TRẦN ĐỨC SÁNG
1. Mở đầu
Nghi lễ chia tay giữa bên này và bên kia cuộc sống vẫn tạo một dấu ấn quan trọng trong đời sống các tộc người cư trú trên khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên. Đặc biệt, đối với người Cơ Tu, cái chết vừa mang tính chất ly biệt, nhưng đây chính là sự quần tụ một cuộc sống vĩnh hằng ở thế giới của tổ tiên vẫn hiện hữu một cách mặc nhiên trong tâm thức của họ. Do vậy, cái còn lại mà người sống dành cho người chết chính là ngôi nhà mồ - một kiến trúc nghệ thuật hàm chứa nhiều ý nghĩa: làm bằng lòng người chết để hồn ma không còn lưu luyến trở về khuấy động cuộc sống bên này, vừa bày tỏ lòng thương tiếc và trân trọng những gì mà người ra đi đã để lại trong ký ức lẫn thực tế. Thể hiện điều ấy chính là những gì mà người sống đã tạo ra trên ngôi nhà mồ: công phu, ấm áp và cả ngôn ngữ ẩn dụ của mình đối với người chết qua cấu trúc và trang trí nghệ thuật.
Để có một góc nhìn cụ thể trên đối tượng nghiên cứu, bằng phương pháp quan sát, tham dự, phỏng vấn hồi cố, cùng những tư liệu liên quan, chúng tôi muốn đi sâu tìm hiểu vấn đề này xoay quanh những hoa văn, biểu tượng; từ hình dáng đến ý nghĩa của chúng, đặt trong xã hội cổ truyền trên ngôi nhà mồ của người Cơ Tu ở huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế.
2. Vài nét về địa bàn cư trú của người Cơtu ở Thừa Thiên Huế
Nam Đông là một trong hai huyện miền núi của tỉnh Thừa Thiên Huế, nằm về phía Tây Nam, cách thành phố Huế khoảng 50km, có diện tích khoảng 698,77km2. Phía Tây giáp huyện A Lưới, phía Đông giáp huyện Phú Lộc, phía Nam giáp huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) và huyện Hòa Vang (thành phố Đà Nẵng), phía Bắc giáp thị xã Hương Thủy. Nam Đông là địa bàn có nhiều xáo trộn về mặt hành chính. Thời kỳ trước năm 1945, đây được xem là “nguồn” Tả Trạch và Hữu Trạch[1] của Thừa Thiên Huế. Sau năm 1945, chính quyền cách mạng đã xóa bỏ đơn vị hành chính nguồn, hình thành một số xã để thành lập chính quyền mới. Các xã thuộc nguồn Tả nhập vào địa bàn huyện Phú Lộc gọi là xã Đại Hóa, các xã thuộc nguồn Hữu nhập về Hương Trà. Năm 1955, chính quyền Sài Gòn thành lập quận Thượng Du (bao gồm vùng núi Thừa Thiên) rồi đổi tên thành quận Nam Hòa. Sau đó sắp xếp lại địa danh hành chính theo các quận và địa bàn cư trú của người Cơ Tu thuộc quận 4, gồm 8 xã: Thượng Nhật, Thượng Long, Thượng Lộ, Thượng Quảng, Hương Hữu, Hương Sơn, Hương Nguyên và Hương Lâm. Đến năm 1976, hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới được thành lập trên cơ sở quận 1, quận 3 và quận 4. Nam Đông gồm 6 xã trước đây và thêm 3 xã kinh tế mới là Hương Lộc (Phú Lộc), Hương Phú (Phú Vang, Hương Thủy), Hương Giang (thành phố Huế). Đến tháng 3 năm 1977, huyện Nam Đông nhập vào huyện Phú Lộc, tỉnh Bình Trị Thiên. Tháng 10 năm 1990, huyện Nam Đông được tách ra từ huyện Phú Lộc bao gồm 9 xã như cũ. Năm 1994, với việc thành lập huyện lỵ Khe Tre, xã Hương Lộc được chia thành 3 xã, thị trấn: Hương Lộc, Hương Hòa và thị trấn Khe Tre. Đến nay, huyện Nam Đông có tổng cộng 11 đơn vị hành chính cấp xã, trị trấn, bao gồm: Khe Tre, Hương Phú, Hương Lộc, Hương Hòa, Hương Sơn, Hương Giang, Hương Hữu, Thượng Lộ, Thượng Long, Thượng Nhật, Thượng Quảng [1, tr. 16 - 19].
Người Cơ Tu là một trong những tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Mon - Kh’mer, thuộc ngữ hệ Nam Á, sinh sống ở Việt Nam và nước bạn Lào, có dân số khoảng hơn 7 vạn người. Ở Việt Nam, người Cơ Tu cư trú chủ yếu trên ba huyện Tây Giang, Đông Giang và Nam Giang của tỉnh Quảng Nam, một bộ phận sinh sống tại thôn Phú Túc, xã Hòa Phú và thôn Tà Lang, Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Ở Thừa Thiên Huế, người Cơ Tu cư trú ở huyện Nam Đông, A Lưới và xã Bình Điền, Hồng Tiến thuộc thị xã Hương Trà. Ở nước bạn Lào, người Cơ Tu cư trú ở một số tỉnh như Xê Kong, Saravan và Champasak.
Người Cơ Tu ở huyện Nam Đông có 11.715 nhân khẩu, sống tập trung ở các xã Thượng Long (2.667 người), Hương Hữu (2.870), Thượng Nhật (2.145 người), Thượng Quảng (1.191 người), Hương Sơn (1.468 người), Thượng Lộ (1.194 người) và Hương Phú (108 người)[2]. Tên gọi dân tộc Cơ Tu hiện có nhiều cách gọi và phiên âm khác nhau như: Katu, Cơ tu, Cờ tu/Tu, K’tu/C’tu, Ka tu/Tu... Tuy nhiên, cách viết cũng như tên gọi được công nhận chính thức bởi Nhà nước Việt Nam và được sử dụng trong các văn bản hành chính từ năm 1979[3] là Cơ Tu/Cơ-tu...
3. Đặc điểm nghệ thuật trang trí trên nhà mồ truyền thống của người Cơ Tu ở huyện Nam Đông
Theo tập tục truyền thống của người Cơ Tu, những người chết tốt9, sau một thời gian sẽ được làm nhà mồ, để linh hồn của họ về thế giới tổ tiên. Đây là khoảng thời gian mà người sống thể hiện tình cảm của mình cho người chết qua ngôi nhà mồ - nơi lưu giữ hài cốt của những người quá cố. Vì lẽ đó, nhà mồ của người Cơ Tu được ví như một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc nhất trong hệ thống kiến trúc tâm linh. Vào những năm 1938, khi khảo sát địa bàn của người Cơ Tu ở tỉnh Quảng Nam, một người Pháp có tên là Le Pichon đã có những ghi chép về nhà mồ của của họ như sau: “Nhưng chính nhà mồ (pĩn) và quan tài (tăram) mới thật là kiệt tác của người Katu. Là nhà mồ và quan tài, chúng được trang trí nhiều hình vẽ, hình khắc cách cực kỳ đa dạng; mỗi hình có mỗi nét riêng và kiểu mẫu không bao giờ trùng lặp.... Nghệ thuật Katu ấy chỉ có thể ra đời từ một nền văn hóa phát triển tương đối cao mà những gì còn lại sẽ biến mất mà chúng ta không can thiệp vào để cứu chúng” [5, tr. 40 - 41]. Đến năm 2002, khi nói về nhà mồ của người Cơ Tu, nhà nghiên cứu Tạ Đức nhận định: “Ngôi nhà mồ này thể hiện một cư dân Đông Á xưa, coi ngôi nhà là một vũ trụ hai bên, 3 tầng - 3 thế giới. Hai bên là đông - tây. Phía đông gắn với mặt trời, sự sống - người đàn bà - chim/gà; phía tây gắn với mặt trăng, cái chết, người đàn ông, trâu. Mái nhà là thế giới bên trên, nơi tổ tiên - thần linh thể hiện qua các con vật thiêng. Sàn lững giữa quan tài và mái, là thế giới giữa con người, nơi tái hiện cảnh sáu người trong đám ma: 4 đàn ông đứng đánh trống, thổi khèn, đánh chiêng, hút thuốc, hai người đàn bà ngồi bó gối - chống cằm, khóc. Bốn góc là bốn con gà. Dưới cùng thế giới bên dưới của người chết, nơi đặt quan tài” [4, tr. 92].
Từ thực tế khảo sát những khu nhà mồ của người Cơ Tu ở huyện Nam Đông và đối chiếu với những miêu tả của Le Pichon, chúng tôi nhận thấy: nhà mồ của người Cơ Tu được các nghệ nhân tạo tác một cách công phu trên các hệ thống mái, cột, tượng thờ và quan tài,... với nhiều đề tài sinh động như hình đầu trâu, gà, chim, kỳ đà, các loại hoa văn (hình thoi/mã não, hoa/lá đùng đình, hình răng cưa, cối giã gạo, hình ảnh con người,...). Trong hệ thống điêu khắc trên nhà mồ của người Cơ Tu, chủ đề loài vật thường được bố trí theo cặp đối xứng, tuân thủ các yếu tố đực - cái và mỗi đề tài mang những ý nghĩa đặc thù. Tất cả, tạo nên một cảnh quan hài hoà giữa thiên nhiên, con người, các mối quan hệ xã hội (láng giềng, thông gia,...), thể hiện ước muốn về một viễn cảnh giàu có của người chết ở thế giới bên kia, nơi mà những trâu, thú rừng, gà, cá, mã não tràn trề, cùng nhiều người vui sống theo họ...
3.1. Hình tượng động vật
Trên nhà mồ của người Cơ Tu ở huyện Nam Đông, có rất nhiều hình tượng động vật khác nhau như: trâu, sơn dương, sao la, kỳ đà, rùa, gà, chim, cá, rắn,..., bởi người Cơ Tu cho rằng: sự am hiểu tính cách các loài vật chính là nguồn sáng tạo và trải nghiệm trong cuộc sống thường ngày, bởi tính cách của chúng sẽ tác động tới cuộc sống của từng cá nhân, dòng họ cũng như toàn thể cộng đồng làng.
Trâu (tơrí): Trong quan niệm của người Cơ Tu, con trâu là một trong những giá trị tài sản lớn của gia đình, dòng họ và cộng đồng làng[4]. Đặc biệt, trong xã hội truyền thống, khi vai trò của người phụ nữ được xem nhẹ thì trâu có thể làm thước đo trong việc trao đổi ngang hàng với người con gái, khi được nhà trai lựa chọn về làm dâu trong gia đình. Trong các nghi lễ hiến sinh của người Cơ Tu, trâu là con vật linh thiêng nhất có thể thay được máu người: “trâu là con vật thiêng không thuộc một người hay một làng Katu mà thuộc về tổ tiên của họ. Người Katu mua trâu từ các lái trâu người An Nam, từ đó, họ không thể bán lại trâu nhưng có thể dùng máu trâu thay cho máu người và việc giết trâu mang tính tín ngưỡng” [4, tr. 92]. Do vậy, hình tượng con trâu được xem là đề tài trang trí nổi bật trên kiến trúc nhà mồ (đung ping), nó còn được trang trí trên phương tiện cư trú như: nhà cộng đồng (gươl), cổng làng (xung)…
Trong hệ thống trang trí trên nhà mồ của người Cơ Tu ở huyện Nam Đông, hình đầu trâu (acọ tơrí) tả thực hay cách điệu - luôn có mặt ở nhiều vị trí khác nhau, từ đầu nóc cho đến quan tài. Có thể thấy, hình tượng trâu xuất hiện ở nhà mồ với tần số cao nhất, so với các đề tài trang trí khác[5]. Nghệ nhân Cơ Tu rất tài tình trong cách tả thực, con trâu có dáng vẻ thoải mái, như một cái chết tốt trong quan niệm của họ. Sự quan sát mô tả kỹ càng đặc tính từng loài vật của người Cơ Tu đã cho chúng ta thấy rõ cách thể hiện hình ảnh trâu trên kiến trúc nhà mồ, qua hai đầu quan tài của nam giới là hình ảnh đầu con trâu đực ngẩng cao, ở quan tài của nữ giới là hình tượng đầu con trâu cái, có dáng hơi cúi, cổ nhỏ, thon dài.
Phía hai đầu nóc nhà mồ (a chua) và 4 điểm cuối vì kèo của mái cũng xuất hiện những hình đầu trâu tương tự, tất cả được tạo thành từng cặp, đầu hướng ra bốn phía, thể hiện khát vọng vươn xa. Nếu quan sát kỹ từ phía trên cao, chúng ta sẽ thấy ngôi nhà mồ của người Cơ Tu giống như một đàn trâu đang ngủ, đầu hướng ra ngoài như bảo vệ cho đàn con của nó. Những hình ảnh về trâu phần nào giúp chúng ta thấy được ước muốn về sự giàu có của linh hồn người đã khuất khi về với thế giới tổ tiên. Một vấn đề thực tế trong luật tục của người Cơ Tu quy định: Tất cả các gia đình, dòng họ nào khi tổ chức lễ làm nhà mồ (têng ping) có cúng trâu cho người đã khuất thì mới được phép chạm khắc hình tượng acọ tơrí trên quan tài và các cấu kiện khác của nhà mồ[6].
Sơn dương (xung xăng) và sao la (xung xoor) là những con vật hiền lành, tạo được sự yêu mến của các vị thần và được người Cơ Tu đưa vào trang trí trên nhà cộng đồng, cũng như nhà mồ. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy, những hình tượng này được chạm khắc trên một số quan tài của dòng họ Bling (xã Thượng Long) xuất phát từ nghề săn bắn của người quá cố. Quan tài có chạm khắc nhiều hình thú vật, cho chúng ta biết rằng, người quá cố là một tay săn giỏi[7].
Kỳ đà (tà ry) là hình ảnh biểu hiện cho mối quan hệ âm - dương/người sống - người chết, thường được đặt ở cột nhà, với tư thế bò lên hay xuống, tương ứng với ý nghĩa về hai thế giới sống (lên/dương) - chết (xuống/âm). Có nhiều trường hợp, trên quan tài, người ta lại thể hiện hai con vật này bò ngược chiều nhau, theo hướng đông (hướng người sống) - tây (hướng người chết).
Rùa (a cọp) tuy là loài vật chậm chạp nhưng rất linh thiêng và có tuổi thọ rất cao nên nhiều tộc người lấy rùa làm một dạng biểu tượng, kiến trúc, thờ tự, cư trú[8]... Ở người Cơ Tu, rùa cũng là đề tài trang trí ở nhiều nơi trong nhà mồ, Gươl,... và nó cũng mang ý nghĩa trường tồn[9].
Gà (A tứtrh) gắn bó mật thiết với người Cơ Tu, cả trong đời sống vật chất thường nhật lẫn sinh hoạt lễ nghi; là vật hiến sinh không thể thiếu, tạo nên các mối quan hệ tâm linh giữa con người với các thế lực siêu nhiên; con vật báo hiệu sự chuyển đổi thời khắc ngày và đêm. Bên cạnh đó, gà là một trong những món ăn chính của nhà gái dành cho nhà trai trong các hoạt động cưới xin, tang ma[10]. Nhờ đó mà gà cũng đã được xem như một biểu tượng trong nghệ thuật trang trí trên nhà mồ, ở vị trí một đầu quan tài, trên nóc (achua), trên mâm cúng ma (a pớ abhui),…
Chim Tring: Chúng tôi nhận thấy nhiều trường hợp lấy hình tượng chim Tring làm đề tài trí thay cho gà trên nhà mồ Cơ Tu. Bởi, người Cơ Tu cho rằng, con vật này được thần linh cử đến để đi tìm vùng đất mới và nó cũng là sứ giả của thần lúa [4, tr. 44]. Bên cạnh đó, Tring là loài chim được người Cơ Tu ưa thích bởi chiếc mỏ lớn và dài, màu lông sặc sỡ, sống từng cặp, làm chủ một vùng rừng núi và rất chung thuỷ. Điệu múa yơ yã nổi tiếng, đặc trưng của người Cơ Tu được ví như điệu nhảy của chim Tring [7, tr. 360]. Hình ảnh của chúng thường xuất hiện ở đầu hồi Gươl (tacoi), cổng làng, đầu nóc nhà mồ... và người ta coi đó như là một sự may mắn, vui vẻ khi người chết đi về thế giới bên kia.
Rồng (xà luông): Trong quan niệm của con người, rồng là một loài vật huyền bí mang tính thần thoại/huyền thoại. Ở phương Đông, rồng còn là biểu tượng cho quyền lực tối cao và đôi lúc, trở thành con vật đáng sợ. Ở người Cơ Tu, hình tượng rồng trong kiến trúc nhà mồ rất đa dạng, không theo một quy chuẩn cụ thể nào. Trong nhiều trường hợp, rồng chỉ thuần túy như là một loại rắn có chân và vây ở lưng, có khi chúng được biểu đạt trong tạo hình theo suy nghĩ cá nhân của những nghệ nhân. Con rồng trong trang trí của người Cơ Tu có rất nhiều tua, giống như hình dáng của rồng trong các hoạ tiết trang trí của người Kinh. Trong nhà mồ, rồng luôn nằm trên đỉnh mái (achua) theo từng cặp, quay đầu ngược nhau[11], tạo nên một hàng vây chạy dài trên nóc. Điều đáng chú ý ở đây, trong truyền thuyết của người Cơ Tu có một loại rồng được mọi người gọi là Padưa, có thân hình như rồng trong sách vở, tranh ảnh của người Kinh, chúng sống dưới nước luôn rình bắt người mỗi khi qua suối, phải chăng hình tượng con Padưa được người Cơ Tu đưa vào trong trang trí nhà mồ với mục đích cảnh cáo những ai đến gần, hoặc lời răn dạy con cháu tránh xa các loài vật này.
Rắn (ca xanh): hình ảnh những cặp rắn nằm phần dưới và song song với rồng, chúng được điêu khắc với tư thế cuộn mình vào nhau, theo một đường thẳng chạy dài trên bờ nóc. Người Cơ Tu tin rằng, rắn sẽ bảo vệ nhà mồ, hơn nữa, rắn thường sống theo cặp, biểu hiện sự chung thuỷ. Trong tâm thức người Cơ Tu, một loài rắn khiến họ sợ hãi nhất, nó có đủ khả năng gây chết người bằng những ma thuật. Đó là loại rắn xanh sống trên cây cao (ca xanh tu âng loong) có thân hình rất to, lưng màu xanh, bụng màu trắng, tiếng kêu giống như heo, sống trên cây cao, lúc gặp người, nó thường nhả độc làm hại, đây là lời nhắc nhở người ngoại tộc đừng phá hoại hay làm những điều xấu ở đó.
Cá (a xiu): Trong đời sống Cơ Tu, cá không đơn thuần là nguồn dinh dưỡng quan trọng, là một vật phẩm trong nghi lễ nhà gái dành cho nhà trai vào dịp hôn nhân, tang ma... Ở đây, loài cá đặc trưng mà người Cơ Tu sử dụng trong điêu khắc nhà mồ chính là cá harliêng sống ở suối, chúng thường bơi ngược dòng nước ăn rong rêu, là nguồn thực phẩm dồi dào có sẵn trong tự nhiên, một loài cá biểu tượng cho sự sạch sẽ và khoẻ mạnh. Theo phong tục người Cơ Tu, các đối tượng sau khi cưa răng, họ phải tự mình ra suối bắt loại cá này về thức ăn cho đến khi vết thương lành hẳn. Trong nhà mồ, cá được đặt ở những vị trí khác nhau, có lúc được tạo nên ở hai vì kèo nằm dọc, thay cho đầu trâu; có khi lại được tạo ở bốn mảnh ván nằm sát quan tài,...
3.2. Hình tượng thực vật
Cây đoác (tà vạc) và cây đùng đình (tàđin) là những loại cây thuộc họ dừa, mọc khắp vùng cư trú của người Cơ Tu, được xem như đặc sản của tộc người, vừa mang lại nguồn rượu[12] vô hạn trong cuộc sống thường nhật cũng như trong các lễ hội, đồng thời nó là nguồn thức ăn trong những ngày đói rét. Bên cạnh đó, cây đoác và đùng đình góp phần không nhỏ trong nguồn nguyên liệu đan lát, lợp nhà, đánh bắt, vật lấy lửa... Xuất phát từ những ý nghĩa trên, cộng với hình dáng đặc trưng của cây và lá nên người Cơ Tu đã đưa chúng vào trong nghệ thuật tạo hình với những dải hoa văn hình vuông, chữ nhật kết hợp với màu sắc đen, trắng và đỏ, tạo thành hệ hoa văn trang trí nhà mồ và được gọi là atút.
A lôm là một loại cây thân gỗ, hoa thường nở vào mùa hè, hoa có bốn cánh màu vàng cam sặc sỡ. Trước đây, khi mùa hoa a lôm nở, người Cơ Tu tiến hành dọn dẹp những ngôi mộ của người chết tốt chưa đến thời kỳ làm lễ bỏ mả (têng ping), bên cạnh đó, loại hoa này cũng là một trong những biểu tượng tình yêu của nam nữ Cơ Tu. Mô típ hoa văn cây a lôm được người Cơ Tu làm chủ đề trang trí trong nhà mồ đều xuất phát từ những ý nghĩa thực tế trong cuộc sống đời thường.
Rau dớn: Trong cơ cấu bữa ăn hàng ngày, rau dớn là một trong những món ăn được người Cơ Tu ưa thích và dễ dàng khai thác ở dọc bờ suối hay tranh thủ trên đường đi làm. Đầu ngọn rau dớn có hình xoáy ốc, như hình mặt trăng (ta coi) ở đầu hồi Gươl, cổng làng, các chi tiết trang trí trên đầu cột đâm trâu (kéng coong),... Trong nhà mồ Cơ Tu, kiểu thức trang trí này được đặt ở nhiều vị trí khác nhau, có khi nằm trên các ta coi, mâm ma (apớ abhui), có khi lại đóng vai trò phụ họa cho các hoa văn hình học khác, làm nên sự hoàn chỉnh cho bố cục trang trí.
3.3. Một số hình tượng khác
Hình tượng con người (manưih) rất phổ biến trong nghệ thuật tạo hình các tộc người ở Trường Sơn - Tây Nguyên, dưới nhiều góc độ thể hiện và sức biểu cảm. Trong nhà mồ Cơ Tu, số lượng tượng người tùy thuộc vào tay nghề của các nghệ nhân. Tuy nhiên, theo qui định của luật tục Cơ Tu, tất cả các gia đình, dòng họ, khi làm nhà mồ cho người quá cố đều phải có ít nhất là bốn tượng người (cả tượng nam và nữ), được trang trí ở bốn góc của mâm cúng ma (apớ abhui). Các tượng người ở đây có nhiều kiểu dáng khác nhau như: đối với nữ giới, thường có tư thế ngồi, tay chống cằm, dáng vẻ buồn bã suy tư, hoặc vui vẻ trong điệu yơ yã; đối với nam giới, thường có động tác đánh trống, thổi khèn hoặc một tay cầm ống điếu, một tay cầm vũ khí (coih/zũ), sau lưng mang chiếc gùi 3 ngăn (tà lẹt) - vật dụng không thể thiếu của người đàn ông Cơ Tu. Hình ảnh này cũng tượng trưng cho vị chủ làng (toco vil),… Khi quan sát kỹ các tượng trên cột nhà mồ cùng với những tượng người trên mâm cúng ma, chúng tôi nghĩ rằng, đây có thể là sự phân công lao động hay chức năng nhiệm vụ của từng cá nhân trong xã hội truyền thống người Cơ Tu.
Khi khảo sát nhà mồ của người Cơ Tu, thuộc dòng họ Rapát ở xã Thượng Long, huyện Nam Đông vào những năm 2000, chúng tôi thấy ở đây xuất hiện 12 tượng người ở 6 cột chính của nhà mồ, được nghệ nhân đục đẽo trực tiếp tiếp trên những thân gỗ tròn, có tư thế đứng, làm cột chịu lực đỡ các vì kèo và mái, mỗi cột đều có một tượng người (3 nam, 3 nữ). Tượng nam thường đội trên đầu những ché/bầu rượu và ở tượng nữ là những nồi đất (gõ ca oil) và trong tư thế múa yơ yã. Điều này khác hẳn với nhà mồ của các tộc người ở Tây Nguyên, chủ yếu là những thân gỗ được tách đẽo rời riêng lẻ. Trên chiếc mâm cúng ma (apớ abhui) có 6 tượng người, hình dáng tuy nhỏ nhưng nghệ nhân vẫn làm nổi lên những biểu hiện vui vẻ, tái hiện những sinh hoạt của người chết lúc sinh thời.
Nhìn chung, hầu như tất cả tượng người trên nhà mồ của người Cơ Tu đều muốn thể hiện bối cảnh sinh hoạt vui vẻ để người chết an tâm ra đi, cũng như cách sẻ chia nỗi cô tịch khi không còn ai sau lễ bỏ mả; hơn nữa, đây còn là cảnh người sống chia của cho người chết, với ý nghĩa cầu mong con ma đừng về phá hoại, bắt người thân.
Bên cạnh các đề tài động vật, thực vật, con người,... trong điêu khắc nhà mồ Cơ Tu còn có nhiều loại hoa văn hình răng cưa, thể hiện cho núi rừng trùng điệp mà họ cư trú, các hoa văn dưới dạng hình học, chủ đề đồ vật, đặc biệt là mô típ hạt mã não (đheng), vòng cườm (a rác),... tạo thành những dải hoa văn trang trí rất linh thiêng và sinh động.
4. Kết luận
Như vậy, ngôi nhà mồ truyền thống của người Cơ Tu ở huyện Nam Đông không chỉ đơn thuần là một công trình kiến trúc tâm linh, thể hiện tư duy về nhân sinh quan, thế giới quan được họ lưu giữ từ đời này sang đời khác, mà còn thấy được cả một công trình nghệ thuật độc đáo, từ phong cách kiến trúc cho đến lối điêu khắc tả thực sinh động. Dưới bàn tay của các nghệ nhân Cơ Tu, những hình tượng động vật, thực vật cùng các hệ hoa văn khác đã tạo nên ngôi nhà mồ với đầy đủ cảnh quan mà người chết đã từng sống. Chính nơi đây được xem như cõi vĩnh hằng - cuộc sống mới của những người chết lành vẫn còn in đậm trong tâm thức của người Cơ Tu.
T.Đ.S
Tài liệu tham khảo:
Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Nam Đông (2003). Lịch sử Đảng bộ huyện Nam Đông (1945 - 2000), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
Dam Bo (Jacques Duornes) (2002). Miền đất huyền ảo (các dân tộc miền núi nam Đông Dương), [Nguyên Ngọc dịch], Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
Tạ Đức (1999. Nguồn gốc và sự phát triển của kiến trúc biểu tượng và ngôn ngữ Đông Sơn, Hội Dân tộc học Việt Nam xuất bản, Hà Nội.
Tạ Đức (2002), Tìm hiểu văn hoá Katu, Nxb Thuận Hoá, Huế.
Le Pichon (2011). Những kẻ săn máu [Tạ Đức dịch], Nxb Thế giới, Hà Nội.
Nguyễn Quang Lê (2004). “Bàn về phong tục và nghi lễ gắn với đời người của đồng bào Bana ở Kon Dỡng, Mang Yang, Gia Lai”, Tạp chí Văn hóa Dân gian, số 3 (39), tr. 25 - 36.
Nguyễn Hữu Thông [cb] (2004). Katu - kẻ sống đầu ngọn nước, Nxb Thuận Hoá, Huế.
[1] Nguồn Tả gồm các xã Thượng Lộ, Thượng Nhật, Thượng Long và Thượng Quảng, nguồn Hữu các xã Hương Sơn, Hương Hữu (của huyện Nam Đông) Hương Lâm, Hương Nguyên (của huyện A Lưới) và một phần của huyện Hương Trà.
[2] Số liệu do Chi cục Thống kê tỉnh Thừa Thiên Huế cung cấp.
[3] Danh mục các thành phần dân tộc Việt Nam (Ban hành theo Quyết định số 121-TCTK/PPCĐ, ngày 2-3-1979).
[4] Đối với các tộc người ở Tây Nguyên, hiến tế con trâu là hành vi cúng tế cao nhất... Trong nhiều truyền thuyết, ta thấy nó được xem như một con người; cho đến tận ngày nay nó vẫn có một cái tên giống như con người và nó là người bạn lao động tốt nhất [2, tr. 345]. “Người Bana coi trâu là vật tổ nên họ thường cưa răng để giống răng trâu” [6, tr. 28]. Ở người Srê (Cơ ho) thường có tục rửa chân trâu và họ tin rằng linh hồn người chết sẽ hoá thành trâu khi mơ thấy trâu chết. Người Mông coi trâu là vật dẫn đường, tài sản cho người chết. Người Thái sau một mùa vụ thường có lễ gọi hồn trâu bởi trong tâm thức, trâu là bà tổ của họ. Người Toraja coi trâu là anh của người và lúa, họ tin rằng khi trâu bị giết là con người chết hẳn [3, tr. 236].
[5] Khi khảo sát nhà mồ truyền thống của dòng họ Bling ở thôn A Prung, xã Thượng Long, chúng tôi thấy trên hệ thống mái nhà mồ có 6 hình đầu trâu và 12 hình được điêu khắc trên 6 chiếc quan tài. Ngoài ra, hầu hết trên các nhà mồ của người Cơ Tu trên địa bàn huyện Nam Đông đều có hình tượng đầu trâu…
[6] Theo ông A Rất Chân, thôn Dỗi, xã Thượng Lộ.
[7] Theo con cháu của dòng họ này thì người quá cố là một thợ săn nổi tiếng trong vùng, để tưởng nhớ ông, nghệ nhân Cơ Tu trong làng đã điêu khắc hai con vật này.
[8] Ngôi nhà có hình dáng mai rùa của người Thái, kiểu làng có hình dáng mai rùa của các tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Môn Khmer, người Kinh có truyền thuyết về thần Kim Quy giúp Thục Phán An Dương Vương xây thành Cổ Loa,...
[9] Theo nhiều người dân Cơ Tu ở xã Thượng Long như A Ting Mười, Bling Bhiết, Quanh Nam, Ra pát a Hồng… thì rùa là con vật sống lâu nên nó được đưa vào trong các kiến trúc này, với ngụ ý là linh hồn của người chết sẽ tồn tại mãi mãi.
[10] Luật tục của người Cơ Tu quy định: trong trong hôn nhân, tang ma, nhà trai phải tặng nhà gái các loại thực phẩm hoặc loài vật 4 chân và ngược lại nhà gái tặng lại nhà trai các loài vật 2 chân cùng một số thực phẩm dưới nước,…
[11] Theo giải thích của A ting Mười (xã Thượng Long), hai con rồng quay ngược lại nhau thể hiện sự ước muốn đi xa hơn để tìm những vùng đất tốt, đây là dấu hiệu của mùa màng bội thu.
[12] Người Cơ Tu khai thác rượu từ những cây này bằng cách: cắt phần cuối của buồng hoa/quả hoặc đục một lỗ trực tiếp vào phần đầu của thân cây rồi đặt ống tre để hứng lấy rượu trong đó chảy ra.