Văn nghệ dân gian
Dấu ấn thẩm mỹ dân gian Kinh Bắc - Chămpa trong nghệ thuật chạm khắc đá lăng các bà hoàng thời Nguyễn ở Huế
10:10 | 28/03/2022

TRẦN THỊ HOÀI DIỄM

Dấu ấn thẩm mỹ dân gian Kinh Bắc - Chămpa trong nghệ thuật chạm khắc đá lăng các bà hoàng thời Nguyễn ở Huế
Ảnh minh họa: Khám phá Huế

1. Mở đầu

Xứ Huế trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá của Đàng Trong từ thế kỷ XVI - XVIII, với vai trò: "... đã hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước để hình thành một nền văn hóa vô cùng đặc sắc kế thừa, tiếp biến và phát triển"[1]. Nhà Nguyễn xây dựng kinh đô mới tại Phú Xuân bằng sự kế thừa tư duy cát cứ bền bỉ suốt 200 năm ở Đàng Trong của các chúa Nguyễn. Trong Nhập môn nghệ thuật cổ Việt Nam khi nói về nghệ thuật thời Nguyễn, tác giả Trần Văn Tốt cho rằng: “Sự di thực về phương Nam tới dải Hoành Sơn từ đầu thế kỷ XVIII, khiến nó có một sự phát triển riêng. Nó kế thừa hoàn cảnh địa lý mới, cùng với thời gian nên đã đạt được một tính cách đặc biệt”[2]. Điều đó hiển diện và không thể phủ nhận ý thức tách rời sự ảnh hưởng hay phụ thuộc vào chính trị từ kinh Bắc, né tránh tác động tư tưởng của nhân sĩ Bắc Hà, sĩ phu Thăng Long của các vua Nguyễn thời bấy giờ. Về văn hoá, nhà Nguyễn vẫn coi trọng các yếu tố, thuộc tính văn hoá dân tộc, văn hóa dân gian và điều này đã được hiện ra trong nhiều loại hình nghệ thuật, trong đó có mỹ thuật với những nét tinh tế của nghệ thuật trang trí, tạo hình thời Nguyễn mà một trong những giá trị nổi bật đó là yếu tố thẩm mỹ dân gian Kinh Bắc và bản địa Chămpa sâu đậm trong những  tác phẩm chạm khắc đá tại lăng của các bà hoàng. Tuy nhiên, việc đánh giá, nghiên cứu sâu, chân xác hơn về sự tiếp biến văn hóa dân gian trong thời Nguyễn còn khác biệt ở một số tác giả, một số luận điểm đánh giá, nhận định nhưng đúng là: "... các ý kiến cả thuận chiều và trái chiều, ý kiến đúng và chưa đúng, những tác động về cơ bản là tích cực"[3].

2. Dấu ấn thẩm mỹ dân gian Kinh Bắc trong nghệ thuật trang trí thời Nguyễn

Các nhà nghiên cứu khi đi sâu hơn về việc xác định tính dân gian trong mỹ thuật thời Nguyễn đã coi đó là một phẩm chất cố hữu của triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam. Trên tinh thần đó, mỹ thuật thời Nguyễn từ cuối thế kỷ XIX về sau, yếu tố dân gian xuất hiện với những tiết điệu có phần thoải mái hơn, như tác giả Trần Lan Anh đã viết: "... tính dân gian đã từng nơi, từng lúc len vào trang trí cung đình và tạo những ấn tượng nghệ thuật tốt, làm phong phú thêm tính chất, đặc trưng của nền trang trí thời Nguyễn, phần nào phản ánh cuộc sống thực tại dưới chế độ phong kiến” [4] . Thậm chí "Trong các trang trí cung đình chúng ta cũng còn thấy khá nguyên vẹn những trang trí có nguồn gốc dân gian" [5]. Nếu thiếu đi những ngoại lệ đó thì đã không có những nét riêng độc đáo và hơi thở sống động ở những tác phẩm trang trí chạm khắc đá. Một trong những giá trị truyền thống, dân gian đó hiện tồn ở lăng các bà hoàng thời Nguyễn, nơi mà chúng ta vẫn chưa đi sâu nghiên cứu và phát huy được nhiều giá trị văn hóa - mỹ thuật một cách toàn diện.

Trong nghệ thuật chạm khắc đá thời Nguyễn, với nhiều loại thể trang trí tạo hình đặc sắc, trong đó có chạm khắc đá với bóng dáng mỹ thuật dân gian ẩn dấu trong mỹ thuật cung đình, nơi mà hồn Việt, tính truyền thống vẫn còn sâu đậm trong mỗi công trình, mỗi họa tiết, đồ án trang trí với những nét tạo hình riêng tinh tế, đặc biệt ở những hoa văn trang trí chạm khắc đá. Trong bài Huế, Mỹ thuật Nguyễn những cái riêng, tác giả Trần Lâm Biền đã viết: “Đến Huế, tôi được áp sát những biểu hiện đúng là cung đình nhưng không hoàn toàn gián cách với nền mỹ thuật dân dã cùng thời mà tôi đã quen nhìn. Rồi cũng những mô típ ấy ... cái rườm rà vui vui, thông tục, dễ gần của mỹ thuật Nguyễn. Như vậy khoảng cách giữa cung đình và dân dã ngắn hơn tôi tưởng” [6]. Cái "dễ gần" của mỹ thuật thời Nguyễn thể hiện qua nhiều chất liệu, đề tài trang trí, phong cách tạo hình khác nhau, trong đó chạm khắc đá ở các công trình triều đình như lăng tẩm, cung điện đã luôn có những thuộc tính thẩm mỹ mang đậm yếu tố truyền thống Việt Nam, bóng dáng mỹ thuật triều đại Lý, Trần, Hậu Lê rõ nét. Trong bình diện và cách nhìn nhận đó, tại lăng của các bà hoàng, nghệ thuật chạm khắc đá thể hiện khá nhiều và sâu rộng giá trị thẩm mỹ truyền thống và dân gian. Những hoa văn hoa lá hóa, những bức chạm nổi, chạm thủng đề tài bát quả tại các lăng Thánh Cung, lăng Tiên Cung, những hình mây sóng tại lăng Thuận Thiên, lăng Hiếu Đông, ... toát lên sự thấm đượm tinh thần Việt, tinh thần mỹ thuật truyền thống đậm nét. Ranh giới cung đình - dân gian vừa mong manh, vừa ý nhị trong biểu tả và tất yếu nó phản  ánh rõ nét tâm hồn, bút pháp biểu tả, chạm khắc của những người thợ đá Việt Nam tài hoa thế kỷ XIX - XX.

Sự hài hòa chức năng trang trí và thẩm mỹ trong trang trí lăng các bà hoàng  thời Nguyễn đã chứng tỏ nền mỹ thuật cung đình có kế thừa truyền thống nghệ thuật dân tộc, tiếp thu những tinh hoa, hạt nhân thẩm mỹ tích cực trong nghệ thuật các triều đại phong kiến Việt Nam trước đó. Nhìn những con rồng bậc thềm ở điện Kính Thiên (Thăng Long) và rồng ở các bậc thềm tại lăng Thiệu Trị, cũng như trang trí ở Viện Cơ Mật, lăng hoàng tử Kiên Thái Vương, trang trí rồng bậc thềm lăng Thuận Thiên Cao hoàng hậu, lăng Hiếu Đông, lăng Từ Dũ ta thấy ngay một mạch nguồn truyền thống Kinh Bắc âm ĩ chảy suốt thời gian lịch sử và đã đọng lại sâu lắng mang nét riêng của mỹ thuật ở Huế. Ngay cả những lăng của các bà hoàng vào giai đoạn cuối thời Nguyễn như lăng Từ Cung, dẫu chịu ảnh hưởng ngoại lai qua những yếu tố tạo hình mang phong cách Rococo trong mỹ thuật cung đình Pháp những thế kỷ trước, thì vẫn nhận ra nét hoa dây, hoa cúc thời Lý, Trần và Hậu Lê quen thuộc trong đó. Bên cạnh đó, nhà Nguyễn quy tụ được những yếu tố văn hóa mới, có tính tích cực từ nhiều ảnh hưởng đan xen, tất yếu và không thể bài trừ. Với ý thức sáng tạo của mình các nghệ nhân đã chủ động trong việc trang trí kiến trúc cung đình nói chung và trên trang trí chạm khắc đá tại các lăng nói riêng góp phần giữ lại những thuộc tính ưu việt đã từng tồn tại trong đời sống thẩm mỹ dân gian khi tái tạo lại chúng trên bình diện mỹ thuật cung đình. Tác giả Trương Quốc Bình trong bài “Về công cuộc bảo vệ và phát huy quần thể di tích lịch sử và văn hóa Cố đô Huế” đã đánh giá: “Đội ngũ nghệ nhân và công nhân kỹ thuật xuất thân từ các gia đình truyền thống không ngừng được củng cố, đào tạo, đã và đang đảm trách việc thi công tu sửa các công trình kiến trúc nghệ thuật tại Huế vừa sử dụng những kinh nghiệm cổ truyền, vừa áp dụng những kinh nghiệm hiện đại” [7]. Trong xây dựng, thiết kế, tạo hình trang trí tại các lăng, nhiều nghệ nhân hiền tài đã được trưng tập đảm nhận công việc thiết kế. Với vốn kinh nghiệm mà cha ông đã từng thể hiện trang trí trên nhiều công trình kiến trúc tại Thăng Long vào các thời đại trước các nghệ nhân Kinh Bắc từ Bắc Ninh, Thanh Hóa cho đến nghệ nhân từ Quảng Nam, Quảng Ngãi ra đã giữ được nét tinh tế, hồn Việt quý giá thông qua những tác phẩm nghệ thuật mà họ tạo nên, chính từ sự tập hợp và đan xen của nhiều phường thợ trong xây dựng, trang trí cung đình mà tạo nên những tố chất văn hóa, thẩm mỹ mới, đa dạng, phong phú cho văn hóa thời Nguyễn và tạo nên cái riêng đa dạng trong trang trí chạm khắc đá thời Nguyễn mà những hình ảnh tiêu biểu là hệ thống hoa văn được chạm khắc bằng chất liệu đá ở lăng Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Khải Định và lăng các bà hoàng như lăng Thuận Thiên, Hiếu Đông, Từ Dũ, Lệ Thiên Anh, Tiên Cung, Thánh Cung. Phong cách khác nhau của nghệ thuật chạm khắc đá tại lăng các bà hoàng thời Nguyễn đã minh chứng rõ điều đó qua những mảng hình, đường nét, nhịp điệu trang trí có giá trị, điều này thể hiện khá rõ qua những hoa văn thanh nhã ở bình phong các lăng bà hoàng thời Nguyễn. Sự phản ánh một cách thuyết phục về dấu nét riêng, phong cách tạo hình riêng, khá độc đáo trong chạm khắc đá tại lăng của Thuận Thiên Cao hoàng hậu và lăng Hiếu Đông, những bình phong đá ở đây gần như đã bao quát, tính chất, đặc điểm chạm khắc trên đá đòi hỏi nghệ nhân luôn phải có những đồ án trang trí, phương thức, lối tạo hình chính xác, cụ thể và tuyệt đối không được sai lầm cả nội dung đề tài và ở kỹ thuật chất liệu. Mọi "sự cố" về kỹ thuật trên đá đều là những lỗi lớn và gần như không có cơ hội để chỉnh sửa. Chính trong điều kiện ngặt nghèo và những quy định của triều đình đã làm cho việc chạm khắc trang trí ở lăng tẩm nói chung và tại lăng của các bà hoàng phải tuân thủ những quy tắc tạo hình chính xác, chặt chẽ, nghiêm ngặt, từ đó dẫn đến một đề tài, thủ pháp trang trí cũng phải hết sức chỉnh chu, trọn vẹn và thống nhất. Đó cũng chính là một yếu tố góp phần làm cho nghệ thuật chạm khắc đá ở lăng của các bà hoàng thời Nguyễn giữ được mạch nguồn thẩm mỹ trong trang trí và có sự gần gũi với những thuộc tính dân gian kinh Bắc đã được cung đình hóa, điều đó được soi rọi rõ rệt thông qua các công trình kiến trúc ở Huế. Mỹ thuật thời Nguyễn về sâu xa vẫn giữ yếu tố chủ đạo là gốc Đại Việt mà một trong những dấu ấn tinh thần đó vẫn là mỹ thuật truyền thống dân tộc như tác giả Ngô Đức Thịnh đánh giá về mỹ thuật Huế: “... người ta còn đọc thấy có sự thâm nhập vào nhau, kế tiếp nhau giữa dân gian với chuyên nghiệp và cung đình”[8].

Trong nghiên cứu lịch sử văn hoá về các triều đại phong kiến Việt Nam, theo một thói quen của tư duy lịch sử một thời và sự mặc cảm chính trị đối với nhà Nguyễn, điều này đã có một thời gian khá dài người ta ít nói đến mối liên hệ hay sự so sánh, đối chứng lịch sử, văn hoá, nghệ thuật giữa Kinh Bắc ngàn năm văn hiến với nhà Nguyễn ở Huế. Tuy nhiên trong thực tế yếu tố dân gian truyền thống kinh Bắc đã rất được coi trọng. Tác giả Phan Thuận An trong bài “Điêu khắc, Hội họa, Trang trí, Thủ công Mỹ nghệ Huế cổ” đã phân tích: "Nhà Nguyễn đề cao Nho giáo, cho nên phần lớn đề tài và hình ảnh đều mang tính trang nghiêm, quyền quý, nhằm phục vụ cho nhu cầu của vua quan và các tầng lớp thượng lưu trí thức trong xã hội. Tuy nhiên cũng có một số đề tài và hình ảnh dân gian được gửi gắm vào trong trang trí"[9]. Tất yếu, trong đó mạch nguồn dân gian kinh Bắc đã hòa trộn với dân gian xứ Huế để tạo nên những giá trị thẩm mỹ mới, sâu lắng trong nghệ thuật trang trí lăng các bà hoàng thời Nguyễn ở Huế.

3. Dấu ấn thẩm mỹ Chămpa trong hình tượng trang trí tại lăng các bà hoàng

Sự ảnh hưởng từ văn hóa Chămpa là tất yếu của một triều đại hình thành, đóng đô trên vùng đất xưa, nơi còn lưu dấu sâu đậm giá trị nghệ thuật Chămpa. Trong Đại Nam Nhất thống chí của Quốc Sử Quán triều Nguyễn đã có 245 trang viết về xứ Huế, trong đó quyển I. Kinh Sư đề cập đến những công trình kiến trúc quan trọng có sử dụng đá. Cá biệt có nói đến đá trong nghệ thuật Chămpa đã được người Việt lưu giữ: "Ở xã Ưu Điềm, huyện Phong Điền, phía trước chùa có tượng Phật đá nổi, tục gọi: "Tượng Bà Lồi", trước tượng có khoảng đất rộng chừng một trượng, có bức bình phong bằng đá, cao rộng đến ba thước ..."[10].

Những cánh sen chạm trên đá kê trụ cột ở điện Thái Hòa (Đại Nội) và điện Sùng Ân (lăng Minh Mạng), trang trí khảm sứ tại Hiển Nhân Môn, cung An Định, cung Trường Sanh, điện Voi Ré ... có sự liên hệ kín đáo, thuần khiết với những hoa văn Chămpa như vậy trong trang trí ở lăng của các bà hoàng. Đặc biệt là kiểu thức cánh sen nghiêng ken vào nhau tạo thành đường diềm hoa văn cho thấy trong chạm khắc đá thời Nguyễn có sự tiếp thu những hoa văn trang trí tương đồng trong các hoa đá của Chămpa, mà rõ nhất là ở trụ đá Chămpa trưng bày tại Bảo tàng lịch sử tỉnh Bình Định và những đường diềm trên tấm nhũ của phù điêu tượng tu sĩ ở bảo tàng Chăm - Đà Nẵng. Sự ảnh hưởng từ văn hóa Chămpa là tất yếu của một triều đại hình thành, đóng đô trên vùng đất xưa, nơi còn lưu dấu sâu đậm những tinh túy giá trị nghệ thuật Chămpa. Trong một công trình nghiên cứu của tác giả Ngô Văn Doanh cho biết khi khảo tả về một tác phẩm điêu khắc Chămpa tìm thấy ở miền Trung, ông H.Parmentier đã có mô tả một hiện vật tương đồng về trang trí cánh sen ở trên mảng diềm của tầng nền có cánh sen ba lớp khá rõ nét. Kiểu cánh sen như vậy cũng thấy ở đỉnh trụ cổng đá lăng Kiên Thái Vương và "hơi hướng" Chămpa là rất rõ. Từ sự kế thừa và tiếp thu khách quan đó, cộng hưởng và thấm đượm tinh thần văn hóa Chămpa đã làm cho mỹ thuật Nguyễn được tiếp thêm được sức sống bền bỉ và phát huy các giá trị lớn lao về truyền thống văn hóa, có được sức nặng về tâm linh nghệ thuật, cho dù đã có lúc mạch nguồn quý giá đó đã bị đứt quãng trong dòng chảy biến động và đầy bi kịch của lịch sử dân tộc vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

Một đặc điểm khác đáng lưu ý, nghiên cứu lịch sử vùng văn hóa Huế có những nét lịch sử phức tạp, sự đan xen của nhiều dòng chảy văn hóa bản địa và ngoại lai đều diễn ra trong đó, hơn nữa Huế xưa vốn là vùng đất có nhiều nét văn hóa cổ của người Việt và Chăm. Nổi bật là người Chăm rất coi trọng hình tượng mẫu Thiên Y Ana (tức là Po Nagar), hình tượng được coi là nữ thần bản địa bên cạnh nhiều thần nữ khác ảnh hưởng từ văn hóa Ấn Độ. Điều thú vị là khi tiếp quản vùng đất Châu Ô, Châu Rí (Huế, Quảng Nam ngày nay), người Việt tiếp tục gìn giữ và thờ nữ thần Thiên Y Ana của Chămpa cùng với Thánh mẫu Liễu Hạnh của người Việt, đó là một trong những nét hài hòa tâm linh khá đặc biệt trong tâm thức văn hóa Việt - Chăm của tiến trình chiều dài trình lịch sử. Chính sự tương đồng về tâm thức thờ mẫu và sự đồng cảm trong tâm linh về tính mẫu mà sự sùng tôn các nhân thần, linh thần nữ đã trở thành một phẩm chất nổi bật của văn hóa ở miền Trung. Trong điều kiện cũng như tín ngưỡng tâm linh như vậy, sự gắn chặt và có sức mạnh tồn tại bền vững trong tâm thức người dân, đó cũng là một trong nhiều nguyên nhân làm cho các thuộc tính thẩm mỹ dân gian in dấu khá đậm nét ở những công trình, đền miếu thờ các linh thần nữ. Trong đó có cả những dấu ấn mỹ thuật dân gian bình dị, gần gũi trong hệ thống kiến trúc và trang trí lăng của các bà hoàng thời Nguyễn, điều mà rất khó có thể xuất hiện ở lăng các vua Nguyễn. Yếu tố khác biệt đó càng thể hiện rõ qua các kiểu thức tạo hình, đề tài, hoa văn, vật thờ, linh vật bài trí, chạm khắc ở lăng các bà hoàng thời Nguyễn. Do vậy sự tiếp biến văn hóa Chămpa trong mỹ thuật Nguyễn nói chung và tiếp biến mỹ thuật ở lăng các bà nói riêng thắm đượm dấu ấn văn hóa dân gian truyền thống mạnh mẽ là tất yếu và điều này được thể hiện trong trang trí chạm khắc đá tại lăng của các bà hoàng, góp phần tạo nên không chỉ những giá trị riêng ở các lăng bà mà còn là một trong những đóng góp to lớn trong những giá trị nghệ thuật tạo hình của thời Nguyễn.

Tại hương án bằng đá của lăng Thoại Thánh (lăng mẹ của vua Gia Long), chúng ta nhận ra sự kết hợp khá độc đáo của hoa văn chữ triện theo lối nét kỷ hà góc cạnh kết hợp với hoa văn hoa lá mang dấu ấn Chămpa, mây sóng mềm mại, đan xen, chúng tạo ra sự hài hòa của nét và hình, vừa trang trọng vừa thanh nhã và đầy xúc cảm thị giác. Đặc biệt là ở phần trang trí chính giữa tạo điểm nhấn, là một sự cách điệu hoa lá và kết hợp tinh tế nét chạm cứng - mềm, cong - thẳng, hướng nội - hướng ngoại, cân xứng và phá cách, ... một cách nhuần nhuyễn, đầy sáng tạo mà không dễ gì thấy được ở những hương án khác. Đây cũng là một bức chạm đá được đánh giá là có tính mẫu mực về kỹ thuật diễn tả, kỹ thuật chạm khắc đá và thấm đượm tinh thần nghệ thuật chạm khắc, trang trí Chămpa rất quen thuộc ở những bệ đá còn lưu lại ở Mỹ Sơn (Quảng Nam). Cũng qua đó chúng ta nhận ra mối quan hệ hài hòa giữa dân gian xứ Huế, kinh Bắc, bản địa Chămpa và cung đình trong trang trí chạm khắc đá thời Nguyễn nói chung và ở lăng các bà hoàng nói riêng. Những trang trí chạm khắc đá thời Nguyễn có phong cách riêng đối với tư duy tạo hình sinh động qua các hình tượng tạo hình trên đá nhưng nó vẫn nằm trong dòng chảy tư tưởng thẩm mỹ tạo hình dân tộc, hơn thế đã tôn vinh, làm tỏa sáng các đặc điểm và giá trị đặc trưng ấy trong nghệ thuật triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam.

Tóm lại: Sự diễn tả về cấu trúc và hàm chứa những ý nghĩa của các kiểu thức trang trí chạm khắc đá phong phú, đa dạng, phức hợp, cùng các hình tượng nghệ thuật được chọn lọc đưa vào trang trí lăng các bà hoàng, sự chắt lọc tinh tế các tiết điệu hoa văn, các mô típ... thể hiện rõ nét những kỹ thuật xử lý chất liệu linh hoạt đậm nét truyền thống, dân gian Kinh Bắc, Huế, bản địa Chămpa và để tạo nên những hình tượng trang trí chạm khắc đá độc đáo, mới lạ. Qua đó bộc lộ những mối quan hệ văn hóa sâu kín bên trong, làm cho chúng ta bất ngờ khi soi rọi và phủi đi lớp bụi mờ của thời gian, quá khứ để nhận diện các biểu tượng, các đề tài trang trí chứa sức nặng cội nguồn tâm linh. Những biểu tượng, hình ảnh về nghệ thuật mang sắc thái dân gian không chỉ góp phần vào sự cao sang, trang nghiêm hơn cho không gian tưởng niệm mà nó còn nhấn mạnh một nội dung rất cụ thể đó là hình ảnh, sự đại diện, là biểu trưng được tạo hình hóa về những giá trị tinh thần mà các vua Nguyễn dành cho các bà hoàng. Ngày nay, việc nghiên cứu nghệ thuật trang trí kiến trúc nói chung và nghệ thuật trang trí chạm khắc đá ở các lăng tẩm triều Nguyễn đã phát triển mạnh hơn. Đa số các công trình nghiên cứu mỹ thuật và các bài viết liên quan về nghệ thuật trang trí chạm khắc đá thời Nguyễn của một số nhà nghiên cứu đã có những phương thức đề cập đến nghệ thuật trang trí ở các mức độ quan tâm và đánh giá khác nhau. Công cuộc bảo tồn hiện nay còn gặp vô vàn khó khăn, đầy những hệ lụy từ quá khứ, điều đó còn bị chi phối bởi thời gian, điều kiện và một phần ý thức của con người. Dẫu bỏ qua nguyên nhân bởi con người thì vẫn còn nguyên nhân khách quan là khí hậu, thời gian, năm tháng đã từng làm phai mờ, bào mòn những nét hoa văn quý giá trên mỗi công trình, không chỉ ở các lăng của những bà hoàng mà còn xảy ra ở mọi di tích ngoài trời của thời Nguyễn. Chính vì vậy cần sớm nghiên cứu các hoa văn trang trí chủ đạo tại mỗi công trình, bởi chúng là yếu tố nghệ thuật tạo hình có ý nghĩa đa diện, phản ánh nhiều khía cạnh văn hóa tâm linh, nghệ thuật của thời đại nói chung và đặc biệt là những giá trị tinh thần từ văn hóa dân gian kinh Bắc - Chămpa và Huế trong nghệ thuật chạm khắc trên chất liệu đá ở lăng của các bà hoàng thời Nguyễn./.

T.T.H.D



[1] Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (2013), Di sản văn hóa Huế, nghiên cứu và bảo tồn, tập 3, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Huế. Trang 5.

[2] Trần Văn Tốt (1969), “Nhập môn nghệ thuật cổ Việt Nam”, Tập san Hội nghiên cứu Đông Dương, Nguyễn Tiến dịch, số 1. Paris. Trang 74.

[3] Nguyễn Thế Hùng (2013), "Bảo tồn toàn diện và bền vững di sản văn hóa Huế", Công cuộc bảo tồn di sản thế giới ở Thừa Thiên Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế. Huế. Trang 99

[4] Trần Lan Anh (1993), "Vài suy nghĩ về tính dân gian trong trang trí Nguyễn", Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật, số 3, trang  47.

[5] Ngô Đức Thịnh (1998), "Vùng văn hóa xứ Huế", Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (171), trang 29

[6] Trần Lâm Biền (1979), “Huế, Mỹ thuật Nguyễn, những cái riêng”, Tạp chí Nghiên cứu nghệ thuật (3), số 3, trang 37.

[7] Trương Quốc Bình (1998), "Về công cuộc bảo vệ và phát huy quần thể di tích lịch sử và văn hóa Cô đô Huế", Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 171, trang 23.

[8] Ngô Đức Thịnh (1998),  Sđd, trang 29.

[9] Phan Thuận An (1987) "Điêu khắc, Hội họa, Trang trí, Thủ công Mỹ nghệ Huế cổ". Kỷ yếu Viện Bảo tàng Mỹ thuật, số 6, trang 67.

[10] Quốc sử quán triều Nguyễn (1990), Đại Nam nhất thống chí, tập I, Phạm Trọng Điềm dịch, Nxb  Thuận Hóa, Huế. Trang 206

 

Các bài mới
Các bài đã đăng