Văn nghệ dân gian
Đặc trưng âm nhạc trong lễ Trai đàn chẩn tế của Phật giáo Đại thừa ở Huế dưới góc nhìn văn hóa học
15:36 | 01/03/2022

PHẠM HỒNG LĨNH

Đặc trưng âm nhạc trong lễ Trai đàn chẩn tế của Phật giáo Đại thừa ở Huế dưới góc nhìn văn hóa học
Ảnh minh họa (Internet)

Trong hệ thống nghi lễ của Phật giáo Đại thừa1, Trai đàn chẩn tế là một trong những nghi lễ có quy mô lớn nhất, được sử dụng phổ biến và có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng người Việt trong cả nước. So với âm nhạc trong các lễ khác của Phật giáo Đại thừa, âm nhạc trong lễ Trai đàn chẩn tế tập trung nhiều nhất các yếu tố của âm nhạc Phật giáo và âm nhạc trong lễ Trai đàn chẩn tế được xem là một hiện tượng âm nhạc tiêu biểu của lễ nhạc Phật giáo Việt Nam như Hòa thượng Thích Trí Quang đã từng nhắn nhủ: “Ai có chí nghiên cứu âm nhạc Phật giáo Đại Nam, hãy quan sát Trai đàn chẩn tế”2.

Tồn tại trong những môi trường tự nhiên, văn hóa - xã hội, lịch sử và những yếu tố nội sinh của từng vùng khác nhau, lễ Trai đàn chẩn tế chịu sự tác động của các yếu tố ấy. Từ đó, âm nhạc trong lễ Trai đàn chẩn tế đã hình thành nên những đặc trưng, thể hiện được bản sắc địa phương. Bài viết này đề cập tới ba đặc trưng nổi trội của âm nhạc trong lễ Trai đàn chẩn tế ở Huế.

1.  Mang đậm dấu ấn âm nhạc cung đình

Trong lịch sử tồn tại, các thể loại âm nhạc thường có xu thế ảnh hưởng, tác động lẫn nhau. Trong xã hội phong kiến trước đây, âm nhạc cung đình Huế từng có ưu thế chủ đạo, việc nó gây ảnh hưởng đến các loại hình âm nhạc khác, trong đó có âm nhạc Phật giáo, là một điều hiển nhiên. Sự ảnh hưởng của âm nhạc cung đình vào âm nhạc trong lễ Trai đàn chẩn tế được biểu hiện rất rõ nét. Vì thế, một trong những nét nổi trội của âm nhạc trong lễ Trai đàn chẩn tế ở Huế chính là yếu tố cung đình đậm nét. Dấu ấn đậm nét của âm nhạc cung đình Huế được biểu hiện qua ba khía cạnh: 

a) Về bài bản, làn điệu

Ngoài những bài bản, làn điệu chính thống của Phật giáo, trong lễ Trai đàn chẩn tế ở Huế còn có hệ thống bài bản khí nhạc của âm nhạc cung đình, chúng luôn giữ vai trò chủ đạo trong suốt diễn trình của cuộc diễn xướng. Bài bản âm nhạc cung đình được diễn tấu trong lễ Trai đàn chẩn tế ở Huế bao gồm hai thể loại chính: Đại nhạc và Tiểu nhạc.

Trong hệ thống bài bản thuộc Đại nhạc có các bài: Nam bằng, Nam ai, Cung ai, Dược, Thoét, Đăng đàn cung, Đăng đàn đơn, Đăng đàn kép, Đăng đàn chạy, Phú lục kèn, Xàng xê, Kèn chiến, Tẩu mã, Bông, Mã vũ, Man, Kèn bóp, Tấu, Tam luân cửu chuyển, Phần hóa, Kèn linh. Hệ thống bài bản thuộc Tiểu nhạc bao gồm: Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long ngâm, Lưu thủy, Mười bài ngự gồm: Phẩm tuyết, Nguyên tiêu, Liên hoàn, Hồ Quảng, Bình bán, Tây mai, Kim tiền, Xuân phong, Long hổ, Tẩu mã.

Hầu hết những bài bản vừa kể được sử dụng để hỗ trợ cho nghi thức trong diễn trình cuộc lễ và một số bài được sử dụng để đệm cho thanh nhạc theo hình thức phức điệu tương phản. Tùy vào từng nội dung, tính chất của lễ thức và nội dung bài bản, làn điệu thanh nhạc mà các nghệ nhân ứng dụng bài nào cho phù hợp với nội dung và tính chất của lễ thức đó. Chẳng hạn, khi đệm phức điệu tương phản cho thanh nhạc, nghệ nhân sẽ sử dụng bài Kèn bầu (Cung ai) để đệm cho bài tán Nhất điện trong nghi thức Đề vị, bài Bình bán dùng để đệm cho Thán Bồ Tát liễu đầu hay lúc thỉnh Phật..., bài Xuân nữ đệm cho nói pháp ngữ theo giọng thán ai Vận tâm bình đẳng hay Cái văn đại địa sơn hà,… Trường hợp hỗ trợ cho nghi thức thì sử dụng bài Long ngâm lúc chủ sám niêm hương, bái lạy, bài Phần hóa được tấu lên lúc đốt vàng mã, các bài Đăng đàn kép, Xàng xê, Kèn chiến, Tẩu mã sử dụng lúc thỉnh sư đăng đàn, bài Dược lúc Phật tử lạy tứ bái, nhị bái,… Nói tóm lại, hệ bài bản khí nhạc sử dụng trong diễn trình cuộc lễ được quy định rất bài bản, chặt chẽ. Nội dung, tính chất âm nhạc hỗ trợ phải phù hợp với nội dung, tính chất của lễ thức.

Nhìn chung, các bài bản khí nhạc được sử dụng hỗ trợ cho lễ thức trong diễn trình lễ Trai đàn chẩn tế ở Huế là những bài bản được tiếp thu từ dòng nhạc cung đình. Điều đó cho thấy ảnh hưởng của âm nhạc cung đình đặc biệt là trong lĩnh vực bài bản khí nhạc đối với âm nhạc trong lễ Trai đàn chẩn tế của Phật giáo Đại thừa ở Huế là rất lớn.

b) Về hơi nhạc   

Ở Huế, hơi Nam được sử dụng chủ yếu trong môi trường dân gian và trong nhiều bài bản thuộc thể loại âm nhạc thính phòng (Ca Huế). Trong âm nhạc cung đình thì ngược lại, hầu hết bài bản thuộc Đại nhạc, Tiểu nhạc và nhạc chương đều được diễn xướng theo hơi Khách (Bắc). Trên thực tế, hơi Khách - loại hơi chiếm ưu thế của dòng nhạc cung đình đã được sử dụng khá phổ biến trong âm nhạc của lễ Trai đàn chẩn tế ở Huế. Do đó, những bài bản, làn điệu thanh nhạc Phật giáo Huế tuy được gọi là hơi Thiền nhưng có những điểm tương đồng với hơi Khách của âm nhạc cung đình về mặt thang âm, điệu thức và phương thức rung nhấn. Chẳng hạn, thang 5 âm phổ biến của hơi Khách là Hò, Xự, Xang, Xê, Cống và khi đàn hoặc hát phải rung chữ Xự, Cống, thì hơi Thiền trong Phật giáo Huế cũng phổ biến thang 5 âm trên và cũng rung chữ Xự và Cống. Tuy nhiên, hơi Thiền có sự khác biệt với hơi Khách chủ yếu ở cách phát âm, nhả chữ, cách rung luyến của các nhà sư.

Như vậy, âm nhạc cung đình không chỉ ảnh hưởng tới âm nhạc trong lễ Trai đàn chẩn tế ở Huế về bài bản, mà tính chất trang nghiêm, trong sáng đặc thù của hơi Khách cũng ảnh hưởng không nhỏ đến thể loại âm nhạc này.

c) Về nhạc khí và cơ cấu dàn nhạc

Trong diễn xướng âm nhạc trong lễ Trai đàn chẩn tế ở Huế, bên cạnh những pháp khí - nhạc khí do các nhà sư sử dụng, còn có sự hỗ trợ đắc lực của nhiều nhạc khí khác do các nghệ nhân lễ nhạc sử dụng. Đó là: kèn bóp, kèn bầu, sáo, nhị, nhị hồ, nguyệt, trống chiến, trống bản, mõ sừng trâu, chập chõa... Tất cả các nhạc khí nói trên thường được kết hợp với nhau theo nguyên tắc của dàn Đại nhạc hoặc Tiểu nhạc trong cung đình Huế. Tuy nhiên, về cơ cấu của dàn Đại nhạc và Tiểu nhạc trong lễ Trai đàn chẩn tế có phần linh động, biến chuyển cho phù hợp với môi trường diễn xướng chứ không nhất thiết theo đúng với biên chế dàn nhạc của cung đình xưa. Tuy nhiên, trong các lễ Trai đàn chẩn tế, mặc dầu không phải là môi trường diễn xướng cung đình, nhưng các nghệ nhân vẫn sử dụng các thuật ngữ bài Tiểu nhạc, bài Đại nhạc, dàn Đại nhạc và dàn Tiểu nhạc.

Trong các nhạc khí, trống chiến là nhạc khí chủ đạo của dàn Đại nhạc trong cung đình. Trong dàn nhạc của lễ Trai đàn chẩn tế, nó cũng giữ vai trò chủ đạo và giữ chức năng điều khiển dàn nhạc cũng nh­ư báo hiệu sự chuyển tiếp các tiết lễ. Hai nhạc khí khác của cung đình là kèn bóp và đàn nhị cũng đóng vai trò không kém phần quan trọng trong việc diễn tấu các bài bản khí nhạc và hỗ trợ cho tán, thán, xướng, tụng, niệm... của các thầy trong lễ Trai đàn chẩn tế.

Ảnh hưởng đậm nét của âm nhạc cung đình, đặc biệt là của khí nhạc, với những khía cạnh nêu trên, đã góp phần tăng thêm sự uy nghi, trang trọng cho âm nhạc trong lễ Trai đàn chẩn tế nói riêng và lễ nhạc của Phật giáo Đại thừa ở Huế nói chung.

2. Nhẹ nhàng và sâu lắng trong cách thể hiện

Đặc trưng này được thể hiện ở: 

a) Chất giọng cùng lối hát với ngữ khí nhẹ nhàng

Mặc dầu phần khí nhạc trong lễ Trai đàn chẩn tế ở Huế mang tính chất uy nghi, trang trọng, nhưng phần thanh nhạc lại nhẹ nhàng, êm dịu, sâu lắng. Có nhiều yếu tố tác động để tạo nên sự nhẹ nhàng, sâu lắng của thanh nhạc trong lễ Trai đàn chẩn tế ở Huế. Trước hết phải kể đến chất giọng của người Huế - một chất giọng nhẹ nhàng và sâu lắng. Ngữ điệu tiếng nói địa phương góp phần quan trọng tạo nên nét riêng cho thể loại nhạc hát dân gian của mỗi vùng miền. Thanh nhạc trong lễ Trai đàn chẩn tế ở Huế không nằm ngoài sự chi phối của quy luật chung này. Nhiều nhà nghiên cứu về phương ngữ đã khẳng định thanh điệu giọng nói tiếng Huế có âm vực trầm và hẹp. Theo tác giả Hoàng Thị Châu trong bài viết “Những đặc điểm và diễn biến của tiếng Huế”, Việt Nam có ba vùng phương ngữ. Đó là: “Vùng phương ngữ Bắc, vùng phương ngữ Trung và vùng phương ngữ Nam, tiếng Huế thuộc phương ngữ Trung. Tiếng Huế có thanh điệu trầm, tiếng nói trọ trẹ3. Đây chính là một trong những tác nhân tạo nên những âm điệu riêng và khiến cho thanh nhạc trong lễ Trai đàn chẩn tế nơi đây trở nên nhẹ nhàng và sâu lắng. Bên cạnh chất giọng nhẹ nhàng tự nhiên, cách vận dụng ngữ khí nhẹ nhàng, luồng hơi dài khi phát âm, nhã chữ của các nhà sư ở Huế trong lúc tán, tụng, thán, xướng, bạch, niệm… cũng góp phần không nhỏ trong việc tạo nên sự nhẹ nhàng và sâu lắng của âm nhạc trong lễ Trai đàn chẩn tế ở Huế.

b) Về diễn tấu pháp khí, nhạc khí

Bên cạnh chất giọng và ngữ khí nêu trên, việc các nhà sư và nghệ nhân sử dụng tiết tấu đơn giản, âm lượng vừa phải, nhẹ nhàng khi diễn tấu các pháp khí, nhạc khí hỗ trợ cho thanh nhạc và lễ thức cũng góp phần tạo nên tính nhẹ nhàng và sâu lắng của âm nhạc trong lễ Trai đàn chẩn tế ở Huế. Chẳng hạn, khi giữ nhịp cho thể tán, các nhà sư kết hợp giữa hai pháp khí tang và mõ, với tiết tấu đơn giản, âm sắc hài hòa giữa tiếng kim, tiếng mộc (âm - dương), tạo cảm giác nhẹ nhàng, phù hợp với thanh giọng của quý thầy và tính chất sâu lắng của âm nhạc trong lễ Trai đàn chẩn tế ở Huế. Đối với các nhạc khí có âm lượng lớn hơn như trống chiến, trống bản cũng vậy.

c) Về âm thanh và màu âm của pháp khí, nhạc khí

Trong thực hành lễ Trai đàn chẩn tế ở Huế, các vị sư thường sử dụng các pháp khí, nhạc khí có âm thanh trầm ấm (hoặc vừa phải) và có độ ngân vang để hỗ trợ cho thanh nhạc và lễ thức. Chẳng hạn, những pháp khí, nhạc khí tuy được chế tác bằng chất liệu kim loại như tang, linh, chuông gia trì, chập chõa, hoặc nhạc khí có chất liệu bằng gỗ và da như mõ, trống chiến… đều phải có màu âm “thổ pha kim”4, nghĩa là âm thanh của những nhạc khí này khi vang lên phải có độ ngân, ấm áp và có độ cao vừa phải. Đối với nhạc khí họ dây như đàn nhị, nhị hồ, nghệ nhân ở Huế chỉ sử dụng loại dây bằng chất liệu ni lông chứ không sử dụng chất liệu kim loại.

Về vấn đề chọn lựa màu âm của pháp khí và nhạc khí, các nghệ nhân và nhà sư ở Huế lý giải như sau: “Nếu pháp khí, nhạc khí nặng về âm thổ thì màu âm của nhạc khí sẽ đục, tối, tạo cảm giác nặng nề, hoặc nếu nghiêng về âm kim thì màu âm sẽ đanh, nghe chói tai. Tùy vào từng mục đích sử dụng mà chúng tôi chọn lựa pháp khí, nhạc khí có mức độ thổ - kim cho hợp lý. Có trường hợp thổ - kim ngang nhau, nhưng có trường hợp nghiêng hơn về thổ hoặc kim. Còn pháp khí, nhạc khí sử dụng trong lễ nhạc Phật giáo Huế thì phần nhiều là cân bằng giữa thổ kim, một số ít pháp khí, nhạc khí nghiêng về thổ nhiều hơn, như trống kinh chẳng hạn”5. Khi tìm hiểu về pháp khí trong lễ nhạc Phật giáo Huế, Thượng tọa Thích Lệ Trang nhận xét: “Tiếng chuông gia trì của Huế nghe nó trầm ấm. Vì thế, tui chủ trương dùng chuông gia trì của Huế là hay nhất vì nó hợp với thang âm của mình. Khi tiếng chuông ngân lên thì cái giọng của mình ở cái ‘tông’(giọng) đó liền”6. Như vậy, việc chọn lựa và sử dụng màu âm của pháp khí, nhạc khí cũng là một yếu tố quan trọng góp phần tạo nên sự nhẹ nhàng, sâu lắng của âm nhạc trong lễ Trai đàn chẩn tế ở Huế nói riêng và lễ nhạc Phật giáo Huế nói chung.

Một số nhà sư ở Nam Bộ, chẳng hạn như Thích Huệ Khai đã nhận xét về tính chất của lễ nhạc Phật giáo Huế như sau: “Lễ nhạc Phật giáo Huế giọng điệu đều đều nối nhịp liền nhau, những âm thanh nhạc cụ đưa hơi theo rất nhẹ nhàng, chẳng hạn đánh tang hay lắc linh rất khẽ, làm cho người nghe thiền vị”7. Thượng tọa Thích Nhuận An cũng có cảm nhận tương tự: “Tui có cảm nhận cách điệu ở Huế không phong phú bằng miền Nam nhưng phần trình bày thì mang tính chất Thần kinh, du dương…”8.

Chính nét đặc trưng nhẹ nhàng, sâu lắng của lễ nhạc Phật giáo Huế đã thu hút được nhiều nhà sư ở Thành phố Hồ Chí Minh - điển hình là Thượng tọa Thích Lệ Trang tham khảo học hỏi để vận dụng vào trong diễn xướng lễ nhạc Phật giáo Nam Bộ nói chung, âm nhạc trong lễ Trai đàn chẩn tế ở Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Về việc một số nhà sư ở Thành phố Hồ Chí Minh tham khảo lễ nhạc Phật giáo Huế, Thượng tọa Thích Giác Đạo cho biết: “Những năm gần đây có nhiều vị sư ở Thành phố Hồ Chí Minh ra gặp tui để tham khảo về nghi lễ của Huế nói chung, lối tán tụng của Phật giáo Huế nói riêng. Lý do để quý thầy miền Nam tham khảo lễ nhạc Phật giáo Huế vì họ cho rằng lễ nhạc Phật giáo Huế trang nghiêm, thiền vị, sâu lắng”9.

3. Tính bảo tồn và thống nhất cao        

Tinh thần nhập thế là một trong những đặc tính của Phật giáo Đại thừa nên việc dùng âm nhạc để chuyển tải nội dung Phật pháp đến với mọi tầng lớp dân chúng rất được chú trọng. Mặc dầu nhập thế nhưng âm nhạc trong lễ Trai đàn chẩn tế của Phật giáo Đại thừa ở Huế vẫn thể hiện tính bảo tồn và thống nhất rất cao. Điều này được thể hiện ở các khía cạnh sau:

a) Về khía cạnh bài bản, làn điệu

Cho đến nay, hệ thống bài bản, làn điệu thanh nhạc trong lễ Trai đàn chẩn tế ở Huế vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn cả về số lượng, cấu trúc giai điệu và phương thức phối hợp giữa khí nhạc và thanh nhạc. Chúng tôi đối chiếu các bài bản, làn điệu do các nhà sư ở Huế diễn xướng trong hiện tại với những bài bản, làn điệu được thu âm từ những năm đầu của thập niên 1960 thì không có gì khác biệt. Bước qua đầu thế kỷ XXI, mặc dù các nhà sư ở Huế nhập thế ứng phú đạo tràng ngày càng mạnh nhưng sự nhập thế này vẫn không làm ảnh hưởng gì đến các bài bản, làn điệu của Phật giáo Huế do chư Tổ truyền lại. Chính đặc tính bảo tồn này đã tạo nên sự thống nhất cao trong hệ thống các bài bản, làn điệu thanh nhạc giữa các chùa và ban kinh sư10 trên toàn thành phố Huế và các xã, huyện phụ cận. Thực tế đã chứng minh, bất cứ vị sư nào ở Huế cũng có thể tham gia với nhiều ban kinh sư khác nhau mà không gặp trở ngại gì trong cách phối hợp.

b) Về khía cạnh dàn nhạc

So với cơ cấu dàn nhạc trong những tư liệu thu thập được từ năm 1975 trở về trước, cơ cấu dàn Đại nhạc trong lễ Trai đàn chẩn tế ở Huế từ thập niên 1990 đến nay vẫn giữ được những nhạc khí chủ đạo có nguồn gốc từ dòng nhạc cung đình Huế như trống chiến, kèn bóp, mõ sừng trâu, chập chõa. Còn dàn Tiểu nhạc, trong một vài trường hợp như thỉnh sư, rước Phật thì vẫn giữ nguyên cơ cấu dàn Tiểu nhạc vào cuối triều Nguyễn. Trong những trường hợp khác, đa số các nhạc khí như sáo, nhị, nhị hồ, nguyệt, trống bản, phách tiền vẫn được duy trì. Cho đến nay, ở Huế vẫn chưa có hiện tượng bổ sung nhạc khí khác vào dàn nhạc trong lễ Trai đàn chẩn tế - dù là nhạc khí cổ truyền hay nhạc khí ngoại lai.

c) Về khía cạnh sử dụng bài bản khí nhạc hỗ trợ cho lễ thức

Ngày nay, ở Huế vẫn sử dụng các bài bản âm nhạc cung đình bao gồm cả Đại nhạc và Tiểu nhạc để hỗ trợ cho lễ thức. Trong thực hành nghi lễ, các nghệ nhân tuyệt đối không thêm vào các bài bản nhạc mới. Việc sử dụng các bài bản từ các thể loại của âm nhạc dân gian cũng rất hạn chế. Chính sự bảo tồn trong việc sử dụng bài bản khí nhạc cung đình này đã lý giải tại sao cho đến tận ngày nay âm nhạc trong lễ Trai đàn chẩn tế ở Huế vẫn còn mang đậm dấu ấn âm nhạc cung đình và đây cũng chính là cơ sở để tạo tính thống nhất trong việc sử dụng bài bản khí nhạc giữa các nhóm nhạc khác nhau trên toàn thành phố.

d) Về phương thức phối hợp pháp khí với thanh nhạc

Cho đến nay, số lượng pháp khí cũng như phương thức phối hợp giữa pháp khí với thanh nhạc vẫn được các nhà sư ở Huế duy trì theo cách làm của chư Tổ truyền lại. Theo Hòa thượng Thích Thanh Liên: “Về lối sử dụng tang, mõ cho các điệu tán, hay chuông mõ trong thể thỉnh, xướng, tụng,… cho đến nay chúng tôi vẫn duy trì theo cách làm của chư Tổ truyền lại chứ không có thay đổi chi hết. Trong thực hành, đôi khi tui cũng có thêm chút hoa lá nhưng về cơ bản là xưa sao nay vậy”11. Điều này cũng góp phần đáng kể cho việc giữ tính thống nhất giữa các ban kinh sư, giúp họ không gặp trở ngại gì khi diễn xướng chung với nhau.

Trong bối cảnh hiện nay, mặc dù yếu tố thời đại và thị hiếu nghệ thuật có những tác động không nhỏ tới nhiều loại hình văn hóa, nghệ thuật, nhưng trong diễn xướng lễ nhạc Phật giáo Huế nói chung, âm nhạc trong lễ Trai đàn chẩn tế ở Huế nói riêng vẫn bảo tồn được đại bộ phận các yếu tố truyền thống như số lượng bài bản, làn điệu, pháp khí, nhạc khí và cả về cấu trúc giai điệu cũng như phương thức phối hợp giữa các thành tố âm nhạc ấy. Chính sự bảo tồn được các yếu tố của lễ nhạc Phật giáo truyền thống đã tạo nên sự thống nhất cao trong diễn xướng âm nhạc trong lễ Trai đàn chẩn tế của Phật giáo Đại thừa ở Huế hiện nay.

Tóm lại, âm nhạc trong lễ Trai đàn chẩn tế của Phật giáo Đại thừa ở Huế có ba đặc trưng nổi trội: Mang đậm dấu ấn âm nhạc cung đình; Nhẹ nhàng và sâu lắng trong cách thể hiện; Tính bảo tồn và thống nhất cao. Những đặc trưng này biểu hiện rõ sắc thái âm nhạc địa phương của vùng đất Cố đô, góp phần làm đa dạng bản sắc âm nhạc Phật giáo nói riêng và âm nhạc truyền thống Việt Nam nói chung.

P.H.L

 

Chú thích:

1. Theo Phật học từ điển: “Đại thừa (chữ Sanskrit: Mahayana; chữ Trung Quốc: ) là cỗ xe lớn, tức là Giáo pháp lớn (Đại giác). Đối với Tiểu thừa (chữ Sanskrit: Hinayana; chữ Trung Quốc: 小乘) là cỗ xe nhỏ, tức là Giáo pháp nhỏ, Tiểu giác. (…). Cũng như một cỗ xe lớn đưa được rất nhiều người đến một chỗ xa, cũng như thế, Đại thừa đưa rất nhiều nhà tu học tới cõi Đại giác, nơi ấy họ thành Phật Như Lai. Cũng như một cỗ xe nhỏ chở ít hành khách hơn và chỉ độ một số người đến cảnh giác ngộ lấy mình, nơi ấy họ thành La Hán, hoặc Duyên giác mà thôi”. Đoàn Trung Còn (2009), Phật học từ điển, in lần thứ tư, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 394.

2. Hòa thượng Thích Trí Quang (2013), Để hiểu đàn chẩn tế, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 68.

3. Trung tâm nghiên cứu Quốc học (2005), Tiếng Huế - Người Huế và Văn hoá Huế, Nxb Văn học, Hà Nội, tr.12.

4. “Thổ pha kim” là thuật ngữ của nghệ nhân và nhà sư ở Huế dùng để chỉ về màu âm của pháp khí, nhạc khí, không nhằm chỉ chất liệu: thổ là đất và kim là kim loại. 

5. Phỏng vấn nghệ nhân Trần Thảo, Nguyễn Đình Vân và Hòa thượng Thích Thanh Liên tại Huế, tháng 3/2014.

6. Phỏng vấn Thượng tọa Thích Lệ Trang tại chùa Định Thành, Q10, Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 9/10/2013.

7. Thích Huệ Hà (chủ biên, 2007), Sư Nguyệt Chiếu với sự nghiệp nhạc lễ cổ truyền Nam Bộ, Tỉnh hội Phật giáo Bạc Liêu, Nxb Văn hóa - Thông tin, tr.86.

8. Phỏng vấn Thượng tọa Thích Nhuận An tại chùa Thiên Đức, Q12, Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 14/9/2013.

9. Phỏng vấn Hòa thượng Thích Giác Đạo tại chùa Kim Tiên, Huế, ngày 19/3/2014.

10. Kinh sư là thuật ngữ trong giới Phật giáo ở Huế và Thành phố Hồ Chí Minh dùng để chỉ các vị sư cùng tham gia trợ giúp cho vị chủ sám (chủ lễ) trong thực hành lễ Trai đàn chẩn tế nói riêng, các nghi lễ ứng phú của Phật giáo nói chung.

11. Phỏng vấn Hòa thượng Thích Thanh Liên tại chùa Từ Hóa, Huế, ngày 15/8/2015.

Tài liệu tham khảo:

Đoàn Trung Còn (2009), Phật học từ điển, in lần thứ tư, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.

Hòa thượng Thích Trí Quang (2013), Để hiểu đàn chẩn tế, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.

Nguyễn Hữu Thông (chủ biên, 2008), Nhạc lễ Phật giáo xứ Huế, Nxb Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh.

Nguyễn Thuyết Phong (1993), “Lễ nhạc Phật giáo qua lăng kính âm nhạc dân tộc”, in trong sách nhiều tác giả Văn hoá vì con người, Nxb Văn hoá và Tạp chí Văn hoá nghệ thuật, Hà Nội, tr. 383 - 395.

Nội các triều Nguyễn (1868), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập VII, bản dịch của Viện Sử học, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1993.

Phạm Hồng Lĩnh (2016), Âm nhạc trong lễ Trai đàn chẩn tế của người Việt - So sánh trường hợp ở Huế và Thành phố Hồ Chí Minh, Luận án Tiến sĩ Văn hóa dân gian, Học viện Khoa học Xã hội, Hà Nội.

Thích Huệ Hà (chủ biên, 2007), Sư Nguyệt Chiếu với sự nghiệp nhạc lễ cổ truyền Nam Bộ, Tỉnh hội Phật giáo Bạc Liêu, Nxb Văn hóa - Thông tin.

Tô Ngọc Thanh (1999), liệu Âm nhạc cung đình Việt Nam, Nxb Âm nhạc, Viện Âm nhạc, Hà Nội.

Trần Kiều Lại Thủy (2007), Âm nhạc cung đình triều Nguyễn, Nxb Thuận Hóa, Huế.

Trung tâm Nghiên cứu Quốc học (2005), Tiếng Huế - Người Huế và Văn hoá Huế, Nxb Văn học, Hà Nội.

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng