LÊ ĐÌNH HÙNG
Trong chuyến điền dã về làng Phước Tích thuộc thôn Phước Phú, xã Phong Hoà, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, chúng tôi có dịp tiếp cận với một bản khắc chữ Hán khá độc đáo. Nội dung của văn bản được thể hiện trên một tấm biển có hình thức giống một bức hoành phi, hiện đang được thiết trí tại liên ba thượng trong từ đường của họ Lương Thanh. (1)
Bài minh và sắc phong trên tấm biển gỗ
Về mặt hình thức (chạm khắc, trang trí, sơn son, thiếp vàng), giống như một bức hoành phi. Nhưng đây không phải là một bức đại tự, hay biển ngạch như bao bức hoành phi khác mà nội dung thể hiện là một bài minh và một đạo sắc phong.
Biển gỗ có dạng hoành khung, hình chữ nhật, kích thước 180 x 60 cm. Toàn bộ phần trang trí được tập trung thể hiện ở phần khung. Hoa văn, biểu tượng trang trí được chạm nổi và thiếp vàng trên nền sơn son. Các mảng chạm khắc đối nhau theo từng mô thức trang trí. Ở chính giữa của hai cạnh dài được thể hiện biểu tượng “lưỡng nghi” và những áng mây bao quanh, tiếp đến là các hồi văn chữ “vạn”. Đối xứng qua biểu tượng và hồi văn vừa nêu là mô thức “long hoá” và chữ “thọ”. Tổ hợp trang trí này tuân thủ theo mô thức “lưỡng long triều nguyệt”, nhưng ở đây mặt nguyệt được thay thế bằng biểu tượng “lưỡng nghi”. Hai cạnh còn lại mô thức trang trí “Long Thọ” được lặp lại như ở cạnh dài nhưng đầu rồng và chữ thọ lại được bố trí chính giữa phần khung. Tại mỗi góc của tấm biển được trang trí hình con dơi theo kiểu cách điệu. Phía trong các mảng chạm khắc như vừa được khảo tả ở trên, còn có đồ án dây lá kỷ hà bao quanh và được hạ thấp hơn so với phần trang trí bên ngoài, theo kiểu dật cấp.
Phần lòng của biển gỗ, nơi khắc chìm và thiếp vàng toàn bộ nội dung văn bản bằng chữ Hán trên một tấm gỗ nhẵn không sơn nên hoa văn của gỗ hiển lộ một cách tự nhiên. Nội dung văn bản được chia thành hai phần: phần Minh (tự dạng Lệ thư) và phần Sắc (tự dạng Khải thư):
木 一 根 也
枝 柯 樛 焉
水 一 源 也
條 派 流 焉
人 一 祖 也
苗 裔 稠 焉
堂 堂 我 祖
安 定 郡 侯
初 從 北 地
繼 起 歡 州
黎 朝 洪 德
隨 遷 南 球
其 山 楊 阜
其 水 烏 婁
家 于 茲 建
居 于 茲 鳩
于 茲 聚 族
于 茲 貽 謀
為 局 為 冶
為 箕 為 裘
有 典 有 則
有 謨 有 猷
從 及 本 朝
歷 幾 星 週
追 恩 舊 德
緬 念 先 疇
如 木 根 柢
如 水 源 頭
廟 宇 長 存
赫 濯 炳 彪
甲 子 季 間
慶 澤 覃 敷
敕 封 一 道
式 表 神 庥
奉 錄 敕 文
龜 鑒 千 秋
敕 承 天 府 豐 田 縣 福 積 社 奉 事 後 開 墾 將 臣 梁 青 [...] 大 郎 稔 著 靈 應 肆 今 朕 四 旬 大 慶 節 經 颁 寶 詔 潭 恩 禮 隆 登 秩 著 封 為 翊 保 中 興 靈 扶 之 神 準 其 奉 事 神 其 相 佑 保 我 黎 民 欽 哉
啟 定 九 年 七 月 二 十 五 日
Phiên âm:
Mộc nhất căn dã,
Chi kha cù yên.
Thuỷ nhất nguyên dã,
Điều phái lưu yên.
Nhân nhất tổ dã,
Miêu duệ trù yên.
Đường đường ngã tổ,
An Định quận, Hầu.
Sơ tòng Bắc địa,
Kế khởi Hoan châu.
Lê triều Hồng Đức,
Tuỳ thiên Nam cầu.
Kỳ sơn Dương Phụ,
Kỳ thuỷ Ô Lâu.
Gia vu tư kiến,
Cư vu tư cưu,
Vu tư tụ tộc,
Vu tư di mưu,
Vi cuộc, vi dã
Vi cơ vi cầu,
Hữu điển hữu tắc,
Hữu mô hữu du.
Tòng cập bản triều,
Lịch kỉ tinh chu.
Truy ân cựu đức,
Miến niệm tiên trù.
Như mộc căn để,
Như thuỷ nguyên đầu.
Miếu vũ trường tồn,
Hách trạc bỉnh bưu.
Giáp Tý quý gian,
Khánh trạch đàm phu.
Sắc phong nhất đạo,
Thức biểu thần hưu.
Phụng lục sắc văn,
Quy giám thiên thu.
Sắc Thừa Thiên phủ, Phong Điền huyện, Phước Tích xã phụng sự Hậu Khai Khẩn Tướng Thần Lương Thanh [...] đại lang nhẫm trứ linh ứng. Tứ kim chính trị Trẫm tứ tuần đại khánh tiết kinh ban bảo chiếu đàm ân lễ long đăng trật trứ phong vi Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò chi thần. Chuẩn kỳ phụng sự Thần kì tương hựu bảo ngã lê dân.
Khâm tai!
Khải Định cửu niên thất nguyệt nhị thập ngũ nhật.
Tạm dịch:
Cây một gốc vậy,
Lá cành tốt thay.
Nước một nguồn vậy,
Nhiều nhánh chảy dài.
Người một tổ vậy,
Con cháu đông đầy.
Rạng rỡ tổ ta,
An Định quận, Hầu (2).
Gốc từ đất Bắc,
Tiếp khởi Hoan châu.
Lê triều Hồng Đức,
Theo đến Nam cầu.
Núi chọn Dương phụ (3),
Sông chọn Ô Lâu.
Nơi đây dựng nhà,
Nơi đây định cư.
Nơi đây lập họ,
Nơi đây mưu đồ.
Cuộc đất tốt đẹp,
Nối tiếp Cơ Cầu (4).
Có điển, có tắc.
Định kế đời sau.
Cho đến bản triều
Trải mấy tinh châu (5),
Truy ân đức cũ,
Vợi nghĩ trước đây,
Như cây rễ sâu,
Như nước nguồn đầu.
Miếu vũ trường tồn,
Vẻ vang rạng rỡ.
Vào năm Giáp Tý,
Mừng bày ơn sâu.
Sắc phong một đạo,
Biểu thị ơn thần.
Sắc văn đem khắc,
Mãi soi ngàn thu.
Sắc cho:
Xã Phước Tích, huyện Phong Điền, phủ Thừa Thiên phụng thờ Hậu Khai Khẩn Tướng Thần Lương Thanh [...] đại lang hiển rõ sự linh ứng (6). Nay nhân đúng dịp Trẫm tứ tuần đại khánh ban cho bảo chiếu mở rộng ân trạch nâng bậc phong là: Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Chi Thần. Chuẩn cho phụng thờ như cũ. Thần hãy che chở trợ giúp cho dân ta.
Kính thay!
Ngày 25 tháng 7, Khải Định năm thứ 9 (1924).
Một vài nhận định
Tôn vinh tiền nhân không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm tự hào của hậu thế. Tấm biển mà họ Lương đã làm, đó là một hình thức tôn vinh tổ tiên rất đáng được trân trọng. Qua nội dung mà tấm biển gỗ chuyển tải, chúng ta nhận thấy, nguồn gốc họ Lương Thanh vốn là người Hoa, đã di cư đến vùng Hoan châu. Đến đời ông Lương Thanh [...] mới từ Hoan châu thiên di vào Hóa châu và định cư ở Cồn Dương vào niên hiệu Hồng Đức (1470 - 1504) dưới triều Lê (7). Cho đến năm 1924, niên hiệu Khải Định, ông Lương Thanh [...] được triều đình ban cho một đạo sắc phong, xác nhận Thuỷ Tổ của họ Lương Thanh là Hậu Khai Khẩn. Đó là một vinh hạnh lớn cho dòng họ nên hậu nhân đã sáng tác bài minh và khắc vào tấm biển gỗ này cùng với đạo sắc mà triều đình nhà Nguyễn đã ban tặng, thiết trí tại từ đường để lưu lại sự tích cho đời sau.
Ở đây, chúng tôi không đi sâu phân tích nội dung bài minh, sắc văn dưới góc độ văn học. Nhưng có thể khẳng định nội dung văn bản đã được trình bày ở trên là nguồn tư liệu đáng tin cậy, bởi, tấm biển được làm vào năm 1924, đương triều Nguyễn cùng với niên điểm ban sắc phong thì việc ngụy tạo sắc phong là điều không thể xẩy ra.(8)
Nội dung của tấm biển gỗ trên, chúng tôi mong những người quan tâm có thêm một nguồn tư liệu nhỏ để nghiên cứu lịch sử “Làng cổ Phước Tích”. Bởi, trong các làng Việt ở miền Trung, khai canh, khai khẩn là một vấn đề tế nhị và khá nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến thế thứ của các dòng họ trong các làng. Làng Phước Tích cũng không phải là trường hợp biệt lệ.
Đối với làng Phước Tích có mười hai họ (tộc) khai canh, khai khẩn, cụ thể : Đoàn, Hoàng, Hồ, Lê Ngọc, Lê Trọng, Lương Thanh, Nguyễn, Nguyễn Duy, Nguyễn Phước, Phan, Trần, Trương. Thứ tự vừa liệt kê ở trên, chúng tôi ghi nhận theo văn bia chữ quốc ngữ hiện đặt tại miếu Đôi (Khai Canh miếu và Bổn Nghệ miếu) ở làng Phước Tích. Việc sắp xếp các dòng họ theo thứ tự A, B, C… không phải tất cả mọi người trong làng đều đồng tình.
L.Đ.H.
Chú thích:
(1) Làng Phước Tích, xứ Cồn Dương, ban đầu xã hiệu kiến lập có tên là Cảm Quyết sau đó được cải thành Phước Giang, dưới thời các Chúa Nguyễn, rồi Hoàng Giang, dưới thời Tây Sơn, và Phước Tích, dưới triều Nguyễn.
(2) Có thể sinh thời, thuỷ tổ của họ Lương Thanh theo nghiệp võ, được phong đến tước Hầu.
(3) Dân gian vẫn thường gọi là Cồn Dương, hay trong một số văn bản Hán Nôm hiện còn lưu giữ tại làng Phước Tích viết “Cồn Dương xứ”, “Dương thổ”. Nếu độc giả quan tâm có thể xem thêm: Lê Đình Hùng, “Một vài vấn đề từ miếu Quảng Tế ở làng Phước Tích”, trong: Thông báo Hán Nôm năm 2008.
(4) Con cháu nối nghiệp cha ông.
(5) Có thể ở đây tác giả ví như sao bày khắp bầu trời chầu về sao Bắc Đẩu, chỉ ngôi vua.
(6) Ở trong bản khắc, bỏ trống một chữ không khắc vì đây là chữ húy. Nhưng trong gia phổ thì lại được viết đầy đủ. Chúng tôi tôn trọng điều đó và đặt dấu: […] làm ký hiệu.
(7) Chúng tôi chưa xác định cụ thể vào năm nào.
(8) Đạo sắc này đến nay không còn bản gốc.