Văn nghệ dân gian
Nét văn hóa họ làng của một vùng quê thuần nông xứ Huế
09:45 | 22/02/2022

NGUYỄN VĂN UÔNG

Nét văn hóa họ làng của một vùng quê thuần nông xứ Huế
Ảnh minh họa (Internet)

Xứ Huế là vùng đất hình thành từ cái nôi Thuận Hóa. Họ làng người Việt bắt đầu xuất hiện chính thức ở đây từ đầu thế kỷ XIV (1306) khi châu Ô, châu Lí sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt. Năm sau (1307), vua nhà Trần sai Hành khiển Đoàn Nhữ Hài "đến tuyên bố  đức ý của triều đình, (...), chọn người trong dân chúng cho làm quan, cấp cho ruộng đất và miễn tô thuế 3 năm để vỗ về"[1]. Sau đó, "các triều đại Trần, Hồ, hậu Lê xác lập chủ quyền, chia đặt đơn vị hành chính và tổ chức di dân vào khai phá đất đai, lập nên những thôn ấp, làng xã"[2]. Đây là vùng đất mới, vùng phiên vệ nơi lưu xứ những tội đồ, vùng của những người nghèo khổ bỏ quê hương ngoài Bắc vào đây tìm đường sống mới. Họ được quan lại sử dụng vào việc khai hoang, cùng với dân li tán vào định cư lập làng, mở cõi. Khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa giữa thế kỷ XVI (1558), ông mang theo một số người tâm phúc và nhiều dân chúng vùng Thanh Nghệ vào theo. Nhiều làng mạc, dòng họ mới tiếp tục được lập nên. "Nhân dân Thuận Hóa bấy giờ gồm những thành phần rất phức tạp.(...) chúa vỗ về quân dân, thu dụng hào kiệt, nhẹ xâu thuế, dân chúng vui phục..."[3].

Thủ phủ xứ đàng Trong thời các chúa Nguyễn không còn sử dụng thành cũ Thuận Hóa mà di chuyển nhiều nơi, lúc đầu ở tỉnh Quảng Trị, từ năm 1626, chuyển vào Thừa Thiên - Huế. Kinh đô Huế của triều Nguyễn cũng xây dựng ở đây. Chung đụng, hội nhập trên cùng một không gian chật hẹp, sông núi bao quanh tạo thế phòng thủ vững chải, nhiều thế hệ cư dân sát cánh đấu tranh tồn tại, chống đỡ kẻ thù, làm nảy sinh những tính cách chung, dễ dàng phân biệt với dân chúng những vùng miền khác trên đất nước Việt Nam. Chịu ảnh hưởng mấy trăm năm giáo hóa của các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn, sinh hoạt người dân nơi đây nhuốm đậm sắc thái cung đình tạo nên nét văn hóa làng quê dễ nhận ra những tinh hoa được kế thừa và phát triển trong nền văn hóa Đại Việt. Ở đây ngoài một số họ làng danh gia vọng tộc, có những vị thủy tổ, tôn thần xuất thân từ tầng lớp trí thức khoa bảng, quan lại nhiều đời mà nhiều công trình nghiên cứu đã đề cập đến, phải kể thêm đại bộ phận các họ làng của dân vùng đồng quê chiêm trũng hình thành từ nền văn minh tiểu nông lúa nước với những nét văn hóa đặc trưng của một vùng quê nông nghiệp quanh xứ kinh kỳ.

Trong tiêu chí đó, đi vào tìm hiểu nét văn hóa họ làng vùng nông thôn Huế, thiết nghĩ làng Phước Yên, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiện - Huế có thể xem là một điểm lựa chọn tương đối thích hợp, để từ đó có một cái nhìn chung về sinh hoạt họ làng trong toàn vùng. Đây là một làng quê thuần nông với nghề trồng lúa nước như nhiều làng khác trong vùng, sinh hoạt họ làng hình thành song hành với những hoạt động sản xuất theo lịch mùa vụ, hoạt động lưu thông phân phối sản phẩm, làm nẩy sinh những nét đẹp trong nếp sống làng quê, thể hiện đầy đủ những giá trị văn hóa nền tảng của văn hóa xứ Huế nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung của nền văn minh lúa nước.

1. Sinh hoạt dòng họ khơi dậy tình yêu gia đình, dòng tộc

Ở thôn quê sinh hoạt dòng họ gắn kết chặt chẽ với cuộc sống thôn dân. Đây là nguồn gốc sản sinh thứ tình cảm gia đình, tình cảm dòng tộc chi phối đời sống tâm linh người còn sống và cả đối với người đã khuất. Dựa vào dòng họ, người dân nông thôn có thế truy nguyên tổ tiên nhiều đời trước thông qua cuốn gia phả (người quê gọi là bổn sổ) thờ ở từ đường hay những mồ mả hàng năm giỗ chạp ở nghĩa địa làng. Mỗi làng thường có nhiều dòng họ cùng đến tụ cư. Những dòng họ đầu tiên đến khai phá lập làng thường được trân trọng thờ ở đình làng và được tuyên sớ mỗi lần tế tự. Đó là họ những ngài khai canh, khai khẩn trong hệ thống tôn phái của làng. Ngoài ra, trong quá trình phát triển, có những họ mới nhập thêm hay vì lí do nào đó, những anh em trong dòng họ tách ra lập họ mới, con số dòng họ tăng thêm.

Tìm hiểu bổn sổ các họ và ước tính tương đối khoảng cách giữa các thế (đời) chừng 25 - 30 năm, có thể tính được các dòng họ đã đến tụ cư ở làng Phước Yên từ cuối thế kỷ XV và đầu thế kỷ XVI, trước khi vùng đất này chuyển thành phủ Phúc An. Đầu tiên là 3 họ Hoàng Văn, Hồ Văn và Nguyễn Đình (trên). Tiếp đến là các họ Trần Phụ, Cao Quảng và 2 họ Nguyễn Văn. Những thế kỷ tiếp theo, nơi đây tiếp nhận thêm nhiều họ mới. Những họ cuối cùng nhập tịch ở đây vào thời triều đại nhà Nguyễn chỉ từ dưới 200 năm trở lại. Bài vị các họ thờ trong đình làng chỉ 12 nhưng thực tế hiện nay con số các họ đã lên trên 40. Nhiều họ khác nhau nhưng sinh hoạt và lễ nghi cúng bái có nhiều điểm tương đồng, trở thành một thứ tín ngưỡng dòng họ đặc trưng, phù hợp sinh hoạt nông thôn vùng quê lúa nước chiêm trũng mang sắc thái văn hóa vùng miền.

Trước hết, mỗi họ có một từ đường uy nghiêm xây dựng trên khu đất cao ráo, có tầm nhìn phong thủy, tách biệt tương đối với khu dân cư. Từ đường họ thờ thủy tổ, tiên tổ các  nhánh và đặc biệt ở án giữa có bệ tráp trang nghiêm cung kính thờ bổn sổ ghi đầy đủ tên tuổi tiên tổ và các đời tổ tiên, con cháu nội tộc. Bổn sổ là tài liệu linh thiêng, là lịch sử của dòng họ. Những điều đã được ghi vào bổn sổ có giá trị tuyệt đối của dòng họ, vì thế không ai có quyền sao chép, sửa đổi, mang đi khỏi nơi thờ phượng nếu không có lí do chính đáng được hội đồng họ tộc cho phép. Nếu con cháu có gì tranh chấp cần hòa giải hay gặp sự kiện cần thiết phải tra cứu bổn sổ, người  nhà  phải đặt mâm cúng trầu rượu, vị trưởng tộc bày lễ cúng, xin keo bằng đồng tiền sấp ngữa, tổ đồng ý mới được mang bổn sổ ra đối chứng.

Theo thời gian con cháu sinh sôi, chừng 20 - 30 năm phải tục biên bổn sổ bổ sung. Bổn sổ trước đây đếu ghi bằng chữ Nho, làm việc tục biên này, họ phải lập một nhóm những người hiểu biết, có uy tín trong họ, nếu cần thỉnh thêm những người có khả năng chữ nghĩa, đọc và hiểu được chữ Nho hỗ trợ thêm. Toàn ban làm việc dưới sự chứng giám của ông trưởng họ. Cuối bản bổn sổ phải ghi rõ thời gian tục biên và những người phụ trách, chứng giám. Xong việc, họ phải tổ chức trai đàn cẩn báo tổ tiên và nhập linh vào để thờ phượng. Công việc trịnh trọng như thế nên thường kết hợp với vài công việc khác để cùng làm như tu sửa, làm mới từ đường, hay có con cháu được sự việc đại hỉ nào đó, báo công cúng dường cho dòng họ. Số người biết chữ Nho ngày càng hiếm, thời gian trở lại đây, các bổn sổ thường có chữ quốc ngữ phiên âm thêm để con cháu có thể tiếp cận được sau này.

Một sinh hoạt lễ nghi đồng bộ giữa các họ trong làng cần lưu ý thêm là ngày giỗ chạp họ, giẫy mả chung cả họ. Ngày giỗ chạp các họ diễn ra từ những ngày cuối tháng 11 (tháng Một) kéo dài đến những ngày đầu tháng 12 (tháng Chạp). Sớm nhất là họ Hồ, một họ Nguyễn Văn (làng có 4 họ Nguyễn Văn), họ Nguyễn Đình (dưới) (làng có 2 họ Nguyễn Đình, phân biệt trên, dưới theo vị trí của 2 từ đường), chạp vào ngày 27 tháng Một. Chậm nhất là họ Cao Quảng, họ Nguyễn Đình (trên), ba họ Nguyễn Văn, và một số họ khác, chạp vào ngày mồng 5 tháng Chạp. Trong ngày chạp họ, con cháu nội tập trung ở từ đường, các bô lão lo lễ nghi cúng kiếng; các bà  o  và bà thím (vợ của con cháu nội) lớn tuổi phụ lo cau trầu, trà bánh; các bà thím nhỏ cùng với ông chú được họ cử làm xâu, lo nấu dọn cỗ bàn; số trai tráng còn lại vác cuốc xẻng, dao rựa ra nghĩa địa dọn sạch cỏ dại những ngôi mộ bà con trong họ đã khuất; sửa sang, đắp đất vun cao nấm mồ. Khi đám người đi chạp mả xong việc về lại từ đường thì mâm bàn đã được chuẩn bị sẵn sàng. Lễ cúng diễn ra. Sau khi con cháu đãnh lễ xong, cỗ bàn dọn xuống, con cháu theo thứ bậc trên dưới ngồi vào mâm ăn cỗ cúng. Các bà o, con cháu ngoại và con cháu rể khi về dự chạp họ, được ưu ái xếp ngồi mâm trước con cháu nội. Trẻ con còn nhỏ thì được phần một tảng xôi thật lớn và một miếng thịt heo, lãnh mang về nhà.

Họ nào cũng có ruộng họ được làng cấp và một số ruộng do con cháu vô tự hồi tôn cúng dường làm đất thờ, nên chi phí cho các lễ cúng tế, giỗ chạp của họ, con cháu không phải đóng góp gì thêm. Thuận lợi này giúp loại bỏ tâm lý giàu nghèo trong con cháu kể cả nội ngoại, làm cho buổi chạp họ là dịp họp mặt ý nghĩa, vừa thể hiện tình cảm nhớ về tổ tiên vừa thắt chặt quan hệ dòng tộc, kết nối bà con gần gũi hơn trong cuộc sống làng xã trước đây. Một người đàn ông ở quê đã trưởng thành, ngoài nghĩa vụ chính với họ mình (họ cha), còn phải tham gia giỗ chạp họ mẹ (cháu ngoại), họ vợ (con rể); thỉnh thoảng còn đi chạp họ bà nội, bà ngoại để thăm viếng mộ của những người thân cho phải đạo con cháu. Thời gian tháng Chạp lũ lụt vừa qua, mùa vụ chưa tới, bỏ ra mấy ngày bận rộn lo giỗ chạp xem như làm tròn nghĩa vụ chăm lo phần một tổ tiên để những ngày tới lo Tết, đón xuân, vào vụ mùa gieo trồng. Hiện nay, các họ vẫn giữ lễ cúng chạp mả nhưng nhiều họ đã chuyển từ tháng Chạp sang tháng 6, vào dịp nghỉ hè, tránh cảnh mưa dầm rét buốt tháng Chạp và con cháu làm ăn nơi xa có thời gian nghỉ hè về tham gia.

Truyền thống dòng tộc ở vùng nông thôn được củng cố và lưu truyền gần như bất biến cho dù xã hội bây giờ đã có nhiếu đổi thay. Điều bắt buộc ai cũng chấp nhận một cách mặc nhiên là con cháu nội trong cùng một dòng họ tuyệt đối không được có quan hệ hôn phối với nhau. Một họ thường có nhiều phái (nhánh), vị trí anh em được nhìn nhận theo số thứ tự từng phái. Phái Nhứt (một) là anh cả rồi đến phái Nhì (hai), phái Ba, Bốn... Con cháu được xác định theo từng thế. Người cùng thế ở phái trên là anh người cùng thế ở phái dưới. Người thế sau là con, cháu người thế trước, phải gọi người thế trước là ông, chú hay bác. Vì vậy, trong họ thường có những người tuổi đã cao, vẫn xưng hô với người nhỏ tuổi hơn là anh, là chú, là bác, là ông. Khi vào lễ họ, theo đó mà sắp đặt vị trí cúng bái hay ngồi ăn cỗ. Hiện nay, nhiều người không biết thế thứ của mình trong dòng họ là thế mấy, thuộc phái nào nên xưng hô với nhau đôi khi lẫn lộn. Những người làm ăn lưu trú nơi xa, mỗi lần họ có tổ chức cúng tế quy tụ con cháu tha phương nhiều nơi về dự, gặp nhau, tuy cùng họ nhưng xa xôi chưa quen nhau, phải trao đổi về phái nào? thế mấy? mới xưng hô với nhau phù hợp được.

Một họ có nhiều phái. Thông thường, tiên tổ các phái này là anh em ruột thịt từ ngài thủy tổ sinh ra. Nhưng cũng không loại trừ có những trường hợp trong bổn sổ thiếu vắng tổ tiên một số đời trước của những phái mới gia nhập họ sau này. Ngày trước, lệ làng phân biệt dân chính cư và dân ngụ cư rõ ràng. Người ngụ cư là người nhập làng sau khi làng đã hình thành ổn định. Những người này không được hưởng đất làng phân cho cày cấy, không được tham dự chính thức các lễ lạc tụ tập của làng như người chính cư. Người ngụ cư còn bị xếp vào lực lượng phu dịch khi làng tổ chức lễ lạc. Người ngụ cư muốn lập họ mới phải đủ một số điều kiện nào đó, như về thời gian ngụ cư đủ 3 đời, về nhân khẩu, ruộng vườn, uy tín cá nhân, đặc biệt là có người chức sắc trong làng đỡ đầu và được sự đồng ý của hội đồng tôn phái. Thực hiện đủ các nghi thức này không phải dễ dàng. Để trở thành dân chính cư dễ hơn là những người này xin nhập vào một họ nào đó làm phái đàn em. Được họ ấy chấp nhận sau lễ cúng tại từ đường, những người này trở thành dân chính cư của làng và con cháu phải đổi họ theo tên họ này. Cũng có trường hợp các phái trong một họ, vì lí do nào đó tách làm họ mới. Trong bổn sổ họ Lê có ghi thủy tổ gốc là họ Nguyễn ở Sịa đổi họ khi chuyển địa bàn đến Phước Yên. Họ Nguyễn Đình (dưới) có giai thoại từ họ Hồ tách ra. 

Quan hệ huyết thống và sinh hoạt dòng họ tạo môi trường thuận lợi để hình thành những chuỗi giá trị bền vững, phần nào khu biệt tính cách của một nhóm người theo những chuẩn mực tốt đẹp được nhắm đến. Những dòng họ có tổ tiên trí tuệ nổi trội, khoa bảng, công danh thành đạt là tiền đề để có nhiều thế hệ hậu duệ vươn tới noi theo, hình thành những dòng họ đẳng cấp tiên tiến trong xã hội. Cống sĩ viện Nguyễn quý công, thủy tổ của họ Nguyễn Đình (trên), có học vị của người đã đỗ Hương cống triều Lê, (sau đổi thành Cử nhân trong triều Nguyễn), tuy lập họ và định cư ở vùng quê ruộng lúa nhưng hậu duệ họ này có nhiều người đỗ Phó bảng, Cử nhân làm quan trong triều nhà Nguyễn; sau này, trong tân học, có người đỗ Cử nhân, Tiến sĩ. Đó là truyền thống gia đình, nói rộng là truyền thống dòng họ. Truyền thống dòng họ luôn luôn được con cháu chăm lo duy trì và phát triển. Thành ngữ "Con hơn cha, nhà có phúc" nhắc nhủ mọi người quan tâm đầu tư cho thế hệ sau phát triển hơn thế hệ trước. Ngoài việc có điều kiện vật chất để nuôi dạy, giáo dục con cái, các bậc làm cha mẹ còn lo lắng phát triển hơn nữa tư chất nòi giống cho các thế hệ sau. Dựng vợ, gã chồng cho con cái là công việc đầu tiên để kiến tạo một thế hệ mới. Làm không khéo, không thận trọng kết quả khó lường. "Môn đăng, hộ đối" là thành ngữ đầu môi nhắc nhủ các bậc làm cha mẹ lo cho con cái nên vợ thành chồng. "Đăng", "Đối" ở đây không ám chỉ cân bằng giàu, nghèo, cân bằng vị thế xã hội mà cái chính là tư chất, trí tuệ. Thực tế đã có nhiều thầy đồ, gã con gái cho học trò nghèo và nuôi dạy đến ngày đăng khoa, chiếm bảng. Những giá trị của xã hội phong kiến tán đồng về quan điểm hôn nhân "cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó" mà nhiều người  theo tân học cho là xâm phạm những quyền cá nhân.

Dòng họ là sản phẩm của ý thức hệ xã hội phong kiến, một thời gian dài là hệ tư tưởng chính thống bảo đảm duy trì trật tự và phát triển xã hội. Xã hội là một quá trình vận động, trong một giai đoạn cụ thể thì có những giá trị cụ thể hình thành và chi phối. Nhìn nhận một vấn đề phải đặt nó vào vị trí của nó mới nhận ra những mặt tích cực nó đã đóng góp cho xã hội. Lựa chọn hôn nhân để hình thành được những gia đình phát triển truyền thống tốt đẹp của dòng họ, cung cấp những công dân xứng đáng, có trí tuệ, tài năng góp phần xây dựng và bảo vệ quê hương, làm động lực thúc đẩy xã hội phát triển là một thực tế đã xảy ra trong lịch sử dân tộc. Một ghi nhận là ở vùng đất kinh kỳ có những dòng họ tiếng tăm, nhiều thế hệ con cháu đóng góp tích cực vào sự phát triển vùng đất đế đô, nói riêng và cả nước, nói chung. Những dòng họ như Hà Thúc, Thân Trọng, Nguyễn Khoa, Hồ Đắc, Lê Khắc... là những danh gia vọng tộc tiêu biểu của xứ Huế. Trong từng vùng nông thôn, cũng có những dòng họ nổi trội là những hạt nhân thúc đẩy quá trình đi lên của làng quê.

2. Sinh hoạt làng củng cố tình cảm quê hương, đất nước

Phước Yên là một làng lớn trong xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, có đầy đủ những cấu trúc của những làng quê nông nghiệp trong vùng. Con sông Bồ xuôi dòng xuống ngã ba Bác Vọng; đến ngã ba sông Cùng, sông êm đềm dòng chảy bao quanh làng Phước Yên. Bờ bên kia là các làng Phú Ốc, Thanh Lương, Xuân Đài, Cổ Lão, Dương Sơn. Đường sông như nét cong omega () bọc kín gần hết bốn phía, tạo thế "tứ thủy triều quy" bao quanh làng. Người trong vùng có câu nói "Đi đường Phú Ôốc, đi nôốc Phước Yên" chỉ ra đặc điểm làng Phú Ốc  dài theo đường theo bộ, làng Phước Yên dài theo đường sông. Ngõ chính vào làng trước kia là con đò ngang từ bến đò chợ Kệ, làng Thanh Lương cập bến Tòa, lên đường vào xóm qua tư dinh ông Huyện đầu giáp Tây để vào làng. Sau năm 1970, chiếc cầu sắt thẳng đường trẹ (rẽ) Thanh Lương vượt ngang sông Bồ, mở lối mới vào làng.

Ngày nay, con đường rẽ từ Quốc lộ 1 (cũ) vào làng có biển chỉ tên làng Phước Yên nhưng chiếc cầu qua sông mang tên cầu Thanh Lương. Lí giải điều này chắc phải vận dụng đến quy ước trước đây của 2 làng Phước Yên và Thanh Lương từ thời xa xưa. Các cụ ngày xưa kể lại một tranh chấp giữa 2 làng về nguồn thu từ chợ Kệ. Chợ Kệ là ngôi chợ lớn trong vùng, họp buổi chiều mỗi ngày trên đất làng Thanh Lương, xã Hương Xuân, huyện Hương Trà, nhưng nguồn hàng và người mua bán phần lớn là từ làng Phước Yên và các làng lân cận của xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền. Tranh chấp dẫn đến thượng cấp, triều đình hòa giải bằng cách để làng Thanh Lương thu nguồn lợi từ hoa chi của chợ, làng Phước Yên thu nguồn lợi từ phí đò ngang sông qua chợ. Quy định hòa giải bất thành văn này giữa 2 làng hiệu quả cho đến ngày nay, tuy không còn chợ Kệ (vì bên Phước Yên đã có chợ), thì chiếc cầu qua sông phải giao lại tên cho Thanh Lương.

Làng Phước Yên có 4 giáp (còn gọi là phe). Giáp Tây, giáp Nam, giáp Trung và giáp Đông. Đường xóm trong giáp chạy song song, cắt ngang nhau tạo thành các ô bàn cờ. Bốn giáp đều có miếu ngũ hành (am phe) thờ tôn thần của giáp. Phủ chúa ngày xưa tọa lạc giữa giáp Trung và giáp Đông. Khi phủ dời qua Kim Long, nơi đây chuyển thành miếu Hi Tông thờ chúa Sãi. Năm 1680, linh vị chúa Sãi chuyển sang thờ ở Thái miếu, thì đây là nơi thờ Chiêu Vũ Hầu Nguyễn Hữu Dật. Ông trở thành tôn thần của  giáp Trung.

Làng có đình ở vị trí giữa giáp Tây và giáp Nam, chùa ở vị trí giữa giáp Tây và giáp Trung. Đình, chùa đều hướng mặt về nam. Vị trí đình chùa không gần nhau nhưng có chung minh đường là cánh đồng trồng màu (biền) của làng nối tiếp dòng nước sông Bồ, bên kia sông là lũy tre các làng trải thảm xanh kéo dài đến bóng dãy núi Kim Phụng một dãi mờ xa như tấm bình phong che chắn. Vào các đường chính trong làng, đây đó thấp thoáng màu ngói đỏ của những từ đường các dòng họ, các chi phái ẩn hiện khuất bóng tre trong các ô vườn, điểm xuyết sắc màu tâm linh trang trọng cho khung cảnh của xứ sở quê hương. Những sản phẩm văn hóa vật thể này là điểm tựa diễn ra những sinh hoạt tâm linh, trở thành những giá trị phi vật thể của một loại hình văn hóa nông thôn vùng chiêm trũng ngoại kinh thành Huế.

 Đình làng tọa lạc trên khu đất rộng, có nhiều cây mù u, sanh, vối, bàng... cổ thụ che bóng linh thiêng. Bên phải đình làng là nhà Thánh và dinh Ông, tương truyền là nơi ở và làm việc của đức Ông (Đào Duy Từ) và các quan tam ti của phủ chúa. Lâu ngày, các cơ sở này đổ nát, sau ngày đình chiến 1954, nhà Thánh được chính quyền đương thời dùng làm trụ sở làng, dinh Ông sửa sang thành trường học. Hai cơ sở này nay đã tiêu tan trong chiến tranh, khu đất bây giờ là bãi trồng cây keo của làng. Các cụ kể lại trước kia đình được xây dựng bằng gỗ, rất lớn, năm 1947, trong một trận càn bị giặc đốt, đình cháy 3 ngày chưa tàn lửa. Năm 1957, đình được phục dựng bằng vật liệu xi măng cốt sắt trên nền đình cũ nhưng nhỏ hơn. Năm 2018, một ngôi đình mới khang trang, bề thế được phục dựng thay thế ngôi đình cũ đã trở nên chật hẹp và xuống cấp, không còn thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt tâm linh của con dân ngày càng đông đúc, một số lớn tỏa đi nhiều nơi, làm ăn phát đạt.

Trong ý nghĩa tâm linh, đình là nơi thờ Thần hoàng, các bậc tiên hiền có công với làng, các ngài khai canh và khai khẩn. Đình làng cũng là nơi diễn ra các sinh hoạt thế sự của làng ngày xưa như hội họp hội đồng làng, các tộc trưởng, tộc biểu; tổ chức hòa giải, giải quyết các tranh chấp, kiện cáo của dân làng; tổ chức tế tự hàng năm. Đình còn là nơi tập họp dân làng lập sổ bộ quân phân đất ruộng làng, thuế khóa. Mỗi năm đình làng có 2 lễ tế định kỳ vào mùa xuân, ngày 15 - 16 tháng Giêng và mùa thu, ngày 15 - 16 tháng Bảy (xuân thu nhị kỳ) để cầu quốc thái, dân an; mùa màng tươi tốt, bội thu; dân làng yên bình, sung túc. Những năm làng có đại hỉ, tổ chức tế lớn tam sanh, kéo dài 3 ngày. Ngoài 2 lễ tế xuân thu, đình làng còn là nơi cúng giỗ lễ chạp mả làng vào ngày 20 tháng Giêng. Trong ngày này, làng cử một số trai tráng ra nghĩa địa làng giẫy mả, vun mồ những ngôi mộ còn sót lại sau đợt các họ đã chạp giẫy đầu tháng Chạp trong năm. Đây là mộ của những người cô quả trong làng, không còn con cháu chăm sóc hay những ngôi mộ các họ bỏ quên sau đợt chạp mả họ. Làm việc này, làng thể hiện nghĩa cử đầy đủ với con dân làng, không bỏ sót một ai.

Hoạt động lễ hội, tế tự của đình làng hình thành những nét sinh hoạt văn hóa vùng nông thôn. Tháng 7 năm 2018, làng tổ chức khánh thành đình làng mới phục dựng. Sau 2 ngày đại tế an vị nhập linh đình mới, ngày thứ 3 dịch tế, làng tổ chức đua ghe trên sông Bồ, đoạn chảy ngang trước đình làng. Có 9 làng quanh vùng cho ghe dự giải. Các ghe đua lướt sóng ngược xuôi sôi động cả một khúc sông, dấy lên không khí tưng bừng của ước vọng quốc thái dân an; làng xóm yên bình, sung túc; mùa màng tươi tốt, bội thu. Hội đua diễn ra suốt ngày và kết thúc trong niềm luyến tiếc của những người xem về không khí sôi động thần thánh của vùng quê an bình, thịnh vượng. Đua ghe là một sinh hoạt thể thao, văn hóa tập thể lành mạnh. Làng Phước Yên có hội ghe đua từ rất lâu đời và đã tham gia các lễ hội đua ghe nhiều nơi trong tỉnh tổ chức. Đua ghe trở thành hoạt động truyền thống văn hóa của làng.

Chùa làng dựng trên một vuông đất rộng giới hạn bởi 4 bờ tre chạy theo các xóm. Chùa có tên là Quảng Phước Tự, tương truyền là ngôi chùa cổ được khai sơn từ thời tiền Nguyễn. Trong chùa có Đại hồng chung ghi niên đại năm Minh Mạng 13, Nhâm Dần (1832). Chùa làng là nơi lui tới thường xuyên của các thiện nam tín nữ. Một làng quê nông nghiệp thuần túy nên người dân thường bận rộn, vất vả với mùa vụ, người đang tuổi lao động ít có cơ hội đến chùa. Chỉ khi tuổi cao, việc nông tang đã có con cháu tiếp nối thay thế, những người đứng tuổi mới có cơ hội lên chùa tu trì, niệm Phật. Thời ấy, những ngày vía Phật, ngày Rằm, mồng Một, người nắm bông, nhánh chuối; kẻ cân đường, gói nếp, đậu... theo nhau lên chùa làm mâm quả cúng Phật. Cùng thời gian ấy, phong trào Gia đình Phật tử phát triển rộng khắp xứ Huế, mỗi sáng Chủ nhật, chùa làng là nơi những áo lam Oanh vũ cùng các anh chị Thiếu, Thanh, Huynh trưởng tập học giáo lí, kinh kệ, hát ca những bài ca ngợi công đức Phật đà. Phong trào Gia đình Phật tử những ngày đình chiến tạm yên tiếng súng ngắn ngủi nhưng đã đào tạo được một thế hệ con dân làng Phước Yên thuần hành đức trí nhà Phật mẫu mực. Bây giờ những Áo lam ngày ấy đã vào tuổi "cổ lai hi" vẫn còn nhớ lại những ngày tuổi thơ dưới mái chùa làng như một kỷ niệm để đời khó quên.

Tam quan chùa làng khai mở hướng chánh điện chùa thẳng theo con đường trực đạo đến đìa sen áng ngữ như một tiểu bình phong che chắn trước khi mở rộng tầm nhìn ra minh đường lớn lao, kéo tầm mắt đến dãy núi Kim Phụng xa mờ cuối chân trời. Bây giờ con đường mới mở hướng vào làng qua cầu Thanh Lương, cắt ngang tiểu minh đường đình làng, xéo góc kéo dài cắt ngang con đường trực đạo trước chùa.

Nói đến chùa làng, không thể không nói đến tục đu Chùa hằng năm, đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của làng Phước Yên. Không chỉ có làng Phước Yên, một vài vùng quê khác cũng dựng đu vui hội Tết. Nhiều làng khác còn tổ chức lễ hội vật đầu xuân. Tục đu Chùa mang ý nghĩa tâm linh như một thứ tín ngưỡng dân gian vui Tết, mừng xuân của làng quê vùng lúa. Ngoài thú vui hơi thể thao, hội đu còn nhắm đến ý nghĩa về một cuộc sống yên bình, no đủ. Năm nào làng tổ chức hội được hội đu trang nghiêm, bề thế, dân làng tham gia hào hứng, sôi nổi thì dấy lên niềm tin an bình, thịnh vương đến với dân làng. Đu được dựng lên trước ngày 30 Tết bằng những cây tre là ngà cao vút. Các cần gióng đu, đòn đu, kèo đu được chuẩn bị kỹ lưỡng dưới sự hướng dẫn của các bô lão uy tín trong làng. Ngày mồng Một Tết, một lễ cúng đơn giản nhưng trang nghiêm diễn ra rất sớm để khai mạc hội đu. Sau vài đường đu tượng trưng của vị bô lão chủ tế, hội đu bắt đầu. Trai tráng từng cặp thay nhau lên đu, đẩy đu và nhún nhẩy nhịp nhàng đưa đu dần lên cao. Điểm đặc biệt của tục đu chùa làng Phước Yên trước đây là đu chỉ dành cho nam giới. Nữ giới không được lên đu, thậm chí đi qua chỗ dựng đu. Đánh đu là thú chơi lành mạnh, thượng võ nhưng cũng khá nguy hiểm nhưng tai nạn từ lâu đã không xảy ra. Thời trai tráng, ai đã từng nhảy lên đòn đu, cầm thanh gióng đu nhún đẩy vài vòng kéo đu lên cao, nhìn bạn bè reo hò bên dưới... thì có sống đến những ngày thời gian cuối đời, không thể nào quên được những kỷ niệm về làng quê để khắc sâu thêm tình yêu quê hương đất tổ hình thành từ những ngày còn thơ bé.

Làng có 2 nghĩa địa chính lưu giữ hài cốt tổ tiên như một bảo tàng ký ức của người dân quê. Nghĩa địa Ngự Chương (dân gọi là Lỗ) bên kia ngã ba sông Bồ và sông Cùng, giáp nghĩa địa làng Phù Nam. Nghĩa địa Cồn Đả (dân gọi là Đồng) ngăn cách giữa bức ruộng Voòng và bức ruộng chính của làng. Ngoài ra trong làng còn rải rát các nơi có những bãi mồ mả lâu đời, dân gọi là Cô mộ. Nhìn chung, người Huế thường coi việc gìn giữ mồ mả tổ tiên mang nặng sắc thái tâm linh gần như một tín ngưỡng. Địa táng là cách lựa chọn duy nhất của người Huế với những người thân trong gia đình mất đi. Việc không chăm sóc mồ mả, bỏ quên để mất mồ mả được coi như một trọng tội với người đã khuất.

Các ngôi mộ trong 2 nghĩa địa của làng có thể phân làm 3 loại. Những mộ chỉ là một ụ đất tròn trịa, đường kính từ 1-2 mét. Đây là mộ của dân thường, con cháu còn khó khăn. Loại thứ 2 là những ngôi mộ, ngoài ụ đất tròn khá lớn như trên, còn được đắp thêm một một vòng thành đất bao quanh như hình móng ngựa, có chừa cửa ra vào phía chân thi hài. Vào cửa mộ, thân nhân có con đường đi vòng quanh ngôi mộ để tiếp cận tấm bia đá dựng trên đầu mộ, chỗ dành cho nơi cắm nhang đảnh lễ. Loại mộ này gọi là mộ móng ngựa.  Những vong linh của ngôi mộ này thường là những vị khá giả hay tổ tiên nhiều thế hệ của một dòng họ nào đó. Loại thứ 3 là những mộ móng ngựa nhưng vòng thành thay đất bằng vôi gạch bề thế, bia đá được dựng trong nhà bia trang trọng, nấm mồ được viền quanh bằng những cánh hoa sen bằng sứ, trông ngôi mộ như một đóa sen nở. Đây là mộ của những người giàu có, tổ của một phái, một họ hay là các bận tiên hiền trong làng. Ngoài ra, ở nghĩa địa còn có mấy lăng của các bậc công thần, quan chức trước kia. Ngày nay, vật liệu xây dựng đa dạng, phong phú, giá rẻ, con cháu thường sửa mộ hình tròn thành lăng hình chữ nhật với nhiều hình thức trang trí rồng phượng uy nghi. Đôi người còn "thi đua" đẳng cấp, nâng cao, mở rộng lăng mộ; một số mộ vắng chủ, không có con cháu chăm sóc, bị mất rất nhiều. Dù hình thức chỉnh trang thế nào, con cháu vẫn để lăng mộ còn đất để cỏ mọc trên nấm, thông khí với trời, tuyệt đối không được xây tráng phủ kín nấm mộ.

Việc chăm sóc lăng mộ thể hiện tình cảm con cháu đồi với cha mẹ, tổ tiên đã khuất, thứ tình cảm hiếu đạo được đặt lên hàng đầu trong mọi thứ tình cảm. Ai không yêu cha mẹ, tổ tiên mình thì có đâu tình cảm để yêu thương đồng bào, đồng loại. Việc chăm sóc lăng mộ tổ tiên còn tạo duyên để các thế hệ sau tiếp cận tiền nhân, ghi công các đấng sinh thành, dưỡng dục tạo nên dòng họ trường tồn; đồng thời nhắc nhủ con cháu quan tâm hơn với những người thân yêu còn sống. Người Phước Yên với truyền thống "li hương bất li tổ", dù làm ăn nơi xa vẫn thường xuyên liên lạc với bà con ở quê chăm sóc từ đường, mộ phần tổ tiên. Những lễ nghi này đã trở thành nếp nghĩ cho phần đông con cháu. Đó là nét văn hóa làng của một tiểu vùng dân trọng lễ nghi.

3. Giữ gìn nét đẹp trong sinh hoạt họ làng người xứ Huế

Nói đến văn hóa Huế người ta dễ dàng dừng lại ở những những di sản văn hóa vật thể với những thành quách, cung điện, đền đài, miếu mạo, lăng tẩm, chùa chiền; cùng những di sản văn hóa phi vật thể bao gồm nhiều lãnh vực văn học, nghệ thuật, nhạc họa, tôn giáo, lễ nghi tín ngưỡng. Trong số đó, có nhiều di sản đã được vinh danh là di sản quốc gia, di sản đại diện của nhân loại. Ngoài những di sản đó, bản sắc văn hóa Huế phải còn được nhìn nhận từ những thành tựu có tính cách đại chúng ở các làng quê thông qua các hoạt động sản xuất, lưu thông, phân phối; thông qua các lễ nghi tế tự, sinh hoạt họ làng thể hiện như một tín ngưỡng dân gian, in dấu đậm nét trong tâm hồn người dân Huế. Họ làng chỉ là một điểm nhỏ khi đề cập đến nội hàm văn hóa Huế. Nhưng ở vùng nông thôn xứ Huế, sinh hoạt họ làng chiếm tỉ trọng lớn trong tâm tình người dân quê. Có thể nói được rằng từ sinh hoạt họ làng hình thành tình yêu gia đình, dòng tộc; tình yêu quê hương, đất nước. Đó là xuất phát điểm để mở rộng, hình thành tình yêu tổ quốc, giống nòi. Người dân quê trân trọng thứ tình cảm này và thể hiện bằng những hoạt động thường ngày trong cuộc sống từ nhiều đời, trở thành nét đẹp làng quê, ăn sâu gốc rể vào tâm hồn nhiều thế hệ như một mặc định.

Nghiên cứu về văn hóa Huế "để thấy dược tính đặc thù xã hội ở vùng đất có kinh đô cuối cùng của nhà nước quân chủ Việt Nam (1788-1945), nhưng lại quan hệ mật thiết với nhiều tầng lớp dân cư lao động khác cùng chung sống qua nhiều thế hệ"[4] mà trong đó, "ảnh hưởng của lễ nghi cung đình thật rõ nét trên nghi lễ dân gian ở Huế. Sự tổ chức cúng bái, cung cách thể hiện nghi thức một cách trang trọng, đúng phép cho ta thấy nghi lễ dân gian  vùng Huế không chỉ do truyền thống mà còn chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn và tác động của nghi thức xuất phát từ cung đình"[5].

Xưa kia, làng là một đơn vị tương đối khép kín. Làng với nước như một quốc gia nhỏ trong một quốc gia lớn. Tập hợp đầu tiên của làng là các họ, và cũng từ các họ phát triển, làng phát triển theo. Làng là tế bào của quốc gia thì họ là hạt nhân của tế bào đó. Lịch sử hình thành và phát triển của làng gắn liền với sự lớn mạnh của các họ. Đây là nền tảng của sự phát triển quốc gia. Từ một nền nông nghiệp lúa nước sản xuất nhỏ, thô sơ cùng ý thức hệ phong kiến hình thành hệ thống tổ chức họ làng với  những định chế xã hội tập quyền làm nên nét văn hóa vùng nông thôn nông nghiệp. Tư tưởng gia trưởng, tộc trưởng tập trung quyền lực cho người đàn ông, chi phối toàn bộ sinh hoạt nông thôn xưa làm nên những gia đình tam đại, tứ đại đồng đường với tôn chỉ "mười đời chưa rời cánh tay". Tình yêu gia tộc, tình yêu quê hương là nét đẹp trong kho tàng văn hóa Việt Nam trước đây trở thành những chuẩn mực đạo đức, luân lí làm nền tảng sức mạnh tinh thần trong quá trình đấu tranh dựng nước, mở nước, giữ nước, tạo nên dải giang sơn gấm vóc Việt Nam ngày nay.

Trong giai đoạn hiện nay, sinh hoạt họ làng đã có nhiều thay đổi để  phù hợp cuộc vận động nông thôn tiến vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập sâu rộng vào trào lưu tiến hóa. Một thế hệ nông dân mới từng bước hình thành ở các làng quê là kết quả của cuộc vận động xây dựng nông thôn mới nhằm mục đích xây dựng đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển; xây dựng nền văn hóa  tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiến bộ, lành mạnh, phong phú. Làng Phước yên cũng như bao làng quê khác ở xứ Huế đã có đường nhựa, đường xóm bê tông ngang dọc tỏa khắp; điện khí, nước sạch, sóng kỹ thuật số phục vụ đến từng nhà dân; trường Mầm Non, trường Tiểu học, Trung học cơ sở, hội trường nhà văn hóa làng trải dài dọc theo các con đường lớn. Mức sống và trình độ dân trí được nâng cao. Số đông dân làng, kể cả học sinh là thành viên của các tổ chức, đoàn thể, hội đoàn, nhóm câu lạc bộ, thường tập trung sinh hoạt trong hội trường nhà văn hóa làng. Một nghĩa trang liệt sĩ nho nhỏ nằm cạnh nghĩa địa Cồn Đả, quay mặt hướng ra sông Bồ thể hiện tình cảm người dân ghi công những người đã nằm xuống cho quê hương có được như ngày hôm nay.Về kinh tế, cây rau má đã thay cây lúa chiếm hầu hết diện tích canh tác trên cánh đồng làng. Rau má thương phẩm không những tiêu thụ trong tỉnh mà còn gởi theo xe vào tận Đà Nẵng, Đà Lạt, Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh khác thông qua các đầu mối người làng làm vệ tinh tiêu thụ ở đó. Cây rau má còn cung cấp nguyên liệu cho nhà máy sản xuất trà lipton của Hợp tác xã Quảng Thọ 2, được thị trường ưa chuộng. Dọc theo sông Bồ, hàng trăm lồng bè cá nuôi hằng năm cung cấp ra thị trường hằng ngàn tấn cá thương phẩm. Đây là thành tựu của cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, làm cơ sở cho việc hình thành một định chế văn hóa mới ở nông thôn.

Cuộc sống người dân nông thôn không ngừng được nâng lên, bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, hiện đại, tâm tình người dân nông thôn cũng từ đó có những biến chuyển tích cực theo kịp thời thế. Cạnh bên những thành tựu, những biểu hiện thiếu lành mạnh cũng có cơ hội len lỏi vào. Song hành với việc phục hồi những lễ hội truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó có những lễ nghi sinh hoạt họ làng, đình chùa vùng nông thôn, nhiều loại hình mê tín đi đoan có chiều hướng phát triển. Dân làng bị thu hút vào các buổi kinh kệ ê a nhiều ngày, lễ vật phung phí, vàng mã chất chồng rồi đốt đi. Tệ nạn mê tín nuôi dưỡng thị trường buôn thần bán thánh, không những phá vỡ những tín ngưỡng dân gian họ làng truyền thống đúng nghĩa mà còn biến người dân quê thành những con người mê muội, bỏ bê gia đình, công việc làm ăn. Không những chỉ ở làng quê, dòng họ, nhiều lễ hội dân gian đậm đà bản sắc dân tộc được phục hồi khắp nơi là môi trường thuận lợi dễ biến tướng trở thành những điểm, những cách làm ăn bất lương thu lợi của những thế lực chi phối. Tôn giáo, tín ngưỡng là lĩnh vực nhạy cảm, chính quyền khó can thiệp vào, dễ dàng bị lợi dụng để phục vụ những lợi ích một nhóm người bất chính.

Kinh tế phát triển, nông thôn có nhiều người giàu lên, nhiều ngôi nhà khang trang chen giữa vườn cây xanh mát trở thành điểm nhấn của vùng quê trú phú. Cạnh bên đó, dọc theo các con đường chính, những nhà lầu, nhà hộp trang trí kệch cỡm, màu sắc lòe loẹt mọc lên san sát, thiếu qui hoạch, dây điện chằng chịt đan xen. Một nét văn hóa trọc phú xuất hiện ở nông thôn mà điển hình là những chủ nhân mới giàu lên từ những đổi thay cuộc sống làng xã. Cuộc sống mới đưa những thành tựu khoa học kỹ thuật về nông thôn phục vụ sinh hoạt người dân, nâng cuộc sống nông thôn tiếp cận tiện nghi thành thị. Quá trình đi lên của nông thôn thiếu tính toán vô tình phá vỡ những giá trị cốt lõi một vùng quê yên bình, thay vào đó xuất hiện những hình ảnh ngổn ngang khó coi. Dọc theo những con đường lớn trong làng, hàng quán phục vụ ăn uống, quán cà phê, giải khát, quán karaokê,... hoạt động từ sáng đến khuya khoắc lấy đi vẻ bình yên ngàn đời của thôn xóm.

Huế chật hẹp trong không gian khép kín và cả trong tâm hồn người Huế sâu lắng đầy tự hào với thành quách cổ kính trang nghiêm. Nhiều người con Huế đi xa mới nhận ra được quê mình. Kinh thành Huế bao bọc bởi những làng quê nông nghiệp. Chính những làng quê nông nghiệp này đưa nôi ru Huế vào giấc ngủ bình yên. Đạo đức cốt lõi của con người Việt Nam là chữ hiếu. Từ chữ hiếu, con người có nghĩa vụ với người thân lúc còn sống cũng như khi đã mất. Khi sống thì phụng dưỡng, mất rồi thì thờ tự và chăm lo mổ mả. Cha mẹ thờ ở nhà. Ông bà, cụ cố thờ ở nhà tổ phụ. Từ ngũ đại trở lên, thờ ở nhà thờ phái. Thủy tổ, tiên tổ thờ ở từ đường họ. Mỗi người dân Huế ít nhất trong cuộc sống, có trách nhiệm phải gánh vác 4 nhà thờ đó, chưa kể thêm bên vợ, bên mẹ. Đi vào các đường làng Phước Yên bây giờ, người xa về có cảm tưởng nhà thờ  ngang bằng nhà ở của người bản quán. Ra nghĩa địa làng, nhiều lăng mộ uy nghiêm phủ kín, nhiều ngôi mộ mới lấn chiếm cả đất sản xuất làm nơi an nghỉ người đã chết. Huế là vùng đất chật người đông. Nhiều tỉnh thành trên cả nước đã có đài Hoàn Vũ hỏa táng thiêu xác người chết nhưng người Huế xem ra còn đứng ngoài suy nghĩ đó.  

4. Thay lời kết

"Xuất phát từ thể chế quản lý xã hội phong kiến, hệ thống họ làng đã góp phần tích cực vào việc ổn định và phát triển đất nước một thời gian dài. Sức mạnh đoàn kết dân tộc được khơi dậy trong suốt quá trình dựng nước, mở nước, chống giặc ngoại xâm từ cái nôi họ làng. Họ làng còn là cơ sở làm nẩy nở tình cảm gia đình, tình yêu quê hương. Đó là điểm xuất phát và làm lớn mạnh tình yêu dân tộc, giống nòi; yêu tổ quốc, đất nước[6].

Việt Nam là một nước nông nghiệp đại bộ phận người dân sống ở nông thôn. Trước đây, họ làng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc quản lí nhân khẩu, duy trì trật tự trị an, tham gia phát triển sản xuất, ổn định và duy trì cuộc sống. Làng quê Việt Nam hình thành trên ý thức hệ phong kiến tập quyền, đề cao ý thức cộng đồng góp phần làm nên hệ thống các họ tộc với đặc trưng những người cùng huyết thống, cùng ảnh hưởng gia phong, gia giáo, xây dựng được những nét đẹp chuẩn mực đạo đức, lối sống.

Cộng đồng họ làng tạo sức mạnh đoàn kết chặt chẽ, củng cố mối quan hệ tình cảm bền vững giữa những người dân nông thôn. Đây là đóng góp quan trọng trong việc ổn định xã hội, thăng tiến cuộc sống, trở thành nét văn hóa cơ bản của nông thôn Việt Nam. Ngày nay, vai trò họ tộc bị lu mờ khi xã hội đề cao vai trò cá nhân. Gia đình nhiều thế hệ không còn bền vững khi ý thức xây dựng kiểu gia đình hạt nhân chỉ có cha mẹ và con cái ngày càng phổ biến. Trong gia đình, người đàn ông không còn là "gia trưởng" thì trong dòng họ vai trò ông "tộc trưởng" cũng mất dần tác dụng đối với lớp trẻ bây giờ. Đối với làng xã cũng vậy. Cuộc sống công nghiệp lôi kéo lao động nông thôn thoát li ra thị thành; lối sống công nghiệp không có mùa vụ làm cho người làm công ăn lương không còn thấy hứng thú và điều kiện tham gia các sinh hoạt họ làng chỉ dựa vào lịch thời vụ nhà nông. Trong chiều hướng chuyển đổi đó, có người xem nhẹ vai trò họ làng trong việc xác định mô hình phát triển của nông thôn. Điều này dễ thấy trong cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, yếu tố dòng họ, làng quê rất ít được đề cập, nếu không chú ý đến công tác dòng họ khuyến học, gia đình khuyến học.

Xứ Huế đã thống kê được nhiều ngôi làng cổ, làng nghề truyền thống; nhiều danh gia vọng tộc có truyền thống khoa bảng, quan lại làm nên bản sắc văn hóa Huế. Đó là điểm nổi trên hàng trăm, hàng ngàn ngôi làng, dòng họ hình thành và phát triển trong quá trình tiếp nối Thuận Hóa, Phú Xuân, Huế. Nhiều thế hệ người dân quê nông nghiệp tiếp bước nhau đổ mồ hôi, nước mắt, xương máu trên vùng linh địa nhiều bất trắc cùng làm nên một đường nét diện mạo Huế trong bức tranh Việt Nam nhiều màu sắc. Ngày nay, đất nước đi vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở cửa hội nhập sâu rộng, những giá trị văn hóa họ làng của một vùng quê nông nghiệp nếu được nghiên cứu ứng dụng vào  cuộc vận động xây dựng cuộc sống mới ở nông thôn, hi vọng sẽ mở ra nhiều hướng tiếp cận mới để hòa nhập, tồn tại và phát triển.



[1] Phan Khoang (2000), Việt sử xứ đàng Trong, NXB Văn học, trang 58.

[2] Hồ Châu (2019), “Xứ Thuận Hóa thời chúa Nguyễn”, Tạp chí Huế Xưa & Nay số 156.

[3] Phan Khoang (2000), sđd, trang 110.

[4] Đỗ Bang (2018), Mấy vấn đề về gia đình và dòng họ Thừa Thiên-Huế trong lịch sử, NXB Thuận Hóa-Huế, trang 7.

[5] Huỳnh Thị Anh Vân, Bản sắc dòng họ trong văn hóa cung đình triều Nguyễn-Nhìn từ lễ tế miếu, trong tập Mấy vấn đề về gia đình và dòng họ Thừa Thiên-Huế trong lịch sử, sđd trang  275.

[6] Nguyễn Văn Uông (2020), “Họ làng”, Tạp chí Huế Xưa & Nay số 160.

 

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng