Văn nghệ dân gian
Môi trường hình thành các loại nhạc cụ của người Tà Ôi
16:33 | 10/05/2022

TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONG

Môi trường hình thành các loại nhạc cụ của người Tà Ôi
Ảnh: Internet

Sinh hoạt âm nhạc là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống cộng đồng của người Tà Ôi. Đối với họ, ở mọi nơi, mọi lúc đều có thể thưởng thức âm thanh trầm bổng của các loại nhạc cụ. Chính nó đã góp phần làm cho cuộc sống của bản làng, núi rừng, nương rẫy càng thêm vui nhộn. Nhạc cụ cũng đã làm cho con người thể hiện những tâm tư tình cảm của mình, giúp họ quên đi nỗi nhọc nhằn, vất vả, xua tan những khoảng không im lặng đáng buồn, đáng sợ, tạo sự kết nối giữa con người với thần linh, vạn vật.

Nhạc cụ của người Tà Ôi được ra đời từ trong cuộc sống lao động và sinh hoạt văn hóa tinh thần của cộng đồng. Đó chính là môi trường tự nhiên và môi trường xã hội mà người Tà Ôi chính là chủ nhân.

1. Môi trường tự nhiên

Người Tà Ôi cư trú chủ yếu ở khu vực miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế và phía Tây Nam của tỉnh Quảng Trị. Ngoài ra, còn có một nhóm nhỏ cư trú ở ngoài lãnh thổ Việt Nam ở các tỉnh của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào giáp giới với tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị.

Địa bàn cư trú hiện nay của người Tà Ôi bao trùm toàn bộ khu vực rộng lớn của miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Quảng Trị với diện tích khoảng 1.820km2. Chiều ngang được tính từ điểm đầu xã Bình Điền, thị xã Hương Trà đến biên giới Việt - Lào có độ dài khoảng 20km. Chiều dọc được tính từ điểm A Tép, xã A Roàng, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế đến thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị có độ dài khoảng 91km. Song xưa kia, địa bàn cư trú của tộc người này còn lớn hơn nhiều bởi lẽ hiện nay ở các vùng gần đồng bằng Thừa Thiên Huế và Quảng Trị vẫn còn lưu lại nhiều dấu vết về ngôn ngữ Tà Ôi[1].

Người Tà Ôi cư trú trên một vùng đất đa dạng về địa hình, thổ nhưỡng. Trong đó nhóm địa phương Pa Hi thì thích ở vùng thấp, gần với người Kinh nay thuộc địa bàn các xã Bình Điền, Bình Thành, Hồng Tiến của thị xã Hương Trà, xã Hồng Hạ của huyện A Lưới, khu tái định cư Bến Ván của huyện Phú Lộc, và xã Phong Mỹ của huyện Phong Điền.

Nhóm địa phương Pa Cô thì thích ở vùng cao hơn, ôm trọn vùng thung lũng A Lưới gồm các xã Hồng Thượng, Đông Sơn, Phú Vinh, Hồng Kim, Hồng Quảng, Hồng Bắc, Hồng Trung, Bắc Sơn, Hồng Vân, Hồng Thủy và thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Các xã A Bung, A Ngo, A Vao, Tà Rụt, huyện Đắckrông, tỉnh Quảng Trị. Các xã A Xing, A Túc và thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Nhóm Tà Ôi cư trú toàn phần núi cao, dọc triền đồi của các con sông lớn như sông A Sáp, sông Bồ, sông Hữu Trạch, sông Ô Lâu, sông Đắckrông nay thuộc các xã A Roàng, A Đớt, Nhâm, Hồng Thái, A Ngo, Nam Sơn, Tây Sơn, Hồng Nam.

Địa hình vùng Tà Ôi sinh sống được chia thành các khoang lớn nhỏ khác nhau, chạy từ Đông sang Tây là các khoang:

- Khoang Bình Điền - Hồng Tiến được bao bọc bởi hệ thống dãy núi Kim Quy và Ngọc Kê Trai.

- Khoang Hồng Tiến - Hương Nguyên được bao bọc bởi đèo Kim Quy và dãy núi Kim Quy.

- Khoang Hương Nguyên - Hồng Hạ được bao bọc bởi dãy núi Kim Quy, đèo Tà Lương và dốc Mẹ Ơi.

Chạy từ Nam ra Bắc được cắt thành các khoang gồm:

- Khoang A Roàng - Hương Nguyên tạo thành thung lũng A Roàng được bao bọc bởi dãy núi A Vương, A Tép, thượng nguồn sông Hương và dốc A Năm.

- Khoang A Đớt - Hương Phong tạo thành thung lũng A So bởi dãy núi A Năm và dãy Trường Sơn Đông.

- Khoang trung tâm A Lưới tạo thành thung lũng A Lưới rộng lớn với bán kính chiều dài 15km, chiều ngang 6km, chia cắt bởi dốc Cruôi là ranh giới địa bàn xã Hương Phong và Phú Vinh, đèo A Co (xã Hồng Thượng và Hồng Hạ), núi A Cuồn (xã Hồng Thái và Nhâm), và dãy A Túc (xã Hồng Kim và Hồng Nam).

- Khoang thung lũng A Cuồn nằm ở phía bắc của huyện A Lưới gồm các xã Hồng Kim, Bắc Sơn, Hồng Trung, Hồng Vân được che chắn bởi dãy núi A Túc, dãy núi Cô Ca Va, dãy A Tùng, đèo Pê Ke và dốc Chè.

- Khoang thung lũng Đắckrông gồm xã Hồng Thủy (huyện A Lưới) với các xã A Bung, A Ngo, A Vao, Tà Rụt (huyện Đắckrông) được ngăn cách bởi đèo Pê Ke, dãy Cô Ca Va, dãy Pô Ly Hông. Thung lũng này có mật độ dân cư khá đông đúc do sự màu mỡ của đất đai dọc sông Đắckrông mang lại.

Địa hình này có sự xen kẽ của hồ A Co, hồ Lê Ninh, sông A Sáp, sông Tà Rình, sông A Lin, sông Ô Lâu, sông Đắckrông, sông Hữu Trạch, sông Bồ, suối Máu, suối A Ạ, suối Pârle, suối Li Leng, thác A Nô, thác Pông Chất. Chung quanh địa bàn cư trú của người Tà Ôi trước đây là những diện tích rừng tự nhiên mênh mông, nơi cung cấp nguồn lương thực vô tận, dồi dào cho nhu cầu cuộc sống hằng ngày cho người Tà Ôi như rau, măng, nấm, lá rừng, gỗ, thú rừng, tôm, cua, cá từ các ao, hồ, sông, khe, suối, thác. Nếu nhìn về lát cắt của địa hình vùng người Tà Ôi cư trú thì ...nhìn từ bên ngoài, dãy núi Trị - Thiên trông vẫn hiền lành và đẹp đẽ như thường lệ...Các mực đỉnh núi tạo thành những mặt bằng khá rộng. Ngay giữa vùng núi cũng có những thung lũng quan trọng như A Lưới, A Sầu nằm dọc theo con sông Rào Lao, phía Tây Huế[2]. Với địa hình đồi núi, rừng rậm, khe suối dày đặc như vậy chứng tỏ rằng vùng đất người Tà Ôi cư trú giàu tiềm năng kinh tế và hệ sinh thái nhân văn...Cảnh quan môi trường và địa mạo cũng như thảm thực vật trong điều kiện của địa hình hẹp với một sơn hệ tầng tầng, lớp lớp, kề cận biển, không thể không khiến ta hình dung nơi đây là một phức hệ núi rừng, gò đồi, lắm suối, nhiều dốc, phù hợp với điều kiện sống của những cư dân của các tộc người thiểu số theo phương thức kinh tế hỏa canh, hái lượm[3]. Do đó, người Tà Ôi có nghề săn bắt và thuần dưỡng thú rừng như khỉ, chó, gấu, nai và voi. Rừng còn cung cấp gỗ để làm nhà, tre, lồ ô, mây, nứa, giang vầu dùng để đan lát, làm sàn và các dụng cụ sinh hoạt, dụng cụ lao động khác như gậy trỉa lúa, gùi, rổ, rá, mâm.

Không chỉ có mối quan hệ vật chất với rừng mà người Tà Ôi từ xa xưa cho đến nay vẫn giữ mối quan hệ tinh thần, mối quan hệ văn hóa với rừng núi, với tự nhiên. Bởi người Tà Ôi quan niệm rừng của họ được chia ra thành nhiều loại gồm rừng thiêng, rừng đầu nguồn, rừng ma, rừng sản xuất. Rừng là nơi có các vị thần linh trú ngụ, che chở cho dân làng thoát khỏi hạn hán, bão lụt, dịch bệnh và kẻ thù. Người Tà Ôi đều xem rừng núi, cỏ cây, sông suối như bà mẹ lớn. Đối với họ, rừng không chỉ cung cấp thức ăn, thuốc uống, nguyên liệu làm nhà mà còn là chốn nuôi dưỡng đời sống tâm linh, tinh thần, khơi nguồn cho mạch sống văn hóa. Con người và rừng gắn chặt với nhau. Trong một cách hiểu nào đó, trong vòng tay bảo vệ của rừng núi, họ đã sống và tồn tại cho đến ngày nay; ngược lại, sức sống và không gian đầy sinh khí, sắc màu và âm thanh của núi rừng cũng được chính các làng (veel), những con người sống dưới tán rừng, tạo nên[4].

Bên cạnh rừng, vùng cư trú của người Tà Ôi cũng nằm trong sự bao bọc, che chở của núi, các ngọn núi và dãy núi như A Tùng, A Túc, A Bia, Ta Lang Ai, Cô Ca Va, Parsee, San Lai...là những ngọn núi, dãy núi nổi tiếng được người Tà Ôi nhắc đến nhiều trong các câu chuyện kể, truyền thuyết, thần thoại, sử thi, ca dao và câu đố của mình, do cư trú trong môi trường hoang vu và rộng lớn đó mà Trong đời sống tinh thần, mọi sinh hoạt của đồng bào ngày trước đều bị vây quanh và chi phối bởi nhiều kiêng kỵ và những thế lực huyền bí. Núi rừng, sông suối là không gian, là mảnh đất gần gũi, nuôi sống họ, nhưng, trong quan niệm của đồng bào, đó còn là nơi chứa đựng nhiều mối đe dọa từ các thế lực siêu nhiên. Mọi sinh hoạt hằng ngày trong cuộc sống, đồng bào cho rằng đều có con mắt theo dõi, giám sát của lực lượng vô hình ấy[5]. Và ...người ta mới thấy được những cánh rừng mang tính chất nguyên thủy của Trường Sơn Bắc, những cánh rừng già thực sự hiểm trở và hoang vu đến mức nào. Trong khí nóng và ẩm các rừng già này phát triển nhanh chóng một cách kì lạ, trên mặt đất mềm nhũn những cành lá đang mục nát đến bốc hơi. Tuy vậy, người đi đường còn phải luôn luôn để ý đến những tiếng động nhỏ trong rừng rậm, những hang của thú dữ gặp trên đường bắt buộc người ta phải cảnh giác. Vùng núi Tây Trị Thiên cũng còn có nhiều đồng cỏ rộng. Đấy là thiên đườngcủa những người đi săn vì hươu, nai, trâu rừng và bò tót thường ra kiếm ăn ở đấy[6].

Vì sống dọc theo các con sông, suối cho nên làng của người Tà Ôi thường lấy tên các con suối để đặt tên như:

Stt

Tên địa danh

Đặc điểm

Thuộc xã

Ý nghĩa của địa danh

1

Tà Roi

Thôn

Xã A Ngo

Suối Tà Roi

2

Pâr Nghi

Thôn

Xã A Ngo

Suối Pâr Nghi

3

Câr Mai

Thôn

Xã A Ngo

Suối Câr Mai

4

Ân Sao

Thôn

Xã A ngo

Suối Ân Sao

5

Ka Lô

Thôn

Xã A Roàng

Suối Ka Lô

6

Tà Renh

Sông

Xã Hồng Quảng

Sông Tà Renh

7

A Rưm

Thôn

Xã Hồng Nam

Suối A Rưm

8

Ca Cú

Thôn

Xã Hồng Vân

Suối Ca Cú

Vùng khí hậu A Lưới do nằm ở sườn Tây Trường Sơn, có điều kiện nhiệt bị hạn chế. Nhiệt độ trung bình năm từ 20 - 220C, tổng nhiệt độ hằng năm từ 7300 - 80000C. Mùa lạnh kéo dài 4 tháng, không có mùa nóng, nhiệt độ thấp nhất có thể xuống dưới 50C, nhưng chưa xảy ra sương muối, nhiệt độ cao nhất có thể lên đến 380C, tháng lạnh nhất có nhiệt độ dưới 180C. Biên độ nhiệt độ ngày là 80C, không bị ảnh hưởng của gió tây khô nóng. Tổng số giờ nắng ít nhất tính 1700 - 1800 giờ. Vùng này có lượng mưa phong phú. Tổng lượng mưa năm từ 3200 - 3400mm, tổng lượng mưa từ tháng 1 đến tháng 8 trên 1000mm. Thiếu ẩm 2 tháng là tháng 2 và tháng 3[7]. Với đặc điểm khí hậu như thế này rất thuận lợi cho việc trồng, trỉa, thu hoạch, mùa mày cũng là mùa của những lễ hội lớn của gia đình, dòng họ, cộng đồng.

Vì có sự tác động của môi trường tự nhiên đó, cho nên khi tìm hiểu nhạc cụ của người Tà Ôi chúng tôi thấy được rằng, nhạc cụ của họ hình thành từ 2 nguồn gốc khác nhau:

 + Thứ nhất: Sống trong môi trường thiên nhiên hùng vĩ, với nhiều sản vật phong phú, từ xa xưa, người Tà Ôi đã sớm biết sử dụng những chất liệu sẵn có của núi rừng như tre, nứa, gỗ...để tạo nên nhiều nhạc cụ đa dạng và phong phú[8].

Stt

Tên nhạc cụ

Chất liệu từ thực vật, động vật

1

Ântoong

Gỗ, dây rừng, dây mây

2

Crờlông Tirỉa

Gỗ, tre, sừng trâu

3

Atút/Atooc

Gỗ, tre

4

Târneh

Gỗ, tre

5

Atốc

Tre, nứa

6

Tingat

Quả khô, tre, dây rừng

7

Acưr

Gỗ, dây mây, da thú

8

Areeng

Nứa, lồ ô

9

Tirel/Amàm

Nứa, lồ ô

10

Talee

Nứa, lồ ô, quả bầu khô

11

Khên

Lau sậy, nứa, gỗ, sáp ong

12

Tângcoi

Sừng trâu

13

Cardoóc adôn

Sừng dê

14

Ângcrao

Tre

15

Âmplưng

Tre

16

Âmpreng

Tre, quả dừa khô

17

Abel

Tre, vảy con trút

18

Talư

Gỗ

+ Thứ hai: Trong quá trình giao lưu với các dân tộc cận cư, nhiều thế hệ người Tà Ôi đã tiếp nhận và sử dụng thành thạo nhiều nhạc khí bằng kim loại như cồng chiêng, thanh la[9].

Stt

Tên nhạc cụ

Chất liệu từ kim loại

1

Koong

Đồng

2

Târlee

Đồng

3

Cârđin

Đồng, nhôm

4

Cârnhang/Reo

Đồng, nhôm

5

Xaar

Đồng, nhôm, sắt

6

Ângkoai

Đồng

Với những nguồn nguyên vật liệu như trên thì các nhà nghiên cứu về nhạc cụ đã cho rằng Nhạc cụ Tà Ôi là những sản phẩm chế tạo từ nguồn nguyên liệu địa phương, mang bản sắc Đông Nam Á. Đó là các nhạc khí được chế tạo từ thực vật (tre, nứa, gỗ...), từ động vật (da thú, sừng trâu, sừng dê...) và từ các vật liệu khác (đồng, đất, đá...)[10].

Nhạc cụ của dân tộc Tà Ôi là sản phẩm của nền nông nghiệp nương rẫy, được đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân tạo ra từ những vật liệu tự nhiên của núi rừng như tre, nứa, gỗ...hoặc sừng của một số loài thú vật quen thuộc trong đời sống của họ như trâu, dê... [11].

Nhạc cụ chế tác bằng chất liệu của thiên nhiên ở vùng người Tà Ôi chắc chắn đã có lịch sử khá lâu đời. Bởi vì khi con người còn sống dựa vào thiên nhiên hoang dã, họ hoàn toàn thụ động trước thú dữ và điều kiện khắc nghiệt của núi rừng, các nhạc cụ thô sơ ấy cũng chỉ có thể lấy từ thiên nhiên. Mặc dù phải vật lộn với thiên nhiên chống lại thú dữ và kẻ thù để tồn tại thì đồng bào Tà Ôi đã sản sinh ra văn hóa nhạc cụ.

Nhạc cụ bắt nguồn từ lao động nguyên thủy như việc săn bắt thú, đánh bắt ca, hái lượm sản vật từ rừng núi để sinh sống. Nói một cách khác do nhu cầu của sống phải đấu tranh, lao động để sinh tồn, cho nên người Tà Ôi đã cho ra đời một số dụng cụ phục vụ cho công việc sản xuất. Những dụng cụ ấy ngày nay được xếp vào hàng các nhạc khí cổ sơ nhất. Ví dụ khi đi gieo hạt, dụng cụ thọc lỗ gió luồng vào trong ấy phát ra tiếng kêu, hoặc những chiếc mõ buộc cổ trâu, bò phát ra tiếng kêu êm tai, những chiếc ống nứa đuổi thú, những động tác tự nhiên ấy đã tạo nên âm thanh ấm áp. Nhờ vào thời gian và kinh nghiệm hình thức này đã được sử dụng chế tác thành nhiều nhạc khí khác nhau hoặc khi đi săn, con người rất cần những tiếng động lạ để thúc giục chó săn tấn công vào đối phương. Hoặc đồng bào đã lấy những sừng trâu, bò, dê để tạo nên âm thanh nhằm xua đi những nỗi sợ hãi, báo động cho nhau khi có thú rừng hoặc tín hiệu cầu cứu khi gặp nguy hiểm. Tài nguyên thực vật bao gồm thực vật hoang dại và thực vật trồng trọt...Các sản phẩm chính lấy từ thực vật hoang dại là gỗ, sau đến tre, nứa và một số lâm sản khác. Còn khối lượng cơ bản các sản phẩm cần thiết đều được nhận từ cây trồng. Tuy nhiên, nếu tích cực tìm tòi khai thác thì từ một hệ thực vật phong phú và đa dạng như hệ thực vật Việt Nam, ta hy vọng sẽ tìm ra thêm nhiều nguyên liệu thực vật có ích nữa[12]. Trong đó, tre, nứa, trúc, vầu, lồ ô thì có sẵn trong tự nhiên vì Việt Nam là một trong những cái nôi của tre với nhiều loại phong phú: tre, nứa, mét, mai, diễn, bương, luồng, vầu, giang, hóp, trúc...với 10 chi, 48 loài[13].

Tóm lại Nhạc cụ có thể xem là một trong những phương tiện nghệ thuật có nhiều khả năng thuận lợi để biểu hiện tâm hồn, tư tưởng và tình cảm của con người. Cũng như nhiều cộng đồng khác, qua quá trình đấu tranh sinh tồn với thiên nhiên của nhiều thế hệ tộc người, nhằm giải tỏa bớt sự nhọc nhằn của quá trình lao động vất vả, cực nhọc, hay dùng để biểu hiện của tình cảm lứa đôi, hoặc bày tỏ sự hân hoan phấn khởi sau một vụ mùa bội thu...Người Tà Ôi đã sáng tạo ra những nhạc cụ độc đáo, từ những chất liệu của núi rừng như tre, nứa, mây, sừng, quả bầu...tạo nên âm thanh mang hơi thở của núi rừng, của cuộc sống cơ cực nhưng tràn đầy lạc quan[14].

2. Môi trường xã hội

Âm nhạc dân gian Tà Ôi gắn bó với nghi lễ vòng đời người và vòng sinh trưởng của cây trồng cùng với các lễ hội truyền thống của cộng đồng, nó là linh hồn, là sức mạnh tinh thần của người Tà Ôi Trong suốt đời người từ khi sinh ra cho đến khi mất đi, mỗi giai đoạn (sinh nở, tròn mùa rẫy, trưởng thành, cưới xin, tang ma...) đều có những lễ tiết tương ứng. Chu kì sản xuất của mỗi cá nhân, mỗi gia đình hay cộng đồng làng bản, từ trỉa hạt cho đến thời kì thu hoạch, đều có những nghi thức cúng Yàng, cúng ma. Trong những trường hợp đặc biệt (mừng chiến thắng, tạ ơn thần linh, giải nạn ách khi cộng đồng bị dịch bệnh, mất mùa, bỏ mả...) người ta còn tổ chức lễ hiến sinh một hay nhiều con trâu ở quy mô toàn làng. Đây là dịp có nhiều hình thức, lễ nghi, các hoạt động tạo hình, diễn xướng được phô diễn một cách công phu và trang trọng[15].

Nhạc cụ Tà Ôi được ra đời từ trong cuộc sống lao động và sinh hoạt văn hóa tinh thần của cộng đồng. Từ những công cụ đuổi chim, đuổi thú, giữ rẫy, những công cụ giải trí sau một ngày lao động vất vả, những phương tiện chia buồn với gia đình người quá cố và những công cụ dùng để đi săn hoặc hiệu lệnh xung phong trong những lần khai phá vùng đất mới đã trở thành nhạc cụ của người Tà Ôi. Nó là một trong những phương tiện có nhiều khả năng để biểu đạt tâm hồn, tư tưởng tình cảm của con người. Thực tế nó đã trải qua một quá trình sáng tạo lâu đời. Có loại do chính họ sáng tạo nên nhưng cũng có những loại được hình thành qua quá trình giao lưu, trao đổi hàng hóa giữa các dân tộc trong vùng với nhau. Nhưng nhìn chung, nhạc cụ của người Tà Ôi được hình thành từ cuộc sống lao động và trở lại phục vụ cuộc sống lao động, sinh hoạt văn hóa của cộng đồng Với đồng bào các dân tộc thiểu số thì dân ca, dân nhạc và dân vũ không chỉ là tài sản văn hóa được hình thành trong sâu thẳm thời gian, được khắc sâu trong ký ức, được lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác cho đến tận ngày nay, mà đó còn chính là bản thân đời sống của họ. Gắn bó với mỗi đời người từ khi cất tiếng khóc chào đời đến khi vĩnh viễn đi về thế giới bên kia, dân ca, dân nhạc và dân vũ có mặt trong sinh hoạt cộng đồng, đóng vai trò cầu nối, phương tiện trong giao tiếp giữa người với người trong thế giới thực, giữa người với trời và các thần linh trong thế giới tâm linh, giữa người với núi rừng, sông suối, cây cối, chim thú trong thế giới tự nhiên[16].

Trong quá trình lao động sản xuất, bảo vệ mùa màng và tính mạng của con người, thì người Tà Ôi đã sử dụng những dụng cụ lao động để rồi sau này lại thành những nhạc cụ độc đáo. Ví như: Dụng cụ trỉa lúa gồm gậy chọc lỗ (Apật) dùng cho nam giới, Alao dùng cho nữ giới trong quá trình dịch chuyển những tiếng gậy phát ra âm thanh đều đặn thì vui tai về sau thành nhạc cụ. Hoặc những bộ phận cơ thể của con thú như mỏ, sừng, móng, vuốt được chọn trang trí và làm nhạc cụ. Thêm nữa những tín hiệu trong lúc đi săn như chiếc tù và lại trở thành những nhạc cụ chủ đạo trong các lễ hội. Những hạt lục lạc (Cârnhang/Reo) được làm bằng đồng, nhỏ bằng ngón tay, loại này người Tà Ôi không làm được mà phải mua ở Lào. Loại lục lạc này chỉ dùng trang trí trên những tấm khố của người đàn ông và phần cuối chiếc váy của người phụ nữ. Khi có lễ hội và các hoạt động sinh hoạt ca múa nhạc thì động tác múa di chuyển những viên lục lạc từ váy, khố sẽ phát ra những âm thanh vui tai. Sau này được đồng bào phát triển lên thành nhạc cụ.

Nhạc cụ Tà Ôi ...được bộc lộ đầy đủ trong các lễ hội truyền thống của dân tộc, là nhịp cầu nối cá thể với cộng đồng, nối cộng đồng này với cộng đồng khác, nối con người với tất cả thần linh trong trời đất, cũng có nghĩa nối con người với thiên nhiên (cây cỏ, trời đất, sông núi, núi rừng trong ý niệm vạn vật hữu linh của tín ngưỡng sơ khai)[17].

Tóm lại Trong cuộc sống của người Tà Ôi, âm nhạc không chỉ là phương tiện làm cho cuộc sống thêm phần tươi vui mà còn mang nhiều chức năng tín ngưỡng khác nhau. Trong lễ hội đâm trâu, tiếng chiêng trống nổi lên rộn rã, là tín hiệu báo tin cho các làng bản cận cư. Khi trong nhà có người về với tổ tiên, chiêng trống đánh lên cho dân làng biết đến chia buồn. Trong hôn lễ khi đón dâu từ nhà gái sang nhà trai, nhà trai nổi lên từng hồi chiêng trống rộn rã, vui nhộn đón chào nhà gái. Các nhạc cụ của người Tà Ôi không những tạo nên những làn điệu cho thanh niên nam nữ lúc tỏ tình, làm nên và giữ nhịp cho những điệu hát đối đáp, hát ru... mà còn góp phần tạo nên nhiều vũ điệu phản ánh phần nào cuộc sống và quá trình lao động. Những chuỗi động tác nhịp nhàng của cơ thể theo tiếng nhạc, tiếng chiêng, tiếng thanh la trong những bộ trang phục truyền thống đã góp phần làm cho đời sống văn hóa của dân tộc Tà Ôi thêm phần sinh động[18].

3. Nguyên vật liệu tạo nên nhạc cụ Tà Ôi

Theo như nhận xét của nhiều người thì Chính những dấu ấn văn hóa của con người thời săn bắt hái lượm đã giữ cho nghệ thuật diễn xướng của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế chưa trở thành bộ môn nghệ thuật độc lập, chưa mang tính chuyên nghiệp, mà còn giữ được tính nguyên sơ, mộc mạc, đậm chất dân gian với tính ứng tác tại chỗ, tính dị bản khuyết danh, tính truyền khẩu...Những đàn, trống, tù và, sáo và rất nhiều nhạc cụ khác được làm ra một cách thô sơ từ những vật liệu sẵn có trong tự nhiên như tre, nứa, gỗ, sừng trâu, sừng dê...nhằm đáp ứng những nhu cầu rất thực của cuộc sống, nên âm thanh cũng gần gũi với cuộc sống của đồng bào[19].

Nhạc cụ dân gian của người Tà Ôi là những sản phẩm chế tạo từ nguồn nguyên liệu tự nhiên gồm:

- Nguyên liệu từ thực vật:

+ Tre: Dùng để làm các loại sáo Areeng, Tirel/Amàm, Talee.

+ Nứa: Dùng để làm các loại sáo Areeng, Tirel/Amàm, Talee.

+ Lồ ô: Dùng để làm các loại sáo Areeng, Tirel/Amàm, Talee.

+ Giang: Tước thành sợi để cột trống, làm dây đeo các loại nhạc cụ khác.

+ Mây: Tước thành sợi để cột trống, làm dây đeo các loại nhạc cụ khác.

+ Cây bai bai: Làm đàn Ântoong.

+ Gỗ trường: Làm mõ.

+ Quả bầu khô: Làm hộp cộng hưởng cho sáo Talee.

+ Quả dừa khô: Dùng làm hộp cộng hưởng cho đàn Âmpreng.

+ Cây gai: Dùng để xe sợi, tạo thành dây đeo cồng chiêng, trống và một số nhạc cụ khác.

+ Rễ cây tre, trúc: Để trang trí thêm cho các nhạc cụ có tính thẩm mĩ cao.

+ Gốc tre: Dùng để trang trí các nhạc cụ hoặc làm dùi để kích âm các nhạc cụ.

+ Dây dứa khô: Dùng để cột các loại nhạc cụ.

+ Dây rừng: Dùng để cột các thanh đàn Ântoong.

+ Quả khô các loại có hạt: Dùng để tạo ra âm thanh khi lắc lư theo tiếng nhạc, tiếng trống.

+ Nhựa cây thông, cây chai: Dùng để trám các khe hở của những nhạc cụ có chất liệu từ thiên nhiên.

Có những vật liệu mà ngay tự thân nó không phải là nhạc cụ nhưng nó không thể tách rời một nhạc cụ nào đó. Ví như nó dùng để kích âm Người diễn tấu đàn Ântoong dùng hai dùi tre đặc ruột gõ trực tiếp vào các thanh gỗ[20]. Hoặc Có trường hợp người diễn tấu đàn Ântoong dùng hai dùi gõ bằng ống nứa rỗ ruột để gõ đàn tạo ra hiệu quả âm thanh kép rất thú vị, âm thanh của đàn và âm thanh của hai ống nứa kết hợp thành những quãng âm hòa quyện nhau giữa màu âm gỗ và tre nứa[21]. Xaar ở giữa có núm để cầm và lỗ để xâu dây quàng vào cổ[22]. Đối với đàn Âmplưng nếu mấu thưa quá thì dùng dây mây buộc hai đầu lại để giữ cật tre không bị rời khỏi ống[23]. Trống thì dùng dùi gõ bằng gỗ bọc vải. Quả khô được buộc chặt vào điểm giao nhau của hai sợi dây níu căng trên hai thanh tre mỏng tạo thành hai nửa hình tròn hình cánh cung lồng vào nhau. Điểm giao nhau của hai vòng cánh cung bằng tre được cài vào đầu gậy bằng nứa. Cầm cây gậy bằng nứa lắc hoặc dộng mạnh gậy xuống đất làm rung các hạt khô phát ra âm thanh vui tai[24].

Qua những nguồn nguyên liệu tự nhiên này chúng tôi thấy nhạc cụ Tà Ôi vẫn nổi trội nhất là các loại sáo. Đây là điều mà các dân tộc khác trên đất nước ta đều có Âm nhạc từ thời tiền sử bên cạnh có mặt cây sáo (làm bằng cây, xương, gỗ, kim loại, đất nung) trên các truyền thống thế giới. Nhạc cụ ở nước ta ra đời cùng thời kỳ văn minh của nhiều dân tộc trên thế giới. Như sáo trúc, trống đồng, đàn đá đã sinh ra từ thời xa xưa ấy rồi[25]. Với đặc điểm dễ làm, dễ sử dụng nên Trong âm nhạc, ống sáo tre là nhạc cụ dân gian thông dụng và tuyệt vời[26].

- Nguyên liệu từ động vật

+ Da thú: Người Tà Ôi sử dụng chủ yếu là da của các loài vật như: da rắn, da trăn, da khỉ, da trâu, da bò, da voi, da con rái cá, da vượn...Thú rừng sau mỗi khi đi săn về, họ làm thịt, phần đầu của những con thú lớn như trâu, bò, hươu nai thì được trang trí ở nhà Rông, còn phần da thì căng ra rồi đem phơi khô dưới nắng hoặc đặt trên giàn bếp để khi nào cần thì đem ra làm trống. Cồng thường được đánh bằng dùi gỗ bọc da bò để nguyên lông[27].

+ Sừng: Chủ yếu là sừng trâu và sừng dê núi (sơn dương), dê nhà. Những chiếc sừng này được người Tà Ôi lựa chọn phải là sừng đẹp, cong, già, nhọn và bóng để làm nên những chiếc tù và.

+ Vảy: Chủ yếu là vảy con trút, dùng làm hộp cộng hưởng khi sử dụng đàn Abel, làm phím đàn khi đánh đàn Talư. Sau khi bắt về làm thịt thì gia chủ Tà Ôi sẽ róc những chiếc vảy của con trút, chiếc vảy nào già, cứng thì phơi khô, cất kĩ trong ống tre, nứa để dùng khi cần.

+ Móng: Chủ yếu là móng chân trâu, dùng để trang trí phần thân của chiếc tù và.

+ Xương: Chủ yếu sử dụng xương trâu, bò, nai, chọn phần xương ống chân, xương bả vai, gọt dũa, làm láng rồi khảm vào các nhạc cụ khác để trang trí nhằm thể hiện quyền lực của người sử dụng.

+ Răng thú: Chủ yếu là răng lợn rừng, chọn những chiếc to rỗng để trang trí phụ thêm trong nhạc cụ nhằm làm tăng thêm tính thẩm mĩ của nhạc cụ đồng thời thể hiện quyền uy của người sử dụng.

+ Mỏ chim: Đối với những loài chim lớn thì sau khi ăn thịt chim, người Tà Ôi chọn những chiếc mỏ to lớn dùng để làm chiếc tù và.

+ Vỏ ốc, hến: Dùng để trang trí các nhạc cụ, thông thường chỉ những chiếc nhạc cụ già làng, chủ họ dùng thì mới được trang trí những vỏ ốc, hến này. Sự trang trí như vậy nhằm để phân biệt được quyền lực của người sở hữu nhạc cụ.

+ Sáp ong: Làm khèn, bôi trơn độ bóng cho các nhạc cụ.

- Nguyên vật liệu khác

+ Kim loại: Chủ yếu bằng nhôm, đồng, sắt, bạc. Có một số nhạc cụ do người Tà Ôi sáng tạo ra từ chất liệu kim loại như chuông nhỏ, lục lạc nhưng chỉ có cồng chiêng và thanh la thì người Tà Ôi mua lại hoặc trao đổi với người Kinh mà thôi. Lưỡi gà của chiếc tù và được người Tà Ôi chế tác bằng những chiếc lá bằng đồng rất tinh xảo, có màu vàng, mỏng, độ bóng loáng sáng chói trông rất bắt mắt.

+ Nhựa: Dùng để làm các lam đàn Abel, Talư.

- Vải: Bọc dùi để gõ nhạc cụ trống, cồng chiêng.

Đối với người Tà Ôi, mặc dù không làm ra được các kim loại nhưng họ lại giàu óc sáng tạo trong việc tận dụng những thứ kim loại đó để hình thành nên những nhạc cụ tuyệt vời. Ví như Loại Cârnhang nhỏ thường sử dụng nhiều chiếc được kết lại bằng một sợi dây thành vòng, buộc ở cổ tay, cổ chân để khi nhảy múa tiếng nhạc Cârnhang sẽ vang lên theo từng động tác nhịp nhàng của vũ điệu tạo nên âm thanh rộn rã[28].

Tất cả những nguyên vật liệu trên đây đã tạo nên nhạc cụ của người Tà Ôi là kết quả và cũng là sản phẩm của nền kinh tế nương rẫy gắng bó với núi rừng với phương thức săn bắt và hái lượm. Có nhận xét cho rằngTrống đồng, nhạc cụ cho bộ gõ, cùng với nó còn có trống da, cồng, chiêng, sinh, phách, chuông nhạc, kèn...chỉ vài ba thứ nhạc cụ bằng kim loại còn có các loại nhạc cụ khác của các dân tộc anh em sống trên đất Việt đều từ nguồn gốc tre nứa[29]. Có nhận xét cho rằngTrống đồng, nhạc cụ cho bộ gõ, cùng với nó còn có trống da, cồng, chiêng, sinh, phách, chuông nhạc, kèn...chỉ vài ba thứ nhạc cụ bằng kim loại còn có các loại nhạc cụ khác của các dân tộc anh em sống trên đất Việt đều từ nguồn gốc tre nứa[30].



[1] Có những địa danh được một số nhà nghiên cứu cho là có gốc tích từ tiếng Tà Ôi - Pa Cô như: Truồi là một vùng đất phía nam Huế, nơi đó từng nổi tiếng sản vật chè - Chè Truồi, nguồn gốc Truồi trong tiếng của người Pa Cô có từ a - truôi, nghĩa là con gà. Sịa do tiếng Pa Cô, Tà Ôi là Si - á mà chuyển thành. Si - á nghĩa là cá. Sình trong tiếng Tà Ôi, Pa Cô có tiếng Tềnh có nghĩa là đánh nhau. Nhưng Tềnh có thể biến âm, biến thanh đổi thành Sình. Tiếng Việt có quy luật biến thanh chữ “T” sang “S”, như dân ta vẫn nói tụt xuống - sụt xuống, tuốt lúa - suốt lúa. Còn chuyển “ênh” thành “inh” cũng được. Như người ta vẫn nói thênh thang - thinh thang, bệnh - bịnh, lệnh - lịnh.

[2] Lê Bá Thảo (2004), Thiên nhiên Việt Nam. NXB Giáo dục, Hà Nội, trang 166.

[3] Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế (2010), Dân ca, dân nhạc, dân vũ các dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế. NXB Thuận Hóa, Huế, trang 11.

[4] Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế (2010), sđd, trang 10.

[5] Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế (2010), sđd, trang 22.

[6] Lê Bá Thảo (2004), sđd, trang167.

[7] Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế (2010), sđd, trang 65.

[8] Hoàng Sơn Ch.b (2007), Người Tà Ôi ở Thừa Thiên Huế. NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội, trang 193.

[9] Hoàng Sơn Ch.b (2007), sđd, trang 193.

[10] Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế (2010), sđd, trang 57.

[11] Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế (2010), sđd, trang 134.

[12] Trần Đình Gián Ch.b (1990), Địa lí Việt Nam. NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, trang 84.

[13] Bùi Đẹp (2011), Tre trúc trong văn hóa Việt Nam. NXB Thời Đại, Hà Nội, trang 6.

[14] Hoàng Sơn Ch.b (2007), sđd, trang 200.

[15] Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế (2010), sđd, trang 22.

[16] Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế (2010), sđd, trang 3.

[17] Kê Sửu (2012), Achât - Sử thi dân tộc Tà Ôi. NXB Thuận Hóa, Huế, trang 24.

[18] Hoàng Sơn Ch.b (2007), sđd, trang 200.

[19] Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế (2010), sđd, trang 3.

[20] Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế (2010), sđd, trang 59.

[21] Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế (2010), sđd, trang 59.

[22] Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế (2010), sđd, trang 64.

[23] Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế (2010), sđd, trang 74.

[24] Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế (2010), sđd, trang 64, 65.

[25] Bùi Đẹp (2011), sđd, trang 217.

[26] Bùi Đẹp (2011), sđd, trang 10.

[27] Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế (2010), sđd, trang 61.

[28] Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế (2010), sđd, trang 64.

[29] Bùi Đẹp (2011), sđd, trang 217.

[30] Bùi Đẹp (2011), sđd, trang 217.

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng