Văn nghệ dân gian
Tri thức dân gian về thời tiết của cư dân vùng trong dự đoán và ứng phó với thiên tai
15:21 | 08/02/2022

NGUYỄN XUÂN HỒNG

LÊ ANH TUẤN

Tri thức dân gian về thời tiết của cư dân vùng trong dự đoán và ứng phó với thiên tai

1. Đặt vấn đề

Hiện nay, Việt Nam là một trong 5 quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu, với những biến động mạnh mẽ trong diễn biến của các hiện tượng khí tượng, thuỷ văn, như bão, mưa lớn, lũ lụt, rét hại, mực nước biển dâng, hạn hán,… Vấn đề này đã và đang được đặt ra ở vùng ven biển Thừa Thiên Huế, với mức độ nguy cơ ngày càng báo động. Đứng trước vấn đề này, hiện có nhiều ý tưởng, phương pháp đưa ra với nhiều dự án nghiên cứu, ứng dụng được tiến hành nhằm tăng cường công tác dự báo, phòng tránh, đối phó với tính dị thường và tính cực đoan của biến đổi khí hậu. Trong đó, tri thức dân gian, tri thức bản địa (TTBĐ) đã và đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học nghiên cứu về kinh nghiệm của cha ông trong việc ứng phó với thiên tai một cách thiết thực.

Nghiên cứu về TTBĐ, hay kiến thức dân gian mới chỉ được chú ý nghiên cứu trong một vài thập niên trở lại đây như là một “cơ chế” ứng phó về mưu sinh bền vững. Những thất bại của việc quá đề cao kiến thức hàn lâm, hay những tác động trái chiều của khoa học kỹ thuật đã đặt lại vấn đề vai trò TTBĐ trong tất cả các lĩnh vực liên quan đến phát triển bền vững, trong đó có hệ thống TTBĐ của các cộng đồng địa phương trong quá trình ứng phó với sự thay đổi của thời tiết, thích ứng với thiên tai, đặc biệt là những vùng sẽ chịu ảnh hưởng từ sự biến đổi khí hậu, nước biển dâng như Thừa Thiên Huế nói riêng và vùng ven duyên Việt Nam nói chung.

Đầm phá là một hệ môi trường sinh thái đặc thù, được phản ánh qua cách ứng xử đa dạng, phong phú và đặc trưng trong sản xuất và sinh hoạt của người dân ở đây. Đó chính là nền tảng cơ sơ góp phần hình thành một hệ thống TTBĐ phong phú và đặc trưng của vùng đầm phá ở Thừa Thiên Huế, trong đó hệ TTBĐ về dự báo thời tiết có một vai trò hết sức quan trọng đối với ngư dân vốn luôn gắn bó với sông nước hàng ngày, hàng giờ, từ đời này qua đời khác. Người dân ở vùng đầm phá trong quá trình cư trú lâu đời, đã hình thành nên những cách thức đối phó và ứng cứu thiên tai, bằng những kiến thức, kinh nghiệm riêng của cộng đồng. Đó là những kinh nghiệm được rút ra từ quan sát sự thay đổi bất thường của các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, được tổng kết và truyền miệng qua nhiều đời, bằng các hình thức ca dao, tục ngữ để dễ nhớ và dễ phổ biến, thực hành.

Bài viết là kết quả nghiên cứu được thực hiện có sự tham gia của người dân địa phương, tiến hành từ năm 2008 đến nay, ở nhiều làng xã ven phá Tam Giang - Cầu Hai, cụ thể là ở các làng xã ở Quảng Lợi, Quảng Phước, Quảng An, Quảng Thành (huyện Quảng Điền), Vinh Hiền (huyện Phú Lộc), Phú Diên (huyện Phú Vang)…, tiến hành phỏng vấn ở nhiều lứa tuổi khác nhau, trong đó chú trọng vào người già(1). Từ các kết quả khảo sát ở một số làng xã ven đầm phá, đặc biệt tập trung vào các làng ngư nghiệp, bài viết chỉ ra các nội dung và giá trị của hệ thống TTBĐ, khẳng định vai trò của nó trong lịch sử cũng như hiện nay ở các cộng đồng trong ứng phó với thiên tai. Qua đó, nghiên cứu mong muốn góp phần vào bảo tồn hệ TTBĐ đầm phá đặc thù, đồng thời tạo cơ sở thực tiễn cho các cấp chính quyền, nhà quản lý trong việc kết hợp giữa kiến thức khoa học với kinh nghiệm dân gian trong ứng phó với thiên tai, nhằm góp phần phát triển cuộc sống, sinh kế một cách bền vững cho các cộng đồng ngư dân ven đầm phá.

2. Tri thức dân gian/bản địa: Một số vấn đề cơ bản

Tri thức bản địa (Local Knowledge) là hệ thống kiến thức truyền thống của một tộc người hoặc một cộng đồng tại một địa vực cư trú cụ thể, nó được hình thành từ thực tiễn quá trình sản xuất và ứng xử với môi trường tự nhiên - xã hội; được hoàn thiện dần và truyền từ đời này qua đời khác bằng truyền khẩu trong gia đình, làng bản qua hình thức kể chuyện, nói lối, ca hát, ngạn ngữ, trường ca, tập tục...; tồn tại và phát triển trong những hoàn cảnh nhất định của địa phương(2). Khác với tri thức bản địa, hệ thống tri thức hàn lâm thường được xây dựng từ các trường đại học, viện nghiên cứu.

Tri thức bản địa bao gồm nhiều nội dung đề cập đến các khía cạnh của đời sống sản xuất và tổ chức cộng đồng, như phương thức tổ chức, quản lý cộng đồng (các tập tục, kiêng cữ, lễ hội...); phương thức khai thác, sử dụng các nguồn lợi, tài nguyên thiên nhiên (đất đai, sông suối, rừng núi, động - thực vật.; phương pháp trồng trọt, chăn nuôi; kỹ thuật đánh bắt, săn bắn và hái lượm...).

Tri thức bản địa mang đặc trưng, như: [1] được hình thành và biến đổi liên tục qua các thế hệ trong một cộng đồng địa phương nhất định; [2] có khả năng thích ứng cao với môi trường riêng của từng địa phương, nơi đã hình thành và phát triển tri thức đó; [3] đơn giản, chi phí thấp và bền vững đối với điều kiện tự nhiên địa phương; [4] do toàn thể cộng đồng trực tiếp sáng tạo ra qua lao động trực tiếp; [5] không được ghi chép bằng văn bản cụ thể mà được lưu giữ bằng trí nhớ và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, thơ ca, hò vè, tế lễ và nhiều tập tục khác nhau; [7] luôn gắn liền và hòa hợp với nền văn hóa, tập tục địa phương; [7] có giá trị cao trong việc xây dựng các mô hình phát triển nông thôn bền vững; [8] Tính đa dạng của tri thức bản địa rất cao.

Trong quan điểm truyền thống, TTBĐ thường bị đánh giá là tri thức mang tính cục bộ, địa phương, không có cơ sở khoa học, mang tính phụ thuộc vào tự nhiên,… từ đó, dẫn đến xem thường và lãng quên hệ thống tri thức này. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhận thức về giá trị của TTBĐ, đặc biệt là khả năng đóng góp của nó vào phát triển bền vững và xoá đói giảm nghèo, đang dần được nâng cao ngay tại thời điểm mà những kiến thức này đang trong tình trạng bị mai một.

Hơn thế, mối quan hệ giữa kiến thức bản địa và khoa học được thiết lập ngày càng chặt chẽ. TTBĐ đã và đang đóng góp một phần quan trọng vào việc giải quyết các vấn đề của địa phương. Trong chiến lược phát triển, Ngân hàng thế giới xem “TTBĐ là nền tảng cơ bản cho việc thiết lập các quyết định liên quan đến địa phương trên mọi lĩnh vực của cuộc sống đương đại”(3), cung cấp các chiến lược nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra cho cộng đồng dân cư địa phương. Các nhà nghiên cứu xem TTBĐ “là một nguồn quan trọng trong việc làm tăng tính hiệu quả, năng lực và tính bền vững cho các chương trình phát triển”(4).

Ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, vai trò của TTBĐ để thể hiện trong nhiều lĩnh vực như: [1] nông nghiệp (kỹ thuật xen canh, chăn nuôi, quản lý sâu bệnh, đa dạng cây trồng, chăm sóc sức khoẻ vật nuôi, chọn giống cây trồng); [2] sinh học (thực vật học, kỹ thuật nuôi cá); [3] chăm sóc sức khoẻ con người (bằng các phương thuốc truyền thống); [4] sử dụng và quản lý tài nguyên thiên nhiên (bảo vệ đất, thuỷ lợi và các hình thức quản lý nước khác); [4] giáo dục (kiến thức truyền miệng, các ngôn ngữ địa phương) và xoá đói giảm nghèo nói chung,…

Trong hoạt động ngư nghiệp, TTBĐ thể hiện qua: Tri thức trong hoạt động đánh bắt: lịch thời vụ, cách sử dụng ngư cụ, tri thức về các loài cá,…; Tri thức trong hoạt động nuôi trồng: chọn giống, chăn nuôi, sinh sản,…; Tri thức trong hoạt động chế biến, sản xuất sản phẩm ngư nghiệp; Tri thức liên quan đến quản lý ngư trường, sản xuất ngư cụ,…; Tri thức bản địa dự báo thời tiết, khí hậu, không gian, thời gian,…

3. Những tri thức dân gian của người dân vùng đầm phá trong nhận biết về sự biến đổi của thời tiết và cách ứng phó với thiên tai

3.1. Nhóm tri thức dự đoán thời tiết dựa vào sự thay đổi hiện tượng tự nhiên

+ Mặt trăng: là một trong những cơ sở mà người dân có thể dựa vào đó để dự đoán thời tiết. Một số kinh nghiệm được người dân đúc kết khi quan sát mặt trăng như: “Trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa”, “Mặt trăng vàng thì trời sắp bão”,… Năm nào thấy “trăng quầng” thì năm đó sẽ gặp hạn hán lớn. Đây là một kinh nghiệm khá phổ biến trong dân gian, trở thành câu tục ngữ quen thuộc trong cuộc sống của người dân chốn làng quê nói chung.

+ Mây và gió: mây và màu sắc của bầu trời cũng dự đoán được thời tiết. Tùy thuộc vào các tháng trong năm, người dân sẽ chọn hướng để nhìn mây: “Tháng bảy nhìn ra, tháng ba nhìn vào”, hay “Tháng bảy xem đông xem tây, tháng ba xem mây dọc làng”. Tháng ba hướng gió thịnh hành thổi từ tây sang đông và ngược lại vào tháng bảy thì gió thổi từ hướng đông sang hướng tây, khi thổi thường mang theo hơi nước. Nếu mây đen báo mưa ở đầu ngọn gió thì chắc chắn trong thời gian ngắn sẽ có mưa ở tại địa điểm của họ; nếu trời có mây nhiều kết hợp với chớp sẽ có áp thấp nhiệt đới hoặc bão. Một cách rất “biện chứng”, người dân “nhìn ra” và cũng không quên “nhìn vào” xem mây trôi nhanh hay chậm, mưa lớn hay nhỏ, gió lớn hay nhỏ để đối phó hợp lý. Tháng 7 “nhìn ra” biển có mây cuộn thành đụn sẽ có mưa lớn, tháng 3 “nhìn vào” núi thấy có mây nhiều sẽ có giông giật.

Không chỉ xem hướng hình thành mây, màu sắc của bầu trời cũng là căn cứ để người dân dự đoán thời tiết(5). Người dân ở đây có câu: “Đen trời thì gió, đỏ trời thì mưa”, “Tháng năm u ám thì nắng, tháng tám u ám thì mưa”, “Vàng trời thì gió, đỏ trời thì mưa”,… Nếu nhìn trời có màu vàng thì chắc sắp có bão, nếu trời chuyển sang màu đỏ thì sắp có mưa lũ lớn. Quan sát hướng xuất hiện của các tia chớp cũng có thể dự đoán được lượng mưa: nếu chớp xuất hiện ở hướng Bắc thì sẽ có mưa rất to. Ngoài ra, khi thấy quan sát thấy có những đám mây xoáy di chuyển từ ngoài biển vào thì sau đó sẽ xuất hiện lốc xoáy.

+ Sao trời: Theo một số người già, ban đêm nhìn lên giải ngân hà (hình ảnh tập hợp của các vì tinh tú) trên trời thấy có những đoạn mờ thì năm đó có lụt bão. Hay câu ca phổ biến cũng được người dân nhắc đến: “lắm sao thì nắng, vắng sao thì mưa”.

+ Cát biển: Ngư dân ở đây có thể dựa vào sự thay đổi hình dạng của bề mặt nền cát ở đáy biển hoặc độ xốp của nền cát trên bờ biển để dự đoán thời tiết. Bình thường nền cát dưới đáy biển có hình dạng gợn sóng. Nếu nền cát này thay đổi trở nên bằng phẳng thì sau một hoặc hai ngày biển sẽ có bão.

Cũng từ hiện tượng này nên những người kéo giã ruốc(6) trên biển có kinh nghiệm nếu kéo giã ruốc nhẹ thì sắp có giông bão. Thông thường, do hình gợn sóng dưới đáy biển nên độ ma sát giữa lưới và đáy biển rất lớn. Nhưng khi biển chuẩn bị “động” (thời tiết chuẩn bị thay đổi) thì các gợn sóng này không còn hoặc rất nhỏ nên ghe kéo lưới đi nhẹ.

Kinh nghiệm dựa vào “độ xốp” của nền cát trên bãi biển: thông thường, nền cát trên bãi biển chặt cứng nhưng khi thời tiết chuẩn bị thay đổi thì độ chặt này cũng giảm đi. Do vậy, người dân có kinh nghiệm, nếu đi trên bãi biển mà thấy nền cát xốp và có tiếng kêu “sọt” thì biển sắp động. Hiện tượng này có thể là do thay đổi của áp suất khí quyển và mặt đất thay đổi, dẫn đến có sự thay đổi về khoảng cách giữa các hạt cát trên mặt đất đất ven biển. Khoảng cách của các hạt cát này xa hơn, rộng hơn nên làm cho nền cát trên bãi biển trở nên xốp hơn.

+ Nước biển: Khi thả lưới đánh bắt cá nếu thấy nước dưới sâu cuộn lên, đục và chảy mạnh thì sắp có giông bão. Trong khi đó, kinh nghiệm của những người đánh bắt trên biển cho thấy, ở vùng nước sâu từ 20 đến 30m có bong bóng đường kính từ 2 đến 4 mét từ dưới đáy nổi lên và khi lên mặt nước có tiếng nổ như pháo thì sắp có bão. Bão sẽ xảy ra sau đó khoảng 2 hoặc 3 ngày nếu thấy hiện tượng bong bóng khí này xuất hiện, bong bóng khí càng to thì bão càng lớn(7).

+ Sóng biển: Nhìn trên mặt nước biển phẳng lặng, nếu thấy sóng biển phát sáng như đom dóm thì sẽ sau khoảng 10 tiếng (giờ) sẽ có gió bão. Nghe tiếng sóng biển chuyển về hướng đông (vào đất liên) thì biển lặng; nếu sóng chuyển về hướng tây (chạy ra biển) thì biển động.

+ Dòng chảy (“con nước”): mùa đi biển của ngư dân thường diễn ra từ tháng 3 đến tháng 8, vì vậy, sự thay đổi của con nước trong khoảng thời gian này được chú ý nhất. Kinh nghiệm dự đoán thiên tai dựa vào dòng chảy của “con nước” cho thấy: mỗi tháng, trên biển có hai con nước luân lưu 7 ngày lên và 7 ngày xuống(8), khi “con nước” thay đổi quy luật, chứng tỏ biển sắp động (thời tiết thay đổi, có gió to, sóng lớn). Qui luật lên xuống của con nước đều theo một ngày cố định tương ứng với từng tháng. Ngoài ra, tuỳ theo tốc độ chảy của dòng nước vào những ngày cụ thể, có thể biết được thời gian cũng như mức độ động.

3.2. Nhóm tri thức dự đoán thời tiết dựa vào sự thay đổi một số loài cây cỏ

+ Cây tre: Người dân có câu “Xuống đồng nhìn cỏ, lên ngõ nhìn tre”. Căn cứ vào sự phát triển khác thường của cây tre và cây cỏ ống để dự đoán thời tiết.

+ Cây cỏ: Kinh nghiệm nhìn “cỏ ống” để dự đoán bão trong tháng qua việc quan sát lá non ở ngọn cây vào những ngày đầu tháng. Bình thường, ngọn lá cây cỏ ống suôn, mượt nếu quan sát thấy lá non trên ngọn cây cỏ ống thắt lại thì báo hiệu tháng đó sẽ có bão. Bao nhiêu đốt thắt thì có bấy nhiêu cơn bão. Đốt thắt nằm ở đầu ngọn lá thì bão sớm, nằm giữa thì bão vào giữa tháng và thắt ở gốc lá thì bão muộn vào cuối tháng. Quan sát thấy cây cỏ Năng có ống nhỏ và nhiều đốt thì năm đó sẽ có lụt nhỏ, nếu thân ống to thì lụt lớn. Quan sát cây cỏ Chỉ, nếu thấy đầu thì năm đó sẽ có lụt lớn.

+ Măng: Nhìn vào khoảng cách giữa mụt măng và bụi tre mẹ có thể biết được bão trong năm lớn hay nhỏ. Thường thì cây măng mọc cách xa bụi tre mẹ và hướng đâm ra ngoài. Nhưng khi bụi măng mọc sát vào bụi tre mẹ, hướng chui vào giữa bụi tre thì báo hiệu năm đó sẽ có bão lớn.

+ Cây tơ hồng: Người dân đánh bắt trên biển có kinh nghiệm, nếu thấy dây tơ hồng(9) từ phía bắc bay vào thì sắp có bão hoặc gió lớn. Dây tơ hồng rất nhẹ, có thể theo những cơn gió thoảng bay vào đất liền từ biển hướng đông bắc. Khi có dây tơ hồng xuất hiện nhiều, sẽ có bão hoặc gió lớn. Gió càng to thì càng có nhiều sợi tơ nhện bị thổi bay. Năm nào nhìn lên trời thấy nhiều dây tơ, năm đó sẽ bị hạn hán(10).

+ Cây chôm chôm: được xem là cây chỉ thị thời tiết. Khoảng thời gian từ tháng tám đến tháng mười (lịch âm), thời tiết bình thường thì cây chôm chôm không có biểu hiện lạ. Khi chôm chôm sủi bọt, bọt được phun ra từ các nhánh của thân cây và bay khắp bãi biển, thì trời động. Bọt bay ra càng nhiều thì trời động càng lớn. Hiện tượng này cỏ thể là do đặc tính sinh lý của cây chôm chôm.

+ Cây hoa: Ở một số vùng (xã Quảng Phước) có một loại hoa dạng như hoa loa kèn, khi có bông nở thì sẽ có lũ lụt. Một số nơi có cây “bông lụt”, khi nào hoa nở trắng thì có lụt.

3.3. Nhóm tri thức dự đoán thời tiết dựa vào sự thay đổi một số loài động vật

+ Con kiến: Dựa vào đặc tính sinh học về sự thích nghi của loài kiến, người dân đã nhận biết được sự thay đổi về độ ẩm trong lòng đất, báo hiệu về lũ lụt sắp xẩy ra. “Kiến hôi khẩn cấp tha trứng đi ra khỏi ổ thì sau một tuần sẽ có lụt”. Quy luật cho thấy, vào mùa mưa, khi loài kiến khẩn trương tha trứng và thức ăn đến chỗ cao, có nghĩa là chúng đang đi tránh lụt. Người dân quan sát sự di chuyển của loài kiến để đoán thời tiết, chuẩn bị đối phó: nếu di chuyển lên cao thì năm đó lụt to. Vậy cho nên: “Tháng bảy kiến đàn, đại ngàn hồng thủy”.

+ Tổ kiến: những người trồng trọt nhìn vào tổ kiến có thể phán đoán lụt bão. “Tổ kiến thấp thì bão, tổ kiến cao thì lụt”. Ở những vùng này, tổ kiến thường làm trên các cây tre. Khi kiến làm tổ trên đọt tre, năm đó sẽ có lụt lớn. Cũng là tổ kiến nhưng khi chúng làm tổ phía trong chỗ kín của bụi tre thấp đưới gốc thì năm đó có bão lớn.

+ Con ong: Quan sát thấy ong vò vẽ làm tổ dưới đất, báo hiệu năm đó có bão to.

+ Con chó: “Chó ăn cỏ thì trời mưa”. Trời đang nắng nhưng nếu thấy con chó ăn cỏ, ăn lá tre, có nghĩa là trời bị động, sắp mưa. Ở vùng nông thôn nói chung, phần lớn chó được thả rông, không xích nhốt như ở thành phố. Vào mùa khô hoặc lúc khí hậu khô hạn lâu ngày, chó thường tìm đến những bóng râm, bãi cỏ để nằm tránh nắng. Kinh nghiệm cho thấy, chỗ chúng nằm dễ thường là nơi mát nhất(11).

+ Con chim: kinh nghiệm quan sát sự bất thường của các loài chim, đặc biệt là những loài sống ở biển như chim én, hải âu, cò,… từ biển bay vào, báo hiệu sắp có bão. Khi thấy chim bay từng đàn và vội vã từ ngoài biển khơi vào đất liền, thời gian sau đó 3 - 5 ngày hoặc một tuần sẽ có bão. Thật vậy, chim đang sinh sống trên các hòn đảo ngoài khơi, do có gió to, sóng lớn hoặc chuẩn bị có bão ở ngoài khơi nên chúng phải bay vào đất liền để tránh. Dựa trên quy luật di trú của loài vạc: “Tháng bảy vạc qua, tháng ba vạc về”. Thông thường vào tháng bảy vạc sẽ bay từ biển vào đất liền và sang tháng ba, vạc sẽ bay từ đất liền trở về biển. Tuy nhiên, nếu thấy vạc vào đất liền sớm hơn tháng 3, báo hiệu có bão sớm.

+ Con chuồn chuồn: Nhìn vào chuồn chuồn “Tháng chín heo may, chuồn chuồn bay thì bão”, hay “chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm”,…

+ Con ếch: có thể phán đoán lụt, bão trong năm khi xem đùi con ếch. Thường thì khi ta bóc da đùi của con ếch đồng, quan sát thấy có đoạn thắt lại rất sâu ở đùi của con ếch, năm đó sẽ có lụt bão to. Hoặc xem xương chân sau của con ếch, nếu thấy chấm đen nằm ở vị trí cao thì năm đó sẽ có lụt lớn.

+ Con ốc: Những người đánh cá trên sông, đầm phá có kinh nghiệm nhìn “Ốc quăn/xoăn chụm lại với nhau thì sắp có lụt lớn”. Ốc xoăn bình thường sống rải rác dưới bùn, nhưng khi chúng tập trung lại thành đống, hướng miệng vào với nhau thì dự báo sẽ có lụt lớn. Người dân cho rằng như thế chúng sẽ không bị cuốn trôi. Khi thấy ốc xoắn leo lên cọc tre trên đầm phá là dấu hiệu có bão to.

+ Các loài cá: Kinh nghiệm quan sát cá bống mủ đen, cá bống thệ, cá mú đen và cá thu, nếu thấy “Cá bống thệ ăn ốc, chứng tỏ sắp bão”, “Cá mú đen ăn ốc xoăn, ăn sạn, năm đó có bão lớn”,… Mổ bụng cá bống, cá mú phát hiện có ốc xoăn hoặc viên sạn trong đó thì chắc chắn rằng năm đó sẽ có bão lớn. Theo lý giải của người dân, cá ăn ốc vào để thân nặng, dễ bám dưới đáy, tránh dòng nước cuốn trôi. Khi thả lưới đánh cá, nếu “Cá bống bám lưới nhiều thì trời sắp động”. Hoặc quan sát thấy “Cá ngạnh có trứng sớm thì sắp có mưa”. Cá ngạnh là loài có trứng vào tháng bảy khi thời tiết ôn hoà hoặc trời có mưa. Chính vì vậy, vào tháng tư, là mùa hè, trời nắng gắt, nhưng cá ngạnh lại có trứng, báo hiệu năm đó mùa mưa đến sớm. Trong khi đó, những người đi đánh bắt trên biển lại có kinh nghiệm đối với loài cá thu: “Cá thu nhảy thì trời động”. Ở vùng đầm phá, nếu cá căng chạy vào nò nhiều thì báo hiệu thời tiết sẽ có biến động, mưa to hoặc bão.

3.4. Nhóm tri thức dự đoán thời tiết dựa vào sự thay đổi chu kỳ của tự nhiên

+ Chu kỳ của năm:

Dựa vào chy kỳ biến đổi của trái đất, các cụ già có thể dự báo được những thay đổi về thời tiết trong năm hoặc chu kỳ của các năm. Cũng chính vì vậy, họ đã có một câu lưu truyền cho đến ngày nay là “Tí hư, Sửu hao, Dần bất lợi”. Theo lịch âm, vào những năm Tý, Sửu, Dần sẽ không mang lại thành công cho những người làm nông, ngư nghiệp. Những năm này thường có nhiều thiên tai như lụt, bão, hạn, rét, sâu bệnh trên cây trồng vật nuôi,… Thời tiết vào những năm này cũng khác thường so với những năm khác.

+ Chu kỳ tháng:

Vào tháng giêng nếu có những trận giông tố kéo dài, lặp đi lặp lại nhiều lần thì tháng hai sẽ ngược lại. Nên “Tháng giêng tố dài, tháng hai tố cụt”. Dựa trên kinh nghiệm này, những người đánh bắt trên biển, đầm phá trong tháng giêng phải cẩn thận với những trận giông tố. Sang tháng Hai, mùa gió ngắn hơn, các trận tố có thời gian ngắn nên người dân có thể ra khơi và đi đánh bắt sớm sau mỗi trận tố, tuy nhiên phải cẩn thận.

“Tháng ba mụ tra cũng tốt, tháng mười một gái tốt cũng hư”. Tháng Ba, là tiết trời vào xuân, thời tiết ấp áp, “thiên thời địa lợi”, con người thường thoải mái, khoan khoái, dù là những người cao tuổi nhưng da vẫn hồng hào, căng láng. Ngược lại, tháng mười một, tiết trời vào đông, không khí rất lạnh, dù là những cô gái trẻ, khỏe mạnh cũng khó mà giữ cho da khỏi nhăn nheo, nứt nẻ. Kinh nghiệm này khuyên nhủ người dân có những chuẩn bị tốt để ứng phó với cái giá rét trong sinh hoạt cũng như chọn lựa thời điểm sản xuất thích hợp.

Tháng bảy ở Huế là mùa mưa, nước ở sông, đầm luôn ở mức cao, có thể trở thành lụt bất kỳ lúc nào. Nên dân gian có câu: “Tháng bảy nước nhảy lên bờ”.

Ngoài ra, theo kinh nghiệm chung, bão ở vùng Huế thường đến vào các tháng 7 – 8 - 9 âm lịch hàng năm.

+ Chu kỳ ngày:

Theo kinh nghiệm dân gian, trong một tháng cũng có những ngày tốt ngày xấu, từ đó hình thành nên những cách ứng xử phù hợp. Theo ngư dân ở ven phá, những ngày xấu, “kỵ chung” như 7/3, 10/3 và 20/3 âm lịch, không nên đi biển. Vì thường vào những ngày đó đều có giông tố, gió lớn, nếu đi biển sẽ gặp rủi ro và không đánh bắt được, thậm chí thiệt hại về tính mạng và tài sản. Hoặc “Đúng giờ Ngọ (12h trưa) mùng năm tháng năm nếu có mưa, gió, năm đó có bão lớn”.

Một số người lớn tuổi cho biết, thông thường sau rằm tháng 7 âm lịch vào các ngày 15, 16, 17, 21, 22, 23 thường có mưa to. Trong tháng 8 và 9 âm lịch, vào các ngày 29, 30/8, 03/9, 20/9 thường mưa lớn. Vì người dân vùng Huế có câu ca thán: “Ông tha mà Bà chẳng tha, sinh ra/làm cho cái lụt 23/10”. Theo người dân, phải sau ngày này mới dám chắc là hết lụt(12).

+ Chu kỳ giờ:

“Mưa không quá Ngọ, gió không quá Mùi”, để chỉ chu kỳ hoạt động của gió và mưa: mưa có kéo dài thì cũng tạnh trước giờ Ngọ, và gió cũng vậy. Theo đó để người dân bố trí lịch đi đánh bắt hợp lý, tránh được mưa gió bất ngờ.

3.5. Những TTBĐ trong việc ứng phó với thiên tai

+ Khi thông báo có bão, người dân thường lấy rơm rạ phủ lên mái nhà, mưa xuống sẽ ngấm vào thân rạ nặng hơn, giữ cho mái nhà không bị tốc.

+ “Non nhà hơn già đồng”: là cách ứng xử đầy kinh nghiệm của người dân vùng lụt trong sinh hoạt và sản xuất. Tất cả các hoạt động sản xuất vào mùa mưa lụt, thường phải có kế hoạch sớm và cụ thể, thu hoạch về cất trong nhà dù chưa đến vụ. Đặc biệt là lúa, dù đang non cũng cắt gặt mang về, ít khi chờ cho đến chín thì có thể gặp lụt, bão dẫn đến mất mùa, trắng vụ.

+ Trước tháng 8, phải củng cố xay lưới, tu bổ ao hồ để tránh trôi, rách trong mưa bão. Nhiều vùng, để tránh thiệt hại, họ thường bán gia súc trước tháng 8.

+ Sau bão lũ, để tránh các dịch bệnh, tránh nhiễm bệnh, đặc biệt là những người tham gia hoạt động đánh bắt thường ăn gừng, ăn tỏi để chống cho cơ thể không bị lạnh.

4. Thay lời kết

Trong quá trình khảo sát, chúng tôi nhận thấy có sự khác nhau giữa các nhóm hoạt động nghề của các làng xã ven đầm phá: cộng đồng cư dân đánh bắt trên biển, và đầm phá có số lượng TTBĐ nhiều hơn cộng đồng nông nghiệp, chăn nuôi. Điều này phản ánh tầm quan trọng của đầm phá, biển đối với đời sống người dân trong vai trò là ngành nghề chủ đạo. Mặt khác, có thể nói hoạt động ngư nghiệp ở môi trường sông nước luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên nên lượng TTBĐ về thiên tai chiếm tỉ lệ lớn trong nội dung. Hơn nữa, một kết quả khác cũng đáng lưu ý là, số lượng và người nắm giữ TTBĐ tăng dần theo độ tuổi, nghĩa là người trẻ biết ít hoặc không biết so với người lớn tuổi. Nguy cơ mất đi kho kinh nghiệm quá giá càng đặt ra báo động khi những người nắm giữ thường rơi vào đối tượng tuổi cao, sức yếu, trí nhớ kém, trong lúc đó lứa tuổi thanh niên lại không có nhu cầu học hỏi. Điều này đặt ra thách thức trong vấn đề bảo tồn hệ thống TTBĐ ngày càng cấp thiết, bởi cùng với nó là sự xói mòn, đánh mất bản sắc, tính đa dạng văn hóa truyền thống.

Từ kết quả khảo sát và những đánh giá về vai trò của hệ thống TTBĐ trong thực tiễn đời sống người dân, chúng tôi cho rằng việc kết hợp giữa TTBĐ và khoa học kỹ thuật trong quản lý, kiểm soát, ứng phó với thiên tai là hết sức cần thiết. Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, khi kiến thức khoa học vẫn mang tính chung chung, khó giải quyết những vấn đề cụ thể, cấp thời của địa phương, hơn nữa dân trí vẫn là một rào cản lớn nên mức độ phổ biến vẫn còn nhiều hạn chế, vì vậy tính hiệu quả sẽ không như mong muốn. Tuy nhiên, phải nhận thấy rằng, một trong những điều kiện tiên quyết của toàn bộ quá trình thu thập, ứng dụng và phổ biến TTBĐ đạt hiệu quả là sự tham gia đầy đủ của người dân địa phương. Nghĩa là, điều này chỉ có thể đạt được khi cộng đồng địa phương được tham gia với một vị trí tương xứng.

Từ những đóng góp thực tiễn và hiệu quả của việc ứng dụng tri thức bản địa trong dự đoán thiên tai vùng đầm phá, chúng tôi cho rằng cần phải có những nghiên cứu tổng thể, tính phù hợp của các kiến thức dự báo để ứng dụng vào trong thực tiễn hiện nay. Bởi không phải tất cả các TTBĐ đều có lợi cho sự phát triển bền vững của một cộng đồng địa phương, không phải là tất cả các loại TTBĐ đều có ưu thế trong việc cung cấp giải pháp thích hợp cho một vấn đề. Điều này đặt ra vấn đề cần phân tích để làm rõ cơ sở khoa học của những kiến thức bản địa, để từ đó có thể kết hợp một cách hài hòa giữa kiến thức bản địa với kiến thức hiện đại, phục vụ tốt công tác dự báo thiên tai cho người dân. Đồng thời, tiến hành tư liệu hoá và phổ biến rộng rãi những kinh nghiệm hay, quí báu, phù hợp với điều kiện hiện tại cho cộng đồng cư dân đầm phá ở Thừa Thiên Huế. Mặt khác, góp phần tăng năng lực tự dự báo của người dân, của cộng đồng đại phương về thiên tai, để ứng phó với những diễn biến thời tiết khó lường, tránh những tổn thất về người và của, góp phần vào ổn định và phát triển bền vững.

N.X.H - L.A.T

 

Tài liệu tham khảo:

Card - Imola (2007), Đánh giá ảnh hưởng của lũ lụt hàng năm và phát triển các giải pháp giảm thiểu ảnh hưởng lũ lụt ở phá Tam Giang - Cầu Hai. Báo cáo đề tài.

Chi cục PCLB và QLĐĐ Thừa Thiên Huế (2007), Báo cáo chiến lược phòng chống và giảm nhẹ thiên tai vùng ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020. Huế 4-2007.

Đỗ Bang (2002), Lũ lụt các tỉnh miền Trung trong hai thế kỷ XIX - XX. Nxb Đà Nẵng.

Gorjestani, Nicolas (2000), Indigenous Knowledge for Development: Opportunities and Challenges. Retrieved 20 February 2008 (www.worldbank.org/afr/ik/ikpaper_0102.pdf).

Hồ Viết Hoàng (2006), Tri thức bản địa về môi trường sống và đánh bắt thuỷ hải sản của cư dân làng biển Bảo Ninh - Đồng Hới - Quảng Bình. Khóa luận tốt nghiệp Cử nhân Sử học, Trường Đại học Khoa học Huế.

Lê Anh Tuấn (2002), “Tri thức bản địa của người Tà ôi trong hoạt động sản xuất”. Thông tin khoa học, Phân viện Văn hoá Nghệ thuật miền Trung, số tháng 3/2002.

Nguyễn Thăng Long (2005), “Nhật trình đi biển của ngư dân Lý Hoà và dấu ấn văn hóa của người Việt”, Thông tin khoa học, Phân viện Văn hóa Thông tin tại Huế, số tháng 09.

Nguyễn Thị Tâm Hạnh (2007), “Yếu tố không gian và thời gian trong tri thức đi biển của ngư dân Thuận An”. Thông tin Khoa học, Phân viện Văn hoá Thông tin tại Huế, số tháng 9/2007.

Nguyễn Văn Kỳ (2005), “Đặc điểm từ ngữ nghề cá ở Thừa Thiên Huế”. Luận văn Thạc sĩ Khoa học, Trường Đại học Khoa học, mã số: 5.04.08.

Nguyễn Việt (2006), “Thiên tai ở Thừa Thiên Huế và các biện pháp phòng tránh tổng hợp”. Hội thảo “Xây dựng bản đồ cảnh báo nguy cơ sóng thần cho các vùng bờ biển Việt Nam”. Đà Nẵng, ngày 17 tháng 8 năm 2007, Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và Môi trường.

Nguyễn Xuân Hồng (2000), Vai trò của KTBĐ trong chiến lược phát triển bền vững miền núi Việt Nam hiện nay. Trường Đại học Khoa học Huế.

World Bank (1998), Indigenous knowledge for development: a framework for action. Retrieved 20 February 2008 (www.worldbank.org/afr/ik/ikpapt.pdf).



(1) Ngoài ra, nghiên cứu còn kế thừa các số liệu của dự án Imola, của nhóm Card về điều tra hộ và phỏng vấn sâu (Card - Imola, 2007, Đánh giá ảnh hưởng của lũ lụt hàng năm và phát triển các giải pháp giảm thiểu ảnh hưởng lũ lụt ở phá Tam Giang - Cầu Hai).

(2) Johnson, M. (1992), Lore: Capturing Traditional Environmental Knowledge. Ottawa, Dene Cultural Institute/IDRC.

(3) Năm 1998, Ngân hàng Thế giới thiết lập chương trình “Tri thức bản địa cho sự phát triển”, mở đầu cho giai đoạn hát triển, nghiên cứu ứng dụng TTBĐ. Xem thêm: World Bank (1998), Indigenous knowledge for development: a framework for action. Retrieved 20 February 2008.

(4) Gorjestani, Nicolas (2000), Indigenous Knowledge for Development: Opportunities and Challenges. Retrieved 20 February 2008.

(5) Đây là hiện tượng khúc xạ của tia nắng từ mặt trời qua các đám mây làm thay đổi màu sắc của bầu trời.

(6) Giã ruốc là một nghề đánh bắt trên biển ở ven bờ. Đáy lưới được thả ở giáp với đáy biển và có một chiếc ghe nổ máy chạy ở phía trước và kéo toàn bộ hệ thống lưới này ở phía sau.

(7) Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này có thể là do thay đổi áp suất trong lòng đất. Không khí từ lòng đất, len lỏi trong dòng nước và thoát lên khỏi mặt nước nên đã có những hiện tượng này.

(8) Nước lên: dòng nước chảy về phía Bắc. Nước xuống: dòng nước chảy về phía Nam.

(9) Theo mô tả của người dân, dây tơ hồng giống như những sợi tơ nhện nhưng lớn và dài hơn.

(10) Theo người dân giải thích, những dây tơ hồng này chính là những sợi tơ nhện và bị phản quang dưới tia nắng mặt trời nên có màu hồng. Nguồn gốc, các sợi tơ này có thể ở đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị hoặc đảo Hải Nam của Trung Quốc theo gió bay vào đất liền.

(11) Những người làm nghề đào giếng nói rằng, vào mùa hè chỗ nào con chó tìm đến để nằm tránh nóng, chỗ đó có thể có mạch nước ngầm, nếu đào giếng sẽ gặp mạch nước.

(12) Đây là một câu ca dao phổ biến, phản ánh quy luật chung ở miền Trung về thiên tai. Tuy nhiên, trong một vài năm trở lại đây, lũ lụt diễn ra bất thường, không còn theo “quy luật” của trời đất nữa. Tại sao? Khí hậu đã biến đổi, đó là một thực tế chung của toàn cầu. Và rất dễ nhận thấy, lũ lụt ở miền Trung không chỉ bởi “ông trời đổi khác”, mà do con người đã phá rừng vô tội vạ, làm thủy điện tràn lan…

 

 

 

 

 

Tác giả: Lê Anh Tuấn
Các bài mới
Các bài đã đăng