Văn nghệ dân gian
Những giá trị của di sản Văn miếu Huế
15:59 | 24/03/2022

NGÔ ĐỨC LẬP

Những giá trị của di sản Văn miếu Huế
Ảnh minh họa (Internet)

Mở đầu

Thân Nhân Trung (1418-1499) từng có câu nói nổi tiếng: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Quả thật là vậy! Bất cứ quốc gia, dân tộc hay địa phương nào muốn phồn thịnh, không thể không quan tâm đến giáo dục, đào tạo và trọng dụng người hiền tài. Nhà Nguyễn nói chung và triều Nguyễn nói riêng cũng không phải là một ngoại lệ. Trong quá trình xác lập, củng cố và phát triển nhà Nguyễn đã để lại cho lịch sử dân tộc những giá trị lịch sử, văn hoá, chủ quyền lãnh thổ… vẫn còn nguyên giá trị. Trong đó, giáo dục - đào tạo và tôn vinh hiền tài là một trong những đóng góp quan trọng. Trong thời gian trị vì của mình, các vị vua triều Nguyễn đã có nhiều biện pháp nhằm xây dựng, duy trì một nền giáo dục mang đậm bản chất Nho học. Việc nhà Nguyễn cho xây dựng Văn Miếu hay Văn Thánh, Văn Thánh miếu ngoài mục đích thờ Khổng Tử và các bậc tiền bối của nền Nho học, còn làm nơi để vinh danh các Tiến sĩ đã đỗ đạt trong các kỳ thi Hội của triều đình không nằm ngoài mục đích và giá trị đó.

1. Văn miếu Huế: Địa thế và các công trình kiến trúc

Văn Miếu Huế được xây dựng dưới thời vua Gia Long, nay thuộc thôn An Bình, phường Hương Hồ, thành phố Huế, bên bờ Bắc sông Hương, cách phía Kinh thành Huế khoảng 3km về phía Tây. Văn Miếu toạ lạc giữa một số công trình kiến trúc khác như: bên trái là Võ Miếu, bên phải là Công Thần Miếu và Khải Thánh Từ. Ngày xưa, tại khu vực này còn có trường Quốc Tử Giám. Khu vực xây dựng Văn Miếu đã được các nhà địa lý và quan lại dưới triều Nguyễn lựa chọn rất kỹ. Là một khu đất không quá cao và cũng không quá thấp so với sông Hương.

Trước đó, dưới thời các chúa Nguyễn (1558-1775), Văn Miếu đã được xây dựng ở làng Triều Sơn, một làng ở ngoại ô của thủ phủ Phú Xuân[1]. Đến năm 1770, chúa Nguyễn Phúc Thuần cho di dời “Văn Miếu đến xã Long Hồ” vì chúa “thấy địa thế Triều Sơn ẩm thấp[2], tức là ở vị trí đền Khải Thánh ngày nay. Khi quân Trịnh vào chiếm cứ Phú Xuân - Thuận Hoá (1775-1786), rồi nhà Tây Sơn làm chủ tại đây (1786-1801), Văn Miếu vẫn được giữ nguyên tại vị trí cũ. Sau khi triều đại Tây Sơn sụp đổ, nhà Nguyễn trở lại Phú Xuân, một năm sau khi đăng quang (năm 1803), vua Gia Long đã “sai các dinh trấn đều lập Văn Miếu, mỗi miếu đặt hai người điển hiệu, lễ sinh và miếu phu đều 30 người[3].

Năm 1808, sáu năm sau khi lên ngôi, vua Gia Long bàn với các triều thần chọn một nơi thích hợp hơn để xây dựng một Văn Miếu uy nghi, đồ sộ và đẹp đẽ nhằm tôn vinh địa vị của Nho học, vì nhận thấy chỗ đất dựng miếu ở làng Long Hồ không được rộng rãi, mỹ quan. Cuối cùng ngài quyết định chọn chỗ đất nằm giữa làng Long Hồ và chùa Thiên Mụ, sát bờ sông Hương, tức địa điểm Văn Miếu hiện nay, còn ngôi miếu cũ được giữ lại để làm Khải Thánh Từ (tức miếu thờ cha mẹ của Khổng Tử) và mở Quốc Tử Giám[4].

Vị trí xây dựng Văn Miếu Huế nằm giữa cụm di tích bên tả ngạn sông Hương gồm có Khải Thánh Từ, Công Thần Miếu, Quốc Tử Giám, Võ Thánh Miếu và chùa Thiên Mụ. Về địa thế, theo quan điểm Nho giáo “thánh nhân Nam diện nhi thính thiên hạ[5] nên Văn Miếu được xây dựng quay mặt về hướng Nam. Tại vị trí của Văn Miếu, kiến trúc theo hướng Nam là tốt nhất, vì phía sau là dương hợp với Bắc âm, bên trái âm hợp với Đông dương, bên phải dương hợp với Tây âm, bụng âm hợp với Nam dương. Tuy Văn Miếu Huế quay mặt về hướng Nam là hướng dương nóng ấm và mát mẻ nên mọi vật sinh sôi phát triển, nhưng các tác giả của công trình đã đẩy trục chính diện của nó về phía Đông một góc 18­­­0 để dùng hai ngọn núi Chuối và núi Rê cách đó 12,5 km và 16 km làm “tiền án” cho công trình. Các toà nhà chính được xây dựng trên một gò đất cao hơn 3m, nên từ Văn Miếu nhìn ra khu vực chung quanh thấy rất thoáng đãng. Phía trước Văn Miếu là dòng sông Hương trong xanh, phẳng lặng được dùng làm “minh đường”. Một dãy núi thấp hình vòng cung xuất phát từ dãy Trường Sơn tạo thành thế “tay ngai” ôm bọc lấy mặt sau khu Văn Miếu.

Theo bài bia viết năm 1808, Văn Miếu Huế được vua Nguyễn Thế Tổ (Gia Long) cho khởi công xây dựng từ ngày 17/4/1808 và hoàn thành vào ngày 12/9/1808, trong vòng 5 tháng, với trên 50 công trình lớn nhỏ, gồm có 34 tấm bia và 20 công trình khác. Không gian Văn Miếu Huế được chia thành các khu vực ứng với ngũ hành: kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ. Theo luật tương sinh của Nho giáo thì: thủy sinh mộc, mộc sinh hoả, hoả sinh thổ, thổ sinh kim, kim sinh thủy, thế là đủ cả âm dương ngũ hành. Trong đó, công trình kiến trúc trọng yếu nằm chính giữa không gian Văn miếu là Điện Đại Thành nơi thờ Khổng Tử. Ngôi đại điện có kiến trúc theo lối trùng thiềm điệp ốc truyền thống của Huế. Trước ngôi đại điện là hai công trình Đông Vu và Tây Vu đối diện nhau được xây dựng theo kiến trúc Huế gồm bảy gian.

Khi làm xong công trình, vua Gia Long đã sai quan Tham tri Tả thị lang Bộ Lễ là Nguyễn Gia Cát soạn một bài văn bia ghi lại lịch sử xây dựng các khu Văn Miếu tại Huế từ trước cho đến bây giờ với những đổi thay trong cách thờ phụng. Tấm bia này hiện không còn nữa.

Những năm sau đó Văn Miếu được xây dựng và trùng tu nhiều đợt. Năm Gia Long thứ 17 (1818), đã cho xây dựng thêm 2 nhà Thần Khố (Nhà Kho) và Thần Trù (Nhà Bếp) ở hai bên phía sau toà miếu chính. Sau đó, các năm 1820, 1822, 1829, 1830, 1840 dưới triều vua Minh Mạng[6], các năm 1843, 1845 dưới thời Thiệu Trị và năm 1848 dưới thời Tự Đức,… đều tiến hành cho tu bổ thêm.

2. Các tấm "Tiến sĩ đề danh bi" ở Văn Miếu Huế

Trong suốt thời Gia Long (1802-1820), triều Nguyễn chỉ mở các khoa thi Hương nên chưa có tấm bia nào được dựng ở Văn Miếu cả. Đến năm Minh Mạng thứ ba (1822), bắt đầu mở khoa thi Hội và bia Tiến sĩ cũng bắt đầu được dựng từ đó. Về mục đích của việc dựng bia, năm 1836, vua Minh Mạng ban dụ: “Điều cốt yếu trong việc trị nước là phải làm cả văn lẫn võ. Trẫm kính nối nghiệp lớn, noi theo chí tiên đế, trước kia đã từng châm chước điển chương xưa, mở khoa Tiến sĩ, lại dựng bia đề tên tiến sĩ ở Văn Miếu. Đó thực để cổ võ khuyến khích nhân tài dùng cho nhà nước[7].

Việc dựng bia được duy trì từ năm 1822 đến năm 1919 – năm khoa thi Hội cuối cùng dưới thời vua Khải Định. 32 tấm bia tiến sĩ ở Văn Miếu Huế được dựng lên với mục đích chính là biểu dương Nho sĩ hiển đạt và khuyến học. Những người được ghi tên khắc đá ở bia tiến sĩ là những hiền tài của quốc gia, những người đã được triều đình khẳng định vai trò và giá trị. Ngoài ra, bia còn nhằm mục đích răn dạy kẻ sĩ về trách nhiệm đạo lý. Ngoài ra, bia đá còn có tác dụng về mặt đạo lý, răn đe khuyến khích điều thiện, điều lành và ngăn ngừa điều xấu, điều ác[8].

Trên 32 tấm bia, triều Nguyễn đã từng cho khắc tên 293 tiến sĩ, gồm 292 người đậu hạng Chánh bảng trong 39 khoa thi Hội và một người là Bùi Ân Niên được đặc ân nâng từ hạng Phó bảng của khoa Ất Sửu (1865) lên hạng Chánh bảng vào năm Canh Tý (1890). Tất cả bia tiến sĩ ở Văn Miếu Huế đều có rùa đội bia. Rùa thường liền với bệ đá theo kiểu sập gụ chân quì, hoặc rùa liền với bệ đá hình chữ nhật, hình tròn, cũng có nhiều bia không có bệ. Tất cả các bia chỉ khắc và trang trí một mặt.

3. Các hoạt động thờ cúng và lễ tế ở Văn Miếu Huế

Cũng như các nhà nước quân chủ tiền nhiệm, triều Nguyễn đã xem Khổng Tử là “Vạn thế sư biểu” và dùng tư tưởng của Ngài làm kim chỉ nam trong mọi lĩnh vực, từ “tu thân, tề gia”, đến “trị quốc, bình thiên hạ”. Do vậy, các vua quan của triều Nguyễn đã tỏ lòng tôn sùng Ngài bằng cách cử hành các lễ tế định kỳ hàng năm tại Văn Miếu một các trọng thể. Việc thờ tự ở Văn Miếu Huế dưới thời Nguyễn mặc dù có thay đổi ít nhiều qua mỗi thời kỳ nhưng về cơ bản, luôn thể hiện và đảm bảo được chức năng của thờ Khổng Tử, Tứ Phối (Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), Thập Nhị Triết cùng các tiên hiền, tiên nho. Đây cũng là nơi dựng các tấm bia đá khắc tên họ và quê quán những người đã thi đậu Tiến sĩ trong các khoa thi Hội của triều Nguyễn.

Theo quan niệm của Nho gia những hiện tượng tự nhiên đều có liên quan mật thiết với con người, Lễ Ký có ghi: “Trời đất hoà hợp với nhau, cỏ cây đâm chồi nảy lộc. Các ứng xử của con người phải hợp với đạo Trời, nên phải tuỳ theo năm tháng mà bậc đế vương ban phát điều lệnh cho thích hợp, như tháng Giêng không thể thi hành điều lệnh của mùa thu[9]. Vì vậy, việc chọn ngày cúng tế cũng không ngoài lệ đó.

Về phẩm vật dùng để cúng tế, dưới thời vua Gia Long, phẩm vật thờ cúng ở Văn Miếu được quy định: “án giữa lễ dùng trâu, dê, lợn, xôi, mỗi thứ 1, quả phẩm 3 mâm; 4 án phối hưởng mỗi án lễ dùng lợn, xôi, quả phẩm mỗi thứ 1; 2 án tiên triết, mỗi án lễ dùng lợn, xôi mỗi thứ 1, quả phẩm 2. 14 án tiên hiền, tiên nho thờ phụ dùng cả xôi và quả phụ đều 28 mâm, lợn 7 con chia ra dâng lên, thổ thần 1 mâm xôi, tiết tuế trừ và nguyên đán 3 ngày tiết chính đán, đều dùng quả phẩm hương nến[10].

Từ đời vua Gia long, Minh Mạng đến Thiệu Trị, Tự Đức, lễ tế Văn Miếu được tổ chức hết sức long trọng, hầu hết các dịp tế lễ ở Văn Miếu hàng năm vua đều đến dự. Vua Minh Mạng từng có dụ rằng: “…trẫm thân đến làm lễ, phàm phẩm nật cúng tế và đồ thờ đều phải cho tinh khiết, các quan phân hiến bồi tế đều phải kính cẩn, để xứng cái ý tôn thờ trọng đạo của trẫm[11]. Tuy nhiên, từ đời vua Kiến Phúc (12/1883 – 7/1884) về sau, tuy nghi tiết không thay đổi nhưng không còn long trọng như trước nữa[12].

Thay lời kết

Văn Miếu Huế là nơi tôn thờ Nho học và vinh danh những người đỗ Tiến sĩ trong các kỳ thi Hội dưới thời trị vì từ vua Minh Mạng đến vua Khải Định (1831-1919). Trong quá trình đó, Văn Miếu đã phát huy được giá trị và góp phần duy trì, phát triển nền giáo dục Nho học cũng như giúp cho triều Nguyễn tuyển chọn được nhiều người hiền tài giúp triều đình cũng cố đế quyền và quản lý đất nước. Tuy nhiên, do sự khắc nghiệt của thiên nhiên, sự tàn phá chiến tranh và phần nào là chủ quan của con người, ngày nay Văn Miếu đã xuống cấp, nhiều hạng mục của di tích đã trở thành phế tích, không còn lộ thiên.

Với mục đích “ôn cố tri tân” cũng như công cuộc cải cách, đổi mới hệ thống giáo dục nước nhà, việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của Văn Miếu là một việc làm cần thiết và có ý nghĩa, ngoài việc trở thành một trong những công trình kiến trúc độc đáo thu hút du khách, điều quan trọng là nhằm mục đích nâng cao nhận thức về giáo dục trong toàn dân và đề cao “sự học” đối với thế hệ trẻ. Một trong những giải pháp đề xuất nhằm phát huy giá trị di sản Văn Miếu là hàng năm địa phương chọn Văn miếu Huế làm nơi tổ chức vinh danh những học sinh, sinh viên… đạt các giải cao trong các kỳ thi, hoặc trao giải thưởng cho những người học hành đỗ đạt cao trong và ngoài nước.

N.Đ.L

Tài liệu tham khảo:

Lê Nguyễn Lưu (1994), “Thái Bình Lâu và việc học hành thi cử thế kỷ XIX”, Tạp chí Huế Xưa & Nay, số 4.

Lê Thị Quỳnh Hương (2008), Văn Miếu triều Nguyễn ở Huế, Luận văn Thạc sĩ khoa học Lịch sử, trường Đại học Khoa học, Đại học Huế.

Nội Các Triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Tập 4, Nxb Thuận Hoá, Huế.

Nội Các Triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Tập 6, Nxb Thuận Hoá, Huế.

Phạm Đức Thành Dũng Ch.b, Vĩnh Cao, Phan Thuận An, Nguyễn Văn Huệ, Nguyễn Phước Hải Trung, Nguyễn Tân Phong (2000), Khoa cử và các nhà khoa bảng triều Nguyễn, Nxb Thuận Hoá, Huế.

Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, Tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, Tập 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, Tập 4, Nxb Giáo dục, Hà Nội.



[1] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, Tập 1, Nxb Giáo dục, tr.106.

[2] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, Tập 1, Nxb Giáo dục, tr.175.

[3] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, Tập 1, Nxb Giáo dục, tr. 547.

[4] Lê Nguyễn Lưu (1994), “Thái Bình Lâu và việc học hành thi cử thế kỷ XIX”, TC Huế Xưa & Nay, số 4, tr.39.

[5] Tạm dịch: Thánh nhân quay về hướng Nam để nghe/cai trị thiên hạ.

[6] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, Tập 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.426-427.

[7] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, Tập 4, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.1064.

[8] Lê Thị Quỳnh Hương (2008), Văn Miếu triều Nguyễn ở Huế, Luận văn Thạc sĩ khoa học Lịch sử, trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, tr.48.

[9] Phạm Đức Thành Dũng và một số người khác (2000), Khoa cử và các nhà khoa bảng triều Nguyễn, Nxb Thuận Hoá, Huế, tr.26.

[10] Nội Các Triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ, Tập 4, Nxb Thuận Hoá, Huế, tr.434.

[11] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 2, Nxb Giáo Dục, Hà Nội, tr.189.

[12] Lê Thị Quỳnh Hương (2008), tlđd, tr.66.

 

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng