Văn nghệ dân gian
Tranh dân gian làng Sình: Sự thích ứng và biến đổi trong bối cảnh đương đại
15:23 | 29/09/2022

DƯƠNG THỊ NHUNG - LÊ THỌ QUỐC

Tranh dân gian làng Sình: Sự thích ứng và biến đổi trong bối cảnh đương đại
Ảnh minh họa (Internet)

1. Đặt vấn đề

1.1. Huế từng được xem là thủ phủ của xứ Đàng Trong, là kinh đô của một quốc gia thống nhất, nên với vai trò đó, Huế chính là mảnh đất màu mỡ cho việc sản sinh ra những làng nghề thủ công truyền thống đáp ứng nhu cầu cuộc sống nơi đây. Các làng nghề thủ công truyền thống ở Huế ra đời vừa mở ra cơ hội cho người dân trong sản xuất nhưng cũng vừa là cơ hội cho việc bảo lưu, mở rộng ngành nghề, lưu giữ những nét bản sắc vốn có của làng nghề thủ công truyền thống trên địa bàn làng xã. Tuy nhiên, sự biến động của lịch sử, xã hội với những tác động nhất định đã tạo nên sự ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển của các nghề thủ công truyền thống Huế trên nhiều phương diện, từ nhu cầu, thị trường đến lực lượng sản xuất… cùng với một số tồn tại khó khăn trong quá trình phát triển dẫn đến nguy cơ biến mất hoặc biến đổi theo một chiều hướng bất lợi khác của các làng nghề thủ công truyền thống Huế.

1.2. Ngành nghề thủ công truyền thống giữ một vị trí khá quan trọng trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng và văn hóa của người dân xứ Huế, chính những sản phẩm thủ công ấy là một gia vị không thể thiếu bổ sung thêm cho đời sống tinh thần người dân nơi đây. Bên cạnh một số làng nghề thủ công truyền thống đáp ứng cho nhu cầu ấy như làng nghề hoa giấy Thanh Tiên, nghề làm trướng - liễn - câu đối làng Chuồn (hiện đã mất), nghề tranh gương, nghề làm gốm… thì tranh làng Sình là một trong số những làng nghề truyền thống mà đến hiện nay vẫn giữ được vai trò đó. Mặt khác, Huế vốn là nơi còn lưu giữ khá đậm những nét văn hóa truyền thống của vùng đất qua quá trình giao lưu, tiếp biến và tích hợp, từ đó đã tạo nên những đặc trưng riêng trong đời sống tâm linh và tôn giáo, ảnh hưởng rất lớn và xuyên suốt trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người. Sự trường tồn của tín ngưỡng dân gian, tôn giáo làm cho vấn đề tâm linh, tín ngưỡng được chú trọng, củng cố, đưa đến nhu cầu sử dụng sản phẩm thủ công thờ cúng theo niềm tin của mỗi người dân tất yếu sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn trong đời sống kinh tế phát triển.

1.3. Trong xu thế chung của sự phát triển, tranh dân gian làng Sình đã làm tốt vai trò đó, nó không chỉ sản phẩm của riêng vùng Huế mà đã lan rộng ra cả một miền Trung rộng lớn. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, tranh làng Sình đã thích ứng được với sự thay đổi của xã hội, của cuộc sống, của thời cuộc và từ sự thích ứng đó dẫn đến những nét biến đổi trong mọi mặt như: đề tài, chất liệu, nhu cầu… và đặc biệt là trong văn hóa tín ngưỡng. Cho nên, khi đặt trong mối quan hệ giữa nghề thủ công truyền thống với nhu cầu tâm linh tín ngưỡng của cộng đồng trước xu thế phát triển, ngày càng đi lên của xã hội, mới thấy được sức sống tồn tại lâu bền của nó với nhiệm vụ thích ứng, nhưng đồng thời cũng chuyển mình biến đổi để làm mới, để thích nghi và để phát triển làng nghề theo những hướng đi tích cực hơn trong mọi mặt.

1.4. Từ những vấn đề trên, tham luận chú trọng giải quyết những vấn đề: [1] Sự ra đời và phát triển của tranh dân gian làng Sình; [2] Tín ngưỡng – chức năng chính yếu của tranh dân gian làng Sình; [3] Sự thích ứng và biến đổi: sinh lộ tồn tại của một làng nghề thủ công truyền thống trong bối cảnh hiện nay… để làm rõ sức sống của nghề thủ công truyền thống khi gắn với đời sống văn hóa tín ngưỡng cộng đồng cư dân cũng như sự thích ứng và biến đổi của nó chính là sinh lộ lẫn cơ hội cho việc bảo lưu những giá trị văn hóa làng nghề tranh dân gian làng Sình.

2. Sự ra đời và phát triển của tranh dân gian làng Sình

Khi các chúa Nguyễn chọn Đàng Trong làm nơi trú địa, thể hiện sự tồn tại độc lập của mình thì cũng bắt đầu từ đó một loạt các ngành nghề thủ công được tổ chức ra đời bên cạnh những nghành nghề dân gian vốn đã gắn chặt với cuộc sống thường nhật của người dân nới đây. Hơn nữa, nhu cầu sử dụng nghề thủ công vốn có lâu đời của cư dân nông nghiệp đã làm cho việc phát triển các nghề thủ công truyền thống trong cư dân trở nên thuận tiện, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày và hỗ trợ sản xuất trong buổi đầu xây dựng và phát triển vùng đất phương nam. Từ vai trò ấy, vùng Huế đã xuất hiện một số làng nghề mà sản phẩm của nó đã bước đầu cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt của cư dân trên một địa bàn rộng lớn như nghề tranh giấy Lại Ân, nghề nón Triều Sơn, hoa giấy Thanh Tiên, nghề thau thiếc Mậu Tài… và cho đến nay vẫn còn hiện diện những ngôi làng nổi tiếng với các sản phẩm trở nên quen thuộc từ bao đời trong lòng người dân xứ Huế.

Với một bức tranh chung về toàn cảnh của sự phát triển của các ngành nghề thủ công truyền thống Huế, nghề làm tranh làng Sình cũng gắn liền với đời sống tín ngưỡng, phần nào đã đáp ứng được những nguyện vọng của người dân về một cõi thiêng luôn tồn tại trong tâm thức.

Sự xuất hiện của tranh làng Sình cho đến nay vẫn chưa tìm được một văn bản nào đề cập đến thời điểm xuất hiện nghề tranh, nhưng nhu cầu về hàng mã trong đó có thể loại tranh thờ của người Việt – những cư dân thuần nông nghiệp lúa nước là rất cần thiết, nhất là khi dân tộc Việt tổ chức cuộc mở đất về phía Nam. Hành trang của những con người đi mở cõi chắc chắn sẽ có những tập tục, những sinh hoạt gắn với làng gốc của mình, và cả sự hoài nhớ về tổ tiên, dòng tộc. Trong quá trình Nam tiến, vùng Hóa Châu trong ý nghĩ cũng như trong thực tế với họ là nơi “Ô Châu ác địa” mà “lòng quả cảm cũng không thể nào trấn an được con người”. Vì thế, để có thể tồn tại được họ cần đến một lực lượng khác đủ sức đưa họ vượt qua những hiểm nguy, một sự vấn an ít nhất là trong tinh thần, đó chính là con đường dẫn đến thờ cúng . Việc thờ cúng các vị thần, cầu mong sự phù hộ là điều kiện quan trọng gắn với sự sinh tồn, là bùa hộ mệnh duy nhất không thể thiếu trong cuộc sống và chính yếu tính này luôn ngự trị trong ý thức khi họ đối diện với những gì đang hiện hữu xung quanh họ. Thế nhưng, để phục vụ nhu cầu này thì trong điều kiện giao thông lúc bấy giờ, việc vận chuyển những món hàng mã từ những làng tranh phía Bắc (chủ yếu là tranh Đông Hồ) vào vùng Hóa Châu hết sức khó khăn, nên trước thực tế đó đòi hỏi phải có một làng xã nào đó ở xứ Thuận Hóa đảm nhận vai trò này.

Làng Sình[1] có một vị trí địa lý khá thuận lợi nằm ở ngã ba sông trên con đường thủy, phương tiện giao thông phổ biến, thông dụng lẫn đem lại lợi tức lớn nhất lúc bấy giờ[2]. Người dân làng Sình nhanh chóng có cái nhìn hướng ra sông, dù không hoàn toàn chiếm ưu thế nhưng ít nhất là tiền đề/lợi thế cho mọi sự phát triển quan hệ trao đổi, lưu thương hàng hóa mà không phải làng nào cũng có được. Vì vậy, địa danh Sình được mọi người biết đến không chỉ là một trong những làng xã được thành lập sớm của xứ Thuận Hóa mà còn nổi tiếng với nghề sản xuất tranh tín ngưỡng, thờ cúng.

Bên cạnh đó, sự kề cạnh một cảng thị buôn bán lớn của xứ Đàng Trong là Thanh Hà đã có những ảnh hưởng nhất định đến sự hình thành các làng vệ tinh mà Sình là một ví dụ cụ thể. Những làng nghề kế cận như Lại Ân, Thanh Tiên, Tiên Nộn, Mậu Tài... chủ yếu hình thành từ sự thu hút của khu cảng thị Thanh Hà – Bao Vinh, tạo thành những vệ tinh mà sức lan tỏa của nó ra khắp Trung Bộ.

3. Tín ngưỡng – chức năng chính yếu của tranh dân gian làng Sình

Được hình thành và phát triển trên một vùng đất mang đậm sắc màu tín ngưỡng dân gian, tranh Sình có nhiệm vụ rất thiết thực trong việc đáp ứng nhu cầu thờ cúng không chỉ đối với cư dân Thuận Hóa mà cả vùng Trung Bộ.

Khi tiếp xúc với tranh Sình, người xem không đơn thuần phải có những cảm quan thẩm mỹ về nghệ thuật mà đòi hỏi phải có những hiểu biết nhất định về tính chất ý nghĩa cũng như nguyên nhân hình thành làng tranh. Chức năng chính của tranh Sình là tín ngưỡng, yếu tố có ý nghĩa quyết định đến việc ra đời tranh, là chức năng quan trọng mà tranh Sình chuyển tải. Nói như vậy không có nghĩa là không đề cao hay xem nhẹ những giá trị thẩm mỹ của tranh Sình, mà ngược lại yếu tố thẩm mỹ là một giá trị bổ trợ không thể thiếu, làm tôn lên đầy đủ và trọn vẹn hơn những ý tưởng, tâm tư, nguyện vọng, những khát khao của các nghệ nhân làm tranh cũng như những con người sử dụng tranh bên cạnh yếu tố tâm linh. Tranh Sình đã tạo được cảm giác an tâm, tin tưởng của mọi người khi sử dụng nó vào mục đích tín ngưỡng, tẩy rửa những ưu phiền, xấu xa, mang lại những điều may mắn giúp họ giãi bày, giải tỏa những lo lắng, đáp ứng những nhu cầu về đời sống tâm linh. Tranh Sình mang đặc trưng hoàn toàn của thể loại tranh cúng lễ (thờ), phục vụ tín ngưỡng, chuyên chở những niềm kính cẩn, nỗi sợ hãi của người dâng cúng, gửi về một cõi thiêng mơ hồ.

Có thể nói, tự thân tranh Sình đã cho chúng ta những cảm nhận nhất định về hệ thống tín niệm dân gian. Thờ cúng từ lâu đã trở thành một biểu hiện của phong tục, đạo đức và pháp lệ. Điều đó thể hiện trong tranh Sình qua sự chỉnh chu trong từng nét vẽ, tính trang nghiêm, tôn trọng của mỗi tờ tranh.

Đối với tranh làng Sình, dấu ấn để lại trong đời sống văn hóa tín ngưỡng cư dân vùng Huế đó chính là đối tượng tranh được làm ra với các nhóm chính: [1]. Tranh nhân vật: tượng Bà với các mẫu tượng Đế, tượng Chùa và tượng Ngang được dán quanh năm trên bàn thờ. Loại con ảnh vẽ hình đàn ông hay đàn bà còn gọi là ảnh Xiêm và ảnh trẻ nam, nữ. Loại ảnh ông Tra Điệu, ông Đốc và Tờ Bếp v.v… được đốt đi sau khi cúng; [2]. Tranh đồ vật vẽ các thứ áo, tiền và dụng cụ để đốt cho người cõi âm: áo ông, áo bà, áo binh, tiền, cung tên, dụng cụ gia đình…thường là tranh cỡ nhỏ; [3]. Tranh súc vật (gia súc, voi, cọp và 12 con giáp) để đốt cho người chết. Có thể thấy, với ba nhóm tranh chính trên, số lượng tranh làng Sình sản xuất cho đến nay vẫn còn nhiều đề tài với nội dung gắn liền với nghi lễ thờ cúng hay các hoạt động tâm linh của người Huế.

4. Sự thích ứng và biến đổi: Sinh lộ tồn tại của một làng nghề thủ công truyền thống trong bối cảnh hiện nay

Tranh Sình trong suốt quá trình tồn tại và phát triển, trước và sau thời kỳ phong kiến không bị cạnh tranh bởi một làng nghề nào tương tự. Đó cũng là một trong những điều kiện khá thuận lợi cho tranh Sình trong quá trình tồn tại và sự mở rộng về mặt thị trường ra cả vùng Trung Trung Bộ ở nửa sau thế kỷ XVIII, XIX và cho phép chúng ta nhận định tranh Sình là một làng nghề phát triển vững mạnh của xứ Thuận Hóa. Trải qua quá trình tồn tại và phát triển, nghề tranh làng Sình còn được đánh dấu bởi sự trưởng thành lớn mạnh của tầng lớp nghệ nhân trong làng từ bị động đã tự túc được nguyên liệu giấy, màu và nhất là đã sáng tác được những mẫu tranh khắc ván in theo ý tưởng của mình. Tuy nhiên, sau ngày đất nước giải phóng tranh Sình bị xem là văn hóa phẩm dị đoan tiếp tay cho những hình thức mê tín nên nghề tranh bị cấm đoán, ván khắc bị thu hồi, đốt phá, dân cư phiêu tán bỏ nghề bỏ làng ra đi hoặc chuyển sang hành nghề khác có thu nhập cao hơn. Tranh dân gian làng Sình từ đó chỉ tồn tại rất yếu ớt với một vài hộ dân còn sản xuất bí mật với mong muốn bám đất, giữ nghề. Và cho tới ngày nay, khi nghề tranh làng Sình không còn bị cấm đoán nữa thì lực lượng tham gia sản xuất cũng như số lượng tranh được làm ra phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng của người dân ngày càng tăng cao, nhất là vào các dịp lễ tết.

Xét về sự tồn tại lâu bền của nghề tranh làng Sình chúng ta cần khẳng định rằng, sự tồn tại đó chính là sự thích ứng rất hòa hợp với mọi mặt của cuộc sống. Sự thích ứng của tranh làng Sình luôn tạo nên nét riêng trong từng đường nét so với các dòng tranh khác. Nó được biểu hiện trên nhiều phương diện khác nhau: [1] đó là sự thích ứng với nhu cầu tâm linh của người dân không chỉ trong làng mà còn ngoài làng, ngoài tỉnh, mở rộng ra trên khắp dải đất miền Trung như: Quảng Bình, Quảng Tri, Quảng Ngãi, Phú Yên… [2] là sự thích ứng với xu thế phát triển của thời đại nhưng vẫn coi trọng tín ngưỡng, [3] là sự thích ứng với nhu cầu cuộc sống với mong muốn kiếm thêm thu nhập, [4] là sự thích ứng với nhu cầu gìn giữ một dòng tranh của những nghệ nhân vùng này và [5] là sự thích ứng trong việc kế thừa kỹ thuật chế tác của những đời trước và của các dòng tranh khác.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển chung, tranh làng Sình một mặt thích ứng nhưng mặt khác nó cũng biến đổi để phù hợp với thời cuộc, với hoàn cảnh, với xã hội, với nhu cầu của con người… Sự biến đổi đó được thể hiện cụ thể trên các mặt như:

- [1] Về quy trình, trong đó có kỹ thuật và nguyên liệu, từ việc sáng tác mẫu tranh, khắc ván đến sáng tạo ra loại bút vẽ được làm từ rễ cây dứa dại có thời gian sử dụng lâu dài hơn;

- [2] Về chức năng và đề tài thể hiện, ngoài chức năng thờ cúng thì tranh Sình hiện nay còn có chức năng trang trí với các đề tài cụ thể như: Bát âm (gồm 8 bức), vật làng Sình và trò chơi dân gian (gồm 9 bức) và tranh thời vụ (gồm 4 bức);

- [3] Về đầu ra và chất lượng, tranh Sình vươn ra với thị trường các tỉnh trên khắp dải đất miền Trung nên số lượng sản phẩm cũng ngày càng gia tăng, đồng thời sự xuất hiện của các sản phẩm tranh thờ được làm bằng phương pháp công nghiệp cũng khẳng định được nhu cầu cũng như chất lượng của dòng tranh, tuy sản phẩm công nghiệp đạt chất lượng về màu sắc và giấy nhưng cái hồn của tranh xưa dường như không còn được nguyên vẹn nữa;

- [4] Về lực lượng sáng tác và không gian sản xuất, trước đây là tranh dân gian nhưng ngày nay sản phẩm tranh Sình lại có tên tác giả cụ thể, và bây giờ,việc sản xuất tranh Sình không còn được gói gọn trong không gian làng mà đã vượt hẳn ra khỏi khu vực đó với máy móc và phẩm màu công nghiệp hiện đại.

Từ những biến đổi của tranh dân gian làng Sình trong giai đoạn hiện nay có thể đưa tới những nhận định: [1] dù xã hội thay đổi nhưng nhu cầu và niềm tin tâm linh của người dân vẫn còn được bảo lưu nguyên vẹn, [2] sự biến động của thời cuộc dẫn tới sự rút ngắn các công đoạn sản xuất tranh, hồn tranh xưa đã không còn nguyên vẹn nữa, [3] sự xuất hiện của các phương pháp sản xuất mới cùng những quy trình sản xuất hiện đại làm cho các chức năng và nội dung truyền tải của tranh Sình bị giảm đi phần nhiều, [4] tranh Sình với những sáng tạo không ngừng của các nghệ nhân sẽ ngày càng phát triển, nhưng làm thế nào để sự phát triển đó không lấn át cái truyền thống sẽ là câu hỏi và là vấn đề trọng yếu cần được lưu tâm.

Tranh Sình chứa đựng một giá trị hiện thực sinh động, nó thể hiện được sức sống mạnh mẽ lâu bền và được tồn tại trong lịch sử suốt mấy trăm năm qua. Tuy tranh Sình dùng cho thờ cúng là chủ yếu nhưng những điều được diễn tả trong tranh không quá uy phong, trang trọng, lạnh lùng cho đúng với ý nghĩa đích thực của nó mà ngược lại, nó rất đỗi thân quen gần gũi với cuộc sống con người.

Tranh làng Sình ngày nay tuy vẫn những chủ đề, nội dung và những yếu tố tạo hình không có gì khác xưa nhưng dưới những tác động của xã hội, của cuộc sống, của nhu cầu con người đã tạo nên cái khác biệt trong tranh. Những loại phẩm màu hóa chất, những bức tranh được rập khuôn máy móc đã làm mất đi một phần quan trọng của giá trị thẩm mỹ trên một dòng tranh dân gian cổ xưa. Các hình trong tranh cũng vì thế mà mất đi vẻ dân dã thôn quê và làm xa lạ với người dân lao động. Chính vì thế, để lưu giữ giá trị tranh dân gian làng Sình, việc cần thiết nhất là làm sao nghề tranh này đến được với các thế hệ đi sau, để bảo lưu và phát triển không chỉ riêng vài hộ dân mà đối với toàn thể các hộ dân trong làng. Có như vậy thì tranh dân gian làng Sình mới tồn tại và phát triển lâu bền và đó cũng chính là sinh lộ lẫn cơ hội để một làng nghề “sống tốt”, “sống khỏe” trước những đổi thay, tác động của xã hội đương đại.

D.T.N – L.T.Q

Tài liệu tham khảo:

Báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học: Nghề và làng nghề thủ công truyền thống huyện Phú Vang, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam - Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế, Huế, 2012.

Dương Thị Nhung (2014) “Tranh làng Sình trong đời sống văn hóa tín ngưỡng người dân Huế”, Luận văn Thạc sỹ Việt Nam học, Khoa Việt Nam học, Đại học Sư Phạm Hà Nội.

Hoàng Bảo (2001), “Tết ở Huế và những sản phẩm thủ công truyền thống”, trong T/c Văn hóa Nghệ thuật, số 01.

Huỳnh Đình Kết (2005), “Tổng quan nghề thủ công truyền thống Huế - Giá trị, thực trạng, giải pháp”, trong Di sản ngành nghề thủ công trong bối cảnh thành phố Festival, Huế: Phân viện Nghiên cứu Văn hóa - Thông tin - UBND thành phố Huế - Phòng Văn hóa - Thông tin, tháng 7.

Lê Thọ Quốc (2013), “Nghề thủ công gắn liền với đời sống văn hóa tín ngưỡng: trường hợp tranh làng Sình và hoa giấy Thanh Tiên”, Hội thảo khoa học Nghề và làng nghề truyền thống Huế hướng tới Festival Nghề truyền thống, Phân viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Huế - UBND Thành phố Huế.

Nguyễn Hữu Thông (1994), Huế - Nghề và làng nghề thủ công truyền thống, Huế: Nxb. Thuận Hóa.

Nguyễn Hữu Thông (2001), “Nghề và làng nghề thủ công truyền thống trong quá trình hội nhập vào nền kinh tế hiện đại”, trong Thông tin Khoa học, Huế: Phân viện Nghiên cứu Văn hóa - Thông tin, số tháng 3: 3- 13.

Nguyễn Hữu Thông (2005), “Nhận chân thế và lực trong cuộc tìm kiếm lối ra cho các ngành nghề thủ công ở Huế”, trong Di sản ngành nghề thủ công trong bối cảnh thành phố Festival, Huế: Phân viện Nghiên cứu Văn hóa - Thông tin - UBND thành phố Huế - Phòng Văn hóa - Thông tin, tháng 7.

Nguyễn Phước Bảo Đàn (2006), “Cái ta đang có” và “cái người đang cần”: nhận chân tọa độ các làng nghề thủ công vùng đông nam thành phố Huế và ý tưởng về một tuyến du lịch sinh thái - nhân văn”, trong Thông tin Khoa học, Huế: Phân viện Nghiên cứu Văn hóa - Thông tin tại Huế, số tháng 9: 109-120.

Nguyễn Thị Tuyết Nga, Nguyễn Phước Bảo Đàn, Tôn Nữ Khánh Trang, Lê Chí Xuân Minh (2002), Nghề tranh làng Sình, Đề tài nghiên cứu thuộc Chương trình Nghiên cứu - Sưu tầm - Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, Bộ VHTT - Viện VHTT - Phân viện Nghiên cứu Văn hóa – Thông tin tại Huế.

Nguyễn Văn Đăng (2005), “Quan xưởng và vai trò của nó trong đời sống kinh tế - xã hội Huế”, trong Di sản ngành nghề thủ công trong bối cảnh thành phố Festival, Huế: Phân viện Nghiên cứu Văn hóa - Thông tin - UBND thành phố Huế - Phòng Văn hóa - Thông tin, tháng 7.



[1] Làng Lại Ân có tên nôm là Sình, một trong những ngôi làng hình thành khá sớm ở xứ Đàng Trong, cách trung tâm thành phố khoảng 7 km, làng có diện tích là 2,5km2, thuộc xã Phú Mậu huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Dân số hiện nay khoảng hơn 1.500 người với gần 200 hộ gia đình chia làm 13 xóm và 3 giáp.

[2] Từ trung tâm thành phố Huế, xuôi theo dòng Hương khoảng 7km, đến ngã ba nơi gặp gỡ của hai nhánh sông khởi nguồn từ sông Hương và sông Bồ, làng Lại Ân cùng với làng Thanh Tú, Tiên Nộn đã tạo nên thế chân kiểng vững chắc trong sự hưng thịnh đi lên của một vùng đất “thủy phúc nhân tình” nổi danh với khu cảng thị “Thanh Hà cảng, Bao Vinh phố”. “Sông do hai nguồn Kim Trà, Đan Điền đổ đến (phần hạ lưu sông Linh Giang/sông Hương) rộng và vô hạn khuất khúc hữu tình. Phía Tây Nam có đền Tứ Vị, trạm Địa Linh, phía Đông Bắc có chùa Sùng Hóa, bia Hoàng Phúc, huyện nha, phủ thư nằm đối nhau ở hai bên tả hữu. Tòa thành Thuận Hoá khóa chặt lấy thủy khẩu; còn như xóm hoa, nội biếc, đất tốt, dân đông, chợ nọ, cầu kia, vật hoa người quý đều la liệt ở hai bờ Nam Bắc…” [Nguyễn Thị Tuyết Nga, Nguyễn Phước Bảo Đàn, Tôn Nữ Khánh Trang, Lê Chí Xuân Minh (2002), Nghề tranh làng Sình, Đề tài nghiên cứu thuộc chương trình nghiên cứu – sưu tầm – bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, Phân viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Huế, tr. 4].

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng