HOÀNG THỊ ÁI HOA
1. Đặt vấn đề
1.1. Đua thuyền - đua trải là hoạt động văn hóa đặc trưng trong đời sống làng quê nông nghiệp vùng sông nước ở Huế, gắn liền các dịp lễ nghi cầu an, cầu ngư... Từ đây, bên trên nhiều hoạt động sôi nổi của lệ đua trải thì những khoảng lặng âm thầm của nghề đóng trải đua hiếm hoi lại ít người biết đến.
Theo đó, đóng trải đua không chỉ mang ý nghĩa mưu sinh như một nghề thủ công thông thường bởi ngoài tài nghệ đặc biệt, người thợ đóng trải nắm giữ tri thức nghề nghiệp, phải luôn chịu áp lực nặng nề bởi trách nhiệm, bổn phận trước cộng đồng, nhất là những chuẩn tắc, quy ước đậm tính tâm linh. Chính vì vậy mà cho dù ở Thừa Thiên Huế có đội ngũ thợ mộc đông đảo nhưng riêng với nghề đóng trải truyền thống, lại rất hiếm hoi và đang bị mai một. Trong tương lai gần, khi lớp thợ đóng thuyền lớn tuổi, những người già nắm giữ tri thức nghề mất đi sẽ kéo theo sự biến mất của những kỹ thuật đặc thù. Chính vì vậy, việc tái hiện mẫu trải đua truyền thống là một việc làm cần thiết và góp phần vào việc bảo tồn, phát huy một nghề thủ công truyền thống phục vụ nhu cầu tâm linh tín ngưỡng vùng Huế.
2. Kỹ thuật đóng trải đua truyền thống Huế
2.1. Nguyên vật liệu chế tác
* Gỗ là nguyên liệu chính của chiếc trải đua và thường sử dụng loại gỗ tốt, có khả năng chịu nước cao. Kiền kiền, lim và chò là ba loại gỗ chủ yếu thường được lựa chọn để đóng trải đua. Trong đó, kiền kiền được ưu tiên hàng đầu bởi đây là loại gỗ thẳng, cứng[1], chịu nước tốt và đặc biệt phân bố khá nhiều ở rừng núi phía Tây các tỉnh miền Trung, bao gồm Thừa Thiên Huế[2]. Tuy nhiên, chỉ những làng có tiềm lực kinh tế mới sở hữu được một trải đua gỗ kiền do giá thành khá đắt. Đây cũng là lí do một số trải đua (không phổ biến) chỉ sử dụng kiền để đóng bộ phận chìm dưới nước (tấm tè, tấm tiếp), phần nổi bên trên (tấm mạn) dùng gỗ chò - vốn rẻ, dễ kiếm nhưng lại có nhược điểm là dễ bị mục dọc theo đường nối giữa hai tấm ván. So với gỗ kiền và gỗ chò, gỗ lim là loại vật liệu ưu trội hơn hẳn về độ chắc bền cũng như khả năng chịu nước. Cư dân nông nghiệp cho rằng đây là loại gỗ tốt nhất dùng để đóng thuyền. Tuy nhiên, người làm ngư nghiệp quan niệm rằng: gỗ lim chỉ được dùng trong kiến trúc thờ tự (đình, chùa, am miếu, v.v.), làm thuyền bằng gỗ lim là “phạm” đến thần linh. Việc dùng gỗ lim, vì thế, không phổ biến bằng gỗ kiền kiền.
Trước đây, việc khai thác gỗ do chính các làng có nhu cầu đóng trải tự khai thác. Cây được chọn phải đảm bảo tiêu chí có thân cao hơn 14m, không bị nứt, ít mắt, không có dây leo xung quanh thân cây, đặc biệt phần ngọn không được hỏng làm ảnh hưởng chất lượng gỗ. Từ khi việc khai thác gỗ được đặt dưới sự quản lý nghiêm ngặt của chính quyền, các địa phương thường trực tiếp hoặc thông qua thợ để liên hệ lựa chọn, đặt hàng cho các công ty kinh doanh lâm sản. Gần đây, gỗ nhập từ Lào là nguồn cung ứng chính cho việc đóng trải đua ở Thừa Thiên Huế.
* Tre và các vật liệu khác: Tương tự chọn gỗ, chọn tre cũng rất kỳ công - đó là những cây tre đực, đủ độ già, ít mắt và còn nguyên đọt. Đây là vật liệu chính thứ hai sau gỗ khi đóng trải đua. Ngoài ra, còn có một ít gỗ xoan, lá tranh, xơ tre, mây, vỏ cây tràm - một loại cây sống ở vùng ngập mặn, có độ giản nở tốt.
Bên cạnh các vật liệu khai thác từ thiên nhiên đã nêu trên, hiện nay còn có các vật liệu khác như dây cước, khuy đồng dùng trong chế tác bộ phận néo và các cọc chèo. Việc sử dụng các vật liệu mới trên tổng thể không làm thay đổi hình dạng trải đua nhưng ít nhiều làm mất đi nét truyền thống vốn có.
2.2. Các công đoạn, kỹ thuật chế tác
* Xẻ ván
Sau khi chọn được gỗ, phơi khô, xẻ ván là công đoạn hết sức quan trọng. Tương ứng với phần thân trải, cần có 5 con ván: 1 tấm ván tiếp: dùng làm đáy trải (còn gọi là lòng trải); 1 tấm ván tè: gắn hai bên mép của ván tiếp; 2 tấm ván mạn: gắn vào hai bên mép trên của ván tè. Tất cả các con ván này có độ dày và dài khá tương đồng nhau (dày: 3 - 4cm; dài: 13 - 14m). Mỗi loại con ván cũng có những yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật riêng:
- Ván tiếp (con tiếp) gồm một tấm, là bộ phận đáy, luôn tiếp đất (trên cạn) và tiếp nước (dưới sông), cần độ bền chắc nên luôn được lựa chọn đầu tiên trong số gỗ được chuẩn bị. Ván tiếp luôn được chọn từ phần lõi/chính giữa của súc gỗ nguyên cây (gọi là ván áp giang) nhằm đảm bảo đối xứng tâm gỗ cũng là tâm thuyền. Nếu lấy lệch, khi ghép thuyền sẽ dẫn đến co rút không đều, dẫn đến lệch tâm và đương nhiên thuyền sẽ bị nghiêng, chòng chành. So với các con ván khác, ván tiếp dài nhất, trên 12m (tiếp đó là ván mạn, ván tè - chênh nhau từ 1 - 2m). Đối với loại ván tiếp này, người thợ còn phải dùng lửa để uốn hai đầu nhằm tạo độ cong và cao so với thân trải ở phần mũi, lái vừa tăng hiệu suất, tốc độ và đảm bảo tính thẩm mỹ.
- Ván tè (con tè) gồm hai tấm, được ráp đối xứng hai bên ván tiếp, liền kề với hai tấm ván mạn bên trên, là bộ phận tạo độ cong cho lòng trải.
- Ván mạn (con mạn) gồm hai tấm, nằm đối xứng hai bên ván tè, là nơi gắn các đà ngang làm chỗ ngồi cho các tay bơi.
* Chia lỗ làu
Các lỗ làu[3] được phân bố ở hai bên cạnh (theo chiều dọc) ván tiếp, ván tè và một bên ván mạn, với khoảng cách đều nhau 15cm - 20cm. Việc bắt mực, phân chia lỗ làu được xem là công đoạn khó nhất, phải đảm bảo để khi ráp các con ván, vị trí các lỗ làu trùng khít, không bị lệch. Mức độ chính xác của các lỗ làu sẽ quyết định đến khả năng chịu lực và tốc độ của thuyền đua. Thậm chí, những tính toán dẫn đến sai số lớn có thể dẫn đến việc phải bỏ cả những con ván. Đối với các lỗ làu ở phía mũi lái, việc tính toán mật độ, khoảng cách giữa các lỗ càng phải kỹ lưỡng. Sau khi ra mực lấy vị trí lỗ làu, thợ cả còn dùng một dụng cụ đặc biệt gọi là keng (do thợ cả tự chế tác) để định vị thêm một lần trước khi thực hiện công đoạn khoan.
* Khoan lỗ làu
Đối với các thuyền thông thường, việc khoan lỗ làu chỉ cần khoan xuyên qua con ván một cách đơn giản. Cách làm này sẽ khiến cho các mối buộc bị lộ ra bên ngoài thân thuyền, nước dễ ngấm vào, tốc độ thuyền cũng bị ảnh hưởng. Trong khi đó, khoan lỗ làu ở trải đua đòi hỏi kỹ thuật phức tạp hơn, chỉ người nắm chắc nghề trong tay mới có thể thực hiện được. Để đảm bảo tính thẩm mỹ, giấu tất cả các múi buộc bên trong lòng thuyền khi ráp các con ván và tránh nước vào bên trong cũng như lực cản khi thuyền di chuyển trên mặt nước, tất cả các lỗ làu phải được khoan bán thân: từ mặt chính diện, gần mép ván, khoan lỗ thứ nhất với độ sâu chỉ bằng ½ độ dày của con ván; tương ứng vị trí của lỗ khoan nhứ nhất, ngay trung điểm của độ dày mặt bên, khoan thêm một lỗ thứ hai sao cho lỗ khoan này có được tiếp điểm với lỗ khoan thứ nhất. Mỗi lỗ làu của thuyền đua, vì thế, tương ứng với hai lỗ khoan thông với nhau theo hướng vuông góc. Thông thường, trên ván tiếp có tất cả 59 lỗ làu, ván tè: 48 lỗ và ván mạn: 56 lỗ. Để thực hiện những lỗ làu đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác này, khoan kéo dây thường được sử dụng phổ biến hơn cả. Ngày nay, đã dần thay thế bằng khoan điện, tuy tiết kiệm thời gian và công sức nhưng cũng dễ dẫn đến sai sót nếu người thợ không vững tay nghề.
* Ghép ván
Sau khi xẻ và tạo hình con ván, bắt mực, khoan lỗ làu, công đoạn tiếp theo là ghép ván. Mô tả về công đoạn này trong kỹ thuật đóng thuyền vùng Trung Bộ của Việt Nam, từ những năm 1940, J. Piétri đã viết trong Thuyền buồn Đông Dương: “Tất cả có 5 dải tấm ván be, ván đáy rất rộng, hai ván nghiêng bên và hai ván cuối cùng đặt đứng. Ván được buộc với nhau không dùng đinh ghép tại các mép, mà buộc bằng sợi mây”[4]. Trên thực tế, quy trình ghép 5 con ván này phải qua nhiều thao tác khác nhau:
- Ghép ván tè với ván tiếp: Việc ghép hai tấm ván tè đối xứng nhau qua ván tiếp sẽ định hình nên lòng trải. Sau khi ướm thử, định vị, cố định cả ba tấm ván này với nhau bằng cách buộc vào một khung tre, người thợ sẽ tiến hành công đoạn chạy đường làu (còn gọi là xảm mối ghép) - cố định các con ván lại với nhau và bịt chỗ giáp nối.
Chạy đường làu bao gồm các thao tác:
+ Chạy cỏ: lấy vỏ cây tràm (trước đây dùng tranh hoặc xơ tre) đã phơi khô xảm vào các rãnh hở theo chiều dọc bên trong lòng trải.
+ Làu: lấy những thanh nan tre dài chẻ mỏng, ốp lên trên các lọn tràm, cật tre (vỏ tre) quay ra ngoài; dùng dây mây khâu hai con ván tại vị trí các lỗ làu. Quá trình khâu này sẽ đồng thời bó chặt lớp vỏ cây, nan tre cố định vào ván trải. Để chắc chắn, người thợ tiếp tục dùng dây mây vấn quanh các sợi mây khâu, gọi là kỹ thuật cườm, kỹ thuật này đã tạo nên đặc điểm loại “thuyền khâu” đặc trưng vùng Bắc Trung bộ[5]. Không dừng lại ở đó, để xiết chặt hơn nữa đường nối giữa các con ván, những miếng nêm bằng gỗ xoan (với đặc tính mềm dẽo, không bị vỡ toác khi chịu lực của búa), đóng lên trên lớp nan tre, tạo thành những đường làu chạy dọc bên trong trải đua. Đường làu này cũng là nơi để đạp chân vào, tạo lực khi người ngồi trên trải vung chầm bơi đua.
Với kỹ thuật làu phức tạp trên, trải đua có khả năng chống nước rất tốt bởi phần vỏ tràm/tranh/xơ tre khi tiếp xúc với nước sẽ nở ra, bịt kín tất cả các điểm hở ở nơi giáp nối. Đồng thời, nhìn từ bên ngoài, chiếc trải như một khối duy nhất, bởi không lộ bất cứ dấu vết nào của việc khâu các mảnh ván với nhau[6].
- Ghép ván mạn với ván tè: Sau khi ghép xong ván tè vào ván tiếp, hai tấm ván mạn tiếp tục được ghép vào hai bên tấm ván tè với các công đoạn tương tự. Sau khi toàn bộ các mảnh ván ghép nối với nhau, hình dáng trải được định hình đầy đủ, người thợ kiểm tra lần cuối cùng tại vị trí các lỗ khoan/lỗ làu; xảm vỏ tràm vào các điểm còn hở để tránh hiện tượng tuôn nước mắt - tức nước từ dưới phun lên từ các lỗ làu.
Như vậy, có thể thấy, trải đua mặc dù đóng theo kiểu ghép ván như trên nhưng với kỹ thuật khâu tinh tế, tỉ mỉ, đã tạo nên những sống kép rất chắc chắn (đường giáp nối giữa ván tiếp và ván tè; ván tè và ván mạn). Trải đua, vì thế, nhìn rất mảnh mai, thẩm mỹ nhưng không kém phần vững chãi trong điều kiện sông nước.
* Kỹ thuật ráp mũi, lái
- Ráp mũi: mũi là phần phía trước của trải đua, được thạo thành từ 2 thanh choát, gắn vào một tấm gỗ (gọi là lô), tạo thành hình chữ V (xem ảnh). Mũi được cố định vào thân thuyền bằng cách nối hai tấm choát vào hai tấm mạn thông qua các lỗ mộng (mỗi bên hai lỗ). Ngoài ra, tại điểm cuối của mỗi tấm choát có thêm một lỗ làu và tương ứng với nó là lỗ làu trên tấm mạn. Các lỗ làu này được khâu với nhau bằng dây mây nhằm tăng thêm độ kết nối giữa phần mũi và phần thân của thuyền.
Ở phần mũi của trải đua có một bộ phận quan trọng khác có thể lắp vào hay tháo rời, được ốp sát vào mũi trải, gọi là trầm sơn. Nếu như trải đua là căn nhà thì trầm sơn chính là vị trí linh thiêng nhất của mái nhà, nơi đặt bát nhan thờ các vị thần linh.
- Ráp lái: Tương tự như mũi, lái cũng được tạo thành từ hai thanh choát, cố định vào thân thuyền bằng cách ráp nối vào ván mạn. Giữa hai ván mạn sát phía lái có một thanh gỗ bắt ngang bên trên, gọi là đọ lái. Điểm khác nhau cơ bản giữa mũi và lái là thanh choát của lái dài hơn. Do vậy, khi ráp lái vào thân thuyền thì phần lái luôn có độ cao nhỉnh hơn mũi thuyền, giúp cho người đứng sau có thể quan sát các chướng ngại vật phía trước mà không bị che khuất tầm nhìn.
* Gắn bộ nẹc, căng néo, lắp lá sen, đòn hào
- Gắn bộ nẹc: Nẹc là một khung được ráp từ hai khung hình chữ H với nhau, tạo thành hình chữ nhật với các cạnh thừa ra bên ngoài ở cả 4 góc, trong đó hai cạnh nằm ngang khoang trải tiếp xúc với hai tấm ván tè. Chỗ ráp nối giữa hai chữ H được buộc bằng dây mây và tại vị trí này, có thể đặt 2 đến 3 nêm gỗ (xem ảnh). Việc thêm vào hay bớt ra các nêm gỗ ở điểm giáp nối tác động đến tiết diện tiếp xúc giữa trải và mặt nước, do đó, sẽ ảnh hưởng đến tốc độ của trải. Thông thường, một trải đua có 2 bộ nẹc được gắn vào lòng thuyền, ở vị trí trước và sau tim trải.
- Căng chống khoang trải: Để căng chống khoang trải, cần đến các thanh gỗ chống ngang giữa hai tấm mạn. Những thanh chống này được gọi là gang mở (hay gang chống, đà chống), có vai trò định hình hình dáng trải theo đúng mực, và cũng có tác dụng như khung xương giữ thăng bằng cho trải không bung ra.
Một trải đua thường có 02 gang mở, gồm: gang mở mũi, gang mở lái và 9 gang chống giữa ở thân trải, tạo thành số khoang tương ứng. Độ rộng của khoang trải luôn tỉ lệ thuận với độ dài của gang mở/gang chống: dài/rộng nhất ở chính giữa thân trải và ngắn/hẹp dần về phía hai phía mũi, lái. Riêng bề mặt của gang mở lái và gang mở mũi là rộng nhất (12cm so với 3cm của gang chống giữa) nhằm chịu lực chống và đẩy của cọc chèo ở phần lái và dùng làm chỗ ngồi ở phần mũi. Điểm khác biệt nữa là gang mở lái không đặt phần có tiết diện rộng nằm ngang mà theo hướng thẳng đứng, nhằm tăng thêm phần lực chống ở phần lái.
Để cố định các gang chống/gang mở vào thân trải, mặt trong của hai tấm mạn được đục thành những lỗ mộng, có tiết diện tương ứng với bề mặt tiếp xúc của gang chống/gang mở. Cũng như các lỗ làu, các lỗ mộng này cũng được đục bán thân nhằm đảm bảo thẩm mỹ và hạn chế thấm nước.
- Căng néo
Sát bên mỗi lỗ mộng - nơi tiếp xúc của 9 gang chống (ở giữa) với ván mạn, đều có một khuy néo bằng đồng. Thợ thuyền sẽ dùng dây mây (sau thay bằng dây cước) để căng (khoảng 3 vòng) từ khuy néo này sang khuy néo kia, song song với các gang chống. Ngoài ra, một chiếc nêm được đặt vào trung điểm của dây mây, để xoắn các dây này lại với nhau, nhằm tăng độ căng cho néo.
- Lắp đòn hào, ráp phách ngồi
Đòn hào (hay còn gọi là đòn đông) là những thanh gỗ vuông, dày 3cm, dài tầm 3m. Mỗi thuyền đua có 4 đòn hào, cố định vào mặt dưới của gang chống, dọc theo hai bên thân thuyền (mỗi bên 2 đòn), có tác dụng làm thanh đà để lót phách ngồi (chỗ ngồi cho người chèo).
Phách ngồi là những tấm ván mỏng, rộng chừng 25 cm, gắn trên đòn hào và được cố định vào gang chống gần nhất bằng một mối buộc vào lỗ khoan gần mép, ngay trung điểm chiều dài của phách. Tùy thuộc kích thước thuyền đua, các phách được tính toán để phân bố một cách hợp lí, thuận tiện cho vung chèo, rướn người lấy đà,... Với thuyền đua dài 12m tương ứng với 14 người ngồi bơi, có tất cả 8 phách và 3 gang chống/gang mở (đồng thời làm phách ngồi) (5 phách giữa thân thuyền cho 10 người bơi và; 2 phách phía mũi, 2 phách phía lái - cho 3 người bơi và 1 người chèo lái).
* Làm cọc chèo, quai chèo, mái chèo, chầm bơi
Nọc chèo được làm từ một khối gỗ tròn (đường kính khoảng 5cm), hơi cong (khoảng 120 độ). Một đầu được cố định vào ván tè (bằng một khuy đồng), phần giữa được cột vào gang mở lái sao cho phần cong hướng ra bên ngoài của lòng thuyền. Nọc chèo sẽ là nơi buộc mái chèo bằng một quai chèo. Quai chèo được bện bằng dây mây (về sau thay bằng dây dù), trong đó, một đầu được bện thành hình tròn. Hình tròn này sau khi xoắn lại sẽ tạo thành hình số 8, một lỗ móc vào nọc chèo, một lỗ móc vào mái chèo để nọc chèo và mái chèo trở thành một khối thống nhất.
Mái chèo thường được làm bằng gỗ kiền, dài khoảng 4m, có vai trò quan trọng trong việc định hướng hướng đi của thuyền đua.
Chầm bơi: tương tự mái chèo, chầm bơi thường được làm bằng gỗ kiền (với đặc tính nhẹ, dai, không vỡ, nổi được trên mặt nước), dài khoảng 1,3m. Tương ứng với kích thước và số người bơi, số chầm của mỗi thuyền đua/trải đua khác nhau:
Thuyền 11 m (gọi là tròong 8): 12 người bơi (1 chèo, 11 chầm)
Thuyền 12 m (gọi là tròong 9): 14 người bơi (1 chèo, 13 chầm)
Thuyền 16 m (gọi là trải mực): 24 người bơi (1 chèo, 23 chầm)
* Đánh bóng, vẽ mắt trải
- Đánh bóng: Sau khi hoàn tất, thuyền đua được lật úp lại để đánh bóng mặt ngoài. Trước khi đánh bóng, dùng nhánh gỗ đốt nóng lên để thui hết các xơ bã trên thân thuyền, để giảm ma sát và giúp thuyền khô rút đều; dùng bào bào bên ngoài ván cho trơn. Sau đó, lấy trái vừng non chà xát lên mặt gỗ để chất dầu bám vào mặt ván, nhằm tăng độ nhẵn bóng; hoặc có thể dùng dầu vừng bôi trực tiếp giúp chống thấm nước, tăng độ trơn bên ngoài mạn thuyền. Ngày nay, với sự xuất hiện của các vật liệu mới, thợ đóng thuyền có thể thay thế các phương pháp mài nhẵn truyền thống bằng giấy nhám, máy bào, keo tổng hợp, dầu toa, .v.v.
- Vẽ mắt thuyền: Trong mẫu số chung của mắt thuyền vùng Trung Bộ[7], mắt thuyền của các thuyền đua vùng Thừa Thiên Huế có đặc điểm: mắt thuyền hẹp, nhãn cầu màu trắng. Sau khi mắt thuyền được vẽ, chọn được giờ tốt, ngày lành, mới tiến hành điểm nhãn. Thông thường, con ngươi được điểm màu đen.
Từ công đoạn đầu tiên đến khi hoàn thành việc đóng một thuyền đua thường phải kéo dài gần 2 tháng. Tuy nhiên, để chuẩn bị vật liệu, tài lực để đóng một con thuyền có kích thước lớn, cả làng phải huy động nguồn lực, tích lũy một thời gian dài, thậm chí kéo dài hàng năm. Ngày nay, với sự hỗ trợ của máy móc hiện đại, thời gian thi công một chiếc thuyền đua rút ngắn hơn, nhưng vẫn không đáng kể, vì cơ bản vẫn cần những thao tác thủ công tỉ mỉ.
3. Một số giải pháp kiến nghị nhằm bảo tồn và phát huy nghề đóng trải đua truyền thống hiện nay
Để nghề đóng trải đua truyền thống tồn tại và không mất đi những kỹ thuật, bí quyết độc đáo trong việc đóng thuyền năm thân truyền thống, tất yếu phải đi tìm một sinh lộ cho việc bảo tồn và phát triển nghề dưới nhiều phương cách khác nhau.
- Trải đua chính là phương tiện không thể thiếu trong lễ hội đua trải truyền thống của các làng quê ở Thừa Thiên Huế. Vì vậy, để cho nghề đóng trải có cơ hội hồi sinh và phát triển thì cần có chính sách khuyến khích việc duy trì lễ hội đua trải truyền thống hiện nay. Việc xây dựng hồ sơ di sản văn hóa về lễ hội đua trải truyền thống và có những cơ chế chính sách mang tính lâu dài là nhân tố quan trọng thúc đẩy nghề đóng trải đua phát triển.
- Cần có chính sách đặc thù đối với nguồn nguyên vật liệu dùng cho đóng trải đua, bởi gỗ dùng để đóng trải không chỉ lớn về chiều ngang mà còn rất dài - đòi hỏi phải khai thác cây gỗ cao đến 15m. Nhưng cơ chế riêng về khai thác rừng, nhập khẩu gỗ và vận chuyển chính là yếu tố hỗ trợ rất lớn để cộng đồng có nhu cầu đóng trải cũng như nghệ nhân có thể chế tác một cách hợp pháp và hiệu quả. Mặc dù hiện nay, một số nguyên liệu như vỏ cây tràm, mây, tre chưa thật sự khan hiếm nhưng cũng đã bắt đầu thu hẹp diện tích, nguồn cung. Chú ý quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu này để đồng thời phục vụ cho một số ngành liên quan (làm dầu tràm, mây, tre dùng để buộc vì kèo mái nhà cho các công trình du lịch nghỉ dưỡng, v.v.) cũng là vấn đề đáng lưu tâm.
- Ngoài đóng trải đua phục vụ đua bơi, trong bối cảnh Thừa Thiên Huế là một tỉnh có nhiều tiềm năng du lịch, việc phát triển nghề đóng trải đua theo hướng hàng thủ công mỹ nghệ cũng mở ra một lối đi cho nghề mộc nói chung, nghề đóng thuyền truyền thống nói riêng. Đây chính là những sản phẩm hàng lưu niệm độc đáo, đậm bản sắc Huế;
- Để khẳng định giá trị, đặc trưng riêng có của trải đua truyền thống Huế theo chúng tôi xây dựng chỉ dẫn địa lý cho trải đua là rất cần thiết. Việc xây dựng chỉ dẫn địa lý sẽ tác động tích cực và rõ ràng đến nhận thức, sự quan tâm, đầu tư về nguồn lực của chính quyền địa phương cũng như nhận thức của các doanh nghiệp, người dân, đến danh tiếng, giá trị của sản phẩm được bảo hộ; Tạo động lực đối với đội ngũ nghệ nhân hiếm hoi còn lại hiện nay tiếp tục theo nghề, duy trì nghề; Các nghệ nhân đóng trải đua cũng sẽ có thêm cơ hội để được Nhà nước hỗ trợ nhiều hơn trong việc quảng bá sản phẩm cũng như giải quyết những khó khăn, hạn chế về vùng nguyên liệu, thị trường tiêu thụ sản phẩm.
- Tổ chức các buổi triển lãm chuyên đề tại các bảo tàng văn hóa của địa phương về nghề đóng trải đua, bao gồm nói chuyện chuyên đề, trưng bày tiêu bản các loại thuyền; phục dựng quá trình đóng trải đua dưới dạng ảnh chụp, phim, đồ họa 3D.
- Đào tạo đội ngũ kế cận thông qua hình thức truyền dạy nghề cho lớp trẻ.
- Xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ cho các nghệ nhân trong lĩnh vực nghề thủ công truyền thống nói chung, nghề đóng trải đua nói riêng. Cần có những giải pháp đãi ngộ, tôn vinh để động viên nghệ nhân có động lực giữ gìn vốn văn hóa truyền thống.
H.T.A.H
Tài liệu tham khảo:
[1] Trong Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn cũng đã nhận xét về tác dụng của loại gỗ kiền kiền này: “Gỗ kiền kiền tính thẳng và rất cứng. Với thuyền đóng bằng gỗ kiền kiền, người ta không phải lo ngại sóng gió. Nhưng gỗ này chỉ để đóng thuyền nhỏ chuyên chở trong các con sông mà thôi [Lê Quý Đôn (1973), Phủ biên tạp lục, [Lê Xuân Giáo dịch], tập II, tủ sách cổ văn - Ủy ban dịch thuật - Phủ Quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa xuất bản, tr. 373].
[2] “Tại các đầu nguồn các huyện Khang Lộc, Quảng Điền, và Phú Vang thuộc châu Nam Bố chánh đều có thứ gỗ kiền kiền này” [Lê Quý Đôn (1973), Phủ biên tạp lục, Tlđd..., tr. 372].
- Việc dùng loại gỗ đóng thuyền còn phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu có tại địa phương: ở Quảng Bình dùng gỗ Huện, Dỗi. “Rừng núi hai nguồn Trạm, nguồn Cộc thuộc huyện Khang Lộc có nhiều gỗ tốt,... Đến như gỗ đóng thuyền thì đều dùng gỗ huện, rất dài và to, bề rộng bề dày đều bội thường, sắc đỏ mà nhẹ, cùng với gỗ gụ, gỗ sến, tục địa phương đều chuộng cả” [Lê Quí Đôn (2006), Phủ biên tạp lục, Đỗ Mộng Khương, Nguyễn Trọng Hân, Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, Nxb. Văn hóa Thông tin, tr. 410].
[3] Lỗ làu là những lổ nhỏ được xoi/đục trên ba bộ phận chính cấu tạo thành trải đua, là nơi để giáp nối các con ván lại với nhau.
[4] J. B. Piétri (2015), Thuyền buồm Đông Dương, Đỗ Thái Bình dịch, TP.HCM: Nxb.:Trẻ, tr. 134.
[5] J. B. Piétri gọi đây là thuyền “khâu”, một kỹ thuật rất đặc trưng vùng Bắc Trung bộ nói chung, khu vực Huế, Quảng Bình nói riêng. “Với con mắt của người không chuyên, khi nhìn vào bên ngoài vỏ thuyền không một đường ghép có thể sẽ đặt dấu hỏi, người Việt đã làm bằng cách nào mà khâu được các tấm ván lại với nhau mà không để lại dấu vết” [J. B. Piétri (2015), Thuyền buồn Đông Dương, Đỗ Thái Bình dịch, Nxb.Trẻ, tr. 55, 134].
[6] Một số địa phương ở tỉnh Quảng Bình hiện nay vẫn bảo lưu kỹ thuật làu này, nhưng keo tổng hợp đã bắt đầu sử dụng để bơm vào các mối nối giữa các tấm ván, không còn tính nguyên bản vốn có [Nguyễn Xuân Hồng, Phạm Trung Đông (Chủ biên) (2018), Lễ hội đua thuyền truyền thống huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 131].
[7] Một tài liệu quan trọng từng mô tả đặc điểm mắt thuyền: “Từ phía Nam vĩ tuyến 17 tới Phan Thiết, mắt thuyền hẹp và và có con ngươi nhìn thẳng về phía trước. Con ngươi thường được sơn đen trên nhãn cầu sơn màu trắng” [Viện Battelle Memorial (1967), Thanh thư về tàu thuyền cận duyên miền Nam Việt Nam, Ohio, tr. 25].