LÊ ANH TUẤN
1. Từ nghề dệt đến di sản: Những giá trị bản sắc của Dèng Tà ôi
Trong bức tranh văn hóa vùng Trường Sơn – Tây Nguyên, nghề dệt – di sản Dèng (Dzèng, Zèng) nổi lên như một sắc thái độc đáo của người Tà ôi (Ta-ôi) ở vùng bắc Trường Sơn nói riêng và nhóm ngữ hệ Mon-Kh’mer ở Việt Nam nói chung, sánh cùng với những sản phẩm dệt truyền thống của các dân tộc cận cư, đồng ngữ trong khu vực như người Cơ tu (Ka tu), Xơ đăng, Ba na, Gia rai,... Sự độc đáo mang đến từ hệ hoa văn phong phú, hệ màu tự nhiên phản ánh quan niệm tộc người, giá trị xã hội, từ kỹ thuật tạo kết cườm tạo hoa văn công phu và đặc biệt là sự hiện diện của loại hình “khung dệt căng hoàn toàn bằng cơ thể” (body-tension loom) hay “khung dệt căng bằng dây lưng” (backstrap tension loom) đơn giản nhưng cổ xưa nhất trên thế giới mà hiện chỉ còn rất ít dân tộc sử dụng.
Nghề dệt – di sản Dèng phản ánh giá trị xã hội qua vai trò người phụ nữ trong giữ gìn, thực hành và truyền dạy kỹ thuật dệt những tấm Dèng truyền thống. Sản phẩm Dèng là sự phản ảnh đầy đủ nhất giá trị đạo đức, phẩm hạnh của phụ nữ Tà ôi trong cộng đồng. Xã hội Tà ôi truyền thống quan niệm một người phụ nữ đảm đang, cần cù là biết dệt Dèng giỏi, sự tôn trọng của cộng đồng dành cho họ thông qua chất lượng và số lượng thành phẩm Dèng. Vì vậy, Dèng mang giá trị nhân văn gắn với vai trò người phụ nữ trong quá trình tạo nên những sản phẩm, thổi hồn vào những nét hoa văn trở nên sinh động, đầy sức sống.
Nghề dệt – di sản Dèng phản ánh giá trị tâm linh qua vai trò gắn với hệ thống nghi lễ trong cuộc đời mỗi thanh viên gia đình và làng bản: lúc sinh ra đứa trẻ được bế đặt trên hay quấn trong tấm Dèng, mặc trang phục Dèng trong lễ đặt tên và trưởng thành, khi mất đi sẽ chôn theo họ những tấm Dèng đẹp nhất. Giá trị tâm linh của Dèng gắn với chức năng lễ vật, lễ phục trong nghi lễ cúng tế, hiến sinh cộng đồng.
Nghề dệt – di sản Dèng phản ánh giá trị thẩm mỹ thể hiện qua hệ thống hoa văn phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình, màu sắc hài hòa. Màu sắc Dèng có một sức bền cùng thời gian, dù rách nát nhưng vẫn được giữ hầu như nguyên vẹn. Giá trị thẩm mỹ được thể hiện trong kỹ thuật kết hạt cườm tạo nên hàng trăm môtíp hoa văn, họa tiết trang trí phong phú và đa dạng, mang ý nghĩa biểu tượng phản ánh thế giới quan, nhân sinh quan tộc người.
Nghề dệt – di sản Dèng phản ánh giá trị kinh tế qua vai trò đáp ứng nhu cầu sử dụng trong gia đình và hàng hóa trao đổi của nền kinh tế tự cung tự cấp. Trước đây, trong trao đổi mua bán, Dèng được dùng làm vật ngang giá hoặc vật đổi vật để đổi trâu, bò, lợn, nồi đồng, chiêng, ché,... Hiện nay, sản phẩm Dèng đã được bao tiêu, trao đổi một cách rộng rãi hơn, một số hộ gia đình Tà ôi thu nhập từ Dèng trở thành nguồn thu nhập chủ yếu.
Như vậy, từ một nghề thủ công dệt vải có vai trò quan trọng và mang những giá trị tiêu biểu, Dèng trở thành một di sản phản ánh chân dung lịch sử - văn hóa của một cộng đồng dân tộc, do đó trong nhận thức và hành động, từ chính sách đến thực tiễn vừa có sự phân định (nghề dệt và di sản Dèng), vừa có sự tổng thể (nghề dệt Dèng là di sản), để có những giải pháp khôi phục, bảo tồn và phát huy phù hợp và hiệu quả.
2. Thực trạng khôi phục nghề dệt truyền thống và vấn đề bảo tồn, phát huy di sản Dèng của dân tộc Tà ôi
Trong hơn hai thập niên trở lại đây, nghề dệt – di sản Dèng thực sự hồi sinh với sự quan tâm của chính quyền gắn với đầu tư phát triển kinh tế - xã hội và sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ. Nghề dệt Dèng có cơ hội phục hồi để phát triển, nhiều sản phẩm được mang đi giới thiệu trưng bày, trở thành một hoạt động kinh tế trong cơ cấu ngành nghề ở các địa phương của huyện A Lưới. Sản phẩm Dèng không chỉ được bán ở chợ trung tâm huyện A Lưới, tại trung tâm du lịch ở các làng bản mà mở rộng đến các địa phương trên Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam, Quảng Trị...
Trên địa bàn huyện A Lưới hiện có các cơ sở dệt Dèng ở xã A Đớt, Nhâm, A Roàng, Phú Vinh, A Ngo, thị trấn A Lưới và HTX dệt thổ cẩm A Co. Trong đó, xã A Đớt một trong những cái nôi của nghề dệt Dèng đã có sự phát triển mạnh mẽ về số lượng và sản phẩm. HTX dệt Dèng thị trấn A Lưới tuy thành lập muộn nhưng hoạt động thường xuyên, với số lượng thành viên đông, đặc biệt có số lượng lớn cộng tác viên ở các xã. Ngoài việc tổ chức sản xuất, HTX mở các đợt truyền nghề, dạy nghề cho các học viên ở địa phương khác. HTX thổ cẩm A Co (xã Hồng Thượng) được thành lập với mục đích là bảo tồn nghề dệt Dèng truyền thống, tạo công ăn việc làm cho người dân, góp phần phục hồi và bảo tồn di sản.
Sự hồi sinh và phát triển của nghề dệt Dèng gắn với các hoạt động ngành du lịch mở rộng trên địa bàn huyện A Lưới. Dự án “Phát triển du lịch bền vững tiểu vùng sông Mê Kông” đã tạo cho các thôn Aka Achi (xã A Roàng) và A Hưa (xã Nhâm)… không chỉ tạo cơ hội phát triển du lịch, mà còn góp phần khôi phục nghề dệt Dèng, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan cảnh đẹp và tìm hiểu về các di sản truyền thống.
Đặc biệt gần đây, huyện A Lưới đã ban hành nhiều chính sách bảo tồn văn hóa nói chung và nghề dệt - di sản Dèng nói riêng: Nghị quyết “Xây dựng và phát triển Văn hóa, Du lịch huyện A Lưới giai đoạn 2012 – 2015 và tầm nhìn đến năm 2020”; Nghị quyết “Bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới giai đoạn 2014 – 2020”; Đề án “Khôi phục và phát triển nghề truyền thống huyện A Lưới giai đoạng 2014 - 2020”; Đề án “Phát triển Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp huyện A Lưới giai đoạn 2016 - 2020”,… Đồng thời triển khai nhiều chương trình hành động cụ thể:
- Vận động công chức, viên chức, lao động, học sinh trên địa bàn A Lưới mang trang phục truyền thống 1ngày/tuần và vào các sự kiện quan trọng nhằm đưa trang phục truyền thống vào công sở, trường học (2015).
- Công nhận danh hiệu Nghề và Làng nghề truyền thống ở các xã có dệt Dèng là A Roàng và A Đớt (2016).
- Tham gia liên kết hợp tác phát triển du lịch 4 huyện Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang (Quảng Nam) và huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế).
- Tham gia các sự kiện văn hóa, hội chợ, triển lãm như “Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế”, “Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc thiểu số huyện A Lưới”, “Ngày hội văn hóa các dân tộc miền Trung”; sự kiện Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko ghé thăm tại cố đô Huế (2017); ngày hội trình diễn cây Nêu và giao lưu văn hóa các dân tộc Việt Nam” (2017); hội chợ Thương mại quốc tế Festival Huế,...
- Thực hiện dự án “Bảo tồn và phát triển nghề dệt Dèng của đồng bào dân tộc Tà ôi huyện A Lưới giai đoạn 2019 -2021” (2018).
- Tiếp nhận, triển khai các dự án bảo tồn, phát triền nghề dệt Dèng (2008-2018) từ công ty du lịch Mê Kông, công ty Ella Viet, trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Quản lý Tài Nguyên (Corenarm), ngân hàng Thế giới, công ty TNHH Coats Phong Phú,… Dự án nghiên cứu, đánh giá thực trạng và hỗ trợ thiết kế mẫu hoa văn của Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và trường Đại học Văn Lang (2017-2020). Đây là dự án bảo tồn nghề dệt Dèng tại A Lưới bằng phương thức gắn kết giữa giảng dạy và nghiên cứu khoa học, giữa lý thuyết và thực hành, nhằm cho sinh viên tiếp cận với vốn cổ đưa vào trang phục hiện đại. Dự án đã mở ra một hướng đi mới cho nghề dệt Dèng truyền thống, góp phần bảo tồn Di sản Văn hóa Phi vật thể quốc gia là hiện đại hóa trang phục truyền thống, sáng tạo hoa văn mới dệt bằng kỹ thuật truyền thống, sử dụng họa tiết cũ trên nền chất liệu mới, đa dạng hóa loại hình sản phẩm hiện đại làm từ chất liệu Dèng truyền thống,...
3. Bảo tồn, phát huy nghề dệt - di sản Dèng trong bối cảnh hiện nay: Những khó khăn, thách thức và thuận lợi
Những khó khăn, thách thức
Chính sách và hành động khôi phục, bảo tồn và phát huy nghề dệt – di sản Dèng hiện đang đối diện với nhiều khó khăn và thách thức cả về nhiều mặt. Vì vậy, để làm cở sở cho việc đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy, ngoài sự nỗ lực của chính quyền và người dân là rất quan trọng, cần có sự nhìn nhận và đánh giá những rào cản, nhận diện chính xác những nguyên nhân khó khăn và thách thức.
Khó khăn trong khâu tổ chức sản xuất, nâng cao chất lượng và số lượng sản phẩm do đặc thù nghề nghiệp mang tính nhỏ lẻ và rải rác trong các gia đình, cá nhân tham gia sản xuất mang tính bán thời gian. Sức cạnh tranh mở rộng thị trường sản phẩm còn yếu, chủ yếu bán tại chỗ, chưa dám vươn ra các tỉnh, thành phố trong nước và nước ngoài. Dệt Dèng hiện nay vẫn thiếu các nhân tố để cho sản phẩm biến đổi, thích nghi với nhu cầu mới, thị trường mới, chất liệu và kiểu dáng khó phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ, tính năng sử dụng cho cuộc sống hiện đại. Hơn nữa, sản phẩm Dèng dệt theo kỹ thuật truyền thống chiếm nhiều công lao động, lượng sản xuất không nhiều và khó tăng lên, nên giá thành cao so với thu nhập của người dân nên khó để phổ cập rộng và tiêu thụ rộng rãi. Trong bối cảnh đó việc bảo tồn Dèng sẽ càng khó khăn gấp bội khi nhiều cơ sở chạy theo thị trường, thay đổi chất liệu, mẫu mã, phá vỡ bản sắc truyền thống.
Khó khăn và thách thức trong việc đảm bảo nguyên liệu truyền thống gắn với định hướng bảo tồn kỹ thuật dệt truyền thống, bởi sự thất truyền và khó khăn của hoạt động trồng bông. Bên cạnh đó là những thách thức từ sự tấn công của nguồn sợi công nghiệp, hạt cườm nhựa với các lợi thế về sự thuận tiện dễ mua, màu sắc đa dạng, giá thành rẻ.
Khó khăn và thách thức từ sự thiếu vắng thợ dệt lành nghề, là những nghệ nhân có vai trò quan trọng đối với công tác bảo tồn bởi họ vừa là chủ thể vừa là người thực hành, gìn giữ và trao truyền nghề, là người nắm giữ các kỹ thuật lên khung, căng sợi dọc, kỹ thuật trồng bông, xe chỉ, tri thức về các loại nguyên liệu trong tự nhiên để nhuộm màu,... Trong khi đó, lớp trẻ kế thừa là nữ giới hiện nay không phải ai cũng mê nghề, thích nghề, đủ kiên nhẫn để học dệt, một số thờ ơ với nghề truyền thống mà chỉ quan tâm đến những ngành nghề có thu nhập cao hơn.
Bên cạnh đó, những khó khăn và thách thức từ sự thay đổi về thế giới quan và nhân sinh quan, sự biến đổi về thời gian và không gian dệt truyền thống, sự thay đổi quan niệm về chuẩn mực xã hội không còn đề cao sản phẩm dệt gắn tài năng của người phụ nữ, làm giảm sự bắt buộc theo nghề khiến cho việc thiếu hụt đội ngũ kế cận, lưu giữ nghề, Dèng không còn là của hồi môn trong hôn nhân, là quà tặng giữa hai gia đình trai gái,... Tất cả đang làm giảm giá trị xã hội và tâm linh của sản phẩm Dèng, vô hình trung không tạo ra nhu cầu kích thích hoạt động sản xuất thủ công phát triển và mở rộng, hoặc xa rời mục đích bảo tồn vì quá chú trọng vào mục tiêu kinh tế.
Những yếu tố thuận lợi
Trong bối cảnh công tác bảo tồn phát huy nghề dệt – di sản Dèng gặp nhiều khó khăn thách thức, rất cần xác định và tận dụng tối đa những lợi thế và thuận lợi đang có.
Trước hết, một trong những lợi thế lớn nhất về mặt chủ thể và nguồn nội lực chính sự là quan tâm đầu tư, chỉ đạo sát sao trong việc đề ra các chính sách, kế hoạch và triển khai cụ thể, đã tạo sự đầu tư, khuyến khích, động viên cả về vật chất, kinh phí và tinh thần đã và đang là một trong những thuận lợi và cơ hội phát triển nghề dệt Dèng. Phải thừa nhận là trong thời gian qua, rất nhiều chính sách và đề án bảo tồn văn hóa truyền thống được xây dựng và triển khai một cách cấp thiết và hiệu quả. Đồng thời với chính sách phát triển kinh tế là những đầu tư mạnh mẽ cho ngành du lịch. Sự phát triển mạnh mẽ của du lịch A Lưới trong những năm gần đây cũng mở ra nhiều lợi thế để duy trì và phát triển nghề dệt, bảo tồn di sản Dèng. Khi du lịch phát triển, sản phẩm Dèng có cơ hội tiếp cận với du khách trong và ngoài nước, liên kết với các công ty du lịch nhằm bao tiêu các sản phẩm Dèng.
Vị trị địa lý và điều kiện cơ sở hạ tầng giao thông như hiện nay được xem là yếu tố thuận lợi cho hoạt động giao thương, mở rộng thị trường đối với sản phẩm Dèng trong bối cảnh sự giao lưu buôn bán giữa ngày càng phát triển, với những tác động của kinh tế hàng hóa, sản phẩm Dèng đang dần góp phần vào tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho các hộ gia đình. Nhiều sản phẩm Dèng cải tiến mẫu mã bán ở các chợ, trung tâm thương mại, hội chợ, shop hàng lưu niệm không chỉ ở A Lưới, Huế mà còn cả các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam,… ít nhiều cũng tác động đến nhận thức của người dân trong việc tiếp cận khôi phục và phát triển nghề dệt.
Một lợi thế khác cần được khai thác đó là nguồn lực lao động nữ ở các làng bản khá dồi dào, đa số làm việc nông nghiệp thời vụ hoặc nhàn rỗi. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần có giải pháp sử dụng hợp lý nguồn lao động này vào phát triển nghề dệt để đồng thời bảo tồn di sản Dèng. Việc phát triển nghề dệt sẽ tạo nên những sản phẩm trao đổi mua bán vừa góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình, giải quyết được sự lãng phí lao động thủ công lúc nhàn rỗi. Đây được coi là cơ hội và thuận lợi để nghề dệt Dèng được bảo tồn và phát huy trong cộng đồng người Tà ôi.
4. Bảo tồn, phát huy nghề dệt - di sản Dèng trong bối cảnh hiện nay: Một vài khuyến nghị
Bảo tồn, phát huy nghề dệt thổ cẩm - di sản Dèng dựa vào cộng đồng
Khuyến nghị này được đưa ra dựa trên kinh nghiệm và xu hướng hiện nay trong giải quyết các vấn đề của cộng đồng phải có giải pháp dựa vào cộng đồng, từ cộng đồng, bởi cộng đồng. Vấn đề bảo tồn và phát huy nghề dệt - di sản Dèng của người Tà ôi đã được bàn nhiều, bàn từ lâu, nhưng vẫn chưa hiệu quả, theo chúng tôi đó là bởi những giải pháp nặng về hành chính, mang tính áp đặt từ phía các nhà quản lý. Do vậy giải pháp đưa ra là, chúng ta, không ai có thể làm thay họ, mà vấn đề của cộng đồng chỉ được/phải được giải quyết bởi cộng đồng.
Vai trò cộng đồng mà chúng tôi đề cao trong khuyến nghị này còn được hiểu ở khía cạnh quyền tự quyết đối với chính di sản của mình: tiếp tục hay không duy trì thực hành, truyền dạy các tri thức và kỹ thuật dệt, kết cườm; quyền tôn trọng của cộng đồng dành cho nghề - di sản, từ đó góp phần hình thành ý thức, lòng tự hào và tinh thần tự nguyện đối với bảo vệ và phát huy Dèng. Đồng thời, gắn với trách nhiệm là quyền lợi, cộng đồng Tà ôi là chủ nhân của di sản dệt Dèng phải hưởng lợi từ việc bảo vệ những lợi ích về tinh thần và vật chất. Điều này sẽ giúp di sản sống được và không ngừng phát triển, có nghĩa là được bảo tồn bền vững.
Tôn vinh và ghi nhận những cá nhân có vai trò trong hồi sinh, phát triển và quảng bá nghề dệt – di sản Dèng hơn nữa và mang tính thực chất
Khuyến nghị này xuất phát từ những đóng góp và thành công của mô hình HTX dệt Dèng thị trấn A Lưới trong thời gian qua từ vai trò cá nhân nghệ nhân Mai Thị Hợp trong sự nỗ lực tự thân và ý thức hồi sinh nghề dệt truyền thống của dân tộc Tà ôi. Phải ghi nhận công lao của nghệ nhân Mai Thị Hợp từ việc lặn lội vận động thuyết phục phụ nữ Tà ôi trở lại với nghề dệt đến việc đưa sản phẩm Dèng ra với bạn bè quốc tế. Tôn vinh nhiều hơn nữa những nghệ nhân như vậy chính là tôn vịnh sự tâm huyết, kiên trì và tay nghề giỏi, gắn với sự hồi sinh và vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của huyện A Lưới. Tôn vinh cá nhân trong việc duy trì hoạt động nghề dệt đến việc truyền dạy cho chị em, con cháu muốn theo nghề. Nghề dệt – di sản Dèng cần nhiều hơn những cá nhân tiêu biểu, nghệ nhân ưu tú như vậy để làm người truyền lửa, kết nối các thế hệ trong hành trình bảo tồn và phát huy.
Tìm hướng đi mới cho nghề dệt – di sản Dèng, kết hợp giữa nghiên cứu và ứng dụng, sản xuất thủ công và mẫu mã hiện đại, hoa văn truyền thống với kỹ thuật mới
Đối với di sản Dèng là nghề dệt thủ công tạo ra sản phẩm trang phục dựa trên kỹ thuật tạo hoa văn, họa tiết nổi bật, do vậy cần có giải pháp kết hợp giữa những nhà thiết kế trẻ với nghệ nhân có kinh nghiệm, giữa mỹ thuật ứng dụng với kỹ thuật truyền thống, đề cao tính ứng dụng, đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng cao, đa dạng. Cơ sở của khuyến nghị này dựa trên sự tương đồng, mối liên quan về trang phục, may mặc và thời trang. Trong xu hướng hiện nay thời trang sẽ chính là cách thức, phương tiện dẫn dắt nghề dệt tiếp cận, mở rộng thị trường. Đồng thời, thổ cẩm truyền thống với những giá trị bản sắc và truyền thống văn hóa sẽ góp phần làm mới, là nguồn cảm hứng sáng tạo, ứng dụng cho ngành thời trang. Ngoài nỗ lực và hành động của cộng đồng trong thúc đẩy công tác bảo tồn cũng như tìm hướng đi mới cho nghề dệt Dèng, chúng ta cần những hỗ trợ tác động từ bên ngoài, đặc biệt là từ các công ty may mặc, thiết kế thời trang để đưa ra những sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu thị trường. Khuyến nghị này được đưa ra dựa trên những hiệu ứng và tác dụng từ sự hợp tác với nhà thiết kế thời trang dùng Dèng làm nguồn cảm hứng sáng tạo. Trong hướng đi này cũng cần tiến hành đăng ký thương hiệu sản phẩm, nhãn hiệu hàng hóa để đảm bảo giá trị pháp lý, để đảm bảo quyền lợi chính đáng của chủ thể di sản Dèng.
Gắn kết chặt chẽ giữa văn hóa - du lịch nhằm khai thác tiềm năng tài nguyên nghề dệt thủ công – di sản Dèng như một giá trị bản địa, lợi thế cạnh tranh
Khuyến nghị đưa ra trên cơ sở các chỉ số phát triển du lịch của A Lưới trong 3 năm gần đây, gắn kết chương trình khôi phục, phát triển nghề dệt Dèng với phát triển dịch vụ, du lịch, hình thành các tour thăm các làng nghề và xem nghệ nhân trình diễn dệt Dèng, kết hợp các điểm bán hàng lưu niệm. Di sản Dèng được xem như một tài nguyên du lịch chiến lược, tài nguyên du lịch mang giá trị bản địa, theo định hướng khai thác các sản phẩm du lịch, là lợi thế cạnh tranh so với những địa phương khác, sản phẩm khác cùng loại. Khuyến nghị tập trung các giải pháp theo hướng làm nổi bật giá trị đặc trưng, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, khai thác các yếu tố riêng có, độc đáo của di sản Dèng. Trong thời gian tới cần nhiều hơn dự án, chương trình kết hợp giữa văn hóa và du lịch, cần đưa vào khai thác phục vụ du lịch như lễ hội A Da, A Riêu Kar, ngày hội văn hóa các dân tộc,…
Phát triển mô hình “Làng du lịch sinh thái – văn hóa tộc người” dựa vào cộng đồng để tạo môi trường bảo tồn và phát triển nghề dệt – di sản Dèng bền vững
Khuyến nghị đưa ra dựa trên xu thế ngày càng tăng của du lịch cộng đồng hay du lịch bền vững, gắn với sự phát triển không chỉ về mặt kinh tế mà còn đối với lĩnh vực văn hóa - xã hội. “Đặc điểm của loại hình du lịch này là để làm giàu cho cộng đồng chứ không phải cá nhân cụ thể. Mặt khác sức mạnh tập thể của cộng đồng được đề cao. Sự khởi đầu của du lịch cộng đồng luôn chú trọng đến việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống trong lãnh thổ cộng đồng liên quan” (Trương Thị Thúy Hằng, 2008).
Trong các nỗ lực phát triển nghề dệt, sự tham gia của cộng đồng địa phương cần được quan tâm và khuyến khích hơn bởi họ là những chủ nhân của di sản Dèng – một tài nguyên du lịch, có giá trị văn hóa lẫn kinh tế. Khuyến nghị đưa ra ở đây là tăng cường mức độ, vai trò, sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động du lịch nói chung và hoạt động bảo tồn nói riêng, để chuyển từ bị động sang chủ động, từ khuyến khích sang tự nguyện, từ tham dự sang đóng vai trò chủ thể. Trong mô hình dựa vào cộng đồng, sự tham gia này là quá trình để xác định và củng cố vai trò của cộng đồng trong việc hoạch định chiến lược phát triển du lịch cũng như cách thức bảo tồn truyền thống: cộng đồng tham gia vào việc xác định nhũng cơ hội và điểm mạnh cho phát triển; tham gia vào quá trình quy hoạch; tham gia vào quá trình thực hiện; tham gia vào việc chia sẻ lợi ích; tham gia vào quá trình giám sát và đánh giá.
Khuyến nghị này nhằm tạo cho di sản Dèng một môi trường sống, gắn với định hướng phát triển Dèng là một sản phẩm văn hoá - du lịch tộc người. Định hướng này gắn với bảo tồn các yếu tố Dèng truyền thống thành một yếu tố lợi thế cạnh tranh cho mặt hàng lưu niệm phục vụ du lịch. Do vậy, cần phát triển thành một làng nghề dệt, gắn kết vào mô hình làng du lịch miền núi, với những loại hình du lịch sinh thái (thám hiểm rừng, đan lát, giới thiệu vốn ẩm thực, sinh hoạt văn hoá, văn nghệ dân gian trong những không gian cổ truyền của người thiểu số của người Tà ôi, Pa cô…). Mô hình làng du lịch đó sẽ đóng vai trò là trung tâm diễn giải di sản Dèng, thiết lập và triển khai phục nguyên các công đoạn sản xuất Dèng của người Tà ôi từ trồng bông, xe sợi, nhuộm màu đến dệt. Làng du lịch sẽ là nơi bảo tồn giống bông bản địa mà hiện nay vắng bóng trên khu vực Trường Sơn, và quy trình trồng bông xe sợi sẽ là một sản phẩm du lịch độc đáo cho những du khách có nhu cầu tìm hiểu, khám phá.
L.A.T
Tài liệu tham khảo:
Hoàng Sơn cb., Vũ Diệu Trung, Nguyễn Phước Bảo Đàn, Trần Đức Sáng, Lê Anh Tuấn (2007), Người Tà ôi ở Thừa Thiên Huế, Nxb. VHDT.
Lê Anh Tuấn (2014), “Phát triển cộng đồng vùng dân tộc thiểu số ở miền núi Trung bộ: những vấn đề đối diện”, Trong sách Kiến trúc truyền thống và Cộng đồng. Nxb. Thuận Hóa, 2014.
Phòng Văn hóa Thông tin huyện A Lưới (2017), Báo cáo “Chương trình phát triển văn hóa, du lịch 06 tháng đầu năm 2017, Dự ước thực hiện năm 2017 và kế hoạch hoạt động năm 2018, tháng 7/2017/BC – VH&TT.
Trương Thị Thúy Hằng (2008), “Du lịch cộng đồng có phải là phương tiện để xóa đói giảm nghèo”. Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế về Du lịch bền vững và cuộc chiến chống đói nghèo, do Trường Đại học Văn Lang tổ chức tại Ninh Thuận ngày 28/9-1/10/2008.
UBND huyện A Lưới (2016), Kế hoạch “Triển khai, thực hiện Đề án Bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới năm 2017, tháng 10/2016/KH-UBND.
UBND huyện A Lưới (2017), Báo cáo Sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/HU của Ban chấp hành Đảng bộ huyện (khóa X) “về xây dựng và phát triển văn hóa, du lịch huyện A Lưới giai đoạn 2012 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020”, tháng 3/2017/BC-UBND.