Văn nghệ dân gian
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế hiện nay
15:52 | 06/06/2022

LÊ VĂN HÀ - TRẦN THỊ LỢI

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế hiện nay
Ảnh: Internet

1. Mở đầu

Thừa Thiên Huế là một vùng đất có bề dày lịch sử và giàu truyền thống văn hóa, là thủ phủ của chúa Nguyễn xứ Đàng trong và kinh đô của triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam - triều đại nhà Nguyễn. Đặc biệt, nơi đây còn ghi dấu những năm tháng niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình Người trong khoảng 10 năm (từ năm 1895 đến năm 1901; từ năm 1906 đến năm 1909). Trong khoảng thời gian gần 10 năm ấy và mối quan hệ tình cảm thiêng liêng giữa Người với Thừa Thiên Huế sau này đã để lại cho vùng đất này một di sản văn hóa vật thể, phi vật thể hết sức phong phú, đa dạng, mang giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh sâu sắc và có vị trí quan trọng trong hệ thống di sản văn hóa của Người trên toàn quốc.

Với những giá trị vốn có ấy, đặc biệt lại nằm ở vùng đất giàu truyền thống văn hóa và cách mạng như Thừa Thiên Huế, việc phát huy giá trị di sản văn hóa Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ rất thuận lợi và đóng một vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt là trong hoạt động du lịch và bảo tồn văn hóa truyền thống ở Thừa Thiên Huế hiện nay.

2. Những giá trị di sản văn hóa Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế cần bảo tồn và phát huy

Qua thống kê khảo sát bước đầu, ở Thừa Thiên Huế hiện nay còn khoảng 20 di tích và địa điểm di tích về Bác Hồ hoặc liên quan trực tiếp đến gia đình Người[1]. Trong đó có 4 di tích được Nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia bao gồm:

- Di tích nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở 112 Mai Thúc Loan;

- Di tích nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Dương Nỗ;

- Di tích Đình làng Dương Nỗ;

- Di tích trường Quốc Học Huế.

Có 5 di tích, địa điểm di tích xếp hạng cấp tỉnh:

- Địa điểm di tích trường Tiểu học Pháp - Việt Đông Ba;

- Điểm di tích Bến Đá; Điểm di tích Am Bà;

- Địa điểm di tích tòa Khâm sứ Trung kỳ;

- Điểm di tích mai táng bà Hoàng Thị Loan (Thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Qua đó cho chúng ta thấy hệ thống di tích và địa điểm di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình Người ở Huế còn lại khá nhiều. So với hệ thống di tích và địa điểm di tích của Người trên toàn quốc thì đây là một điều đáng ghi nhận và là niềm tự hào của người dân xứ Huế.

Hệ thống di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế ngoài giá trị về mặt khoa học lịch sử mà nó hàm chứa, còn là những công trình văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc tiêu biểu, bảo lưu nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Trong hệ thống di tích Hồ Chí Minh ở Huế:

- Có 2 di tích là nhà rường truyền thống Huế: ngôi nhà 112 Mai Thúc Loan, ngôi nhà làng Dương Nỗ, là kiểu kiến trúc mà không gian sống hài hòa, gắn bó với thiên nhiên, với cỏ cây, hoa lá - “văn hóa ở” truyền thống của ông cha.

- Có 3 di tích có kiến trúc đình, miếu dân gian: Đình làng Dương Nỗ, Am Bà và miếu Âm Hồn, là những công trình văn hóa, nghệ thuật chứa đựng giá trị lịch sử và văn hóa đặc sắc:

+ Đình làng, một trong những hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt Nam “cây đa, bến nước, sân đình” là cội nguồn của lịch sử, là truyền thống văn hóa nuôi dưỡng bao tâm hồn người Việt.

+ Am Bà, minh chứng cho sự giao thoa giữa hai nền văn hóa Việt - Chăm đó là tín ngưỡng thờ mẫu - thờ mẹ sông nước, là “hằng số mẹ”, một đặc trưng trong văn hóa Việt Nam.

+ Miếu Âm Hồn là biểu tượng cao đẹp cho truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

Nhìn chung, các kiểu kiến trúc, nghệ thuật, điêu khắc trong hệ thống di tích đã tạo ra sự đa dạng, phong phú về kiểu dáng, độc đáo trong các đường nét, chi tiết chạm khắc tinh tế, sâu sắc trong sự hòa hợp giữa công trình với thiên nhiên, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Qua đó cho chúng ta thấy, hệ thống di tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Huế còn bảo lưu được rất nhiều yếu tố văn hóa truyền thống. Chính vì vậy, bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích của Người ở đây, cũng là bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước nói chung.

Với sức lan tỏa của một nhân cách tư tưởng lớn, của một anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất, như một lẽ đương nhiên, Bảo tàng và hệ thống di tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên toàn quốc trở thành những điểm tham quan hấp dẫn, thu hút một lượng lớn khách trong và ngoài nước. Du khách đến đây vừa tìm hiểu về thân thế của một con người đã hiến trọn cả cuộc đời mình cho sự nghiệp độc lập của dân tộc, tự do và hạnh phúc của nhân dân, vừa trở về với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, và trở về những giá trị nhân văn cao đẹp.

Ngoài đặc điểm chung ấy, thì hệ thống di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế còn có thế mạnh và tiềm năng riêng trong hoạt động tham quan du lịch. Trong hệ thống Bảo tàng và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên toàn quốc, Bảo tàng và di tích lưu niệm về Người ở Thừa Thiên Huế có một vị trí quan trọng sau Khu di tích Kim Liên ở Nghệ An và các di tích ở Thủ đô Hà Nội.

Bởi xứ Huế là nơi ghi đậm dấu ấn những năm tháng niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi đây Người cùng gia đình sinh sống, lao động, học tập và tham gia các hoạt động yêu nước. Huế đã trở thành quê hương thứ hai của Người, là mảnh đất góp phần ươm mầm, nuôi dưỡng và bước đầu hình thành tư tưởng yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để từ đó thôi thúc Người ra đi tìm đường cứu nước. Cho nên, khi tìm hiểu về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta không thể không tìm đến Huế. Những di sản mà Người để lại nơi đây là gạch liền nối trọn cuộc đời 79 mùa xuân của một anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất.

Mặt khác, hệ thống di tích nằm ở vị trí thuận lợi gần các trục đường giao thông; bản thân các di tích mang trong nó tính thẩm mỹ và nghệ thuật, du khách đến tham quan ngoài việc tìm hiểu về quảng thời gian Người ở Huế còn được chiêm ngưỡng những khung cảnh đẹp, thơ mộng của thiên nhiên hòa quyện với kiến trúc cổ kính, tạo một cảm giác gần gũi, thân thương và yên bình…

Hơn nữa, hệ thống di tích lưu niệm của Người nằm trên địa bàn quần thể di tích Cố đô Huế - di sản văn hóa thế giới, đồng thời là trung tâm văn hóa - du lịch, là thành phố Festival, thành phố du lịch Sạch ASEAN nên hàng năm thu hút lượng khách lớn trong nước và quốc tế đến tham quan. Đây là những điều kiện hết sức thuận lợi để tăng lượng khách đến Bảo tàng và hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế.

Theo thống kê của Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế trong những năm gần lượng khách đến tham quan Bảo tàng và hệ thống di tích ngày càng tăng: năm 2015 gần 91 ngàn lượt khách; năm 2016 hơn 94 ngàn lượt khách; năm 2017 hơn 102 ngàn lượt khách; năm 2018 là được 112.000 lượt khách; năm 2019  hơn 120 ngàn lượt khách. Điều này thể hiện sự trân trọng và lòng thành kính của công chúng đối với di sản văn hóa Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế. Đồng thời, cũng là điều kiện hết sức thuận lợi cho trong công tác quảng bá và phát triển du lịch ở vùng đất sông Hương núi Ngự.

3. Một số giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế

Để bảo tồn được các giá trị truyền thống trong hệ thống di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế chúng ta cần lưu ý đến việc bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích, công việc đó phải thực hiện đúng nguyên tắc và thường xuyên. Bởi vì xứ Huế là vùng thiên nhiên khắc nghiệt, hàng năm thường chịu nhiều trận bão, lũ lớn, cộng với các di tích đã hơn một thế kỷ… nên dễ bị ảnh hưởng và xuống cấp. Vì vậy, để đảm bảo tuổi thọ cho các di tích cần chú trọng công tác bảo vệ và tu bổ, đặc biệt những vùng địa hình thấp như cụm di tích ở làng Dương Nỗ. Cần có kế hoạch và định hướng để phục dựng, tôn tạo lại một số di tích trải qua bao thăng trầm biến thiên của lịch sử nay không còn nữa như: gian nhà trong “Dãy Trại”, trường Tiểu học Pháp - Việt Đông Ba. Đồng thời, thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời ngăn chặn các hành vi xâm phạm làm ảnh hưởng đến di tích.

Nâng cao hiệu quả việc phát huy giá trị di sản văn hóa Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hoạt động du lịch ở Thừa Thiên Huế hiện nay, chúng ta cần phải thực hiện tốt một số công việc sau:

- Thường xuyên đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Bảo tàng và di tích, điều này cần có sự phối hợp với các đơn vị, cơ quan, ban ngành và trường học, tổ chức những hoạt động có ý nghĩa vào những ngày lễ lớn của quê hương đất nước với nhiều hình thức hoạt động và nội dung phong phú. Ngoài việc đến tham quan, dâng hương, dâng hoa, kết nạp Đoàn, Đội, phải tổ chức thêm những chương trình hoạt động khác như tổ chức các trò chơi dân gian, thi tìm hiểu, xây dựng phòng khám phá… cho học sinh, sinh viên và du khách tham quan, để mọi người đến đây vừa tìm hiểu học tập vừa được vui chơi giải trí.

- Quan tâm đẩy mạnh việc quảng bá sâu rộng về hệ thống di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế qua trang Website của Bảo tàng, trên các trang mạng xã hội, các tạp chí du lịch...  Từ đó, khi du khách đến Huế, ngoài việc đến với quần thể di tích Cố đô - di sản văn hóa thế giới, đến với thành phố Festival, còn đến với hệ thống di tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

- Đặc biệt, để nâng cao chất lượng và tương xứng với di sản văn hóa của anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất, tỉnh Thừa Thiên Huế cần có chiến lược phát triển bền vững cho hệ thống di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trên địa bàn. Đồng thời, phải đặt hệ thống di tích của Người trong tổng thể quy hoạch phát tiển du lịch của tỉnh, cần phải gắn kết với các đơn vị, công ty lữ hành và du lịch để kết hợp xây dựng tour tuyến tham quan. Trong quá trình xây dựng các tour tuyến cần phải có sự kết hợp giữa hệ thống di tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh với quần thể di tích Cố đô và hệ thống di tích lịch sử cách mạng một cách hợp lý, khoa học, để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách có điều kiện tiếp cận được với nhiều loại hình di tích khác nhau trên địa bàn xứ Huế.

- Hơn nữa, cần chú trọng bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ Bảo tàng đủ năng lực, trình độ, kỹ năng, đặc biệt là đội ngũ cán bộ thuyết minh hướng dẫn, để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách… Đó chính là những việc làm thiết thực góp phần vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay.

Như vậy, văn hóa truyền thống là một nét tiểu biểu trong di sản văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế. Chính vì thế trong quá trình tu bổ, tôn tạo, phục dựng di tích và phát huy di sản văn hóa của Người chúng ta cần chú ý, quan tâm đến điều này. Nếu chúng ta thực hiện tốt những công việc trên chắc chắn ngày càng thu hút được lượng lớn du khách đến với Bảo tàng và hệ thống di tích, thực hiện tốt nhiệm vụ phát huy giá trị di sản văn hóa của Người trong hoạt động du lịch.

4. Kết luận

Việc phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa Chủ tịch Hồ Chí Minh là một yếu quan trọng góp phần hình thành nên nền tảng tinh thần xã hội, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội hiện nay. Nhân loại đã tổng kết được rằng, dù phát triển ở trình độ nào, mỗi quốc gia, mỗi đất nước đều không thể không tiến hành bảo tồn những di sản của ông cha. Hoạt động bảo tồn và phát giá trị di sản phải tuân theo quy luật tất yếu khách quan, không thể xem nhẹ trong hoạt động văn hóa xã hội của mỗi quốc gia, dân tộc. Chính vì vậy, ngoài công tác bảo tồn, chúng ta cần chú trọng đến công tác phát huy giá trị của di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng. Và trong việc phát huy giá trị di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế hiện nay chúng ta cần chú trọng đến gắn kết giữa hoạt động du lịch và bảo tồn văn hóa truyền thống. Phát huy tốt được điều đó thì chắc chắn khi du khách đến Huế, nghĩ tới Huế không chỉ đơn thuần là sông Hương núi Ngự, là quần thể di sản văn hóa thế giới mà còn có di sản văn hóa Chủ tịch Hồ Chí Minh.

L.V.H – N.T.H

Tài liệu tham khảo:

Ban nghiên cứu lịch sử Đảng - Ty Văn hóa Thông tin Bình Trị Thiên (1977), Bác Hồ với Bình Trị Thiên, t1, Xí nghiệp in Bình Trị Thiên, Huế.

Ban nghiên cứu lịch sử Đảng - Ty Văn hóa Thông tin Bình Trị Thiên (1978), Bác Hồ với Bình Trị Thiên, t2, Xí nghiệp in Bình Trị Thiên, Huế.

Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế (1994), Dòng Hương nhớ Bác, Nxb Thuận Hóa, Huế.

Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế (2000), Cụ Hồ ở giữa lòng dân, Nxb Thuận Hóa, Huế.

Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế (2003), Âm vang thời Bác Hồ ở  Huế, Nxb Thuận Hóa, Huế.

Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế (2006), Di tích - địa điểm di tích lưu niệm Bác Hồ và gia đình ở Thừa Thiên Huế, Nxb Thuận Hóa, Huế.

Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế (2007), Được mang họ Bác Hồ, Nxb Thuận Hóa, Huế.

Bảo tàng Hồ Chí Minh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên Huế, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế (2008), Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Nghiên cứu, xác minh tư liệu và di tích Hồ Chí Minh thời kỳ 1890 - 1911, Nxb Thuận Hóa, Huế.

Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (2004), Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (2007), Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.



[1] Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế (2006), Di tích - địa điểm di tích lưu niệm Bác Hồ và gia đình ở Thừa Thiên Huế, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.10.

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng