NGUYỄN THĂNG LONG
1. Đặt vấn đề
Những năm gần đây, có một ngôi làng biển ở phía Nam tỉnh Thừa Thiên Huế trở nên nổi tiếng với “thành phố lăng” hay “thành phố lăng mộ”. Địa điểm mà chúng tôi đề cập chính là làng An Bằng, ngôi làng biển bãi ngang thuộc xã Vinh An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Những năm trước thập niên 80 của thế kỷ XX, cũng như bao ngôi làng biển bãi ngang khác, cư dân An Bằng sinh sống chủ yếu bằng hoạt động đánh bắt hải sản trong “lộng” - ven bờ với phương tiện chủ yếu là những chiếc thuyền nhỏ. Các giá trị văn hóa đặc trưng gắn liền với đời sống kinh tế biển của cộng đồng cư dân An Bằng dần hình thành và củng cố theo thời gian. Tuy nhiên, từ những năm cuối của thế kỷ XX, xuất phát từ sự trợ giúp của thân nhân ở hải ngoại, đời sống kinh tế của người dân An Bằng trở nên khá giả. Từ đó, phần lớn người dân nơi đây không còn theo nghề biển[1], những lễ hội truyền thống gắn liền với đời sống kinh tế biển như: lễ Cầu ngư, lễ cúng Ông Ngư, lễ Trí phao, lễ Hà Vọng… cũng có nhiều biến đổi.
Bài viết này bước đầunhững giá trị đặc trưng của một số lễ hội truyền thống gắn liền với sinh hoạt kinh tế biển của người dân làng An Bằng, đồng thời, qua đó cũng thấy được những xu hướng biến đổi dưới tác động của nhiều yếu tố, đặc biệt là nguồn lực kinh tế được hỗ trợ từ người thân ở hải ngoại.
2. Làng An Bằng: Lược sử hình thành
An Bằng là ngôi làng biển có bề dày lịch sử, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc[2]. Sự hình thành làng An Bằng gắn liền với quá trình định cư, khai hoang, tạo dựng vùng đất Đàng Trong của chúa Tiên Nguyễn Hoàng[3]. Theo tài liệu, văn bản Hán Nôm lưu trữ tại đình làng An Bằng cho biết, thủy tổ khai canh của làng là ba ngài thuộc các họ Nguyễn, Trần, Hoàng đã có công dùng thuyền Trường đà đưa chúa Nguyễn vào trấn thủ vùng đất Thuận Hóa. Sau khi xong việc, các ngài về quê đưa vợ con, bạn bè vào miền biển huyện Phú Vang, phủ Triệu Phong lập nên làng xóm, đặt tên là phường An Đôi[4].
Ban đầu, làng An Bằng có tên là Phường An Đôi, sau đó vì nhiều lý do mà đổi thành nhiều tên gọi khác nhau, như: ấp An Đôi, ấp An Bằng, phường An Bằng thuộc tổng Diêm Trường, huyện Phú Vang, phủ Triệu Phong. Đến năm Minh Mạng thứ 20 (1839), theo cuộc cải cách hành chính, làng được được đổi thành ấp An Bằng thuộc tổng Kế Mỹ, huyện Phú Vang[5].
Năm 1964, làng An Bằng được lập riêng thành một xã là xã An Bằng. Đến năm 1975, làng được nhập với Hà Úc và đổi tên thành xã Vinh An (huyện Phú Vang). Từ đó, làng An Bằng thuộc xã Vinh An cho đến ngày nay.
Là ngôi làng biển nằm gọn trên dải Tiểu Trường Sa[6], không có đất ruộng, người dân An Bằng chủ yếu sinh sống bằng nghề đánh bắt hải sản trên biển, đặc biệt là cá cảm, một loại sản vật được dâng nạp lên các chúa Nguyễn, đồng thời định lệ thành một loại thuế, hàng năm kê khai nộp cho chính quyền phong kiến[7]. Cuối thập niên 70 của thế kỷ XX, do cuộc sống khó khăn, những người An Bằng đầu tiên bắt đầu vượt biên, di cư ra nhiều nước ở hải ngoại[8]. Đặc biệt, những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, làn sóng này phát triển một cách mạnh mẽ, nhiều người dân từ bỏ gia đình, nhà cửa, nghề nghiệp, sử dụng những chiếc ghe đánh cá để vượt biển sang các nước phương Tây[9].
3. Giới thiệu một số lễ hội truyền thống ở làng biển An Bằng
Đối với người dân làng biển nói chung, làng An Bằng nói riêng, những nghi lễ, lễ hội thường gắn liền với đời sống kinh tế biển. Do đó, lễ hội truyền thống của cư dân làng biển An Bằng thường mang yếu tố tín ngưỡng tâm linh, được người dân chú trọng tổ chức đều đặn hàng năm để cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, ngợi ca các bậc tiền nhân, hướng về cội nguồn dân tộc. Bên cạnh những lễ hội chung của cư dân vùng biển như lễ Cầu ngư, lễ cúng âm hồn (cúng cô bác)… thì những nghi lễ mang tính bản địa như lễ trí phao, lễ khai khe, lễ hội đua thuyền trên biển… luôn được người dân An Bằng quan tâm thực hiện. Trong phạm vi bài viết này, ngoài việc giới thiệu những lễ hội truyền thống, chúng tôi tập trung khảo sát lễ cầu ngư gắn liền với lệ đua ghe trên biển có lịch sử hàng trăm năm tồn tại của người dân làng An Bằng.
3.1. Lễ Cầu An
Lễ Cầu An diễn ra vào thượng tuần tháng Giêng hàng năm, tuy nhiên người dân luôn chọn một ngày thuộc trực trừ, với ý nghĩa nhằm xua đuổi tà uế. Trong lễ này, người dân An Bằng làm một chiếc thuyền rồng, mời một vị pháp sư đưa thuyền đi hết các ngõ xóm của làng, sau đó đưa ra cửa biển phía Bắc của làng rồi đẩy ra biển.
3.2. Lễ Trí Phao
Lễ Trí phao được tổ chức vào ngày 10/2 (âm lịch) hàng năm. Theo kinh nghiệm của người dân An Bằng, đây là thời điểm nước trong nên rất khó đánh bắt được các loại hải sản, dân làng phải ra khơi đặt phao, chờ cá đứng thì giăng mành mà bắt. Ngày đặt phao (trí phao) do làng lựa chọn trước, cùng với các lễ vật như hương đăng, trầu rượu… mang đến cúng tại Lăng Ông Ngư, sau đó ngư dân các vạn đồng loạt dong thuyền ra khơi tìm kiếm địa thế thuận lợi để đặt phao.
Tuy nhiên, ngày nay nghề biển không còn đóng vai trò chủ đạo, cả làng chỉ còn chừng 10 chiếc ghe nhỏ hoạt động đánh bắt gần bờ nên lễ này cũng dần bị quên lãng, không còn thực hiện nữa.
3.3. Lễ Khai khe
Là ngôi làng bãi ngang, địa hình An Bằng có các khe nước chảy qua làng đổ ra biển như: khe Đồng Bồ, Khe Ton, Khe Bàu. Đây được xem như những mạch nước lưu thông của làng. Bởi vậy, hàng năm, Hội đồng làng thường tổ chức ngày khai khe nhằm khai thông luồng lạch, bảo vệ nguồn nước, long mạch của làng. Cứ vào tháng 4 hàng năm, làng chuẩn bị lễ vật đơn giản như cau, trầu rượu dâng cúng tại đình làng, sau đó huy động dân các phường, vạn đồng loạt vệ sinh, khai thông khe nước nhằm mang lại cuộc sống an bình, ăn nên làm ra.
3.4. Lễ cúng Cô bác
Hàng năm, cứ đến ngày 1/5 (âm lịch), người dân An Bằng lại tổ chức lễ cúng Cô bác tại bờ biển, trước mặt lăng Âm linh. Đây là tục lệ mang đậm ý nghĩa nhân văn không chỉ của người dân biển An Bằng, mà còn của các cộng đồng cư dân sống ven biển nước ta. Bên cạnh ý nghĩa tưởng nhớ đến những vong linh vì lý do nào đó mà tử nạn trên biển, lễ cúng còn để cầu mong cho xóm làng bình yên, cho con dân trong làng được an toàn trong cuộc sống.
3.5. Lễ Kỵ Ngài ngư
Là lễ cúng Ông Ngư (còn gọi là Ông Nam Hải), vị phúc thần mà ngư dân làng An Bằng nói riêng, các làng biển ở miền Trung và Nam Bộ Việt Nam nói chung xem là thần hộ mệnh, luôn ra tay cứu giúp mỗi khi ngư dân gặp nạn trên biển. Lễ Kỵ Ngài ngư ở An Bằng được tổ chức vào ngày 16 tháng 8 (âm lịch) hàng năm. Lễ được tổ chức tại lăng Ông Ngư. Rạng sáng ngày 16/8, hội đồng làng tổ chức lễ kỵ Ngài ngư với đầy đủ phẩm vật truyền thống như hương đen, trầm trà, cau, trầu rượu, xôi, gà, heo nhưng không có các loại cá hay hải sản khác. Ông Hồ Thiết (trưởng ban nghi lễ) lý giải rằng, đây là lễ cúng ngài ngư để cầu mong được bình yên khi ra khơi vào lộng cũng như đánh bắt được nhiều cá tôm nên trong lễ vật không được cúng các loại hải sản.
3.6. Lễ hội Cầu ngư
Là lễ hội lớn, quan trọng nhất trong năm của người dân làng An Bằng. Xuất phát từ truyền thống đánh bắt hải sản và vận tải biển, người dân An Bằng tổ chức lễ hội Cầu Ngư với những nghi thức, lễ hội truyền thống của cư dân làm nghề biển. Điểm đặc biệt là lễ hội Cầu ngư ở An Bằng gắn liền với lệ đua thuyền trên biển. Dù không có tài liệu văn bản nào lưu lại, nhưng câu chuyện về sự hình thành và tồn tại của lệ đua thuyền trên biển vẫn được dân làng lưu truyền lại cho đến nay: “Vào một năm nhuận hai tháng 5, biển lặng yên lâu ngày làm cho nước trong nên cá thấy rõ lưới mành, dây câu, do vậy mà khó bắt được cá. Không đánh bắt được cá, kinh tế trở nên khó khăn, người dân làng nảy ra ý nghĩ tổ chức một cuộc đua thuyền để hầu Ngài[10] với mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa” (Văn Đình Xuân, 2002, tr.85).
Vào 02 ngày 11 và 12 tháng 5 (âm lịch) hàng năm, lễ hội Cầu ngư làng An Bằng được diễn ra trên bãi biển ngay trước mặt lăng Ông Ngư. Mặc dù có nhiều sự khác biệt xuất phát từ yếu tố địa phương, vùng miền, tuy nhiên, các nghi lễ trong lễ hội Cầu ngư ở An Bằng vẫn thể hiện những nét tương đồng. Quy trình của lễ hội gồm các nghi lễ như sau:
- Lễ Thỉnh Ngài (Nghinh Ông)[11]
- Hò đưa linh (Hò Chèo cạn)
- Lễ hạ thủy[12]
- Lễ chánh tế
- Phần hội đua
Nếu như ở vùng Nam Trung bộ, lễ xây chầu Bả trạo thường không thể thiếu trong lễ hội Cầu ngư, thì ở các làng biển vùng Bắc Trung bộ, người ta lại tổ chức diễn xướng Hò đưa linh hay còn gọi Hò chèo cạn. Ở An Bằng cũng vậy, đêm trước ngày đua, làng tổ chức diễn xướng chèo cạn đưa linh ngoài bãi biển, phía trước lăng Ông Ngư. Tuy nhiên, do làng An Bằng không có đội chèo thường trực nên làng thường mời đội chèo ở Thị trấn Thuận An hoặc làng Mỹ Á (xã Vinh Hải, huyện Phú Lộc) về trình diễn.
Theo người dân An Bằng, lần đua vào năm 2017 đã là lần thứ 124 theo truyền thống tam niên đáo lệ mà chưa một lần lỡ hẹn. Như vậy, tính đến nay đã là 372 năm kể từ lần đua đầu tiên. Minh chứng cho sức sống của lễ hội Cầu ngư và đua ghe làng An Bằng thông qua sự kiện được người dân lưu truyền: “dưới thời kháng chiến chống Pháp, máy bay địch thường xuyên oanh tạc vào ban ngày, nhằm giữ vững phong tục truyền thống, đến lệ, người dân An Bằng vẫn đốt đuốc rực sáng cả vùng bờ biển để tổ chức Lễ hội Cầu ngư và đua ghe vào ban đêm”[13].
Xưa, làng An Bằng có 3 phường, mỗi phường có 1 vạn đua và mỗi vạn có 2 ghe tham dự. Tuy nhiên, trải qua thời gian, dân làng ngày một đông đúc, một bộ phận dân cư tách rời thành lập nên vạn An Mỹ, vì vậy, ngày nay An Bằng có 4 Vạn đua là Bắc Thượng, Trung Hải, Định Hải và An Mỹ, nhưng vẫn tuân theo lệ truyền thống với 6 ghe đua. Vạn Bắc Thượng (còn gọi là An Thượng) và An Mỹ có dân số đông nên được tham gia 2 ghe trên mỗi vạn, còn lại Trung Hải (An Hải) và Định Hải (An Định) mỗi vạn 1 ghe.
Một tháng trước ngày đua, các tay chèo của mỗi vạn đều hăng say luyện tập đều đặn 2 lượt mỗi ngày, vào sáng sớm và đầu giờ chiều cho đến tận ngày đua. Trong thời gian luyện tập, hễ tay chèo nào vi phạm các quy định như uống rượu, ra biển đánh cá[14]… đều chịu hình phạt của vạn và bị loại khỏi đội hình. Bên cạnh đó, để gìn giữ sự linh thiêng của nghi lễ, các bô lão trong Ban Hương lễ phải trai tịnh và túc trực cả ngày lẫn đêm ở lăng Ông Nam Hải trong suốt một tuần, mọi hoạt động khác như cơm nước đều do người thân mang tới[15].
Bên cạnh đó, xuất phát từ truyền thống lâu đời, sự may mắn và niềm hãnh diện của mỗi vạn khi giành được giải thưởng nên tất cả thành viên đều tuân thủ các quy định một cách nghiêm ngặt, điều đó còn được thể hiện cả trong những sự kiêng cữ liên quan đến nghi lễ, lễ hội. Trong thời gian luyện tập, các vạn thường không để cho người lạ ra vào khu vực chuẩn bị ghe, luyện tập với quan niệm người lạ mặt sẽ mang lại nhiều điều không may mắn. Ngoài ra còn là cách thức bảo vệ, giữ kín bí quyết trong chiến thuật đua cũng như những điều chỉnh về mặt kỹ thuật tạo nên chiếc ghe đua.
Không chỉ là sự kiện văn hóa lớn thu hút đông đảo sự tham gia của người dân địa phương, mỗi kỳ lễ hội Cầu Ngư, hàng trăm người dân làng An Bằng ở hải ngoại cũng nô nức trở về tham dự, như xu hướng “về nguồn” mà mỗi người dân luôn hướng về[16].
Ở mỗi kỳ đua, các bạn hàng[17] thường tiến cúng nhiều phẩm vật và đặc biệt là những dải cờ vải đỏ rất dài treo ngay trước rạp đua của mỗi vạn nhằm khích lệ tinh thần các tay chèo.
Trong sinh hoạt đua ghe truyền thống làng An Bằng, đội đoạt giải nhất thực tế không mang lại nguồn lợi về kinh tế cho các vạn[18], mà hơn cả, họ đã mang lại vinh dự và niềm hãnh diện cho vạn chài.
Trong quá khứ, cuộc đua diễn ra hàng năm, nhưng do sự tốn kém về kinh phí cho việc tổ chức cũng như kinh nghiệm có được về mùa cá trong những năm nhuận nên làng đổi lệ thành 3 năm một lần (Văn Đình Xuân, 2002, tr.88).
Bên cạnh những lễ hội gắn liền với đời sống kinh tế biển truyền thống, người dân An Bằng còn tổ chức những lễ hội mang yếu tố đặc trưng của làng xã vùng đồng bằng duyên hải như: lế Tế thu, lễ tế thành hoàng… Những nội dung đó chúng tôi sẽ đề cập trong một nghiên cứu khác.
4. Lễ hội truyền thống làng An Bằng: Xu hướng biến đổi
4.1. Xu hướng phai nhạt, suy thoái
Trong quá khứ, An Bằng là ngôi làng biển bãi ngang, đời sống kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào việc đánh bắt hải sản trên biển, trong đó có hạng vật cá cảm[19] được vinh dự cung cấp cho phủ Chúa Nguyễn và triều đình vua Nguyễn. Tuy nhiên, từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, người dân An Bằng bắt đầu di cư ra hải ngoại làm ăn, sinh sống, nghề biển từ đó cũng mất dần mất vai trò, số lượng người làm nghề biển cũng giảm đi rõ rệt. Do đó, nhiều nghi lễ, lễ hội gắn liền với sinh hoạt kinh tế biển, điển hình như lễ Trí phao, hay những kiêng kỵ trong hoạt động đánh bắt, đan lưới… đã không còn được người dân thực hiện.
Bên cạnh sự suy thoái dưới tác động của yếu tố ngành nghề truyền thống, mức độ quan tâm của giới trẻ đối với các giá trị văn hóa truyền thống cũng là một trong những nguyên nhân chủ quan khiến cho một số nghi lễ, lễ hội truyền thống dần bị lãng quên. Điển hình như lễ hội Cầu ngư, trong khi các hoạt động tế lễ truyền thống luôn được xem là công việc của những người lớn tuổi, có vai vế trong làng, thì giới trẻ An Bằng chỉ quan tâm đến phần hội với hoạt động đua ghe sôi nổi với những dấu hiệu cực đoan, sự ăn thua bắt đầu xuất hiện.
Sự biến đổi, suy thoái, thậm chí biến mất hoàn toàn các yếu tố văn hóa truyền thống là xu thế chung tất yếu khi xã hội phát triển đối với văn hóa làng xã khắp mọi miền trên cả nước nói chung, điều này lại càng thể hiện rõ nét hơn ở làng An Bằng, đặc biệt là dưới sự tác động của các yếu tố văn hóa hiện đại được du nhập từ chính số lượng đông đảo dân làng là những Việt Kiều của nhiều quốc gia trên thế giới.
4.2. Xu hướng phục hồi
Trong những năm gần đây, với đặc điểm là ngôi làng có nhiều biến động về dân cư, nghề nghiệp, nhưng một số lễ hội truyền thống làng An Bằng vẫn lưu giữ được những giá trị truyền thống, đặc biệt là hệ thống nghi lễ cúng tế… Bên cạnh đó, khi có điều kiện kinh tế khá giả hơn, người dân An Bằng thể hiện sự quan tâm nhiều hơn đối với các yếu tố văn hóa truyền thống, từ việc xây cho ông bà, tổ tiên những phần mộ quy mô, lộng lẫy cho đến việc tổ chức nghi lễ, lễ hội đầy đủ. Ngày nay, những nghi lễ, lễ hội luôn được người dân quan tâm tổ chức một cách trang trọng, lễ vật cũng tươm tất, thịnh soạn hơn. Cuối năm 2018, Ban điều hành làng An Bằng đã và đang gấp rút chuẩn bị cho việc phục hồi di tích Bàu Đình với tổng kinh phí lên đến 1.560.000.000 đồng. Nguồn kinh phí có được từ sự đóng góp của người dân trong làng và đặc biệt là nguồn huy động từ những người con xa quê ở hải ngoại.
Bên cạnh việc phục hồi các di tích, nghi lễ, lễ hội truyền thống, hàng trăm lăng mộ của tiền nhân được người dân An Bằng đầu tư kinh phí xây dựng lại với quy mô lớn hơn, trang trí thẩm mỹ, cầu kỳ hơn. Đặc biệt, trong khi ở nhiều địa phương khác, những lễ hội lớn thường đang có xu hướng chính quyền địa phương đứng ra quản lý, tổ chức thì ở An Bằng, việc tổ chức các nghi lễ, lễ hội hoàn toàn do Hội đồng làng - Ban Nghi lễ quản lý, tổ chức và thực hành. Chính quyền xã Vinh An chỉ tham gia với vai trò ổn định trật tự, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn cháy nổ… Đây là yếu tố rất quan trọng nhằm duy trì và phát huy giá trị, thể hiện sức sống của lễ hội truyền thống khi cộng đồng vẫn giữ vai trò chủ thể.
Bên cạnh đó, hiện nay những quy định liên quan đến sinh hoạt lễ nghi như đàn ông từ 60 tuổi trở lên, có đức độ, gia đình hòa thuận, con cái trưởng thành… mới được tham gia vào Hội đồng làng và các hoạt động phục vụ tế lễ trong những lễ tế, lễ hội được người dân An Bằng nghiêm túc thực hiện.
5. Kết luận
Biến đổi văn hóa nói chung và lễ hội nói riêng dưới tác động của nhiều yếu tố, đặc biệt là yếu tố đô thị hóa, công nghiệp hóa… là xu thế chung ở các làng quê Việt Nam, và làng An Bằng cũng không tránh khỏi xu thế đó. Trong những năm gần đây, các giá trị văn hóa truyền thống của làng An Bằng đang cho thấy sự “phục hưng”, thể hiện rõ nhất trong việc tổ chức, thực hành nghi lễ, lễ hội. Nhận thức của người dân được nâng cao, quan tâm nhiều hơn đến các yếu tố văn hóa truyền thống.
Trải qua thời gian, người dân làng An Bằng vẫn lưu giữ và thực hành những nghi lễ, lễ hội truyền thống của một ngôi làng biển, dù vậy, vẫn không tránh khỏi những thay đổi so với ban đầu, đặc biệt là dưới tác động của quá trình chuyển cư ra hải ngoại định cư của đông đảo dân làng kể từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ XX. Bên cạnh sự phai nhạt, suy giảm những lễ hội truyền thống gắn liền với đời sống kinh tế biển, những năm gần đây, xu hướng phục hồi lễ hội truyền thống ở An Bằng trở nên mạnh mẽ hơn, quy mô tổ chức lớn hơn. Khi có đời sống kinh tế khá giả, người dân An Bằng, đặc biệt là những người An Bằng hải ngoại có điều kiện thuận lợi để hỗ trợ cho các hoạt động nghi lễ, lễ hội do làng tổ chức. Sự phục hồi, phát triển quy mô của lễ hội Cầu ngư với sinh hoạt đua thuyền trên biển đã minh chứng cho điều này.
Việc người dân quan tâm, đầu tư nhiều hơn cho các hoạt động thực hành nghi lễ, lễ hội ở làng An Bằng trong những năm gần đây là dấu hiệu đáng mừng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Mặc dù vậy, công cuộc di dân từ làng An Bằng ra hải ngoại vẫn tiếp tục diễn ra ngày một mạnh mẽ hơn. Số lượng người dân An Bằng ở hải ngoại đang chiếm ưu thế so với dân cư ở tại quê nhà. Đây cũng là một trong những thách thức lớn đối với hoạt động gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống làng An Bằng trong tương lai.
N.T.L
Tài liệu tham khảo:
Ban Nghi lễ làng An Bằng (1999), Văn bản hán nôm làng An Bằng, Bản dịch của Lê Nguyễn Lưu, tài liệu lưu trữ tại Đình làng An Bằng.
Hoàng Phê [Cb] (1988), Từ điển tiếng Việt, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
Lê Nguyễn Lưu (2006), Văn hóa Huế xưa - đời sống văn hóa làng xã, Nxb Thuận Hóa, Huế.
Lê Quý Đôn (1977), Phủ biên tạp lục, (Toàn tập, tập I), Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
Nguyễn Hữu Thông (2010), “Đâu là sức sống của lễ hội trong bối cảnh đương đại”, Tạp chí Sông Hương, số 256(6-2010).
Nguyễn Thăng Long (2014), “Lễ hội lăng Ông Nam Hải ở Khánh Hòa: phát huy giá trị trong bối cảnh hiện nay”, Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế Lễ hội cộng đồng: truyền thống và biến đổi, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Tp. HCM.
Nguyễn Văn Mạnh, Nguyễn Thị Mỹ Lộc (2017), “Biển và di sản văn hóa biển Quảng Bình với chiến lược phát triển bền vững xã hội”, Tạp chí Thông tin Khoa học & Công nghệ Quảng Bình, số 1/2017.
Văn Đình Xuân (2002), Làng xưa tích cũ, Tài liệu lưu hành nội bộ.
Võ Vinh Quang (2017), “Làng An Bằng - một vùng quê sông nước đặc trưng”, Làng văn vật Thừa Thiên Huế, Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế - Trần Đại Vinh (Cb), Nxb Thuận Hóa, Huế.
[1] Trong quá khứ, người dân An Bằng chỉ sinh sống dựa vào nghề biển, tuy nhiên, hiện nay (năm 2018) cả làng chỉ còn 10 chiếc ghe nhỏ chủ yếu phục vụ đánh bắt gần bờ.
[2] Hiện nay làng An Bằng thuộc xã Vinh An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.
[3] “Nguyên vào nửa cuối thế kỷ XIV, Nguyễn Hoàng tức chúa Tiên vào trấn thủ Thuận Hóa năm 1558. Năm 1569, ông lại ra Thanh Hóa vào chầu vua Lê. Qua năm 1570, một số lái buôn người thôn An Ba, xã Cừ Hà, phủ Tân Bình (nay là Quảng Bình) đi thuyền ra buôn bán tại xứ Thanh, trong số đó có 3 ngài họ Nguyễn, Trần, Hoàng. Ba vị này đứng ra tình nguyện dùng thuyền trường đà chở chúa Tiên trở vào Ái Tử, lại làm hướng đạo đưa ngài đi đánh dẹp Mĩ quận công, tham gia trừ Lập quận công (Nguyễn Bạo). Sau khi xong việc, ba ngài đưa vợ con, bạn bè vào miền biển huyện Phú Vang, phủ Triệu Phong lập nên làng xóm, đặt tên là phường An Đôi. Nhờ có công lao phò tá, chúa cho dân phường được miễn thuế má, sưu dịch hàng năm chỉ nạp cá cảm làm lễ phẩm kỵ giỗ nơi tôn miếu…” (Ban Nghi lễ làng An Bằng (1999), Văn bản hán nôm làng An Bằng, Bản dịch của Lê Nguyễn Lưu, tài liệu lưu trữ tại làng An Bằng, tr. 2); ngoài ra, từ công lao đó, người dân làng An Bằng cũng được các chúa cho “trưng” vùng biển cạn để đánh bắt. (Lê Nguyễn Lưu (2006), Văn hóa Huế xưa - đời sống văn hóa làng xã, Huế: Nxb. Thuận Hóa, tr. 237).
[4] Theo nội dung ghi trên bia tiểu sử ngài Nguyễn Quý Công ở mộ các ngài khai canh làng An Bằng và Mục lục hương phổ làng An Bằng ghi: Năm Duy Tân thứ bảy [1913] phong tặng sặc phong cho các vị khai canh của làng: Khai canh Nguyễn Đại lang sắc phong Dực bảo Trung hưng tôn thần; Khai canh Trần đại lang, sắc phong Dực bảo trung hưng tôn thần (nguyên mộ, con cháu đều không lưu truyền); Khai canh Hoàng đại lang, sắc phong Dực bảo trung hưng tôn thần (nguyên mộ, con cháu đều không lưu truyền). (Ban Nghi lễ làng An Bằng (1999), Văn bản hán nôm làng An Bằng, tr. 93).
[5] Theo Bản Khai trưng đóng thuế năm Minh Mạng 20 (1839): “Lý trưởng Lê Văn Vựng và nhân dân ấp An Bằng thuộc tổng Kế Mỹ, huyện Phú Vang xin kê khai ghe chài hà bạc bổn ấp hai chiếc, lệ nộp thuế tiền và thuế cá cảm nộp tiền thay, mỗi hạng bao nhiêu biên chép đầy đủ dưới đây…” (Ban Nghi lễ làng An Bằng (1999), Văn bản hán nôm làng An Bằng, tr. 31).
[6] Phủ biên tạp lục chép rằng: “Theo ven biển từ phía Nam cửa Nhật Lệ đến cửa Minh Linh gọi là Đại Trường Sa; từ phía Nam cửa Việt Hải đến cửa Tư Dung gọi là Tiểu Trường Sa” (Lê Quý Đôn (1977), Phủ biên tạp lục, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội).
[7] Bên cạnh nhiều loại hải sản khác trên biển, cá cảm (dân làng thường gọi là cá cơm) là sản vật đặc trưng ở vùng biển An Bằng, mà hàng năm, ngư dân An Bằng phải nộp thuế cá cảm theo lệ cho chính quyền, đồng thời, đây cũng là loại phẩm vật được dâng lên các chúa. (Ban Nghi lễ làng An Bằng (1999), tlđd, tr. 31, 45, 46…).
[8] Chuyến vượt biên đầu tiên của ngư dân An Bằng được ghi dấu vào ngày 10 tháng 6 năm 1978 với 7 thanh niên trong làng trên một chiếc thuyền nan nhỏ. (Văn Đình Xuân (2002), Làng xưa tích cũ, Tài liệu lưu hành nội bộ, tr. 182).
[9] Là ngôi làng nổi tiếng ở Thừa Thiên Huế về số lượng người dân định cư ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Mỹ. Theo thống kê sơ bộ của Ban Hương lễ làng An Bằng, hiện nay có đến hơn 90% các hộ gia đình có người thân ở Hải ngoại, với hơn 2000 người đang định cư ở nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Canada, Anh, Úc,… So với nhiều ngôi làng lân cận, hiện nay đời sống kinh tế của người dân An Bằng khá giả hơn, phần nhiều nhờ nguồn lực kinh tế hỗ trợ từ người thân ở hải ngoại, bởi vậy không còn nhiều người dân theo nghề biển.
[10] “Ngài” mà người dân An Bằng gọi ở đây là Ngài Ngư, là cá Ông/Ông Nam Hải (cá voi). Theo quan niệm của ngư dân miền Trung và Nam Bộ, cá Voi là vị phúc thần, luôn phù trợ và ra tay cứu giúp ngư dân gặp nạn trên biển, được họ thành kính phụng thờ. Hàng năm, vào giữa tháng Tám, người dân An Bằng lại tổ chức lễ kỵ Ngài ở lăng Ông Ngư. Lễ vật ngoài hương đăng trầm trà, còn có cả heo, gà bánh trái…
[11] Mặc dù không quy mô, hoành tráng như ở các làng biển vùng Nam Trung bộ, lễ Nghinh Ông trong lễ hội Cầu ngư làng An Bằng được tổ chức khá đơn giản, nhưng vẫn thể hiện tính nghiêm cẩn, linh thiêng vốn có. Lễ Thỉnh Ngài diễn ra ngay tại bờ biển vào chiều tối ngày 11 tháng 5.
[12] Vào lúc 4h sáng, các vạn đua cùng toàn thể tay chèo đến Rạp trung tâm của làng để làm lễ hạ thủy ghe.
[13] Theo lời kể của ông Hồ Thiết (80 tuổi, thành viên Ban Nghi lễ làng An Bằng).
[14] Không chỉ riêng các tay chèo mà tất cả người dân trong Vạn trong thời gian luyện tập cho cuộc đua đều không được ra biển làm nghề, cho đến hiện nay quy định này vẫn được người dân tuân thủ nghiêm ngặt.
[15] Trải qua thời gian dài, cho dù những định lệ truyền thống đã dần trở nên đơn giản hơn, nhưng, yếu tố thiêng trong các hoạt động thực hành nghi lễ ở lễ hội Cầu ngư làng An Bằng vẫn không hề mai một.
[16] Theo thống kê của Ban tổ chức lễ hội Cầu ngư làng An Bằng, năm 2014 đã có 170 con em là dân làng từ nhiều nước trên thế giới trở về tham dự lễ hội. Sự trở về đó không chỉ thể hiện tình cảm của những người con xa quê đối với quê hương, làng xóm mà còn có những đóng góp thiết thực về mặt vật chất, góp phần không nhỏ tạo nên sự thành công của lễ hội Cầu ngư thường niên ở ngôi làng biển này.
[17] Bạn hàng là những tiểu thương thường mua cá, hải sản của các chủ ghe rồi mang ra chợ bán lại.
[18] Để chuẩn bị cho giải đua, mỗi vạn phải đầu tư một số kinh phí khá lớn cho nhiều công việc như: đóng mới ghe, tu sửa, bảo dưỡng ghe, hay tổ chức cho các tay chèo tập luyện liên tục trong thời gian dài…
[19] Theo nội dung bản khai trưng đóng thuế năm Minh Mạng 20 (1839), hạng vật cá cảm là một trong những mục phải nộp thuế. Mỗi ghe chài phải nộp thuế là 05 vại cá cảm, và được nộp thay bằng tiền. (Ban Nghi lễ làng An Bằng (1999), Văn bản hán nôm làng An Bằng, tlđd, tr. 31).