Văn nghệ dân gian
Bảo tồn, phát huy Ca Huế và xây dựng Ca Huế trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc
14:59 | 05/07/2022

Dương Hồng Lam

Bảo tồn, phát huy Ca Huế và xây dựng Ca Huế trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc

Ca Huế cùng với các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã và đang khẳng định vị thế cho văn hóa Huế. Những giá trị đặc trưng và độc đáo này đã góp phần quảng bá hình ảnh, hình thành chuỗi những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn riêng có của vùng đất cố đô Huế. Cần những giải pháp nào để phát huy giá trị và xây dựng Ca Huế trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc. Bài viết xin góp một vài ý kiến cho định hướng này.

1. Huế - vùng đất văn hóa, di sản

Trong suốt chiều dài lịch sử, văn hóa Việt Nam đã không ngừng bồi tụ, giao lưu - tiếp biến, trở thành một nền văn hóa vừa đậm đà bản sắc dân tộc vừa thống nhất trong đa dạng mà biểu hiện là kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đồ sộ, phong phú.

Huế cũng không ngoại lệ, đây là vùng đất hiện còn bảo tồn, lưu giữ nhiều giá trị nghệ thuật truyền thống đặc sắc, trong đó Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO công nhận là kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu đại diện của nhân loại; ca Huế được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Yêu cầu đặt ra là việc bảo tồn, phát huy những giá trị tinh túy văn hóa của dân tộc, văn hóa Huế, trong đó có Ca Huế đang trở thành nhiệm vụ chiến lược và cấp bách nhằm phát huy nội lực mềm và lợi thế cạnh tranh cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bên cạnh làm tốt công tác bảo tồn giá trị độc đáo, đặc trưng của Ca Huế trong tổng thể chung của kho tàng văn hóa, di sản vùng đất cố đô Huế và dân tộc, cần định vị lại giá trị của di sản văn hóa, chú trọng khai thác, phát huy di sản văn hóa vào phát triển du lịch, dịch vụ, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững trong bối cảnh toàn tỉnh đang thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến 2025, tầm nhìn đến 2045.

Hiện nay, du lịch Việt Nam và du lịch Thừa Thiên Huế được xem là ngành kinh tế mũi nhọn mà trụ cột dựa trên những giá trị văn hóa, đặc biệt là những giá trị văn hóa truyền thống đã trở thành di sản, mang bản sắc riêng của dân tộc, vùng, miền, địa phương. Trong những năm qua, các giá trị văn hóa vật thể đã được khai thác hiệu quả để phát triển du lịch và đã hình thành những sản phẩm du lịch đặc trưng mà du khách được trải nghiệm, thăm thú khi đến Huế. Bên cạnh đó, các giá trị văn hóa phi vật thể cũng từng bước được quan tâm và dần hình thành nên những sản phẩm độc đáo, hấp dẫn du khách. Ngoài các hoạt động lễ hội dân gian, truyền thống, cung đình, tôn giáo trở thành mối quan tâm, lựa chọn của du khách, các loại hình âm nhạc cung đình Huế, Ca Huế cũng đang được khai thác và đưa vào các tour, tuyến du lịch, tạo được dấu ấn sâu sắc trong lòng du khách khi đến Huế. Riêng đối với Ca Huế, loại hình nghệ thuật truyền thống từ lâu đã tạo ảnh hưởng nhất định trong công chúng và du khách khắp mọi miền thông qua các chương trình Ca Huế thính phòng, chương trình Ca Huế trên sông Hương.

Tuy nhiên, quá trình khai thác phục vụ du lịch đang bộc lộ nhiều điều bất cập, sản phẩm cung ứng cho thị trường du lịch đang chạy theo cơ chế thị trường, làm mất đi những giá trị nguyên bản, chất lượng các chương trình Ca Huế không ổn định, các dịch vụ du lịch đi kèm chưa đáp ứng được nhu cầu...

Trước thực trạng đó, việc định vị lại giá trị và thương hiệu của Ca Huế, để từ đó bảo tồn, phát huy và xây dựng Ca Huế trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn, có chất lượng là một mục tiêu cần được các cấp, các ngành quan tâm đặt ra và có những giải pháp căn cơ để thực hiện.

2. Ca Huế - từ giá trị độc đáo, hấp dẫn đến không gian diễn xướng

Có thể khẳng định rằng, Ca Huế là một loại hình nghệ thuật hình thành và phát triển, gắn liền với vùng văn hóa xứ Huế, gắn liền với Núi Ngự, Sông Hương, lâu đài, thành quách nguy nga một thời ở vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân và nay là Thừa Thiên Huế.

Ca Huế ra đời vào khoảng thế kỷ XVII - XVIII đây là thời kỳ yên bình và cực thịnh của các chúa Nguyễn ở xứ Đàng Trong, Ca Huế trở thành thú vui tao nhã của giới quý tộc và các văn nhân, nho sĩ trong kinh thành Huế. Thời kỳ định hình và phát triển lên đỉnh cao là vào thế kỷ XIX dưới thời vua Tự Đức, một ông vua thông minh, uyên bác và rất yêu chuộng các loại hình nghệ thuật.

Ca Huế được bảo tồn và gìn giữ cho đến ngày nay là nhờ những giá trị đặc sắc vốn có. Ca Huế phong phú về làn điệu, bài bản với hai hệ thống bài bản của hai hệ thống điệu thức Bắcđiệu thức Nam. Giai điệu và nhịp điệu các bài bản của Ca Huế thể hiện sự mực thước, trang trọng với nhịp điệu chậm, dàn trải.

Nghệ thuật ca hát của Ca Huế cũng mang tính chuyên nghiệp và bác học, nghệ sĩ phải có thời gian luyện tập công phu từ các điệu hò, điệu lý sau đó mới chuyển sang các bài bản của Ca Huế. Là âm nhạc thính phòng mang tính chuyên nghiệp, bác học vì vậy Ca Huế là sự hòa quyện giữa hai thể loại: Thanh nhạc và khí nhạc hoàn chỉnh. Dàn nhạc đệm của Ca Huế bao gồm 5 nhạc cụ chính mà người ta hay gọi là dàn “Ngũ tuyệt” (Gồm: đàn Tam, đàn Tỳ bà, đàn Nhị, đàn Nguyệt và đàn Tranh). Từ năm 1896 bổ sung thêm cây đàn Bầu. Ngoài ra, bộ gõ Sanh tiềnSong loan do các nghệ sĩ vừa hát vừa gõ nhịp. Dàn nhạc trong Ca Huế có hai chức năng hòa nhạc và đệm hát cho Ca Huế.

Một điều đặc biệt, hoạt động trình diễn nghệ thuật Ca Huế thường gắn với không gian văn hóa độc đáo của vùng đất cố đô. Do bắt nguồn từ dòng âm nhạc cung đình, là thú vui tao nhã của các bậc vua, chúa, quan lại, văn nhân, nho sĩ của vùng đất Kinh đô. Vì vậy, môi trường diễn xướng đặc hữu của Ca Huế là các phủ đệ, tư gia với một không gian vừa phải, ấm cúng, thân mật. Mỗi cuộc trình diễn Ca Huế là một salon nghệ thuật đích thực. Mối quan hệ giữa các nghệ sĩ biểu diễn và người thưởng thức là quan hệ tri âm, tri kỷ, đồng điệu.

Môi trường biểu diễn thứ hai là Ca Huế trên sông Hương khi về đêm với khung cảnh sông nước thơ mộng, hữu tình. Âm nhạc của Ca Huế phù hợp với không gian vào buổi chiều tà, hay khi màn đêm buông xuống, nó không thích hợp khi trình diễn vào ban ngày, trước đám đông, quảng trường hay không gian rộng lớn. Vì vậy, ngoài các phủ đệ, thư phòng thì Ca Huế sẽ được trình diễn trên những những chiếc thuyền rồng thả trôi giữa dòng Hương, với nhạc điệu khi buồn thương, da diết, khi bâng khuâng, nhớ nhung trở thành một thú vui tao nhã, sang trọng dành cho người đam mê nghệ thuật truyền thống và du khách mỗi khi đến thăm thú Huế.

3. Khó khăn, hạn chế trong khai thác, phát huy ca Huế phát triển du lịch

Trong xu thế giao lưu và hội nhập quốc tế hiện nay, bên cạnh những tín hiệu mới, tích cực và luồng gió mới trong văn hóa, nghệ thuật, là những tác động không nhỏ đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ. Các loại hình nghệ thuật truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một, ngày càng ít người quan tâm, các đối tượng lựa chọn nghệ thuật truyền thống để học tập và lập nghiệp ngày càng ít; công tác giáo dục, định hướng thẩm mỹ cho công chúng, nhất là giới trẻ gặp nhiều khó khăn; việc xây dựng đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên có chất lượng hoạt động trong lĩnh vực Ca Huế gặp cũng không dễ dàng.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang vận hành theo cơ chế thị trường, hoạt động biểu diễn Ca Huế cũng bị cuốn theo dòng chảy đó, trong hoạt động dịch vụ biểu diễn Ca Huế đã xuất hiện sự cạnh tranh không lành mạnh (hạ giá các xuất diễn, cắt xén nội dung chương trình, thay thế nghệ sĩ chưa được thẩm định...) dẫn đến chất lượng chương trình Ca Huế không cao, ảnh hưởng đến giá trị di sản Ca Huế, sản phẩm du lịch mang đặc trưng riêng của vùng đất Cố đô.

Trong bối cảnh đương đại, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản Ca Huế giai đoạn hiện nay cũng gặp rất nhiều khó khăn. Một số bài bản Ca Huế được ký âm bằng phương pháp cổ truyền, đòi hỏi kỹ năng cao thì lực lượng nghệ sĩ trẻ hầu như khó có thể tiếp cận được; các nghệ nhân, nghệ sĩ có kinh nghiệm, am tường các bài bản Ca Huế ngày càng hiếm, dẫn đến Ca Huế đang đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền. Ngoài ra, nghệ thuật Ca Huế đang đứng trước sự cạnh tranh với các loại hình nghệ thuật, âm nhạc hiện đại khác. Thị hiếu thưởng thức văn hóa, âm nhạc của một bộ phận người dân, đa phần là lớp trẻ đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ.

Trong quản lý, do hoạt động Ca Huế (đặc biệt Ca Huế trên sông Hương) liên quan đến sự quản lý của nhiều ngành; trong khi đó, quy định của pháp luật vẫn còn mang tính phổ quát, chưa điều chỉnh cụ thể đối với các loại hình nghệ thuật là di sản mang tính đặc thù, do đó việc áp dụng quy định và phối hợp trong công tác quản lý còn gặp nhiều khó khăn và bộc lộ nhiều điều bất cập.

4. Nhiệm vụ và giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị và xây dựng ca Huế trở thành sản phẩm du lịch

- Nghiên cứu, sưu tầm, khôi phục các bài bản, làn điệu cổ có nguy cơ mai một, thất truyền, theo hướng phục hồi nguyên bản, đảm bảo chất lượng để khẳng định giá trị độc đáo, tính đặc trưng, bản sắc của Ca Huế; thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật Ca Huế. Tiếp tục nghiên cứu, khẳng định giá trị sâu sắc về văn hóa, lịch sử của nghệ thuật truyền thống gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế.

Xây dựng các chương trình Ca Huế mẫu theo các tiêu chí mang tính chuẩn mực, trên cơ sở phù hợp, đáp ứng với nhu cầu thưởng thức nghệ thuật Ca Huế của từng đối tượng du khách. Lấy các chương trình mẫu làm cơ sở trong việc thẩm định, cấp phép các chương trình biểu diễn Ca Huế phục vụ khách du lịch của các doanh nghiệp.

Xây dựng và tổ chức các chương trình biểu diễn Ca Huế cần tránh hiện tượng sân khấu hóa, hiện đại hóa, mà cần phải thể hiện những giá trị chân thực, giản dị, gần gũi nhưng vẫn giữ được chất lượng, tính bác học của loại hình nghệ thuật âm nhạc độc đáo này; hạn chế việc đưa vào chương trình các ca khúc mới mà cắt xén đi nội dung mang tính chuẩn mực của chương trình.

- Chú trọng công tác đào tạo, truyền dạy loại hình nghệ thuật ca Huế đối với các đối tượng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Trong đó, tập trung đào tạo lực lượng diễn viên, nhạc công chuyên nghiệp, gắn đào tạo chuyên ngành nghệ thuật với trang bị kiến thức về văn hóa, lịch sử, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ du lịch cho học sinh, sinh viên nghệ thuật, đáp ứng yêu cầu phục vụ các hoạt động du lịch, dịch vụ; triển khai công tác đào tạo hạt nhân tham gia và tổ chức hoạt động ca Huế phong trào, bồi dưỡng và định hướng thẩm mỹ cho giới trẻ; tiếp tục mở rộng phạm vi triển khai đưa các nội dung đào tạo Ca Huế vào trường học gắn với trang bị các kiến thức về văn hóa, lịch sử địa phương, tạo hứng thú, đam mê đối với văn hóa, lịch sử và các loại hình nghệ thuật truyền thống nói chung, Ca Huế nói riêng, mở rộng không gian sinh hoạt Ca Huế, để Ca Huế ngày càng phổ cập, trở thành những hoạt động cộng đồng, là món ăn không thể thiếu trong đời sống  sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người dân.

- Hình thành các điểm biểu diễn ca Huế kết hợp không gian trưng bày, để trưng bày các nhạc cụ, tư liệu về các bài bản, làn điệu cổ, hình ảnh các nghệ sĩ nổi tiếng để làm sáng tỏ giá trị, tôn vinh hình ảnh nghệ thuật, nghệ nhân gắn với ca Huế, để phục vụ nhu cầu tìm hiểu, học tập, nghiên cứu thưởng ngoạn của khách du lịch trong và ngoài nước hiểu sâu hơn về giá trị nghệ thuật Ca Huế, lịch sử, văn hóa vùng đất cố đô Huế. Tổ chức các điểm biểu diễn Ca Huế nằm trong các tour tuyến du lịch gắn với không gian văn hóa đặc trưng của Huế. Ngoài khai thác hiệu quả dòng sông Hương - Dòng sông di sản để trình diễn các bài bản, làn điệu Ca Huế, tiếp tục khám phá, khai thác các không gian di sản văn hóa thế giới, các phủ đệ, nhà vườn, các điểm tham quan di tích, thắng cảnh, các điểm du lịch sinh thái, đa dạng và làm mới không gian trình diễn, tạo hiệu ứng, hấp dẫn du khách.

- Chú trọng và đa dạng hóa công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến nghệ thuật Ca Huế, khẳng định vị trí, thương hiệu Ca Huế trên sông Hương - một sản phẩm văn hóa, du lịch đặc thù. Hình thành và khai thác hiệu quả các công cụ hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá ca Huế. Trước hết cần tạo lập, quản lý và khai thác nhãn hiệu chứng nhận cho hoạt động Ca Huế và Ca Huế trên sông Hương. Nhãn hiệu chứng nhận là dấu hiệu nhận diện, quảng bá cho thương hiệu Ca Huế, là tiêu chí đánh giá chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ biểu diễn Ca Huế. Bên cạnh đó khai thác ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, quảng bá hoạt động biểu diễn Ca Huế: Xây dựng Ứng dụng Ca Huế, website, phần mềm cơ sở dữ liệu về ca Huế để số hóa, lưu trữ tư liệu về âm thanh, hình ảnh, tư liệu văn hóa, lịch sử về Ca Huế, tạo thuận lợi cho công tác theo dõi, quản lý và khai thác, ứng dụng trong cộng đồng.

- Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với các nghệ nhân, nghệ sĩ có nhiều đóng góp trong công tác truyền dạy, bảo tồn, phát huy, phát triển Ca Huế. Tôn vinh, tuyên dương các tổ chức cá nhân, nghệ nhân, nghệ sĩ trong việc bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật Ca Huế. Có chế độ, chính sách đãi ngộ xứng đáng đối với các đối tượng này, nhằm khuyến khích tài năng, nâng cao chất lượng hoạt động Ca Huế, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật Ca Huế.

- Đầu tư nguồn kinh phí để củng cố, chỉnh trang và xây dựng mới hệ thống cơ sở vật chất phục vụ du lịch gắn với hoạt động biểu diễn Ca Huế, cụ thể là các bến thuyền du lịch, cầu tàu, bãi đỗ xe,... đảm bảo thuận lợi, mỹ quan đô thị và trật tự, an toàn cho khách du lịch. Vận động, hỗ trợ, khuyến khích các công ty, doanh nghiệp cải tạo, đóng mới thuyền phục vụ hoạt động biểu diễn ca Huế và phục vụ khách du lịch theo mẫu đã được cơ quan chuyên môn thẩm định, phê duyệt.

- Đẩy mạnh liên kết, phối hợp trong công tác tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá; xây dựng và hình thành các sản phẩm du lịch liên vùng gắn kết với ca Huế. Gắn kết giữa các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ biểu diễn ca Huế với các doanh nghiệp du lịch, lữ hành để xây dựng và hình thành các tour tuyến du lịch văn hóa, di sản, khám phá nghệ thuật sống, thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống của vùng đất Cố đô Huế, trong đó có Ca Huế.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động biểu diễn Ca Huế phục vụ du lịch. Bên cạnh việc rà soát, đánh giá việc xây dựng và triển khai thực hiện các quy định về quản lý hoạt động biểu diễn Ca Huế và các hoạt động dịch vụ du lịch liên quan để đề xuất, tham mưu điều chỉnh, bổ sung những quy định mới chặt chẽ, phù hợp để tăng cường việc quản lý và nâng cao chất lượng hoạt động biểu diễn Ca Huế. Tiếp tục đẩy mạnh việc tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức pháp luật cho các đối tượng làm việc trong lĩnh vực biểu diễn Ca Huế, dịch vụ du lịch liên quan gắn với duy trì công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, lập lại trật tự, ổn định trong hoạt động biểu diễn ca Huế phục vụ du lịch.

Trong bối cảnh Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 về xây dựng Thừa Thiên Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu đến năm 2025 xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, đã đem đến một làn gió mới, tạo thời cơ và điều kiện thuận lợi để bảo tồn và phát huy có hiệu quả giá trị Ca Huế - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Qua đó tiếp tục khẳng định giá trị, vị thế của Ca Huế trong dòng chảy văn hóa Việt Nam, từng bước xây dựng Ca Huế trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc - “món ăn” tinh thần độc đáo, hấp dẫn, không thể thiếu của khách du lịch khi đến Huế. Đây cũng là cơ hội để đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của Ca Huế, văn hóa Huế, làm cơ sở để xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận Ca Huế là Di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu đại diện của nhân loại theo chủ trương của tỉnh.

 

D.H.L

 

 

 

 

 

 

 

Tác giả: Dương Hồng Lam
Các bài mới
Các bài đã đăng