Văn nghệ dân gian
Vẻ đẹp hài hòa của giai thoại Thừa Thiên Huế
16:01 | 02/03/2022

NGUYỄN THỊ QUỲNH HƯƠNG

Vẻ đẹp hài hòa của giai thoại Thừa Thiên Huế

Giai thoại là một thể loại đánh dấu sự giao thoa của văn học viết và văn học dân gian. Chính vì cái lõi mang đậm vẻ điển tích, bác học được thể hiện bằng những phương thức nghệ thuật dân gian, cùng lối truyền miệng đặc trưng đã khiến các nhà nghiên cứu băn khoăn xác lập vị trí “lãnh thổ” mà giai thoại thuộc về.

Với giai thoại Thừa Thiên Huế, vẻ đẹp dung hòa đó tồn tại như là một sự ẩn mình đầy khiêm tốn, dân dã của các “mệ”, hay những con người tiếng tăm một thuở của đất kinh kỳ. Đồng thời, thể loại này còn vẽ nên biểu đồ phát triển sinh động của các loại hình nghệ thuật khác ở Thừa Thiên Huế, ví như hò, hát bội. Và hơn thế nữa, giai thoại dường như còn minh chứng cho sự ưu ái, yêu chuộng dân gian của con người xứ này khi “cửa” văn học thành văn đã mở toang vồn vã.

1. Khái lược về giai thoại và giai thoại Thừa Thiên Huế

Giai thoại là một thể loại có số lượng tác phẩm lớn và rất đa dạng, phong phú. Tuy nhiên hiện nay, định nghĩa về thể loại này vẫn chưa có được sự đồng thuận cao độ và còn nhiều điều gây tranh cãi.

Trong bài nghiên cứu Giai thoại - một thể loại văn học dân gian, PGS.TS.Nguyễn Thị Bích Hà (Khoa Việt Nam học, ĐHSP Hà Nội) đã thống kê tất cả các định nghĩa giai thoại của các nhà nghiên cứu: Trần Thanh Mại (Giai thoại văn học, 1965); Vũ Ngọc Khánh (Kho tàng giai thoại Việt Nam, 1994); Kiều Thu Hoạch (Văn học dân gian người Việt, góc nhìn thể loại, 2006); hay của Từ điển Văn học do Nxb Thế giới phát hành năm 2004 (do Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá (chủ biên) biên soạn)… Từ cơ sở giới thiệu định nghĩa, bên cạnh sự đồng tình với một vài ý kiến, PGS.TS.Nguyễn Thị Bích Hà cũng đã chỉ ra những vấn đề còn tồn tại trong các cách nhận diện và đánh giá giai thoại.

Riêng tính chất loại hình của giai thoại, bà viết “chúng tôi đồng tình với ý kiến của Kiều Thu Hoạch khi trình bày lí do khiến ông coi giai thoại như một thể loại trong loại hình tự sự của văn học dân gian”1.

PGS.TS.Nguyễn Thị Bích Hà đã tạm thời phân loại giai thoại thành 3 bộ phận:

- Giai thoại văn học.

- Giai thoại danh nhân.

- Giai thoại cười.

Đây là bài viết mang tính chất tổng hợp tương đối đầy đủ và đưa ra nhiều kiến giải khoa học cho thể loại giai thoại. PGS.TS.Nguyễn Thị Bích Hà đã nhận xét “Qua ý kiến của một số nhà nghiên cứu trên về giai thoại, có thể thấy còn một số vấn đề đang bỏ ngỏ hoặc đang còn dang dở chưa được đi đến cùng”2. Và “để có thể coi giai thoại như một thể loại văn học dân gian, có thể đưa thể loại này vào giảng dạy chính thức trong nhà trường thì còn cần thời gian và cần thêm những nghiên cứu chuyên sâu hơn” 3.

Với giai thoại Thừa Thiên Huế, các nhà nghiên cứu đã xếp thể loại này ngang hàng với truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện cười trong truyện dân gian Thừa Thiên Huế. Nghĩa là họ đã nghiễm nhiên xem giai thoại là một thể loại trong loại hình tự sự của văn học dân gian. Điều này khẳng định vị trí và vai trò của giai thoại trong kho tàng văn học dân gian và dòng chảy văn học Thừa Thiên Huế.

Trong Đặc khảo văn học dân gian Thừa Thiên Huế, TS. Lê Văn Chưởng đã có bảng thống kê truyện dân gian Thừa Thiên Huế (những công trình tiêu biểu) như sau4:

TT

Tên công trình

Thể loại

Truyền thuyết

Cổ tích

Truyện cười

Giai thoại

1

Ô Châu cận lục, Dương Văn An, 1555

19

1

0

0

2

Đại Nam nhất thống chí, Quốc sử quán, 1910

23

2

0

0

3

Đại Nam liệt truyện, Quốc sử quán, tập 4, 1910

5

0

0

0

4

Huế những giai thoại, Tôn Thất Bình, 1987

0

0

0

59

5

Văn học dân gian Bình Trị Thiên, ĐHSP Huế, 1988

3

6

0

4

6

Văn học dân gian Hương Phú, Triều Nguyên, 1988

4

15

33

30

7

Nụ cười xứ Huế, Tôn Thất Bình, 2004

0

0

43

73

TC

320 truyện (do có trùng lặp nên chỉ còn 308 truyện)

54

24

80

162

Bảng thống kê trên không những đã chỉ ra được số lượng giai thoại của Thừa Thiên Huế mà còn ghi đậm dấu ấn những bước sưu tầm, biên soạn, và nghiên cứu giai thoại trong các công trình nghiên cứu.

Những con số trong bảng thống kê của TS. Lê Văn Chưởng (giai thoại chiếm 52% trong tổng số 308 truyện dân gian) đã nói lên ưu thế của giai thoại trong văn học dân gian Thừa Thiên Huế.

Tuy vậy, với thể loại này, ngoài công tác sưu tầm điền dã, biên soạn thì mảng nghiên cứu vẫn chưa có được sự quan tâm thật sự xứng đáng. Và ngay cả sự phân loại, gọi tên cho mỗi dòng riêng trong dòng chung giai thoại vẫn còn tồn tại nhiều hướng đi.

PTS. Tôn Thất Bình, người dành rất nhiều tâm huyết cho giai thoại, đã có các công trình về thể loại này: Huế những giai thoại (Nxb Văn hóa thông tin Bình Trị Thiên, 1987), Truyện kể dân gian Thừa Thiên Huế (Tôn Thất Bình (chủ biên), Tổng tập văn học dân gian Thừa Thiên Huế, tập 1, Nxb Văn hóa dân tộc, 1998), Nụ cười xứ Huế (Nxb Thuận Hóa, 2004). Và trong mỗi công trình, ông lại có những cách phân loại và gọi tên riêng:

Huế những giai thoại: 1. Chuyện các mệ; 2. Giai thoại về làng ria mão; 3. Giai thoại từ dân gian đến cung đình.

Truyện kể dân gian Thừa Thiên Huế phân loại giai thoại thành 6 loại: 1. Giai thoại hò; 2. Giai thoại các mệ; 3. Giai thoại sư Viên Thành; 4. Giai thoại Nguyễn Kinh; 5. Giai thoại hò hát của Ưng Bình Thúc Giạ Thị và Thảo Am Nguyễn Khoa Vi; 6. Giai thoại hát bội.

Nụ cười xứ Huế: 1. Giai thoại sáng tác thơ văn trào phúng ở Huế; 2. Giai thoại văn học từ dân gian đến cung đình; 3. Giai thoại sân khấu.

Có lẽ trong Nụ cười xứ Huế, PTS. Tôn Thất Bình đã lựa chọn, xâu chuỗi để có cách phân loại tương đối hợp lý nhất và nhấn mạnh những đặc trưng riêng của giai thoại Thừa Thiên Huế.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu Triều Nguyên chỉ mới đề cập đến giai thoại (truyện hò) trong Văn học dân gian Hương Phú (Nxb Văn hóa thông tin Bình Trị Thiên, 1988). Và khác Tôn Thất Bình, nhà nghiên cứu Triều Nguyên đặt “Truyện Nguyễn Kinh” tách riêng ra khỏi giai thoại, thành một bộ phận riêng biệt thuộc hệ thống truyện dân gian.

TS. Lê Văn Chưởng lại không đồng nhất quan điểm này với Tôn Thất Bình và Triều Nguyên, ông xếp “Truyện Nguyễn Kinh” vào truyện trào phúng vì “truyện cười có tính hiện thực, đối tượng nụ cười là những hạng người thuộc tầng lớp trên ở nông thôn như ông lý, trọc phú, người có chút chữ nghĩa”5. Và ông phân loại giai thoại thành 4 loại: 1. Giai thoại sinh hoạt hò; 2. Giai thoại sân khấu; 3. Giai thoại vua – quan – hoàng tộc; 4. Giai thoại sáng tác thơ văn.

Theo chúng tôi, “Truyện Nguyễn Kinh” có thể xếp vào giai thoại bởi lẽ chúng tôi thống nhất với quan điểm của PGS.TS.Nguyễn Thị Bích Hà: “Những truyện này giống truyện tiếu lâm ở một số tình tiết gây cười, nhưng khác tiếu lâm ở chỗ nó có một nhân vật trung tâm, đây đồng thời là nhân vật gây cười chứ không phải là đối tượng của tiếng cười”6.

Và sự phân loại của các nhà nghiên cứu trên vẫn còn trùng lặp, chồng chéo lên nhau giữa các loại nhỏ. Ví như: những nhân vật thuộc hoàng tộc cũng xuất hiện với vai trò rất quan trọng, người hướng dẫn, “khơi đề tài” cho các cuộc hát hò nên rất khó để tách giai thoại sinh hoạt hò và giai thoại vua – quan – hoàng tộc (Ưng Bình Thúc Giạ Thị). Hay tương tự, một vài điểm trùng lặp giữa giai thoại sáng tác thơ văn trào phúng ở Huế và giai thoại văn học từ dân gian đến cung đình. Hoặc ngay giai thoại Vua tuồng và vua Tự Đức cũng vừa liên quan vua chúa, vừa gắn bó với sân khấu…Vậy nên, chúng tôi nghĩ rằng sự phân chia nhỏ, chưa thể khái quát lại có những thế mạnh riêng và tránh được sự chồng chéo trong giai thoại Thừa Thiên Huế.

Song cần khẳng định rằng giai thoại Thừa Thiên Huế đã thật sự có một chỗ đứng và kiến tạo thêm sự phong phú, đa sắc màu cho văn học dân gian địa phương.

2. Đặc điểm của giai thoại Thừa Thiên Huế

Theo quan điểm của chúng tôi, giai thoại Thừa Thiên Huế không chỉ đơn thuần là “những mẩu chuyện ngắn gọn, vui vui dựa vào những nhân vật, những tình tiết có thật được diễn tả một cách khéo léo, thấp thoáng yếu tố cười”7 và mục đích của giai thoại không chỉ đơn giản là “mang lại không khí vui tươi, cái nụ cười tao nhã”8.

Điều quan trọng là giai thoại ẩn chứa rất nhiều câu chuyện khác, ngoài việc “mua vui”. Đó có thể là kết cấu của một cuộc hát hò đôi lứa, là câu chuyện tình yêu, là cách ứng xử trong cuộc sống,… Hơn thế nữa, qua giai thoại, lối sống, tính cách của con người Thừa Thiên và văn hóa của đất Thừa Thiên được khắc họa một cách tinh tế. Và, nét riêng rất đặc trưng của giai thoại Thừa Thiên Huế chính là những câu chuyện xoay quanh nhân vật “mệ”, nhân vật duy chỉ có trong “nước Huế” - như cách mọi người vẫn gọi đùa.

Ở phần này, chúng tôi sẽ đi vào giới thiệu đặc điểm của giai thoại Thừa Thiên Huế qua từng loại nhỏ: Giai thoại hò; Giai thoại Nguyễn Kinh; Giai thoại sân khấu (hát bội); Giai thoại các mệ.

Giai thoại về hò nên yếu tố xuất hiện thường xuyên, giữ vai trò chủ đạo trong các câu chuyện đương nhiên là những câu hò đối đáp.

Hò đối đáp giữa nam thanh nữ tú không chỉ khuôn trong những cuộc thi thố (buổi hò giã gạo, hội đua trải,…) mà không gian để các câu hò ngân lên lại là bất kỳ ngõ ngách nào của cuộc sống: gặp gỡ tình cờ trên con đường làng (Góa chồng không dễ ghẹo), giữa đông vui của ngày hội xuân (Tại cái khăn chéo hạnh), hàng hiên trước phòng của người đẹp (Cái ve vàng), một đêm trăng (Nhún lên nhún xuống, chui ngoài chui vô), hay đơn giản là trong vuông sân nhỏ (Số ở nhà lều)…

Và ở đó, những cung bậc của tình cảm đôi lứa được len nhẹ và ngân xa: trách cứ vì tưởng người phụ bạc (Em đà ăn miếng trầu người); yêu thương để nên vợ nên chồng dù gia cảnh nghèo nàn (Đền nợ uống đắng ăn cay) hay hình thức khiếm khuyết (Nôốc sứt mui gặp tay cán vá); xót xa, kiêu hãnh của những đôi đũa lệch (Cự tuyệt);… Song không dừng ở đó, hò đối đáp còn vươn xa hơn nữa: phê phán quan lại kiêu ngạo (Con lươn, con lệch trơn lù lù); chỉ trích thói ham giàu, tham chức tước (Cái du du ta tát nước mà ngờ lọng che); bài trừ nạn cờ bạc đỏ đen (Lỡ tay thua bạc); căm thù giặc và dành tình cảm yêu quý ruột thịt cho những người kháng chiến (Trai con Hồng cháu Lạc, gái cũng cháu Lạc con Hồng)…

Điều thú vị ở giai thoại hò đối đáp chính là khả năng ứng biến và hoạt ngôn của các nhân vật giỏi hò, đặc biệt những nhân vật đã vang danh như o Quy, anh Long, thầy Điệt.

Người đọc có thể tấm tắc ngợi khen tài ứng biến của nhân vật, ví như giai thoại Lấy chồng làng xa. Chàng trai gặp lại người thương giờ đã lấy chồng làng khác nên hạch hỏi và đôi câu hò qua về của hai người như sau:

“Chàng:

Trai làng ở góa đang đông

Ai cho em bậu lấy chồng làng xa.

Nàng:

Trai làng chê khó không dùng

Nên chi em phải lấy chồng làng xa.

Chàng (“quýnh quáng thuyết bậy”9):

Tưởng em lấy đặng quan gia

Ai ngờ nơi “mây chằm tre chẻ”, chi bằng bậu trở lại lấy choa cho rồi.

Nàng:

Anh có thương em, về kiếm cho được vảy lươn, xương ốc, rễ cột nhà

Khi nớ mới vô đây kết nghĩa giao hòa cùng em”.

Những hình ảnh “vảy lươn, xương ốc, rễ cột nhà” khá gần gũi, quen thuộc vì đây là cách nói thường gặp trong ca dao để hàm ý về điều không thể thành hiện thực.

Ngoài ra, giai thoại hò còn bao gồm cả những giai thoại gắn liền với hai nhân vật nổi tiếng “gà” bài trong các cuộc hát hò: Ưng Bình Thúc Giạ Thị và Thảo Am Nguyễn Khoa Vi.

Ưng Bình Thúc Giạ Thị, vị đại thần vương tôn Triều Nguyễn này đã “tự họa” như sau:

“Vĩ Dạ thôn có lão vương tôn Thúc Giạ

Ưng ca, ưng hát, ưng giã gạo hò khoan

Ham vui điệu cỗ thi đàn

Nghe câu tuyệt xướng muôn vàng cũng mua”

Còn Thảo Am Nguyễn Khoa Vi lại là một nhà thơ có tài trào phúng, bạn thâm giao của Ưng Bình.

Bởi vậy, với hai nhân vật trên, hát hò trở thành thú vui và cũng là một nét thể hiện “tính cách dân dã”10 của họ.

Trong mảng giai thoại hò của Ưng Bình Thúc Giạ Thị và Thảo Am Nguyễn Khoa Vi, hò cũng không chỉ đơn thuần để đối đáp mà còn là phương tiện để chuyên chở những vấn đề khác: ca ngợi món ăn (Câu hò và chén bánh canh Nam Phổ); cổ động học chữ quốc ngữ; nỗi niềm về nhân vật lịch sử (Ai là ai trong hai lời hò?); trào phúng về quan lại (Đánh một vị quan lớn); biểu tình (Câu hò biểu tình)… Và đôi khi, câu hò được họ hát lên để xót xa cho phận người, như cảnh “người đàn bà nhà quê tay ôm một gói cơm bới, tay xách bình nước chè đang đứng trước Tòa Khâm,… ở một vùng quê xa cách thành phố đến mấy chục cây số, lên đây thăm nuôi chồng” (Cơm độc lập, nước tự do):

“Tay xách nước chè một hũ

Tay đùm cơm bới một mo

Cơm Độc lập, nước Tự do

Đứng ngoài cửa ngục gởi vô cho chồng”

Giai thoại hò đã là minh chứng rõ ràng cho tình yêu hò hát của người dân Thừa Thiên. Vì vậy câu hò vang lên ở mọi nơi và có rất nhiều chủ đề được gởi gắm.

Giai thoại Nguyễn Kinh là những câu chuyện gắn liền với nhân vật có thật Nguyễn Kinh (1898 – 1947) sinh trưởng ở làng Trường Hà, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. “Ông có tài hùng biện, ứng tác hò, vè”11.

Nhân vật và hệ thống giai thoại này có nhiều nét đồng điệu với Truyện Trạng Quỳnh. Ở đây, Nguyễn Kinh cũng là kẻ “khởi sự” cho tiếng cười đả kích, trào phúng lan tỏa.

Không chỉ bằng những tài lẻ như diễn hài (Cái bị lác của kẻ ăn mày), làm thơ (Ăn uống vui say chung cả đám, Bạo thiên nghịch địa) mà Nguyễn Kinh còn có “lắm trò ma quỷ” để bóc toạc những thói hư tật xấu, làm bẽ mặt các cụ lớn (Lý trưởng mất phần, Những người khách không mời, Chạy đi thề), bọn nhà giàu khinh người (Nó giàu, mặc cha nó), hay phê phán thói mê tín dị đoan trong nhân dân (Đem cho nải chuối, Các ngươi không biết ta ư?)...

Ngoài những trò trả đũa, xỏ xiên, Nguyễn Kinh còn nổi tiếng là kẻ hay chữ, nhanh việc nên dù kiêng nể, bọn quan lại vẫn muốn giao du, dò hỏi ý kiến.Trong giai thoại Phú ông đổi tên, vì phú ông Bụi giàu có, bủn xỉn vừa mua được hàng bát phẩm, Nguyễn Kinh gợi chuyện đổi tên khác cho phù hợp. Bát Bụi được lời nhờ vả “Thầy chữ nghĩa đầy bụng, tìm được cho tôi cái tên khác thì quý hóa quá”. Kinh hẹn ngày làm lễ cúng đặt tên và chọn tên Bạch cho bát Bụi. Sau khi ăn uống no say, Kinh bước ra khỏi cửa mới bật cười “to như pháo nổ” khiến mọi người giật mình và chợt hiểu ngụ ý sâu xa của cái tên này: “Vợ ông chủ có tên cúng cơm là Tuyết. Lâu nay quen gọi theo tên chồng, sau đó, lên chức “bà” khiến ngay cả người thân cũng quên bẵng đi. Nay cái tên Bạch của phú ông, gợi ra tên Tuyết của phú bà, ghép lại thành Bạch Tuyết. Mà trong bộ bài tới, trăm người đều biết, đó là tên một quân bài ám chỉ chỗ kín…của phụ nữ”, trái ngược hoàn toàn với lời giải thích của Kinh về Bạch “là trắng, sáng sủa, trong sạch…”. Vì vậy, dẫu giận dữ nhưng bát Bạch đành ngậm bồ hòn làm ngọt, không thể bắt bớ Nguyễn Kinh.

Ở đây, phương thức ẩn tục trong thanh quen thuộc và sự xuất hiện trò chơi bài tới đã thật sự thể hiện nét dân dã trong tính cách của Nguyễn Kinh, con người xuất thân từ ruộng đồng và gần gũi với nhân dân.

Giai thoại các mệ là một đặc trưng rất riêng của giai thoại đất Cố đô.

Bùi Minh Đức định nghĩa Mệ như sau: “con cháu Hoàng tộc, cả trai và cả gái thường được gọi là “Mệ” và “Mụ”. Chữ “Mệ” thường được dùng cho con vua, con Ông Hoàng Bà Chúa… Chữ “Mụ” dùng cho con của các “Mệ”. Nhưng ngày nay, người ta cũng dùng lẫn lộn hai chữ “Mệ”, “Mụ”… Tập tục gọi Mệ Mụ này bắt đầu từ chúa Nguyễn Phúc Khoát (1714-1765), tức chúa thứ tám triều Nguyễn vì sinh con trai khó nuôi nên gọi bằng tên con gái” 12.

“Mệ” của giai thoại dù vẫn là đại từ “mệ” mà khu vực miền Trung thường dành cho những cụ bà lớn tuổi, tuy nhiên lại mang một hàm nghĩa riêng đặc biệt phong phú. Bởi lẽ đôi khi “mệ” không chỉ là một đại từ nhân xưng, mà còn là một tính từ chỉ tính cách.

Mệ là hiện thân của sự thống nhất nhiều tính cách đối lập, tạo nên một nét riêng, khó có thể định nghĩa đầy đủ, chính xác, khó có thể nhầm lẫn và khó có thể bắt chước được. Tuy là con cháu Hoàng tộc, mang trong mình dòng máu của vua chúa hơi kiểu cách, nhưng đời sống của các mệ không phải tất cả đều giàu có nên lại rất dân dã. Giai thoại về mệ có lẽ là nơi thể hiện những dấu ấn ấy rõ ràng nhất, và có thể chính bởi sự riêng biệt kỳ cục và kỳ lạ trong những nhân vật này đã khiến các câu chuyện có sức lan truyền xa rộng và sức sống bền lâu.

Mệ khác người trong lối hài hước vác lẻ củi to đỏ lửa để châm thuốc cho vua nhằm tránh bị phạt như mệ San (Thông minh từ thuở nhỏ), ngộ nghĩnh trong cách trả thù độc đáo của mệ Cò Theo đặt tên con là Mèo để cắn cổ Chuột (người mệ yêu nhưng không thể cưới – NTQH) (Một cách trả thù).

Mệ cũng khác người trong những bao biện ngang như cua nhưng đầy tự nhiên, kiêu hãnh khi nhận ra chính chân mình gác mình “Gác hỉ! Gác lưng người ta hỉ! Mệ phạt: ngày mai không cho đi guốc mô”, khi bị bắt gặp leo trộm cau nhà hàng xóm “Mi nói chi? Mệ đây chứ phải hạng tào lao xịt bộp, cha hồ chú nhẫn mô! Nói bậy mệ ngứt óc đi chừ!... Bởi mệ thấy cây cau nhà mi cao, mệ trèo lên ngó cột cờ Phu Văn Lâu của mệ một chút cho đỡ nhớ, có cho mà mần ỏm lên rứa?” (Mệ về quê), hay khéo ứng tác khi túng tiền, viết câu đối thay quà mừng cưới “Không đi không phải, phải đi không/ Có tới có hơn, hơn tới có” (Quà mừng đám cưới).

Thơ của mệ cũng thường xuất thần giữa những cuộc vui về mọi vật gần gũi “Không quen ăn ớt, ớt thì cay/ Tha thít cho qua một buổi này/ Những miếng ngọt ngon nào có thiếu/ Mùi đời biết đủ cũng là hay”, “Không quen uống rượu, uống thì say/ Mấy chén mà ra cớ sự này/ Ấy cái nợ đời là đó đó/ Người đời tránh khỏi cũng là may” (Các mệ xướng họa thơ ca), hay về cù lao nấu nước “Giật mình thức dậy soạn cù lao/ Lửa đỏ lên rồi sáng quá sao!/ Mở mắt đã toan lo việc nước/ Năng tay còn sợ nỗi trong trào” (Vịnh cù lao nấu nước).

Và mệ cũng rất sĩ diện lúc đánh trống lảng bởi sợ người yêu gặp cảnh mệ tự mình ôm om ra bến vo gạo (Thả đèn om),…

Hình ảnh mệ của đời thường đã được cách điệu trên sân khấu với chân dung của “vai Bột… nhân vật con quan, mặt dồi phấn trắng, đầu quấn khăn nhiễu xanh hoặc đỏ, mặc áo gấm” và bằng những nét khắc họa tính cách:

“Bớ bây!

Sớm mai tảng tạng tàng tang,

Mệ bảo thằng tê bắt con kiến càng;

Lấy sợi dây chàng,

Xỏ ngang lỗ mũi,

Cho mệ dắt đi chơi…

Có không? Hứ, bớ bây!

Đi mô mà mệ kiếm đôn kiếm đáo,

Đảo địa thiên tôn,

Hà môn chi xứ,

Am tự chùa lôi,

Thấy bành thấy xôi,

Thấy ông phật đang ngồi,

Mà chẳng thấy bây,

Rứa bây?”

Cách chơi ngông, cùng lối ăn nói ngông, đôi chút trịch thượng với một vài chữ Hán, nhưng đậm đặc cái dân dã trong tiếng “rứa bây” đã phần nào phản ánh tính cách ưa chi làm nấy, ưa chi nói nấy của mệ.

Sư Viên Thành (Mệ Hoài Trấp), vị tổ khai sáng chùa Trà Am nổi danh ở Huế, lại có những tính cách mệ rất khác. Sư Viên Thành rất tế nhị khi bảo ăn chay hay mặn đều được, và thản nhiên ăn cơm với muối tiêu để không làm phiền gia chủ (Công đâu ngồi quệt mũi), hài hước pha trò sửa câu đối (Tiên cuốc Phật cào),… Đặc biệt sư Viên Thành cũng thường làm thơ, thơ đùa khéo người (Đùa Tâm Tĩnh hòa thượng, Bài thơ con cóc, “Bồ tát thụ”, “ngạc nghiêm kinh”), thơ họa (Họa thơ với Nguyễn Thượng Hiền) và thơ tự trào về lối sống bình dị của mình (Tự trào),…

Giai thoại hát bội lại là những câu chuyện buồn vui nơi sân khấu, và chuyện đời, chuyện nghề của người nghệ sĩ.

Ở đó, khả năng ứng biến tài tình và sự xuất thần trong diễn xuất của người nghệ sĩ được thể hiện rất rõ (Trương Phì, Nhập vai xuất thần...). Để có được sự tinh tế trong diễn xuất, thậm chí người diễn viên bị bạt tai nhưng vẫn nín lặng, chịu lỗi như Cửu Thẻ bị Mệ Tàu khiển trách “Mi coi người ta không biết tuồng răng mà hát với diễn như rứa! Vợ bổ lăn chiêng dưới đất mà cứ chạy thẳng, không ngoái lại một chút xem vợ thương tích ra răng, cứ “theo tặc nhân”. Tặc nhân cái con khỉ!” trong Bạt Hổ bị bạt tai. Và đâu đó cũng toát lên tính cách hài hước của họ (Tài bông lơn của hề Sỏi). Vua tuồng và vua Tự Đức là một trong những câu chuyện bộc lộ sự tự nhiên, hài hước và bạo gan trong diễn xuất của người nghệ sĩ. Kép Đội Vung đã khiến vua đang buồn bực cũng phải phì cười khi vua Vung lại gần xin “Cho tớ hút một hơi”. Có thể nói, chỉ bằng những câu chuyện ngắn gọn với một chi tiết nhỏ nhưng đã có thể vẽ nên dung mạo tài năng của diễn viên hát bội Thừa Thiên Huế. Những tên tuổi như Cửu Thẻ, Sáu Đá, Đội Vung, Đội Xự, ông Phi... sẽ ở đời cùng giai thoại.

Hơn thế nữa, hát bội là thể loại nghệ thuật được vua quan triều Nguyễn đặc biệt ưa chuộng. Vì vậy, người nghệ sĩ với tài năng của mình rất dễ được ghi nhận và được vua tặng thưởng bằng chức tước, cùng bổng lộc (Diễn vai chuột được tặng hàm cửu phẩm), thậm chí được tạm thời ra tù để diễn cho vua xem (Cáp Tô Văn ngồi tù). Có lẽ chính điều này đã khiến hát bội càng có nhiều câu chuyện trở thành những giai thoại.

Đương nhiên, đôi khi vì say mê diễn (Từ thắng tướng trở thành bại tướng) hay những lý do khác (lập lờ giữa cuộc sống thực và sân khấu để trêu chọc, nhái lại giọng điệu để đùa ghẹo, sự lơ đãng,...), có thể rất đời thường mà trên sân khấu hát bội và sau hậu trường cũng có những chuyện bi hài được người đời lưu truyền: Tạ Đình Ôn mất râu, Tạ Đình Ôn say, Châu Thương không chịu đỡ chân quan ngài, Nhị kiệt tranh hùng,...  Ngoài ra, giai thoại hát bội cũng đánh dấu sự sáng tạo của người quản lý khi lập một bàn thờ ông Thần Tiểu để buộc khán giả không được tiếp tục phóng uế bừa bãi ở góc phía sau rạp Đồng Xuân Lâu (Bàn thờ kì lạ).

Trong giai thoại hát bội, tiếng cười trào phúng đả kích người cầm chầu, cường hào, quan lại cũng rộ lên rộn rã (Thùng không, Con chi vừa đực vừa cái, Bông bí đỏ).

Giai thoại hát bội tuy không nhiều về số lượng nhưng đủ để giới thiệu về đời sống của thể loại này trong sự đa màu của nghệ thuật Thừa Thiên Huế.

Giai thoại Thừa Thiên Huế mang đến nhiều câu chuyện thú vị về tính cách, lối sống của con người, và nét đẹp văn hóa của vùng đất Thần kinh xen lẫn trong những tiếng cười thư thái. Ở đó, đặc biệt nổi bật lên tính cách vui tươi, tâm hồn rộng mở với thơ ca và hát hò của con người xứ Huế, một nét rất khác biệt với cách nghĩ người Huế thâm trầm bấy lâu.

3. Giai thoại Thừa Thiên Huế - mùa cũ hương xa

Ở tiểu mục này, chúng tôi chọn cụm từ “mùa cũ hương xa” vì một lẽ: không chỉ ngay trong thể loại này có sự kết hợp giữa truyền miệng và tính chất bác học, mà trên nền tảng dân gian, với những đặc trưng rất riêng, giai thoại Thừa Thiên Huế cũng đã có bước tiếp cận các yếu tố hiện đại, phản chiếu những sự kiện của cuộc sống đang trôi chảy. Và trên cơ sở những kiến giải sơ khởi, chúng tôi mạn phép đưa ra các phương hướng trả lời cho những câu hỏi như: vì sao văn học viết đã xuất hiện nhưng giai thoại vẫn có chỗ đứng trong đời sống văn học của quần chúng? Vì sao giai thoại vẫn chưa thể được nhìn nhận như một thể loại đặc trưng và chưa thể đưa vào chương trình giảng dạy?... Tuy chỉ xét giai thoại Thừa Thiên Huế, nhưng chúng tôi hi vọng những kiến giải này sẽ phần nào cho thấy được những đặc trưng thú vị của thể loại giai thoại nói chung và giai thoại Thừa Thiên Huế nói riêng.

Những câu chuyện trong giai thoại có thể là những sự việc có thật và được một hay nhiều người tham gia sự kiện đó kể lại như là một món quà vui, hay là sự trầm trồ khâm phục cho bạn bè xung quanh. Và sau đó, câu chuyện tiếp tục được lan tỏa nhờ việc truyền miệng của những người khác, những người không trực tiếp tham gia sự kiện nhưng thích thú với câu chuyện. Có lẽ tính chất ban đầu của giai thoại cũng giống như những câu chuyện “vỉa hè” hiện nay, đó thật sự là câu chuyện thú vị, cuốn hút mọi người cùng kể, cùng bàn tán. Đương nhiên, chúng tôi cũng không loại trừ khả năng người kể tự sáng tạo nên câu chuyện vì mục đích riêng.

Trong giai thoại Thừa Thiên Huế, chúng tôi dễ dàng nhận ra những dấu vết nhằm cụ thể hóa địa điểm, thời gian sự việc đó xảy ra. Ví như: “làng Bao La (Phong Điền)”, “chuyện xảy ra vào khoảng 1945”, “rạp Đồng Xuân Lâu (hiện ở đường Phan Đăng Lưu, Huế)”, “cuộc hò giã gạo ở làng An Nông (Nong) thuộc Phú Lộc vào khoảng cuối năm này (1937 – NTQH)”, “năm 1933, Thúc Giạ đến thăm Tỳ bà viện do nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba cầm chịch ở Huế”,… Điều này mang tính chất xác tín câu chuyện được kể, mặc dù số liệu đưa ra không nhiều và chỉ có giá trị tương đối. Riêng đối với những giai thoại về các nhân vật có thật trong lịch sử thì yếu tố chỉ thời gian, địa điểm được chú trọng hơn. Song cũng có người giả định rằng những yếu tố chỉ thời gian, địa điểm đó đơn thuần được người kể thêm thắt vào câu chuyện. Giả định này cũng không hề sai, bởi đặc tính truyền miệng của văn học dân gian.

Bên cạnh thời gian, địa điểm được xác định tương đối, giai thoại Thừa Thiên Huế còn kể về những nhân vật có thật trong lịch sử (Ưng Bình Thúc Giạ Thị, Thảo Am Nguyễn Khoa Vi, sư Viên Thành, mệ Vĩnh San - vua Duy Tân sau này, mệ Cò Theo -cháu của Tuy Lý Vương, Nguyễn Kinh,…). Những câu chuyện này góp phần phác họa chân dung các nhân vật. Hay nói cách khác, đó “chỉ là những tiểu tiết trong sinh hoạt, không mang ý nghĩa trọng đại đối với cộng đồng,… chỉ là các giai thoại góp phần phác thảo chân dung nhân vật danh nhân được mọi người ngưỡng mộ”13. Những người nổi tiếng hiện nay được người hâm mộ quan tâm từ chuyện ăn, ngủ, đến trang phục,…, thì câu chuyện xung quanh các nhân vật này và đặc biệt những người ở chốn thâm cung bí sử càng được mọi người tò mò, háo hức tìm hiểu và lưu truyền.

Chính bởi những điều trên nên giai thoại là một thể loại có sức sống bền lâu. “Do hoàn cảnh và điều kiện cụ thể của từng thời kỳ mà nhân dân quan tâm đặc biệt đến vấn đề này hay vấn đề khác. Cũng do yêu cầu của cuộc sống và những truyền thống văn hóa – thẩm mỹ sẵn có ở từng thời kỳ mà một số thể loại này nảy sinh phồn thịnh, đậm đà nội dung và tính chất thời đại trội hơn các thể, loại khác”14.

Nếu vẫn còn những con người, những sự việc quần chúng nhân dân quan tâm thì những câu chuyện đó sẽ còn được chắt lọc và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Con người giao tiếp với nhau hàng ngày và những chủ đề được đề cập đến sẽ không thể loại trừ những câu chuyện thú vị ấy. Đó chính là cuộc sống muôn màu được truyền lan và chọn lọc. Chúng tôi nhắc đi nhắc lại cụm từ “thú vị” cho câu chuyện vì nếu không chứa những giá trị nhất định thì thời gian và trí nhớ của con người sẽ làm rất tốt nhiệm vụ sàng lọc.

“Nếu tính tập thể của văn học dân gian thể hiện nhu cầu sáng tác của nhân dân với tư cách là một tập thể thì tính truyền miệng của văn học dân gian thể hiện nhu cầu sáng tác trực tiếp, nhu cầu giao tiếp trực tiếp bằng phương tiện nghệ thuật, bên cạnh những nhu cầu sáng tác cá nhân và nhu cầu giao tiếp gián tiếp bằng phương tiện nghệ thuật do văn học thành văn làm thỏa mãn”15.

Vì vậy, dù văn học thành văn đã xuất hiện, nhưng giai thoại vẫn tiếp tục khẳng định vị thế của mình.

Hơn thế nữa, với giai thoại, vai trò của người kể rất quan trọng. Như đã nói ở trên, người kể đầu tiên là người chứng thực sự việc và có thể là người đóng vai trò dẫn chuyện trong tác phẩm, người giới thiệu và bình phẩm sự việc. Do vậy, chức năng sáng tạo sẽ ít hơn chức năng kể. Với những người kể lưu truyền tiếp sau cũng như vậy. Hay nói cách khác, người kể giai thoại có thể được xem như là “thư ký” của cuộc sống.

Cũng cần nói đến vai trò của người sưu tầm, biên soạn giai thoại. Hầu hết tên đề của giai thoại Thừa Thiên Huế là những cụm từ xuất hiện ngay trong câu chuyện, thậm chí là trong các bài hò: Em thương răng đặng - “Chú chít khăn đỏ chú ngồi trên voi/ Em thương răng đặng mà đòi em thương?”, Đó có đôi, đây cũng ngồi hai đứa – “Đó có đôi, đây cũng ngồi hai đứa/ Đó ăn cơm vàng, đây cũng dựa bóng trăng thanh”, Chém cho biết mặt - “Ừ, để yên cả lũ đó, thủng thẳng rồi mệ sẽ chém ngay vài đứa cho biết mặt”, Nó giàu, mặc cha nó – “Nó giàu mặc cha nó, bác nờ!”,… Đó là những từ khóa đơn giản, khái quát truyện. Đặc biệt, chỉ cần cụm từ đó được nhắc đến, người nghe, người kể sẽ nhớ ngay đến toàn bộ nội dung câu chuyện, hay giữ vai trò như một câu mang tính gợi nhắc cho những câu hò tiếp theo.

Tính đơn giản của tiêu đề này cũng vừa thể hiện sự hấp dẫn của chính những câu chuyện, đồng thời vừa giúp giai thoại được lưu truyền dễ dàng hơn.

Ngoài ra, giai thoại Thừa Thiên Huế luôn có sự góp mặt của những người hay chữ, kể cả người giỏi hò hay suốt đời gắn bó với nông thôn. Họ thể hiện sự uyên thông của mình trong cách chọn từ để đối đáp trong các bài hò (“Rỗ sanh rỗ sít, rỗ rịt tám tầng/ Ai thương rỗ, rỗ lần tới đây... Em ơi, chớ thấy rỗ mà phiền/ Một rỗ một tiền cũng được một quan”), chọn tứ cho bài thơ (“Lũ quỷ nay lại về lũy cũ/ Thầy tu mô phật cũng thù Tây!”), và đôi khi ngay cả trong những câu đùa vui (“Bất tục tức tiên cuốc/ Đa tình thị Phật cào”). Và họ cũng là người đã thức thời, nhanh nhạy đem các sự kiện của lịch sử vào câu chuyện rôm rả của mình: “Nghe tin Nam bộ máu đổ đầu rơi...” (sự kiện Pháp chiếm tỉnh thành Gia Định năm 1859), “Nay Tàu và Nhật hai nước đánh nhau...” (sự kiện đấu tranh đòi dân chủ nhân việc đón J.Godart, phái viên của Chính phủ Mặt trận nhân dân Pháp sang thăm nước ta tháng Giêng năm 1937),...

Do vậy, trong giai thoại Thừa Thiên Huế, sự xuất hiện của những từ mới, ngoại nhập cũng là minh chứng cho khả năng vần xoay với thời cuộc của giai thoại: “Mãn sở (hoàn tất một công trình xây dựng) rồi, em xách nón ra về... Mãn sở lô ca (local: đường xe lửa địa phương) xoay qua ba lát (ballast: một loại đá cỡ bằng nắm tay, thường dùng để rải đường)”, Năm con chim xanh đậu cành cây ngủ (ngũ)/ Sáu con bọ xít sắc lục đó tề... Tám con tu huýt kêu cây bát bát/ Mười con chuồn chuồn đỏ đít, lượn thập cú nhà” (lối chơi chữ đồng nghĩa đặc biệt giữa từ Việt, Hán Việt, Pháp Việt: năm = ngũ = xanh (cing), sáu = lục = xít (six), tám = bát = huýt (huit), mười = thập = đít (dix)),...

Thế nhưng, tính bình dân vẫn luôn được coi trọng vì đó là một nét đẹp hài hòa với quần chúng và tiếng Việt, đặc biệt những tiếng “ri, mô, răng, rứa” địa phương sẽ mãi có chỗ đứng trong giai thoại Thừa Thiên Huế. Trong giai thoại hò, lời hò Thúc Giạ tặng nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba “Con chim hoàng oanh đậu cành dương liễu/ Con chim hoàng điểu đậu nhánh mai hoa/ Giữa xuân kinh có Viện tỳ bà/ Nhạc sư có Nguyễn Hữu Ba nước mình” được đánh giá là lời giới thiệu “đúng tạng” với giới bình dân. Hay việc quan phụ mẫu hiệu đính lời hò “Cao cồn tốt cỏ trâu mê/ Ham ăn cúi mặt, không ngó về làng xưa (Ham chơi dâm dục, bỏ bề hiếu trung)... Sáo treo ba bức lẻ loi/ Treo thêm một bức cho chẵn chòi hai đôi (Không cho bướm đậu lại đòi bướm bay)... Hai hàng lụy nhỏ lâm bâu/ Thiếp có chồng, chàng có vợ, phải (chớ) dứt câu ân tình” tuy vẫn được ngợi ca, phục tài song “chỉ có những người kiến tác câu hò mới rõ là lời được sửa thì chuẩn mực, dứt khoát, hợp với khẩu khí của quan phụ mẫu nhưng không hợp với tính khí của dân”. Phạt tội hát sai lời tuồng đã ghi nhận nỗ lực ngăn chặn sự xâm lấn của từ hiện đại trong hát bội. Ở giai thoại này, cô đào Liễu vì lỡ dùng từ hiện đại (“Dạ, xin mời vào quán/ Tui vừa nộp “ba tăng” (tên loại thuế đánh vào hàng buôn bán) nên đã phải chịu nộp phạt theo quy định của rạp.

Vì lẽ đó, giai thoại cứ như một dòng chảy nhỏ men theo từng gò, bờ nông sâu của cuộc sống, song hành cùng tồn tại với dòng văn học thành văn.

Tuy nhiên, chính bởi giai thoại vẫn còn nhiều vấn đề nội tại, vẫn có những băn khoăn nghi ngại và giá trị của giai thoại vẫn cần sự thẩm định nên thể loại này vẫn chưa có được sự quan tâm một cách tương xứng, dù riêng giai thoại Thừa Thiên Huế, vị trí thể loại đã được xác lập.

Đặc biệt với giai thoại các mệ của Thừa Thiên Huế, hiện nay còn tồn tại những cách nghĩ, ví như: nghiên cứu để nói lên tính cách ngủng ngẳng của các mệ có khiến các mệ khó chịu, và phản hồi tiêu cực hay không? Song, chúng tôi cho rằng đó là một nét tính cách rất riêng, rất thú vị, và luôn được mọi người đón nhận trong niềm vui, hào khởi.

Giai thoại Thừa Thiên Huế với những nhánh nhỏ: giai thoại hò, giai thoại Nguyễn Kinh, giai thoại các mệ, giai thoại hát bội,... đã thật sự tạo được những dấu ấn riêng. Không chỉ đa dạng, phong phú về chủ đề, đề tài mà cả những yếu tố nghệ thuật (chơi chữ, nói lái,...) của giai thoại cũng góp phần tạo nên vẻ hài hòa giữa dân gian và bác học, giữa truyền thống và hiện đại. Bản thân những vấn đề nội tại của giai thoại về nội dung, tác giả (người kể), và người sưu tầm biên soạn, tuy vẫn còn những ý kiến nhiều chiều nhưng không thể phủ nhận sức sống và sức lan tỏa của giai thoại nói chung và giai thoại Thừa Thiên Huế nói riêng.

N.T.Q.H

 

Chú thích:

1, 2, 3, 6, 13. Xin xem PGS.TS.Nguyễn Thị Bích Hà: Giai thoại – một thể loại văn học dân gian, http://nguvan.hnue.edu.vn/?comp =content&id= 22&GIAI-THOAI-%E2%80%93MOT-THE-LOAi-VAN-H%E1%BB%8CC-DAN-GIAN.html

4, 5, 7, 8. Xin xem: Lê Văn Chưởng (2010), Đặc khảo văn học dân gian Việt Nam, Nxb Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 2010, tr.56, 111 và 113.

9. Những dẫn chứng giai thoại trong bài viết lấy từ Truyện kể dân gian Thừa Thiên Huế của Tôn Thất Bình chủ biên (1998), Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

10, 11. Xin xem: Tôn Thất Bình chủ biên (1998), Truyện kể dân gian Thừa Thiên Huế, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, tr.412 và 389.

12. Xin xem: Bùi Minh Đức (2004), Từ điển tiếng Huế, Nxb Văn học, TP Hồ Chí Minh, tr.579 và 580.

14, 15. Xin xem: Nguyễn Xuân Kính chủ biên (1995), Các tác gia nghiên cứu văn hóa dân gian, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.137 và 292.

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng