Văn nghệ dân gian
Đặc trưng văn hóa trong các sản phẩm dệt truyền thống của nhóm Katuic
10:20 | 26/05/2022

TRẦN THANH HOÀNG

Đặc trưng văn hóa trong các sản phẩm dệt truyền thống của nhóm Katuic
Ảnh minh họa (Internet)

1. Đặt vấn đề

Dãi Trường Sơn hùng vĩ không chỉ là ngọn nguồn của bao con sông lớn trên mảnh đất miền Trung  nhỏ hẹp, đó còn là là nơi tụ cư, sinh sống của một bộ phận khá lớn các tộc người thiểu số trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Trong đó, vùng phía Tây Trung trung bộ, tộc người cư trú mật tập và nổi trội đó là các dân tộc thuộc hệ ngôn ngữ Katuic. Ngoài những đặc trưng về ngôn ngữ, văn hóa… trang phục, trang sức cũng là một đặc điểm quan trọng để phân biệt văn hóa của từng tộc người. Đó là sự phản ánh nhân sinh quan của con người trước những điều kiện tự nhiên, điều kiện văn hóa – xã hội nơi họ cư trú. Mỗi tấm vải dệt ra là thành quả kết tinh của quá trình lao động sáng tạo của cả cộng đồng qua một quá trình lịch sử lâu đời.

Đồ thổ cẩm – danh từ chung thường được dùng để chỉ những sản phẩm dệt của bộ phận người thiểu số luôn là một trong những tâm điểm nghiên cứu đối sánh về đặc trưng văn hóa tộc người. Trong thực tế, do nhiều yếu tố, trên đại thể, các sản phẩm dệt không khác biệt nhiều giữa các tộc người trong nhóm Katuic. Tính tương đồng của các sản phẩm dệt dù chưa có đủ cứ liệu để chứng minh quá trình ảnh hưởng hay giao thoa tiếp biến trang phục giữa các tộc người, nhưng ở vài motif, vị trí của nó trên nền chất liệu, phần nào đã chứng minh cho bản sắc của từng dân tộc.

2. Đặc trưng của sản phẩm dệt nhóm Katuic

2.1. Những nét chung của các sản phẩm dệt nhóm Katuic

Trang phục là hình ảnh đầu tiên để nhận diện bản sắc văn hóa tộc người, nhưng trang phục là yếu tố dễ dàng biến đổi do nhiều tác động của lịch sử, văn hóa, điều kiện cư trú,… Những thao tác trồng bông, dệt vải vốn có của từng tộc người, hiện nay, ở một số nơi, nghề trồng bông đã gần như bị loại bỏ trước sự xuất hiện của nhiều loại sợi vải hiện đại mà người ta dễ dàng có được. Ở những bộ phận tộc người cư trú cận cư như người Cơ tu sống gần người Tà Ôi đã từ giã nghề dệt trong hoạt động thủ công nghiệp của mình và sử dụng các sản phẩm dệt của tộc người cận cư. Hiện nay trong nhóm người Katuic, chỉ còn tồn tại một bộ phận ít ỏi của người Cơ tu [1] vẫn còn giữ được nghề dệt và tương đối phát triển trong tộc người Tà Ôi cận cư.

Trong đối sánh với các tộc người cư trú trên khu vực Tây Nguyên, nét đặc trưng của các sản phẩm dệt của cư dân Katuic cư trú ở Bắc Trường Sơn  chính là hệ thống motif trang trí phổ biến bằng hạt cườm, tồn tại song hành với các họa tiết hoa văn bằng màu sắc khác. Màu nền chủ đạo của đồng bào là màu đen được nhuộm từ than và lá cây tà râm[2] cùng với các hệ màu căn bản khác như đen, đỏ[3], xanh lá cây[4] và tím. Cùng trên hệ màu căn bản, nhưng sự lóng lánh của hạt cườm đã làm nên đặc trưng nhận dạng, cũng như phản ánh toàn vẹn đời sống văn hoá vốn rất phong phú của cộng đồng tộc người cư trú trên dạng địa hình khá là khắc nghiệt.

2.1.1 Những đặc trưng trong kỹ thuật dệt

Đặc trưng dễ nhận thấy trên sản phẩm đó là kỹ thuật kết hoa văn bằng chất liệu chì hay cườm (adóc, arắc) trên nền đen của thổ cẩm. Trước khi biết đến chất liệu trang trí hoa văn cườm chì, đồng bào dệt hoa văn bằng chỉ màu hoặc bằng hạt cỏ, hạt cây lấy trong rừng. Đó là loại cườm lấy từ hạt cây có tên gọi arạc bọc mọc rất nhiều ở rừng, về sau được mang về trồng ở rẫy. Loại cây này cao không quá đầu người, lá dài, nhỏ bằng ngón tay, cho hạt như hạt tiêu, khi phơi khô hạt rất cứng và có lỗ tròn ở tâm. Loại cườm này chủ yếu được làm đồ trang sức, nhưng đôi lúc cũng được trang trí trên các sản phẩm dệt[5]. Tuy nhiên những loại hạt này thường có độ bền kém. Về sau chúng được thay thế bằng chì, chì có độ bền và giá trị hơn hẳn. Đồng bào thường tự mình sản xuất những hạt cườm bằng chì để làm hoa văn trên thổ cẩm[6]. Ngoài kỹ thuật trang trí hoa văn bằng cườm chì trên các sản phẩm dệt, ở đây, chúng ta còn bắt gặp kỹ thuật trang trí bằng các hạt lục lạc bằng đồng (í rìu/rarìu), lục lạc được làm bằng đồng, nhỏ bằng ngón tay, loại này người đồng bào có được nhờ trao đổi với tộc người Lào. Lục lạc chỉ dùng trang trí trên những tấm Dèng của người đàn ông, mặc vào những lễ tiết quan trọng, để khi nhảy múa, từ Dèng phát ra những âm thanh vui tai.

Giá trị tấm vải dệt hay bộ trang phục của đồng bào chính là sự sắp xếp chuỗi hạt cườm thành biểu tượng, và đôi lúc, vị trí xuất hiện của những biểu tượng này trên nền vải không giống nhau. Nhưng chính sự không giống nhau đấy lại là tiêu chí để phân loại đồ thổ cẩm.

Các hoa văn trang trí trên vải dệt của nhóm người Katuic chủ yếu được tạo thành bởi những hạt cườm, được gắn/chèn vào trong quá trình dệt. Trước khi chèn, người dệt xâu cườm lại thành chuỗi bằng cách ngắt đứt những sợi vải, dùng tay vê lại và vuốt từng hạt vào, khi đã có được chuỗi cườm, người dệt lại nối vào chỗ ngắt ban đầu để tiến hành chèn theo các mẫu hoa văn có sẵn, hoặc làm theo quán tính - khi người dệt đã thành thạo những motif hoặc quen mắt, quen tay khi sắp xếp.

2.1.2 Những đặc điểm chung trong hệ thống motif hoa văn trang trí

Hoa văn được hình thành từ những hạt cườm trên vải của đồng bào chứa đựng nhiều hình ảnh, biểu tượng phong phú, phản ánh sự cảm nhận của những con người mộc mạc, bình dị đối với môi trường tự nhiên cũng như đời sống xã hội của mình. Trong hệ thống motif hoa văn trang trí trên các sản phẩm dệt của các nhóm dân tộc này tuy có tên gọi khác nhau nhưng chúng là những motif trang trí phổ biến, chúng ta có thể xếp chúng thành 3 nhóm: nhóm motif hoa văn thực vật, động vật và đồ vật.

(1). Hệ thống motif thực vật:  phản ánh toàn vẹn chân dung cuộc sống của cộng đồng tộc người. Đấy là những gì mà nhiều thế hệ tộc người chứng kiến, cảm nhận từ thế giới tự nhiên nơi cư trú và tái tạo qua cảm quan nghệ thuật nguyên thuỷ mang tính sơ khai.

Tà vạt (lá đoát): đây là loại cây có thân giống cây dừa, đồng bào thường chặt bỏ ngọn, kéo cong xuống hứng lấy nước trong thân cây, bỏ vào đó một ít vỏ cây chuồn, ủ lên men và uống thay rượu. Hoa văn tù vạt có hình thân cây với bốn cánh xòe ra bốn hướng.

A un (cây bắp) hình cây bắp có 6 lá đều nhau ở hai bên, ngọn có hoa cờ và có quả ở nách lá.

A rập (một loài hoa vàng ở rừng) là một loại dây hoa ở rừng, lá có màu xanh, hoa màu vàng, thân được xếp rất mềm mại.

A rác (loại lá dùng làm thuốc nhuộm sợi vải): hoa văn này có hình cây với những lá to, màu vàng, chuôi lá eo thắt lại.

Abăng abung (măng cây giang): tuy được giải nghĩa là măng cây giang, nhưng thực chất hoa văn chuyển tải hình ảnh búp măng của cây giang, tre hoặc nứa, loại hoa văn này còn được gọi là si a lúc ling (đỉnh núi nhọn) hoặc xeling (chông nhọn). Hoa văn này được thể hiện dưới dạng các hình tam giác nhọn nối tiếp nhau chạy dài theo chiều dọc tấm Dèng.

La pa ra đin (lá cây đùng đình)/Alôm: mang hình lá cây đùng đình, loại cây mà ngày xưa tổ tiên họ thường dùng để mồi lửa, hoa văn này có dạng hai hình thoi giao nhau ở đỉnh theo đường thẳng đứng, hai bên có hai hình tam giác hướng đỉnh vào nhau.

A rờ choh: loại cây có thân vừa, mỗi cành có 4 lá thon dài, hoa có 4 cánh, nhụy màu đỏ, a rờ choh được thể hiện trên nền Dèng với hình ảnh cây có hoa và trồng trong chậu.

Pi li pít: hoa văn hình cây cam có quả và có một cành nhỏ.

(2). Hệ thống motif động vật:

Hệ motif trang trí này mang những thuộc tính tương tự như hệ thống motif trang trí thực vật, đấy chính là những gì con người cảm nhận trực quan từ môi trường sống, phản ánh và tái tạo thành những motif trang trí đặc trưng của cộng đồng tộc người.

Ta ga đang/đinh đang: hình hai con nhện có thân mình cân đối, có bốn chân chìa ra bốn phía, được xếp song song và giáp nhau.

A băng bộc: hình con bướm đang bay có đầy đủ đầu, đuôi và hai cánh cân đối xòe rộng.

A xiếp: hình hai con dơi đang bay, không có chân, hai cánh xòe rộng và tách biệt nhau.

Ngai Răm / Ngai zazăq hay Yayã/Tơ tung  (hình người nam / nữ đang múa / nhảy hội). Được gọi cùng một tên, nhưng cách thể hiện người nam và nữ trong motif này lại khác nhau. Ngai Răm (nam) được biểu thị bằng hình ảnh của người đàn ông vạm vỡ, khom lưng đang múa, hai bàn tay ép lại và các ngón tay xòe ra, trên khố có biểu tượng mênh cha chung (sao bắc đẩu) hàm nghĩa của sức mạnh đoàn kết cộng đồng và nguồn sinh lực dồi dào. Ngai Răm (nữ) biểu thị người phụ nữ mặc nai đôi (một loại váy của người phụ nữ đã có chồng) đang múa và không có các ngón tay xòe ra.

Achỉ: là hình hai con chim trĩ có cánh rộng, đuôi dài, nối đuôi nhau bay thẳng lên trời.

Arếch Asiu: hoa văn hình xương cá, ở giữa có hai đường thẳng song song, các đường rẽ hai bên đối xứng nhau xuôi cùng chiều. Loại hoa văn này thường được dùng để trang trí phần dưới của tấm Dèng/Tút.

Tà pát ân troi (hoa văn dấu chân gà): là hình bàn chân gà có nhiều móng, các ngón dài ngắn khác nhau, ở giữa có vòng tròn nhỏ.

A bing (lunh apun) (con nọc nọc / nòng nọc): hoa văn này được thể hiện kiểu âm bản trên Dèng, xung quanh là hạt cườm kết thành mảng, làm nổi lên hình những con abing xếp nối tiếp nhau,…

Tương tự với hệ thống motif trang trí thực vật, sự hiện diện của nhiều hình tượng động vật trong hệ thống motif trang trí động vật đã ít nhiều phản ánh tính đa dạng của môi trường thiên nhiên nơi cư trú. Đấy có thể là những động vật nhỏ nhắn đáng yêu mang lại cái ăn cho cộng đồng tộc người trong loại hình kinh tế săn bắt; có thể là loại động vật nguy hiểm, hung dữ đe doạ đến tính mạng và sự bình an của cộng đồng,… và cũng có thể là vật tổ (totem) của nhiều dòng họ. Sự hiện diện của chúng trên sản phẩm dệt, bên cạnh ý nghĩa tôn thờ thuộc phạm trù niềm tin, tín ngưỡng, đấy còn là cách giáo dục mang tính trực quan sinh động về thế giới quan của cộng đồng tộc người.

Trong hệ thống motif trang trí động vật, hình tượng con người duy nhất chỉ có một, mà đôi lúc, trong một số trường hợp sự phân biệt hình tượng nam / nữ vẫn còn rất mơ hồ. Trong cuộc sống cộng đồng việc người đàn ông với trang phục truyền thống nhảy múa luôn là hình ảnh mở đầu cho những lễ hội: ariêu aya (siêu aya) (mừng lúa mới), Siêu Ping (ariêu Ping) (bỏ mã), Siêu Eal Ideal (ariêu Eal Ideal) (cưới hỏi),  Siêu Itâl Ado Kõh (ariêu Itâl Ado Kõh) (lễ cúng đất làng),… Đấy là động thái mở đầu cho một chuỗi những sự kiện liên quan đến đời sống tâm linh nhằm chia sẻ niềm vui, điều hạnh phúc đến các thần, hoặc cầu cứu đến các thế lực thần linh. Người phụ nữ trong một số hình tượng được nhìn nhận như là người nắm giữ trụ cột kinh tế, hình ảnh của Bà Mẹ Lúa trong tâm thức của cộng đồng tộc người, nên trong một vài hoàn cảnh nhất định, có thể xem vai trò của họ không hề mờ nhạt.

(3) Hệ thống motif đồ vật:

Đây có thể xem là hệ thống motif trang trí chiếm số lượng lớn nhất trong tổng thể bố cục trang trí của tấm thổ cẩm, đấy có thể xem là biểu hiện đa diện của đời sống vật chất - tinh thần vốn rất sinh động của từng tộc người. Tồn tại và chiếm số lượng áp đảo trước những loại hình motif khác, những motif trang trí đồ vật phàn nào cho thấy sự khẳng định của cá nhân - cộng đồng tộc người trước thiên nhiên hoang dã. Ví như motif trang trí hàng rào phản ánh sự phòng vệ của con người trước thú dữ, trước “nạn giặc mùa”  đến từ tộc người cận cư  và cũng là ước muốn bảo vệ sự bình an cho cả cộng đồng làng -  vel.

Dheng: hạt mã não - loại trang sức phổ biến trong cộng đồng tộc người Tà Ôi cũng như Cơ tu, hoa văn này được vẽ bằng 4 hình thoi giao nhau ở bốn đỉnh.

Ơ pờra ơpờrí/groong (hàng rào): dạng hoa văn với nhiều hàng cườm đan chéo nhau hình chữ X xếp liền nhau, thường được trang trí ở viền Dèng.

A rờ bứu: tượng trưng cho bếp lửa đang nướng thịt, biểu thị bằng hình chữ X có gạch ngang ở giữa (chữ X tượng trưng cho củi, thanh ngang tượng trưng cho con cá hay xâu thịt).

Pa poát: biểu thị cho công việc chèn hạt cườm, có hình dạng hai sợi dây bẻ gập vuông góc và xếp chéo nhau.

Pa puốc: tượng trưng cho ngôi sao Rua, hoa văn này có hình dạng hai hình vuông lồng nhau, có hai đường thẳng nối liền hai góc chéo nhau.

Meenh cha chung / Aminh chachung: biểu thị ngôi sao (có ý kiến cho rằng đấy là sao Bắc đẩu), có ba loại, một loại có hình ngôi sao bốn cánh, ở giữa có chấm tròn; một có dạng bốn hình thoi xếp kề nhau thành hình vuông, và một có dạng bốn hình thoi xếp kề nhau trên một đường thẳng. Các loại hoa văn ngôi sao tượng trưng cho nguồn sáng và thường mang ý nghĩa chung là thiên thần, biểu thị mối quan hệ giữa hai thế giới người sống và người chết.

Xe ling: có hình dạng giống như abăng abung, hoa văn xe ling mang hình những cây chông nhọn, xếp cạnh nhau và chĩa mũi nhọn lên trời.

2.2. Những nét riêng trong các sản phẩm dệt của nhóm Katuic

2.2.1 Những nét riêng trong cách phân loại sản phẩm

Trong nhóm tộc người Katuic, có thể thấy rằng, nghề dệt ra đời và phát triển lâu đời và phổ biến. Chính vì vậy, trong cách phân loại các sản phẩm dệt được đồng bào phân biệt rất chi tiết. Tuy nhiên, trong cách phân loại sản phẩm dệt của người Tà Ôi và Cơ tu có những nét khác biệt đáng kể. Ở dân tộc Tà Ôi, các loại hình sản sản phẩm dệt được phân biệt theo dãi trang trí hoa văn, ở tộc người Cơ tu lại dựa vào kích thước và đặc điểm sử dụng của sản phẩm để phân biệt các loại thổ cẩm khác nhau. Người Tà Ôi, phân loại thổ cẩm - dzèng (ân nai) thành 5 loại khác nhau (A rờ tong, a rờ bỏ, ân nai ngã, ân nai pa pong ka lăng, ân nai a pong ring). Mỗi loại ân nai được phân biệt theo số lượng dãi hoa văn trang trí, không phân biệt độ dài ngắn của tấm vải.  Ví dụ loại ân nai A rờ tong, được trang trí từ 12 đến 14 hàng cườm, ân nai a rờ bỏ được trang trí từ 7 đến 9 hàng cườm,... Tất cả 5 loại hình sản phẩm dzèng trên đều không tuân theo một kích, cỡ nhất định. Chiều dài, chiều rộng của khổ vải dệt tùy theo sở thích và nhu cầu của người sử dụng.

Trong khi đó, ở người Cơ tu, việc phân loại các sản phẩm dệt thường căn cứ trên kích thước và công năng sử dụng. Ví dụ như loại Âm Bhòng là sản phẩm dệt lớn, có kích thước lớn đến 12m, Pra teng khoảng 3m, cơ teng (thắt lưng)…

2.2.2 Sự khác biệt trong kỹ thuật nhuộm sợi

Ngoài những kỹ thuật nhuộm màu cơ bản tồn tại phổ biến trong từng tộc người mặc dù trong cách gọi của những loại vật liệu màu nhuộm có khác nhau. Nhưng ở người Cơ tu còn phổ biến kỹ thuật nhuộm màu xanh đen dợn sóng. Để tạo được hoa văn này, trước khi nhuộm sợi, người phụ nữ Cơ tu bó sợi thành từng lọn nhỏ, sau đó buộc chặt lại bằng lá cây ayâng rồi đem ngâm vào nước tarăm. Với cách làm như vậy, sợi vải nơi bị buộc chặt vẫn giữ nguyên màu trắng vì không bị ngấm nước nhuộm. Kết quả là họ thu được thứ sợi nhuộm màu cách quảng được dệt theo thứ tự nhất định sẽ tạo ra trên nền vải một kiểu hoa văn hình dợn sóng rất đẹp mắt.

2.2.3. Nhận diện về phức hệ màu sắc của sản phẩm dệt

Tính cân xứng là đặc trưng nổi bật trong mô típ trang trí hoa văn của nhóm tộc người Katuic. Trên tấm váy hoặc trên bất cứ một sản phẩm dệt nào, dù kích thước của các dãi hoa văn rộng hẹp khác nhau nhưng bao giờ chúng cũng đối xứng với nhau trong từng dãi hoa văn một hoặc đối xứng cả với nhau.

Hoa văn hình học thường gặp rất nhiều trên các sản phẩm dệt của nhóm người Katuic với các đường thẳng song song với nhiều kích thước và màu sắc. Tuy nhiên, ở dân tộc Cơ tu, mỗi dãi màu được phân biệt rất rạch ròi từ tên gọi. Đó có thể là một màu đồng nhất to bản (3 – 5cm) gọi là “Xriêng”, đường một màu hẹp bản hơn gọi là “Xroot”, đường xen màu ngắt quãng “Bhnêk” và đường to bản gồm nhiều màu cộng lại gọi là Kapang. Trong các hệ màu cơ bản được sử dụng trong các sản phẩm dệt, dãi màu trắng được đồng bào Cơ tu xếp vào vị trí trung tâm, sau đó về phía hai bên là các dãi hoa văn Kapang đến Bhnêk được xen kẻ viền một màu Xroot, xa hơn nữa là các Xriêng, và cuối cùng là một Xroot khác viền ngoài. Từ quan niệm trong cách phối màu như vậy, màu trắng là màu chuyển tiếp từ gam màu nhạt đến đậm để khi chúng tiếp xúc với màu nền thì ranh giới giữa màu sắc hoa văn và nền vải không quá tương phản.

2.2.4 Những khác biệt về motif hoa văn

Theo những nhận định so sánh bước đầu, trong hệ thống các sản phẩm dệt của nhóm Katuic, phức hệ motif hoa văn trang trí của nhóm tộc người Tà Ôi có lẽ đa dạng, phong phú nhất[7]. Trong đó những motif sau đây thường chỉ xuất hiện trên những tấm Dèng của người Tà Ôi, ít thấy xuất hiên trong những tộc người khác:

Ngkoang kating (cây cổ thụ kating): motif này được xem là biểu tượng của dốc Pârsee - dốc tình yêu bất tử, nơi ghi dấu cuộc tình bất tử của chàng trai trẻ mồ côi, nghèo khó với cô gái xinh đẹp, nhà giàu nhất làng. Motif này thường được tạo hình với đường gấp khúc màu đỏ hoặc bằng cườm.

Pili a toang: trong truyền thuyết của người Tà Ôi, pili a toang là loại cây thiêng, nên khi đôi trai gái yêu nhau thường hái quả để ăn rồi hẹn thề, hoa văn này thường được bố trí theo chiều dọc tấm Dèng.

Rèng ròng (nhà Roon có hàng rào): tượng trưng cho ngôi nhà nhiều bếp, cửa mở, loại hoa văn này có thể dùng trang trí trên chiều dọc lẫn chiều ngang tấm Dèng.

Khi trang trí theo chiều dọc, rèng ròng thường được xếp thành dải và có hai hàng chông chỉa mũi nhọn vào như để bảo vệ, khi xếp theo hàng ngang, rèng ròng lại đứng đơn lẻ.

Còng atin: biểu trưng nhà Roon có nhiều bếp, được bao bọc bởi hai hàng rào hình răng cưa, còng atin thường được trang trí ở gần viền, nối dài theo suốt chiều dọc tấm dzèng.

 n quang ting rũ ròng: ngoài ý nghĩa tượng trưng cho nhà dài - loại hình kiến trúc nhà ở rất độc đáo của người Tà Ôi, hoa văn này còn được xem là một loại dây leo và được bố trí theo chiều dọc phía gần góc.

A ra tà: có hình cái thang leo lên nhà Roon, gồm hai dải cườm song song, ở giữa có các thanh ngang kề nhau ôm lấy các hình tứ giác, tượng trưng cho bàn chân người khi bước lên mái nhà chung.

Ahang xe: có hình dạng hai chữ X chồng gần khít, hoa văn này hiển thị hình ảnh của cái giàn quay sợi vải.

Đung xia: Đung xia được biểu thị bằng hai loại hoa văn khác nhau, nhưng đều mang nghĩa là chân đế xe quay sợi. Một loại mang hình số 8, có hai lỗ vuông ở giữa để cắm dụng cụ ânnel. Một loại có hình con se quay sợi, có hai lỗ tam giác ở hai đầu.

Alít: biểu thị cho hình dạng của một dụng cụ quay bông thành sợi, hoa văn này gồm có hai hình tam giác đối đỉnh nhau, hai bên có hai
hình thoi.

A rư a che: biểu thị hình đáy (đít) chum, có hình phễu ngược.

Lát ta ra: có hình điểm tâm ngắm bắn cung, nỏ.

Ca lâng ca múa: biểu thị đường kiến bò, có hình một hàng cườm đơn lẻ xếp thẳng hàng, hoa văn này thường được trang trí ở viền mép tấm Dèng.

Arách khêl: có hình cái khiên che lúc đánh nhau, được biểu thị bằng ba đường thẳng song song và thẳng đứng, ở giữa có hình thoi, xung quang có các đường thẳng chéo.

A rờ mõ pacầm: hình vẽ của một dụng cụ dùng để cuốn sợi, có dạng hai hình chữ thập lồng vào nhau.

Hoa văn Arbướu: chỉ cái ốn nứa trong đó đựng các loại thịt chuột (abut),(asiu) có dạng hình vật ngang ở giữa, hai hình chéo dấu nhân tượng trưng cho củi được sắp trên ống nứa đốt lửa để nướng.

Ở tộc người Cơ tu trong hệ thống motif hoa văn trang trí trên vải dệt, cũng tồn tại phổ biến các loại hoa văn thể hiện nhân sinh quan, thế giới quan riêng của tộc người mình như:

Hoa văn cahíp: hoa văn hình con rết, đó là một dải hoa văn chạy dài ở phần dưới của váy, ở giữa có đường sống lưng, hai bên có đường rẽ đối xứng nhìn giống hình xương cá.

Hoa văn xooi avang: hoa văn hình đuôi chim chèo bẻo, được hiểu như là đuôi của một mũi tên,...

Hoa văn A cọp: hoa văn hình con rùa.

3. Kết luận

Trong đối sánh với nhiều nhóm tộc người khác, cư trú trên cùng khu vực, những tấm vải dệt của đồng bào là đặc trưng văn hóa nổi trội, một điểm nhận diện bản sắc văn hóa của từng tộc người. Tấm dzèng, tấm tút ngoài phương tiện phục trang còn là vật định chuẩn rất nhiều giá trị, chi phối rất nhiều lĩnh vực liên quan đến mọi mặt đời sống của cộng đồng tộc người, từ cuộc sống thường nhật, giao tiếp xã hội,… đến nhu cầu tâm linh - tín ngưỡng. Mỗi sản phẩm dệt trước hết phản ánh đầy đủ đặc trưng thế giới - nhân sinh quan của cộng đồng tộc người qua hệ màu sắc và motif trang trí; Đồng thời đó cũng là chuẩn mực để người con trai chọn vợ; Hơn thế nữa, mỗi sản phẩm dệt còn biểu thị sức mạnh vật chất và thanh thế của dòng tộc (bên cạnh chiêng, ché, đàn trâu, mã não, ngôi nhà với độ dài đáng kể v.v…); Nó còn là thực thể gắn kết chặt chẽ trong chu kỳ đời người của bản thân mỗi một người thiểu số; dzèng là phương tiện biểu hiện đa sức mạnh của cộng đồng làng - vel; Đồng thời, dzèng còn là thực thể gắn kết với nhiều dạng hoạt động nghệ thuật,…

Chính vì vậy, ngoài giá trị sử dụng, mỗi sản phẩm dệt còn chứa đựng những giá trị thẩm mỹ đáng trân trọng cần được bảo lưu. Ở đó vừa là sự biểu hiện nỗi niềm của mỗi cá nhân, của một nhóm người và của một bộ phận xã hội mang tính cộng đồng sâu sắc. Nó không chỉ mang ý nghĩa phục vụ cho cuộc sống hiện thực ở một thời, mà là sự thể hiện đầy đủ nhất tư duy nghệ thuật của mỗi tộc người qua những thời kỳ lịch sử khác nhau.

T.T.H

Tài liệu tham khảo:

Nguyễn Hữu Thông (2003), “Bàn về các nhóm tộc người thiểu số nói ngôn ngữ Việt – Mường ở bắc miền Trung Việt Nam”, trong Thông tin Khoa học, PV NCVHNT tại Tp Huế, số 3.

Nguyễn Hữu Thông (2004), “Tiếp cận vấn đề nghiên cứu làng văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam”, trong Thông tin Khoa học, PV NCVHNT tại Tp Huế, số 3.

Nguyễn Hữu Thông [Cb] – Nguyễn Phước Bảo Đàn – Lê Anh Tuấn – Trần Đức Sáng (2004), Katu – kẻ sống đầu ngọn nước, Huế: Nxb Thuận Hóa.

Nguyễn Hữu Thông [Cb] – Trần Đình Hằng – Nguyễn Phước Bảo Đàn – Tôn Nữ Khánh Trang – Lê Anh Tuấn – Trần Đức Sáng – Trần Thanh Hoàng (2005), Văn hóa làng miền núi Trung bộ Việt Nam giá trị truyền thống và những bước chuyển lịch sử (dẫn liệu từ miền núi Quảng Nam), Huế: Nxb Thuận Hóa.

Nguyễn Khoa Bình – Nguyễn Phước Bảo Đàn (2001), “Nghề dệt Dèng của người Tà Ôi”, trong Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa Dân gian Thừa Thiên Huế, Hội Liên hiệp VHNT TTH – Chi hội VNDG xuất bản.

Nguyễn Phước Bảo Đàn (2002), “Trang trí A rắc tren Dèng của người Tà Ôi”, trong Tập Nghiên cứu Văn hóa Dân gian Thừa Thiên Huế, Hội Liên hiệp VHNT TTH – Chi hội VNDG xuất bản.

Nguyễn Thị Sửu – Trần Nguyễn Khánh Phong (2005), Truyện cổ Tà Ôi, Huế: Nxb Thuận Hóa.

Nguyễn Thị Sửu (2001), “Hoa văn trên trang phục của dân tộc Tà Ôi”, trong Tập Nghiên cứu Văn hóa Dân gian Thừa Thiên Huế, Hội Liên hiệp VHNT TTH – Chi hội VNDG xuất bản.

Phạm Thị Hoa (2002), Tìm hiểu văn hóa vật thể dân tộc Tà Ôi – Huyện A Lưới – Tỉnh Thừa Thiên Huế, Luận văn tốt nghiệp Cử nhân Sử học, Khoa lịch sử - Đại học Khoa học Huế.

Trần Nguyễn Khánh Phong (2004), “Bước đầu khảo sát phức hệ hoa văn trang trí trên trang phục của người Tà Ôi”, trong Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, Huế: Sở KHCH&MT TTH, số 4 – 5.

Trần Tấn Vịnh (2002), “Nghề dệt cổ truyền của một số dân tộc Trường Sơn – Tây Nguyên”, trong Tạp chí Văn hóa Quảng Nam, số 36.



[1] Bộ phận người Cơ tu ở Coông Dzoồn – xã Zuôih - huyện Nam Giang - tỉnh Quảng Nam.

[2] Cây tà râm sau khi lấy về được giã nhỏ, ngâm nước khoảng 3 tuần sẽ cho màu đen thẫm. Để màu được bền, đồng bào còn trộn thêm vỏ ốc (clò) (sau khi đốt thành tro) và mật ong. Sợi vải được nhuộm và phơi từ 2 – 3 lần thì có được màu đen thẫm.

[3] Màu đỏ thẫm (sút) được lấy từ củ cây achất, aư, loại củ này rất lớn, có lúc nặng đến 10kg, cây có lá màu xanh, thân leo quanh các cây lớn đào mang về thái nhỏ, giã mịn lấy nước nguyên chất nấu sôi để nguội, thả sợi vào ngâm vắt phơi nhiều lần sẽ cho sản phẩm màu đỏ sẩm rất bền. Từ màu đỏ thẫm, nếu chỉ nhuộm một lần sẽ có được màu hồng (prồng).

[4] Màu xanh lá cây (anách) – màu xanh đậm, được làm từ lá cây anách, tà râm giã mịn, ngâm với một ít nước lạnh, sau một tuần bắt đầu thả sợi vào, vắt khô mang phơi nhiều lần như vậy sẽ có màu xanh đậm rất bền.

[5] Hiện nay, ở đồng bào Tà Ôi, nơi nghề dệt vẫn còn phát triển mạnh, họ không dùng hạt cườm bằng chì hay lấy từ hạt cây mà mua từ chợ, loại cườm bằng nhựa tổng hợp được sản xuất hang loạt, có đủ màu sắc, tiện lợi hơn và cũng được ưa chuộng hơn.

[6] Ở tộc người Tà Ôi, hạt cườm bằng chì (arắc, alùng) được sử dụng từ rất sớm. Theo lời kể, ngày xưa chì được lấy từ sông Antrôl (thuộc địa phận nước Lào), trong các khe đá. Sau này, nguồn chì có được nhờ hoạt động trao đổi với tộc người Katu ở Nam Đông và Quảng Nam. Chì được nấu chảy bằng nồi đất nung (adchcatie), dùng que tre cầm vừa tay, vót một đầu nhọn một đầu bằng; một thanh gỗ vừa người khiêng được đẽo thành hình thuyền dùng đựng nước và một hòn đá phẳng để cạnh nơi nấu chì. Thao tác được tiến hành như sau:

Khi chì được nấu lỏng, người Tà Ôi dùng abung múc chì nóng chảy đổ lên tảng đá, dùng que tre tách chì thành hạt (đường kính 2.5mm - 3mm), lấy đầu bằng lăn tròn tạo dáng, trở đầu nhọn chích lỗ và hất vào nơi đựng nước cho đông cứng. Việc làm cườm được tiến hành rất nhanh, đòi hỏi phải có nhiều người tham gia, bởi mỗi lần múc chì, cần phải có 3 - 4 người lăn. Quá trình này cũng có sự phân công lao động rõ ràng, việc nấu và đúc do người phụ nữ đảm nhiệm, việc tìm chì do người đàn ông thực hiện.

[7] Hệ thống motif hoa văn trang trí của người Tà Ôi có gần 100 loại hoa văn khác nhau trên trang phục của người Ta ôi. Phần lớn là những biểu tượng về thiên nhiên, vũ trụ, con người, động vật, thực vật và đồ vật. Mỗi hoa văn đều mang ý nghĩa riêng của nó và góp phần vẽ nên một nét hoa văn chung trong mĩ thuật Ta ôi. Trong đó được phân thành 3 loại hình, 7 kiểu, và 5 phức hệ với 76 hoa văn khác nhau trên vải dzèng: Hệ hoa văn động vật; Hệ hoa văn thực vật; Hệ hoa văn đồ vật; Hệ hoa văn về con người; Hệ hoa văn về thế giới quan [Trần Nguyễn Khánh Phong (2004), “Bước đầu khảo sát phức hệ hoa văn trang trí trên trang phục của người Tà Ôi”, trong T/c Nghiên cứu và Phát triển, Huế: Sở KHCN &MT TTH, số 4].

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng