NGUYỄN THỊ TÂM HẠNH
1. Mở đầu
Trước khi chữ viết được xây dựng trên cơ sở của mẫu tự La tinh phổ biến và trở thành chữ viết chính thức, chữ Hán và chữ Nôm là quốc tự và quốc ngữ được sử dụng trong suốt hàng nghìn năm ở Việt Nam. Không chỉ các văn bản hành chính, phần lớn các tác phẩm văn, triết, sử, y khoa, kinh sách… ở nước ta đều lấy dạng “chữ vuông” này làm phương tiện. Chính sách mở rộng chữ Quốc ngữ của Pháp thời thuộc địa vào đầu thế kỷ XX và nhất là sau sự kiện triều đình chính thức bãi bỏ khoa cử (1919) cùng với sự cáo chung của nhà Nguyễn (1945), chữ Hán và chữ Nôm dần thu hẹp phạm vi sử dụng. Đến nay, chữ Hán ở nước ta chủ yếu dùng trong mục đích tín ngưỡng, tôn giáo (văn cúng [trạng, sớ, điệp], hoành phi, câu đối, văn khắc trang trí trong các đình chùa, miếu vũ, nhà thờ họ…); trong khi đó, chữ Nôm hầu như ít có cơ hội được dùng đến. Trải qua gần 65 năm tính từ thời điểm 1945, thế hệ người học chữ Hán Nôm chính thức ở nhà trường hoặc không chính thức (thông qua gia đình, cá nhân) trước đây ngày một thưa dần; chữ Hán Nôm hiện nay nằm ngoài tầm hiểu biết của đa số người Việt.
Trong những năm gần đây, sự thay đổi về quan niệm và nhận thức về giá trị của kho tàng di sản này, cùng với việc chú trọng đào tạo đội ngũ Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ ngành Hán Nôm, hàng loạt những chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu liên quan đến sưu tầm, lưu trữ, số hóa, khai thác các tài liệu Hán Nôm đã được triển khai với nhiều quy mô khác nhau. Trong đó, phải kể đến vai trò của các Trung tâm lưu trữ quốc gia, các Thư viện (Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, Thư viện Khoa học xã hội, Thư viện các địa phương); các Viện, Trung tâm nghiên cứu (Viện nghiên cứu Hán Nôm, Viện sử học, Viện thông tin Khoa học xã hội, Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế, .v.v). Bên cạnh các thiết chế chính thức, các thiết chế mang tính cộng đồng (hội đồng làng, họ tộc, gia đình…) cũng đóng vai trò rất lớn trong việc giữ gìn các di sản Hán Nôm. Các cơ sở thờ tự, tín ngưỡng, tôn giáo như đình, chùa, miếu vũ, nhà thờ họ, v.v. có thể được xem là những bảo tàng mà hiện vật được gìn giữ mang một ý nghĩa đặc biệt, thiêng liêng, gắn bó trực tiếp đến lịch sử, đời sống văn hóa tín ngưỡng của từng cộng đồng cụ thể.
Từ thực tế khảo sát ở một số làng xã thuộc vùng nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế, trong giới hạn bài viết này, chúng tôi sẽ đưa ra một số đánh giá về hiện trạng bảo tồn và khai thác di sản Hán Nôm trên chất liệu giấy trong cộng đồng hiện nay. Từ đó, có những đề xuất nhằm giữ gìn và khai thác hợp lí kho hiện vật, tư liệu đặc thù này.
2. Hiện trạng bảo tồn di sản Hán Nôm trong cộng đồng ở Thừa Thiên Huế
2.1. Giữ gìn di sản như những hiện vật thiêng
Từ góc độ tư liệu, nội dung được phản ánh trên từng loại hình văn bán Hán Nôm rất đa dạng. Đó có thể là hành trạng nhân vật, gốc tích dòng họ, lịch sử khai thiết lập làng; những thông tin trực tiếp hay gián tiếp phản ánh sự biến động về địa giới hành chính, tài nguyên, đời sống kinh tế, văn hóa cũng như những mối quan hệ, quá trình thích ứng của từng cộng đồng ở những thời kỳ khác nhau. Có thể xem những cuốn địa bộ, gia phổ, hương phổ; các bài gia huấn, gia quy, hương ước, thuận định; các bản sắc phong cho nhân vật, nhiên thần hay các sơ đồ, bản vẽ, tờ thị, .v.v. mà từng cộng đồng nhỏ (gia tộc, làng xã) lưu giữ chính là những mảnh ghép đa sắc, sinh động, tạo nên bức tranh rộng lớn của lịch sử, văn hóa vùng miền và quốc gia dân tộc. Không những thế, những trang sử này mang địa danh, nhân danh, sự kiện gắn bó thiết thân, máu mũ, thiêng liêng với cả cộng đồng - những người lưu giữ chúng. Sự lưu giữ ở đây, vì thế, không đơn thuần là đặt vào một ô hộc hay một kho tư liệu như thường thấy trong các bảo tàng, các bộ sưu tập, mà người được “chọn mặt gửi vàng” luôn được cộng đồng tin tưởng bởi tinh thần trách nhiệm, uy tín và cả đức độ. Những tập tài liệu Hán Nôm cũng là tài sản của gia đình, dòng họ và làng xã vượt qua được chiến tranh, thiên tai, những định kiến mang tính thời đại để tồn tại cho đến ngày nay chính là nhờ sự trân quý, thái độ ứng xử của người được giao trọng trách giữ gìn. Câu chuyện về hòm bộ của làng La Khê (thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế) là một ví dụ tiêu biểu. Mặc dù đình làng bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh (1949) và triệt hạ hoàn toàn theo chủ trương “tiêu thổ kháng chiến”, song, ông Thủ bộ họ Lê vẫn kỳ công cất giữ hòm bộ của làng và thậm chí mang theo khi sang định cư ở nước ngoài. Sau khi đất nước đổi mới, ông đã cùng gia đình trở về dâng lại cho làng gần như nguyên vẹn những gì đã cất giữ (1996). Nhờ đó, mà làng La Khê đến nay vẫn còn bảo tồn được hơn 20[1] sắc phong trải từ đời vua Minh Mạng đến Khải Định và một bản Thần phả được biên soạn vào năm thứ 8 triều vua Tự Đức (1855), ghi nội dung các bài văn tế tương ứng với các dịp tế lễ trong các cơ sở thờ tự của làng.
Tính chất thiêng liêng của các văn bản Hán Nôm trong tâm thức của cộng đồng còn được thể hiện ở vị trí mà họ cất giữ. Trong tư gia, từ đường hay trong đình chùa, miếu, vũ…, các trang giấy viết tay này luôn được đặt ở nơi trang trọng, không chỉ bởi yếu tố an toàn mà còn được xem như vật thờ cúng. Đây cũng là lí do những người làm nghiên cứu khó tiếp cận được các văn bản này do những định chế liên quan đến lễ nghi và các quy ước chặt chẽ của lệ làng hay phép nhà mà các quy định hành chính không có quyền can thiệp.
2.2. Chủ động huy động nguồn lực để sưu tầm, dịch thuật, hệ thống hóa tư liệu
Cùng với xu hướng trở về cội nguồn, phục hưng các sinh hoạt văn hóa làng xã, dòng họ, song song với việc xây dựng, tái thiết các công trình tín ngưỡng tâm linh và hoạt động lễ hội, Hội đồng làng, Hội đồng gia tộc đã chủ động mời chuyên gia để tu bổ, dịch thuật tư liệu Hán Nôm nhằm hệ thống và thông tin cho các thế hệ nối tiếp về gốc tích, nguồn cội của gia tộc, quê hương. Phong trào này thậm chí đã sớm phát triển từ những năm 1990. Trường hợp làng An Bằng (xã Vinh An, huyện Phú Vang) là một ví dụ. Năm 1999, với sự giúp đỡ của các chuyên gia Hán Nôm ở Bảo tàng Văn hóa Dân gian Huế, Ban nghi lễ làng An Bằng đã tập hợp, hệ thống và dịch thuật gần 150 trang, gồm: các văn bản về lãnh thổ, lãnh hải; Văn bản về sinh hoạt nghề nghiệp; Văn bản về sinh hoạt nghề nghiệp; Văn bản về tín ngưỡng truyền thống *. Đây chính là cách làm thiết thực để các lớp thế hệ có thể nắm bắt được những thông điệp từ quá khứ, gốc tích cội nguồn của gia tộc, quê hương. Cùng mục đích này, một số gia tộc, làng xã còn sao chụp hình ảnh, phiên âm, dịch nghĩa các văn bản, văn bằng để treo lên nhà thờ, đình làng. Sắc phong họ Nguyễn Quang (làng Thủy Thanh Chánh, thị xã Hương Trà) hay tất cả những tư liệu (sắc phong) về các nhân vật trong dòng họ Trần Đình (làng Vĩnh Xương, huyện Phong Điền) được chụp ảnh, dịch nghĩa, đóng khung trang trọng ở nhà thờ của dòng họ là trong số những trường hợp này.
Một số cá nhân còn tích cực sưu tầm tại các cơ quan lưu trữ để sao chụp, bổ khuyết các tư liệu đã mất, như địa bộ làng Thai Dương Hạ (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang). Thậm chí, với những trường hợp tư liệu bị rách nát, người dân còn chủ động tìm đến các cơ quan chuyên môn để phục chế một phần hay hoàn toàn, tùy thuộc vào tình trạng của văn bản, như trường hợp sắc phong làng Cổ Bưu (thị xã Hương Trà). Với sự tích cực, chủ động này, cộng đồng đã phát huy tính tự chủ trong bảo tồn di sản Hán Nôm. Đặc biệt, với các bài tựa gia phả, huấn minh hay các bản hương ước vốn thấm nhuần tinh thần Nho - Phật thì việc “Quốc ngữ hóa” có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục ý thức “uống nước nhớ nguồn”, niềm tự hào về quê hương gia tộc, nhất là những nếp ứng xử theo chuẩn mực đạo đức luân lý truyền thống.
Không chỉ cộng đồng liên quan trực tiếp đến di sản, các nhà sưu tập tư nhân cũng đã chủ động hỗ trợ, chuyển giao nhiều hiện vật gốc cho các địa phương từng là chủ sở hữu nhưng vì một số lí do khách quan và chủ quan đã bị thất lạc, như trường hợp của 3 sắc phong của làng La Ỷ (xã Phú Thượng, Phú Vang) và 8 sắc phong của làng Quý Lộc (xã Lộc Điền huyện Quý Lộc) đã được rước về quê hương (2018). Ngoài ra, các cơ quan nghiên cứu, trung tâm bảo tồn ở địa phương và Trung ương, trong quá trình tiến hành sưu tầm hệ thống tư liệu Hán Nôm cũng đã đồng thời hỗ trợ cộng đồng sắp xếp, biên mục, dịch thuật các tư liệu quan trọng.
2.3. Cộng đồng không kiểm soát hết những nguy cơ thất thoát, hư hỏng, xáo trộn
Do điều kiện khí hậu nóng ẩm của Việt Nam, Huế lại là vùng mưa nhiều, thường xuyên xảy ra các hiện tượng thời tiết tiêu cực (bão, lũ lụt) đã khiến cho các tài liệu Hán Nôm trên giấy dễ bị tác động. Nhất là vùng nông thôn đa phần thấp trũng, tư liệu lại chủ yếu được lưu trữ ở những thiết chế tín ngưỡng, tôn giáo - nơi không phải thường xuyên có người túc trực - đã khiến cho sự ứng phó thiếu kịp thời. Sự rách nát, lạc, trôi là điều khó tránh khỏi. Trong những năm gần đây, điều kiện bảo quản cao ráo, an toàn hơn nhưng nấm mốc, mối mọt vẫn là mối đe dọa lớn. Những chế định liên quan đến việc “mở hòm bộ” của làng, “sợ trách nhiệm” và cả sự chi phối của tính thiêng đã khiến cho tư liệu không được kiểm tra thường xuyên. Đây là nguyên nhân khiến tư liệu bị hư hỏng, thậm chí mục nát hoàn toàn.
Trước sự xuống cấp của di sản, một số cộng đồng đã tìm cách cứu vãn nhưng do không nắm bắt kỹ thuật chuyên môn đã vô tình làm văn bản hư hại thêm trầm trọng. Phổ biến hơn cả là tình trạng đem phơi trực tiếp dưới ánh nắng khiến giấy bị dòn, dễ vỡ; bọc kín trong túi nilon dẫn đến ẩm mốc hay ép plastic khiến cho tư liệu bị bong tróc sau một khoảng thời gian nhất định. Ngoài ra, tư liệu còn bị tác động, phục chế tùy tiện theo những cách khác nhau, như viết (phiên âm, ghi chú) trực tiếp lên bản gốc; phục chế sai quy cách; dịch thuật thiếu chính xác dẫn đến thông tin sai lệch. Đặc biệt, do phần lớn các “kho lưu trữ” trong cộng đồng không được biên mục, thống kê đầy đủ * nên việc sắp xếp thường thiếu hệ thống, khó kiểm soát và dễ thất lạc - nhất là các tư liệu liên quan đến ngôi thứ hay các mối quan hệ nhạy cảm.
Sự thất lạc, mất mát còn xuất phát từ nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp bởi Huế là vùng đất chịu nhiều tổn thất do chiến tranh. Trong quá khứ, tư liệu Hán Nôm bị tiêu hủy do bom đạn là điều khó tránh khỏi. Ở một khía cạnh khác, bối cảnh chính trị cũng đã dẫn đến sự phổ biến của tình trạng di cư, nhất là từ thời điểm 1975. Xem gia phả, sắc phong, các tư liệu khác do tổ tiên để lại như một phần quê hương không thể tách rời, nhiều cá nhân đã mang theo các văn bản này trong quá trình di chuyển nơi cư trú, thậm chí sang cả nước ngoài. Tình trạng “chảy máu” tư liệu Hán Nôm, đặc biệt sắc phong, gia phả vẫn tiếp diễn ở một số làng, họ như trường hợp họ Lê (làng Phú Mộng, Thành phố Huế), làng Lương Quán (Thành phố Huế), làng Thanh Thủy Thượng (Thị xã Hương Thủy), .v.v.
3. Những vấn đề đặt ra
Từ thực trạng trên đây về tư liệu Hán Nôm trên chất liệu giấy trong cộng đồng ở Thừa Thiên Huế, có thể thấy hàng loạt những vấn đề cần đặt ra đối với công tác quản lý, bảo quản, lưu trữ, phục chế cũng như khai thác.
- Về quản lý, tư liệu Hán Nôm trong gia đình, dòng họ, làng xã chủ yếu mang tính tự quản với những chế định mang tính quy ước, thuận định trong phạm vi cộng đồng. Với tính chất đặc thù của mình, các tư liệu này phần lớn nằm ngoài quản lý của các cơ quan chức năng, trực tiếp là ngành văn hóa, Ủy ban cấp xã, phường và gần hơn nữa là cấp thôn. Để quản lý, bảo vệ tốt hơn, sự thay đổi nhận thức về giá trị của di sản Hán Nôm cũng như trách nhiệm bảo vệ chung của toàn xã hội (gồm các thiết chế quan phương lẫn phi quan phương) là hết sức cần thiết. Cần tạo một hành lang pháp lý trong phân cấp quản lý, sử dụng để phát huy đồng thời vai trò, trách nhiệm của cộng đồng lẫn các ngành các cấp, các cơ quan chức năng nhằm đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm của các chủ sở hữu cũng như phát huy được vai trò của di sản Hán Nôm phục vụ cho nghiên cứu, giảng dạy cũng như các mục đích văn hóa xã hội khác.
Đặc biệt, cần tăng cường các hình thức đối thoại giữa các thiết chế nhà nước và các tổ chức Hội đồng làng, Hội đồng gia tộc nhằm có được sự đồng thuận cao trong các việc quản lý di sản. Cần khuyến khích và nhân rộng một số sáng kiến của cộng đồng như Bảo tàng dòng họ, Nhà lưu niệm dòng họ và xem đây cũng là một trong những trách nhiệm của ngành bảo tàng trong việc phối hợp, hỗ trợ về thông tin, tài liệu… Với mô hình này, các di sản Hán Nôm sẽ không bị “ngủ yên” trong những nơi thờ cúng.
- Về bảo quản, lưu trữ: Để tránh những cảm tính trong bảo quản các tư liệu Hán Nôm dẫn đến những hư hỏng, rách nát như vẫn thường diễn ra, một trong những việc làm cần thiết đó là nâng cao năng lực bảo quản, lưu trữ cho chính người dân. Các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ bảo quản tư liệu nói chung, tư liệu Hán Nôm trên chất liệu giấy nói riêng không chỉ dành cho cán bộ thư viện, bảo tàng mà cần hướng đến các đối tượng sở hữu và có trách nhiệm giữ gìn các tư liệu Hán Nôm trong cộng đồng. Trong đó, một trong những việc làm cần thiết, cấp bách nhất mà ngành bảo tàng có thể hỗ trợ người dân, đó là hướng dẫn làm/cung cấp các hộp bảo quản tư liệu Hán Nôm đúng quy chuẩn kỹ thuật cũng như cách vệ sinh, xử lí định kỳ nhằm hạn chế tối đa sự xuống cấp của tư liệu. Ngành văn hóa, trực tiếp là bảo tàng cũng cần có những kế hoạch thống kê phân loại một cách toàn diện để tùy theo tình trạng cũng như giá trị nội dung, nghệ thuật của tư liệu để kịp thời phục chế, tu bổ, phiên âm, dịch nghĩa,… nhằm hỗ trợ cộng đồng tìm về gốc tích nguồn cội cũng như bảo vệ các giá trị của các di sản văn hóa mà họ nắm giữ.
Ngoài bảo quản, lưu trữ tư liệu gốc, trong những năm qua, các cơ quan bảo tồn, bảo tàng, thư viện cũng đã từng bước số hóa tư liệu Hán Nôm ở khắp ba miền Bắc Trung Nam. Riêng Thừa Thiên Huế cũng đã có gần 230.000 trang tư liệu Hán Nôm được Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế tiến hành số hóa trong 10 năm qua (2009 - 2018). Thực tế, ngoài các cơ quan trên, thư viện Hán Nôm, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế,.v.v cũng đã tiến hành số hóa theo những chương trình nghiên cứu riêng của mình. Vấn đề đặt ra đó chính là thiếu sự thống nhất trong kế hoạch làm việc dẫn đến chồng chéo công việc cũng như lệch nhau về thống số kỹ thuật, cách thức biên mục, v.v. gây nên lãng phí và khó khăn khi đưa vào khai thác. Ngoài ra, chuyển giao kết quả số hóa cho cộng động cũng là vấn đề đáng được lưu tâm. Đây cũng là cách để hạn chế những tác động trực tiếp không cần thiết đến tư liệu gốc.
- Về khai thác, sử dụng
Với những rào cản chữ viết như đã trình bày, ngoài sự tích cực chủ động tìm kiếm chuyên gia của người dân trong việc phiên âm, dịch nghĩa thì sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng liên quan đến di sản Hán Nôm trong thẩm định, phổ biến luôn cần thiết. Việc phổ biến theo nhiều kênh khác nhau (nhân bản, lưu trữ tại thư viện các cấp, thư viện số…) chính là cách tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên, nghiên cứu viên tiếp cận kho tư liệu này, .v.v. Tuy nhiên, với những quy định của của Luật sở hữu trí tuệ và nhất là Công ước Bearn mà Việt Nam đã chính thức tham gia thì việc khai thác, công bố các tư liệu Hán Nôm gốc trong cộng đồng một cách tùy tiện như trước đây đã không còn phù hợp, cho dù vì mục đích nghiên cứu, giảng dạy, học tập hay mục đích lợi nhuận - như trường hợp các thư viện số có thu phí. Nâng cao hiểu biết của người dân và thực hiện các quy định của pháp luật nhằm đảm bảo quyền lợi cũng như sự tôn trọng đối với cộng đồng về quyền sở hữu trí tuệ cũng là một cách để cộng đồng ý thức cao hơn trách nhiệm của mình đối với việc gìn giữ các di sản mà ông cha để lại.
4. Kết luận
Từ trường hợp của Thừa Thiên Huế, có thể nói rằng, hiện nay chúng ta có một số lượng đồ sộ các văn bản Hán Nôm được lưu trữ trong người dân với chung mẫu số về hiện trạng quản lý, bảo tồn, lưu trữ, khai thác. Hệ thống văn bản này hoặc đã được biên mục, số hóa; hoặc vẫn còn nằm im ở tư gia, nhà thờ, cơ sở thờ tự. Việc cộng đồng lưu giữ các tư liệu này khiến cho chúng không phải là những di sản chết mà là một thực thể sống động, được người dân nâng niu, tự hào và gắn liền với các sinh hoạt lễ hội, tín ngưỡng. Dĩ nhiên, bên cạnh đó là những nguy cơ mất mát, thất lạc, xuống cấp mà ai cũng có thể dễ dàng nhận ra. Việc khai thác để đưa nội dung, thông điệp của tư liệu Hán Nôm đến gần hơn với các mục đích văn hóa, xã hội, giáo dục; thực hiện các giải pháp kỹ thuật bảo tồn nhưng vẫn giữ được tính thiêng vốn có cũng như sự tôn trọng đối với cộng đồng là một bài toán cần được giải một cách khéo léo, với sự đối thoại hợp tác chặt chẽ của nhiều cơ quan chức năng với nhau và với người dân sở tại.
N.T.T.H
Tài liệu tham khảo:
Ban Nghi lễ làng An Bằng (1999), Văn bản Hán Nôm làng An Bằng (thuộc xã Vinh An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế), bản đánh máy, lưu giữ tại đình làng An Bằng.
Nguyễn Hữu Thông (2003), “Chút thiển ý về việc sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hán Nôm hiện nay”, Tham luận Hội thảo Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Hán Nôm Huế, Huế: Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế - Đại học Khoa học xã hội va Nhân văn Hà Nội, tháng 4/2003
Phan Trọng Báu (2015), Giáo dục Việt Nam thời cận đại, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, Thư viện Khoa học tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Thư viện tổng hợp Thừa Thiên Huế (2018), Thư mục đề yếu sắc phong triều Nguyễn ở Thừa Thiên Huế, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
[1] Trong số các sắc phong, có 8 sắc phong cho thần Cao Các, 6 sắc phong cho thần Thiên Y A Na; 3 sắc phong Thành Hoàng, 1 sắc phong ngài Khai Canh Trần Quang Nội; 2 sắc phong ngài Khai Khẩn Lê Đại Lang; 1 sắc phong cho Đô chỉ huy sứ Nguyễn Nhân Thắng.
* Ban Nghi lễ làng An Bằng (1999), Văn bản Hán Nôm làng An Bằng (thuộc xã Vinh An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế), bản đánh máy, lưu giữ tại đình làng An Bằng.
* Hòm bộ tại làng Hà Trung (xã Vinh Hà, huyện Phú Vang) là một ví dụ. Mặc dù giữ một số lượng văn bản đồ sộ nhưng không hề được thống kê, biên mục và sắp xếp. Qua kiểm kê ban đầu, chúng tôi đã thống kê được gần 60 đầu mục tư liệu khác với các loại hình khác nhau, như Bản đồ, Cấp bằng, Thống kê pháp khí các cơ sở thờ tự, Địa bạ, Điền bạ, Gia Long châu bộ, Hương phổ, Kê khai điền địa, đầm phá, Tờ Thị, Tờ bẩm, .v.v,