VÕ VINH QUANG
1. Truyền thuyết về con rái cá (lang thát) trong tín ngưỡng dân gian
Rái cá (狼獺 lang thát[1]) là loài vật khá phổ biến trong đời sống và tín ngưỡng của cư dân miền sông nước trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Ở nước ta, tín ngưỡng phụng thờ rái cá gắn liền với niềm tin dân gian về một loài vật luôn giúp đỡ, bảo vệ cho con người. Tương truyền, tín ngưỡng thờ rái cá xuất hiện sớm tại Hoa Lư (Ninh Bình)[2], rồi lan tỏa vào Miền Trung, miền Nam (như tín ngưỡng thờ rái cá ở cửa Cờn - Nghệ An; truyền thuyết về việc hai con rái cá lớn chặn thuyền cứu giá Nguyễn vương Phúc Ánh trong giai đoạn gian truân đầu kỳ khôi phục trung hưng, nhờ đó Nguyễn vương thoát được sự truy sát[3]. Đến triều Nguyễn (từ 1802 trở đi), rất nhiều nơi ở Miền Trung và Miền Nam được triều đình ban cấp sắc phong, thường niên phụng thờ rái cá (với mỹ tự “Đông Nam sát hải lang thát nhị đại tướng quân”), xem là một trong những linh thần hộ giá vương triều, bảo vệ non sông xã tắc. Tại Huế hiện nay, nhiều ngôi làng vẫn còn sắc phong thần lang thát (rái cá) qua nhiều triều vua (từ triều vua Minh Mạng đến vua Khải Định…) và tín ngưỡng phụng thờ rái cá, như làng Lại Thế, làng Nam Phổ, làng Bao La, làng Dương Xuân Thượng...
Có thể thấy, truyền thống tín ngưỡng thờ rái cá trong dân gian Việt Nam xuất hiện từ lâu, nhưng phổ biến khắp nơi và thường xuyên được triều đình ban cấp sắc phong chuẩn cho thờ tự… thì được ghi nhận rõ rệt nhất vào triều Nguyễn (1802-1945). Đấy là nét chung khá phổ quát trong cộng đồng làng xã Việt Nam, riêng tại Huế thì lại có một “câu chuyện văn hóa” khá thú vị, gắn liền với triều vua Minh Mạng vào năm cuối cùng ngài trị vì, tạo nên một đặc trưng văn hóa lịch sử độc đáo ở đất Thần Kinh, mà nay vẫn còn hiện hữu trong sử sách, thư tịch triều Nguyễn và chính ở bài văn bia do Thánh Tổ Nhân hoàng đế sai bề tôi khắc đá lưu truyền (vẫn còn hiện hữu), xin giới thiệu dưới đây
2. Thát bái châu (bãi rái cá lạy) - dấu ấn văn hóa độc đáo xứ Huế
Trên đường Minh Mạng dọc quốc lộ 49 men theo sông Hương, đến gần Cầu Tuần (thuộc làng La Khê, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế), chúng ta nhìn thấy một bãi đất bồi mà dân gian gọi là Bãi Rái Cá (tức Thát Bái châu). Đối diện với bãi Rái Cá là một nhà bia trên triền dốc, trong đó có 2 bia đá gồm bia định danh Thát Bái châu và văn bia ghi chép bài ngự chế của vua Minh Mạng về bãi Rái Cá.
Theo tìm hiểu sơ lược, 2 bia đá này vốn được dựng dưới bãi Rái Cá, trải qua hơn 150 năm biến động, tấm bia bị mòn mờ hư hỏng khá nhiều, và bị nằm sấp chìm xuống bờ sông. Vào khoảng những năm 2000, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã thuê trục vớt bia đá này, xây dựng nhà bia trên sườn đồi và đặt để tấm bia tại đó nhằm giữ gìn bảo quản. Đến nay, hai tấm bia mặc dù vẫn còn thấy nét chữ, song rất khó khăn cho chúng tôi vì mòn mờ nhiều phần. Qua nhiều lần khảo sát, bằng các cách thức xử lý vệ sinh, bôi bột hiện chữ và in rập thác bản… đối chiếu với các thông tin tư liệu từ Đại Nam thực lục, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ… chúng tôi đã tạm phục hồi được gần như nguyên vẹn nội dung văn bia thú vị này.
Xâu chuỗi thông tin từ chính sử, người viết thấy rằng sự hình thành nên Thát Bái châu (bãi Rái Cá) chính do Thánh tổ Nhân Hoàng đế triều Nguyễn ân điển ban bố, là nét văn hóa riêng có của đất Thừa Thiên.
Sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ [quyển 211, Thực lục về Thánh tổ Nhân Hoàng đế] chép như sau:
“[Canh Tý, Minh Mệnh năm thứ 21 [1840], tháng 3] Ngày Quý Sửu, vua thân hành đến lăng Thiên Thụ, lăng Thụy [Thoại] Thánh, lăng Cơ Thánh làm lễ yết. Trước một ngày, do đường thuỷ khởi hành, cho Hiệp biện Đại học sĩ là Trương Đăng Quế, Thống chế dinh Vũ lâm là Bùi Công Huyên sung chức hành dinh đại thần (Vua đi chơi trong kỳ có hành dinh đại thần, bắt đầu từ đây).
Ngày hôm ấy, làm lễ xong, vua trở về qua bãi bên sông lớn xã Bằng Lãng, bảo thị thần rằng: chỗ này trước đây 30 năm, đất cát bồi thành bãi nhỏ dài chỉ độ vài trượng. Trẫm khi ấy còn nhỏ, đỗ thuyền ở đấy, thấy có con rái cá to tướng, hướng vào trẫm mà lạy, vốn không phải là sự lạ, cũng là ngẫu nhiên. Nay thuyền ta đi qua đây, thì bãi này đã dài to vài mươi trượng cao hơn mặt nước 4, 5 thước rồi. Nhân nhớ việc cũ, bèn sai đặt tên bãi ấy là Thát Bái Châu [bãi rái cá lạy]. Bãi ấy chỗ nào thành ruộng, chuẩn cho quan Kinh doãn khám đạc rõ ràng, mà tha thuế cho mãi mãi (thành ruộng công 50 mẫu). Vua lại làm một bài thơ, sai bộ Công khắc vào bia đá để lưu truyền dấu tích có thực”[4].
Bia đá khắc thơ ngự chế của vua Minh Mạng hiện còn chính là bia đá được nêu trong chính sử. Về số liệu cụ thể của các bia đá này, sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Bộ Công, quyển 221: Công Chính, mục Bia Bảng có đoạn:
“… Lại còn 2 bia bãi Thác [Thát] Bái; 1 chiếc thân cao 3 thước 8 tấc, rộng 1 thước 6 tấc 8 phân, dày 5 tấc 5 phân, chân dài 2 thước 5 tấc 5 phân, rộng 1 thước 4 tấc, dày 9 tấc 9 phân, kính khắc lời dụ và một bài thơ của vua về sự tích Thác [Thát] Bái; 1 chiếc thân cao 1 thước 4 tấc 5 phân, rộng 8 tấc 8 phân, dày 6 tấc 8 phân, khắc các chữ “bãi Thác [Thát] Bái”[5].
Dưới đây là nội dung văn bia:
Hán văn
[前面] 獺拜洲
明命貳拾壹年參月貳拾貳日,內閣臣阮 […][6]奉上諭
憑浪社大江從三十年前曾有沙土聚成小洲,長止數丈。朕方少時泊舟于此,睹見大獺向朕而拜,本不足異,亦屬偶然。茲御舟經過,則此洲已長大漸成田土矣。因憶前事為製一章。且此洲彈丸之地,不足為有無,著京尹查明,已未租稅若干,即以明命二十一年庚子為始永遠蠲免租稅,嗣從如有加培,起徵由土若干,亦一併餘之稱。著工部勒碑以傳真蹟。固知些微之事不足昭垂貞珉。然小民得此無租之地,全社之資,亦[永賜][7]恩則此事諒無不可也矣。欽此。
御製詩
此處原係大江,三十餘年前,忽聚沙土,成一小洲,長約數丈而已。予年二十,時曾隨皇考謁瑞聖陵,經過此處偶泊洲傍忽見洲上有物起伏若人叩拜狀。審視之,則一大獺人,立向予而拜。意甚自若見人,不驚令逼近之,方徐徐躍入水去。心亦弗以為異。今年經過,則此洲已長大,數十丈高,出水面四五尺矣。因憶前事,爰命今名,且成一篇以紀實云:
那洲成就廿多年。
獺拜今名俾永傳。
於爾問心誰所欲。
向吾叩首意何焉。
如人有識方先見。
此獸無知亦偶然。
細事小洲非足道。
但留真蹟永租蠲。
(即降旨將此洲土以本年為始,永遠蠲免租稅縱他日長大闢成田土亦永除之仍立碑以紀其事而已[8])。右工部臣等奉錄。
[後面] 原侍中前貳衛衛尉,臣,阮文鳳 - 侍中前壹衛副衛尉, 臣,阮文科: 奉專辦; 禮部右參知兼管翰林院管理欽天監事務, 臣,潘輝湜:奉誌 ; 部清吏司正捌品書吏充國史館謄錄,臣,阮輝恆奉書。
Phiên âm:
[Tiền diện] Thát Bái châu
Minh Mạng nhị thập nhất niên tam nguyệt nhị thập nhị nhật, Nội Các thần Nguyễn […] phụng thượng dụ:
Bằng Lãng xã đại giang tòng tam thập niên tiền tằng hữu sa thổ tụ thành tiểu châu, trường chỉ sổ trượng. Trẫm phương thiếu thời bạc chu vu thử, đổ kiến đại thát hướng trẫm nhi bái, bổn bất túc dị, diệc thuộc ngẫu nhiên. Tư ngự chu kinh quá, tắc thử châu dĩ trường đại tiệm thành điền thổ hĩ. Nhân ức tiền sự vi chế nhất chương. Thả thử châu đạn hoàn chi địa[9], bất túc vi hữu vô, trước Kinh doãn tra minh, dĩ vị tô thuế nhược can[10], tức dĩ Minh Mạng nhị thập nhất niên Canh Tý vi thủy vĩnh viễn quyên miễn tô thuế, tự tòng như hữu gia bồi, khởi trưng do thổ nhược can, diệc nhất tinh dư chi xứng. Trước Công bộ lặc bi dĩ truyền chân tích. Cố tri ta vi chi sự[11], bất túc chiêu thùy trinh mân[12]. Nhiên tiểu dân đắc thử vô tô chi địa, toàn xã chi tư, diệc [vĩnh tứ] ân tắc thử sự lượng vô bất khả dã hĩ. Khâm thử!
Ngự chế thi
Thử xứ nguyên hệ đại giang, tam thập dư niên tiền, hốt tụ sa thổ thành nhất tiểu châu, trường ước sổ trượng nhi dĩ. Dư niên nhị thập, thời tằng tùy Hoàng khảo yết Thoại Thánh lăng, kinh quá thử xứ, ngẫu bạc châu bàng, hốt kiến châu thượng hữu vật khởi phục nhược nhân khấu bái trạng. Thẩm thị chi, tắc nhất đại thát nhân, lập hướng dư nhi bái. Ý thậm tự nhược kiến nhân, bất kinh lệnh bức cận chi, phương từ từ dược nhập thủy khứ. Tâm diệc phất dĩ vi dị. Kim niên kinh quá, tắc thử châu dĩ trường đại, sổ thập trượng cao, xuất thủy diện tứ ngũ xích hĩ. Nhân ức tiền sự, viên mệnh kim danh, thả thành nhất thiên, dĩ kỉ thực vân:
Na châu thành tựu trấp đa niên.
Thát bái kim danh tỉ vĩnh truyền.
Ư nhĩ vấn tâm thùy sở dục[13];
Hướng ngô khấu thủ ý hà yên.
Như nhân hữu thức phương tiên kiến.
Thử thú vô tri diệc ngẫu nhiên.
Tế sự tiểu châu phi túc đạo;
Đãn lưu chân tích vĩnh tô quyên.
(Tức giáng chỉ tương thử châu thổ dĩ bổn niên vi thủy, vĩnh viễn quyên miễn tô thuế, túng tha nhật trường đại tịch thành điền thổ, diệc vĩnh trừ chi. Nhưng lập bi dĩ kỷ kỳ sự nhi dĩ). Hữu công bộ thần đẳng phụng lục.
[Hậu diện] Nguyên Thị trung Tiền Nhị vệ Vệ úy, thần, Nguyễn Văn Phượng - Thị trung Tiền Nhất vệ Phó Vệ úy, thần, Nguyễn Văn Khoa: phụng chuyên biện.
Lễ bộ Hữu Tham tri kiêm quản Hàn Lâm viện, quản lý Khâm Thiên giám Sự vụ, thần, Phan Huy Thực: phụng chí. Lại bộ Thanh Lại ty chính bát phẩm Thư lại, sung Quốc Sử quán Đằng lục, thần, Nguyễn Huy Hằng phụng thư.
Dịch nghĩa:
[Mặt trước] BÃI THÁT BÁI (BÃI RÁI CÁ LẠY)
Ngày 22 tháng 03 năm Minh Mạng thứ 21 (1840), bọn thần ở Nội Các là Nguyễn (… …) kính vâng thánh dụ:
Vào 30 năm trước, tại con sông lớn ở xã Bằng Lãng từng có đất cát tụ thành bãi nhỏ, dài chừng vài trượng. Trẫm lúc ấy tuổi nhỏ, ghé thuyền vào nơi đây, thấy con rái cá lớn hướng đến trẫm mà lạy, vốn chẳng có gì quái lạ mà cũng chỉ là ngẫu nhiên. Nay, thuyền ngự đi qua, tất thấy bãi này đã trở nên rộng lớn, dần biến thành ruộng đất vậy. Nhân nhớ đến việc xưa, bèn làm một bài văn thơ. Vả chăng, châu này rất nhỏ bé, chẳng đủ để tính chuyện có - không, lệnh bảo Kinh doãn[14] tra xét rõ, [vùng đất này] đã chưa từng có bao nhiêu tô thuế cả. Tức lấy năm Canh Tý, niên hiệu Minh Mạng thứ 21 (1840) là năm bắt đầu cho mãi mãi khỏi đóng tô thuế. Tiếp theo đó, nếu đất này có được bồi đắp thêm, thì cũng là một phần dư xứng đáng được thêm vào. [Trẫm] lệnh cho bộ Công khắc bia đá để lưu truyền chân tích[15]
Biết rằng chuyện này rất nhỏ bé, chẳng đủ sáng soi rõ rệt cùng bia đá. Nhưng với cư dân được ở trên đất không đóng tô thuế này thì đó là vốn liếng của toàn xã, ấy cũng để ban ơn mãi mãi [cho dân], tất [trẫm] tin rằng việc này chẳng thể không lưu dấu tích vậy.
Khâm thử.
THƠ NGỰ CHẾ
[Nguyên chú]
Xứ này vốn thuộc con sông lớn, ba mươi năm trước, bỗng tụ làm vùng đất cát, thành một bãi nhỏ trên sông, dài ước vài trượng thôi vậy. Ta vào năm 20 tuổi từng theo hầu Hoàng khảo [Thế tổ Cao Hoàng đế] bái yết lăng Thoại Thánh, đi qua chốn này, ngẫu nhiên ghé thuyền lên bãi nhỏ, bỗng thấy phía trên đầu bãi có một vật nhổm lên cúi xuống giống như dáng người lạy. Ta nhìn xét xem, tất đó là một con rái cá lớn, đứng thẳng hướng tới ta mà lạy. Ý là rất giống như được gặp người [tâm giao], ta chẳng sợ mà lệnh tiến tới gần nó, bấy giờ [rái cá] từ từ nhảy xuống nước bơi đi. Lòng ta cũng chẳng lấy gì làm khác lạ [vì điều đó]. Năm nay đi qua đây, tất bãi cù lao [bãi nhỏ] này đã rộng lớn, cao hơn vài mươi trượng, cách mặt nước tầm 4 - 5 thước vậy. Nhân nhớ chuyện xưa, ta bèn ban mệnh đặt tên [Thát bái châu] này, và làm xong một bài thơ để ghi sự thực rằng:
[Diễn nôm]:
Bãi cù lao được tạo thành từ [việc bồi lắng] vài mươi năm.
Thát Bái, tên nay, khiến mãi truyền lại.
Ở ngươi, ngươi hỏi ai theo mong muốn của tâm mình.
Hướng đến ta, cúi đầu, ý là sao!
[Rái cá ngươi] như con người có tri thức mà diện kiến ta trước.
Ấy là loài thú vô tri, cũng là điều ngẫu nhiên.
Chuyện nhỏ, bãi cù lao nhỏ, chẳng đủ để làm rõ đạo lý gì.
Chỉ lưu lại dấu tích thực, mãi cho miễn thuế.
[Dịch thơ]:
Nhiều năm bồi lắng hóa thành châu.
Thát Bái tên nay, rõ mãi sau.
Ngươi hỏi: lòng ai theo sở thích!?.
Hướng ta cúi lạy, ý là sao!?
Như người hiểu biết lần đầu gặp,
Này thú vô tri cũng tự hào.
Bãi nhỏ, việc tinh, đâu trọn đạo,
Chỉ lưu chân tích,thuế không thâu.
(Tức thì giáng chỉ: đối với đất đai ở bãi cù lao [Thát Bái] này, bắt đầu từ năm nay, mãi mãi miễn trừ tô thuế, dẫu ngày sau đất ruộng ở bãi này có được mở mang rộng lớn thì cũng miễn trừ tô thuế mãi mãi. Nhân đó, ta lập bia đá để ghi chép về chuyện này mà thôi.) Chúng thần ở bộ Công kính ghi chép.
[Mặt sau] Nguyên Thị trung Tiền Nhị vệ Vệ úy, thần, Nguyễn Văn Phượng – Thị trung Tiền Nhất vệ Phó Vệ úy, thần, Nguyễn Văn Khoa: kính chuyên lo toan mọi việc.
Hữu Tham tri bộ Lễ, kiêm quản viện Hàn Lâm, quản lý Khâm Thiên giám Sự vụ, thần, Phan Huy Thực: kính ghi.
Lại bộ Thanh Lại ty chính bát phẩm Thư lại, sung Quốc Sử quán Đằng lục, thần, Nguyễn Huy Hằng kính viết./.
***
Thát Bái châu (bãi Rái cá lạy) từ đó đã trở thành một vùng đất bãi bồi đặc biệt thú vị trong tiến trình văn hóa Huế. Đây là vùng đất được chính vua Minh Mạng đặt tên vào năm Minh Mạng thứ 21 (1840), và ân chuẩn cho mãi mãi miễn trừ tô thuế ngày từ những ngày đầu thành lập.
Địa danh châu Thát Bái do Thánh tổ Nhân Hoàng đế triều Nguyễn ngự ban còn gợi mở thêm những ý nghĩa sâu xa về mối quan hệ “đặc biệt” giữa vương triều và loài rái cá, đó là sự nhớ ghi một dấu ấn khó phai về Lang Thát (rái cá lớn, hình tượng như con người) cúi lạy như kính cẩn thi lễ vái chào nhà vua, hay như bằng hữu thâm giao tâm đầu ý hợp!?:
“Ta vào năm 20 tuổi từng theo hầu Hoàng khảo [Thế tổ Cao Hoàng đế] bái yết lăng Thoại Thánh, đi qua chốn này, ngẫu nhiên ghé thuyền lên bãi nhỏ, bỗng thấy phía trên đầu bãi có một vật nhổm lên cúi xuống giống như dáng người lạy. Ta nhìn xét xem, tất đó là một con rái cá lớn, đứng thẳng hướng tới ta mà lạy. Ý là rất giống như được gặp người tâm giao, ta chẳng sợ mà lệnh tiến tới gần nó, bấy giờ rái cá từ từ nhảy xuống nước bơi đi. Lòng ta cũng chẳng lấy gì làm khác lạ” (trích từ văn bia Thát Bái châu)
Rái cá vốn gắn liền với tín ngưỡng dân gian Việt Nam từ xa xưa, sau lại ghi dấu đậm nét ở câu chuyện truyền ngôn (hay truyền thuyết) về việc hai con Lang thát (Rái cá lớn) đứng ra chặn đường ngăn lối để cứu giá cho đoàn quân Nguyễn vương Phúc Ánh khỏi sự mai phục của quân đội Tây Sơn trong những ngày đầu công cuộc kháng chiến với Tây Sơn (những năm cuối thế kỷ XVIII). Vậy nên, rái cá không chỉ là loài vật tính linh, mà đối với vương triều, hẳn còn là “bằng hữu tâm giao”.
Bởi thế, không hề ngẫu nhiên khi vua Minh Mạng cho phép được đặt tên bãi đất bồi ven sông Hương ở đấy là Thát Bái châu (bãi Rái cá lạy), lại miễn hoàn toàn thuế phí của bãi đất này, nhằm để ghi nhận về ân tình giữa Nguyễn triều với loài Lang Thát (Rái Cá).
Dấu ấn ấy là một trong những “điểm son” độc đáo của văn hóa, lịch sử đất Cố đô, nhưng cho đến nay dường như vẫn ít người lưu tâm tìm hiểu. Do vậy, thông qua bài viết này, chúng tôi mong muốn nêu bật về dấu ấn văn hóa “Thát Bái châu” thú vị bên bãi bờ Sông Hương, ở vùng La Khê (xã Bằng Lãng xưa).
Đấy cũng có thể sẽ là một điểm nhấn khá hấp dẫn cho hành trình thăm viếng đền đài lăng tẩm ở toàn khu vực nầy (với cụm lăng vua Thiệu Trị gồm Xương Lăng của vua Thiệu Trị, Xương Thọ lăng của hoàng hậu Từ Dụ - Phạm Thị Hằng, Hiếu Đông lăng của Tá Thiên Nhân hoàng hậu Hồ Thị Hoa - mẹ vua Thiệu Trị, Cơ Thánh lăng của Hưng Tổ Nguyễn Phúc Luân, Thát Bái châu, Ứng lăng của vua Khải Định) và cụm lăng các chúa và vua Nguyễn ở vùng La Khê - Định Môn - Kim Ngọc… nếu chúng ta biết cách kết nối và tạo thành điểm nhấn tiêu biểu về văn hóa truyền thống Huế.
Thiết nghĩ, Thát Bái châu thực sự tạo nên “nét riêng đặc biệt” trong sự hình thành làng xã vùng Huế. Hiếm có một địa phương, vùng đất nào vừa được hoàng đế ngự ban, định danh, lại cho phép miễn hoàn toàn thuế phí, để ghi nhớ cuộc gặp gỡ với “người” Rái Cá của 30 năm về trước. Dấu ấn này, rất may mắn, đã không chỉ ghi chép vào trong sử sách, mà còn hiện hữu tại bản văn bia còn được bảo tồn tương đối nguyên trạng chính ở nơi đây. Đó là một trong những nét đặc trưng văn hóa đầy ấn tượng của bản sắc văn hóa cố đô Huế, là sự tự hào “chẳng nơi nào có được” của xứ Thần Kinh.
V.V.Q
[1] Nhiều bài viết hiện nay đọc nhầm “lang thát” 狼獺 thành “lang lại” (do nhầm chữ thát獺, gồm bộ khuyển 犭+ 賴 với chữ/âm “lại”賴). Song thực tế, “thát” 獺 mới là loài rái cá, chứ “lại” 賴; “lang thát” cũng gọi là “cự thát” 巨獺là con rái cá lớn, tên khoa học là Pteronura brasiliensis (có những con cao bằng người, hoặc hơn người). Loài này còn được gọi bằng các tên khác như sói sông (river wolf) hay chó nước (water dog), thuộc họ Chồn, chuyên tìm bắt cá và hoạt động vào ban ngày, có tính bầy đàn cao.
[2] Chuyện này gắn liền với truyền thuyết có bà Đàm Thị, vợ ông Đinh Công Trứ, nhân vì gặp rái cá khi đi tắm sông, bà sợ hãi ngất xỉu. Về sau bà đậu thai, sinh ra Đinh Bộ Lĩnh. Lớn lên bà cho con biết về thân thế thật của người cha ruột, trao cho bộ xương rái cá đem chôn vào long mạch dưới lòng sông, quả nhiên sau này dẹp loại 12 sứ quân, lên ngôi Hoàng đế, gọi là Đinh Tiên Hoàng.
[3] Chuyện rằng trong lúc bị Tây Sơn đánh đuổi, Nguyễn vương Ánh có chạy đến Gò Công, Tiền Giang bây giờ. Lúc đang chạy dưới rạch thì có hai con rái cá đứng ra chặn. Nguyễn vương Phúc Ánh bèn dừng thuyền quay lại. Đúng lúc đấy phát hiện vùng nước trước mặt có quân Tây Sơn phục kích. Ngay lúc đó, một cơn bão to nổi lên đánh đắm thuyền của Tây Sơn. Nguyễn Ánh nhờ hai con rái cá mà không rơi vào phục kích, lại nhờ trời nổi bão mà diệt được đội quân Tây Sơn. Sau này, Hoàng đế Gia Long có tìm lại hai con rái cá để trả ơn mà không tìm ra, bèn quyết định phong tặng danh hiệu cho cả đôi là "Lang thát nhị đại tướng quân” để tưởng nhớ ơn cứu giá ấy.
[4] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục tập 5 (Viện Sử học dịch), Nxb Giáo dục, HN, tr.679.
[5] Nội các triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (bản dịch Viện Sử học), tập 13, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.473.
[6] Phần này chữ quá mờ nên chúng tôi không đọc được.
[7] Chữ này trên bia khá mờ, chúng tôi căn cứ vào tự dạng để phục nguyên (theo ý câu).
[8] Hàng chú giải bằng chữ nhỏ trên văn bia này hiện đã mờ nhiều, chúng tôi tham khảo ở Minh Mạng ngự chế thi lục tập, tờ 37a-38b để bổ khuyết).
[9] Đạn hoàn chi địa彈丸之地: thành ngữ, chỉ mảnh đất nhỏ như viên đạn. Thành ngữ này xuất xứ từ sách Sử ký史記của Tư Mã Thiên, mục Bình Nguyên quân Ngu Khanh liệt truyện 平原君虞卿列傳: “Thử đạn hoàn chi địa phất dữ, lệnh Tần lai niên phục công Vương, Vương đắc vô cát kỳ nội nhi cấu hồ” 此彈丸之地弗予,令秦來年復攻王,王得無割其內而媾乎 (Ấy là vùng đất nhỏ như hình viên đạt, không cho, lệnh cho quân Tân sang năm lại tiến đánh Vương, Vương há nào không cắt đứt phần trong mà kết hợp được ư).
[10] Nhược can 若干: bao nhiêu (từ chỉ về ước định, tính toán về số lượng là nhiều hay ít). Sách Hán thư 漢書, quyển 24: Thực hóa chí hạ 食貨志下 có câu: “Hoặc dụng khinh tiền, bách gia nhược can” 「或用輕錢,百加若干」(hoặc dùng chút ít tiền, thêm vào khoảng bao nhiêu).
[11] Ta vi chi sự 些微之事: chuyện rất nhỏ bé (cũng gọi là tế vi chi sự 細微之事).
[12] Trinh mân 貞珉: khắc vào đá đẹp (khắc bia đá). Đây là cách viết trang nhã, mỹ xưng về việc khắc bài ký văn, minh văn vào bia đá. Tác giả Dư Khuyết 余闕 đời Nguyên trong bài Hóa Thành tự bi 化城寺碑 có câu: “trác từ trinh mân, vĩnh cáo vô dịch” 斲辭貞珉,永告無斁 (Đẽo văn từ vào bia đá đẹp, lời dạy bảo mãi mãi không chán).
[13] Tâm thuỳ sở dục 心誰所欲: ai có thể theo ý muốn của lòng mình. Đây là cách chơi chữ, lẩy ý từ thành ngữ “tòng tâm sở dục” 從心所欲, hoặc “tùy tâm sở dục” 随心所欲 (theo ý muốn, tâm nguyện của lòng mình). Chữ này xuất từ sách Luận ngữ論語, thiên Vi chính 為政: “thất thập nhi tòng tâm sở dục bất du củ” 七十而從心所欲,不逾矩 (70 tuổi thì theo những ý muốn của tâm nguyện mình mà chẳng vượt ra khỏi khuôn phép).
[14] Kinh doãn 京尹 là chức quan trưởng của Kinh đô.
[15] Chân tích 真蹟: dấu tích chân thực, dấu hiệu gốc, chính xác, không bị biến đổi sai lệch.