Văn nghệ dân gian
Hội Tết ở đình làng Thừa Thiên Huế xưa và nay
15:54 | 24/02/2022

PHẠM ĐĂNG NHẬT THÁI

Hội Tết ở đình làng Thừa Thiên Huế xưa và nay
Ảnh minh họa (Internet)

1. Đặt vấn đề

Một trong những thiết chế quan trọng của cộng đồng làng xã ở Thừa Thiên Huế xưa và nay đó là đình làng. Đình làng ở Thừa Thiên Huế có vai trò và chức năng riêng có thể khác hẳn ở trong Nam và ngoài Bắc, khi tìm hiểu và nghiên cứu về đình làng ở Thừa Thiên Huế, chúng tôi thấy rằng, ngoài vẻ đẹp về phong cảnh mà đình làng tọa lạc thì yếu tố về phong thủy, kiến trúc, tâm linh của đình làng đều có nét riêng của nó.

Nếu như về mặt giá trị văn hóa vật chất thì đình làng đẹp về kiến trúc, cấu kiện gỗ, cùng các công trình phụ trợ khác. Còn về mặt giá trị tinh thần thì đình làng là nơi thể hiện tâm linh cội nguồn làng xã, nơi thờ Thành hoàng làng, các vị khai canh, khai khẩn, thờ các vị tổ nghề…đồng thời đình làng còn là nơi tổ chức nhiều hội tết mà từ xưa đến nay chúng ta vẫn còn chứng kiến những hội tết ở làng quê Thừa Thiên Huế gắn liền với không gian đình làng, đó là: Hội đu tiên, Hội vật võ, lễ hội cầu ngư, xuân thu nhị kỳ cúng tế với mục đích cầu mong một năm mới sức khỏe, bình an và mùa màng bội thu đều mang đậm giá trị bản sắc văn hóa trong ngày Tết của người dân trên các làng quê Thừa Thiên Huế.

2. Hội Tết ở đình làng Thừa Thiên Huế xưa và nay

2.1. Lễ hội đu tiên làng Phước Yên

Đu tiên là một trò chơi dân gian, là cách gọi của hình thức đánh đu đôi, tức từng cặp (một nam, một nữ) thanh niên cùng lên đu so tài trong dịp đầu xuân năm mới. Với nhiều loại cây đu khác nhau, được làm bằng tre của làng kết thành các cây đu. Người chơi có thể một người hoặc hai người, cặp thành niên trai gái cùng lên đu so tài, biểu diễn nhưng kiêu, dáng đu đẹp nất, bay bỗng trên không trung cùng với cây đu. Gọi là “đu tiên” bởi lẽ người đu nhún đẩy làm sao cho đu quay và bay lên cao, xa so với mặt đất như hòa mình vào bầu trời, như có cảm giác những cô tiên, thiên thần bay lượng trên không trung, như vay bào cõi tiên, cõi thượng giới.

Cứ mỗi độ xuân về Tết đến, từ ngày 26 tháng Chạp, người dân trong làng Phước Yên đã nô nức cùng nhau dựng các cột cây đu, trang trí để chuẩn bị cho lễ hội đu tiên diễn ra từ ngày mồng 1 đến hết mồng 7 tháng Giêng âm lịch mới hạ đu. Không ai bảo ai, trên mảnh đất làng Phước Yên, xã Quảng Thọ, người dân trong làng lại cùng nhau, tụ hội trước sân đình làng để vui chơi, thưởng thức lễ hội đu tiên truyền thống đặc sắc của làng.

Ngoài ra, còn có lễ hội Đu tiên truyền thống vào ngày mùng 2 tết hàng năm tại xã Điền Hòa, làng Sơn Tùng, xã Phong Hiền, huyện Phong Điền.

2.2. Lễ hội cầu ngư làng Thai Dương Hạ

Lễ hội cầu ngư ở làng Thai Dương Hạ được nhắc đến nhiều, đây là nét đặc trưng của cư dân vùng sông nước ven biển ở Thừa Thiên Huế. Đặt biệt, trên vùng làng Thai Dương Hạ, trong 3 ngày 10, 11 và 12 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Ngoài phần lễ tế Thành hoàng của làng là ngài Trương Thiều (Trương Quý công), người gốc Thanh Hoá, đã có công dạy nghề đánh cá và buôn bán cá, ghe, mành cho người dân trong làng, còn có lễ hội cầu ngư mang nhiều ý nghĩa cho nghề chính của dân làng nơi đây. Cho nên “Khi ông mất, dân làng ghi nhớ công ơn ấy, nên tổ chức lễ hội để tỏ lòng biết ơn. Lễ hội được tổ chức vào ngày mất của ông, trong lễ hội có diễn lại cảnh sinh hoạt nghề biển như đánh cá, buôn bán cá. Đó là một tập tục để nhớ công ơn người vừa sáng lập làng, lại là vị tổ sư nghề nghiệp, chứng tỏ lòng thành kính của dân làng”(1).

Trong các ngày lễ thì đa phần đều được tổ chức ở ngay khuôn viên đình làng:

- Ngày 10 tháng Giêng là diễn ra các cuộc đua tài vui chơi của làng như kéo dây, nhảy bao bố.

- Ngày 11 tháng Giêng, dân nghề đi biển, đánh cá của làng Thai Dương gồm hai giáp Thượng và Hạ bắt đầu chuẩn bị cho việc cúng tế.

- Ngày 12 tháng Giêng là ngày chính lễ.

Từ con đường chính của làng cho đến các ngõ, thôn, xóm, từ cổng cho đến hàng rào nhà của các hộ dân sống trong làng điều được trang hoàng đèn thắp sáng, cờ, phướng.

 Ban nghi lễ tìm giao trọng trách cho một vị cao tuổi trong làng thông thạo nghi lễ và đọc văn tế. Các vật phẩm cũng tế đều được chuẩn bị sạch sẽ và tinh khiết nhất, đặc biệt có “bánh khoái và mật ong” là hai vật phẩm không thể nào thiếu trên bàn thờ của vị khai canh ngài Trương quý công. Bởi tương truyền từ lúc sinh thời, ngài thích dùng hai loại sản phẩm này.

Sáng ngày 12 tháng Giêng, người dân trong làng, cùng khách thập phương, di chuyển về khoảng đất trông trước đình làng làng Thai Dương Hạ, trên sân đình để xem các diễn trò, tả cảnh sinh hoạt nghề biển. Phần hội ở đây rất đặc biệt với nhiều trò diễn hài hước, phòng khoáng nhưng tái hiện toàn bộ cuộc sống nghề cá của người dân địa phương nơi đây.

Không gian lễ hội cầu ngư được diễn ra trên 4 vị trí của đình làng:

- Bên trong chính đình: Ở các bàn thờ cúng được bày biện mâm cỗ, thành kính dâng lên ngài Thành hoàng.

- Ở sân đình: Trống chiêng cùng các hoạt cảnh diễn trò của đám trẻ được hóa trang thành những con tôm, con cá,...Tại sân đình, người dân diễn trò bủa lưới, trò quệ, giạ xúc ruốc, bủa lưới nậu lưới…Đám trẻ trong làng sẽ mặc trang phục hoá trang thành những con cá nhỏ, người lớn thì quây thành vòng tròn tượng trưng cho hình ảnh người ngư dân đánh bắt được cá, giữ và không có cá thoát ra.

- Phía trước khuôn viên đình: Các hoạt cảnh con thuyền đánh cá và cảnh bủa lưới nậu lưới được diễn kết nối cùng với như dân đánh cá và đám trẻ trong sân đình. “Đang lúc các em mải mê giành giật, đám chủ thuyền khiêng một chiếc ghe mành, cốt bằng trem đan chắc chắn, phất bằng giấy, trên ghe có một người ngồi, tiến vào sân đình. Người này tung lưới vây quanh đám trẻ, các chủ thuyền theo ghe, đồng giữ lưới thành một vòng tròn, càng lúc càng thu hẹp lại, vậy kín đám trẻ. Đây là giai đoạn bủa lưới”(2). Sau khi đánh bắt, “cá” được đem đi cúng Thành hoàng, cá thì được đưa ra chợ bán. Và “Các chủ thuyền bán cá xong, kéo nhau vào một địa điểm để chia tiền bán cá. Địa điểm có thể là sân chùa cạnh đình, hoặc trước một miếu thời. Họ cũng mặc cả, để cuối cùng đến một thỏa thuận chung”(3). Chia tiền bán cá xong lể như lễ tất. Mọi người tụ tập ở bờ phá để xem đua trải.

- Phá trên biển ở trước khoảng sân rộng: Diễn ra hội thi đua trải của các thanh niên trong mỗi xóm của làng. Kết thúc hoạt cảnh diễn trò cầu ngư là hình ảnh những con tàu đánh bắt xa khơi của ngư dân trở về bến với cá, tôm, mực đầy khoan, báo hiệu một mùa bội thu. 

Lễ hội cầu ngư ở làng Thai Dương Hạ, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang là một hoạt động lễ hội trong dịp tết cổ truyền, mang yếu tố tinh thần và tâm linh của dân địa phương, nói lên tính đặc trưng văn hoá và đặc thù nghề cá, đánh bắt thủy, hải sản với nhu cầu, mong ước của ngư dân thị trấn Thuận An nói riêng và miền duyên hải miền Trung nói chung. Đồng thời còn thể hiện sự đoàn kết, gắn bó chặt chẽ giữa các thành viên trong làng xã với nhau, nêu cao ý thức “uống nước nhớ nguồn”, “tôn sư trọng đạo”. Và mặc dù dân làng đã trải qua bao biến chuyển của thời cuộc, nhưng họ vẫn giữ được truyền thống tốt đẹp đó để đến ngày hôm nay lễ hội cầu ngư làng Thai Dương vẫn duy trì và phát triển.

2.3. Hội vật võ làng Sình

Làng Lại Ân hay còn gọi là làng Sình, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, nơi đây hàng năm, cứ vào dịp Tết cổ truyền, ngày mồng 10 tháng Giêng âm lịch, nhân dân trong làng đều tổ chức hội vật võ truyền thống, nhằm tưởng nhớ công ơn cũng như vị Tổ vật võ và cầu mong sức khỏe, bình an, khuyến khích thanh niên rèn luyện, lòng dũng cảm và cầu cho mùa màng tươi tốt.

Có nhiều truyền thuyết nói về sự ra đời của vật võ làng Sình đó là “Dưới thời Trần, làng Sình nằm gần thành Hóa Châu cho nên được chọn làm nơi huấn luyện quân sĩ tham gia tích cực huấn luyện tập võ hằng năm để cổ động, khuyến khích trai tráng trong làng ôn tập võ nghệ hầu giúp đất nước chống giặc ngoại xâm…Dưới triều Nguyễn, ngã ba Sình là nơi thủy quân luyện tập thủy chiến. Để gia tăng sức khỏe quân sĩ, nhà vua cho tổ chức vật võ”(4). Nhưng người dân trong làng cho rằng vật võ là hình thức “hèm” để tưởng nhớ ngài Khai canh làng đã truyền dạy cho dân làng nghề vật. Đến ngày gỗi ngài là dân làng tổ chức vật võ(5).

Sới vật được dưng ngay trước đình làng Lại Ân. Võ đài là sới vật bằng đất cát, có dạng hình vuông, cạnh  6m, được dựng lên trước sân và cao hơn so với sân đình khoảng 1,2m. Bốn phía có dăng dây bảo vệ tạo thành khuôn viên của sới vật.

Khắc hẳn với các hội vật ở các làng quê khác, thì người dân trong làng đứng ra tổ chức hội vật như là một hình thức giải trí, vui hội trong những ngày Tết, không vì mục đích tuyển chọn võ sĩ cho truyền đình như trước đây. Sự thoải mái, phóng khoáng trong thú vui giải trí vật võ ở làng Sình là không nhất thiết phải là thanh niên trai tráng, người dân trong làng mà là bất kỳ người nào ngoài làng hay khách thập phương về với ngày hội đều có thể tham gia sới vật. Giải thưởng cho người vô địch là chỉ là các lễ vật gồm: cau, trầu, rượu, đầu heo,... nhưng rất trang trọng và mang tính vui hội ngày Tết đầu năm mới.

Về luật thi đấu thì cơ bản vẫn theo nguyên tác thi đấu của vật võ dân tộc, các đô vật phải vượt qua 3 đối thủ ở vòng đấu loại rồi đến vòng bán kết, rồi đến vòng chung kết. Trang phục thi đấu trong hội vật cũng đất đơn giản và dân dã, chỉ mặc quần đùi, ở trần, bụng được buộc sợi đai vải màu đỏ hoặc xanh nhằm nhận biết 2 đối thủ trong một trận đấu. Để chiến thắng ở mỗi vòng đấu, các đô vật phải vật được đối phương làm sao để một phần hoặc cả 2 phần lưng của đối phương phải lấm đất, bụng ngữa lên trời hay còn gọi là “lấm lưng, trắng trời”. Ngày nay, thể thức thi đấu của hội vật làng Sình cũng có nhiều thay đổi. Trước đây, người chiến thắng của giải là người thắng tất cả mọi đối thủ thách đấu của hội vật, thì ngày nay, hội vật chia ra nhiều bảng, nhiều cặp thi đấu hơn dành cho các đô vật từ lứa tuổi thiếu niên, đến thanh niên.

Hiện nay, hội vật võ làng Sình thu hút nhiều khách tham quan trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng, nêu cao tinh thần thượng võ, thanh thiếu niên được huấn luyện thể lực và nhân cách sống khỏe để bảo vệ tổ quốc.

2.4. Hội vật võ làng Thủ Lễ

Hội vật truyền thống ở đình làng Thủ Lễ là một ngày hội truyền thống không thể thiếu trong dịp Tết của dân làng Thủ Lễ, thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền cũng như của người dân Huế và du khách thập phương. Không gian của hội vật được tổ chức ngày trên sân đình làng Thủ Lễ, sới vật là một bục hình tròn, đường kính  8.5m được xây bằng ximăng cố định trên sân của đình làng. Mặt sới vật được phủ đầy bằng cát trắng.

Hàng năm, cứ vào ngày mùng 6 Tết, sới vật ở đình làng Thủ Lễ được khai hội. Phần nghi lễ sẽ được các vị cao niên, tộc trưởng trong làng tiến hành cúng bái tôn nghiêm ở không gian bên trong chính đình. Sau đó hai đô vật cao niên trong làng lên khai sới, mở màn hội vật ngay trên sân đình. Tiếp theo lần lượt các phần thi vật của các đô vật nam, nữ của người dân địa phương.

Hội vật làng Thủ Lễ áp dụng nguyên tắc của luật thi đấu vật dân tộc, các đô vật phải vượt qua vòng đấu loại, giành chiến thắng trước 2 đối thủ mới bước vào vòng bán kết, (trong khi đó, hội vật võ làng Sình phải trải qua 3 đối thủ). Ở vòng bán kết, các đô vật phải vượt qua 1 đối thủ trước khi lọt vào vòng chung kết.

Hội vật nêu cao tinh thần thượng võ, mang tính giải trí, tạo ra sân chơi lành mạnh, hấp dẫn trong dịp Tết cổ truyền, đầu năm mới. Các đô vật không được đưa ra các đòn đánh nguy hiểm mà phải hạ đối thủ bằng cách vật để lưng đối thủ chạm lưng xuống đất, gọi là “lấm lưng trắng bụng” cũng như thể lệ vật võ ở làng Sình. “Nhà vô địch trong hội vật đầu xuân đã đem lại niềm tự hào cho gia đình và dòng họ. Còn đối với dân làng, cuộc đua tài đua sức này là tượng trưng cho sự hưng vượng của làng năm đó, đồng thời là một sinh hoạt văn hóa thể thao vui khỏe, lành mạnh và hấp dẫn như bất cứ hội vật nào khác của Huế cũng như của cả nước vậy”(6).

Như vậy, qua các lễ hội, trò diễn nói trên diễn ra ở đình làng cho chúng ta thấy được rằng không gian đình làng là nơi gìn giữ, bảo tồn và thực hành các yếu tố văn hóa tín ngưỡng dân gian, nơi thờ Thành hoàng làng, nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa cộng đồng của cư dân trong làng. Tất cả các không gian từ ngoài vào trong như: Yếu tố mặt nước (sông, hồ, bể cạn),… đến sân trước, trụ biểu, bình phong, sân đình, tiền đình và chính điện đều tạo nên sự thiêng liêng cho các hoạt động lễ hội, sinh hoạt văn hóa trên khuôn viên của đình làng.

Các không gian của đình làng đã góp phần rất lớn trong việc bảo tồn các giá trị vật thể và phi vật thể của làng:

- Từ tiền đình và bên trong chính đình: Nơi diễn ra các nghi thức cúng bái, dâng hương hoa lễ vật lên các bàn thờ ngài khai canh, khai khẩn.

- Sân đình: Nơi diễn ra các hoạt động về hội của làng, các hoạt động này thường phù hợp với khung cảnh ngoài trời với sự tham gia của người dân trong làng cũng như du khách cho các phần hội. Là nơi đặt sới vật như đình làng Lại Ân, đình làng Thủ Lễ. Là nới diễn trò cho các hoạt động đánh bắt cá trên biển của ngư dân làng chài như đình làng Thai Dương Hạ.

- Sân trước khuôn viên đình rộng hơn dành cho các hoạt động quảng diễn lớn cho các lễ hội của đình.

- Sông, hồ, đầm phá,… trước mặt khuôn viên đình làng, vừa là yếu tố phong thủy cho vùng đất tốt và để dành cho các hoạt động lễ hội dưới nước như đua ghe, đua trải.

Đình làng là nơi bảo tồn các giá trị văn hóa dân gian vô cùng hữu dụng. Đông thời là nơi diễn ra các hoạt động lễ và hội tạo nên sắc thái riêng có cho mỗi đình làng, góp phần tạo nên sự đang dạng, phổ biển cho các hoạt động lễ hội dân gian cho các dân làng sống trên vùng đất làng đó nói riêng và giá trị di sản văn hóa hệ thống đình làng Thừa Thiên Huế nói chung. Cần bảo tồn và phát triển các lễ hội cũng như không gian sinh hoạt văn hóa tinh thần của cộng đồng tại các đình làng Thừa Thiên Huế nhằm phát huy giá trị loại hình di sản kiến trúc đình làng.

3. Kết luận 

Lễ hội Tết cổ truyền được thực hiện và diễn ra trên các không gian của đình làng, đó chính là “điểm sáng hội tụ của các hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc của nhân dân là một sinh hoạt cộng đồng có khả năng đáp ứng được nhiều mặt của nhu cầu văn hóa ấy”(7) cần được gìn giữ, bảo tồn và phát triển. Trải qua thời gian, với sự du nhập nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội trong mỗi dịp Tết, xuân về, phần nào đã giảm sự thu hút cũng như quy mô của các hội Tết truyền thống Huế, trên mỗi làng xã nói chung và trên các sân đình nói riêng.

Ngoài lễ thu tế vào tháng 6, tháng 7 âm lịch hầu như làng nào cũng tổ chức trên ngôi đình của làng thì lễ hội mùa xuân, trong dịp Tết, cũng là mùa của lễ khai canh, cầu cho dân trong làng 1 năm mới làm ăn đầy bội thu, sức khỏa và bình an. Tuy nhiên, ngày nay, đã có một số lễ hội trong dịp Tết cổ truyền gần như đã gần như thế hệ trẻ hôm nay ít quan tâm. Thiết nghĩ, chúng hãy cùng chung tay, góp sức, bảo tồn tôn vinh và lưu giữ các giá trị văn hóa lễ hội dân gian mà ông cha ta đã để lại. Điển hình như các lễ hội đầu xuân và dịp Tết cổ truyền trên các đình làng như: Lễ hội đu tiên làng Phước Yên, lễ hội cầu ngư làng Thai Dương Hạ, lễ hội vật võ ở làng Sình (làng Lại Ân) và làng Thủ Lễ là những làng đã giữ được lễ hội văn hóa truyền thống mang tính cộng đồng diễn ra trên không gian ngôi đình làng của mình.

P.Đ.N.T

Chú thích:

1,2,3,4,5. Tôn Thất Bình (2010), Lễ hội dân gian Thừa Thiên Huế, Nxb Dân Trí, Hà Nội, trang  45, 46, 47, 48, 50, 51.

6. Tôn Thất Bình (2015), Hội vật Thủ Lễ. Trong sách, Lê Trung Vũ, Lê Hồng Lý (đồng chủ biên), Hội làng Việt Nam, Nxb Thời Đại, Hà Nội, trang 821.

7. Lê Trung Vũ (1989),  Lễ hội, câu chuyện của đương thời. Tạp chí Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật, số 3(86), trang 19.

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng