ĐỖ MINH ĐIỀN
1. Khai canh, khai khẩn chân dung những thế hệ tiên phong khai hoang lập làng
1.1. Lược khảo khái niệm về Khai canh, Khai khẩn
Huỳnh Tịnh Paulus Của trong sách “Đại Nam Quấc âm tự vị” giải thích rằng, “Canh” (耕) có nghĩa là cày, chẳng hạn như [1] Kiến canh (建 耕): ruộng đương làm; [2] Hạ canh (夏 耕): xuống ruộng, bắt tay mà cày; [3] Phần canh (份 耕): phần ruộng do mình cày, làm chủ ([1]). Trong Hán Việt từ điển (漢 越 詞 典), tác giả Đào Duy Anh cũng định nghĩa tương tự, “Khai canh là mộ dân đến chỗ đất hoang để khai khẩn và lập ra làng ra ấp”([2]). “Khẩn” (墾) trong trường hợp Khai khẩn, Khẩn trưng đều đồng nghĩa: mở mang, khai phá (nói về đất hoang)([3]), như [1] Đất khẩn: đất đã có đơn xin khai phá; [2] Ruộng khẩn: ruộng xin khai phá (không phải ruộng mua); [3] Tăng khẩn: khẩn thêm, khai phá thêm, xin khai phá thêm([4]).
Khai canh, Khai khẩn là tập hợp hệ thống nhân thần của một hay nhiều dòng họ khác nhau trong phạm vi từng làng xã riêng biệt, có công lao khai mở đất đai, quy dân lập ấp, thiết lập xã hiệu. Đội ngũ tham gia tiến trình khai hoang, lập làng bao gồm nhiều giai tầng, thời điểm tụ cư khác nhau, nhưng thông thường là thủy tổ của các dòng họ, hành trạng khá rõ ràng. Do có công kiến ấp mở làng nên được làng xã đồng thuận tôn vinh, thiết trí thờ tự; về sau triều đình ân ban sắc phong, thừa nhận, chuẩn hóa việc phụng thờ ([5]).
Trong diễn trình Nam tiến của người Việt, vùng đất Thừa Thiên Huế nói riêng là địa bàn đứng chân lập nghiệp của rất nhiều lưu dân trên bước đường khẩn hoang lập làng. Khai canh, Khai khẩn chính là lớp thế hệ tiên phong tham gia tích cực công cuộc mở cõi về Nam.
Sau ngày “sang tên đổi chủ”, Thuận Hóa là nơi tiếp nhận đủ thành phần cư dân, từ quan lại, bính lính vào đây công cán rồi xin ở lại lập nghiệp (hoặc theo lệnh điều động, chủ trương triều đình), đến những nông dân nghèo phiêu dạt vì nạn binh đao, mất mùa và tù nhân kiếm tìm mảnh đất dung thân.
Bản “Khai canh tổ bát vị sự tích” (開 耕 祖 八 位 事 跡) cho biết tám ngài tổ Khai canh làng Mỹ Lợi (nay thuộc xã Vinh Mỹ, Phú Lộc), nguyên quán xã Lương Niệm, Thanh Hóa, là những Trung nghĩa quân theo phò chúa Tiên Nguyễn Hoàng ([6]). Bài tựa Tộc phả họ Phan ở làng La Vân (xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền) chép rằng “ngài Thủy tổ và các ngài tiên tổ họ ta nguyên quê gốc tại xã Thanh Đồng, huyện Thiệt Lục, phủ Lạng Giang từ xa xưa vào Thuận Hóa làm việc công, đem gia quyến theo, lâu đời thì sinh đẻ càng nhiều, mở mang càng rộng, bèn lệ vào ngạch tịch Thừa Thiên”([7]).
Theo nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh vị thủy tổ làng Nam Phổ làm quan triều Lê tên là Võ Tử Thành([8]). Khai canh làng Vân Trình là ngài Trần quý công về sau trở thành Khai canh làng Vân Trình, làng Hòa Viện. Ngài Lê Trọng là Khai khẩn làng Phước Tích cũng là Khai canh ấp Huỳnh Liên([9]). Tiền Khai khẩn làng Phù Bài là ngài Ngô Thù, vốn là người Hoa đến đây tìm nguyên liệu sắt([10]). Khai canh làng Phú Ốc và Phú Lễ là hai anh em, do vậy mỗi lần Thu tế làng Phú Ốc bao giờ cũng tổ chức trước([11]). Đó chỉ là số ít “bức di ảnh” về tiền nhân mà chúng ta có thể hình dung thông qua đôi dòng hồi cố và những ghi chép vẫn còn sót lại ở một số làng xã.
Sắc phong làng Hiền Lương (Phong Hiền, Phong Điền) cũng cho thấy ngài Đặc Tấn phụ quốc thượng tướng quân Trần quý công (特 進 輔 國 上 將 軍 陳 貴 公); Thọ Lộc hầu Hoàng quý công (壽 祿 侯 黃 貴 公); Trương đại lang (張 大 郎), Hoàng Nhất đại lang (黃 一 大 郎), Hà Thị Cố (何 氏 固), Trịnh Bá (鄭 伯), Trương Sáng (張 創), Trần đại lang (陳 大 郎), Hoàng Khi đại lang (黃 欺 大 郎), Hoàng Thị Phiếu (黃 氏 搮), Dương đại lang (楊 大 郎), Đỗ đại lang (杜 大 郎), Huỳnh Kim Cao (黃 金 高), Nguyễn Lương Lễ (阮 良 禮) được tôn vinh làm thần “bổn thổ”. Về sau do nhu cầu khai hoang mở rộng, những thế hệ tiếp nối, di cư đến các vùng gò đồi, cồn cát lập ra các làng mới ([12]). Trường hợp làng Hiền Lương phản ánh rõ nét bức tranh cư dân vùng Huế với sự dịch chuyển, liên tục mở rộng địa bàn canh tác và quá trình đó luôn gắn liền hình ảnh các vị Khai canh, Khai khẩn.
Qua một số tư liệu chúng ta biết rằng, tín ngưỡng thờ cúng nhân thần Khai canh, Khai khẩn diễn ra từ rất sớm. Với tất cả lòng thành kính, ngưỡng vọng và tri ân công đức tiền nhân, nội bộ các làng xã đồng thuận tôn vinh, đưa vào quy chế điển lệ thờ tự, xây dựng miếu vũ, thiết trí tự điền. Trong hệ thống thần điện dân gian, không ít vị thần có một lý lịch hết sức kỳ quặc, lạ lùng, được người dân “thiêng hóa thần tích” với quyền năng tối thượng, sẵn sàng ban phúc, giáng họa, thì lai lịch của các vị Khai canh, Khai khẩn ở vùng Huế đều là những nhân vật có thật, bằng xương bằng thịt.
1.2. Khai canh, Khai khẩn, dấu ấn quá trình tụ cư lập làng
Làng là một cộng đồng dân cư cùng sinh sống trên một địa vực xác định. Làng hợp thành từ các tộc họ mà ra, còn xã “chỉ là kết quả của quá trình hành chính hóa một đơn vị cơ sở từ các làng” ([13]). Quá trình tụ cư lập làng cho thấy, ban đầu là những nhóm dân di cư nhỏ lẻ, thường là những người có cùng hương quán hoặc chung huyết thống, về sau đón nhận thêm nhiều tộc họ khác đến nhập tịch. Do đó số lượng tộc họ được tôn xưng là Khai canh, Khai khẩn ở mỗi làng không bao giờ giống nhau.
Một làng có rất nhiều người/tộc họ được liệt vào hàng Khai canh, Khai khẩn và không ít làng chỉ thờ một hoặc hai vị Khai canh nhưng số lượng thuộc lớp Khai khẩn (lớp sau) có thể gấp ba lần Khai canh. Trong cùng một họ, có một hoặc nhiều vị được tôn xưng làm Khai canh, Khai khẩn. Phổ biến hơn cả là trường hợp cha được tôn làm Khai canh, về sau con được phong làm Khai khẩn, hoặc cả hai (hoặc nhiều anh em) đồng thế hệ, trong cùng một họ được tôn làm Khai canh hay Khai khẩn. Cá biệt hơn, một người nhưng được tôn xưng Khai canh của nhiều làng.
Khai canh lớn hơn Khai khẩn hay Khai khẩn xếp trước Khai canh?. Theo quan điểm của một số làng mà chúng tôi có dịp khảo sát thì những tộc họ đặt chân đến sớm nhất canh phá đất đai gọi là Khai canh, còn Khai khẩn là những tộc họ đến sau và tiếp tục mở mang điền thổ. Lối diễn giải này không hẳn là lý do để xác định Khai canh xếp trên/lớn hơn Khai khẩn, ngược lại có một số ý kiến cho rằng Khai khẩn là khẩn hoang các vùng đất chưa ai đặt chân đến và các vị Khai canh là những người kế tục về sau. Kết quả khảo sát cung cấp thêm thông tin khá thú vị, có khoảng 85% làng xã trên đất Huế đều công nhận các vị thuộc hàng Khai canh cao hơn Khai khẩn. Theo chúng tôi, việc xếp đặt ngôi thứ đối với những dòng họ Khai canh – Khai khẩn hoàn toàn dựa trên quan điểm của từng địa phương và sự thỏa thuận của các tộc họ. Từ những đặc trưng trong quá trình canh khẩn lập làng cho nên việc tôn xưng và thờ phụng thần hiệu Khai canh, Khai khẩn cũng không đồng nhất. Tựu trung có thể phân thành 3 trường hợp dưới đây.
[1] Trường hợp chỉ tôn vinh Khai canh, không có Khai khẩn
So với nhiều làng xã trong khu vực sông Bồ, thì làng Phước Yên ra đời muộn hơn. Nguyên ngày xưa làng gồm 4 giáp: giáp Đông, giáp Tây, giáp Trung và giáp Nam. Mỗi giáp tại Phước Yên như vậy gắn liền với địa vực cư trú và công lao khai phá của một số dòng họ cụ thể ([14]). Chúc văn của làng đều ghi nhận công đức của Thập nhị tôn phái, nhưng chỉ có họ Nguyễn được tôn vinh là họ Khai canh và không có Khai khẩn. Qua khảo sát chúng tôi thấy phẩm trật, tước vị, danh tính của ngài ở Văn tế, Thần vị ngài tại miếu đều thống nhất ghi là: Bổn thổ Khai canh Dụng Giới Phan vệ đồng Tổng tri Nguyễn quý công tôn thần (本 土 開 耕 佣 界 潘 同 總 知 阮 貴 公 尊 神).
Làng Phú Lễ (nay thuộc xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền) chỉ tôn vinh Khai canh. Ngày trước làng Phú Lễ gồm hai Phe, sáu xóm, là Phe Trên (gồm các xóm Phú Thọ, Phú Đức, Phú Giáo) và Phe Dưới (Phú Lộc, Phú Trung và Phú Văn). Mỗi Phe như vậy gắn liền với địa vực cư trú của các dòng họ, mà đương thời nhiều người vẫn truyền tụng câu nói “đông Trần, tây Nguyễn”, nhằm khẳng định về một quá trình định cư lâu dài và bền vững của hai dòng họ Trần, Nguyễn. Thần vị của ngài đặt tại miếu Khai canh (khu miếu này tọa lạc tại một địa điểm có tên là xứ Nội Bài) chỉ thấy viết: Phụng vị bổn xã sơ tạo khai canh tôn thần (奉 位 本 社 初 造 開 耕 尊 神). Làng Văn Xá (文 舍 社), trước đó có tên là Võ Xá (武 舍 社), một làng có mặt khá sớm trên đất Thuận Hóa, liền kề với làng Phú Ốc, nằm về phía hữu ngạn sông Bồ. Hiện nay, làng thờ phụng “Ngũ vị khai canh” của “Tam tộc”. Theo bản Phổ nghi của làng, ba họ khai canh đó là họ Lê, gồm nhị vị Khai canh là ngài Lê Văn Trung và Lê Trung Hiến. Tiếp theo là họ Trần, gồm nhị vị: Trần Phước Nhung và Trần Phước Tứ và họ Cao tôn vinh ngài Cao Chánh là thủy tổ họ.
Làng Hà Cảng (河 港社) ở xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền một làng nằm về phía gần hạ lưu sông Bồ, gồm ba họ Khai canh và không có Khai khẩn. Bản Văn tế cho biết làng tôn xưng: Tiền Khai Khẩn, Hậu Khai canh (前 開 墾, 後 開 耕), nhưng xét đến các đạo sắc phong thì chỉ thấy phong tặng cho ba vị Khai canh là họ Phạm, họ Phan và họ Trần. Bên cạnh đó, họ Phạm, một họ có công đầu trong việc khai hoang mở đất, thiết đặt xã hiệu, nay không còn hậu duệ nhưng làng có thiết trí một ngôi miếu tại xóm 2 với chức năng là miếu Khai canh và cũng là từ đường họ Phạm. Trên bức biển nghạch đặt tại chính điện của miếu với 3 chữ đại tự: Tiền Khai canh (前 開 耕). Tất cả bài vị được tôn trí tại chùa cũng không thấy ghi nhận việc tôn phong dòng họ nào ngoài ba họ kia là Khai canh của làng.
[2] Trường hợp tôn vinh Khai canh và Khai khẩn
Cổ Lão (古 老 社), một làng nằm về phía nam sông Bồ, đối ngạn với làng La Vân thượng, tôn vinh nhị vị họ Phan là Khai canh. Theo lời kể của các bậc cao niên và khảo cứu bản gia phổ họ Phan thì hai ngài Khai canh vốn là hai cha con. Ngài Phan Đình Dương sau ngày di cư vào Nam, buổi đầu sinh sống lập nghiệp tại vùng đất nay thuộc thôn Lại Bằng. Tại đây, ngài khẩn hoang được hơn 12 mẫu ruộng, tục gọi là xứ “Long Vàng Đôi Lũng”. Sau đó, ngài Phan Đình Dương cùng người con của mình là ngài Phan Phước Đức tiếp tục đi về hướng đông nam, men theo ven sông Bồ, tiếp tục khai phá các xứ Tả Hữu Khe, Binh Tẩu, Đội Thượng, Đội Trung, Cồn Quán (giáp ranh với các làng Xuân Đài, Liễu Cốc Hạ), Cồn Nổi (giáp với Dương Sơn) để rồi khai sinh ra làng Cổ Lão ([15]).
Bản Gia phả họ Hoàng Tăng cho biết vị thủy tổ họ Hoàng Tăng nguyên quán xứ Thanh, “theo chúa Nguyễn Hoàng rời quê hương Thanh Hóa, đi tìm một vùng đất trù phú với mong ước con cháu sum vầy, phát đạt. Mới đầu các ngài dừng chân ở châu thổ sông Bồ. Do vậy mà các ngài thủy tổ, á tổ và các đời kế tiếp đã chọn vùng đất Văn Xá trung, Liễu Cốc thượng, Long Khê, Lại Bằng làm nơi an nghĩ vĩnh hằng”.
Làng Cổ Lão hiện nay không còn lưu giữ được bản sắc phong nào cho các ngài. Tuy nhiên, trong bản văn tế thường niên và thần vị phối hưởng tại đình làng tôn phong nhị vị họ Phan là Khai canh và tứ tộc hậu Khai khẩn: Phạm Hữu, Phạm Văn, Hoàng Tăng và Hoàng Văn. Nội dung bản văn tế này ghi rõ: Bổn xã tiền Khai canh lưỡng hầu Phan Đình Dương, Phan Phước Đức nhị vị tôn thần (本 社 前 開 耕 两 侯 潘 廷 楊 潘 福 德 二 位 尊 神)([16]).
Làng Liễu Cốc hạ (柳 谷 下 社) nằm về phía hữu ngạn sông Bồ, sách Ô châu cận lục do Tiến sĩ Dương Văn An nhuận sắc tập thành, trong mục danh sách các làng xã thì chỉ thấy chép Liễu Cốc, 1 trong 60 làng xã thuộc huyện Kim Trà ([17]). Đến cuối thời chúa Nguyễn, trong Phủ biên tạp lục, đã tách thành hai xã Liễu Cốc thượng và Liễu Cốc hạ thuộc tổng An Vân (gồm 9 xã), huyện Hương Trà (gồm 9 tổng), phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa ([18]).
Liễu Cốc đồng tôn vinh tứ vị Khai canh thuộc nhị tộc: hai ngài họ Cao (Cao Văn) và hai ngài họ Trần (thuộc Trần Kiêm), đồng thời điển lệ thờ tự của làng cũng tôn phong thất tộc là hậu Khai khẩn, gồm Cao (Cao Lư), Trần (Trần Non), Trần Đăng, Cao Đức, Nguyễn Văn, Phan Văn và Hà Văn. Trong khuôn viên đình làng hiện nay, về hai phía tả hữu là hai miếu thờ tứ vị Khai canh. Làng Xuân Đài (Hương Trà) chỉ có họ Lê Văn là Khai canh và họ Hồ Khai khẩn. Hiện nay, họ Lê Văn không còn hậu duệ, nguyên trước đó một số anh em thuộc tộc Lê Văn do điều kiện diện tích đất canh tác không đảm bảo nên toàn bộ di cư vào vùng đất Quảng Nam để sinh sống và lập nghiệp. Hiện tại làng vẫn phụng thờ hương khói, giỗ chạp thủy tổ họ Lê Văn.
Làng La Vân thượng (xã Quảng Thọ, Quảng Điền), chỉ có họ Phan là Khai canh và ngũ tộc Khai khẩn. Bài tựa Tộc phả họ Phan cho biết, có đoạn: [Ngài] thủy tổ và tiên tổ họ ta, nguyên quê gốc tại xã Thanh Đồng, huyện Thiệt Lục, phủ Lạng Giang, đạo Sơn Bắc ở Bắc Kinh, từ xa xưa vào Thuận Hóa làm việc công, đem gia quyến theo, lâu đời sinh đẻ càng nhiều, mở mang càng rộng, bèn lệ vào ngạch tịch Thừa Thiên, lập thành làng xã, miếu thờ và mộ táng đã trải mấy trăm năm, là một họ khai canh lớn trong làng vậy (本 族 始 先 列 祖 原 貫 北 京 山 北 道 諒 江 府 實 籙 縣 青 同 社 自 昔 往 化 公 務 栔 眷 從 居 久 而 生 齒 日 蘩 開 拓 日 廣 隸 入 承 天 額 藉 立 成 社 號 廟 墓 歷 幾 百 年 爲 鄉 中 之 開 耕 巨 族 也).
Ngài thủy tổ họ Phan có thể là một nhân vật sống vào thời kỳ trước khi chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa. Trong một lần đi công vụ Thuận Hóa trở về ngài đã đem theo toàn bộ gia quyến vào đây định cư lập nghiệp. Hiện nay, phần mộ ngài táng tại Cồn Lệnh xứ, thuộc địa phận phía tây làng Hiền Sĩ (Phong Sơn, Phong Điền). Về năm họ Khai khẩn gồm có: Nguyễn Thượng, Nguyễn Hữu, Chế, Trần và Phan Văn. Trong số ngũ tộc Khai khẩn vừa kể trên thì họ Chế chỉ liệt vào hàng Khai khẩn. Chúng tôi may mắn tiếp cận được hai đạo sắc phong ban cho ngài Chế đại lang vào năm Khải Định thứ 2 (1917) và Khải Định thứ 9 (1924). Trường hợp họ Chế ở La Vân thượng có thể nói là biệt lệ khi một nhân vật “không phải Việt” được tôn vinh làm Khai khẩn ([19]).
[3] Trường hợp tôn vinh Khai khẩn
Tôn vinh duy nhất Khai khẩn ở các làng xã vùng Huế là trường hợp không thực sự phổ biến. Làng Dương Sơn, một làng theo Thiên Chúa giáo khá lâu đời (Hương Toàn, Hương Trà) đồng tôn vinh hai ngài họ Trần và họ Phan là Khai khẩn của làng. Theo bản gia phổ của họ Trần, họ Phan và một số truyền khẩu của dân làng, hai ngài có nguồn gốc từ vùng Thanh Hóa, vào khoảng thời Trần đã đến định cư tại đây, trưng khẩn đất đai, lập thành làng xóm. Ngoài ra, hai ngài đã đem nghề nấu rượu, một nghề truyền thống từ cố hương vào đây, về sau truyền dạy cho con cháu. Ngày nay, làng Dương Sơn với hơn 97% hộ dân vẫn còn lưu giữ nghề này.
1.3. Vấn đề xác lập ngôi thứ các tộc họ
Xuất phát từ ý niệm “họ nhất họ nhì”, dẫn đến hiện tượng xác lập ngôi thứ giữa các tộc họ ở một số làng xã có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với lớp thế hệ con cháu về sau. Từ những khẩu truyền “bất thành văn” đến những định lệ sớm được quy định chặt chẽ trong các bản Hương ước, Khoán ước, chúng ta dễ dàng nhận thấy trong các đợt Tế lễ thường niên (Xuân Thu nhị kỳ) vị trí “Chủ tế” bao giờ cũng do hậu duệ các họ lớn trong làng đảm nhiệm ([20]). Tương tự như vậy, việc phân chia cỗ bàn sau lễ rồi vị trí ngồi ở đình làng… khiến cho nội bộ các tộc họ không ít lần mâu thuẫn. Phân chia hạng dân (dân chánh cư với ngụ cư) trong cùng một làng và xác định rõ ngôi thứ (giữa họ Khai canh với các họ còn lại) đều hướng đến mục đích cuối cùng đó là rõ ràng về danh phận.
Trong “Tờ phúc tư của bộ Lễ về vụ án Khai canh, Khai khẩn của hai làng Dã Lê chánh – Dã Lê thượng” vào năm Bảo Đại thứ 2 (1927) do Thị giảng học sỹ Nguyễn Duy Thiệu phụng khảo, cho thấy việc tranh chấp vị thứ trong nội bộ các làng xã diễn ra hết sức gay gắt. Theo nội dung đơn, thì ông Nguyễn Đình Quang (阮 廷 光) và Nguyễn Đình Lan (阮 廷 蘭) làng Dã Lê thượng đứng tên kiện về việc ông Nguyễn Đình Thủy (阮 廷 水) được phong làm Bổn thổ Tiền Khai canh. Theo tra cứu của bộ Lễ, hầu hết đất đai làng Dã Lê thượng đều do ông Nguyễn Đình Nghị “bao chiếm, khai phá”. Tuy nhiên căn cứ tờ khai của làng Dã Lê chánh và tộc phả họ Nguyễn thì ngài Nguyễn Đình Thủy thuộc đời thứ nhất, về sau biệt xuất thành 5 phái và con cháu hai làng Dã Lê chánh – thượng (trong đó có ông Nguyễn Đình Nghị) đều là hậu bối của ngài. Sau cùng, triều đình thống nhất phán quyết vẫn giữ nguyên vị thứ đối với Nguyễn Đình Thủy, còn ngài Nguyễn Đình Nghị xem xét nâng lên vị trí đầu tiên (trước đó xếp vào vị trí thứ 9) trong số 12 vị “Tiền Khai khẩn”.
Quá trình điền dã ở các làng xã vùng Huế có thể thấy việc phân cấp các họ Khai canh, Khai khẩn dựa trên một tiêu chí cơ bản, đó là Thời điểm tụ cư khai phá đất hoang. Thông thường, những vị hay tộc họ đặt chân đến vùng đất đó đầu tiên, có công khai phá đất đai, hiển nhiên được xếp vào lớp trên so với những tộc họ còn lại. Theo sự phân chia của một số làng, nếu xếp Khai canh lớn hơn Khai khẩn thì tất cả những họ đến sớm sẽ liệt vào hàng Khai canh, còn những họ về sau sẽ là Khai khẩn. Qua khảo sát hệ thống sắc phong, văn tế hiện tồn và đặc biệt trong các kỳ tế lễ thì “phần xướng danh” càng cho thấy rõ điều đó.
Làng Vân Dương, một làng thuần nông nằm ở phía Nam thành phố Huế (nay thuộc xã Thủy Vân, Hương Thủy) hiện vẫn bảo lưu 11 đạo sắc phong thần, ân ban cho 11 vị đã tham gia khai phá đất đai. Đặc biệt, 11 sắc phong nói trên được liệt kê chi tiết theo thứ bậc, bắt đầu là họ Ngô thuộc lớp “đệ Nhất Khai canh” cho đến ngài họ Lương là “đệ thập nhất Khai khẩn”. Trong đó có 4 vị được tôn xưng đồng hàng Khai canh gồm các tộc họ: Ngô, Hồ, Lê và Nguyễn và 7 vị đồng Khai khẩn: Võ Văn Bồ, Lê Đình, Hồ Tống Khải, Hồ Văn Nhân, Lê Tương, Hồ Ngọc Thìn và Lương Viết ([21]).
Nếu như trường hợp ở Vân Dương chỉ là số ít hiếm hoi trong cách phân định thế thứ thì dạng danh xưng thần hiệu: Tiền/Hậu Khai canh (前/後 開 耕) – Tiền/Hậu Khai khẩn (前/後 開 墾) lại chiếm một tỷ lệ rất lớn. Bước đầu tiếp cận nguồn tư liệu sắc phong, chúng tôi tạm phân chia một số nhóm theo trình tự thời gian, như sau:
[1] Tiền Khai canh (前 開 耕) – Hậu Khai canh (後 開 耕); [2] Tiền Khai canh (前 開 耕) – Khai canh (開 耕); [3] Tiền Khai canh (前 開 耕) – Khai khẩn (開 墾); [4] Tiền Khai canh (前 開 耕) – Hậu Khai canh (後 開 耕) – Tiền Khai khẩn (前 開 墾); [5] Tiền Khai canh (前 開 耕) – Hậu Khai khẩn (後 開 墾); [6] Tiền Khai canh (前 開 耕) – Hậu Khai canh (後 開 耕) – Tiền Khai khẩn (前 開 墾) – Hậu Khai khẩn (後 開 墾); [7] Tiền Khai canh (前 開 耕) – Tiền Khai khẩn (前 開 墾); [8] Tiền Khai khẩn (前 開 墾) – Khai khẩn (開 墾); [9] Tiền Khai khẩn (前 開 墾) – Hậu Khai khẩn (後 開 墾); [10] Khai khẩn (開 墾) – Hậu Khai khẩn (後 開 墾); [11] Bổn thổ Tiền Khai canh (本 土 前 開 耕) – Hậu Khai Khẩn (後 開 墾); [12] Khai canh (開 耕) – Á Khai canh (亞 開 耕)…
Thanh Chử (thuộc phường Hương An, thị xã Hương Trà), là một trong những ngôi làng cổ của vùng đất Thuận Hóa. Ban đầu làng có tên là Bồn Chử (湓 渚 社), một trong 60 xã thuộc huyện Kim Trà, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa ([22]). Thanh Chử tôn vinh ngài họ Cao là Tiền Khai canh (前 開 耕) và ngài Nguyễn Văn Phú là Hậu Khai khẩn (後開墾). Sắc phong ở làng Lương Viện (Vinh Hưng, Phú Lộc) lần lượt ban cấp vào năm Khải Định thứ 2 (1917) và thứ 9 (1924) xác định rõ thế thứ các tộc họ: Tiền hiền Khai khẩn Phan đại lang tôn thần (前 賢開 墾 潘 大 郎 尊 神), Tiền Khai canh Trương Cảnh Thực chi thần (前 開 耕 張 更 寔 之 神), Tiền Khai khẩn Phan đại lang chi thần (前 開 墾 潘 大 郎 之 神), Tiền Khai canh Phan đại lang chi thần (前 開 耕 潘 大 郎 之 神).
Làng Long Hồ (隆 湖 社) tôn xưng duy nhất ngài Tráng Tiết Nguyễn đại lang là Bổn thổ Khai canh (本 土開 耕 壯 節 阮 大 郎). Tất cả 6 ngài còn lại được xếp vào lớp Á Khai canh: Á Khai canh Hoàng Khâm (亞 開 耕 黃 欽), Á Khai canh Dương Văn Bình (亞 開 耕 楊 文 平), Á Khai canh Nguyễn Văn Bán (亞 開 耕 阮 文 半), Á Khai canh Lê Văn Đống (亞 開 耕 黎 文 棟), Á Khai canh Trần Nguyên (亞 開 耕 陳 原), Á Khai canh Võ Văn Bân (亞 開 耕 武 文 斌).
Dưới góc nhìn lịch sử, quá trình hình thành làng xã ở vùng Huế đánh dấu bước chân tụ cư lập nghiệp của nhiều tộc họ khác nhau và liên tục được bổ sung vào các giai đoạn về sau. Sự tồn tại của dạng thức thần hiệu này là minh chứng rõ nét nhất ý thức phân biệt thế thứ giữa các tộc họ, khẳng định công lao của những nhân vật có mặt từ rất sớm trong tiến trình khẩn hoang đất đai, lập thành xã hiệu. Nhìn chung, việc xác lập danh xưng thần hiệu này, trước hết phụ thuộc vào số lượng tộc họ được tôn phong và sự thỏa thuận từ nội bộ làng xã để phân định “kẻ đến trước, người đến sau”. Chính vì thế, khái niệm “họ nhất họ nhì” là quan điểm nhất quán của rất nhiều làng xã.
1.4. Nhân thần Khai canh, Khai khẩn qua khảo sát hệ thống sắc phong hiện tồn
Từ việc ban hành hàng loạt các Chỉ, Dụ… quy định cụ thể: đối tượng cấp sắc, thần hiệu, phẩm trật, mỹ tự, quy trình cấp đổi sắc cho thấy nỗ lực kiểm soát hoạt động thờ cúng, đời sống tín ngưỡng trong dân gian của triều đình nhà Nguyễn ([23]). Sắc phong thần với tư cách là loại hình văn bản hành chính, chính thống quan phương của một chính thể. Ân ban sắc phong thần là phương cách biểu thị quyền uy thống quản của bậc đế vương, đồng thời thể hiện sự thừa nhận và chuẩn hóa của triều đình đối với hệ thống thần kỳ trong cả nước.
Theo quy định của nhà Nguyễn, việc cấp sắc phong được tiến hành hết sức chặt chẽ. Lệ thường mỗi dịp gặp lễ Đăng quang, Đại khánh…, triều đình ban bố Chiếu, Chỉ khắp cả nước, thông báo đến từng xã thôn. Chức sắc địa phương do Xã trưởng, Trùm trưởng đứng tên đại diện kê rõ phường, xã, tổng, huyện có nhu cầu lập đơn khai báo thần tích, xin ân ban sắc phong. Sau khi tờ đơn kê khai này nộp lên, bộ Lễ sẽ có trách nhiệm rà soát, xác định đối tượng được phong, phân cấp thứ bậc, “các thôn xã phải kê khai sự tích, nếu là chính thần thì được phong, nếu là thần nhảm nhí thì bị truất” ([24]).
Hiện nay, ở làng Hà Cảng (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền), vẫn đang bảo lưu văn bản Đơn xin cấp sắc vào năm Minh Mạng thứ 5 (1824) và Tờ khai năm Thành Thái thứ 2 (1890). Trong Tờ đơn khai năm Minh Mạng thứ 5 (1824) cho thấy số lượng thần hiệu mà làng Hà Cảng xin được cấp sắc bao gồm: Đại Càn Quốc Gia Nam Hải tứ vị Thánh nương vương (大 乾 國 家 南 海 四 位 聖 娘 王), Đương Cảnh Thành Hoàng đại vương tôn thần (當 境 城 隍 大 王 尊 神), Thiên Y A Na Diễn Phi Chúa Ngọc tôn thần (天 依 阿 那 演 妃 主 玉 尊 神), Nghi Thái giám An Bắc đốc doanh Địch Nghĩa hầu chi thần (儀 太 監 安 北 營 督 迪 義 侯 之 神), Cai tri phó Tướng Phấn Dũng hầu chi thần (該 知 副 將 奮 勇 侯 之 神). Tờ khai vào năm Thành Thái thứ 2 (28/02/1890), cho biết làng Hà Cảng hiện đang lưu giữ tại đình tổng cộng 17 đạo sắc, trong đó, thần Đại Càn (大 乾): 3 đạo sắc; Quan Đế (關 帝): 4 đạo sắc; Thành Hoàng (城 隍): 4 đạo sắc; Thiên Y A Na (天 依 阿 那): 3 đạo sắc; Thổ Đức (土 德): 3 đạo sắc.
Dẫn giải từ hai văn bản nói trên, kết hợp với việc đối chiếu nguồn tư liệu điền dã một số làng vùng Huế và những công trình liên quan đã được công bố gần đây ([25]), góp phần xác quyết Nhân thần Khai canh, Khai khẩn cho đến thời vua Thành Thái (1889 – 1907) trở về trước chưa từng được triều đình chuẩn hóa thông qua việc ban cấp sắc phong, thừa nhận với tư cách là một chính thần. Dẫu rằng được làng xã tôn vinh và thiết trí thờ tự từ rất sớm, nhưng phải đến thời vua Duy Tân (1907 – 1916) trở đi, thần hiệu này mới bắt đầu xuất hiện.
Dẫu cùng chung đối tượng thờ cúng, tuy nhiên trước đó vào thời Thành Thái thì thần hiệu Khai cơ lại được sử dụng rất phổ biến ở một số làng xã vùng Huế. Sắc phong Khai cơ ở Huế “duy nhất chỉ tồn tại dưới thời vua Thành Thái, kể từ năm 1907 trở đi, thần hiệu này dường như không còn hiện diện. Đến triều Duy Tân (1907 – 1916) trở đi, với sự xuất hiện của thần hiệu Khai canh, Khai khẩn, khả năng chính là sự chuyển đổi có chủ ý từ phía triều đình với mục đích chuẩn hóa về mặt danh xưng đối với hệ thống nhân thần này” ([26]).
Thống kê sơ bộ hệ thống sắc phong ở 132 làng xã vùng Huế, bước đầu chúng tôi nhận thấy trong suốt 9 năm trị vì (1907 – 1916), vua Duy Tân đã ba lần cấp ban sắc phong cho các thần hiệu trong cả nước. Cụ thể đó là các đợt vào năm Duy Tân thứ 3 (24/09/1909), đợt 2 là năm Duy Tân thứ 5 (2/8/1911) và đợt cuối cùng Duy Tân năm thứ 7 (05/11 /1913). Trong cả ba đợt nói trên, danh xưng thần hiệu Khai canh, Khai khẩn trên đất Huế theo chúng tôi chính thức được khai sinh và thừa nhận bởi triều đình đó là vào năm Duy Tân thứ 3 (1909). Hiện tại, vẫn còn một số làng lưu giữ đợt cấp sắc này. Xin đơn cử các trường hợp đạo Sắc chỉ (敕 旨) cho tam vị Khai canh ở làng Triều Sơn Nam ([27]); làng Phổ Trì (huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) cho ba họ Khai canh: Hồ quý công, Võ quý công, Phan quý công ([28]); làng Nghi Giang (Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) cho ngài Bổn thổ Khai canh Cai phủ Đội Tín hầu Nguyễn quý công ([29]); hợp phong cho ba ngài Trần quý công, Võ quý công, Lê quý công ở làng Phú Khê.
Tham chiếu kết quả khảo sát sắc phong thần ở Huế, có thể thấy cách định danh thần hiệu Khai canh, Khai khẩn ở mỗi làng không hoàn toàn giống nhau. Bản liệt kê một số dạng thức thần hiệu Khai canh, Khai khẩn dưới đây phần nào khẳng định nét đặc trưng riêng biệt trong quá trình tụ cư lập làng:
Stt |
Thần hiệu |
Stt |
Thần hiệu |
01 |
Khai canh (開 耕) /Khai khẩn (開 墾). |
07 |
Khai khẩn Bổn thổ (開 墾 本 土). |
02 |
Tiền hiền/ Tiền hiền Khai khẩn (前 賢/前 賢 開 墾) ([30]). |
08 |
Bổn xã Khai canh (本 社 開 耕). |
03 |
Bổn thổ Khai canh (本 土 開 耕). |
09 |
Bổn xã Khai Khẩn (本 社 開 墾). |
04 |
Bổn thổ Khai khẩn (本 土 開 墾). |
10 |
Á Khai canh (亞 開 耕). |
05 |
Tiền/Hậu Khai Canh (前/後 開 耕) – Tiền/Hậu Khai Khẩn (前/後 開 墾). |
11 |
Tiền Khai canh điền thổ lập thành xã hiệu (前 開 耕 田 土 立 成 社 號), |
06 |
Bổn thổ Tiền Khai canh – Bổn thổ Hậu Khai khẩn (本 土 前 開 耕 - 本 土 後 開 墾). |
12 |
Tiền Khai khẩn kết lập xã hiệu (前 開 墾 結 立 社 號). |
Tất cả các nhóm/dạng thần hiệu này thường xuất hiện ở một số làng vừa thờ [1] Khai canh lẫn Khai khẩn và [2] duy nhất thờ Khai canh hoặc chỉ có Khai khẩn. Thông thường số lượng các họ được tôn phong hầu như không có giới hạn nhất định, có thể: Nhất tộc/vị Khai canh – Nhất tộc/vị hoặc nhiều họ đồng hàng Khai khẩn; Nhiều tộc/vị đồng Khai canh – Nhất tộc/vị hoặc nhiều họ đồng hàng Khai khẩn. Trong trường hợp nhiều tộc họ được ân phong, thần hiệu này đồng nghĩa với việc phân hạng thế thứ: hoặc Khai canh được xếp vào vị trí cao nhất và ngược lại.
Với những làng mà trong cùng 1 tộc họ có nhiều người được tôn phong Khai khẩn, vai trò của các họ không chỉ dừng lại ở tiêu chí “khai điền, khẩn thổ, kết lập xã hiệu”. Theo đó, tất cả ai có công đức với làng xã: chẩn tế cứu đói, đóp góp tiền bạc xây dựng đình, miếu, tô tượng, đúc chuông, cung hiến đất đai ([31])… về sau đều được làng xã tôn vinh Khai khẩn, thiết lập quy chế tế tự. Điều đó đồng nghĩa các ngài không cùng một thế hệ và rõ ràng yếu tố phân lớp thời gian “họ đến trước, họ đến sau” không còn tính chất bắt buộc.
Thờ cúng Khai canh, Khai khẩn là tín tục biểu hiện lối ứng xử đậm tính nhân văn của cư dân Việt trên hành trình mở đất lập làng. Hoạt động thực hành cũng như quy mô tế lễ diễn ra trong nội bộ từng dòng tộc và ở cấp độ làng xã, phụng thờ các vị tiền hiền còn thể hiện lòng tri ân sâu sắc đối với công lao của tiền nhân. Tín ngưỡng thờ Khai canh, Khai khẩn trong quá trình hình thành, tồn tại của nó đã góp phần tôn vinh, đắp bồi những giá trị đạo đức truyền thống, củng cố nề nếp gia phong, cố kết các thành viên trong mỗi cộng đồng làng xã.
Đ.M.Đ
Tài liệu tham khảo:
([1]) Huỳnh Tịnh Paulus Của (1974), “Đại Nam Quấc âm tự vị”, Tome I, A – L, in tại nhà in Văn Hữu, Sài Gòn, tr: 102.
([2]) Đào Duy Anh (1957), “Hán Việt từ điển”, Trường Thi xuất bản, Sài Gòn, tr: 442.
([3]) Đào Duy Anh (1957), “Hán Việt từ điển”, Sđd, tr: 443.
([4]) Huỳnh Tịnh Paulus Của (1974), “Đại Nam Quấc âm tự vị”, Tome I, A – L, Sđd, tr: 480, 481.
([5]) Đỗ Minh Điền (2019), “Dấu ấn nhân thần Khai cơ trong tín ngưỡng dân gian vùng Huế”, Tạp chí Huế Xưa và Nay, số 152 (3- 4/2019), tr: 37.
([6]) Bảo tàng Văn hóa Dân gian Huế (2008), “Văn bản Hán Nôm làng xã vùng Huế, Nghiên cứu, tuyển dịch”, Nxb Thuận Hóa, tr: 363.
([7]) Lê Nguyễn Lưu (2006), “Văn hóa Huế xưa, Đời sống văn hóa gia tộc”, Nxb Thuận Hóa, tr: 84.
([8]) Trần Đại Vinh, Chủ biên (2017), “Làng văn vật Thừa Thiên Huế”, Nxb Thuận Hóa, tr: 163.
([9]) Trần Đình Hằng (2009), “Cơ sở tiếp cận văn hóa làng Việt miền Trung, nhìn từ làng xã vùng Huế”, trong Nhận thức về miền Trung Việt Nam, hành trình 10 năm tiếp cận, Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế, Nxb Thuận Hóa, tr: 63.
([10]) Trần Đại Vinh, Chủ biên (2017), “Làng văn vật Thừa Thiên Huế”, Sđd, tr: 180.
([11]) Đỗ Minh Điền (2019), “Góp phần tìm hiểu về lễ Thu tế ở một số làng xã vùng Huế”, Tạp chí Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng, số 116 (08.2019), tr: 58.
([12]) Ngài Trần Ngọc Lãng (陳 玉 閬) được tôn là Khai khẩn phường Khánh Mỹ (Phong Điền); Hoàng Ngọc Tích (黃 玉 跡) lập ra phường Công Thành (Phong Sơn, Phong Điền); ngài Nguyễn Đức Thọ, Trương Công Cổ, Hoàng Như Phượng (黃 如 鳳) lập ấp Vĩnh Nẫy (Phong Hiền, Phong Điền); 3 ngài Trần Văn Công (陳 文 公), Hoàng Ngọc Tuấn (黃 玉 俊), Hoàng Thanh Vật (黃 青 物) lập phường Đất Thắm (Phong Mỹ, Phong Điền); 2 ngài: Dương Phước Lộc, Dương Phước Dã lập ra làng Hưng Long (Phong Hiền, Phong Điền); ngài Hoàng Hùng Khai canh làng Cao Ban (Phong Hiền, Phong Điền). Xin xem thêm: Huỳnh Hữu Hiến (1991), “Hiền Lương chí lược”, Sở Văn hóa Thông tin Thừa Thiên Huế ấn hành, tr: 16 – 20. Dương Phước Thu, Dương Thị Hải Vân (2013), “Văn bản Hán Nôm làng Hiền Lương”, Nxb Thuận Hóa, tr: 189 – 241.
([13]) Trần Đình Hằng (2004), “Không gian và mối quan hệ làng xã qua khảo sát một số trường hợp ở miền Trung”, in trong Tiếp cận văn hóa nghệ thuật miền Trung, Phân viện Nghiên cứu văn hóa thông tin tại Huế, Nxb Thuận Hóa, tr: 422.
([14]) Giáp Đông gồm có: Nguyễn Đình (trên), Nguyễn Đình (dưới), Nguyễn Công, Trần Văn, giáp Trung: Hoàng Văn, giáp Tây: Cao, Hoàng, Hồ Văn và giáp Nam gồm các họ: Lê Văn, Hoàng Vạn, Trần Phụ, Cao Quảng.
([15]) Đỗ Minh Điền (2019), “Chùa Cổ Lão và quả đại hồng chung do Phạm Hữu Tâm phụng cúng”, Tạp chí Văn hóa Phật giáo, số 317 (03.2019), tr: 34.
([16]) Đỗ Minh Điền (2019), “Chùa Cổ Lão và quả đại hồng chung do Phạm Hữu Tâm phụng cúng”, bđd, tr: 34.
([17]) Dương Văn An (2009), “Ô châu cận lục”, Văn Thanh, Phan Đăng dịch và chú giải, Nxb Chính trị Quốc gia, tr: 51.
([18]) Lê Quý Đôn (2015), “Phủ biên tạp lục”, Trần Đại Vinh dịch và bổ chính, Nxb Đà Nẵng, tr 59.
([19]) Đỗ Minh Điền (2018), “Về hai đạo sắc phong Khai khẩn họ Chế làng La Vân thượng”, Tạp chí Sông Hương, số 350, tr: 89 – 95.
([20]) Đỗ Minh Điền (2019), “Góp phần tìm hiểu về lễ Thu tế ở một số làng xã vùng Huế”, bđd, tr: 64, 65.
([21]) Đỗ Minh Điền (2017), “Tìm hiểu những bức sắc phong Khai canh, Khai khẩn ở làng Vân Dương”, Tạp chí Huế Xưa và Nay, số 144 (11 – 12 /2017), tr: 86 – 93.
([22]) Dương Văn An (2009), “Ô châu cận lục”, Sđd, tr: 51.
([23]) Nội các triều Nguyễn (2005) “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ”, [Chính biên, Tập IVB, Quyển 122], bản dịch Viện Sử học, Nxb Thuận Hóa, tr: 345 – 354.
([24]) Hoàng Trung Đặng Huy Trứ (2002) “Bàn về nạn hối lộ và đức thanh liêm của người xưa”, bản dịch Nguyễn Văn Huyền, Phạm Tuấn Khánh (Nhóm Trà Lĩnh), Nxb Văn hóa – Thông tin, tr: 57.
([25]) Xin xem thêm:
[1] Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh (2013) “Sắc phong Hà Tĩnh”, 2 tập, Hà Tĩnh.
[2] Lê Xuân Thông, Đinh Thị Toan (2014) “Sắc phong ở Đà Nẵng”, Nxb Thuận Hóa.
[3] Phan Thanh Hải, Lê Thị Toán - Chủ biên (2014) “Sắc phong triều Nguyễn trên địa bàn Thừa Thiên Huế”, Tập I, Nxb Thuận Hóa.
[4] Trung tâm BTDT Cố Đô Huế, Thư viện KHTH TP Hồ Chí Minh, Thư viện TH Thừa Thiên Huế (2018) “Thư mục đề yếu sắc phong triều Nguyễn ở Thừa Thiên Huế”, Nxb Thuận Hóa.
([26]) Đỗ Minh Điền (2019), “Dấu ấn nhân thần Khai cơ trong tín ngưỡng dân gian vùng Huế”, bđd, tr: 41.
([27]) Triều Sơn Nam ngày nay thuộc xã Hương Vinh (Hương Trà, Thừa Thiên Huế), thực chất đây là một giáp của làng Triều Sơn, theo sách Ô Châu cận lục thì Triều Sơn là 1 trong 67 xã thuộc huyện Tư Vinh, phủ Triệu Phong. Như vậy, làng Triều Sơn chính thức có mặt trên bản đồ vùng Thuận Hóa ít nhất là trước thế kỷ XVI. Từ quá trình tụ cư, lập nghiệp buổi ban đầu, về sau với sự lớn mạnh dần của cộng đồng dân cư, làng Triều Sơn phân chia thành tứ giáp, với tên gọi theo phương vị địa lý, gồm: giáp Đông, giáp Tây, giáp Nam và giáp Trung. Nguyên tờ sắc chỉ này đã bị mục rách ở 4 cạnh đường viền, tuy nhiên nội dung vẫn được đảm bảo.
[Nguyên văn] 敕 旨 承 天 府 香 茶 縣 朝 山 南 甲 從 前 奉 事 翊 保 中 興 靈 扶 本 土 開 耕 杜 貴 公 之 神 翊 保 中 興 靈 扶 本 土 開 耕 陳 貴 公 之 神 翊 保 中 興 靈 扶 本 土 開 耕 黎 貴 公 之 神 節 經 頒 給 敕 封 準 其 奉 事 維 新 元 年 晉 光 大 禮 經 頒 寶 詔 覃 恩 禮 隆 登 秩 特 準 依 舊 奉 事 用 誌 國 慶 而 申 祀 典, 欽 哉 。維 新 叁 年 捌 月 拾 壹 日。[印 敕 命 之 寶]
[Tạm dịch] Sắc chỉ cho làng Triều Sơn [giáp] Nam, huyện Hương Trà, phủ Thừa Thiên trước đây đã phụng thờ Dực Bảo Trung Hưng linh phò Bổn thổ Khai canh Đỗ quý công chi thần, Dực Bảo Trung Hưng linh phò Bổn thổ Khai canh Trần quý công chi thần, Dực Bảo Trung Hưng linh phò Bổn thổ Khai canh Lê quý công chi thần, đã được ban cấp sắc phong, chuẩn cho phụng thờ. Duy Tân năm thứ nhất, [nhân] đại lễ đăng quang, đã ban bảo chiếu ra ân rộng rãi, lễ lớn nên gia tăng cấp bậc. Đặc biệt chuẩn cho phụng thờ như cũ, để ghi nhớ ngày mừng của nước nhà mà tỏ rõ phép tắc thờ tự.Khâm tai ! Ngày 11 tháng 08 năm Duy Tân thứ 3 (Ngày 24 tháng 09 năm 1909). Ấn: Sắc mệnh chi bảo.
([28]) Trung tâm BTDT Cố Đô Huế, Thư viện KHTH TP Hồ Chí Minh, Thư viện TH Thừa Thiên Huế (2018), “Thư mục đề yếu sắc phong triều Nguyễn ở Thừa Thiên Huế”, Nxb Thuận Hóa, tr: 343.
([29]) Thư mục đề yếu sắc phong triều Nguyễn ở Thừa Thiên Huế, Sđd, tr: 344.
([30]) Dạng thần hiệu này cho đến thời điểm hiện tại chúng tôi chỉ mới bắt gặp ở làng Lương Viện và Kế Sung. Sắc phong Tiền hiền Khai khẩn ở làng Kế Sung (xã Phú Diên, huyện Phú Vang) ban cấp cho ngài Nguyễn đại lang vào ngày mồng 08 tháng 10 năm Duy Tân thứ 7 (tức ngày 05 tháng 11 năm 1913). Sắc phong này được trân tàng tại từ đường họ Nguyễn làng Kế Sung. Xin xem: Đỗ Minh Điền (2018), “Giới thiệu sắc phong Tiền hiền Khai khẩn ở làng Kế Sung”, tạp chí Văn hóa Phật giáo, số 311 (15.12.2018), tr: 34 – 35.
([31]) Làng La Vân hạ (Quảng Thọ, Quảng Điền) có một ngôi miếu nằm về phía tay phải của đình làng là nơi phụng thờ một nhân vật cũng có công lao to lớn đối với dân làng. Không rõ họ tên, hành trạng của ngài như thế nào, chỉ biết rằng ngôi miếu này được người dân sở tại gọi là miếu ngài Quan Huyện. Theo truyền khẩu của nhiều vị bô lão, vào những năm mất mùa đói kém, ở La Vân Hạ dân chết vì nạn đói hơn số nửa, phần dân phiêu tán tứ xứ, khung cảnh tang thương khắp lối. Trong tình cảnh như vậy, ngài Quan Huyện dốc lòng phát tâm chẩn tế cứu đói, giúp không biết bao nhiêu hoàn cảnh qua cơn nguy khốn. Về sau, cũng chính ngài là người đã mua lại hơn 40 mẫu đất ở các xứ: Kênh Tre, Đuồi Phát Lát, Nương Ao, Đập Hậu từ làng Mỹ Xá, Đông Xuyên, tạo điều kiện cho người dân trong làng có đất mà canh tác. Sau ngày ngài mất, để ghi nhớ công đức trời biển đó, nội bộ làng nhất trí tôn phong ngài làm Hậu Khai khẩn, xây dựng miếu thờ, đưa vào điển lệ tế tự hàng năm.