TRƯƠNG THỊ NHÀN
1. Nói đến từ ngữ địa phương, chúng ta thường nói đến: a) Các từ có ở địa phương nhưng không có sự đối lập trong ngôn ngữ toàn dân, đó là các từ chỉ sự vật, sản vật, hoạt động… riêng có ở địa phương; b) Các từ có tương ứng trong ngôn ngữ toàn dân, hoặc tương ứng về ngữ âm mà có khác biệt về ngữ nghĩa, hoặc tương ứng về ngữ nghĩa mà khác nhau về ngữ âm, hoặc các từ cổ của tiếng Việt hiện chỉ lưu giữ ở địa phương, hay các tổ hợp đã cố định hoá trong thực tế nói năng của địa phương...
Khi xuất hiện trong văn bản, thường là văn bản nghệ thuật, chúng được biểu thị bằng những hình thức chữ viết tương ứng và thường gắn với đặc trưng ngữ âm - từ vựng của các vùng miền:
+ Ăn thì như thúng lủng khu
Mần thì đủng đỉnh như du mới về.
+ Đờn bù mà gảy tai tru
Gắng công cho lắm cũng uổng công phu đàn bù.
(Ca dao Quảng Bình)
+ Chờ anh bưa tuổi em cao
Bưa duyên em lợt, bưa má đào em phai.
(Ca dao Thừa Thiên Huế)
Đáng chú ý là các từ có sự tương ứng về nghĩa nhưng khác nhau về ngữ âm so với từ toàn dân liên quan đến hiện tượng biến âm (biến âm lịch sử hay biến âm văn hóa) như: lủng/thủng, mần/làm, du/dâu, tru/trâu, đàn bầu/đờn bù (giống nhau hoàn toàn về nghĩa); bưa/vừa, lợt/lạt/nhạt (có sự khác biệt nhất định về nghĩa)... Xuất hiện trong văn bản qua hình thức nào (từ toàn dân hay từ địa phương) hoàn toàn phải chăng là hoàn toàn do sự lựa chọn hình thức chữ viết của người nói/viết? Đặc biệt là với văn bản ca dao, vốn được hình thành trên cơ sở “ghi lại” bằng chữ viết những lời ca câu hát trong dân gian.
2. Ca dao ngoài những giá trị về văn chương, nghệ thuật, còn là nơi lưu giữ những dấu ấn về ngôn ngữ, về đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của cư dân một vùng đất. Khảo sát qua hơn 30 ngàn lần xuất hiện của gần 3 ngàn đơn vị từ vựng danh từ trong ca dao Thừa Thiên Huế, chúng tôi phát hiện thấy một hệ thống phong phú và đặc sắc các biểu thức ngôn ngữ có giá trị biểu trưng cùng dấu ấn phương ngữ Bắc Trung Bộ nói chung và “tiếng Huế” nói riêng. Đáng lưu ý nhất là các từ mang đặc điểm ngữ âm của tiếng Việt cổ được lưu giữ ở vùng phương ngữ Trung: các từ có nguyên âm dài: dôông (chồng), đôộng (động), môộng (mộng), ôn (ông), rẹng (rễ), roọng (ruộng), tréc (trách/om), trôốc (đầu), cùng các từ địa phương các tỉnh Bắc miền Trung khác như ló (lúa), cơn (cây), chờng (giường), gộc (gốc), cội (gốc), đàng (đường), niềng (vành), mệ (bà), trưa (ruộng), trùn (giun), chạc (dây), du (dâu), rít (rết), khu (đít), triêng (gánh), bông cẩn (bông trang), tra (gác), lộ (lỗ), mệ (bà), lụy (lệ), triêng (gánh),...
Bên cạnh đó là những từ mang hình thức ngữ âm của vùng phương ngữ Nam: nhang (hương), đờn (đàn), nhơn (nhân), ngãi/ngỡi (nghĩa), ngỡi nhơn (nghĩa nhân), bình phương (bình phong), chánh thê (chính thê), phụng hoàng (phượng hoàng), thơ (thư), bổn hương (bản hương), cang thường (cương thường), danh tánh (danh tính), viết (bút), heo (lợn), háng (Hán),...
Có thể thấy, ca dao Thừa Thiên Huế góp phần minh chứng cho mối quan hệ giao thoa văn hoá - ngôn ngữ giữa ba vùng văn hoá Bắc - Trung - Nam mà Huế là trung tâm.
Một điểm đáng lưu ý khác, đem đến sắc thái riêng, độc đáo cho ngôn ngữ ca dao Thừa Thiên Huế là sự xuất hiện của một số hình thức biến âm văn hóa liên quan đến hiện tượng kị húy trong văn hóa cung đình triều Nguyễn: ba (hoa), Kim Luông (Kim Long), hoàn tuyền (hoàng tuyền), hoa hường (hoa hồng)... Đặc biệt là “ba”, xuất hiện 30 lần trong tổng số 156 lần xuất hiện của đơn vị từ vựng chỉ hoa (hoa/ba/bông) trong ca dao Thừa Thiên Huế.
- Anh tới nơi đây, xa xã ngái quê
Lòng say ba mến kiểng, ngại về bổn hương.
+ Ba kia phụ bướm sao đành
Bướm đây thuở trước leo ngành trổ ba.
+ Bắc thang lên cung mây mà hỏi
Hỏi ông Tơ răng không buộc trói cho thiếp nhờ
Làm chi cho ba lận đận, cho bướm dật dờ
Đêm năm canh thiếp đợi, thiếp chờ cả năm.
Ca dao Thừa Thiên Huế còn có hàng loạt thành ngữ hình thành trên các yếu tố từ ngữ địa phương: thương ba nhớ nhị, sanh ba nở nhụy, say ba mến kiểng, thay ba đổi nguyệt, ruột héo gan xàu, chờng cao chiếu sạch, thầy tra mẹ yếu, thương chùng nhớ trộm, tiên sa rồng lộn, trên tréc dưới om, úa lá lọi cành, ba đôộng bảy đèo, ba tàn hoa héo, bưa nút bưa khuy, cỏ mòn đất đẹ, của có ló nhiều... Có thể xem đây là những thành ngữ của vùng miền, là đóng góp của ca dao vùng miền trong việc hình thành kho tàng ngôn ngữ dân tộc.
Bướm xa ba, bướm hãy còn thương ba nhớ nhị
Vượn lìa cành, vượn còn nghĩ đến cội cây
Huống chi anh xa em ra mà không nhớ ơn mẹ, nghĩa thầy
Cũng vì da mòn gót mỏng ba bốn năm rày mà xa!
Cả những biến thể từ vựng hình thành trên cơ sở nói lái, với cách lái rất đặc trưng, mang dấu ấn ngữ âm của vùng miền:
- Con cá đối nằm trên cối đá
Mèo đuôi cụt nằm mút đuôi kèo
Anh mà đối đặng, dẫu khó nghèo em cũng theo?
- Con mỏ kiến đậu trên miếng cỏ
Con vàng lông đáp giữa vồng lang
Nay anh đối đặng, xin nàng theo anh!
3. Tuy nhiên, có thể thấy, biến âm địa phương (bao gồm các biến âm văn hóa ở địa phương như đã nêu trên) là biến âm tự do, không bắt buộc. Việc lựa chọn hình thức chữ viết theo đặc điểm ngữ âm - từ vựng trong biên soạn văn bản ca dao theo đó cũng không hoàn toàn là bắt buộc. Thực tế cho thấy, trong văn bản ca dao các vùng miền vẫn tồn tại song song những hình thức ngữ âm khác nhau của cùng một đơn vị từ vựng (trừu tượng). Thí dụ như hoa/bông/ba, Kim Long/Kim Luông, Tần/Tờn, nam nhân/nam nhơn, nhân nghĩa/nhân ngãi/ nhơn ngãi, ruộng/roọng, rễ/rẹng... trong ca dao Thừa Thiên Huế.
Trong nhiều trường hợp, chúng tôi không phát hiện thấy những lí do rõ rệt về mặt biểu hiện. Ví dụ, địa danh Kim Long có thể xuất hiện dưới hình thức Kim Long (7 lần) hay Kim Luông (2 lần):
+ Kim Long có gái mĩ miều
Trẫm thương trẫm nhớ, trẫm liều trẫm đi.
+ Kim Luông tươi tốt vườn chè
Gạo de An Cựu, dĩa muối mè cũng ngon.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp có thể thấy rõ giá trị nghệ thuật của các hình thức từ ngữ - ngữ âm địa phương trong việc tạo dựng văn bản/lời ca dao.
Mặt trời không lôn, răng kêu mặt trời mọc
Trăng không giận, răng bảo trăng quờng
Nam nhơn đối đặng, Tấn Tờn trao duyên?
Câu ca dao chứa các từ mang đặc trưng ngữ âm vùng Huế: lôn (lôông, tức trồng), quờng (quầng), nam nhơn (nam nhân), Tờn (nước Tần)... Đáng chú ý là quờng. Ngoài ý nghĩa như quầng (Trăng quầng thì hạn/Trăng tán thì mưa - Tục ngữ), trong tiếng Huế, quờng còn có nghĩa như cuồng (chạy cuồng lên, giận cuồng lên). Với ý nghĩa này, quờng thực hiện được chức năng của một phương tiện chơi chữ. Mặt khác, với hình thức ngữ âm đặc thù: chứa nguyên âm dài, quờng “lôi kéo” được các hình thức ngữ âm địa phương khác trong một hình thái hiệp vần tuyệt đẹp: lôn - quờng - nhơn - Tờn (đều mang nguyên âm dài).
Như vậy, ngoài sắc thái địa phương và giá trị ngữ nghĩa riêng biệt, quờng còn mang giá trị của một phương tiện liên kết ngữ âm độc đáo, góp phần tạo nên tính hoàn chỉnh cả về nội dung và hình thức của lời ca dao. Có thể kể đến nhiều trường hợp sử dụng từ địa phương “đắc địa” như ví dụ sau:
- Núi Ngự không cây, chim ngủ đất
Sông Hương vắng khách, đĩ kêu trời
Ai ơi cho hỏi một lời
Vì sao non nước đổi dời ra ri ?
- Nọ nước này non vẫn còn như cũ
Giang sơn hữu chủ, ai nhủ em lo
Rồi đây tái tạo cơ đồ
Sẽ có cây cho chim đậu, cũng có đò cho em đi.
Nhủ (có thể đọc thành dủ), trong tiếng địa phương vùng Huế có nghĩa như “bảo”, “khiến”. Đặt trong một văn cảnh dày đặc các yếu tố văn chương chữ nghĩa Nho học, nhủ tạo ra một sắc thái dân dã đầy tính biểu cảm. Bên cạnh đó là một vai trò ngữ âm khó bề thay thế: hiệp vần với cũ... Cũng như trường hợp “đờn bù mà gảy tai tru...” nêu trên, cùng hàng loạt câu ca dao hiệp vần bằng các yếu tố ngữ âm địa phương khác.
Sự lựa chọn hình thức ngữ âm địa phương trong những trường hợp như vậy thực sự là cần thiết, đem lại giá trị độc đáo cho ngôn ngữ văn chương vùng đất.
4. Chữ viết tiếng Việt (chữ quốc ngữ) là chữ ghi âm, rất thuận tiện cho việc ghi lại từ ngữ địa phương và các hình thức ngữ âm tương ứng. Với công phu của những người sưu tầm, biên soạn, cùng với sự thể hiện bằng chữ viết trong văn bản ca dao các vùng đất, ca dao thực sự là nơi lưu giữ những dấu ấn ngôn ngữ và văn hóa của các vùng đất, Nghiên cứu sự thể hiện các hình thức ngữ âm của từ địa phương trong ca dao các vùng miền sẽ góp phần làm phong phú hơn nữa nhận thức của chúng ta về vai trò của chữ viết trong đời sống, góp phần vào việc bảo tồn và phát huy giá trị đặc sắc của tiếng Việt và chữ Việt trong đời sống văn hóa, nghệ thuật của dân tộc.
T.T.N
Tài liệu tham khảo:
Đỗ Hữu Châu (1996), Từ vựng - ngữ nghĩa tiếng Việt, Nxb ĐH Quốc gia Hà Nội.
Hoàng Dũng (1986), “Suy nghĩ về vấn đề xử lý sắc thái địa phương trong sưu tầm văn học dân gian địa phương”, TC Văn hóa dân gian, Số 3, tr. 8-12.
Trần Hùng (1996), Văn học dân gian Quảng Bình, Nxb Văn hóa, H.
Triều Nguyên (2005), Ca dao Thừa Thiên Huế, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế.
Trương Thị Nhàn (2015), “Về các kết cấu có yếu tố “chữ” trong ca dao xứ Huế”, Tạp chí Ngôn ngữ, Số 6, tr. 44-50.
Vũ Ngọc Phan (1978), Tục ngữ - Ca dao - dân ca Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, H.