền giới. Thiền sư Thạch Liêm Thích Đại Sán từ chùa Trường Thọ ở Quảng Đông thuộc phái thiền Tào Động đã đến Thuận Hoá theo lời mời này. Kế đến là chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), ông là người không những có công mở mang bờ cõi, xây dựng nền kinh tế và văn hoá xứ Thuận Hoácàng vững chắc mà còn là một người rất sùng mộ đạo Phật. Khi thiền sư Thạch Liêm đến Thuận Hoá, chúa cho mở đại giới đàn ở chùa Thiền Lâm, tất cả hoàng gia nhà chúa đều quy y theo Phật, ông tự lấy đạo hiệu là Thiên Túng Đạo Nhân, Động Thượng chính tông tam thập thế, pháp danh là Hưng Long và từng phong thiền sư Quả Hoằng làm quốc sư. Con kế vị là chúa Nguyễn Phúc Chú- trước đây đọc là Nguyễn Phúc Trú hay Thụ (1725-1738) cũng lấy hiệu và Vân Tuyền Đạo Nhân, rồi Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) cũng nối tiếp truyền thống của cha ông, lấy hiệu là Từ Tế Đạo Nhân, đến Nguyễn Phúc Thuần (1765-1775), tuy lên ngôi khi còn ít tuổi nhưng cũng có đạo hiệu là Khánh Thuận Đạo Nhân.

Như vậy, qua chín đời chúa Nguyễn (1558-1775) ở đất Thuận Hoá – Đàng Trong, Nho và Phật đã hoà quyện vào nhau, song hành bên nhau. Để xây dựng một đế chế phong kiến kiểu phương Đông, Nho giáo tất nhiên giữ vị trí then chốt, điều đó cũng dễ hiểu vì Nho giáo là một hệ thống học thuyết về chính trị, tư tưởng và đạo đức, phương châm là nhập thế hành động, là hữu vi mà mục tiêu cuối cùng là tổ chức một xã hội trật tự, trong đó mọi người đều có vị trí,thứ bậc, có trách nhiệm nghĩa vụ rõ ràng trong từng quan hệ từ trong gia đình đến xã hội. Yếu tố tích cực của Nho giáo không chỉ phù hợp với lợi ích của giai cấp phong kiến mà còn góp phần thúc đẩy sự ổn định và phát triển của quốc giaphong kiến nữa. Chính thế, các chúa Nguyễn trong sự nghiệp gầy dựng cơ đồ đã không thể không vận dụng Nho giáo một cách khéo léo và triệt để nhằm đạt đến mục đích cuối cùng của mình. Tuy vậy, đạo Phật vốn có gốc rễ sâu bền ở Thuận Hoá, một phần là từ tín ngưỡng dân gian, do phải sống giữa cảnh còn hoang sơ lạ lùng mà thanh giáo của triều đình chưa thấm khắp, phần khác là từ sự tiếp nhận nền văn hoá Chăm mà trong đó Phật giáo đã chiếm một dung lượng đáng kể. Để tồn tại và phát triển, các chúa Nguyễn đã phải tìm cách dung hoà cả hai luồng tư tưởng ấy. Có thể việc dựng chùa, tạc tượng, đúc chuông của Nguyễn Hoàng chỉ để cầu phước, để nắm bắt lòng dân, để tạo thế đắc địa, để có một chỗ tựa về mặt tâm linh trước mọi sự còn đang mới mẻ. Do đó càng về sau, đạo Phật như một dòng chảy tự nhiên đã vượt qua bao trở ngại để đi vào chiều sâu của lòng người. Từ Nguyễn Phúc Nguyên trở đi, đạo Phật bắt đầu có vị trí không những trong hệ thống chính trị mà còn góp phần vào việc hình thành và phát triển của đời sống văn hoá vùng Thuận Hoá – Đàng Trong này. Thời chúa Nguyễn, Nho và Phật đã kết hợp một cách nhuần nhuyễn, tạo ra một phong cách đặc biệt trong giới cầm quyền cũng như trong quần chúng.

Chính Nguyễn Phúc Chu đã thể hiện quan niệm của mình trong bài văn bia dựng ở chùaThiên Mụ vào năm 1715:

咸性善以為宗更心良而應事居儒慕釋以政治無不行仁信道崇僧就因果而思種福承平國界安樂身心因知處豐屋何如方丈馳良馬何如振錫錦衣耀世不似袈裟金玉滿堂本還虛白久食珍者豈觀飯來香積聽樂者豈聞梵音響際此昌期之世還尋歡喜之園有為無為並行不悖.

(Nguyện lấy tính thiện làm tôn chỉ, lấy lòng lành mà ứng xử muôn việc. Sống và làm theo Nho mà lòng mộ đạo Phật, vì làm chính trị không thể không thi hành điều nhân, tin đạo trọng tăng, luôn nghĩ điều nhân quả mà lo trồng phước, đất nước thái bình, thân tâm an lạc. Nhân đó mới biết ra rằng ở nhà cao sao bằng nương thân nơi phương trượng, cưỡi ngựa tốt sao bằng chống gậy trúc, áo gấm loè đời chẳng bằng chiếc cà sa, vàng bạc đầy nhà rồi cũng trở thành rỗng sạch. Người ăn mãi đồ ngon há chẳng xem mùi cơm hẩm, nghe mãi tiếng nhạc há không ưa kinh kệ âm vang. Nay gặp đời thịnh trị, quay về tìm lại niềm vui, thực là hữu vi và vô vi cùng song hành mà không hề trái ngược).

Cũng trong bài văn bia này, Nguyễn Phúc Chu còn thể hiện nguyện vọng của mình trong vai trò một vị chúa đang cai trị thiên hạ theo tinh thần cuốn Phật vào Nho:

裨國家健金甌之固君臣茂松柏之年四境清平萬民樂業路聽含哺鼓腹堂聞撫瑟彈琴有為而入無為之法化也自玆而後繼往開來以法法之相承燦燈燈之朗燄.

(Những mong kiến tạo quốc gia thành âu vàng vững chắc, đạo quân thần tươi tốt như tùng bách dài lâu, tứ cảnh thanh bình, muôn dân lạc nghiệp, ngoài đường người người no cơm ấm áo, trong nhà rộn rã tiếng trúc tiếng tơ. Thực hữu vi đã hoà nhập vào với vô vi vậy. Kể từ nay, tiếp trước nối sau, lấy pháp pháp để trao truyền, thắp đènđèn cho sáng mãi).

Sau khi thắng nhà Tây Sơn, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi (1802) lập ra triều Nguyễn. Vua Gia Longnhanh chóng củng cố vương triều về mặt tổ chức nhà nước cũng như lo xây dựng kinh thành (1805); dựng Kỳ đài (1807); đúc cửu vị thần công (1815); sai Lê Quang Định cùng với quan lại địa phương biên soạn bộ Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (1805); cho dựng Khuê văn các ở Thăng Long (1804); cho soạn bộ Hoàng Việt luật lệ (1815) mà người ta quen gọi là Luật Gia Long... Năm 1820, Nguyễn Phúc Đảm lên ngôi, tức vua Minh Mạng, ông tiếp tục sự nghiệp của cha một cách tích cực và mạnh mẽ hơn: Xây dựng hoàng thành thêm kiên cố, quy mô; đúc cửu đỉnh; dựng Hiển lâm các, Phu văn lâu; Ngọ môn (1833)... Đến Thiệu Trị, không thấy xây dựng thêm gì nhiều, nhưng ông đã để lại số trước tác khá lớn, đặc biệt ông rất quan tâm đến Phật giáo như dựng chùa, lập nên những thắng tích nổi tiếng cho kinh đô Huế. Năm 1847, Thiệu Trị băng hà, Tự Đức kế vị, đất nước bắt đầu rối ren, mười năm sau người phương Tây bắt đầu cuộc xâm chiếm của họ vào nước ta. Và cũng từ đó, nhà nước phong kiến triều Nguyễn từng bước co lại và phải nhận lấy những lời chỉ trích nặng nề không những của nhân dân, của những trí thức yêu nước mà còn của một số quan lại đương chức.

Nhìn chung, các vua Nguyễn trong việc xây dựng và củng cố vương quyền đã chịu ảnh hưởng sâu nặng tư tưởng Nho giáo theo kiểu Tống Nho. Từ trước đến nay, rất nhiều nhà nghiên cứu đã phê phán bộ luật Hoàng Việt luật lệ, cho đó là bản sao chép bộ luật nhà Thanh, tức là điều khoản trong bộ luật này thiếu tính nhân ái, tính giáo dục mà khắt khe, nặng áp đặt với mục đích có lợi cho vương triều, lạc hậu so với Quốc triều hình luật thời Lê Thánh Tông. Đến thời Tự Đức, việc đưa ra những điều khoản cấm kỵ nhân dân trong việc xây dựng, kiến trúc, ăn mặc, sinh hoạt tinh thần - chỉ để phân biệt giữa kẻ thống trị và bị trị - càng làm cho nhân dân thêm bất mãn. Khác với các đời vua trước, Tự Đức vốn là người uyên bác, hay chữ, thích thơ văn, số lượng tác phẩm của ông rất đồ sộ với nhiều thể loại, nhiều lĩnh vực khác nhau mà nội dung chính là đề cao Nho giáo, xem đạo lý thánh hiền là kim chỉ nam của sự nghiệp đế vương. Sau khi Tự Đức mất (1883), người Pháp chiếm dần hết ba miền nước ta, văn hoá phương Tây du nhập dần dần, Nho giáo cũng mất dần vị trí trên chính trường và Phật giáo cũng cùng chung số phận ấy. Qua sự nghiệp của bốn vị vua đầu triều Nguyễn, nhất là với các chính sách “bế quan toả cảng”, cấm đạo Gia tô, không để ý đến các bản điều trần của các trí thức yêu nước, xem văn minh phương Tây là bá đạo... đã bộc lộ tư tưởng phục cổ, bảo thủ vàcố chấp khá nặng nề chỉ vì mục tiêu là xây dựng một quốc gia phong kiến lấy Nho giáo làm chuẩn, không muốn tiếp nhận thêm những gì vốn có.

Tuy vua chúa nhà Nguyễn đều sử dụng tư tưởng Nho giáo để xây dựng vương triều, lấy xã hội Nghiêu Thuấn làm mẫu mực, nhưng để thích nghi với hoàn cảnh cụ thể, họ đã tỏ ra tôn sùng Phật giáo. Việc xây dựng chùa chiền, đúc tượng, quy y, sắc tứ cho các chùa lớn, ban giới đao độ điệp cho các nhà sư có đạo hạnh cao, đặt chức tăng cang... chẳng qua để nắm lòng dân, cầu mong sự ổn định, mong cho vương nghiệp vững bền như trong văn bia chùa Thiên Mụ, Nguyễn Phúc Chu còn viết:

願阮門遠近宗親咸登法會永為福主掄作伽藍內外屬共證菩提余受無疆之頌長逢大有之年土宇闢開農商盛集兵強國富守業安時

(Cầu nguyện sao cho thân quyến xa gần trong họ Nguyễn đều lên pháp hội, mãi làm phúc chúa, tạo dựng chùa chiền, bà con nội ngoại đều chứng quả bồ đề, riêng ta được đời xưng tụng lâu dài, bờ cõi được mở mang, nông thương phát đạt, quân mạnh nước giàu, giữ yên sự nghiệp).

Hay trong văn bia Đề tháp Phước Duyên chùa Thiên Mụ, Thiệu Trị cũng cùng chung suy nghĩ ấy:

朕聞儒有聞善以相告也見善以相示也能用善人民之主也.

(Trẫm từng nghe nhà nho nói: “Nghe điều thiện thì nhắc bảo nhau, thấy điều thiện thì dặn dò nhau”, ai biết dùng người thiện thì sẽ làm chủ của dân).

Tuy nhiên, thái độ của các chúa Nguyễn với đạo Phật dù sao vẫn thể hiện ít nhiều sự chân thành theo quan niệm cư Nho mộ Thích. Hầu hết bà con trong hoàng gia đều quy y thọ giới, các chúa Nguyễn về sau đều có pháp danh đạo hiệu, quý trọng các cao tăng, lo việc dựng chùa, đúc tượng, ban pháp khí nhằm làm công đức, cầu mong sự gia trì của Phật tổ cho sự nghiệp của mình như lời Nguyễn Phúc Chú trong văn bia chùa Quốc Ân:

余恭膺天命臨于兆姓雞鳴而起孜孜不忘為善之道也越觀自開國以來立寺建庵延僧供佛廣行方便圖使畿內天下盛起全自頓拋憑念庶幾生順死安

(Ta vâng mệnh trời chăm coi trăm họ, gà gáy đã vội dậy, chăm chắm không dám quên đạo làm điều thiện. Cứ xem nước Việt ta từ khi mở nước đến nay, việc lập chùa dựng am, thỉnh sư thờ Phật, rộng truyền phương tiện, khiến cho dân chúng kinh kỳ ngày càng phồn thịnh, từ đó cũng chăm chỉ tu tập, cầu được sinh thuận tử an...).

Cũng trong bài văn bia này, Nguyễn Phúc Chú còn thể hiện rõ quan niệm của mình là đạo Phật sẽ là phương tiện tốt để giáo hoá nhân dân nhằm xây dựng đất nước thái hoà, thịnh vượng:

余欲萬世人人仰慕善道証如來無上之果共享太平之福無窮.

(Ta cũng mong người người muôn đời ngưỡng mộ thiện đạo, chứng được quả của đấng vô thượng Như Lai để cùng hưởng thái bình đến vô cùng).

Vì vậy, thời các chúa Nguyễn, các cao tăng từ Trung Quốc đến truyền đạo như Giác Phong, Từ Lâm, Nguyên Thiều, Thạch Liêm, Tử Dung, Tế Viên... hoặc các cao tăng người Việt như Hương Hải, Giác Thù, Liễu Quán... rất được nhà chúa kính trọng và ưu ái.

Đến thời các vua Nguyễn, với tư tưởng phục cổ, lấy Nho giáo làm tư tưởng chính thống, như thể các vua Nguyễn đã rút kinh nghiệm từ lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, ít ra là từ thời Lê sơ, chỉ có việc ứng dụng tư tưởng Nho giáo một cách triệtđể thì mới giữ vững được chế độ phong kiến sau gần hai thế kỷ suy đồi. Và, như lịch sử đã cho thấy, đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn triều Nguyễn đến thất bại trong trách nhiệm lãnhđạo đất nước của mình. Do vậy, thái độ của các vua Nguyễn với Phật giáo đã có phần khác với các chúa Nguyễn trước đó. Phật giáo vốn đã phát triển mạnh nhờ sự hổ trợ tích cực của các chúa Nguyễn. Tín đồ và hàng ngũ tăng đồ ngày càng đông; mặt khác với tư cách là một tôn giáo, đạo Phật đã có vị trí lớn trong tín ngưỡng dân gian, nên Phật giáo nghiễm nhiên trở thành một thành phần khá quan trọng trong xã hội đầu thế kỷ XIX. Nếu trong thời Tây Sơn, do những biến động lớn của lịch sử, Phật giáo đã bị chửng lại thì đến triều Nguyễn có dịp chấn hưng. Trước tình hình ấy, các vua Nguyễn không thể hạn chế sự phát triển của đạo Phật, ngược lại phải chấp nhận để Phật giáo phát triển trong sự kiểm soát và hướng dẫn khéo léo của triều đình. Năm 1804, trong dịp Bắc tuần, vua Gia Long đã hạ chiếu định ra năm điều cho việc sinh hoạt hương đảng, trong đó điều năm nói về việc thờ cúng Thần, Phật. Sách Đại Nam thực lục chính biên ghi rõ: Đến như việc thờ Phật thì sách truyện nói: “Say mê dị đoan chỉ hại mà thôi”. Lại nói: “Có tội với trời thì cầu đảo vào đâu được?” Người thờ Phật là để cầu phúc báo. Sách nhà Phật nói: “Có duyên Phật độ, không duyên Phật chẳng độ”. Lại nói: Thờ cha mẹ chẳng ra gì, tuy hằng ngày ăn chay niệm Phật cũng vô ích. Trung với vua mà đến thế, dù không cúng Phật cũng không sao”. Chừng đó đủ thấy các vua Nguyễn không mộ Thích như các chúa Nguyễn, mà họ cương quyết cư Nho. Vì vậy việc Gia Long cho trùng tu chùa Thiên Mụ (1815); Minh Mạng cho dựng chùa Giác Hoàng (1830), chùa Thánh Duyên (1837); Thiệu Trị cùng trong một năm (1844) cho xây chùa Diệu Đế và dựng tháp Phước Duyên ở chùa Thiên Mụ; Tự Đức thì sắc tứ, cấp tiền xây dựng và trùng tu cho nhiều chùa; các hoàng thân ngoại thích, phủ đệ nhà Nguyễn thườngvãncảnhchùa và dựng chùa riêng, nhiều bà chúa bà hoàng do duyên phận rủi ro đã bỏ đời vào chùa... nhưng tất cả đều chung một quan niệm là dĩ Phật tải Nho mà thôi. Các vua Nguyễn gọi các tiên đế, thái hậu của mình là Thánh, và Thánh ngang với Phật, nên việc dựng chùa là để vừa thờ Phật vừa thờ Thánh, chùalànơi để cầu quốc thái dân an, cầu cho vương triều bền vững mà lòng vẫn không rời kỷ cương của Nho giáo. Câu đối của Minh Mạng trước chùa Thánh Duyên đã cho thấy rõ điều đó: Thánh tức thị Phật, Phật tức thị Thánh. Trong văn bia của Thiệu Trị ở chùa này cũng có câu:

聖緣普濟咸歸善

佛蹟增光自有人

Duyên thánh nhân lan rộng dẫn dắt về nẻo thiện,

Dấu Phật tổ ngày càng sáng là từ lòng người.

Vì vậy, trong các bài văn bia chùa Huế được viết trong thời các vua Nguyễn, chúng ta dễ dàng nhìn thấy việc lấy Nho để giải thích Phật, dùng Phật để chuyển tải tư tưởng chủa Nho, nếu Nho là nội dung thì Phật chính là hình thức biểu hiện.Quan niệm ấy đã được thể hiện rõ trong các bài văn bia chùa Huế do chính tay các hoàng đế hay các đại nho chấp bút. Trong văn bia chùa Diệu Đế, Thiệu Trị viết:

有請應當誌慶崇徽永留勝蹟因念大學之道誠正格致修齊治平在止於至善雖象教虛無亦勸人為善則妨于王道者哉.

(Có lời thỉnh cầu ghi dấu điều tốt đẹp để giữ lại nơi thắng tích. Nhân vậy mà nhớ lại đạo của sách Đại học là thành ý, chính tâm, cách vật, trí tri, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ và dừng lại ở chỗ chí thiện, tuy đạo Phật vốn chủ trương hư vô nhưng đều khuyên người làm điều thiện, vậy thì có gì làm hại đến vương đạo đâu!).

Nguyễn Đăng Giai, thự Hiệp biện đại học sĩ, lĩnh Hình bộ thượng thư thời Tự Đức viết trong bài văn bia chùa Từ Hiếu nhằm ca ngợi Tự Đức và mẹ ông, bà Từ Dũ, đã ban tiền của để xây dựng chùa này:

大學曰君子不出家而成教於國則以止慈教天下之語儒者皆可奉為法言也大哉遠守旨哉淵守聖人為人心世道計者亦至矣矧是寺也.

(Sách Đại học viết: Người quân tử không ra khỏi nhà mà vẫn góp phần giáo hoá cho quốc gia, tức là muốn nói lấy chữ “Từ” để dạy thiên hạ, nhà nho đều có thể lấy đó làm khuôn phép vậy. Thật lớn lao, cao xa, đúng đắn, sâu sắc thay! Bậc thánh nhân vì nhân tâm thế đạo mà đã lo lắng thật chu đáo, cũng như nơi ngôi chùa này vậy).

Các tác giả văn bia chùa Huế là vua hay nho sĩ đều có nét chung, đó là mượn bia chùa để thuyết lí Nho giáo. Họ đồng hoá điều thiện của Phật học với đạo nhân của Nho học, xem hai phạm trù ấy chẳng qua là một, tu sĩ trong nhà chùa cũng phải đi từ đạo Nho để hiểu Phật, nho sĩ, trí thức cũng nên lấy thiện của nhà Phật làm phép tắc để hiểu đạo Nho để có cống hiến nhiều hơn cho chế độ, cho quốc gia phong kiến. Với quan niệm dĩ Phật tải Nho, nhưng các vua nhà Nguyễn cũng không quên vai trò của Lão, tư tưởng tam giáo vốn có gốc rễ lâu đời ở các quốc gia phong kiến phương Đông, trở thành một nếp tư duy quen thuộc trong hàng ngũ trí thức phong kiến, vì vậy, thời Minh Mạng, bên cạnh việc dựng chùa tạc tượng, nhà vua còn cho dựng Linh Hựu quán ngay trong kinh thành (1830). Về sau tinh thần ấy còn thấy ở chùa Thiên Hưng, khác với các ngôi chùa khác là thờ Phật Thánh, chùa Thiên Hưng thờ cả tam giáo là Nho - Phật - Đạo. Nguyễn Thượng Hiền, một nhà nho có tiếng đã từng viết văn bia cho chùa này (1895), có đoạn:

三教鼎立於天下久矣皆天啟之人力不與焉虛者以為冰炭之不相入也吁豈誠知道也哉竊嘗譬之三光之在天名與體雖不同其有功於天地萬物古今所共仰一也夜處者不知日之明晝觀者謂無星無月惑執其焉天興淨堂合事三教之所諸君子唱其事尚賢贊成之.

(Tam giáo [Nho, Phật, Đạo ] đứng thế chân vạc trong thiên hạ đã từ lâu, tất cả đều là ý trời chứ sức người đâu dự phần vào đó được. Nó vốn hư rỗng mà khác nhau, không thể tan vào nhau, nếu vậy thì làm sao biết được đạo? Thường trộm ví như tam quang trên trời, tuy danh và thể không giống nhau nhưng cái công đối với muôn vật trong trời đất thì xưa nay vẫn được ngưỡng mộ như nhau. Người ở trong đêm không biết đến ánh sáng mặt trời, người nhìn vào ban ngày thì bảo không có trăng sao, từ đó sinh ra hoài nghi, mê lầm. Toà Tịnh đường ở chùa Thiên Hưng hợp thờ cả Tam giáo, những bậc quân tử đề xướng như vậy và được bậc thượng hiền đồng tình).

Nói là cư Nho mộ Thích hay dĩ Phật tải Nho nhưng qua những bài văn bia do chính các vua chúa hoặc các nho sĩ thời Nguyễn viết đều biểu lộ rõ tinh thần cuốn Phật theo Nho. Các tác giả ấy đều lấy kinh điển của Nho để giải thích Phật, cố chứng minh Nho hay Phật đều cùng hướng đến việc dạy người làm điều tốt lành, góp phần xây dựng một quốc gia phong kiến thái hoà ổn định. Trong văn bia Đề tháp Phước Duyên ở chùa Thiên Mụ, Thiệu Trị đã dẫn nhiều sách kinh điển của Nho giáo để chứng minh quan niệm mộ Thích của mình. Ông viết:

夫慈悲之立教以善為本善念在心心即佛也論語曰擇其善者而從之易言君子逼惡揚善順天休命書云作善降之百祥諒無傷於國經庶少補於王化者也.

(Ôi, việc lập đạo từ bi vốn lấy thiện làm gốc. Khắc ghi điều thiện trong tâm, mà tâm tức là Phật. Sách Luận ngữ viết: Hãy chọn điều thiện mà làm theo; Kinh Dịch lại viết: Người quân tử phải ngăn trừ điều ác, nêu cao điều thiện, thuận ý trời, vui với mệnh. Kinh Thư nói: Người làm điều thiện thì trời ban cho trăm điều lành. Xem thế đủ biết đạo Phật không những không phương hại đến quốc gia mà còn ít nhiều bổ sung cho việc vương hoá vậy).

Tất cả những điều trên cho thấy các vua chúa nhà Nguyễn đã cố gắng dung hoà Nho và Phật, mà Nho và Phật lúc này đã khác xa tinh thần Nho và Phật ở thời Lý Trần và đầu Lê. Theo đó, nếu Nho là kim chỉ nam và là mô hình kiểu mẫu để xây dựng xã hội theo quan niệm của các vua chúa nhà Nguyễn thì Phật chính là chuẩn giá đạo đức cho việc rèn luyện tu dưỡng của kẻ tôi trung.

Với quan niệm ấy, có thể các vua chúa nhà Nguyễn : Một là , xem đây là một biện pháp tốt cho việc xây dựng và củng cố vương quyền, nhất là giai đoạn các chúa Nguyễn, khi họ mới đặt chân đến vùng đất mới, tiếp theo là mâu thuẩn giữa các chúa Nguyễn với họ Trịnh ở Đàng ngoài ngày càng thêm gay gắt. Họ đã nhanh chóng dựa vào Phật giáo, xem đó như một lực lượng xã hội đang mạnh và đã có nhiều đóng góp cho dân tộc trong các triều đại trước. Đến thời các vua Nguyễn,dù thâm tâm không còn mặn mà mấy với Phật giáo nhưng các vua Nguyễn vẫn không thể làm khác được là để cho đạo Phật phát triển trong sự quản lý của triều đình. Thế nên các vua Nguyễn vẫn tham gia việc dựng chùa, tô tượng,đúc chuông và mượn hình thức ấy để trình bày, quảng truyền tư tưởng Nho giáo cũng như quan điểm chính trị của mình. Hai là, quan niệm cư Nho mộ Thích còn là một hình thức để nắm lòng dân, nhất là khi văn hoá phương Tây bắt đầu du nhập ngày càng mạnh, trong đó có việc truyền bá đạo Gia tô. Các vua Nguyễn đã từng ra lệnh cấm đạo rất nghiêm, ấy là một mặt do tính cách bảo thủ, không biết gì nhiều ngoài những tư tưởng truyền thống của phong kiến phương Đông, mặt khác họ cũng sợ văn hoá phương Tây gây ảnh hưởng xấu đến sự tồn vong của vương triều, và một khi đã cố tình cấm cái ngoài mới vào ắt phải để cái đang có bên trong tồn tại và phát triển. Ưu ái với Phật giáo cũng là một biện pháp chính trị, vừa thoả mãn yêu cầu văn hoá tín ngưỡng của quần chúng trong xu thế có lợi cho chính quyền phong kiến, vừa xem đó là pháo đài ngăn chặn làn sóng văn hoá phương Tây. Ba là, cư Nho mộ Thích hay dĩ Phật tải Nho của vua chúa nhà Nguyễn đã trở thành một chủ trương, một quan niệm trong đường lối trị nước.

Đạo Phật từ thời các chúa Nguyễn đã phát triển mạnh, uy tín và ảnh hưởng của thiền phái Liễu Quán - khởi thuỷ là thiền sư Liễu Quán (1667-1742) - lan rộng khắp xứ Đàng Trong, đây là thiền phái chiết trung giữa hai thiền phái Lâm Tế và Tào Động từ các cao tăng Trung Quốc truyền vào, lại thích hợp với tín ngưỡng và tâm hồn người Việt, mang sắc thái dân tộc rất rõ nên Phật giáo đã có một vị trí vững chắc trong lòng người thuở ấy. Vì vậy, đến các vua Nguyễn, dù lấy tư tưởng Nho làm căn bản nhưng vẫn xem Phật như là phương tiện hổ trợ trong đường lối trị nước, có như thế mới giữ được thế ổn định và giữ được sự bền vững cho vương triều.

Từ những điều trình bày trên, chúng ta có thể thấy rằng trước sau các vua chúa nhà Nguyễn vẫn trung thành với Nho giáo, xem Nho giáo như xương sống của chế độ. Nhưng để tạo thế ổn định, nhất là trước những khó khăn trên bước đường dựng nghiệp của các chúa Nguyễn; trước những cuộc khởi nghĩa của nhân dân chống lại thái độ bảo thủ, cực đoan và những quy phạm ngặt nghèo của chế độ; trước sự lăm le của phương Tây, vua chúa nhà Nguyễn đã phải ưu ái với Phật giáo. Họ đã khéo léo cuốn hút Phật vào với Nho, xem Phật như một tư tưởng bổ sung cho Nho, cho việc “vương hoá”. Quan niệm cư Nho mộ Thích, chữ dùng của Nguyễn Phúc Chu và được con cháu kế tục thực hiện, như một chủ trương, một biện pháp, một thái độ, một quan niệm hành động của vua chúa nhà Nguyễn trong việc củng cố vương quyền của triều đại mình. Với nhà nước phong kiến thì đây là một thủ thuật chính trị, nhưng với Phật giáo, đặc biệt là Phật giáo xứ Huế, nó cũng tạo ra một sắc thái, một phong cách khá đặc biệt trong tín đồ và hàng ngũ tăng ni, đó là tinh thần kính Phật trọng Nho, hướng đạo vào đời.

P.Đ

Tài liệu tham khảo:

Đông Châu (1931), Khổng Tử với Thích Già, Tc. Nam Phong, T.XX, No. 167.

Dương Văn An (1997), Ô Châu cận lục, Trịnh Khắc Mạnh và Nguyễn Văn Nguyên dịch, Nxb. KHXH, H.

Lê Quý Đôn (1977), Phủ biên tạp lục, Viện Sử học, Nxb. KHXH, H.

Nguyễn Khoa Chiêm (1986), Nam triều công nghiệp diễn chí, Ngô Đức Thọ dịch, VHTT, Huế.

Phan Đăng (1994), Tuyển tập văn bia Huế, Đề tài cấp Bộ, MS: B92-06-11.

Phan Khoang (1967), Việt sử xứ Đàng Trong 1558-1777, Khai Trí, S.

Quốc sử quán triều Nguyễn (1962), Đại Nam thực lục tiền biên, chính biên, Viện Sử học, Nxb. Sử học, H.

Thái Văn Kiểm (1960), Cố đô Huế, BGD, S.

Thích Đại Sán (1963), Hải ngoại kỷ sự, Nguyễn Phương và Nguyễn Duy Bột dịch, ĐH Huế.

Thích Hải Ấn và Hà Xuân Liêm (2006), Lịch sử Phật giáo xứ Huế, VHSG, Tp. HCM.

Thích Mật Thể (1960), Việt Nam Phật giáo sử lược, Nxb. Minh Đức, S.

Trần Trọng Kim (1971), Nho giáo, BGD, S.

Trần Văn Giáp (1968), Le Bouddhisme en Annam, Tuệ Sĩ dịch, ĐH Vạn Hạnh, S.

Trần Văn Giàu (1975), Sự phát triển tư tưởng ở Việt Nam, Nxb. KHXH, H.

Viện Triết học (1986), Phật giáo và lịch sử tư tưởng Việt Nam, Nxb. KHXH, H.

 

 

 

 

 

Tác giả: Phan Đăng
Các bài mới
Các bài đã đăng