Văn nghệ dân gian
Nét độc đáo của nghệ thuật khảm sành sứ Huế qua một số công trình kiến trúc thời Nguyễn tiêu biểu
14:48 | 16/03/2022

PHAN THANH BÌNH

Nét độc đáo của nghệ thuật khảm sành sứ Huế qua một số công trình kiến trúc thời Nguyễn tiêu biểu
Ảnh minh họa (Internet)

Lời dẫn

Nghệ thuật khảm sành sứ Huế từ lâu đã được coi là một trong những thành tựu nổi bật của mỹ thuật thời Nguyễn, thể hiện qua cấu trúc tạo hình, hiệu quả về màu sắc, nghệ thuật và kỹ thuật chế tác, tạo dựng các hình tượng nghệ thuật độc đáo. Những giá trị tạo hình đó thể hiện qua rõ nét qua nghệ thuật trang trí khảm sành sứ như ở lăng hoàng tử Kiên Thái Vương, cung Thiên Định (lăng Khải Định), tam quan cung An Định, tam quan và bình phong cung Trường Sanh, cổng Hiển Nhân, cổng Chương Đức, bình phong lăng Lệ Thiên Anh, Thái Bình lâu, Điện Thái Hòa... trong đó còn có một số ít công trình còn nguyên bản, chưa trùng tu. Nổi bật trong phong cách khảm sứ màu vừa có tính tinh nhã cung đình, vừa có tính phóng khoáng dân gian là 03 công trình: LăngKiên Thái Vương, Cung Thiên Định và tam quan cung An Định mà chúng tôi tập trung giới thiệu dưới đây.

1. Khảm sành sứ tại lăng Kiên Thái Vương, nét đẹp nguyên sơ thấm đượm chất dân gian bình dị, sâu lắng. 

Trong hệ thống lăng tẩm các hoàng thân quốc thích của triều Nguyễn, lăng hoàng tử Kiên Thái Vương là một lăng còn lại khá nguyên vẹn. Kiến trúc lăng Kiên Thái Vương còn đọng lại vẻ đẹp trầm mặc, rêu phong với sự cuốn hút và lay động bởi nét xưa cổ đa dạng và độc đáo không chỉ ở nghệ thuật trang trí khảm sứ mà cả ở cấu trúc kiến trúc, cảnh quan không gian.

Theo Nguyễn Phước tộc thế phả, hoàng tử Kiên Thái Vương tức Nguyễn Phúc Hồng Cai là con trai thứ 26 của vua Thiệu Trị, ông sinh năm 1845, mất năm 1876 khi mới 31 tuổi. Sử sách triều Nguyễn đã ghi nhận Kiên Thái Vương là một người có chí khí, chăm chú học hành, coi trọng đức hạnh, cần kiệm nên năm 1865 được phong là Kiến quốc Công. Kiên Thái Vương cũng là người biết coi trọng phép tắc, lễ nghĩa và chính trực. Trong buổi giao thời của lịch sử những năm nửa sau thế kỷ XIX, ông đã biết vượt qua những trở ngại và sự nhạy cảm chính trị để khẳng định mình. Khi nghe tin ông mất, vua Tự Đức đã tỏ rõ sự thương tiếc và triều đình đã dành cho ông sự trọng thị khác thường. Năm 1885 khi vua Đồng Khánh lên ngôi đã tôn ông là Phụ Kiên Thái Vương. Lăng tẩm của ông được xây cất tại khu vực sát lăng Đồng Khánh - Điện Ngưng Hy với nghệ thuật trang trí nề họa, đắp nổi, chạm đá, pháp lam và khảm sứ chiếm lĩnh chủ đạo.

Trong lịch sử thời Nguyễn còn ghi nhận những điều cá biệt về gia đình của Kiên Thái Vương bởi vì ông là cha đẻ của 3 vị vua Đồng Khánh - Kiến Phúc - Hàm Nghi. Đây là điều vô cùng hiếm không chỉ ở trong các triều đại phong kiến Việt Nam mà còn có thể là rất hiếm ở Á Châu. Do vua Tự Đức không có con nên từ nhỏ nhà vua đã đưa Đồng Khánh và Kiến Phúc vào làm con nuôi và dành nhiều sự chăm sóc, dạy dỗ. Tuy nhiên những bất ổn chính sự lúc bấy giờ, sự suy tàn của nhà Nguyễn, sự can thiệp, xâm lược của Pháp đã làm cho cuộc đời của ba vị vua trẻ trở nên éo le, bi kịch và trôi dạt theo dòng chảy lịch sử giông bão của dân tộc. Những tính chất đặc biệt ở thân thế hoàng tử Kiên Thái Vương và sự biến đổi của thời cuộc, chính sự lúc bấy giờ cũng như sự ngưỡng vọng thành kính của vua Đồng Khánh đối với cha đã làm cho việc xây cất và trang trí kiến trúc lăng chứa đựng những yếu tố tâm linh huyền bí, để lại những dấu ấn riêng không chỉ trong quy mô tổng thể, tỷ lệ, không gian mà cả trong trang trí, tạo hình và tính thẩm mỹ độc đáo của nó.

Lăng Hoàng tử Kiên Thái Vương được vua Đồng Khánh cho xây dựng từ ngay sau khi ông lên ngôi (1885). Để xây dựng khu lăng này, triều đình đã  trưng tập hàng vạn thợ thuyền khắp mọi nơi, công sức đào, đắp, cải tạo cả một vùng đồi núi là rất lớn. Đích thân vua Đồng Khánh đã đến ngự tại công trường nhiều ngày để chăm lo xây dựng và hoàn thiện, chủ tế buổi khởi công xây dựng bia Thần công Thánh đức. Tổng thể mặt bằng của lăng không có thành bao xác định ranh giới như các lăng hoàng thân quốc thích hay lăng các vua, nhưng lại được định vị rất rõ không gian từ cổng chính gồm những dải ô hộc pháp lam và trụ đá khắc văn với tấm bia đặt ở giữa, còn gọi là bia Tam Vương, từ đây sẽ dẫn đến khuôn viên lăng mộ bằng hai đường tả - hữu chứ không theo trục đạo chính như các lăng trước và sau đó.

Lăng Kiên Thái Vương với 2 bi đình trái và phải được các nghệ nhân trang trí khảm sành sứ dày đặc, chúng như điểm nhấn và khẳng định vị thế của chủ nhân. Tiếp đến là thành bao (thành ngoại) cao chừng 1m80, với chiều cao tương đối cao nên bị che khuất tầm nhìn vào các cụm kiến trúc bên trong. Thành trong với cổng gạch vòm cung truyền thống của thời Nguyễn, các lớp chồng lớp những ô hộc trang trí gạch hoa văn kỷ hà kết hợp khảm sứ đắp nổi. Bên trong là bình phong và tẩm của hoàng tử Kiên Thái Vương. Nhìn chung bố cục của lăng là cân xứng, đăng đối với trục chính hướng Nam theo thuật Phong thuỷ rất được coi trọng, những đặc trưng về kết cấu kiến trúc đã dẫn đến những yêu cầu riêng về tạo hình trang trí cho tổng thể của lăng.

Lăng Kiên Thái Vương tọa lạc gần với lăng Đồng Khánh và lăng Tự Đức, dẫu được xây dựng tại một vị trí khá kín đáo, khiêm nhường nhưng vẫn toát lên tính hoành tráng, thâm trầm trong không gian thiên nhiên trữ tình, sâu lắng gợi lên những liên tưởng tâm linh lắng đọng, tĩnh lặng. Kiến trúc lăng Kiên Thái Vương đã để lại những dấu ấn độc đáo đối với các nhà nghiên cứu về sự hài hòa không gian, về cấu trúc và tính biểu cảm, trong đó hàm chứa nhiều giá trị nghệ thuật tạo hình, những giá trị đã được hình thành và vượt lên trên mọi khó khăn của buổi giao thời phức tạp, suy tàn không tránh khỏi của triều đình nhà Nguyễn.

Khi nói đến khảm sành sứ trong mỹ thuật cung đình thời Nguyễn, hầu hết chúng ta liên tưởng trước hết là lăng Khải Định với toàn bộ nội thất được khảm sứ, thuỷ tinh màu lộng lẫy, hoành tráng. Tuy nhiên ở ngoại thất lăng Khải Định chỉ sử dụng chất liệu đắp nổi nề hoạ chứ không có khảm sành sứ. Khác với lăng Khải Định, hầu hết mặt tiền và tiết diện ngoài, tiết diện trong của bửu thành, bình phong chính, cổng, trụ cột, các tượng lân, rồng tại lăng Kiên Thái Vương đều được khảm sành sứ. Nếu xét về khía cạnh lịch sử thì lăng Kiên Thái Vương là một trong những lăng xuất hiện chất liệu khảm sành sứ màu sớm nhất trong hệ thống các lăng của vua, chúa và các Hoàng thân với một vẻ đẹp và sự trang nhã của khảm sứ tại kiến trúc lăng Kiên Thái Vương.

Tại công trình kiến trúc lăng Kiên Thái Vương, khảm sứ không nhằm đạt đến trình độ tinh xảo và chính xác như ở các lăng và cung điện khác, cũng chính vì vậy mà cũng không có nơi nào sau này có được vẻ đẹp hồn hậu, bình dị và mộc mạc dân gian như khảm sứ ở đây. Dường như đồng thời có hai phong cách trang trí và kỹ thuật chất liệu khác nhau tại ngôi lăng này. Cũng có thể có đến hai hay nhiều phường thợ thực hiện từ nề họa cho đến khảm sứ. Ở lăng Kiên Thái Vương bộc lộ các phong cách, bút pháp khảm sứ khác nhau, đây là một điểm khá đặc biệt trong trang trí khảm sứ thời Nguyễn. Tuy nhiên chính điều này cũng góp phần tạo nên tính độc đáo trong mỗi phong cách, tính riêng biệt ở từng ô hộc trang trí hay phần tường có khảm sứ kết hợp với nề họa. Có thể xếp các cấu trúc trang trí ở hai bi đình là phong cách cung đình hàn lâm với những điển tích cổ Trung Hoa đựoc coi là mẫu mực của sự biểu thị phẩm chất quân tử Nho giáo. Trên các ô hộc lớn nhỏ của bi đình là sự chiếm lĩnh gần như tuyệt đối của đề tài Nhị thập Tứ hiếu ca ngợi đạo hiếu đã được thể hiện bằng khảm sành sứ. Tính chất của bố cục trên các ô hộc như những tranh bích hoạ Phương Đông cổ, sử dụng lối phối cảnh tam viễn và thấu thị bình đồ quen thuộc, tuy vậy mảnh sứ ở đây thường được cắt nhỏ vụn hơn so với các vị trí khảm sứ khác, tính tỉ mỉ thể hiện rõ ràng từng chi tiết diễn tả người, vật, các con thú và cách thức cắt gọt rất gần với phong cách khảm sứ ở lăng Khải Định, Phần lớn các đề tài gương hiếu đều không còn nguyên vẹn, nhiều điểm trang trí đã bị mất dấu chỉ còn vữa nền, nề họa vì vậy ngày nay để nhận biết mỗi điển tích trong Nhị thập tứ hiếu cũng khá khó khăn.

Tại các đầu hồi Bi đình chất liệu khảm sứ cũng rất phù hợp với diễn tả các kiến thức mặt hổ phù (Rồng ngang), đó là kiểu đầu rồng với góc nhìn chính diện đăng đối. Kiếu thức mặt rồng được diễn tả bằng sứ màu ở các đầu hồi Bi đình trái và phải đã làm nổi bật cả một bình diện kiến trúc, phần nền còn kết hợp với hoa lá, lá lật và cụm hoa văn kỷ hà, vì vậy các mặt rồng càng gây được ấn tượng thị giác sâu sắc. Mỗi cụm sứ màu diễn tả đám mây xoán tròn, mây tia lửa, đạt đến trình độ khảm ghép sứ với kỹ thuật chỉnh hình khá cao. Chúng tạo nên được các mảng trang trí mô típ chính và phụ, nhắc lại các nét sóng, mây, hoa lá rất chặt chẽ, hợp lý và sinh động. Cũng đề tài này trong chất liệu đất nung (điện Ngưng Hy - Lăng Đồng Khánh) hay đắp nổi nề vữa ở Triệu Miếu thì tính trang trí thuần chất sứ màu ở lăng Kiên Thái Vương có nhiều dấu ấn riêng do đặc tính kỹ thuật, yếu tố tạo chất và độ bóng của vật liệu trang trí.

Ngược lại với những trang trí khảm sành sứ ở hai bi đình, toàn bộ phần còn lại ở cổng, bình phong, tường thành phía trước và các trụ cột, các con thú đều thể hiện bằng phong cách trang trí, tạo hình khảm sứ khác hẳn, đó là một lối cắt gọt mảnh sứ phóng túng, ngẫu nhiên và ít lệ thuộc vào chi tiết phải mô tả. Tại vị trí con cá đắp nổi ở trước thành ngoài của lăng cũng khá đặc biệt, Hình tượng con cá thông thường biểu trưng ý nghĩa cho sự ấm no, dư thừa, phồn thực thường được gắn trên cao ; hình tượng cá vượt vũ môn thì còn được thể hiện trên sóng mây nước sinh động hơn. Tại lăng Kiên Thái Vương, hình tượng con cá lại được đặt sát nền đất với các mảng khảm sứ dày đặc, chúng hòa cùng với hoa lá, cỏ cây tạo nên một chất nền trang trí bình dị, tao nhã thật sự. Từ vị trí khảm sứ như vậy cho thấy đây là lần đầu tiên chúng ta được cảm nhận con cá dưới một dáng vẻ hoàn toàn mang sắc thái khác biệt, đó là hướng nhìn xuống như sự chiêm nghiệm chính vào môi trường tự nhiên hiện thực cố hữu của của chính con vật. Cũng tại lăng này các mảnh sứ đã được cắt gọt khá lớn, khác hẳn với mảnh sứ ở hai bi đình, đây cũng là một dấu ấn của phong cách khảm sứ dân gian của Huế mà ngày nay chúng ta thấy xuất hiện ở trang trí khảm sứ tại các làng xã quanh Huế với một vẻ đẹp chân chất, đôi chút phóng túng và mang đậm hơi thở bình dị của cuộc sống. Theo xu hướng sử dụng khảm sành sứ lan tỏa sâu và biến đổi kết cấu bố cục kiến trúc, các nghệ nhân đã thể hiện hình rồng ở hai bờ thành trong một cách khéo léo và vừa đủ để không làm mất tính bao quát không gian cũng như định vị của kiến trúc. Những đường chuyển động của rồng với các chiều hướng khác nhau góp phần làm nổi bật các tiết diện sứ phủ kín trên mình rồng. Nhờ có những khối tròn uốn lượn và sự bay bổng từ các diện màu lớn diễn tả mây lửa, sóng nước, vảy rồng, bờm và các nhịp điệu sinh động của hình mảng lồi - lõm mà hiệu quả tạo hình khảm sứ trở nên sinh động qua thông điệp ngôn ngữ trang trí đạt được sức cuốn hút mạnh mẽ. Điều này về sau rất được chú ý trong trang trí khảm sứ tại lăng Khải Định và một số công trình khác tại Đại Nội.

Chất kết dính ở nề họa và trang trí khảm sứ ở lăng Kiên Thái Vương cũng được chế tác từ vật liệu truyền thống, bằng chứng rõ nhất là từ các phần bong rạn, vỡ của các mảng khảm và nề họa - đắp nổi có độ xốp thô nhẹ, thẩm màu nhưng khá bền bởi  các lớp vữa bột, điều này cũng khá giống ở khảm sứ tại bình phong Thái Miếu trong Đại Nội, phần lộ diện của chất vữa kết dính này chúng tôi có thêm những phán đoán sâu hơn về các chất phối hợp như vôi hàu, mật mía, bột giấy và giấy, một số lá cây xơ và nhựa cây. Trên bình diện màu sắc, khảm sứ tại lăng Kiên Thái Vuơng chủ đạo một gam màu xanh xám trắng, vì vậy cường độ bắt sáng khá mạnh. Chính điều này làm cho cảnh sắc của lăng phần nào thêm phần sáng và nổi trong không gian xanh tươi của rừng thông lộng gió. Nếu so sánh với các cụm trang trí khảm sành sứ tại cổng Hiển Nhân, cổng Chưởng Đức, Tam quan cung Trường Sanh, Thái Bình lâu... thì khảm sứ ở lăng Kiên Thái Vương dù màu nhẹ đơn sắc, chứ không rực rỡ và thật khác xa với sự tươi tắn, đa sắc như ở các công trình nói trên.

2. Cổng cung An Định, sự tinh tế sang trọng của nghệ thuật khảm sành sứ

Có nhiều ý kiến khác nhau về nghệ thuật trang trí khảm sành sứ trong mỹ thuật cung đình thời Nguyễn nhưng nhìn chung các nhà nghiên cứu đều thống nhất là các nghệ nhân thời Nguyễn đã biết cách tạo ra những hệ màu mới để thỏa mãn sự biểu hiện nghệ thuật và nội dung cần phản ánh, trong quá trình đó cũng đã có nhiều sự ngẫu nhiên về hiệu quả màu sắc xuất hiện và tạo ra những khả năng biểu cảm mới trong nghệ thuật khảm sành sứ. Xét ở bình diện của nghệ thuật khảm sành sứ cho thấy các nghệ nhân đã sử dụng, phối hợp thủy tinh ốp màu vữa để tạo ra những thể thức màu mới, một trong những công trình điển hình sử dụng nghệ thuật khảm sành sứ tại ngoại thất đó là cổng chính cung An Định.

Cung An Định nguyên là phủ An Định, một công trình kiến trúc bằng gỗ được xây dựng vào năm 1902, dùng làm nơi sinh hoạt riêng cho hoàng tử Nguyễn Phúc Bửu Đảo khi 18 tuổi. Sau khi lên ngôi lấy niên hiệu là Khải Định, nhà vua cho mở rộng và chỉnh trang lại khuôn viên, cải tạo và xây dựng thêm một số công trình vào những năm 1917-1918, rồi đổi danh xưng phủ thành cung. Dưới thời Bảo Đại, cung An Định như một biệt cung tráng lệ, khi thoái vị nhà vua và toàn gia đình về ở tại đây. Tại cổng chính cung An Định, thoạt nhìn nổi bật lên hình tượng các linh thú, hoa lá, nền hoa văn hình học bằng khảm sành sứ được cắt gọt tỉ mỉ.  Mỗi hình ảnh khảm sành sứ ở đây có vẻ thanh nhàn hơn, chúng không bề thế, chế ngự như ở hình Tứ linh tại Hoàng cung, nhưng công trình này toát ra một sức mạnh tâm linh, sức mạnh tinh thần bên trong của các hình tượng mang nhiều ý nghĩa tượng trưng. Tại cổng chính cung An Định, rồng phụng là một tổ hợp của nhiều nhịp điệu do chính cấu trúc kiến trúc quy định với thân hình được gắn những vảy xanh trắng, đuôi là dải vân xoắn đa sắc, xung quanh là những ô hộc trang trí tứ thời sử dụng các sắc màu lục lam, cam tím và trên các trụ biểu là các bầu pháp lam bằng nề vữa khảm sứ lam trắng. Tại vòm cửa có đôi phụng chầu cuốn thư được trang trí tỉ mỉ theo gam màu lam trắng kết hợp với những hoa văn mây lửa màu xanh lục. Trong nhiều công trình kiến trúc cung đình thời Nguyễn thì cổng chính cung An Định là công trình duy nhất có các ô hộc nổi chứ không chìm âm vào trong, hầu hết các ô hộc này đều trang trí màu lam trắng (32 ô hộc nổi mỗi bên). Ngoài ra phần trang trí ở dải dưới cũng tạo ra cảm giác ô hộc cho dù bản chất của hình vẽ này là trên mặt phẳng, nhìn khái quát và chung nhất ta thấy gam màu chủ đạo của cổng chính cung An Định là gam màu lạnh tạo ra một cảm giác nhẹ nhàng, thanh nhã về màu sắc và sự tương xứng của một công trình soi bóng xuống dòng sông An Cựu.

Có thể nói, so với cổng Hiển Nhơn, cổng Chương Đức hay Tam Quan cung Trường Sanh và bình phong lăng Kiên Thái Vương thì trang trí khảm sành sứ ở cổng chính cung An Định có nét tinh nhã, cẩn trọng và mang âm hưởng, màu sắc cung đình nhiều hơn, kỹ thuật trang trí và thủ pháp bố cục, sự chặt chẽ của cấu trúc đường nét và hoa văn rất gần với phong cách khảm sành sứ tại cung Thiên Định của lăng Khải Định. Có một số chi tiết khảm sành sứ tại cổng này dường như đã đạt đến trình độ bậc thầy, các nghệ nhân khảm sành sứ thể hiện cổng chính cung An Định chắc chắn phải là những người rất giỏi về kỹ thuật tạo hình trang trí khảm sành sứ, họ đã tạo ra được những điểm nhấn sinh động, đa hướng và nhiều chiều, nhiều góc nhìn trên mỗi chi tiết và hình ảnh. Ví dụ như dải hoa văn hoa dây biến thể hình dơi và hình tượng các con rùa chở cổ vật trên lưng được thể hiện một cách chính xác từng chi tiết qua từng mảnh sứ gắn kết có chủ ý, có chọn lọc công phu, nhẫn nại chăm chút từng họa tiết nhỏ. Tác giả Vũ Tam Lang trong bài Bố cục tạo hình trong kiến trúc truyền thống nêu một nhận định về ý nghĩa của chất liệu cũng nhận định về khảm sành sứ ở cung An Định đạt được: "Nghệ thuật tạo hình kiến trúc cổ truyền cũng còn giải quyết tốt các vấn đề sử dụng vật liệu (đặc - rỗng, thô nhám - trơn nhẵn...), màu sắc (sáng - tối, nóng - lạnh...) khiến nhiều công trình đẹp về nghệ thuật mà còn có giá trị hợp lý về khoa học - kỹ thuật" [1]. Rõ ràng nghệ thuật khảm sành sứ được xác định cụ thể bằng các thuộc tính tất yếu trong tạo hình trang trí, đó là những thuộc tính mang tính cố hữu đậm nét như độ cứng, độ bền màu và độ bóng của vật liệu, màu men đa dạng và không phai, cắt gọt và biến đổi mẫu vật liệu cho phù hợp với yêu cầu trang trí, tạo hình… Nhờ chấp nhận các thuộc tính như vậy mà khảm sành sứ tại cổng chính cung An Định đã  làm nổi bật vai trò, chức năng quan trọng của công trình  kiến trúc. Khảm sành sứ góp phần làm sống động các hoạ tiết cây cỏ, hoa lá , quả cành, linh thú, con người, đồ vật đến các hoa văn hình học cách điệu trong mọi bình diện trang trí, tạo hình và đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của nghệ thuật cung đình. Đặc biệt trong các phân chia ô hộc đã xác định và trong các quan hệ với phần vẽ phụ họa như tranh tường, đắp nổi nề vữa đã được thể hiện bởi ngôn ngữ khảm sành sứ phong phú và tạo ra vẻ đẹp rực rỡ trang trọng, phù hợp với sự biểu lộ phẩm chất cung đình quý phái ở công trình quan trọng này của triều đình nhà Nguyễn. Tính cận trọng trong xử lý chất liệu, cắt gọt mảnh sành sứ, thủy tinh chính xác, đa diện và diễn tả, phối màu ở cung An Định là những hiệu quả tạo hình khảm sành sứ đầy ấn tượng, tạo ra cảm quan không gian mới mẻ, không thấy lặp lại ở các công trình khác, tất cả những cốt cách đó thể hiện qua phong cách tạo hình trang trọng từng chi tiết trên kiến trúc công trình. Điều này lại hoàn toàn khác với lăng Kiên Thái Vương, khi nghiên cứu chúng ta nhận rõ nơi đây toát ra tính bình dị, phóng khoáng dân gian ở bửu thành. Với những chiếc đĩa sứ tráng men và hoa văn màu lam đã được khảm ốp nguyên vẹn làm cho nghệ thuật khảm sành sứ ở lăng Kiên Thái Vương có những nét đặc biệt mới lạ, sau này chỉ có ở cổng chính cung An Định mới có chỗ hiếm hoi có trang trí đĩa sứ màu lam nguyên vẹn như thế.

Về kỹ thuật chất liệu sử dụng tại những kiến trúc cổng cung An Định cũng gần với các kỹ thuật nề vữa truyền thống, đặc biệt trong việc lựa chọn màu men sành sứ có những tính chất ngẫu hứng nhất định. Tại cổng cung An Định, hệ màu khảm sành sứ đã được chọn lọc cao, nhuần nhuyến ở kỹ năng phối màu với tính chặt chẽ, kỹ thuật tạo hình đặc biệt được chú trọng, vì thế có thể coi kỹ thuật và nghệ thuật khảm sành sứ tại đây không thua kém ở cung Thiên Định – một trong những công trình được coi là là đỉnh cao của nghệ thuật khảm màu sành sứ tại Việt Nam. Không có công trình nào trước và sau cung Thiên Định đạt đến trình độ tinh xảo, tạo lập được một hệ màu đa sắc, nhưng hài hòa với yêu cầu thẩm mỹ kiến trúc, phù hợp với không gian tưởng niệm ở lăng tẩm  như vậy.

Khả năng biểu cảm của chất liệu sành sứ là rất rõ ràng, đó là một giá trị không thể nào phủ nhận, đánh giá đó có thể khẳng định qua nghiên cứu tại các công trình tiêu biểu như lăng Khải Định, lăng Kiên Thái vương và cổng chính cung An Định. Khảm sành sứ tại cổng cung An Định và đặc biệt là ở điện Khải Thành đã thực sự phản ánh sâu sắc mối giao thoa văn hóa giữa nghệ thuật truyền thống Việt Nam và nghệ thuật Baroque của Pháp trong những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Sự giao thoa ấy không làm mất đi bản sắc mà vẫn giữ được căn bản những ý nghĩa và kiểu thức trang trí truyền thống, để đạt được điều đó là một thành công đáng kể trong khảm sành sứ vào đầu thế kỷ XX thông qua bàn tay của các nghệ nhân bấy giờ. Qua sự trải nghiệm của thời gian và sự đánh giá, nghiên cứu, nghệ thuật trang trí khảm sành sứ tại đây được coi là một thành tựu cao của mỹ thuật cung đình thời Nguyễn về nhiều mặt: không gian tạo hình, hiệu quả chất liệu, hiệu quả ánh sáng, phẩm chất dân gian được cung đình hóa và cung đình hóa dân gian, sự bền vững của màu sắc và các hòa sắc, sự hài hòa chức năng thẩm mỹ và chức năng trang trí kiến trúc… Làm được những công trình như cổng cung An Định, nhiều nghệ nhân hiền tài đã được đảm nhận công việc thiết kế trang trí khảm sành sứ ở những công trình lớn, với vốn kinh nghiệm đã từng thể hiện trang trí trên nhiều công trình kiến trúc tại quê nhà. Một số nghệ nhân đã được phong hàm Bát phẩm, Cửu phẩm, họ là những nghệ nhân bậc thầy đầy tài năng được nhà nước phong kiến tuyển lựa, trưng tập. Điều đó là một minh chứng cho sư khẳng định về những thành quả lao động sáng tạo của người thợ thủ công cả nước được kết tụ lại trên mảnh đất này đã góp phần xứng danh làm cho nền mỹ thuật Huế được coi là tiêu biểu cho mỹ thuật Việt Nam thế kỷ XIX.

3. Lăng Khải Định - đỉnh cao của nghệ thuật khảm sành sứ thời Nguyễn

Lăng Khải Định là lăng có mặt bằng kiến trúc không lớn, nhưng lại là lăng đòi hỏi mất rất nhiều về thời gian, công sức và tiền của để xây dựng. Về việc xây dựng khu lăng này, tác giả Phan Thuận An cho biết, năm 1920, sau khi các thầy địa đã coi đất và chọn địa điểm xong, triều đình huy động hàng ngàn người  mở đường, phá núi, chuẩn bị mặt bằng xây dựng và các thợ thủ công có tay nghề cao đến xây cất, trang trí lăng và mãi đến năm 1931 mới hoàn thành.

Dưới thời Khải Định (1916-1925), các yếu tố văn hóa nghệ thuật phương Tây đang thâm nhập mạnh vào nước ta, trong việc xây lăng đã sử dụng vật liệu bê - tông cốt thép, các vật liệu truyền thống như gỗ, đá, gạch, vôi rất ít. Những cánh cửa sắt, gạch ca-rô, ngói ác - đoa, cột thu lôi, hệ thống đèn điện, những tháp nhọn kiểu stupa Ấn Độ đã xuất hiện. Tác giả Nguyễn Hải Yến trong bài Thử dự đoán mỹ thuật Việt Nam trong tương lai, có một sự liên hệ rằng ‘‘...thời kỳ đầu thế kỷ, lại vồ vập những cái mới lạ của phương Tây mà bỏ qua những yếu tố cấu thành của một bản thể Việt Nam...’’[2]. Tuy nhiên cũng cần có sự đánh giá khách quan khi nhìn trong một thời kỳ xã hội còn có nhiều bế tắc, có sự chao đảo trong tiếp nhận nghệ thuật mới phương Tây và cố lưu giữ nghệ thuật truyền thống, thì cách nhìn và thể hiện tác phẩm chắc chắn có nhiều khác biệt và pha trộn. Nhưng may mắn là ở lăng Khải Định, trong nghệ thuật khảm sành sứ tựu trung vẫn là một dòng nghệ thuật có bản sắc dân tộc với những đề tài và chất liệu gần gũi. Nội thất cung Thiên Định lại là nơi mà trang trí đậm đặc tinh thần phương Đông với nghệ thuật khảm sành sứ độc đáo, đặc sắc theo những đề tài quen thuộc như tứ linh, bát quả, bát bửu, tứ thời.

Lăng Khải Định giống như một tòa lâu đài ở châu Âu trên một sườn núi với 127 bậc cấp trên 5 tầng nền. Tất cả các núi đồi khe suối của một vùng rộng lớn quanh lăng đều đã được dùng làm các yếu tố phong thủy theo nguyên tắc tiền án, hậu chẩm, hổ phục, rồng chầu, thủy tụ, tạo ra được cho lăng Khải Định một sự mở rộng không gian ngoại cảnh thiên nhiên tráng lệ. Tuy nhiên sự loại bỏ màu xanh của cây cổ thụ, sự vắng bóng của mặt nước ao hồ và bể cạn trong lăng, làm cho tổng thể kiến trúc thiếu đi vẻ êm dịu, tươi mát như các lăng trước đó.

Nếu như trang trí ngoại thất chỉ thuần nề vữa có phần đơn điệu thì trang trí nội thất với việc sử dụng tối đa nghệ thuật khảm sành sứ khiến cho công trình thực sự là các loại thể, chất liệu nghệ thuật trang trí đa dạng và có tính thẩm mỹ cao.  Bước vào trong nội điện Khải Thành đã thấy ngay một thế giới màu sắc lộng lẫy, lung linh kỳ ảo với ánh sáng tươi tắn. Người ta dễ quên nơi đây là lăng mộ, âm u, lạnh lẽo buồn thảm của cõi chết, mà chỉ thấy bị thu hút bởi hình ảnh của những bức tranh khảm sứ và thủy tinh màu trên khắp các mặt tường, trần của Tả, Hữu Trực phòng là các diện mảng tả chất giả cẩm thạch bằng màu lam xám. Giữa cung Thiên Định, trên ba trần phòng là những bức họa Long vân, Cửu long ẩn vân với diện tích hàng chục mét vuông được coi là những bức họa hoành tráng có giá trị mỹ thuật cao.Nổi bật và tạo ấn tượng mạnh mẽ là nghệ thuật khảm sành sứ lên toàn bộ các diện tường, tại đây các nghệ nhân đầu thế kỷ XX đã dùng hàng vạn mẫu sành, sứ, thủy tinh đủ màu để đắp nổi thành hàng ngàn hình ảnh cung đình và dân gian sinh động, với hàng loạt các bộ tranh khảm tứ thời, ngũ phúc, bát bửu, bộ khay trà, mâm ngũ quả, ngọn đèn dầu hỏa, những chiếc đồng hồ, mấy cái mề - đay... Nhờ có sự tạo hình nhuần nhuyễn, khéo léo, tinh xảo nên các hình ảnh trang trí khảm sành sứ trông rất thanh nhã, óng ả, có sự va đập ánh sáng cao. Các nghệ nhân dưới triều đại Khải Định đã biến cái cứng nhắc, đơn lẻ của mảnh vỡ sành sứ thành cái mềm mại, sinh động trong các đề tài trang trí. Những khóm lan, trúc, liễu, mai, đào đều được cắt tỉa công phu có thể tính đến từng đơn vị milimet, nhưng cũng có mảnh ghép lớn, bao phủ để diễn tả sự chắc khỏe của những khối đá, ngọn núi, gốc cây đang chuyển mình. Bức bửu tán khảm sành sứ trên bức tượng Khải Định ngồi trên ngai vàng (theo tỷ lệ 1/1 do hai người Pháp là P.Ducuing tạc và F.Barbedienne đúc) được coi là một bửu tán độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Tượng đặt trước hình mặt trời đang lặn, biểu hiện nhà vua băng hà, phía trên là bửu tán đã tạo ra một cụm trang trí tạo hình độc đáo trong nghệ thuật trang trí lăng mộ ở Huế. Bằng những kỹ thuật khảm sành sứ đặc sắc và tinh xảo, chiếc bửu tán nặng cả tấn đã được trang trí hóa với những đường cong uốn lượn mềm mại, tạo ra được cho người xem cái ảo giác dường như nó rất nhẹ nhàng, nhờ vậy mà người xem dường như quên đi rằng đó chính là là những mảng khối bê tông cốt thép thực sự nặng cả tấn và không hề dễ dàng "treo" lên được như vậy. Nhiều ô hộc lớn diễn tả cây lá, hoa quả, chim thú một cách mềm mại và tinh nhã đến mức như cảm nhận và liên tưởng đến gió thổi, trúc nghiêng, mưa rơi, liễu rũ, hoa nở trong sương. Trong một số ô hộc ngang, ta thấy và cảm nhận các con vật như đang tung nhảy, những đôi chim bay lượn giữa những khoảng trời trong xanh.

Trang trí khảm sành sứ còn tạo nên hàng trăm chữ Phúc, Thọ, Vạn Thọ được cách điệu hóa bằng nhiều cấu trúc khác nhau như chữ Thọ trong  hình tròn, hình chữ nhật, hình vuông, hình cái lư, hình lồng đèn, hình thoi cung tròn... Lăng Khải Định được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá khác nhau, ngoài những ý kiến phê phán, có nhiều ý kiến đánh giá cao nghệ thuật khảm sành sứ ở cung Thiên Định. Trong Mỹ thuật Huế, các tác giả mô tả và đánh giá: "Các mảnh sành – sứ - kính cứng, không có thớ, rất khó cắt đã được các nghệ nhân lựa chọn màu sắc, họa tiết, tùy hình dạng gắn vào những chỗ phù hợp tạo ra những bông hoa rực rỡ với những cánh hoa, những chim – thú sống động và có hồn, tả được những chất mềm mại hay rắn của từng vật thể. Nghệ nhân đã lợi dụng được màu men và màu hoa văn của mảnh sành sứ, với những thủy tinh màu trong suốt, tạo sự tương phản giữa cái trầm, đanh với cái óng ả, trong trẻo, và được làm phong phú do sự phản quang qua lại, làm cho các hình đã đẹp  nét và mảng lại đẹp ở màu nữa. Nó thực sự là một loại tranh nghệ thuật, một đặc sắc của Huế."[3].

Lối bố cục trang trí khảm sành sứ ở cung Thiên Định là lối bố cục ô hộc nhưng tại đây có tính biến hóa, va đập, tương tác rất khác biệt so với trang trí khảm sành sứ ở các công trình lăng tẩm, cung điện khác. Các ô hộc dọc ở giữa thân bờ tường thường nhỏ, kéo dài và được chắn trên và dưới bởi các dải ô hộc đôi xen kẽ lớn nhỏ với nhiều đề tài khác nhau. Làm cho chúng ta nhận ra cả bốn mùa như tụ hội vào tranh qua đề tài tứ quý và những hoa lá cành tươi xanh khác. Tác giả Nguyễn Bá Vân đã nhận xét trong cuốn Nghệ thuật khảm sành sứ Huế đã đánh giá về các nghệ thuật khảm sành sứ: "... tạo ra một vẻ đẹp bình dân dàn trải trên khắp mặt tường tòa nội diện, không còn một khe hở nào để nghệ thuật ngoại lai có thể len lỏi lấn át được nghệ thuật truyền thống đậm đà sắc thái Việt Nam ’’[4]. Với lối trang trí bên trong kiến trúc cung Thiên Định thật sự đã gây được ấn tượng mạnh bởi các diện tường được trang trí dày đặc bằng nghệ thuật khảm sành sứ, thủy tinh màu lộng lẫy, tất cả đều được phân chia trong các ô hộc, có những dải ô hộc ngang ở phần chân tường và phần cao của tường giáp với trần, phần tường đa phần là các ô học đứng. Tại chính tẩm, các nghệ nhân thời Nguyễn đã làm cho bề mặt tường lồi lõm khác nhau một cách hợp lý và tinh tế bằng những tranh sơn thủy, tứ linh.. Chưa có nơi đâu trong mỹ thuật cung đình thời Nguyễn lại có một lối trang trí khảm sành sứ mạnh và hiệu quả như vậy. Các đề tài mang tính biểu thị cao, đặc biệt là các tranh ô hộc về thể tài tứ quý đã phản ánh được những cảnh sắc đẹp của đất nước. Có rất nhiều các hình tượng được biểu hiện từ những mảnh sứ màu đa sắc, mảnh kính, vỏ chai và bát đĩa vỡ, chính màu tự thân của vật liệu trong sự kết hợp với những cấu trúc nghệ thuật do nghệ nhân nêu ra đã tạo cho nội thất cung Thiên Định những hình ảnh cao sang, triết lý. Ngay cả những điểm nhấn trên các hình vẽ, đã tạo nên sự phù hợp tinh tế của trầm bóng của men sứ gây được sự chuyển sắc phong phú. Tại đây sự cảm nhận về nghề khảm sành sứ thật sự nảy sinh và cuốn hút, những mảnh sành sứ, thủy tinh đã được nghệ nhân bấm bẻ, cắt gọt nên dễ trang trí. Cùng với tranh trên tường, dưới nền lát gạch men hoa và trên trần vẽ Cửu long ẩn hiện trong mây, toàn cảnh không gian đã tạo nên một thế giới nghệ thuật đầy sự dồn nén cảm xúc, sinh động và có tính ước lệ nội dung hình tượng rõ nhất là ở các kiểu thức chữ Hán do các nghệ nhân trang trí tại lăng Khải Định, cung Trường Sanh, cổng Chương Đức... trong đó chữ Thọ là một bằng chứng về tính thị giác của hình tượng đã đủ bao hàm nhiều ý nghĩa bên trong mà mỗi chữ đã hiển thị.

Trong đánh giá về vua Khải Định, có nhiều sự nhận xét khác nhau, một số đánh giá còn nặng tính xét nét, hoặc bị ảnh hưởng từ nguồn tư liệu không chuẩn xác. Tuy nhiên dưới góc độ mỹ thuật, hầu như rất ít ý kiến phủ nhận giá trị khảm sành sứ, thủy tinh màu ở nội thất lăng Khải Định. Cũng cần nhắc lại và đồng thời cũng cần phải thấy rằng Khải Định là một ông vua tuy có thị hiếu thẩm mỹ rất phức tạp, có vẽ diêm dúa, nhưng đúng như trong bài Đệ nhất xảo thủ, tác giả Phan Tấn Tộ cho rằng sự táo bạo của ông vua này đã làm cho cách nhìn nhận về nghệ thuật cũng mới lạ hơn: "Mỗi lần bàn về nghệ thuật kiến trúc, đồ mỹ nghệ thời Khải Định, không ít người chê là mang màu sắc ngoại lai... Nhưng phải công nhận một điều là Khải Định rất sành điệu nghệ thuật, rất táo bạo muốn đưa yếu tố mới vào nghệ thuật và ông đã tìm được người tâm đắc để thể hiện ý đồ đó " [5].  Trong dân gian xứ Huế và nghề khảm sành sứ vẫn lưu truyền tên những dòng họ nghề nề họa khảm sành sứ như họ Nguyễn Văn từ xứ Thanh vào, họ Lê và Phan từ Hà Tĩnh, họ Trương Văn từ Quảng Ngãi. Trong gia phả họ Trương Văn cho biết ông tổ họ này đã đến Huế vào thời vua Đồng Khánh (1885 - 1888) và làm việc thuộc Nê Ngõa tượng cục quản lý để phục vụ việc xây dựng, trang trí nề vữa, khảm sành sứ cho các phủ đệ, cung điện của quan lại và triều đình. Tại Thuận Hóa, các nghệ nhân họ Trương Văn đã để tiếp nhận những kỹ thuật nề họa, khảm sành sứ khác tiếp tục nâng cao nghệ thuật độc đáo này. Đến đời vua Khải Định (1917 - 1925), dòng họ Trương Văn đã có nhiều thợ lành nghề được đưa vào nội. Một trong những nghệ nhân đó là cụ Bát Mười, người được phong hàm Bát Phẩm khi tham gia khảm sành tại lăng Khải Định. Người thứ hai là cụ Trương Văn Lập con của cụ Bát Mười, được vua Bảo Đại phong hàm Cửu Phẩm năm 1936. Bài Điêu khắc, hội họa, trang trí, thủ công mỹ nghệ Huế cổ của tác giả Phan Thuận An viết về một nghệ nhân khác trang trí tại lăng Khải Định, đó là nghệ nhân danh tiếng Phan Văn Tánh: “Nhờ óc thông minh, sáng tạo, tính nhẫn nại, cần cù, thủ pháp lắp ghép mảnh sành, mảnh sứ, mảnh chai và tài sử dụng màu sắc hài hòa của các nghệ nhân có tay nghề đạt đến đỉnh cao trong nghệ thuật ấy của họ.”[6]

Những nghệ nhân, người thợ Việt Nam thời Khải Định đã thể hiện một lối tư duy nghệ thuật đầy thông minh sáng tạo, cùng với sự nhẫn nại cần cù, đôi bàn tay tài hoa họ tạo nên những bức tranh khảm sành sứ đầy sinh khí, tinh xảo, độc đáo và hết sức hấp dẫn. Cung Thiên Định nói riêng và lăng Khải Định nói chung là một tác phẩm kiến trúc - mỹ thuật tổng hòa của nhiều dòng văn hóa, một điểm giao thoa giữa mỹ thuật kim, cổ, Đông, Tây. Nó phản ánh rõ nét phong cách sống mang màu sắc Rô-cô-cô (Rococo) của Khải Định trong giai đoạn giao thoa, hội nhập giữa hai nền văn hóa Á - Âu đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên đó không phải là một thứ nghệ thuật mang phong cách sao chép vụng về như một số ít ý kiến đánh giá, vì nguyên gốc nghệ thuật Rô-cô-cô của Pháp là sự rộng lớn hoành tráng về không gian, sự ủy mỵ đến yếu đuối của trang trí dày đặc, sự hoa mỹ, hào nhoáng sang trọng đến thừa thải của các cung điện thế kỷ XVIII, sự sặc sỡ của hệ thống sắc màu nội ngoại thất… Ở lăng Khải Định và nội thất cung Thiên Định không phải như vậy, ngay từ cái nhìn bao quát bên ngoài thì toàn bộ lăng dù cao rộng nhưng không quá dư thừa, ngoại thất chỉ vài sắc độ đen xám trắng. Dẫu có vài cột biểu kiểu gai bút nhưng mang phong cách Ấn hơn là Pháp. Nội thất cung Thiên Định sáng sủa, tráng lệ nhưng không xa hoa, hoa mỹ quá mức. Dù có vài thứ xa lạ gắn vào cùng sành sứ nhưng tuyệt đối chúng không làm ảnh hưởng đến cảm giác phương Đông đậm đặc, đầy ắp trong chất liệu và đề tài trang trí. Trên thực tế của công trình là chỉ có các cột giả khảm sành sứ, thủy tinh màu với vân nét đan xen, đa sắc và tạo cảm giác mạnh về thị giác là gần với phong cách Rô-cô-cô. Có thể nói sự xuất hiện của phong cách nghệ thuật Rococo ở lăng Khải Định là vừa phải, tạo ra sự cân bằng thị giác và phù hợp với yêu cầu hiện đại, phá cách và trang nhã của một vị vua yêu thích cái mới là Khải Định. Dẫu vẫn còn nhiều sự đánh giá khác nhau, thậm chí là rất khác biệt, nhưng về cơ bản, cùng với thời gian suy ngẫm, các nhà nghiên cứu thống nhất coi nghệ thuật khảm sành sứ tại cung Thiên Định là đỉnh cao của nghệ thuật khảm sành sứ Huế - Việt Nam trong thế kỷ XX.

Lời kết 

Trong nhiều giá trị nghệ thuật tạo hình về văn hóa Huế, khảm sành sứ luôn được coi là một điểm nhấn nổi bật với dấu hiệu tạo hình trang trí khác biệt, góp phần vào những giá trị đẹp của vùng văn hóa Huế. Qua đó cho thấy khảm sành sứ thực sự là cái riêng mang màu sắc bản địa trong cái chung của nền văn hóa Việt không thể nhầm lẫn và mất gốc. Trong sự tổng hòa đó, có sự giao thoa và ảnh hưởng tất yếu của các yếu tố, thuộc tính văn hóa Trung Hoa, văn hóa Chàm trong những biểu tượng tâm linh, tôn giáo của các đề tài trang trí, cũng như những thuộc tính màu sắc khảm sành sứ có âm hưởng Chàm và thuộc tính đề tài Nho giáo sâu đậm. Nhìn chung, ở hầu hết các công trình có khảm sành sứ tại Huế mà đặc biệt là 03 công trình tiêu biểu nói trên đã phản ánh được những sự độc đáo về tạo hình và sự đặc sắc về màu sắc. Nổi bật trước hết là những sự độc đáo về xử lý đề tài, tạo dựng màu sắc (nghiêng về màu lạnh) và sắp đặt vị trí các hình tượng trong trang trí tại lăng Kiên Thái Vương cùng với thời kỳ trang trí lăng Khải Định. Đặc biệt là hình tượng cá, rồng ở hai đầu bờ thành ngoài là những bố cục và vị trí tạo hình chỉ thấy duy nhất ở công trình này, đó là những giá trị nghệ thuật khảm sành sứ với nhiều thuộc tính độc đáo, duy nhất. Cổng chính cung An Định lại là một kiệt tác khảm sành sứ tinh nhã, cầu kỳ nhưng không hoa mỹ và đạt được độ tinh tế, chân xác cao phản ánh được tài nghệ của những nghệ nhân, người thợ tài hoa thời Nguyễn. Bên cạnh nhiều chất liệu tạo hình khác trong trang trí kiến trúc cung đình thời Nguyễn, khảm sành sứ là một trong những chất liệu quan trọng, có mặt và tụ hội trong nhiều tổ hợp tạo hình tại các công trình kiến trúc lăng tẩm và góp phần làm sáng tỏ những giá trị nghệ thuật truyền thống cũng như tài năng của các nghệ nhân Việt Nam thế kỷ XIX và nữa đầu thế kỷ XX. Tất cả đã tạo nên những giá tri nghệ thuật còn mãi với thời gian.

P.T.B



[1]: Vũ Tam Lang (1987), Bố cục tạo hình trong kiến trúc truyền thống, Tạp chí Kiến trúc (1), tr 32

[2] Nguyễn Hải Yến (1997), Thử dự đoán mỹ thuật Việt Nam trong tương lai, Những vấn đề mỹ thuật, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, tr 312.

[3] Nguyễn Tiến Cảnh (1992 cb), Mỹ thuật Huế, Viện nghiên cứu Mỹ thuật – Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế xb, Huế, tr 117.

[4] Nguyễn Bá Vân (1988), Nghệ thuật khảm sành sứ Huế, Tạp chí Mỹ thuật (3), tr 20.

[5] Phan Tấn Tộ (1992), Đệ nhất xảo thủ,Tạp chí Mỹ thuật thời nay (20), tr 5

[6] Phan Thuận An (1987), “Điêu khắc, hội họa, trang trí, thủ công mỹ nghệ Huế cổ ”, Kỷ yếu Viện Bảo tàng Mỹ thuật, số chuyên đề kỷ niệm 20 năm thành lập Viện Bảo tàng Mỹ thuật (6 ), tr  65.

 

 

 

 

Tác giả: Phan Thanh Bình
Các bài mới
Các bài đã đăng