TRẦN TUẤN ANH
1. Mở đầu
Di tích tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội là hai hình thái song hành tồn tại, hoạt động gắn liền mật thiết với nhau; là nơi lưu giữ, chuyển tải những nét văn hóa truyền thống và trở thành một trong những thành tố quan trọng hình thành bản sắc văn hóa Việt Nam. Hệ thống di tích tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội là những địa điểm thực hành nghi lễ, là điểm nối kết giữa đời sống thực tại với thế giới thần linh (tôn giáo, siêu nhiên) là hoạt động gắn bó chặt chẽ với đời sống văn hóa (tâm linh, tinh thần) của cộng đồng dân cư.
Nhân dân Việt Nam từ lâu đời đã sùng kính nhiều tôn giáo, đặt niềm tin vào sự phò trợ của các đấng tối cao (tín ngưỡng đa thần). Với quan niệm “sống là nhân, thác là thần hay sống gửi thác về” nên nhân dân đã thờ kính tổ tiên, các anh hùng dân tộc, các vị tổ sư, các nhiên thần... và dựng nhiều cơ sở, công trình tín ngưỡng, tôn giáo (đình, chùa, đền, miếu, nhà thờ...) làm nơi thờ tự và thực hành nghi lễ nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh của cá nhân/cộng đồng. Song song với những nghi lễ phục vụ/kết nối con người và thánh thần trong nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo làm cho con người cảm thấy được giải tỏa tâm lý, thấy an tâm hơn trong cuộc sống. Qua những hình thức thờ cúng và lễ hội con người với con người xích lại gần nhau, cảm thông với nhau hơn tạo nên một nét văn hóa tâm linh và là một trong những hình thái văn hóa của cộng đồng của các tộc người sinh sống trên đất nước Việt Nam.
2. Khái lược hệ thống di tích tôn giáo - tín ngưỡng và các lễ hội
2.1. Hệ thống di tích tôn giáo - tín ngưỡng
Hệ thống di tích tín ngưỡng, tôn giáo là những công trình, địa điểm là những nơi thờ tự, tu hành, nơi diễn ra các nghi lễ gắn liền với tín ngưỡng, tôn giáo. Di tích tín ngưỡng, tôn giáo ở Thừa Thiên Huế khá đa dạng, trong đó tập trung chủ yếu ở một số loại hình cơ bản: đình, đền, đàn, điện, miếu, hội quán, chùa, nhà thờ Thiên chúa giáo, thánh đường, nhà thờ họ, nhà thờ tổ nghề (bổn nghệ)...
a. Hệ thống di tích tôn giáo
Hệ thống di tích tôn giáo ở Thừa Thiên Huế là những thiết chế gắn liền với nơi thờ tự, tu hành, nơi đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo. Di tích tôn giáo ở Thừa Thiên Huế phần lớn gắn với hai tôn giáo hình thành và phát triển lâu đời ở Huế là Phật giáo và Thiên chúa giáo. Vì vậy, có thể xem hai loại hình di tích tôn giáo chính ở vùng đất này là chùa và nhà thờ Thiên chúa giáo.
Chùa ở Thừa Thiên Huế có thể phân chia thành nhiều loại hình khác nhau tùy theo hệ phái (Nam tông - Bắc tông/Tiểu thừa - Đại thừa) hay nguồn gốc hình thành (chùa tổ, quốc tự). Theo số liệu thống kê cho thấy, ở Thừa Thiên Huế hệ thống chùa thuộc hệ phái Đại thừa (Bắc tông) chiếm số lượng lớn và là địa điểm thu hút đông đảo khách tham quan, hành lễ, chiêm bái. Những chùa tổ thuộc hệ phái Tiểu thừa (Nam tông) với vị thế là một cơ sở tôn giáo hơn là một di tích tôn giáo do nhiều yếu tố, trong đó phần lớn các ngôi chùa thuộc hệ phái Nam tông có lịch sử hình thành muộn hơn so với những ngôi chùa hệ phái Bắc tông.
* Hệ thống di tích Phật giáo
- Chùa tổ:
Hệ thống chùa tổ Bắc tông với nhiều ngôi chùa nổi tiếng như: Báo Quốc, Quốc Ân, Từ Hiếu, Từ Ân, Từ Đàm, Tường Vân, Thuyền Tôn, Thiên Trúc, Tây Thiên, Thiền Lâm... là những công trình có kiến trúc độc đáo mang sắc thái riêng. Điểm nổi bật của hầu hết các ngôi chùa tổ ở Huế là những công trình có kiến trúc vừa phải được xây dựng trên các triền đồi hòa lẫn trong không gian cảnh quan thiên nhiên; khuôn viên vườn chùa có nhiều một tháp cổ kính với hệ thống tháp mộ phong phú về kiểu dáng cũng như số tầng tháp. Tổ hợp kiến trúc của những ngôi chùa này tạo thành cấu trúc chữ “khẩu”, chữ “đinh”, hay chữ “công” với những ngôi nhà rường làm nền tảng. Các công trình: chính điện, tăng xá, nhà khách, nhà linh với hệ thống cột, kèo, xuyên, trính... bằng gỗ có kích thước vừa phải, chiều cao khiêm tốn, trang trí đơn giản hơn so với quốc tự. Hệ khung gỗ các ngôi chùa tổ không to lớn, uy nghi; trang trí không cầu kỳ như các ngôi quốc tự.
Các bộ phận cấu thành ngôi chùa tổ thiên về không gian mở, gần gũi với lối chính vào chùa thường qua tam quan rồi qua một khoảng sân rộng với nhiều cây xanh trước khi vào điện thờ. Tam quan chùa tổ được xây dựng khá khiêm tốn, thanh thoát, nhẹ nhàng với các kiểu thức tam quan trụ biểu, tam quan cổ lầu. Tam quan chùa Huế thường được sử dụng trong những ngày lễ hội của Phật giáo, những sinh hoạt thường nhật, các ngôi chùa đều bố trí lối đi riêng đi thẳng vào nhà tăng hay nhà khách. Hệ thống mộ tháp cổ kính ở các chùa tổ là bộ phận cấu thành và đặc trưng của chùa Huế. Một số một tháp được xây dựng thời kỳ sớm mang dáng dấp của kiến trúc mộ tháp Trung Hoa và về sau lại chịu ảnh hưởng của kiến trúc mộ tháp Ấn Độ. Trang trí kiến trúc chùa tổ mang đậm dấu ấn truyền thống đồng thời phản ánh mối quan hệ mật thiết giữa cung đình và dân gian. Các môtíp, đề tài trang trí tứ linh, tứ quý, hoa sen, chữ vạn, các loài hoa lá của nhà Phật và đây đó là các đề tài, họa tiết của Lão giáo.
- Quốc tự:
Quốc tự được xây dựng ở Thừa Thiên Huế dưới triều đại nhà Nguyễn (gồm có bốn ngôi chùa lớn: Thiên Mụ, Thánh Duyên, Diệu Đế, Giác Hoàng riêng quốc tự Giác Hoàng không còn tồn tại) là những di tích tôn giáo có kiến trúc nghệ thuật độc đáo, mang sắc thái riêng. Trong 3 ngôi quốc tự hiện còn, kiến trúc của chúng vẫn còn gìn giữ gần như nguyên bản, bố cục kiến trúc của các công trình chính: tam quan, đại hùng bảo điện, nhà bia đều lấy trục thần đạo làm trục trung tâm; lấy dòng nước phía trước làm yếu tố minh đường, chung quanh trồng nhiều cây cổ thụ nhằm tô điểm thêm cho kiến trúc. Kết cấu kiến trúc của các điện thờ là công trình lớn theo kiểu “trùng thiềm” với hai ngôi nhà rường (tiền điện và chính điện) nối liền nhau giống với các ngôi điện của triều đình. Kiểu kiến trúc trùng thiềm điệp ốc với sự xuất hiện của trần vỏ cua mang chức năng kết nối giữa hai đơn nguyên nhằm mở rộng không gian sử dụng. Đặc biệt là cách xây mái trùng thiềm, trên đỉnh các bờ nóc trang trí lưỡng long chầu bình cam lồ, hoặc chầu pháp luân bên trong có chữ “vạn”, các bờ mái trang trí long, lân, quy, phụng... Trang trí kiến trúc phong phú thể hiện rất rõ nét dung hợp của tam giáo đồng nguyên, trong đó đề tài Phật giáo là chủ đạo. Hệ thống hồi văn (chữ vạn và các biến thể, chữ T); các đề tài trang trí thực vật (hoa, lá, quả phật thủ), các mô típ bát bửu Phật giáo (dấu chân Phật, Pháp luân, Cái lọng, Đuôi cá, Hoa sen, Tù và, Cái táng, Nút huyền bí)...
- Chùa làng, chùa khuôn (niệm Phật đường):
Phần lớn các ngôi chùa làng ở Huế là những công trình ra đời sớm cùng với quá trình di dân lập làng. Chùa làng là công trình kiến trúc tôn giáo gẫn gũi với nhân dân, được kiến trúc đơn giản với chỉ một đơn nguyên kiến trúc, trong đó công trình chính gồm ngôi nhà rường xinh xắn, diện tích nhỏ gồm một gian hai chái hoặc ba gian hai chái; trang trí đơn giản và mang đậm dấu ấn dân gian, phản ánh hình ảnh sinh hoạt thường nhật. Chùa làng ở Huế thường được xây dựng trong khuôn viên của đình hoặc gần với đình làng và đan xen với một số miếu thờ. Chùa làng thường được nhân dân sử dụng với chức năng tín ngưỡng hơn là chức năng tôn giáo. Ở chùa làng, các vị Phật, Bồ tát, thánh thần...được tôn trí gần gũi, ấm cúng.
Kiến trúc chùa khuôn hay còn gọi là niệm phật đường là sản phẩm của thời kỳ chấn hưng Phật giáo. Những ngôi chùa khuôn phổ biến với kiểu dáng kiến trúc cao lớn, không gian bên trong rộng, hai bên phía trước là hai lầu chuông, trống. Mái tạo dáng cổ lâu, các môtíp trang trí thể hiện các điển tích nhà Phật. Đa số chùa khuôn được xây dựng bằng vật liệu mới, bài trí tượng thờ đơn giản
* Hệ thống di tích Thiên chúa giáo
- Nhà thờ Thiên chúa giáo
Nhà thờ Thiên chúa giáo ở Thừa Thiên Huế chiếm số lượng không nhiều so với chùa. Những nhà thờ này là nơi hành lễ, tu hành, nơi đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo. Nhà thờ ở Thừa Thiên Huế thường có kiến trúc mang phong cách châu Âu, trong đó có nhà thờ nổi tiếng như Phủ Cam, nhà thờ Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp (Dòng chúa Cứu Thế), đan viện Thiên An, nhà thờ Phaxico Xavie, nhà thờ Phường Đúc, nhà thờ An Vân... Mặc dù ra đời muộn hơn so với các chùa, nhưng những nhà thờ này đã đóng vai trò không thể thiếu đối với một bộ phận không nhỏ những tín đồ Thiên chúa giáo. Ở những nhà thờ này phần lớn được xây bằng vật liệu bền vững (bê tông, đá), kiến trúc theo kiểu mái vòm cuốn, những tháp chuông cao vút, những cửa vòm cuốn lắp đặt kính màu, những trang trí trên tường, trên kính gắn liền với sự tích của Thiên chúa và môn đồ… Đặc biệt, hệ thống cửa chính và nội thất được thiết kế cao, tạo ra một không gian rộng lớn, hoành tráng, uy nghi và có thể sử dụng cho một số lượng rất lớn người vào hành lễ.
b. Hệ thống di tích tín ngưỡng
Hệ thống di tích tín ngưỡng ở Thừa Thiên Huế là những công trình có kiến trúc công cộng, nơi diễn ra các hoạt động tín ngưỡng của một bộ phận dân cư. Di tích tín ngưỡng khá phong phú: đình, đền, điện, đàn, miếu, nhà thờ... và chiếm số lượng lớn trong các di tích lịch sử văn hóa.
- Đình:
Đình là công trình kiến trúc cộng đồng đặc trưng của người Việt nói chung, trong đó có cư dân Thừa Thiên Huế. Đình ở vùng đất này được thành lập trong những ngày đầu di dân với kiến trúc ban đầu chỉ là những công trình tranh tre. Về sau, khi điều kiện kinh tế ổn định, nhân dân xây dựng những ngôi đình với kiến trúc bằng vật liệu gạch, gỗ, ngói. Những ngôi đình ở Thừa Thiên Huế hiện nay chủ yếu mang đặc trưng kiến trúc thời Nguyễn. Bên cạnh đó cũng đã xuất hiện nhiều công trình vừa mới xây dựng vào những năm cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI bằng vật liệu mới (bê tông, gạch, đá). Bố cục kiến trúc đình làng ở Thừa Thiên Huế thường có nghi môn trụ biểu tạo thành 3 lối vào đình, qua khỏi cổng là bình phong rồi đến đình. Kiến trúc của đình thường là ngôi nhà rường 3 gian hai chái hoặc 5 gian hai chái với bộ khung bằng gỗ, mái lợi ngói liệt hoặc ngói âm dương không tráng men. Trang trí của đình gồm nhiều đề tài dân gian, gắn với quá trình lao động sản xuất cùng với những đề tài ảnh hưởng của Nho giáo, Lão giáo. Ngoài ngôi đình chính, hai bên đình ở nhiều làng có xây dựng tả vu, hữu vu làm nơi hội họp, nơi chuẩn bị các lễ vật để tế lễ...
- Đàn tế:
Hệ thống đàn tế ở Thừa Thiên Huế phần lớn được xây dựng dưới thời phong kiến, trong đó có đàn tế giao thời Tây Sơn (núi Tam tầng), đàn tế giao thời Nguyễn (đàn Nam Giao), đàn Xã Tắc, đàn Tiên Nông, đàn Sơn Xuyên, đàn Âm Hồn. Những đàn tế này phần lớn là những đàn tế lộ thiên, được xây dựng trên một khoảng đất rộng, phù hợp với phong thủy theo quan niệm của người xưa. Đàn được xây thành 2 hoặc 3 tầng, chung quanh bó vỉa bằng gạch, đá, bên trên mặt đàn để trống và chỉ thiết lập các nhà che bằng vải mang tính tạm thời trong lúc tế lễ. Các đàn tế thường có mặt bằng rộng, có thể thiết lập nhiều án thờ theo các hướng phù hợp với quy mô cũng như các loại thần được tế lễ.
- Đền, Miếu:
Đền miếu ở Huế là những di tích tín ngưỡng có số lượng lớn, với nhiều loại hình. Ngoài những đền miếu do triều đình nhà Nguyễn tạo lập: đền Khải Thánh, đền thờ Thiên Phi, đền thờ thần Mộc Thương, đền Tiên Y, đền Tuyên Vương và Mục Vương, đền thờ các thần núi nơi có các lăng vua chúa (núi Khải Vận - có lăng Trường Cơ, núi Hưng Nguyên - có lăng Cơ Thánh, núi Thiên Thọ - có lăng Gia Long, núi Hiếu Sơn - có lăng Minh Mạng, núi Thuận Đạo - có lăng Thiệu Trị, núi Khiêm Sơn - có lăng Tự Đức, núi Tư Sơn - có lăng Đồng Khánh, núi Ứng Sơn - có lăng Khải Định)... còn có nhiều đền thờ do nhân dân lập ra để thờ những anh hùng dân tộc đã được thần thánh hóa như đền thờ đức thánh Trần.
Ngoài những đền thờ, hệ thống miếu thờ ở Huế nằm khắp các đường làng, ngõ xóm với nhiều loại hình như: miếu khai canh, khai khẩn; văn chỉ miếu; miếu cô hồn; miếu thờ bổn nghệ...hay kế thừa những nơi thờ tự của người Chăm trước đây (miếu thờ ở làng Thanh Phước, miếu thờ ở làng Thai Dương, miếu thờ ở làng Phước Tích, miếu thờ ở làng Lương Hậu...) và một số miếu thờ các thiên thần, nhiên thần: miếu thờ thần Phong Bá, miếu thờ thần Vũ Sư, miếu thờ Hỏa thần...
Đặc biệt, hệ thống miếu thờ do triều đình nhà Nguyễn lập nên vẫn đang được gìn giữ, thờ phụng: Văn miếu, Võ miếu, Triệu miếu, Thái miếu, Thế miếu, Hưng miếu.
- Điện thờ:
Hệ thống điện thờ ở Huế chủ yếu thờ Thánh mẫu Thiên Y A Na, trong đó nổi bậc nhất là điện Huệ Nam (Hòn Chén), một trong những địa điểm quan trọng của tín ngưỡng thờ Mẫu ở khu vực miền Trung. Có thể nói, điện Huệ Nam là sự kế thừa tín ngưỡng thờ mẫu của người Chăm và đã được Việt hóa.
- Các công trình thờ tự của người gốc Hoa:
Hệ thống thờ tự của người gốc Hoa trên địa bàn Thừa Thiên Huế không nhều, chỉ tập trung chủ yếu ở làng Địa Linh và trục đường Chi Lăng thành phố Huế. Ở hai khu vực này, người gốc Hoa xây dựng những miếu thờ (Thiên Hậu miếu, Chiêu Ứng từ), hay Hội quán (Phúc Kiến, Triều Châu, Quảng Đông) để thờ phụng và làm nơi hội họp của đồng hương. Các vị được thờ phụng chủ yếu là Thiên Hậu, Quan Thánh Đế quân, Thần tài, Thổ công. Kiến trúc các miếu thờ và Hội quán mang đậm phong cách kiến trúc Trung Hoa thường là dạng chữ "khẩu" gồm tổ hợp 4 ngôi nhà liên kết nhau tạo thành. Ngôi điện lớn ở trong cùng tạo thành tiền điện, trung điện và hậu điện. Giữa các dãy nhà này có một khoảng trống gọi là thiên tỉnh (giếng trời), giúp không gian thoáng đãng, đủ ánh sáng cho hậu cung.
2.2. Lễ hội tại di tích tín ngưỡng, tôn giáo
Lễ hội là một sự kiện văn hóa được tổ chức mang tính cộng đồng. “Lễ” là hệ thống những hành vi, động tác nhằm biểu hiện sự tôn kính của con người với thần linh, phản ánh những ước mơ chính đáng của con người trước cuộc sống mà bản thân họ chưa có khả năng thực hiện. “Hội” là sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật của cộng đồng, xuất phát từ nhu cầu cuộc sống[1].
a. Lễ hội tại di tích tôn giáo
Lễ hội tại các di tích tôn giáo là những hoạt động của tín đồ nhằm biểu thị sự tôn kính của mình đối với đấng giáo chủ và các chư vị có liên quan của tôn giáo đó. Ở Thừa Thiên Huế, các tôn giáo: Phật giáo, Công giáo, Tin lành và Cao đài[2] tổ chức lễ hội gắn liền với cơ sở thờ tự, hoạt động tôn giáo của mình. Lễ hội các các di tích tôn giáo trên thường diễn ra vào các ngày “trọng” gắn liền với quá trình ra đời của tôn giáo hoặc đấng giáo chủ. Trong đó:
- Lễ hội Phật giáo gồm những lễ chính: Lễ Phật đản, Lễ Quán Thế Âm Bồ Tát, Lễ Vu Lan.
- Lễ hội Công giáo giáo gồm những lễ chính: Lễ Chúa giáng sinh (noel), Lễ Phục sinh.
- Lễ hội Tin lành giáo gồm những lễ chính: Lễ Vượt qua, Lễ Phục sinh.
- Lễ hội Đạo Cao đài giáo gồm những lễ chính: Đại lễ Đức Chí Tôn, Lễ Tam Ngươn (Thượng Ngươn, Trung Ngươn, Hạ Ngươn), Đại lễ Đức Thái Thượng, Đại lễ để tạ ơn Đức Phật Tổ Thích Ca, Diêu Trì Kịm Mẫu, Đại lễ Đức Gia Tô Giáo chủ.
Tùy theo tính chất, quy mô, tầm quan trọng của mỗi lễ hội, các tín đồ của tôn giáo ấy tập trung với số lượng nhiều hoặc ít. Phần lễ là những nghi thức diễn ra theo một quy trình đã được thể chế hóa. Ngoài những vật phẩm dâng cúng đã chuẩn bị từ trước, các tín đồ với lễ phục chỉnh tề theo quy định đến tập trung tại chính điện/giáo đường nơi thiết trí tượng thờ/hình ảnh của đấng tối cao trong ngày lễ. Nghi lễ được tiến hành với sự chủ trì bởi người đứng đầu cơ sở/di tích tôn giáo cùng với sự hỗ trợ của các tín đồ thuộc ban nghi lễ trong không khí trang nghiêm, tôn kính hướng về đấng giáo chủ cầu mong sự phò trợ, giúp đỡ, chở che cho bàn thân và gia đình có cuộc sống ấm êm, hạnh phúc. Nghi lễ diễn ra tuần tự theo quy định và kết thúc với sự hoan hỷ của các tín đồ.
Khác với phần lễ diễn ra trang nghiêm, phần hội là sự vui vẻ, hòa đồng, cởi mở. Trong phần hội, các thành viên tham gia giao lưu ẩm thực, văn hóa văn nghệ hoặc thể hiện những tài năng riêng có, là dịp mọi người trao đổi những kinh nghiệm trong cuộc sống, kết tình bằng hữu...
b. Lễ hội tại di tích tín ngưỡng
Khác với lễ hội tại các di tích tôn giáo gắn liền với chính tôn giáo ấy với những nghi thức đã được pháp điển hóa, lễ hội tại các di tích tín ngưỡng hay còn gọi là lễ hội truyền thống, gắn liền mật thiết với đời sống tâm linh, là hoạt động văn hóa diễn ra hằng năm và không thể thiếu của cộng đồng cư dân, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Lễ hội tín ngưỡng là sản phẩm sáng tạo của các thế hệ tiền nhân và lưu truyền cho đến hôm nay. Lễ hội thường chứa đựng những yếu tố thiêng liêng, những mong ước thiết tha, vừa thánh thiện của biết bao thế hệ con người.
Lễ hội tại các di tích tín ngưỡng là điểm hội tụ tâm linh, thể hiện niềm biết ơn thành kính của cộng đồng cư dân đối với các vị thánh thần, những nhân vật đã có công dựng nước, giữ nước, mang lại đời sống bình yên cho mọi người như: Đức Thánh Trần, Thành hoàng làng, các vị khai canh khai khẩn hoặc với các vị nhiên thần cai quản một cõi mà nhân dân đã cầu cạnh trong quá trình mưu sinh: thần núi, thần sông, thần biển... Trong lễ hội, người dân chuẩn bị nhiều vật phẩm để dâng cúng, tạ ơn các vị thánh thần đã phù hộ cho họ có cuộc sống bình yên.
Trong không khí linh thiêng của lễ hội, con người như gần gũi với các vị thánh thần, tâm thức như giao tiếp được với các thánh thần... do vậy họ mong muốn trao gửi những ý nguyện thầm kín, cầu mong sự may mắn, hóa giải những vận hạn. Lễ hội cũng là dịp để thể hiện thái độ, tình cảm của mình đối với thần linh và là dịp để phô bày, trình diễn những kỹ năng của cá nhân trước thần linh và cộng đồng hay nói cách khác đó là cách thức thực hành, là phương thức biểu thị tín ngưỡng dân gian, là khuôn mẫu ứng xử của cộng đồng đối với những vị thần, thánh mà cộng đồng ấy tôn thờ. Trong số những lễ hội tại di tích tín ngưỡng ở Thừa Thiên Huế, phần hội thường thu hút đông đảo nhân dân trong vùng và du khách gần xa đến dự hội: lễ hội điện Huệ Nam với hội hát văn, hầu đồng; lễ hội làng Thai Dương với hội cầu ngư, đua trãi; lễ hội làng Lại Ân (Sình), làng Thủ Lễ với hội vật võ; lễ hội làng Phước Yên với hội đu tiên, lễ hội làng Dương Nỗ, làng Dạ Lê, làng Thành Trung gắn với hội đua ghe; lễ hội tổ nghề hát bội, tổ nghề ca nhạc Huế gắn với hoạt động giao lưu kỹ nghệ ca Huế, kịch Huế, hát tuồng... và nhiều lễ hội có quy mô lớn diễn ra thường xuyên trong nhiều năm.
3. Quan hệ biện chứng giữa di tích, lễ hội với văn hóa tâm linh và loại hình du lịch văn hóa tâm linh
3.1. Quan hệ giữa di tích, lễ hội với văn hóa tâm linh
Tâm linh là khả năng cảm nhận, đoán định trước các biến cố xảy ra với mình[3]. Văn hóa tâm linh là hình thái văn hóa tinh thần đặc thù của con người, là hệ thống các giá trị phản ánh trung thực các hoạt động đúng đắn, mang tính nhân bản/nhân văn hướng về cái chân, cái thiện, cái mĩ... được hình thành trong một thời điểm nhất định và trong một không gian thiêng nhất định. Mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng tựu trung vẫn cho rằng văn hoá tâm linh là một loại hình văn hoá tinh thần đặc thù của dân tộc, là một mặt hoạt động văn hóa xã hội của con người thể hiện tình cảm linh thiêng, niềm tin và sự tri ân của con người đối với những thần linh (người thân đã mất, niềm tin của cả cộng đồng đối với những vị anh hùng, các bậc tiền bối đã có công lao xây dựng, bảo vệ đất nước; các vị tiền hiền được tôn làm Thần - Thánh, Thành hoàng) thể hiện sự kính trọng và cầu mong sự che chở của các đấng thần linh.
Di tích là những cơ sở vật chất, là nền tảng cơ sở, là “phần xác” để lưu giữ, ghi dấu những giá trị lịch sử, văn hóa, là nơi để tổ chức, hành lễ: đình, chùa, đàn miếu... Còn lễ hội là những nghi lễ, cách thức tiến hành hoạt động dâng cúng để tái hiện/thể hiện niềm tin của những tín đồ trước thần linh, là “phần hồn” chứa đựng những giá trị tinh thần của cộng động được trình diễn trong những ngày “trọng” (lễ hội điện Huệ Nam, lễ hội thu tế làng An Cựu, lễ hội thu tế làng An Truyền, lễ hội cầu ngư làng Thai Dương...).
Di tích và lễ hội là hai loại hình tồn tại sóng đôi, đan xen, không thể tách rời, nếu thiếu lễ hội, di tích sẽ không thể tồn tại và ngược lại nếu không có di tích thì lễ hội sẽ không có địa điểm chứa đựng lịch sử, văn hóa địa điểm “thiêng” làm nền tảng để diễn ra lễ hội. Di tích luôn gắn liền với lễ hội, di tích nào thì lễ hội ấy (di tích đền Hùng gắn với lễ hội đền Hùng, di tích núi Bà Đen gắn liền với lễ hội núi Bà Đen, di tích đền Trần gắn với lễ khai ấn đền Trần...), hay nói cách khác “di tích là dấu hiệu và truyền thống được đọng lại, kết tinh lại ở dạng “cứng” còn lễ hội tại di tích là cái hồn cái essance bay bổng của cái tinh chất và nó chuyển tải truyền thống đến cuộc đời ở dạng “mềm”, phần mềm”. Di tích và lễ hội có mối quan hệ chặt chẽ không thể tách rời, trong đó lễ hội là một sự kiện văn hóa được tổ chức mang tính cộng đồng. Như vậy, di tích là nơi chứa đựng giá trị giá trị lịch sử, văn hóa được tích tụ dưới dạng vật chất còn “lễ hội là một dạng sinh hoạt văn hóa tổng hợp của con người, là nhu cầu chính đáng của cộng đồng người”[4].
“Lễ” là hệ thống những hành vi, động tác nhằm biểu hiện sự tôn kính của con người với thần linh, phản ánh những ước mơ chính đáng của con người trước cuộc sống mà bản thân họ chưa có khả năng thực hiện. “Hội” là sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật của cộng đồng, xuất phát từ nhu cầu cuộc sống. Lễ hội là hoạt động tập thể và thường có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo. Con người xưa kia rất tin vào trời đất, thần linh. Các lễ hội cổ truyền phản ảnh hiện tượng đó. Tôn giáo rất có ảnh hưởng tới lễ hội. Tôn giáo thông qua lễ hội đê phô trương thanh thế, lễ hội nhờ có tôn giáo đề thần linh hóa những thứ trần tục. Nhưng trải qua thời gian, trong nhiều lễ hội, tính tôn giáo dần giảm bớt và chỉ còn mang nặng tính văn hóa[5]. Văn hóa tâm linh là hình thái văn hóa của một tộc người gồm: tôn giáo, tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian (folklore) và một phần của sáng tạo khoa học, nghệ thuật như sự thăng hoa, phút xuất thần, “tia chớp” cảm hứng sáng tạo, trí tuệ phát sáng của nhà khoa học và nghệ sĩ[6].
Văn hóa tâm linh đã trở thành nét văn hoá truyền thống dân tộc, người Việt Nam đều có tổ chức các hoạt động văn hoá tâm linh, hoặc do nhà nước tổ chức, hoặc do làng xã tổ chức theo những nghi lễ trang trọng với tấm lòng thành kính và được sự hưởng ứng tham gia một cách đông đảo, mang tính tự nguyện của nhân dân. Đó là Lễ giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ tế Nam giao, Lễ tế Xã tắc, tế Thần thánh, tế Tổ tiên... cầu mong cho quốc thái, dân an, cho con cháu hạnh phúc. Hoạt động văn hóa tâm linh diễn ra dưới nhiều cấp độ khác nhau, một gia đình, một dòng tộc cũng có các sinh hoạt văn hoá tâm linh: thờ cúng tổ tiên, sửa chữa lăng mộ, tu chỉnh nhà thờ vào các ngày giỗ tổ, giỗ ông, bà, cha, mẹ... Trong không gian thiêng và khoảnh khắc thiêng liêng ấy, từ sâu thẳm trong tâm hồn của con người, quá khứ và hiện tại bỗng giao hoà, giao cảm vào nhau, rất gần gũi, không có cái cảm giác cách biệt. Chính sự rung cảm thiêng liêng đó đã góp phần tu chỉnh ý thức và hành vi của người đang sống sao cho tốt hơn, hoàn thiện hơn. Thông qua những hoạt động văn hoá tâm linh, con người tự tu tâm, tích đức để trở nên tốt đẹp hơn, đoàn kết hơn, hướng thiện hơn.
Văn hóa tâm linh là một mặt hoạt động văn hóa của xã hội loài người được biểu hiện ra những khía cạnh vật chất và tinh thần, mang những giá trị thiêng liêng của cuộc sống thường ngày và trong cuộc sống tín ngưỡng tôn giáo, thể hiện nhận thức, thái độ (e dè, sợ hãi...) của con người. Văn hóa tâm linh đã để lại nhiều giá trị vật thể và phi vật thể, đó là những công trình kiến trúc nghệ thuật, những không gian thiêng liêng như đền đài, đình chùa, miếu mạo, nhà thờ (di tích)... được hình thành trong quá trình hoạt động văn hóa tâm linh và phục vụ cho văn hóa tâm linh. Thông qua các hoạt dộng văn hóa tâm linh, những giá trị tinh thần cũng được hình thành đó là những nghi lễ, những ý niệm thiêng liêng trong tâm thức con người. Từ đó văn hóa tâm linh bao gồm cả văn hóa hữu hình và văn hóa vô hình. Những pho tượng Phật, Bồ Tát, Thánh... là hữu hình, những những ý niệm thiêng liêng về Phật, về sự vi diệu của Quán thế Âm Bồ Tát, sự cảm hóa của các thánh, những nghi thức tế lễ, nhạc lễ, kỹ thuật chạm khắc... là vô hình, chỉ hình thành trong ý niệm, trong trí nhớ của con người được truyền lại bằng ngôn ngữ. Đồng thời văn hóa tâm linh cũng là những hành động bởi nó là sự thể hiện, hữu hình hóa những ý niệm vô hình và chỉ được thực hành trong những thời khắc nhất định trước những vị thần thánh cụ thể.
Văn hóa tâm linh và hoạt động văn hóa tâm linh là một hiện tượng xã hội được hình thành từ trong tâm thức, ý niệm sâu xa của người Việt, nó tồn tại gần gũi trong đời sống thực tại. Văn hóa tâm linh và hoạt động văn hóa tâm linh dường như hiện hữu trong từng thời khắc của cuộc sống. Một người trước khi lên đường làm ăn xa viếng thăm nhà thờ, thắp một nén nhang để cầu mong lên đường bình an, công việc diễn ra thuận lợi; một người bán hàng trước khi mở hàng chuẩn bị một mâm lễ vật, chọn “ngày lành tháng tốt” để mở hàng cầu mong làm ăn phát tài; một người làm nhà mới cũng lựa chọn ngày tốt giờ tốt để thực hành lễ động thổ...
Quan niệm về thế giới thực tại và hư vô dường như không có ranh giới, ý niệm “xa” mà “không khuất” tồn tại trong mọi người. Trong tâm thức người Việt Nam, ông bà, cha mẹ, người thân của họ đã “khuất bóng” nhưng trong tâm trí họ lại không “mất”. Những người thân của họ vẫn tồn tại trong tình cảm tôn kính, yêu thương, nhớ nhung, gần gũi và như đang dõi theo từng hành động, việc làm của người hiện tại. Để rồi, trong không gian thiêng liêng và khoảnh khắc linh thiêng đó, từ sâu thẳm trong tâm thức của con người, thực tại và hư vô, quá khứ và hiện tại bỗng giao hoà, cộng cảm vào nhau. “Chính sự rung cảm thiêng liêng đó đã góp phần tu chỉnh ý thức và hành vi của người đang sống sao cho tốt hơn, hoàn thiện hơn, tâm, đức trong sáng hơn, có tính nhân bản, nhân đạo, nhân văn hơn. Đó cũng là một động lực tinh thần đặc biệt để họ sống, phấn đấu, vươn lên những giá trị cao đẹp của cái Chân - Thiện - Mỹ mà tổ tiên họ, cha ông họ mong muốn”[7].
Văn hoá tâm linh và hoạt động hoạt động văn hoá tâm linh mang yếu tố tích cực, hướng thiện và nhân văn. Các hoạt động văn hoá tâm linh mang ý nghĩa tích cực, có ích cho việc xây dựng và phát triển các giá trị văn hoá tinh thần, đạo đức tốt đẹp của con người Việt Nam. Văn hoá tâm linh, hoạt động văn hoá tâm linh, phản ánh một nhu cầu tinh thần chính đáng của nhân dân và việc thoả mãn phần nào nhu cầu đó của nhân dân là việc làm cần thiết.
3.2. Mối quan hệ giữa di tích, lễ hội với loại hình du lịch văn hóa tâm linh
Khi bàn về du lịch văn hóa tâm linh, thiết nghĩ cần xem xét dưới góc độ là những hoạt động văn hóa nhằm giải quyết nhu cầu đời sống tinh thần/tâm linh trong mỗi cá nhân, cộng đồng làm cân bằng thế giới tâm linh và thế giới thực tại (trần thế) của mỗi cá nhân. Có thể nói rằng thế giới tâm linh luôn hiện hữu trong tâm thức của mọi người trên thế giới và trong mỗi người Việt Nam. Nó là niềm tin thiêng liêng của con người vào nơi mà con người sẽ về sau cuộc đời “sống gửi/sống tạm” nơi trần thế. Hầu hết mọi người đều hình dung thế giới bên kia dưới dạng thiên đường và địa ngục nó nói lên bản chất của thế giới tâm linh là “âm bản” của đời sống thực tại, phản ánh cuộc sống thực tại của con người. Đó là nguyện vọng, là hiện thực hóa mơ ước của con người có cuộc sống tốt hơn, đẹp hơn sau những nếm trải đắng cay, hỗn độn, bon chen của đời sống thực tại, là địa chỉ nghỉ ngơi yên bình và vĩnh hằng sau những phấn đấu hoàn thiện bản thân.
Sự đối lập giữa thiêng đường và địa ngục thể hiện sự mong ước của thế lực siêu nhiên có sự thưởng phạt công minh, thể hiện sự khát khao công lý, sự công bằng tuyệt đối. Dân gian đã đúc kết trong cuộc sống bằng những ngôn từ có tính răn đe “chạy trời không khỏi nắng; ông trời có mắt; lưới trời lồng lộng tuy thưa mà khó thoát...” với mong muốn công lý sẽ được thực hiện một cách nghiêm minh không chỉ trong đời sống thực tại mà còn được thực hiện trong thế giới sau. Hầu như mọi cá nhân trong cuộc đời tồn tại của mình ai cũng có đời sống tâm linh, cũng có những ý niệm và tham gia vào hoạt động văn hóa tâm linh nào đó. Đời sống tâm linh không ở đâu xa lạ mà ở ngay trong bản thân của mỗi con người, ở trong niềm tin thiêng liêng của mỗi con người. Đời sống tâm linh không phải lúc nào cũng bộc lộ, nó chỉ biểu lộ rõ ràng trong những thời khắc linh thiêng, trong không gian thiêng.
Thế giới tâm linh của con người đã xuất hiện từ nhiều nghìn năm, là sự ý thức, suy nghĩ hoặc là tưởng tượng về một cuộc đời khác sau cuộc đời thực tại do vậy cách suy diễn cũng từ thực tế “sống sao chết vậy; trần sao âm vậy...” và vì thế có tục chôn đồ vật theo người chết mà sau những đợt khai quật khảo cổ thường phát hiện nhiều trong các ngôi mộ cổ (gọi là đồ tùy táng) hoặc cúng những lễ vật tương ứng với đời sống thực tại (trang phục, tiền bạc, phương tiện bằng vàng mã).
Với một thế giới tâm linh phong phú, trong những thời khắc thiêng liêng (lễ tết, húy nhật của tổ tiên, ngày trọng của thánh thần...) và trong không gian linh thiêng (đền, đình, chùa, nhà thờ...) con người luôn hướng về thế giới tâm linh/tinh thần bằng các hành động cụ thể (tham gia lễ tế, tham dự hội làng, hành hương dâng lễ cầu mong quốc thái dân an, gia đình gặp nhiều may mắn, cá nhân gặp nhiều thuận lợi, điều xấu tránh xa, điều lành tìm đến, tật bệnh tiêu trừ...). Các hoạt động hướng về di tích tín ngưỡng, tôn giáo, những vùng đất thiêng liêng, địa điểm linh thiêng để thỏa mãn những nhu cầu tâm linh là yêu cầu tất yếu của con người hay nói cách khác con người luôn khát khao tham gia các hoạt động văn hóa tâm linh. Đặc biệt, khát khao ấy ngày càng mở rộng không gian, vượt ra ngoài không gian làng xóm truyền thống và có xu hướng tập trung đến các địa điểm mang màu sắc linh thiêng, huyền bí và có tính “linh ứng” theo quan niệm của người hành hương.
Những khát khao cháy bỏng của con người hướng về thế giới tâm linh, tham gia các hoạt động văn hóa tâm linh ngày càng thuận lợi do các điều kiện về phát triển của kinh tế xã hội, đời sống vật chất của con người đã được cải thiện, giao thông đi lại thuận tiện, sự giúp sức của các cơ quan thông tin đại chúng và đặc biệt là sự tạo điều kiện của nhà nước khi ban hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo.
Nhận thấy nhu cầu chính đáng của con người, trong những năm qua một số không ít địa phương tổ chức các phương thức khai thác hiệu quả loại hình du lịch văn hóa tâm linh thông qua các lễ hội: Lễ hội Đền Hùng, Lễ hội chùa Hương, Lễ phát ấn Đền Trần, Lễ hội La Vang, lễ hội bà chúa Kho, Lễ hội điện Huệ Nam, lễ hội Katê, lễ hội Oóc-om-boc, lễ hội chùa Bà Đen... Trong đó, Thừa Thiên Huế nổi lên khi tận dụng ưu thế của địa phương có Quần thể di tích kiến trúc triều Nguyễn, hệ thống di tích tín ngưỡng, tôn giáo đồ sộ với những lễ tế Nam giao, lễ tế Xã Tắc, lễ hội đền Huyền Trân, lễ Phật Đản và rước hoa đăng trên sông Hương... trong các chương trình Festival Huế.
Như vậy, di tích tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội là cơ sở, nền tảng để loại hình du lịch văn hóa tâm linh phát triển và ngược lại thông qua du lịch văn hóa tâm linh, những giá trị của di tích tín ngưỡng, tôn giáo được quảng bá rộng rãi đến với công chúng, thu hút nhiều du khách đến di tích đồng thời cũng tạo thêm nguồn thu để tu bổ, tôn tạo di tích thêm phần uy nghi. Du lịch văn hóa tâm linh còn làm cho trạng thái tinh thần của con người được cân bằng, phần nào giải quyết được tinh thần bất an khi gặp sự có không may trong cuộc sống...làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
4. Kết luận
Di tích tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội có quan hệ mật thiết, tồn tại song hành với văn hóa tâm linh, là nền tảng quan trọng để các hoạt động văn hóa tâm linh được diễn ra và ngược lại văn hóa tâm linh cũng tác động trở lại làm cho các di tích ấy tồn tại theo thời gian. Di tích tín ngưỡng, tôn giáo là nền tảng vật chất (di sản văn hóa vật thể) còn văn hóa tâm linh là nền tảng tinh thần (di sản văn hóa phi vật thể), một khi di sản vật thể mất đi, di sản phi vật thể không hội đủ điều kiện để hoạt động và ngược lại khi di sản phi vật thể bị mai một, di sản vật thể cũng không thể tồn tại.
Di tích tín ngưỡng, tôn giáo luôn gắn kết chặt chẽ, tồn tại song hành với văn hóa tâm linh và hoạt động văn hóa tâm linh, thông qua hoạt động văn hóa tâm linh giá trị của di tích tín ngưỡng, tôn giáo được nâng cao và là một trong những điều kiện tiên quyết để hoạt động du lịch văn hóa tâm linh phát triển. Hay nói cách khác, du lịch văn hóa tâm linh là hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu chính đáng của một bộ phận nhân dân thông qua việc khai thác những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của di tích tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội.
Như vậy, di tích tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội và văn hóa tâm linh cùng du lịch văn hóa tâm linh có mối quan hệ biện chứng/tương tác không thể tách rời, trong đó, di tích là nền tảng, là cơ sở vật chất không thể thiếu để hoạt động văn hóa tâm linh diễn ra và ngược lại hoạt động văn hóa tâm linh là phần hồn gắn kết chặt chẽ với di tích, thông qua hoạt động văn hóa tâm linh (lễ hội, du lịch) di tích tồn tại một cách bền vững.
T.T.A
Tài liệu tham khảo:
Dương Văn Lượng (2008), Tapchicongsan.org.vn ngày 28/02.
Hồ Sỹ Vịnh (2011), Văn hóa tâm linh - Lý luận và thực tiễn. Tạp chí Tuyên giáo số 4. Hà Nội.
Phan Khanh (1992), Bảo tàng, di tích, lễ hội. Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
Toan Ánh (2000), Tín ngưỡng Việt Nam. Nxb Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh.
Thu Huyền, Ái Phương (2011), Tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa phong tục tập quán, hội và lễ hội dân tộc Việt Nam - Văn hóa Việt Nam qua các thời kỳ. Nxb Lao động, Hà Nội.
Trần Đại Vinh (2006), Tín ngưỡng dân gian Huế. Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
Võ Thanh Bằng (chủ biên) (2008). Tín ngưỡng dân gian ở thành phố Hồ Chí Minh. Nxb Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.
Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam.
Nhiều tác giả (2009). Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam. Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Hà Nội.
Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế (2005). Địa chí Thừa Thiên Huế - phần Lịch sử. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
Website: thuathienhue.gov.vn.
[1] Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam.
[2] Xem: www.thuathienhue.gov.vn.
[3] Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam.
[4] Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam.
[5] Phan Khanh (1992). Bảo tàng, di tích, lễ hội. Nxb: Văn hóa Thông tin, trang 175 - 182.
[6] Hồ Sỹ Vịnh (2011). Văn hóa tâm linh - Lý luận và thực tiễn. Tạp chí Tuyên giáo số 4.
[7] Dương Văn Lượng (2008), www.tapchicongsan.org.vn, truy cập ngày 28/02.