Văn nghệ dân gian
Bảo tồn và phát huy giá trị các tác phẩm điêu khắc Champa ở Thừa Thiên Huế
15:20 | 15/11/2022

NGUYỄN VĂN QUẢNG

Bảo tồn và phát huy giá trị các tác phẩm điêu khắc Champa ở Thừa Thiên Huế
Ảnh minh họa (Internet)

Trong tiến trình phát triển của vương quốc Champa, địa bàn Bắc Hải Vân nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng có vị trí chiến lược hết sức quan trọng. Đây là vùng đất gắn liền với sự hình thành vương quốc Champa, thuộc châu Ulik; là vùng giáp ranh giữa Champa - Trung Hoa, Champa - Đại Việt trong lịch sử. Vị thế địa – chính trị này có ảnh hưởng không nhỏ đến đặc trưng các di tích văn hóa Champa ở Thừa Thiên Huế.

Cũng như nhiều vùng/miền/tiểu vương quốc khác ở khu vực miền Trung, sự tồn tại của vương quốc Champa ở khu vực này không chỉ được chứng minh qua các nguồn sử liệu, bia ký mà còn thể hiện qua nhiều công trình kiến trúc đền tháp, thành lũy, các công trình khai thác nước….còn tồn lưu. Theo kết quả thống kê mới nhất, ở Thừa Thiên Huế hiện nay (năm 2013) còn hiện diện của 2 thành lũy, 2 giếng cổ, 14 di tích và phế tích đền tháp Champa. Đáng chú ý nhất, bên cạnh các công trình kiến trúc, ở Thừa Thiên Huế còn lưu giữ khoảng 150 tác phẩm điêu khắc Champa có nguồn gốc từ các di tích trong địa bàn tỉnh và từ các tỉnh khác ở miền Trung[1]

Với nội dung lịch sử, văn hóa nghệ thuật đặc biệt, di tích, di vật văn hóa Champa ở Thừa Thiên Huế luôn là những địa chỉ hấp dẫn, được sự quan tâm thường xuyên của giới nghiên cứu trong và ngoài nước, của các cơ quan quản lý, chính quyền và nhân dân địa phương. Nhiều di sản vật chất của văn hóa này đang được tiếp tục giữ gìn, trân trọng, phát huy giá trị, thậm chí gắn bó sâu đậm với đời sống tâm linh của nhân dân địa phương. Tuy nhiên do sự tác động của con người trong quá trình lao động sản xuất, sự khắc nghiệt của điều kiện tự nhiên và tính đặc thù về lịch sử xã hội của khu vực này mà phần lớn các di tích kiến trúc Champa ở Thừa Thiên Huế đã trở thành phế tích hoặc bị lãng quên, thậm chí có nguy cơ xóa sổ hoàn toàn, nhiều di vật bị phân tán, mất mát và mặc dù được quản lý, giữ gìn nhưng không phát huy được giá trị, việc tổ chức nghiên cứu, trưng bày đã được tính đến đến nhưng chưa có điều kiện triển khai hiệu quả bởi những khó khăn về tổ chức, phương pháp và kinh phí.

Xuất phát từ thực tế đó, việc tổ chức nghiên cứu quy mô, hệ thống và mang tính thực tiễn… kết hợp với việc đề ra và thực hiện những chính sách cụ thể, cấp thiết đối với các tác phẩm điêu khắc Champa ở Thừa Thiên Huế nói riêng, miền Trung nói chung là vấn đề sớm phải thực hiện, nếu không thì sự hư hỏng, mất mát chắc chắn sẽ xảy ra đối với những di sản quý giá này. Trong báo cáo này, chúng tôi muốn trao đổi một số vấn đề khoa học và thực tiễn với hy vọng góp thêm vài ý tưởng trong việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị các tác phẩm điêu khắc Champa ở Thừa Thiên Huế trong bối cảnh hiện nay.

1. Khái quát chung về điêu khắc Champa ở Thừa Thiên Huế

Điêu khắc là một thành phần có mối liên hệ mật thiết, gắn kết chặt chẽ với công trình kiến trúc. Nếu kiến trúc là bộ khung thì điêu khắc là da thịt, linh hồn của kiến trúc, bởi điêu khắc ngoài việc phản ánh nhận thức thẩm mỹ còn phản ánh nội dung tư tưởng, tôn giáo cũng như khát vọng của chủ nhân tạo tác ra chúng. Điêu khắc Champa thường được thể hiện dưới hai hình thức: Tham gia thành phần xây dựng, trang trí kiến trúc; thể hiện nội dung tôn giáo của công trình kiến trúc. Chính vì thế điêu khắc được coi là tiêu chuẩn chỉ thị về niên đại tạo tác, nội dung tôn giáo, tư tưởng của thời đại sản sinh ra chúng[2].

Nằm chung trong truyền thống nghệ thuật Champa, các tác phẩm điêu khắc Champa ở Thừa Thừa Huế được chế tác từ nhiều chất liệu khác nhau như đất nung (Yoni Mỹ Khánh)[3], kim loại (các gương đồng, gương bạc phát hiện ở xã Phong Thu, huyện Phong Điền)[4], nhưng nhiều nhất, phổ biến và đặc trưng nhất là điêu khắc trên đá sa thạch. Theo các nhà nghiên cứu, đá sa thạch dùng trong điêu khắc đá của Champa thuộc dạng trầm tích, có cấu trúc cơ bản của các hạt dạng “Pơxamit”, trong chuyên môn gọi chung là cát kết (Sandstone)[5]. Việc các nghệ nhân Champa chọn đá sa thạch làm nguyên liệu điêu khắc có tính phổ biến, có lẽ xuất phát bởi hai nguyên do cơ bản: Một là, đá sa thạch là nguyên liệu có sẵn tại địa bàn cư trú của cư dân Champa, đặc biệt là vùng Quảng Nam – Đà Nẵng; Hai là, về đặc tính, đá sa thạch khi còn ở nguyên khối, còn nằm dưới đất được ngậm nước nên rất mềm, do đó người ta có thể khoan, đục, cắt hoặc xén để lấy ra từng tảng theo ý muốn một cách dễ dàng và tạo hình theo ý muốn. Đồng thời, do cấu trúc của đá sa thạch được gắn kết với nhau bởi những hạt mịn nên không bị vỡ theo vệt hoặc tảng.

Các phẩm điêu khắc Champa ở Thừa Thiên Huế nhìn chung có nghệ thuật thể hiện đẹp, bố cục hài hòa, cân đối và hợp lý. Các tượng tròn có kích thước trung bình, gọn gàng, đường nét mền mại, không cứng nhắc, gò bó. Ở các phù điêu có nội dung liên quan đến các truyền thuyết Ấn Độ giáo, khắc họa hình ảnh nhiều nhân vật trong một không gian hẹp nhưng vẫn không rối rắm, bố cục cân xứng, góp phần làm cho tác phẩm thêm sinh động. Các tác phẩm điêu khắc ở đây thể hiện sâu sắc tính hiện thực xã hội, đó là sự biểu đạt tâm tư, ý tưởng quan niệm về nhân sinh quan, thế giới quan cũng như những suy tư về cuộc sống của xã hội Champa lúc đương thời, nó phản ánh mối liên hệ giữa cuộc sống trong sinh hoạt đời thường cũng như trong lễ giáo thiêng liêng của cư dân Champa, đó cũng là mối liên hệ giữa vương quyền và thần quyền. Đáng chú ý, ở Thừa Thiên Huế, các phù điêu thể hiện các chủ đề liên quan đến truyền thuyết Ấn Độ giáo thường được thể hiện dưới dạng tympan, trong đó các nhân vật thường được khắc nổi rất sống động. Nghệ thuật thể hiện các tác phẩm điêu khắc Champa ở Thừa Thiên Huế cũng thể hiện tính giai đoạn khá rõ nét. Nếu như các tác phẩm điêu khắc có niên đại trước thế kỷ X có hình khối nuột nà với đường nét cầu kỳ tinh xảo và mền mại thì các tác phẩm có niên đại sau thế kỷ X, tiêu biểu là các hiện vật của phế tích tháp Linh Thái, ngoài những yếu tố kế thừa giai đoạn trước còn có xu hướng thể hiện đơn giản, chắc khỏe hơn[6].

Các tác phẩm điêu khắc Champa ở Thừa Thiên Huế rất phong phú và đa dạng về loại hình gồm Linga – Yoni, bệ thờ/đài thờ, phù điêu, tượng tròn, các vật liệu kiến trúc. Trong từng loại hình lại có sự vượt trội của những tiểu loại hình cơ bản. Ở đây phổ biến loại Linga – Yoni mà ở đó Linga gồm hai phần: Phần dưới hình bát giác – biểu tượng của Vishnu; Phần trên hình trụ tròn – biểu tượng của Shiva, trong đó, phần hình bát giác chiếm một tỷ lệ kích thước rất nhỏ so với phần trụ tròn. Điều đó cho thấy yếu tố Shiva giáo chiếm vai trò chủ đạo. Phù điêu được xem là các tác phẩm phổ biến nhất, chủ yếu ở dạng tympan, trên đó khắc nổi các nhân vật thần thoại Ấn Độ ở dạng tập thể hay cá nhân. Khác với các khu vực ở phía Nam đèo Hải Vân, nơi phổ biến các tympan dạng hình tam giác thì ở khu vực này các tympan có dạng hình chữ U chiếm số lượng lớn. Đáng chú ý là các phù điêu thể hiện các vị thần ở dạng tượng tròn nổi cao gắn liền với tympan (dạng phù điêu nổi cao) khá phổ biến. “Xu thế hướng tới tượng tròn của hầu như tất cả những hình chạm khắc dưới dạng phù điêu là đặc trưng lớn nhất và cũng là đặc trưng chung nhất cho điêu khắc cổ Champa. Chính đặc trưng này đã khiến cho điêu khắc Champa không rạo rực, sôi động như phù điêu Khmer vốn có thể nói là rất nông và dùng nét là chính, không sinh động và hiện thực như những phù điêu nổi của nghệ thuật Giava”[7].

Về nội dung tư tưởng: Champa là một trong những nền văn hóa chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa Ấn Độ trên hầu hết các lĩnh vực chính trị, tôn giáo và văn hóa nghệ thuật. Các tác phẩm điêu khắc Champa ở Thừa Thiên Huế cũng nằm trong truyền thống chung của điêu khắc Champa ở miền Trung. Đề tài thể hiện trên các tác phẩm điêu khắc Champa ở khu vực này phản ánh một cách đậm nét nội dung tư tưởng trong văn hóa Ấn Độ. Đó là các thần linh trong văn hóa Ấn Độ như Shiva, Brahma, Vishnu, Parvati, các vị thần tám phương bốn hướng (Dipala), Ravana… hay các con vật huyền thoại như bò thần Nandin, chim thần Garuda, thủy quái Makara,… Các vị thần hay các con vật huyền thoại này tương đồng về hình dáng với các tác phẩm có cùng chủ đề trong văn hóa Champa ở miền Trung. Điều đó thể hiện sự thống nhất trong văn hóa Champa. Trong số các vị thần Ấn Độ giáo được thờ phụng ở khu vực này, thần Shiva được xem là vị thần được ưu ái nhất. Các tác phẩm điêu khắc thể hiện chủ đề có liên quan đến vị thần này có số lượng nhiều nhất. Sự sùng bái Shiva cũng được thể hiện rất rõ trong các bia ký Phú Lương và Lai Trung. Đây được xem là đặc điểm chung nổi bật của nền điêu khắc Champa nói riêng và văn hóa Champa ở miền Trung nói chung.

Bên cạnh chủ đề Ấn Độ giáo, chúng ta cũng bắt gặp các tác phẩm điêu khắc thể hiện chủ đề Phật giáo ở Thừa Thiên Huế, dù số lượng ít ỏi, đó là các tượng Phật ở chùa Kim Thành (Thành Trung, Quảng Thành, Quảng Điền), tượng Phật Trung Sơn (xã Hương Vinh, Hương Trà).

Với vị thế của một vùng đất nằm ở khu vực phía Bắc của Champa, mang những đặc điểm riêng trong quá trình phát triển lịch sử và văn hóa nên ở khu vực này đã sản sinh ra những tác phẩm điêu khắc có những cách thể hiện khá độc đáo và có giá trị như: Đài thờ Vân Trạch Hòa (làng Vân Trạch Hòa, xã Phong Thu, huyện Phong Điền), phù điêu Lingodbhavamurti Vân Trạch Hòa, phù điêu Shiva – Parvati Ưu Điềm (làng Ưu Điềm, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền), Phù điêu Ravana Kailasa Thanh Phước/Kỳ thạch Phu nhân (làng Thanh Phước, xã Hương Phong, huyện Phong Điền), tượng Nam thần Nham Biều (làng Nham Biều, phường Hương Long, thành phố Huế)….

2. Thực trạng bảo tồn và phát huy giá trị các tác phẩm điêu khắc Champa ở Thừa Thiên Huế

Mặc dù, số lượng khá lớn, phong phú, đa dạng về loại hình và có giá trị lịch sử và văn hóa nhưng như đã đề cập ở trên, hiện nay các tác phẩm điêu khắc Champa ở Thừa Thiên Huế phân tán ở nhiều nơi, do nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý và rải rác trong nhiều làng xã thuộc các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền, Hương Trà và thành phố Huế, cụ thể:

- Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (số 3, Lê Trực, tp. Huế) là nơi đang quản lý một sưu tập hiện vật Champa với số lượng lớn nhất. Những hiện vật này được Hội Đô thành hiếu cổ (AVH) khởi sự sưu tầm từ đầu thập niên 20 của thế kỷ XX trên địa bàn các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình. Sau năm 1925, nguồn hiện vật Champa ở đây được bổ sung một số lượng đáng kể từ những hiện vật do H. Parmentier khai quật ở di chỉ Trà Kiệu (Quảng Nam)[8] chuyển về. Về sau, nhiều hiện vật Champa có xuất xứ từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có Bình Định (sưu tập tháp Mẫm) tiếp tục được bảo tàng này sưu tầm, thông qua hoạt động hiến tặng và chuyển nhượng. Đến thời điểm 2007, tổng số hiện vật Champa do Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế quản lý là 86 hiện vật và được bảo quản tại kho của bảo tàng này[9].

- Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên Huế (số 1, đường 23/8, tp. Huế) hiện đang quản lý 13 hiện vật Champa. Những hiện vật này thu được từ các cuộc khai quật một số phế tích Champa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế như: Vân Trạch Hòa, Phú Diên/Mỹ Khánh, Liễu Cốc… do bảo tàng này chủ trì thực hiện; hoặc do nhân dân địa phương phát hiện và giao nộp trong những năm gần đây. Một số hiện vật Champa đang được bảo tàng đưa ra trưng bày phục vụ du khách tham quan; số khác đang bảo quản tại kho của bảo tàng.

- Nhà Bảo tàng Huế (số 4, Hoàng Hoa Thám, tp. Huế) hiện đang quản lý 12 hiện vật Champa. Những hiện vật này chủ yếu do cán bộ của Phòng VHTT thành phố Huế sưu tầm được trong các cuộc điền dã tại các xã, phường ở thành phố Huế và các vùng phụ cận, hoặc do nhân dân địa phương giao nộp và chuyển nhượng. Nguồn hiện vật này đang bảo quản tại kho của Phòng VHTT thành phố Huế và tại kho hiện vật của Nhà trưng bày Điềm Phùng Thị (Số 1, Phan Bội Châu, Huế).

- Bảo tàng Dân tộc - Khảo cổ học thuộc Khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học Huế hiện đang quản lý 9 hiện vật Champa. Những hiện vật này do thầy trò trong khoa Lịch sử thu thập từ phế tích Linh Thái đưa về vào những năm 1977 - 1978. Những hiện vật đang được trưng bày tại Bảo tàng Dân tộc - Khảo cổ học của Khoa Lịch sử (số 77, Nguyễn Huệ, Huế) để phục vụ công tác giảng dạy và học tập của thầy và trò trong khoa.

Ngoài những hiện vật Champa đang lưu giữ tại các bảo tàng trong tỉnh và tại Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Huế, còn có khoảng 30 hiện vật Champa đang được bảo quản và thờ phụng tại nhiều địa điểm khác nhau, hoặc đang bị bỏ mặc tại các phế tích Champa trong tỉnh và trong một số sưu tập tư nhân (như của Hồ Tấn Phan[10], Võ Xuân Bình[11]). Đó là chưa kể đến nhiều tác phẩm điêu khắc Champa có nguồn gốc tại Thừa Thiên Huế hiện đang được lưu giữ trong các bảo tàng và sưu tập tư nhân ở các địa phương khác như Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh[12].

Phần lớn các tác phẩm điêu khắc Champa ở Thừa Thừa Thiên Huế có nguồn gốc rõ ràng, nhưng cũng có nhiều hiện vật không thể xác định chính xác chúng thuộc di tích nào trước đó hay nói đúng hơn là không xác định rõ nguồn gốc, nhất là các hiện vật đang bảo quản trong kho của Bảo tang Cổ vật cung đình Huế và các sưu tập tư nhân[13]. Tình trạng này là hoàn cảnh khó thay đổi, đã diễn ra trong thời gian dài, phần vì các di tích đã bị đổ nát mà không ai giữ gìn, phần vì bất cập và thiếu thống nhất trong quản lý, phần vì nạn buôn bán trao đổi cổ vật bất hợp pháp... Điều này rõ ràng có ảnh hưởng rất lớn đến việc phát huy giá trị và nghiên cứu.

Tình trạng phân tán các nhóm hiện vật Champa khiến cho hoạt động nghiên cứu gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận, khảo sát, so sánh để làm sáng tỏ các giá trị lịch sử, nghệ thuật. Vã lại, đối với hoạt động bảo tàng thì đây là một thiệt thòi lớn cho công chúng vì họ không có cơ hội được chiêm ngưỡng, thưởng thức các giá trị di sản văn hóa một cách thuận tiện và thỏa mãn. Vì được quy tập từ rất lâu nên các hiện vật Champa ở các cơ quan được xem như “tài sản riêng” của cơ quan đó, tạo ra tâm lý “tư hữu” đối với các hiện vật. Điều này gây khó khăn không nhỏ cho việc tập trung về một nơi.

Không những vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị của các tác phẩm điêu khắc Champa ở Thừa Thiên Huế không đồng đều và ở một góc độ nào đó là không hiệu quả, chưa phát huy hết giá trị của các tác phẩm, nhất là giá trị trong nghiên cứu và du lịch. Ở một số cơ quan như Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên Huế và Bảo tàng Dân tộc Khảo cổ, Khoa Lịch sử, trường Đại học Khoa học Huế, các hiện vật điêu khắc Champa được trưng bày phục vụ học tập, nghiên cứu và tham quan nhưng do số lượng hiện vật ít nên cũng chỉ phát huy một phần giá trị. Các hiện vật điêu khắc Champa ở Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế và Bảo tàng Văn hóa Huế do nhiều lý do khác nhau mà việc nghiên cứu, trưng bày phục vụ khách tham quan không thể thực hiện. Đối với các hiện vật Champa ở các làng xã, trừ một số hiện vật được nhân dân thờ trong miếu, chùa được gìn giữ khá tốt như phù điêu Ravana ở miếu Kỳ Thạch phu nhân, phù điêu Siva múa ở Lương Hậu, các tác phẩm điêu khắc ở phế tích tháp Ưu Điềm, còn phần lớn các hiện vật để ngoài trời, ở các phế tích, phó mặc cho mưa gió và hầu như không ai quản lý, nguy cơ mất cắp rất lớn. Hệ quả của điều này là các di vật Champa đã không được bảo tồn đúng phương pháp, không được khai thác và phát huy đầy đủ các giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật để phục vụ các nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan, du lịch của cộng đồng và du khách trong và ngoài nước. Một số hiện vật đã bị mất cắp. Đây quả thực là một điều đáng tiếc. Đó cũng là thực trạng chung của các địa phương có sự hiện diện của di tích, di vật văn hóa Champa. Điều này đặt ra yêu cầu là cần phải có các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị của các hiện vật đặc sắc này.

Dù được xem là khu vực có sự “giàu có” về các di tích và di vật Champa nhưng cho đến nay, ở Thừa Thiên Huế mới chỉ có 2 di tích được khai quật nhằm nghiên cứu kiến trúc và thu thập các hiện vật, đó là di tích tháp Phú Diên (thường gọi là Mỹ Khánh) và Vân Trạch Hòa[14]. Các chương trình sưu tầm hiện vật hay bảo tồn và phát huy giá trị các hiện vật Champa ở Thừa Thiên Huế mang tính quy mô và dài hơi hầu như chưa được triển khai, vì vậy hiện vật đưa vào trưng bày phục vụ khách tham quan thiếu về số lượng và đơn điệu về loại hình.

3. Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị các tác phẩm điêu khắc Champa ở Thừa Thiên Huế

Trong thời gian gần đây, việc bản tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Champa đã được sự quan tâm của nhà nước và chính quyền địa phương. Đó là một tín hiệu đáng mừng, vì suy cho cùng, di sản văn hóa Champa là một bộ phận không thể tách rời di sản văn hóa dân tộc. Mặc dù vậy, sự quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị vẫn chưa có sự đồng đều giữa di sản vật thể và phi vật thể, giữa kiến trúc và điêu khắc. Dù vẫn còn nhiều vấn đề cần phải bàn (nhất là về nguyên vật liệu, kỹ thuật và giải pháp thực hiện) nhưng ở một mặt nào đó, trong những năm gần đây nhà nước đã có sự đầu tư to lớn trong việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị các đền tháp Champa. Nhiều đền tháp ở Quảng Nam, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận, Thừa Thiên Huế… được trùng tu, tôn tạo, đưa vào tham quan du lịch phục vụ du khách. Đó là thực tế phải thừa nhận, nhưng ở một góc độ nào đó, các tác phẩm điêu khắc Champa vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức ở các địa phương. Nếu như chúng ta quan niệm kiến trúc đền tháp là một bức tranh thì các tác phẩm điêu khắc là các điểm xuyết, tạo nên điểm nhấn của bức tranh đó và do đó điêu khắc không thể tách rời kiến trúc. Cho nên, bảo tồn các tác phẩm điêu khắc chính là giữ gìn các điểm nhấn đó. Mặt khác, khác với kiến trúc, các tác phẩm điêu khắc thuộc loại hình di tích động sản, vì vậy, nguy cơ mất mác là rất lớn, thực tế đã xảy ra ở nhiều nơi, trong đó có Thừa Thiên Huế.

Mặt khác, nhìn từ góc độ nghiên cứu cũng như hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị, số lượng hiện vật văn hóa Champa hiện Thừa Thiên Huế (và cũng như nhiều nơi khác) đang có là đáng kể, khi những di tích đền tháp đã bị sụp đổ, hoang phế thì những di vật này lại càng có giá trị hơn về mọi mặt. Chúng là một phần minh chứng bền vững và sinh động về những thành tựu của nền văn minh Champa trong không gian này, tuy nhiên giá trị này chỉ có thể trở thành hiện thực nếu chúng được nghiên cứu, bảo tồn và trưng bày với quy mô tập trung, có hệ thống trong tương lai.

Qua khảo sát văn hóa Champa ở Thừa Thiên Huế và các tỉnh miền Trung, chúng tôi nhận thấy, các tác phẩm điêu khắc Champa phần lớn tập trung ở 3 nơi: Các cơ quan nhà nước (bảo tàng tỉnh, thành phố, huyện…), trong các sưu tập tư nhân (thường ít và không xác định rõ nguồn gốc) và ở các làng xã với các cấp độ bảo quan khác nhau: thờ trong các miếu làng, chùa làng và để ngoài trời tại các phế tích. Điều này tất nhiên dẫn đến việc bảo tồn và phát huy giá trị của các tác phẩm điêu khắc ở mỗi nơi sẽ mỗi khác. Xuất phát từ thực tế đó, chúng tôi mạnh dạn đề xuất một số giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các tác phẩm điêu khắc Champa ở Thừa Thiên Huế trong bối cảnh hiện nay.

Thứ nhất, tiến hành khảo sát, kiểm kê, khảo tả các tác phẩm điêu khắc Champa hiện còn trên địa bàn, từ đó làm cơ sở cho một quy hoạch tổng thể các di tích, di vật Champa ở đây. Công việc này phải tiến hành đầu tiên nhằm đánh giá tiềm năng, thực trạng các hiện vật. Cách tốt nhất là điều tra theo phiếu di vật, với các nội dung cụ thể: Tên hiện vật, nguồn gốc/xuất xứ, số đăng ký (nếu có), chất liệu, hiện trạng, loại hình, kích thước, nơi lưu giữ hiện tại (địa chỉ hành chính và tọa độ GPS), niên đại, khảo tả, bản ảnh, bản vẽ (nếu có). Công việc đòi hỏi nhiều thời gian, sự kiên trì, kinh phí thực hiện, đặc biệt cần có sự phối hợp của các cơ quan trong và ngoài nước[15].

Thứ hai, trên cơ sở tọa độ GPS đo được, tiến hành lập bản đồ phân bố của di tích, di vật Champa trên địa bàn. Trong điều kiện hiện nay có thể sử dụng bản đồ địa hình 1:25.000 để làm nền. Ngoài ra, trong những năm gần đây, ở các xã, huyện đã tiến hành xác lập bản đồ địa chính đọc bằng phần mềm Microsoft SEN. Nếu sử dụng bản đồ này để thiết lập sự phân bố di tích, di vật khảo cổ cũng rất tốt và chính xác. Việc xác lập bản đồ di tích, di vật sẽ rất có lợi cho việc nghiên cứu đặc điểm phân bố của chúng và thuận lợi cho việc quản lý, quy hoạch khảo cổ học.

Thứ ba, tiến hành quy tập các tác phẩm điêu khắc Champa nằm rải rác ở các cơ quan nhà nước, các sưu tập tư nhân và ở các làng xã mà chưa được nhân dân lập miếu thờ cúng về một nơi, có thể là về Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên Huế. Công việc này chắc chắn sẽ vấp phải những khó khăn nhất định, tuy nhiên nếu làm đồng bộ, quyết liệt, nhà nước và nhân dân cùng làm thì sẽ có hiệu quả. Để giải pháp này khả thi theo chúng tôi:

  • UBND tỉnh cần ban hành văn bản chỉ đạo việc thống nhất quản lý, quy tập tất cả hiện vật Champa trên địa bàn tỉnh.
  • Cần phải có những chính sách hợp lý trong việc tập trung, bàn giao và chuyển nhượng hiện vật Champa từ các bảo tàng trong tỉnh; từ các địa điểm đang lưu giữ hiện vật Champa nhưng không đủ để điều kiện trưng bày và bảo quản; từ các sưu tập tư nhân, ở các làng xã trên địa bàn. Cụ thể, tỉnh cần phải hỗ trợ kinh phí cho các bảo tàng, các tập thể và cá nhân có hiện vật Champa bị thu hồi hay bị bắt buộc chuyển nhượng cho nhà nước. Đầu tư kinh phí nâng cấp Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên Huế, thành lập một phòng trưng bày cho các tác phẩm điêu khắc Champa như một số Bảo tàng ở miền Trung đang làm. Việc đầu tư kinh phí là hết sức cần thiết và là yếu tố quyết định vì đa số hiện vật do dân nhặt được nên ngoài việc vận động hiến tặng, cũng cần có kinh phí để mua lại hoặc bồi dưỡng cho những người giao nộp hiện vật, có những hiện vật người dân đòi số tiền lên đến hàng chục triệu đồng vì thế nếu không có sự hỗ trợ kinh phí của nhà nước thì sẽ rất khó thực hiện. Các hiện vật điêu khắc Champa ở Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Huế có thể làm phiên bản để phục vụ cho việc giảng dạy. Để tranh thủ nguồn kinh phí, chính quyền địa phương có thể kêu gọi sự đầu tư của các cơ quan kinh tế, các tổ chức xã hội, các tổ chức văn hóa quốc tế, tranh thủ kỹ thuật và kinh nghiệm bảo quản, trưng bày hiện vật của các nước tiên tiến.
  • Đối với các hiện vật đã được nhân dân đưa vào miếu/chùa thờ cúng, chúng tôi nghĩ nên giữ nguyên trạng, không nên quy tập về Bảo tàng mà chỉ có thể quy tập các hiện vật còn nằm ở phế tích, không được bản quản, thờ tự, vì: 1, các hiện vật đang thờ cúng đã gắn bó với niềm tin tín ngưỡng của nhân dân trong làng từ lâu đời, nếu không còn hiện vật thờ cúng thì tín ngưỡng thờ tự sẽ không còn nữa và nếu quy tập sẽ “chạm” đến vấn đề tâm linh; 2, Ở những nơi thờ tự di vật văn hóa Champa diễn ra một quá trình tiếp biến văn hóa Việt – Chăm rất độc đáo, là một nét văn hóa độc đáo của làng xã miền Trung Việt Nam; 3, Các hiện vật Champa được dân làng thờ cúng được bảo vệ khá tốt, an toàn nhờ yếu tố tâm linh và các biện pháp bảo vệ hiệu quả của dân làng, như cố định vào tường, xây bệ…
  • Đối với các hiện vật còn nằm dưới lòng đất gắn với các phế tích như Linh Thái, Lương Hậu, Liễu Cốc, Đức Nhuận… cần tiến hành khai quật vừa để nghiên cứu kiến trúc và thu thập các hiện vật. Có một thực tế hiện nay là, chúng ta chủ yếu khai quật nghiên cứu các di tích đền tháp còn nguyên vẹn, trong khi đó các phế tích đền tháp có số lượng rất lớn và chứa nhiều bí ẩn về kiến trúc và điêu khắc thì chúng ta ít quan tâm. Chính vì vậy nhận thức của chúng ta về lịch sử - văn hóa Champa cũng chỉ trên bề nổi, còn nhiều phiến diện.

Thứ tư, Sau khi quy tập về một nơi, cần có phương án bảo tồn và tiến hành trưng bày phục vụ học tập, nghiên cứu và tham quan du lịch chứ không nên bỏ vào kho cất kỹ. Đồng thời cũng có giải pháp bảo vệ chống mất cắp và hư hỏng.

Thứ năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ở địa phương cần tiến hành nghiên cứu, thiết lập các tour du lịch đến các di tích Champa và các nơi có trưng bày hiện vật điêu khắc Champa (Bảo tàng và các địa điểm lưu giữ/thờ tự hiện vật Champa trong các làng xã). Tất nhiên trong quá trình thực hiện cần phối hợp giữa nhà nước, chính quyền, nhân dân và nhất là với các công ty kinh doanh du lịch.

Thứ sáu, cần đẩy nhanh tiến trình xã hội hóa việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Champa, trong đó có các tác phẩm điêu khắc. Phải làm cho cán bộ và quần chúng hiểu rõ đây là tài sản quý giá của cả dân tộc, có thái độ trân trọng, bảo tồn di sản đó. Khuyến khích các tổ chức xã hội, các tổ chức quần chúng và cả tư nhân hay nói đúng hơn là cả cộng đồng tích cực tham gia vào việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa Champa trên địa bàn. Đồng thời “Chính phủ cần ban hành luật, các nghị định nhằm giảm bớt các tác hại của thiên nhiên và con người đến di sản”[16].

Tóm lại, bên cạnh kiến trúc đền tháp, các tác phẩm điêu khắc Champa là tài sản vô cùng quý giá nhưng đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, nhất là vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị của chúng vẫn đang ở mức rất hạn chế. Do đó việc đưa ra các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị các tác phẩm điêu khắc Champa là cấp bách và cần thiết. Khi thực hiện các giải pháp đòi hỏi sự quan tâm rất lớn của các cấp chính quyền, nhất là về văn bản pháp lý và nguồn kinh phí. Đó là hai yếu tố đóng vai trò quan trọng đến sự thành bại của các giải pháp. Trong quá trình thực hiện cũng cần có sự phối hợp giữa các địa phương, giữa các cơ quan có hiện vật và giữa nhà nước với nhân dân trên tinh thần “đôi bên cùng có lợi”. Và cũng cần phải hiểu rằng, “phục dựng văn hóa Chăm được đặt ra với chúng ta hôm nay, không chỉ là một thái độ ứng xử văn hóa để làm phong phú nền văn hóa dân tộc mà còn là một khả năng đánh thức tiềm lực - tiềm lực kinh tế to lớn!”[17]. Có nhận thức được như vậy, chúng ta mới có thể bảo tồn và phát huy tốt giá trị các tác phẩm điêu khắc Champa, vốn rất phong phú và đa dạng ở khu vực miền Trung.

N.V.Q

 

Tài liệu tham khảo:

  E. Gras (1997), “Một pho tượng Chàm”, BAVH, tập II, Nxb. Thuận Hóa, Huế, Tr. 369-377.

 Georges Maspero (1928), Vương quốc Chàm (Bản dịch tiếng Việt), 2 quyển, Nxb. G.Văng-Cet, Pháp.

 H. Parmentier (1918), Thống kê khảo tả các di tích Chàm ở Trung Kỳ, (Bản dịch tiếng Việt), Tập 2, Paris, Tư liệu Viện Khảo cổ học Việt Nam.

  Huỳnh Thị Được (2005), Điêu khắc Chăm và thần thoại Ấn Độ, Nxb. Đà Nẵng.

J.Boisselier (1963), Nghệ thuật tạc tượng của nước Chămpa (Bản dịch tiếng Việt), Tư liệu Viện Khảo cổ học, Hà Nội,

 L. Cardière (1905), Di tích và di vật Chăm ở Quảng Trị và Thừa Thiên, Bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Thị Thúy Vi, tài liệu e – file.

 L. Cardière (1998), “Các tác phẩm điêu khắc Chàm ở Xuân Hòa”, BAVH, tập IV, Nxb. Thuận Hóa, Huế, Tr.291-294.

 L.Cardière (1915), “Ghi chép – Thảo luận – Thông tin”, BAVH, tập II, Nxb. Thuận Hóa, Huế, Tr. 314-320.

 Lê Đình Phụng, Nguyễn Xuân Hoa (2006), Văn hóa Champa ở Thừa Thiên Huế, Nxb. Thuận Hoá, Huế.

Ngô Văn Doanh (1994), Văn hóa cổ Champa, Nxb. Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.

 Nguyễn Hữu Thông (2001), “Một số suy nghĩ về đặc điểm và hướng bảo tồn những dấu tích văn hoá vùng cực Bắc vương quốc Chămpa xưa”, Khoa học & Công nghệ, số 3, Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường Thừa Thiên Huế, Tr. 72-78.

 Nguyễn Văn Quảng (2007), “Về văn hóa Chămpa ở Thừa Thiên Huế”, Tạp chí Khoa học, số 2 (36), Đại học Huế, Tr. 121-131.

 Nguyễn Văn Quảng (2009), “Giá trị các di tích Chămpa ở Thừa Thiên Huế”, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại học Huế, Tr. 274-280.

 Nguyễn Văn Quảng (2010), Các di tích văn hóa Champa ở Thừa Thiên Huế, Luận văn Thạc sĩ khoa học Lịch sử, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

 Odand’ Hal (1997), “Các vết tích đổ nát ở Giám Biều”, BAVH, tập II, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1997, Tr. 470-471.

Ph. Stern (1942), Nghệ thuật Chàm xứ Trung kỳ và quá trình phát triển của nó (Bản dịch tiếng Việt), Tư liệu Viện Khảo cổ học, Hà Nội.

 Phạm Hữu Mý (1995), Điêu khắc đá Champa, Luận án Phó Tiến sĩ Khoa học Lịch sử, Thành phố Hồ Chí Minh.

Phan Thuận An (1991), “Từ các Học hội Đông Dương đến số tượng Chàm ở Huế”, Thông tin Khoa học & Công nghệ, số 1, Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường Thừa Thiên Huế, Tr. 55-61.

Pierre Baptiste (2006), “Đài thờ Vân Trạch Hoà, một Bali-pitha kiểu mới lạ”, Huế Xưa & Nay, số 75, Tr. 65-78.

 Trần Kỳ Phương (2001), “Phù điêu Hộ Bát Thế Phương Thiên của đế chóp tháp Vân Trạch Hòa và hình tượng Hộ Thế Phương Thiên trong điêu khắc Champa”, Thông tin Khoa học & Công nghệ, số 3 (33), Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường Thừa Thiên Huế, Tr. 84-98.

 Trần Kỳ Phương (2002), “Góp phần tìm hiểu nền văn minh của vương quốc cổ Chămpa tại miền Trung Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu & Phát triển, số 3(37), Tr. 63-74.

 Trần Kỳ Phương (2002), “Góp phần tìm hiểu nền văn minh của vương quốc cổ Chămpa tại miền Trung Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu & Phát triển, số 4 (38), Tr. 71-78.

 Trần Kỳ Phương (2003), “Di tích mỹ thuật Chămpa ở Thừa Thiên Huế”, Tạp chí Nghiên cứu & Phát triển, số 3 (41), Tr. 51-57.

 Trần Kỳ Phương (2003), “Di tích mỹ thuật Chămpa ở Thừa Thiên Huế”, Tạp chí Nghiên cứu & Phát triển, số 4-5 (42-43), Tr. 110-120.

 Trần Kỳ Phương (2003), “Về mối quan hệ giữa kiến trúc và điêu khắc của nghệ thuật Chămpa”, Tạp chí Nghiên cứu & Phát triển, số 2 (40), Tr. 24-33.

 Trịnh Nam Hải (2001), “Kết quả khai quật tháp Mỹ Khánh”, Thông tin Khoa học & Công nghệ, số 3 (33), Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường Thừa Thiên Huế, Tr. 73-83.

 Trịnh Nam Hải (2006), “Kết quả khai quật nền móng kiến trúc mới phát hiện cạnh tháp Mỹ Khánh”, Tạp chí Nghiên cứu & Phát triển, số 1(54), Tr. 19-25.

Bảng 1: Hiện vật Champa do Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế quản lý

STT

Tên hiện vật

Chất liệu

Hiện trạng

Loại hình

1

Tượng Nam thần

Sa thạch cứng mịn, màu xám xanh

Tượng bị mất đầu, mất 2 cánh tay và 2 bàn chân; 2 núm vú trên tượng bị sứt và dính sơn

Vật thờ tự

2

Chân trụ cửa chính

 

Sa thạch hơi cứng, nhám, hạt hơi lớn

Còn khá nguyên vẹn, chỉ bị sứt 1 phần nhỏ ở góc dưới bên phải, cánh hoa phần giữa góc bị sứt

Chi tiết kiến trúc (Phần chân trụ cửa ở ngôi tháp)

3

Sư tử ngồi

 

Sa thạch cứng, mịn

Chân trước bên phải bị sứt mất; chân sau bên phải cũng bị sứt mất cùng với 1 phần đế

Vật trang trí

trong kiến trúc

(ở góc chân tháp)

4

Sư tử đi

 

Sa thạch cứng, hạt lớn, hơi mịn

Còn tương đối nguyên vẹn,

chỉ sứt mất bàn chân trước bên trái, 1 phần tai phải

Vật trang trí

trong kiến trúc

5

Sư tử đứng

 

Sa thạch hơi cứng, hạt lớn

Sứt mất đầu, 2 chân trước,

chân sau bên phải, 1 phần đế

Vật trang trí

trong kiến trúc

6

Phù điêu Đạo sư

Bà la môn (Rsi)

Sa thạch cứng

Còn khá nguyên vẹn, chỉ sứt nửa cái tựa lưng ở phía bên phải

Vật trang trí

trong kiến trúc

7

Thần Agni

(Thần lửa/Hỏa thiên)

Sa thạch cứng, mịn

Còn khá nguyên vẹn,

2 vật cầm tay đã bị sứt

Vật trang trí

trong kiến trúc

8

Đầu thủy quái Makara

 

Sa thạch cứng

Còn khá nguyên vẹn, hơi bị mờ, bị sứt 1 phần vòi trên cùng, đã được gắn lại bằng xi măng

Vật trang trí

trong kiến trúc

9

Chim thần Garuda

Sa thạch cứng

Sứt vỡ nhiều, chỉ còn lại phần thân từ cổ đến miệng

Vật trang trí

trong kiến trúc

10

Yoni-linga

Sa thạch cứng

Còn tương đối nguyên vẹn

Vật thờ tự

11

Sư tử đứng

Sa thạch cứng

Còn tương đối nguyên vẹn

Vật trang trí

trong kiến trúc

12

Phù điêu Apsara

Sa thạch hơi cứng

Tác phẩm ở dạng phác thảo từ đá nguyên khối, bị sứt vỡ nặng nề, sứt 1/3 phía trên bên phải, sứt mặt, mất 2 bàn chân

Vật trang trí

trong kiến trúc

13

Sư tử đứng

Sa thạch cứng

Bị sứt vỡ nặng nề,

không thấy rõ chi tiết

Vật trang trí

trong kiến trúc

14

Sư tử ngồi

 

Sa thạch cứng

Sứt mũi, sứt đầu gối bên trái, thân sau bị nứt rạn từ phần giữa đường gờ sau lưng đến đế, mất 1 phần đế, bị mòn mờ khá nặng

Vật trang trí

trong kiến trúc

15

Tượng Nam thần

Sa thạch cứng

Hơi bị sứt bàn tay trái, sứt 1 phần mông và đùi bên phải,

mất bàn tay phải, vỡ đế bên phải

Vật thờ tự

16

Phù điêu Nữ thần

 

Sa thạch cứng

Tượng bị sứt vỡ nặng nề, mất đầu, mất cổ, vai trái bị sứt, bắp tay, bàn tay, 2 bàn chân bị sứt mất, có vết nứt từ bụng đến đế

Vật trang trí

trong kiến trúc

17

Voi

 

Sa thạch cứng

Mất cặp ngà,

tai trái bị sứt phần trên

Vật trang trí

trong kiến trúc

18

Phù điêu Đạo sư

Bà la môn (Rsi)

Sa thạch mềm

Tượng bị sứt vỡ khá nặng nề, mất một phần phía trái, chỗ mũ đội và một phần phía bên phải từ mũ đội đến đầu gối. Khuỷu tay và 1 phần cánh tay trái cũng bị sứt mất. Thân tượng bị gãy ngang ở chỗ eo ngực dưới bàn tay phải, đã được gắn lại. Đầu bị sứt khỏi tượng,chưa gắn lại, phía trong có lỗ để gắn 1 chốt sắt.

Vật trang trí

trong kiến trúc

19

Phù điêu Nữ thần

Sa thạch cứng

Tượng bị mất đầu và 1 phần cổ, có một đường nứt chéo từ bụng phía bên trái xuống đùi bên phải, hai đóa sen bị sứt, phần dưới chỗ con vật cưỡi đã bị vạt mất, phía sau có chốt lớn để gắn vào tháp

Vật trang trí

trong kiến trúc

20

Sư tử đứng

Sa thạch cứng

Tượng bị sứt vỡ nặng nề, gãy mất 1/3 phía trên, hai vai bị sứt, góc dưới bên trái cũng bị sứt, mông bị sứt một nửa; thân trước bị bào mòn khá nặng

Vật trang trí

trong kiến trúc

21

Sư tử đứng

Sa thạch cứng

Mất đầu và cổ, thân bị mòn nặng nề, 2 chân bị vỡ, đuôi bị sứt

Vật trang trí

trong kiến trúc

22

Đầu tượng Nam thần

Sa thạch cứng

Tượng còn khá nguyên vẹn, chỉ bị sứt vỡ đôi chút ở mũi và môi trên của tượng

Vật trang trí

trong kiến trúc

23

Đầu thủy quái Makara

Sa thạch cứng

Hơi bị mờ và sứt vỡ chút ít, phần chóp vòi đã bị gãy rời, dưới có 2 chốt sắt

Vật trang trí

trong kiến trúc

24

Tiên nữ Apsara

Sa thạch hơi mềm

Tượng còn khá nguyên vẹn, hai bàn tay bị mòn mờ, bàn chân trái bị sứt chỉ còn một nửa

Vật trang trí

trong kiến trúc

25

Đầu sư tử

Sa thạch cứng

Tượng còn tương đối nguyên vẹn, chỉ bị sứt 1 phần hàm dưới

Vật trang trí

trong kiến trúc

26

Sư tử đứng

Sa thạch cứng

Tượng còn khá nguyên vẹn, chỉ bị sứt bàn chân sau bên phải

Vật trang trí

trong kiến trúc

27

Sư tử đứng

Sa thạch cứng

Sứt vỡ phần trán phía trên mắt trái, 1 phần chân sau bên trái, đuôi và 1 phần góc dưới bên trái

Vật trang trí

trong kiến trúc

28

Bệ thờ yoni

Sa thạch cứng

Còn khá nguyên vẹn, phần linga đã bị sứt, chỉ còn dấu vết

Vật thờ tự

29

Đế cột (?)

Sa thạch cứng

Bị sứt vỡ nặng nề, phía trên có những vết mài

Chi tiết kiến trúc

30

Chim thần Garuda

Sa thạch cứng

Còn tương đối nguyên vẹn, chỉ bị sứt một chút ở trên đầu phần cánh, ở đầu gối và sứt 1 miếng phía sau đầu chỗ bàn tay phải

Vật trang trí

trong kiến trúc

31

Sư tử ngồi

Sa thạch

Sứt vỡ nhiều chỗ

Vật trang trí

trong kiến trúc

(ở góc chân tháp)

32

Phù điêu voi

Sa thạch

Còn tương đối nguyên vẹn

Vật trang trí

trong kiến trúc

33

Tượng Kinnari

Sa thạch cứng

Tượng khá nguyên vẹn, chỉ bị sứt vỡ chiếc cánh bên phải, nửa trên chiếc cánh bên trái và nửa những ngón tay của bàn tay phải

Vật trang trí

trong kiến trúc

34

Chim thần Garuda

Sa thạch cứng

Còn tương đối nguyên vẹn

Vật trang trí

trong kiến trúc

(ở góc chân tháp)

35

Phù điêu khỉ

Sa thạch

Tượng bị sứt mất bàn tay trái

và bàn chân trái

Vật trang trí

trong kiến trúc

36

Sư tử

Sa thạch cứng

Tượng bị sứt vỡ và mòn nặng, sứt mất toàn bộ chân trái

và 1 phần chân trước bên phải, 2 chân sau cũng bị vạt sứt

Vật trang trí

trong kiến trúc

37

Đầu Makara

Sa thạch hơi mềm

Hơi bị mòn, mất một số

chi tiết hoa văn trang trí

Vật trang trí

trong kiến trúc

38

Linga

Sa thạch cứng

Bốn góc vuông đã bị mài mòn, một cạnh của phần bát giác cũng bị đục sứt, hình chạm trên phần tròn cũng bị đục sứt

Vật thờ tự

39

Voi - sư tử

(Gajashimha)

Sa thạch

Hơi bị mờ, đã bị sứt ở vòi, đôi ngà và sau đuôi

Vật trang trí

trong kiến trúc

40

Voi - sư tử

(Gajashimha)

Sa thạch

Bị mòn nhiều, có rêu bám, sứt 1 phần trên của vòi, sứt ngà bên phải và bàn chân sau bên phải

Vật trang trí

trong kiến trúc

41

Voi - sư tử

(Gajashimha)

Sa thạch

Bị mòn mờ nặng.

Đã bị sứt mất phần đầu voi và 1 phần đuôi sư tử sứt mất bàn chân sau bên phải

Vật trang trí

trong kiến trúc

42

Đài thờ hình tròn

 

Sa thạch

Bị mất 1/4 ở phía sau và bị sứt mất một phần ở phía trước

Vật thờ tự

43

Chóp tháp

Sa thạch

Đã bị mòn mờ hết chi tiết và bị sứt vỡ mất một phần góc

Chi tiết kiến trúc

44

Phù điêu người múa

Sa thạch cứng

Còn tương đối nguyên vẹn, chỉ sứt vỡ chút ít ở mũi và ngón chân út

Vật trang trí

trong kiến trúc

45

Phù điêu người múa

Sa thạch cứng

Phần đầu tóc và miễn bị mòn, sứt lông mày và bàn chân phải

Vật trang trí

trong kiến trúc

46

Tượng Nam thần đứng

 

Sa thạch mịn, cứng

 

Tượng bị sứt vỡ khá nặng, mất đầu, cụt 2 tay, mất bàn chân phải. Cái đế vuông cũng bị sứt mất 1 nửa, sứt 1 mảnh ở ngực bên phải

Vật thờ tự

47

Mặt nạ Kala

Sa thạch

Bị sứt vỡ nhiều chỗ: đỉnh đầu, hai tai, mắt phải, chóp mũi, hai bờ mép

Vật trang trí

trong kiến trúc

48

Đầu tượng Nam thần

Sa thạch mịn,

hơi mềm

Đầu tượng bị sứt vỡ nhiều chỗ ở thái dương bên phải, mũi, môi trên tai bên trái

Có thể thuộc 1

vật thờ tự

49

Đầu khỉ

Sa thạch hạt lớn, hơi mềm

Bị mòn mờ khá nặng,

tai phải bị sứt mất

Thuộc 1 tượng

khỉ, vật trang trí trong kiến trúc

50

Tượng khỉ ngồi

Sa thạch cứng,

hạt lớn

Bị sứt vỡ ở trán phần mặt bên trái, sau đuôi và 1 góc bộ phận bên trái

Thuộc 1 tượng

khỉ, vật trang trí trong kiến trúc

51

Tượng người đứng

Sa thạch hơi mềm

Tác phẩm bị sứt vỡ và mòn mờ hơi nặng, sứt phần đầu, tay trái, hai bàn chân

Vật trang trí

trong kiến trúc

52

Sư tử đứng

Sa thạch

Sứt vỡ và mòn mờ khá nặng.

Sư tử chỉ còn từ đầu đến bụng.

Bệ phía sau bị nứt phía bên phải và góc dưới bên trái

Vật trang trí

trong kiến trúc

53

Chóp tháp

Sa thạch

Một phần đáy bị sứt

Chi tiết kiến trúc

54

Chóp tháp

Sa thạch

Sứt mất hai cánh hoa hai bên

Chi tiết kiến trúc

55

Phác thảo hình người

Sa thạch hạt mịn

Tượng bị sứt vỡ nhiều chỗ và chưa được thể hiện chi tiết

Vật trang trí

trong kiến trúc

56

Tượng Kinnari

Sa thạch

Sứt vỡ nặng nề, sứt đầu, mặt, hai đầu cánh hai bàn tay, bả vai bên phải và cánh tay bên trái

Vật trang trí

trong kiến trúc

57

Phần thân tượng Nam thần

Sa thạch

Sứt vỡ nặng

Vật thờ tự

58

Mảnh vỡ đầu Makara

Sa thạch

Sứt vỡ phía trên vòi

và bị mờ tất cả các chi tiết

Có thể là vật trang trí trong kiến trúc

59

Mảnh vỡ

một pho tượng

Sa thạch

Sứt vỡ nặng

Vật thờ tự

60

Đầu tượng Bồ Tát Quán Thế Âm

Sa thạch hơi cứng

Đầu tượng bị sứt vỡ nặng nề ở phía sau đầu, 1 phần mặt từ mắt trái tới mũi mệng, còn phần cổ

Mảnh vỡ của một vật thờ tự

61

Đầu tượng Nam thần

Sa thạch

Đã bị sứt vỡ và mòn mờ những chi tiết quan trọng

Vật thờ tự

62

Đầu tượng

Sa thạch

Còn tương đối nguyên vẹn, chỉ hơi bị mòn

Loại đầu tượng gắn vào thân gạch trang trí ở mặt ngoài tháp

63

Mảnh vỡ của một tympan

Sa thạch

Bàn tay bị sứt một phần dưới, những ngón tay đã bị mờ

Vật trang trí trong kiến trúc

64

Mảnh vỡ Apsara

Sa thạch

Bị sứt vỡ nặng nề, mất cánh tay phải

Vật trang trí

trong kiến trúc

65

Mảnh vỡ

Sa thạch

Chỉ cò là một mảnh vỡ,

bị mòn mờ khá nặng

Vật trang trí

trong kiến trúc

66

Mảnh trang trí

Sa thạch

Bị sứt vỡ ở đầu chóp và ở đầu chốt gắn vào tháp

Vật trang trí

trong kiến trúc

67

Vật trang trí

Sa thạch

Còn tương đối nguyên vẹn

Vật trang trí

trong kiến trúc

68

Mảnh vỡ có trang trí

Sa thạch

Chỉ còn là mảnh trang trí, bị sứt vỡ một phần lớp lá phía trên và phần chốt gắn vào tháp

Chi tiết kiến trúc

69

Vật trang trí

Sa thạch

Còn tương đối nguyên vẹn

Vật trang trí

trong kiến trúc

70

Mảnh vỡ ngực

Sa thạch hơi mềm

Sứt vỡ nặng nề

Một phần của bức phù điêu Apsara, là vật trang trí trong kiến trúc

71

Mảnh vỡ Kinnari

Sa thạch hơi mềm

Sứt vỡ nặng nề,

sứt đầu và hai chóp của cánh

Vật trang trí trong kiến trúc

72

Chóp tháp

Sa thạch hơi mềm

Sứt mất chóp

ở một góc phía dưới

Chi tiết kiến trúc

73

Chóp tháp

Sa thạch

Sứt vỡ và mòn nặng,

sứt một góc lớn ở phía dưới

Chi tiết kiến trúc

74

Chóp tháp

Sa thạch mềm

Sứt vỡ nặng nề, mất hết những cánh hoa, vỡ 1 phần đế và thân

Chi tiết kiến trúc

75

Mảnh vỡ thân tượng

Sa thạch mềm

Sứt vỡ nặng nề,

mòn mờ các chi tiết

Vật trang trí trong kiến trúc

76

Mảnh vỡ

Sa thạch hơi mềm

Chỉ còn là một mảnh vỡ

Mảnh vỡ của 1 phù điêu chạm hình thiên nga (?), vật trang trí trong kiến trúc

77

Mảnh vỡ thân tượng hình người

Sa thạch hơi mềm

Sứt vỡ nặng nề, các chi tiết quan trọng đã bị mất hết

Vật trang trí trong kiến trúc

78

Mảnh vỡ một

bàn chân tượng sư tử

Sa thạch mềm

Chỉ còn là một mảnh vỡ

của tượng sư tử

Vật trang trí trong kiến trúc

79

Mảnh vỡ một

bàn chân tượng sư tử

Sa thạch

Chỉ còn là một mảnh vỡ của 1

bàn tay chỉ còn lại một nửa

Vật trang trí trong kiến trúc

80

Mảnh vỡ

(một con mắt)

Sa thạch

Chỉ còn là một mảnh vỡ,

có thể là 1 con mắt tượng sư tử,

Vật trang trí trong kiến trúc

81

Tượng Nam thần

 

Sa thạch

Bị mất đầu,

trên cổ có vết xi măng

Vật thờ tự

82

Phần thân

một pho tượng tròn

Đá xanh

Sứt vỡ nặng nề

Vật thờ tự

83

Bậc cửa/ngưỡng cửa

Sa thạch

Bị sứt vỡ nhiều chỗ

Chi tiết kiến trúc

84

Sư tử đứng

Sa thạch

Sứt vỡ nặng nề, mất một

mảng lớn ngang tai trái,

phần chóp đuôi bị sứt

Vật trang trí

trong kiến trúc

85

Mảnh vỡ tympan

Sa thạch mịn

Chỉ còn là mảnh vỡ

của bức phù điêu

Vật trang trí trong kiến trúc

86

Mảnh vỡ một

phù điêu sư tử

Sa thạch

Sứt vỡ nặng

Vật trang trí

trong kiến trúc

Bảng 2: Hiện vật Champa BTLS&CM Thừa Thiên Huế quản lý

STT

Tên hiện vật

Chất liệu

Hiện trạng

Loại hình

1

Yoni Vân Trạch Hòa

Sa thạch, hạt mịn

Vòi dẫn bị gãy

Vật thờ tự

2

Bậc cửa tháp

Sa thạch, cứng, hạt mịn, màu xám đen

Còn nguyên dạng thể khối

Chi tiết kiến trúc

3

Phù điêu

Vân Trạch Hòa

Sa thạch cứng

Còn nguyên

Vật trang trí trong kiến trúc

4

Gạch Champa

Vân Trạch Hòa

Đất nung

Còn nguyên

Vật liệu xây dựng tháp Chăm

5

Chóp tháp

Vân Trạch Hòa

Sa thạch

Còn nguyên

Chi tiết kiến trúc

6

Yoni-linga

Vân Trạch Hòa

Đá đen xám,

hạt mịn

Bệ bị vỡ, đã gắn lại hoàn chỉnh

Vật thờ tự

7

Đá Chăm xây dựng tháp Vân Trạch Hòa

Đá đen xám,

hạt mịn

Còn nguyên

Vật liệu xây dựng tháp Chăm

8

Bệ thờ

Sa thạch, xám mịn

Còn nguyên

Vật thờ tự

9

Bệ thờ

Vân Trạch Hòa

Sa thạch cứng,

màu nâu nhạt

Sứt mẻ

Vật thờ tự

10

Phù điêu Quảng Thái

Sa thạch mịn,

màu vàng nhạt

Còn nguyên. Chưa hoàn chỉnh, chỉ mới dạng sơ phác

Vật trang trí trong kiến trúc

11

Yoni tháp Champa

xã Phú Diên

Sa thạch hạt mịn, màu xám

Khe dẫn nước gãy ngang. Bệ yoni nứt ngang qua lỗ cắm linga. Đã gắn chắp lại hoàn chỉnh

Vật thờ tự

12

Đài thờ yoni-linga

Sa thạch hạt mịn, màu xám

Mặt trên yoni bị phong hóa,

bóc lớp, linga bị gãy

Vật thờ tự

13

Đầu Makara

Sa thạch, hạt thô, màu xám vàng

Bị sứt mẻ nhiều, chỉ còn những nét chính của Makara

Vật trang trí trong kiến trúc

Bảng 3: Hiện vật Champa do Nhà Bảo tàng Huế quản lý

STT

Tên hiện vật

Chất liệu

Hiện trạng

Loại hình

1

Bia Niêm Phò

Sa thạch

Chân bia bị nứt 1 phần, chữ khắc trên bia có dấu hiệu bị đục phá

Bi ký

2

Chóp tháp

Sa thạch

Sứt vỡ

Vật trang trí trong kiến trúc

3

Tượng thần Visnu

Sa thạch

Mất một phần cánh tay phải

Vật trang trí trong kiến trúc

4

Đầu tượng Nam thần

Sa thạch

Vỡ mất tai bên phải

và một phần miệng

Vật trang trí trong kiến trúc

5

Bệ tượng

Sa thạch

Còn nguyên

Vật thờ tự

6

Bộ Yoni

Sa thạch hạt mịn

Còn nguyên

Vật thờ tự

7

Vật trang trí

Sa thạch

Còn nguyên hình dáng

Chưa xác định

8

Đầu tượng thần

Sa thạch

Mất toàn thân, đầu còn nguyên vẹn, mất một ít tóc

Vật trang trí trong kiến trúc

9

Tượng Ganesa

Sa thạch mịn

Mất toàn bộ phần đầu

Vật thờ tự

10

Bò thần Nandin

Sa thạch

Còn nguyên

Vật thờ tự

11

Tượng

Nữ thần - Thành Lồi

Sa thạch

Mặt trước và mặt sau

bị vát phẳng

Vật thờ tự

12

Sư tử - Tiên Nộn

Sa thạch

Còn nguyên

Vật thờ tự

 

Bảng 4: Hiện vật Champa do Khoa Lịch sử, Trường ĐHKH Huế quản lý

STT

Tên hiện vật

Chất liệu

Hiện trạng

Loại hình

1

Chim thần Garuda

Sa thạch cứng

Còn khá nguyên vẹn ở phần thân và đầu, phần mỏ đã bị gãy

Vật trang trí

trong kiến trúc

2

Makara

Sa thạch cứng

Hiện vật là một mảng phù điêu đã bị vỡ, hiện chỉ còn dạng gần hình tứ giác không rõ ràng, tuy nhiên nét chạm khắc vẫn còn rất rõ, thể hiện sự tinh tế, điêu luyện của nghệ nhân đã sáng tác ra nó

Vật trang trí

trong kiến trúc

3

Đầu bò thần Nandin

Sa thạch cứng

Chỉ còn lại phần đầu

Vật trang trí

trong kiến trúc

4

Tượng Nữ thần

 

Sa thạch cứng

Là phần nửa thân trên, chỉ còn lại hơn một nửa phần ngực, chỉ còn thấy một phần của tay đang cầm một dụng cụ không rõ chức năng có dạng hình trụ nhỏ, phần đầu và mặt còn nguyên vẹn, phần đầu ở phía sau có vết nứt vỡ 1 mảng

Vật trang trí

trong kiến trúc

5

Đầu tượng Nữ thần

Sa thạch cứng

Chỉ còn lại phần đầu, khuôn

mặt hiện rõ nhưng phần miệng

và cằm hơi mờ mòn

Vật trang trí

trong kiến trúc

6

Phù điêu Đạo sư

Bà la môn (Rsi)

Sa thạch cứng

Bức tượng chỉ còn lại phần thân ngực, không có phần đầu và phần thân dưới, chỉ còn có thể thấy rõ đôi tay đang chắp tay trước ngực

Vật trang trí

trong kiến trúc

7

Phù điêu Đạo sư

Bà la môn (Rsi)

Sa thạch cứng

Là một phần ít còn lại của tấm tympan Đạo sư Bà la môn, chỉ còn lại 1 phần ở bên thân, thể hiện hình dáng tấm lá đề, 1 chân ở thế ngồi xếp bằng và một tay đang đưa lên trước ngực

Vật trang trí

trong kiến trúc

8

Phù điêu Đạo sư

Bà la môn (Rsi)

Sa thạch cứng

Còn tương đối nguyên vẹn

Vật trang trí

trong kiến trúc

9

Phù điêu Đạo sư

Bà la môn (Rsi)

Sa thạch cứng

Phần thân tượng còn tương đối nguyên vẹn, phần tấm lá đề sau lưng và chân trái bị sứt vỡ

Vật trang trí

trong kiến trúc

 

Bảng 5: Các hiện vật ở các làng xã trên địa bàn tỉnh

STT

Tên hiện vật

Chất liệu

Hiện trạng

Địa điểm lưu giữ

1

Mảnh vỡ phù điêu

Sa thạch

Đã mất hết các

chi tiết trang trí

Ở bến Cây Bàng, trước phế tích tháp Phước Tích, Phong Hòa, Phong Điền

2

Trụ đá

Sa thạch cứng

Bị mòn

Phế tích tháp Phước Tích, Phong Hòa, Phong Điền

3

Yoni Phước Tích

Sa thạch cứng, màu xám

Nguyên vẹn

Miếu Quảng Tế, làng Phước Tích, Phong Hòa, Phong Điền

4

Tượng Bà Tám Tay

đền (miếu) Linh Quang

Sa thạch

Còn tốt, nhưng đã bị sơn phủ bằng vôi bên ngoài

Mỹ Xuyên, Phong Hòa, Phong Điền

5

Linga

Sa thạch

Nguyên vẹn

Miếu Bà Giàng, Phong Hòa, Phong Điền

6

Bệ thờ

Sa thạch

 

Đình làng Thế Chí Tây, Điền Hòa, Phong Điền

7

Linga

Chùa Ưu Điềm

Sa thạch

Bị vỡ

Phế tích tháp Ưu Điềm, Phong Hòa, Phong Điền

8

Phù điêu

chùa Ưu Điềm

(Phù điêu Siva-Parvati)

Sa thạch, màu xám đen nhạt

Còn tốt

Phế tích tháp Ưu Điềm, Phong Hòa, Phong Điền

9

Trụ cửa

Chùa Ưu Điềm

Đá cứng

Sứt mẻ nhiều nơi

Phế tích tháp Ưu Điềm, Phong Hòa, Phong Điền

10

Tượng bò Nandin

tháp Đức Nhuận

 

Sa thạch cứng, hạt mịn,

màu xám nhạt

Còn tốt

Nguyên thủy ở tháp

Đức Nhuận, Quảng Phú, Quảng Điền. Nay trưng bày ở Thư viện Nguyễn Chí Thanh, thị trấn Sịa, Quảng Điền

11

Bia Lai Trung

Sa thạch,

xám mịn

Bia được bảo quản tại miếu Dinh Ông,

Hiện trạng khá tốt

Lai Trung,

Quảng Vinh,

Quảng Điền,

12

Ngạch cửa

 

Sa thạch

Không rõ

(Đã bị thất lạc)

Trước đây tôn trí Văn Chỉ Mỹ Xuyên, Phong Hòa, Phong Điền

13

Ngạch cửa

 

Sa thạch

Không rõ

(Đã bị thất lạc)

Trước đây tôn trí Văn Chỉ Mỹ Xuyên, Phong Hòa,Phong Điền

14

Phù điêu Nam thần

Sa thạch

Không rõ

(Đã bị thất lạc)

Trước đây tôn trí ở chùa Thanh Cần, Quảng Vinh, Quảng Điền

15

Tảng đá có trang trí

Sa thạch

Bị sứt vỡ

Phế tích Hóa Châu, Quảng Thành, Quảng Điền

16

Tượng thần Visnu

 

Sa thạch

Còn tốt, bị sơn phủ bên ngoài

Nguyên thủy ở thành Hóa Châu. Nay thờ ở chùa Thành Trung, Quảng Thành, Quảng Điền

17

Tượng Phật đứng

 

Sa thạch

Còn tốt, bị sơn phủ bên ngoài

Nguyên thủy ở thành Hóa Châu. Nay thờ ở chùa Thành Trung, Quảng Thành, Quảng Điền

18

Bia Phú Lương

Sa thạch,

màu xám mịn

Bia còn nguyên vẹn nhưng chữ trên bia bị bào mòn nhiều

Phú Lương,

Quảng Thành,

Quảng Điền

19

Phù điêu

Kỳ Thạch phu nhân

Sa thạch cứng, màu xanh xám

Phù điêu còn nguyên vẹn

Thanh Phước,

Hương Phong,

Hương Trà,

20

Phù điêu thần Siva

ở miếu Bà Chuẩn Đề,

Đá silicat,

màu xám

Phù điêu còn nguyên vẹn

Nguyên thủy thuộc phế tích Lương (Văn) Hậu, Thủy Lương, Hương Thủy, nay được thờ trong miếu Bà Chuẩn Đề xây ngay trên nền phế tích cũ

21

Đầu tượng

Sa thạch

Chỉ còn phần đầu tượng

(Đã bị thất lạc)

Am Kinh Thương, Thuận Lộc, Thành phố Huế

22

Voi Xuân Hòa

Sa thạch

Còn nguyên vẹn

Xuân Hòa, Kim Long,

Thành phố Huế

23

Bệ đá

Sa thạch cứng

Còn nguyên vẹn

Núi Linh Thái, Vinh Hiền, Phú Lộc

24

Chóp tháp

Đá màu xám, trắng nhạt

Còn khá nguyên vẹn, nhưng bị mòn vài nơi

Núi Linh Thái, Vinh Hiền, Phú Lộc

25

Trụ cửa 1

Sa thạch cứng

Còn khá nguyên vẹn, nhưng bị mòn vài nơi

Núi Linh Thái, Vinh Hiền, Phú Lộc

26

Trụ cửa 2

Sa thạch cứng

Còn khá nguyên vẹn, nhưng bị mòn vài nơi

Núi Linh Thái, Vinh Hiền, Phú Lộc

27

Tượng Nữ thần

(có tài liệu ghi là tượng Nam thần)

Sa thạch cứng

Bị vỡ chỉ còn đế và một phần tượng

Núi Linh Thái, Vinh Hiền, Phú Lộc

28

Bệ thờ

Sa thạch

Còn tương đối nguyên vẹn

Nhà thờ họ Nguyễn Quang, thôn Thành Trung, Quảng Thành, Quảng Điền[18]

29

Tượng nữ thần

Sa thạch

Còn nguyên vẹn

Miếu bà, Thanh Phước, Hương Phong, Hương Trà [19]

 

 

 

 



[1] Nguyễn Văn Quảng (2010), Các di tích văn hóa Champa ở Thừa Thiên Huế, Luận văn Thạc sĩ Sử học, chuyên ngành Khảo cổ học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội.

[2] Lê Đình Phụng, Nguyễn Xuân Hoa (2002), Văn hóa Champa ở Thừa Thiên Huế, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr.32.

[3] Trịnh Nam Hải (2006), Kết quả khai quật nền móng kiến trúc mới phát hiện cạnh tháp Mỹ Khánh, NC&PT, số 1(54), tr. 21.

[4] Lê Đình Phụng, Nguyễn Xuân Hoa (2006), Văn hóa Champa ở Thừa Thiên Huế, Nxb. Thuận Hoá, Huế, tr. 178-186.

[5] Phạm Hữu Mý (1995), Điêu khắc đá Chămpa, Luận án phó Tiến sĩ, chuyên ngành Khảo cổ học, mã số 50380, tr.29.

[6] Lê Đình Phụng, Nguyễn Xuân Hoa (2006), Văn hóa Champa ở Thừa Thiên Huế, Nxb. Văn hoá - Thông tin, Hà Nội.

[7] Ngô Văn Doanh (1994), Văn hóa cổ Champa, Nxb. Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, tr. 319.

[8] Phan Thuận An, “Từ các học hội Đông Dương đến số tượng Chàm ở Huế”, Thông tin Khoa học và Công nghệ, Số 1, 1999.

[9] Nguyễn Văn Quảng (2010), Các di tích văn hóa Champa ở Thừa Thiên Huế, Luận văn Thạc sĩ Sử học, chuyên ngành Khảo cổ học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội.

[10] Nhà nghiên cứu và sư tầm Hồ Tấn Phan còn lưu giữ 1 bàn nghiền bằng sa thạch, được cho là phát hiện tại Huế nhưng không biết chính xác ở vị trí nào.

[11] Tại nhà ông Võ Xuân Bình (phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy) đang lưu giữ một phần bàn tay, cầm con ốc bằng sa thạch cũng được cho là có nguồn gốc tại Huế.

[12] Lê Đình Phụng, Nguyễn Xuân Hoa (2006), Văn hóa Champa ở Thừa Thiên Huế, Nxb. Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, tr.63-67.

[13] Lê Đình Phụng, Nguyễn Xuân Hoa (2006), Văn hóa Champa ở Thừa Thiên Huế, Nxb. Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, tr.67-83.

[14] Các hiện vật Champa đang trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng (số 1, đường 23 tháng 8, tp. Huế) chủ yếu có nguồn gốc từ 2 di tích này.

[15] Trong thực tế, có nhiều hiện vật điêu khắc Champa của tỉnh này nhưng hiện đang được lưu giữ ở tỉnh khác.

[16] Phát biểu của ông Chu Silk Lee, đại diện UNESCO tại Việt Nam, tại hội nghị tập huấn "Lập bản đồ và thống kê di sản văn hoá Chăm tại Việt Nam”, Cục Di sản (Bộ VH-TT) phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam và Trung tâm Bảo tồn di sản di tích Quảng Nam diễn ra tại Quảng Nam từ ngày 11 đến ngày 15-5-2013.

[17] Inrasa, Bảo tồn văn hóa Chăm, http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=62&News=2526&CategoryID=41

[18] Nguyễn Văn Quảng (2010), Phát hiện di vật Champa tại thành cổ Hóa Châu, NPHMVKCH năm 2009.

[19] Nguyễn Văn Quảng (2012), Phát hiện di vật Champa độc đáo ở Thanh Phước (Hương Phong, Hương Trà, Thừa Thiên Huế), NPHMVKCH năm 2011.

 

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng