Văn nghệ dân gian
Yếu tính biển trong văn hóa Việt Nam qua câu chuyện dưa hấu ở miền Trung
16:03 | 07/12/2022

TRẦN ĐÌNH HẰNG

Yếu tính biển trong văn hóa Việt Nam qua câu chuyện dưa hấu ở miền Trung
Ảnh minh họa (Internet)

1. Mở đầu: Vấn đề tiếp biến văn hóa Việt Nam trong bản lề Trung - Ấn

Trong quá trình ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa từ vùng trung nguyên Hoàng Hà ra bên ngoài, chính sách đối với tứ di (Đông di, Tây nhung, Nam man, Bắc địch) thông qua phương thức bành trướng (quân sự) và đồng hóa (văn hóa) là rất nổi bật, được thể hiện qua nhiều con đường: tơ lụa, gốm sứ... Nhờ đó, tinh hoa văn minh Trung Hoa lan tỏa bốn phương và ngược lại, cũng thu hút, hội tụ tinh hoa nhân loại, làm giàu thêm cho văn minh Trung Hoa. Sẽ có nhiều dẫn chứng cho vấn đề này. Cụ thể ở đây, nhờ vào vai trò nổi bật xuyên suốt của con đường tơ lụa, dưa hấu từ vùng Tây Vực/Trung Á đã hội tụ về Trung Hoa. Đến lượt nó, lại tiếp tục đi về phương Nam trên những thương thuyền, nên mới dẫn đến cơ duyên gặp gỡ và được người Việt vùng châu thổ Bắc bộ tiếp nhận thông qua câu chuyện Mai An Tiêm.

Ranh giới ảnh hưởng rõ nét nhất, về phía cực nam, được chính sử ghi nhận một cách chính thống cho quá trình Hán hóa đó trên dải đất miền Trung, là dải đất Hoành Sơn. Nơi đây trở thành biên địa giằng co ảnh hưởng giữa Trung Hoa và Champa suốt một thời gian dài, rồi sau đó là Đại Việt - Champa.

Ở vùng đất phương Nam, cụ thể là từ phía nam Hoành Sơn, rồi sau này có thể là Hải Vân Sơn, lại chịu ảnh hưởng thường trực của văn minh Ấn Độ, cũng mang nhiều hình thức tương tự, nhưng nổi bật là dấu ấn của thương thuyền và tôn giáo tín ngưỡng mang đậm màu sắc Ấn Độ hóa, tiêu biểu như nền văn minh Champa rực rỡ, đến nay vẫn còn hiện diện di sản đền tháp cùng nhiều di sản phong tục tập quán, lễ nghi. Đặc biệt, vấn đề quan trọng mà chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây chính là trái dưa hấu đã hiện diện ở xứ sở này như là một thổ sản, trong vai trò thiêng liêng tối thượng, trở thành nơi hóa thân giáng trần của Bà Mẹ Xứ Sở Thiên Y A Na.

Cả hai câu chuyện trái dưa hấu, trong bối cảnh giao lưu, tiếp biến văn hóa Trung Hoa - Việt - Champa - Ấn Độ đó, đều mang đậm yếu tính biển, cho dù là ở môi trường vịnh kính Bắc bộ hay không gian biển rộng lớn bao la vốn là một phần máu thịt của vùng đất phía nam Hoành Sơn. Thông điệp chung nhất ở đây là một thế ứng xử đặc trưng trên cơ sở kết hợp hài hòa các yếu tố truyền thống của vùng châu thổ Bắc bộ và yếu tố bản địa phương Nam..., để định hình nên bản sắc, bản lĩnh Việt, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa cũng như đề kháng, thích ứng trước tác động ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai. Đây là một vấn đề rất có ý nghĩa sống còn của quốc gia, dân tộc Đại Việt suốt diễn trình lịch sử, và cũng đặc biệt có tính thời sự trong giai đoạn hiện nay.

2. Hai câu chuyện có liên quan đến dưa hấu:

Nguyên tắc định danh khá phổ biến trong lịch sử là theo phương thức định vị từ yếu tố không gian, giữa các vùng cao - thấp, bên này - bên kia, Đông - Tây - Nam - Bắc – Trung,...

Từ cái nôi châu thổ Bắc Bộ, từ thời Bắc thuộc xa xưa cho tới khi Đại Việt lập quốc, việc định danh theo trục không gian là rất phổ biến, nên mới có Nam Hải của người phương Bắc khi nhìn về biển phương Nam. Ngược lại, đó chính là Bắc Hải của người phương Nam khi nhìn về vùng biển phía Bắc. Còn nếu định vị từ cái nhìn của người miền Trung và miền Nam, mới chính xác là Đông Hải, hoặc Đông Dương, có nghĩa là biển, đại dương ở phía đông. Đây là cách tham chiếu để thấy rõ vấn đề Hán hóa hay Ấn Độ hóa ở hai câu chuyện về trái dưa hấu vốn nổi danh trong lịch sử và văn hóa Việt Nam, mà lâu nay, dễ thường ít được các nhà nghiên cứu chú tâm khai thác.

2.1. Ảnh hưởng từ Trung Hoa: Tây qua truyện với dưa hấu của Mai An Tiêm.

Một khi Đại Việt lập quốc với khát vọng độc lập trên vùng đất Lĩnh Nam, trong tương quan, đối trọng với phương Bắc, tất yếu nảy sinh nhu cầu định hình nên cốt cách riêng, bản sắc và bản lĩnh đặc thù, trên nền tảng yếu tố cội nguồn bền chặt. Thuở ban sơ dựng nước, do vậy, phải ngày càng được khắc họa rõ nét. Từ đó, mới có sự ra đời của Ngọc phả đền Hùng, hay Lĩnh Nam chích quái,... Chất liệu dân gian thuần túy trong các nguồn dã sử, truyện ký, dần dần được sử dụng từng bước để đưa vào chính sử, như từ Ngoại kỷ cho đến Bản kỷ trong Đại Việt sử ký toàn thư. Họ Hồng Bàng - thời kỳ thượng cổ sử của dân tộc, mang nhiều ý nghĩa lớn lao như vậy[1].

Thông điệp xuyên suốt từ câu chuyện Mai An Tiêm là vạ miệng trong mối quan hệ giữa lớp trẻ và tư tưởng trọng lão, Uốn miệng lưỡi, ma xui: đày viễn xứ. Nhờ đó mới có cơ duyên đưa đẩy ông đến với môi trường biển, sông nước và gặp cây dưa hấu, Cảm kiếp xưa, dưa hấu: giải buồn vui.

Nội dung chính là từ thời Hùng Vương (“ngành thứ năm”), có một người từ phương bắc bị thuyền buôn bắt bán làm tôi tớ, nhưng giỏi văn chương, nhiều hiểu biết nên được Hùng Vương rất yêu quí, ban cho tên họ là Mai An Tiêm và làm quan, dần trở nên giàu sang phú quí, lại sinh kiêu căng. Cho nên, nhiều người ganh ghét, tị nạnh. An Tiêm thường tự mãn cho rằng trong thiên hạ, chỉ có mình mới được như vậy, nên đến lúc có người nói ông nhờ ân điển của nhà vua mới có được như hôm nay, An Tiêm đã tự phụ cho rằng mọi thành quả đó đều do nỗ lực cá nhân và là quả hạnh từ kiếp trước. Việc đến tai, nhà vua giận dữ bởi sự tự phụ, kiêu căng của An Tiêm, cho niêm phong, tịch thu gia sản và đày cả gia đình ông ra vùng hải đảo xa xôi.

Trong lúc khốn khó đó, An Tiêm lại lạc quan cho rằng trời đã sinh ra ta, ắt phải giúp ta nên phó mặc cho mệnh trời. Rõ ràng ở đây, đời sống cộng đồng đã có sự chi phối sâu sắc của cả Phật lẫn Trời[2]. Chi tiết quan trọng là vào một ngày, có con chim xanh (hay nhạn trắng?) từ phương Tây bay đến, kêu vài tiếng rồi nhả ra mấy hạt trên bãi cát. Qua thời gian, hạt nảy mầm, sinh sôi và ra hoa, kết quả. Quả đỏ, ngọt, mát lành xuất hiện đột ngột, đúng nghĩa ông trời có đức hiếu sinh, nuôi dưỡng. Dưa hấu từ đó trở thành cứu tinh cho gia đình An Tiêm, lan tầm ảnh hưởng ngày càng rộng, đồng nghĩa với sự phú quí và nhờ đó, lại tạo nên cơ duyên cho cả gia đình ông trở về kinh thành. Tây qua (dưa đến từ phương Tây) đến với Đại Việt trong hoàn cảnh như vậy[3].

Trong Con đường tơ lụa, Xa Mộ Kỳ cho biết tác giả Bản thảo cương mục, nhà y dược học trứ danh Lý Thời Trân (đời Minh) từng đề cập đến việc Trương Khiên đi sứ Tây Vực, đem “Hồ qua” (Dưa của người Hồ) về trồng. Cho đến đời Tùy Đại Nghiệp năm thứ IV, do cữ tên húy nên gọi Hồ quaHoàng qua[4].

Dưa hấu thuộc họ Bí hay Bầu bí Cucurbitaceae, có tên khoa học là Citrullus vulgaris Schrad  nhưng cũng còn có những tên C. lanatus Thunb. hay Mansfeld hay (Thunb.) Mansf. hay (Thunb.) Matsum et Nakai, C. colocynthis Schrad. hay Linn. Ngôn ngữ Anh, Mỹ, thường gọi là wartermelon, muskmelon; còn người Pháp lại gọi melon d’eau, đồng thời cũng còn có tên pastèque, phát xuất bởi từ danh từ Bồ Đào Nha là pateca, vốn được hình thành từ tiếng Ả Rập là baticha[5].

Đó mới chính là việc trả lời cho câu hỏi, tại sao dưa hấu theo gia đình Mai An Tiêm, vốn bị đày ra miền biển đảo phía Đông, lại là Tây qua mà không phải Đông qua? Bởi, thực ra, quá trình truyền thuyết hóa, huyền thoại hóa nguồn gốc phương Bắc của dưa hấu từ trong lịch sử văn hóa Việt Nam mang đậm dấu ấn Hán hóa. Nó có nguồn gốc Tây Á, Trung Hoa du nhập qua quá trình giao thương của con đường tơ lụa từ Tây Vực. Sự thích ứng tốt của cây dưa hấu trên vùng đất mới làm tăng tính phổ biến của nó; dần mở rộng trồng trọt, di thực về phương Nam theo xu hướng Hán hóa, thông qua con đường buôn bán bằng thuyền bè trên biển của các thương thuyền. Ở giai đoạn chuyển tiếp này, thông qua môi trường thương mại biển, Mai An Tiêm bắt gặp và chuyển tiếp vào đất liền. Tuy nhiên, thâm ý của tiền nhân ở đây rất cần được chú ý: con người nhờ thiên nhiên vạn vật chớ không nhờ ai, từ hạt chim ăn được, tha đến, nảy mầm, sinh sôi nảy nở thành một loài trái cây quý. Nhờ đó, gia đình Mai An Tiêm mới được trở về đất liền và quan trọng hơn, bổ sung cho Đại Việt một giống loài cây quí.

2.2.  Ảnh hưởng từ Ấn Độ: Nơi hóa thân của Bà Mẹ Xứ Sở.

Như cách đặt vấn đề ở trên, có thể thấy được rõ ràng, cụ thể nhất một nét ảnh hưởng từ văn hóa và văn minh Trung Hoa đến Đại Việt, thông qua trường hợp dưa hấu, vốn cũng được nhập cảnh trung nguyên từ vùng Tây Vực/Trung Á và lại tiếp tục lan tỏa ra bên ngoài. Nói như vậy cũng nhằm để thấy khi mở rộng cương vực và tầm ảnh hưởng về phía Nam, văn minh Trung Hoa nhờ đó, cũng tiếp thu trở lại nhiều tinh hoa của xứ sở bản địa phương Nam này.

Rõ ràng là dưa hấu bằng đường biển, đã di thực từ Trung Hoa tới vùng châu thổ Bắc bộ. Tuy nhiên, điều này như cũng đã được khu trú lại trong cương vực bắc Hoành Sơn bởi trên dải đất miền Trung hiện nay, nơi vốn là một phần cương vực của vương quốc Champa, dưa hấu lại được thể hiện rõ tính chất bản địa của nó, gắn liền với truyền thuyết khởi nguyên của vùng đất này, của Bà Mẹ Xứ Sở Thiên Y A Na.

Trên vùng đất từ Hoành Sơn trở vào nam, đặc biệt là dọc ven biển miền Trung, hiện diện phổ biến các cơ sở thờ tự Bà Mẹ Xứ Sở, với nhiều hóa thân, nhưng đều rất thiêng liêng, linh ứng. Trong đó, có thể coi Tiên Linh miếu ở Nha Trang - Khánh Hòa là trường hợp điển hình cho vấn đề nguồn gốc dưa hấu và mối quan hệ giao thoa, ảnh hưởng giữa hai xu hướng Hán hóa và Ấn Độ hóa ở Việt Nam.

Trong sự tích Po Nagar của người Chăm, có sự đồng nhất với câu chuyện kỳ nam, vốn là một thổ sản nổi tiếng của vùng đất này trong lịch sử, có giá trị thương mại quốc tế rất lớn. Theo đó thì Po Ino Nagar, tục gọi là Muk Juk, hay Bà Đen, là vị nữ thần tối thượng. Từ xa xưa, ngài do mây trời và bọt biển sinh ra và ở chốn hậu cung, ngài có tới 97 người chồng, cùng 38 người con gái. Về sau, sự hiển linh của những người con vẫn còn hiện hữu là Po Nagar Dara, Rarai Anaib (nữ thần ở Phan Rang) và Po Tikuk (nữ thần ở Phan Thiết). Po Ino Nagar là vị thần do trời sai xuống để tạo ra trái đất, trầm hương và lúa. Hương mộc và kỳ nam tượng trưng cho sự linh hiển của nữ thần. Trời đặc biệt ưa thích hương lúa và gỗ trầm. Ân huệ của nữ thần thật là vô vàn, phước đức của nữ thần ở khắp mọi nơi và để nhớ ơn nữ thần, người Chàm xây dựng một ngọn tháp để thờ ở Yjatran (Nha Trang)[6].

Điều này được đề cập đến trong tác phẩm Damnay Po Ina Nagar. Truyền thuyết kể lại rằng có một gia đình cụ già không con, trồng dưa ở núi Galeng của tiểu vương quốc Kauthara (Nha Trang), bắt gặp một cô gái từ mặt trăng hiện về trong vườn dưa hấu của mình và nhận nàng làm con nuôi, đặt tên gọi là Po Nai.

Điểm đặc biệt là thời gian trôi qua, Po Nai chỉ biết ham chơi, đúc gạch để xây dựng đền tháp. Vì không chấp nhận lời than phiền của gia đình bà cụ, Po Nai bỏ nhà ra đi, lang thang trên bãi biển, trong lúc trời đổ mưa và bão táp hiện về gây sóng thần đưa nàng ra khơi. Không còn cách nào cứu thân, Po Nai dựa vào khúc gỗ Gahluw (trầm hương), trôi dạt đến Trung Hoa và bén duyên, trở thành hoàng hậu của vương quốc này, sinh ra hoàng tử tên là Cei Tri và công chúa Nai Kuik.

Về sau, vì quá nhớ cố hương, Po Nai tìm cách trốn về Champa, nhưng khi về đến nơi thì gia đình cụ già đã qua đời. Chính vì thế, Po Nai quyết định xây dựng đền ở Kauthara để thờ phượng cha mẹ nuôi, chỉ dẫn cho dân tộc Chăm tiếp thu nền văn hóa mới từ hệ thống ngôn ngữ chữ viết đến qui luật tổ chức gia đình và xã hội[7].

Trong quá trình người Việt đi về phương Nam, truyền thuyết này được chính thức ghi nhận rõ nét. Thiên Y tiên nữ giáng sanh ở núi Đại An, gần cù lao Huân (cửa biển Cù Huân), vào gia đình ông bà lão trồng dưa, vốn không con, ở căn nhà bên núi. Ở miền Bắc, Mai An Tiêm nhờ chim mang hạt dưa hấu đến; còn ở đây, nó đã là thổ sản từ thuở ban sơ. Do đó, quả dưa trở thành nơi hóa thân cho Thiên Y giáng trần, làm người con nuôi của ông bà lão trồng dưa. Nơi ẩn thân thứ hai của cô gái, sau này, lại là khúc gỗ kỳ nam, một thổ sản đặc trưng ở xứ Trầm Hương, vẫn nổi tiếng cho đến nay.

Gia đình Mai An Tiêm bị đày ra vùng biển mới gặp được dưa hấu. Còn ở miền Trung, sự thông thương/trôi nổi trên biển đã dẫn đến cuộc hôn phối lịch sử giữa cô gái phương Nam và thái tử Bắc Hải, sinh ra hai người con. Về sau, yếu tố văn hóa phương Bắc theo chế độ phụ quyền vẫn không níu kéo, chiến thắng được yếu tố văn hóa phương Nam mang nặng mẫu quyền, theo dạng thức “xuất giá tòng phu” truyền thống của phương Bắc, dẫn đến kết cục người phụ nữ đành dẫn hai con tìm về cố hương. Câu chuyện kết thúc với cán cân nghiêng về sự thắng thế của văn hóa phương Nam.

Thái tử Bắc Hải tìm kiếm vợ con, thể hiện rõ sự xung đột văn hóa - văn minh phương Bắc và phương Nam, khi họ liên tiếp có nhiều mạo phạm nghiêm trọng. Hậu quả là cả đoàn thủy quân bị bão đánh tơi bời, bỏ mạng trên vùng biển phương Nam. Bà Mẹ phương Nam sau khi bay lên cõi tiên, hiển linh, trở thành Bà Mẹ Xứ sở Thiên Y A Na Diễn Phi Chúa Ngọc. Chốn nhân gian khắp nơi lập miếu điện thờ Bà, đặc biệt là ở Tháp Bà Nha Trang, trở thành khu vực thờ tự trung tâm, nơi mà những lúc lễ tiết, từ các loài thú rừng cho đến hải tộc đều đến chầu trước đền. Thái tử Bắc Hải, về sau, chỉ được nương nhờ khiêm tốn tại một ngôi miếu nhỏ trong khu vực miếu Bà[8].

Đặc biệt là nội dung câu chuyện, truyền thuyết khởi nguyên này đã được đại thần Phan Thanh Giản ghi chép lại trong một tấm bia được đặt ngay tại khu di tích Tháp Bà từ năm Đinh Tỵ - 1857. Chi tiết hơn, cô gái phương Nam hóa thân vào khúc gỗ kỳ nam trên biển để đến kết duyên với thái tử Bắc Hải và họ có hai người con: hoàng nam Tri và công chúa Quý. Quá trình giăng co ảnh hưởng đó đã đưa mẹ con bà trở lại cố hương, và cũng thông qua cây gỗ kỳ nam, để bày ra phép tắc dạy dân làm ăn, cách sinh dưỡng. Sau khi cho chạm tượng của Bà để lại ở chóp núi, Bà cỡi chim loan lên tiên giới. Nơi này ngày càng linh hiển, phù hộ cho người dân và giúp họ chống lại các thế lực xấu: thiên tai khắc nghiệt và kẻ thù xâm lược, kể cả đoàn quân của thái tử Bắc Hải: hiện tượng cuồng phong đánh đắm thuyền bè[9].

Vấn đề Hán hóa và chống Hán hóa được đề cập rõ nét, đầy thâm ý, dù chỉ thông qua hình tượng dưa hấu. Mai An Tiêm tiếp xúc với cộng đồng thương nhân Trung Hoa trên biển để có được dưa hấu mà vẫn nói nhờ chim. Còn ở miền Trung, nó lại được thể hiện cụ thể hơn, căng thẳng đến mức trở thành cuộc chiến giữa hai nền văn hóa phương Bắc - phương Nam. Ban đầu, yếu tố phương Bắc thắng thế, mới được “rước dâu” nhưng về sau, yếu tố phương Nam trỗi dậy, vượt ra khỏi vòng kiềm tỏa của phương Bắc, qua việc hồi hương của ba mẹ con, để về sau, định hình thành tín ngưỡng thờ nữ thần Bà Mẹ Xứ sở Thiên Y A Na nổi bật trong văn hóa miền Trung, miền Nam.

Ở chính khu tháp Bà ở Nha Trang, điều này được thể hiện rất rõ. Trên đỉnh núi Cù Lao, người ta đã xây nên một ngọn tháp cao 6 trượng để thờ Thiên Y A Na và bên hữu, là một ngôi tháp nhỏ cao 2 trượng để thờ Thái tử. Đằng sau là một nhà nhỏ thờ hai con của ngài và bên tả, một nhà nhỏ để thờ song thân[10].

Đồng Khánh địa dư chí miêu tả chi tiết tháp cổ Linh Tiên thuộc sơn phận xã Cù Lao, tổng Xương Hà (huyện Vĩnh Xương), năm đỉnh núi liền nhau mà tháp cổ đứng sững phía trên, thờ Thiên Y thánh nương. Đời bản triều nhiều lần được phong tặng là: “Hồng nhơn phổ tế linh ứng thượng đẳng thần”, cho lấy dân xã Cù Lao làm miếu phu. Cửa tháp xây đá, phía trước có bia, đều khắc chữ kiểu khoa đẩu, phàm khi cầu đảo đều linh ứng. Tháp cao 6 trượng, trải qua nhiều năm gạch ngói hư hỏng, dột nứt, các đời quan trấn nhậm đất này đều muốn sửa sang tu bổ, nhưng công trình lớn lao tu sửa khó khăn, chi phí tốn kém, lại ít thợ khéo, cuối cùng vẫn không làm được. Đến năm Tự Đức 18 (1865), có nhân vật Bá hộ tên là Nguyễn Khuê (người huyện Vĩnh Xương) xuất của riêng mua gỗ, ngói dựng ngôi nhà một gian để che mưa gió. Phàm các quan đến nhậm chức và các vị phái viên đi công cán qua đây đều vào bái yết hoặc dựng bia khắc bài ký (như nguyên Hiệp biện đại học sĩ lãnh Lễ bộ Thượng thư Phan Thanh Giản; nguyên Thông chánh sứ lãnh Bố chánh sứ Khánh Hòa Nguyễn Quýnh...), hoặc đề thơ (như nguyên chánh sứ sang Pháp, Thượng thư bộ Hình Lê Tuấn, nguyên Phó Sứ, Lễ bộ Tả tham tri Nguyễn Văn Tường...). Các vị trên đây đều ca ngợi cho tháp cổ này là một danh thắng trong tỉnh hạt[11].

Gắn liền với di tích đặc biệt Tiên Linh cổ tháp, có liên quan tới truyền tích dưa hấu là các địa danh Ruộng dưa - Qua điền, Núi Dưa - Qua sơn/núi Chúa - Chủ sơn - Đại Điền sơn ở làng Đại An

Núi Đại Điền còn gọi là Qua sơn, tục danh núi dưa, để khẳng định tính chính danh đặc trưng của một thổ sản phương Nam đặc biệt: dưa hấu. Quan trọng hơn, ở đó có một ruộng dưa đã trở thành điểm thiêng để Bà Mẹ Xứ Sở giáng trần, nên ngọn núi này còn có tên gọi là Chủ Sơn. Yếu tố Thiên, Tiên, phát xuất từ đó. Tính chất mở của văn hóa phương Nam được khẳng định, cô gái trở thành con nuôi của ông bà tiều phu chủ ruộng dưa vốn không có con. Sau khi từ phương Bắc trở về, Bà trở lại ngôi nhà xưa nhưng ông bà đã qua đời, nên tại đây, nay vẫn hiện hữu ở phía trước một ngôi miếu nhỏ để thờ. Yếu tố Chủ Sơn, điểm thiêng trong mối quan hệ thông linh giữa Trời - Người - Đất, do vậy, cần được khẳng định: Núi Đại Điền, tục gọi Chủ Sơn, thế núi cao cả, chu vi hơn trăm dặm, tương truyền đây là chỗ hiển linh của Thiên Y A Na Diễn Bà, cấm người vào núi hái củi, cây cối um tùm, thường có ánh sáng thiêng chiếu xuống. Năm Tự Đức thứ 3, đổi tên và chép vào điển thờ[12].

Khảo sát bước đầu của chúng tôi cho thấy có nét tương đồng trong quá trình Việt hóa các trung tâm tín ngưỡng Poh Inư Nưgar ở trường hợp Điện Hòn Chén - làng Hải Cát (Huế) với Tháp Bà - làng Cù Lao, hay Am Chúa (Qua Sơn) - làng Đại An (Khánh Hòa). Sự tích tháp Bà Poh Inư Nưgar được ghi lại trong bia ký của đại thần Phan Thanh Giản  có nhiều giá trị, nhưng cần chú ý đến giai đoạn rất muộn của quá trình Việt hóa vốn có từ rất lâu trong lịch sử văn hóa miền Trung. Trong đời sống văn hóa tín ngưỡng làng xã miền Trung, ảnh hưởng của Bà luôn thường trực và phổ biến, từ bắc vào nam, từ sơn cước đến biển cả. Đặc biệt, ở các làng ven biển nam Trung bộ, Bà chính là vị thượng đẳng tối linh thần, được thiết trí tự miếu trang nghiêm, hiện diện phổ biến trong sắc phong, văn tế và đời sống lễ nghi.

Quá trình định danh núi Chủ/Chúa, có khi còn gọi là núi Chóp Chài, là một hiện tượng phổ biến ở các tỉnh ven biển miền Trung. Về cơ bản, đó là ngọn núi cao nhất hoặc chí ít, có được tầm nhìn xa cao nhất và rõ nét nhất nếu định vị từ biển bởi các cộng đồng ngư dân, trong vai trò là một ngọn hải đăng trong quá trình “bình ba”. Đồng thời, ngoài giá trị hiện thực đó, núi Chúa còn mang thêm chức năng tâm linh, tư tưởng, khi có sự hiện diện bao trùm, rõ nét của ngôi miếu thờ vị tối linh thần trong cõi, đó chính là Bà Diễn Phi Chúa Ngọc - Bà Mẹ Xứ Sở Thiên Y A Na. Chính vai trò trọng yếu đó mà núi Chúa có vai trò ảnh hưởng rất lớn trong đời sống tín ngưỡng dân gian trong vùng, đồng thời, cũng rất được chính quyền phong kiến quan tâm, xây dựng thành một cứ điểm trong hệ thống đồn, bảo trọng yếu ở miền núi.

3. Kết luận: Thông điệp gửi gắm về bảo lưu văn hóa và thích ứng, chống lại những dị biệt văn hóa

Câu chuyện dưa hấu gắn liền Mai An Tiêm, hay là nơi hóa thân giáng trần đầu tiên của Bà Mẹ Xứ Sở Thiên Y A Na, cho dù là “đi đày” ra biển (miền Bắc) hay là chủ động thông thương trao đổi buôn bán trên biển (miền Trung), đều chứa đựng, chuyển tải nhiều giá trị lịch sử và văn hóa, thể hiện rõ nét thế ứng xử năng động của các cộng đồng dân cư trên lãnh thổ Việt Nam trước tác động từ bên ngoài. Biển Đông trong bối cảnh đó, là nơi khó khăn, khắc nghiệt đối với cư dân nông nghiệp lúa nước vùng châu thổ Bắc bộ, nhưng lại là môi trường đánh bắt, buôn bán, trao đổi rộng lớn của cư dân miền Trung. Miền Trung đã có sự đóng góp vĩ đại, vượt bậc nhãn quan biển - thông thương, khoáng đạt, làm phong phú thêm cho nhãn quan Việt Nam vốn tồn tại và phát triển bền chặt trên nền tảng nông nghiệp lúa nước từ cái nôi châu thổ Bắc bộ.

Từ Đèo Ngang ra tới châu thổ Bắc bộ, có sự hiện diện mạnh mẽ trong vai trò quản hạt rộng lớn, đầy quyền uy của Ông Thành Hoàng. Vịnh Bắc bộ là một vịnh kín, nên yếu tố biển khá mờ nhạt, nhường chỗ cho vấn đề đất đai cấp bách. Từ Đèo Ngang trở vào Nam, lại có sự bổ sung quản hạt của một vị tối linh thần đồng nhiệm tương tự, giới nữ: Bà Mẹ Xứ Sở Thiên Y A Na. Từ sự chi phối này, có thể thấy vấn đề quốc gia thống nhất luôn bao gồm lãnh thổ lẫn lãnh hải và vai trò đặc biệt quan trọng của vùng đất này, bởi Bà Mẹ Xứ Sở luôn quản hạt cả miền núi rừng, đồng bằng lẫn biển cả.

Nhờ đó, cơ thể văn hóa Việt Nam đã mang thêm yếu tính biển đậm nét, cơ bản từ hệ món ăn từ biển cả, môi trường cư trú, sinh hoạt, đánh bắt, cho tới đời sống tín ngưỡng - phong tục tập quán biển[13],... Câu chuyện trái dưa hấu không chỉ dừng lại ở một giống loài thảo quả phục vụ việc ăn uống hay sức khỏe mà sâu xa hơn, chứa đựng, gửi gắm nhiều thông điệp của tổ tiên về bảo lưu văn hóa và thích ứng, chống lại những dị biệt văn hóa, từ phương thức mềm mỏng cho tới mạnh mẽ, đầy kiên quyết./.

T.Đ.H



[1] Vũ Quỳnh (1993), Tân đính Lĩnh Nam chích quái, (Bùi Văn Nguyên dịch thuật, chú thích, dẫn nhập), H.: Nxb. Khoa học Xã hội, phần Dẫn nhập, tr. 5.

[2] Tác giả Lê Minh Khải cho rằng dưa hấu là loại quả được đưa vào thế giới Trung Quốc từ các vùng thuộc Trung Á, nên vì thế mà có tên gọi “Tây qua”, và lần đầu tiên được sử liệu Trung Quốc nói đến vào thế kỷ X. Đồng thời, ông cũng đã có sự giả định, phân tích một số yếu tính Phật giáo quan trọng ở đây thông qua truyền tích, ý nghĩa biểu tượng của dưa hấu gắn liền với chim và Phật Quan Âm (Le Minh Khai, 2013. “Watermelons, Birds, Buddhists and a Vietnamese Legend” (Dưa hấu, chim, Phật giáo và một huyền thoại Việt Nam), http://leminhkhai.wordpress.com/ 07 Feb 2013. Hà Hữu Nga dịch, http://kattigara-echo.blogspot.com/2013/02/dua-hau-chim-phat-giao-va-mot-huyen.html.

[3] Vũ Quỳnh (1993), Tân đính Lĩnh Nam chích quái, Tlđd, tr.76 - 79.

[4] Xa Mộ Kỳ (2000), Con đường tơ lụa (Nguyễn Phố dịch), Tp.HCM: Nxb. Trẻ.

[5] Võ Quang Yến (2013), “Tây qua-dưa hấu”, Huế: Nghiên cứu và Phát triển (Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế), số 1 (99), tr. 103.

[6] Hoàng Trọng Miên (1959), Việt Nam văn học toàn thư, S.: Văn hữu Á châu Xb, tập 2, tr. 86 - 87.

[7] Tác phẩm văn học viết bằng Akhar Thrah, nằm trong văn bản cổ Chăm của Viện Viễn Đông Pháp, ký hiệu CAM 246-B, tr. 169-171, do ông Quảng Văn Đại (Chất Thường, Ninh Thuận) sưu tầm và cung cấp (Po Dharma (2012), Damnay Po Ina Nagar, http://champaka.info/index.php?option=com_content&view=article&id=427:nagar&catid=73:damnay&Itemid=78).

[8] QSQ triều Nguyễn (Viện Sử học dịch) (2006), Đại Nam nhất thống chí, tập III, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 123-125.

[9] Hoàng Trọng Miên (1959), Việt Nam văn học toàn thư, tlđd, tr. 87 - 89. Bản dịch Thái Văn Kiểm.

[10] Hoàng Trọng Miên (1959), Việt Nam văn học toàn thư, tlđd, tr. 88.

[11] QSQ triều Nguyễn (2003), Ðồng Khánh địa dư chí - phần các tỉnh nam Trung bộ (Ngô Đức Thọ d.), H.: Tài liệu chưa xuất bản của Viện Viễn Ðông Bác Cổ Pháp, Trường Cao học Thực hành Pháp & Viện Nghiên cứu Hán Nôm, tr. 1633-1634.

[12] QSQ triều Nguyễn (1997), Đại Nam nhất thống chí, Huế: Nxb. Thuận Hóa, tập III, tr. 97.

[13] Chúng tôi đã từng đặt ra vấn đề hệ thống thần linh biển trong thần điện Việt Nam:

  • Trần Ðình Hằng (2008), “Ai thờ cá Voi: Một góc nhìn về văn hoá Việt ven biển miền Trung”, Tham luận toạ đàm khoa học quốc tế Thay đổi của văn hoá truyền thống ở Thừa Thiên Huế: Tiếp cận nhân loại học và sử học từ trong và ngoài nước, Huế.: Phân Viện VHNTVN tại Huế - Trung tâm NC châu Á, Đại học Toyo (Nhật Bản), 30/8: 46-62. In sách cùng tiêu đề, Tokyo.: Trung tâm Nghiên cứu châu Á - Viện Nghiên cứu văn hóa châu Á - Đại học Toyo Xb, 2009, tr. 337 - 349.
  • Trần Đình Hằng (2012), “Hệ thống thần linh biển và vấn đề ý thức dân tộc, chủ nghĩa quốc gia Việt Nam thống nhất: Nhìn từ văn hóa miền Trung, miền Nam”, Tham luận tại Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần IV: Việt Nam trên đường hội nhập và phát triển bền vững, H.: Viện KHXHVN - ĐH Quốc gia HN, 26-28.11. Bài in lại: Hệ thống thần linh biển và vấn đề ý thức dân tộc: nhìn từ miền Trung - miền Nam, Viện VHNT Việt Nam: Văn hóa học, ISSN 1859-4859, số 4/2012, tr. 16-31.

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng