Văn nghệ dân gian
Thuyền bè Việt Nam - Một di sản văn hóa cần được bảo tồn
15:43 | 15/02/2023

NGUYỄN THANH LỢI

Thuyền bè Việt Nam - Một di sản văn hóa cần được bảo tồn
Ảnh minh họa (Internet)

1. Thuyền bè Việt Nam trong lịch sử

Hình ảnh thuyền độc mộc ở nước ta (giống thuyền của cư dân La Mã cổ đại) được tìm thấy trên các trống đồng phân bố ở vùng núi như đồi Ro, làng Vạc. Chúng được thiết kế như chiếc máng lớn, thân cây gỗ lớn được đục thủng bằng rìu, không có bộ phận phụ, dùng chuyên chở nhẹ, đi cự ly ngắn, chủ yếu trên sông hồ.

Hình ảnh thuyền thúng cũng được tìm thấy trên một số rìu đồng ở vùng sông Mã (Thanh Hóa). Những chiếc thuyền thúng lớn hình bầu dục, vành cạp tre ở miệng, có thanh tre buộc ngang. Thuyền thúng chỉ chở từ 1-2 người, dùng ở vùng sông nước, cửa biển.

Thuyền ván gỗ xuất hiện trên trống đồng Miếu Môn, Phú Khương, Hữu Chung… Loại thuyền này có mái chèo ở đuôi, cánh buồm, đáy thuyền được thiết kế chắc chắn, có khả năng đi biển dài ngày.

Thuyền chiến có kiến trúc phức tạp nhất, lớn nhất và trang trí hoàn mỹ đã thấy được trên trống đồng Ngọc Lũ, Hoàng Hạ cho thấy sự phát triển về mặt kỹ thuật, ở cả đuôi và mũi thuyền với những tấm rẽ nước. Trên thuyền có các loại vũ khí như giáo, lao, rìu, dao găm, cung nỏ.

Nhiều di tích mộ thuyền của cư dân Đông Sơn, tập trung ở hữu ngạn sông Hồng và tả ngạn sông Thái Bình. Quan tài trong huyệt mộ là những cây gỗ tròn hoặc gần tròn, khoét rỗng hình lòng máng, chừa hai đầu (hoặc ghép thêm ván) làm vách ngắn. Kỹ thuật chế tác gần giống hình con thuyền độc mộc1.

Hình tượng mái chèo và bánh lái trên trống đồng Hữu Chung “là bằng chứng rõ rệt về sự trưởng thành của kỹ thuật đóng thuyền, khả năng chinh phục sông nước của một cộng đồng dân cư vốn đã quen và có khả năng thích ứng cao với môi trường nước”2.

Thuyền Đông Sơn chứa nhiều người mang vũ khí, lương thực, nghi trượng. Với sức chuyên chở lớn như thế thì đó là những con thuyền đi biển3.

Từ thế kỷ III đến thế kỷ VI, cư dân Óc Eo đã có nền hải thương rất phát triển. Nó đóng vai trò nổi bật của một “Trung tâm liên thế giới” trong hệ thống hải thương Đông Nam Á. Thương cảng Óc Eo của vương quốc Phù Nam có mối liên hệ với Ấn Độ, Tây Á và Địa Trung Hải. Óc Eo đã trở thành vương quốc biển và cảng thị Óc Eo trở thành một thương cảng quốc tế quan trọng không chỉ của vương quốc Phù Nam mà còn của cả nhiều trung tâm kinh tế Đông Nam Á4.

2. Thuyền bè Việt Nam và kỹ thuật hàng hải

Trong nội địa đồng bằng Bắc Bộ phổ biến các loại thuyền đan bằng tre, gọi là thuyền thúng. Chiếc nhỏ dùng cho 1 người để hái rau bèo, bắt cá. Chiếc nhỏ dài 1,5 - 2,5m, chiều ngang 50 - 60cm, lòng khum chỉ sâu khoảng 20cm từ đáy đến cạp. Chiếc to dài 4 - 5m, rộng 1 - 1,2m, lòng sâu 35cm.

Vùng đồng chiêm trũng, nơi có nhiều ao hồ như ở huyện Thanh Liêm, Bình Lục (Hà Nam), huyện Gia Lương (Bắc Ninh), thuyền thúng và thuyền gỗ nhỏ phổ biến.

Bảo tàng Dân tộc học (Hà Nội) hiện nay trưng bày nhiều loại ghe thuyền như: thuyền độc mộc, thuyền thúng, thuyền nan, mảng, thuyền gỗ nhỏ (sử dụng trên ao, hồ, đồng chiêm trũng); thuyền có mui, thuyền gỗ không mui, ghe gỗ, thuyền có khoang kín (di chuyển trên sông, ngòi, kênh, rạch); thuyền đánh cá cỡ vừa, thuyền mũi cao, thuyền buồm đánh cá cỡ lớn (sử dụng đi biển)5.

Trong cuốn từ điển Dictionnaire Vietnamien - Chinois - Francais (1937), Gustave Hue ghi chép đến 40 tên ghe đi biển và đi sông ở miền Trung và miền Nam: ghe bản lồng, ghe bầu, ghe bể (ghe biển), ghe bốc chài, ghe cá (ghe câu), ghe cui (ghe be), ghe cửa, ghe chiến, ghe diểu, ghe đại trường đà, ghe đinh, ghe đò, ghe guộc, ghe giã, ghe vọng, ghe giàn, ghe hầu, ghe hồng, ghe khoái, ghe lê (ghe hầu), ghe lồng, ghe chón, ghe lườn, ghe mành (ghe biển), ghe mui ống, ghe nan, ghe nốc (ghe biển), ghe ngo, ghe quyển, ghe rập đẩy (ghe be), ghe rỗi, ghe rớ, ghe sai, ghe son, ghe sơn đỏ, ghe tiểu điếu, ghe trẹt, ghe vạch (ghe mỏ vạch, mũi vạch), ghe vụn (ghe son), ghe nan6.

Bờ biển Việt Nam và Hoa Nam từ xưa đến nay là nơi sáng tạo ra, quy tụ nhiều kiểu ghe thuyền phong phú hơn bất cứ nơi nào trên thế giới. Theo Bernard Philippe Grosslier, Đông Nam Á vào thời cổ đại là nơi phát sinh những đường hàng hải dọc các bờ biển. Đến thời trung đại hay thời kỳ thương mại biển Đông đây cũng chính là nơi hình thành các tuyến buôn bán Nội Á (Inner - Asia) và xuyên lục địa (Trans-continental)7.

Thuyền bè cổ Việt Nam chịu ảnh hưởng của thuyền Trung Hoa từ miền Bắc, Indonesia, Ấn Độ, Arập hay phương Tây ở miền Nam. Đó là sự phối hợp hài hòa những dữ kiện kỹ thuật khác nhau để đóng ra những chiếc thuyền kiểu mẫu, đáp ứng được những phẩm chất đi biển. Họ sử dụng những chốt bằng gỗ đặc biệt (gỗ tra đá, đập, võ đỏ Quy Nhơn). Các loại gỗ này không bị mục, có thể sử dụng được 20 năm. Các cánh buồm bằng vải hoặc mè (miền Bắc), bằng lá cọ (miền Trung) và bằng tranh (miền Nam). Những chiếc thuyền này có thể đi tới Trung Hoa, Philippine, Batavia, Singapour, Ấn Độ8.

Thích ứng với môi trường sông nước, người Việt cổ đã đóng góp vào sự tiến bộ của hàng hải thế giới các loại thuyền bè, thuyền độc mộc, mái chèo, thuyền nhiều thân (outriggers), sự phối hợp tài tình giữa hệ thống buồm và xiếm9.

Người Chăm ở miền Trung Việt Nam đã biết kết hợp truyền thống ghe bầu Mã Lai và những yếu tố thuyền biển Ấn Độ Dương và Địa Trung Hải để đóng chiếc ghe bầu cho riêng mình. Họ có hàng trăm thuyền lầu là chiến thuyền và thương thuyền, mỗi chiếc dài hơn 20 trượng (khoảng 60m), cao hơn mặt nước 2 - 3 trượng (khoảng 6m), trông như nhà gác, chở được 600 - 700 người, hàng vạn hộc (tạ) sản vật.

Champa có cái nhìn đúng đắn về biển, tham gia tích cực vào luồng thương mại quốc tế trên biển. Biển Đông ở miền Trung khi đó được các tác giả Arập - Ba Tư gọi là biển Champa. Người Chăm xuất khẩu trầm hương, hồ tiêu, ngọc hổ phách, tơ lụa, đồ thủy tinh…10.

Ghe bầu miền Trung phân bố ở địa bàn các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận; trong đó nổi bật là ghe bầu xứ Quảng và ghe bầu Phan Thiết.

Ghe bầughe prau Mã Lai - Nam Đảo có những chi tiết giống nhau khá cơ bản. Điều đó chứng tỏ ảnh hưởng đậm nét của prau lên ghe bầu, kể cả tên gọi lẫn hình dáng và cấu trúc. Bên cạnh yếu tố Mã Lai-Nam Đảo, ghe bầu xứ Quảng còn tiếp thu một số chi tiết kỹ thuật của thuyền buồm đông Địa Trung Hải, tây Ấn Độ Dương và nam Trung Hoa. Trong đó yếu tố Trung Hoa thể hiện yếu hơn. So với ghe bầu Hội An, ghe bầu Ninh Thuận - Bình Thuận còn giữ lại những nét cổ xưa hơn, gần với yếu tố Mã Lai - Nam Đảo hơn.

So sánh với hình ảnh chiếc thuyền Champa trên phù điêu Angkor (Campuchia) và tháp B6 ở di tích Mỹ Sơn (Việt Nam), ta thấy có nhiều điểm trùng với địa bàn cư trú của người Chăm trước đây. Kết hợp với các tư liệu folklore về nghề đóng ghe bầu, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng ghe bầu là kết quả trực tiếp của quá trình giao lưu kinh tế, văn hóa Việt - Chăm, của kỹ thuật đóng ghe cổ truyền Việt và kỹ thuật đóng thuyền Champa11.

Trong chuyên khảo Esquisse d’une ethnographie navale de pay Annamites (Phác thảo dân tộc học hàng hải Việt Nam, 1942), Pierre Paris cung cấp thông tin về chi tiết các loại thuyền bè Việt Nam: hình dáng thân thuyền, phương pháp đóng thuyền, mái chèo, dầm chèo, bánh lái và vị trí đặt lái, buồm và các phụ tùng đặt theo, tấm xiếm và tấm buồm, trang trí, các loại thuyền đặc biệt và bè mảng.

Sách còn giới thiệu tên các loại ghe thuyền ở Việt Nam, có một số khác biệt so với công trình Voiliers d’Indochine (Thuyền buồm Đông Dương) của J. B. Piétri. Ông phân loại ghe thuyền dựa vào đặc điểm cấu tạo, hình dáng, công năng, chất liệu, môi trường sử dụng như: thuyền Mũi Ngọc, Lai tan Mũi Chùa, thuyền Bắc Hải, tam bản hình dáng Trung Hoa, tam bản kiểu Việt Nam, tam bản Đồ Sơn và vịnh Hạ Long, thuyền đi biển và hạ lưu sông Hồng, tam bản trên sông Hồng, thuyền chở hàng tại Hải Dương, thuyền chở hàng tại Ninh Bình, mủng có khung chữ nhật tại Ninh Bình, sà lan bằng nan tre tại Ninh Bình, mủng nan tre tại Lạch Trường, bè mảng Sầm Sơn, tam bản Sầm Sơn, thuyền mành Cửa Lò12, thuyền mành Quảng Khê có xiếm, tam bản nốc, thuyền nan tre, ghe câu Đà Nẵng, ghe nang, ghe bầu Quảng Bình, ghe trường, ghe bầu lớn Phan Thiết, tam bản có đáy nan tre tại Quảng Ngãi, ghe mành Tam Quan, ghe trê Quy Nhơn, thúng tròn, sõng vành, ghe giã, ghe xuồng Quy Nhơn, ghe xuồng Nha Trang, thuyền sông Nha Trang, thuyền câu Nha Trang, thuyền câu Phan Rang, tam bản Phan Thiết, tam bản Phước Hải, ghe lưới rùng Lộc An, ghe trê, tam bản Sài Gòn, tam bản Trung Hoa, ghe lồng, thuyền độc mộc, ghe cà vom, ghe chài (thuyền sông chở lúa), ghe câu Phú Quốc13.

Đồng thời tác giả còn chỉ ra những ảnh hưởng qua lại giữa thuyền bè Việt Nam với các nước khác, “giống như thuyền Malay, cả về thân thuyền lẫn các buồm và dây nhợ” là ghe lưới rùng vùng cực Nam Trung Kỳ và ghe cửa ở cửa sông Nam Kỳ, và xa hơn là bóng dáng của chiếc prauw tjemplong của miền Bắc Java (Indonesia), những thuyền có 2 hay 3 buồm Latinh với thanh lèo. Hình dáng chung của ghe lưới rùng gần với thuyền koleh pengayer ở bán đảo Malaysia14.

Ghe câu Đà Nẵng với bánh lái trượt trong sống đuôi và cây lĩa trượt trong sống mũi, cùng với cấu trúc nửa gỗ nửa tre đã tạo nên một loại thuyền độc nhất trên thế giới, không phải là bản sao chép từ phía nào15.

Ghe nang (ghe bầu) thường được sử dụng ở Quảng Nam, Quảng Ngãi chở các sản vật của miền Trung (mây tre đan, cối đá, gốm) vào Đông Nam Kỳ qua ngõ sông Sài Gòn, hay vào cửa sông Mỹ Tho tới tận đồng bằng sông Hậu, chuyến ra chở đầy lúa gạo. Mỗi chiếc ghe nang có thể dài tới 20 mét16.

Người Việt ở Nam Kỳ đã mô phỏng những con thuyền độc mộc Campuchia, được be cao mạn với khung xương để tăng sức chịu đựng, dùng để thu mua lúa. Nó được nâng cao phía mũi thì trở thành chiếc ghe cà vom17.

Voiliers d’Indochine (Thuyền buồm Đông Dương, 1943) của J. B. Piétri là một khảo cứu công phu về thuyền bè dân gian của Việt Nam, Campuchia và cả Nam Trung Quốc. Tác giả đã liên hệ, so sánh thuyền bè Đông Dương với thuyền bè của nhiều dân tộc khác trên thế giới để thấy được nguồn gốc, sự ảnh hưởng giữa chúng với nhau. Trong công trình dân tộc học hàng hải này, ông đã miêu tả 33 loại thuyền ở Đông Dương. Những tranh ảnh này do chính tác giả vẽ lấy, gồm 76 hình thuyền các loại, 97 tranh phác họa các chi tiết như vỏ thuyền, cột và dây buồm, mộng, neo, bánh lái và hình dạng các loại thuyền. Các thuyền này phân bố từ Móng Cái cho đến tận Phú Quốc:

- Thuyền buồm hạ lưu sông Hồng, thuyền buồm Nam Định.

- Ghe lưới vịnh Hạ Long, thuyền Trà Cổ (Móng Cái), thuyền vịnh Hạ Long, thuyền lưới rê đảo Cát Bà, thuyền tam bản Móng Cái.

- Ghe mành Nam Định, ghe mành sông Cả (Thanh Hóa), ghe mành sông Mã, ghe mành Cửa Lò, ghe mành Quảng Bình, ghe mành Đà Nẵng, ghe mành lưới rê Đà Nẵng.

- Ghe bè Thanh Hóa, ghe bè Quảng Trị, ghe bè Hà Tĩnh.

- Ghe giã Cửa Cờn (Nghệ An), ghe câu Đồng Hới, ghe câu Quảng Bình, ghe câu Cửa Việt (Quảng Trị), ghe câu Cửa Lò, ghe câu Quảng Khê, ghe câu Ninh Thuận, ghe câu Bình Thuận, ghe câu Phú Quốc.

- Ghe nốc Thuận An, ghe nốc đầm Cầu Hai (Huế).

- Ghe bầu Quảng Nam, ghe bầu Quảng Ngãi, ghe bầu Phan Rang, ghe bầu Mũi Né.

- Ghe nang Đà Nẵng, ghe nang Tam Quan.

- Ghe giã Quy Nhơn, ghe giã Bình Định, sõng vành Quy Nhơn,

- Ghe lưới sông Nha Trang, ghe cửa ngoài cửa sông Cửu Long, ghe rùng Phước Hải (Bà Rịa)18.

Gần vùng duyên hải Nam Trung Hoa, thuyền ở Bắc Bộ chủ yếu là thuyền đánh cá lớn của Cát Bà, đó là thuyền mành, koupang Trạm Giang, ho nam tien của đảo Hải Nam và yam chow Bắc Hải. Đặc sắc nhất là chiếc “lai tan” Móng Cái, ghe mành của Mũi Ngọc và thuyền Trà Cổ, gần biên giới Trung Quốc. Thuyền tam bản của vịnh Hạ Long lại học từ kiểu đóng thuyền của Bắc Trung Bộ. Các loại thuyền này có sự kết hợp giữa cách thức chế tác của Việt - Trung19.

Bè tre có nhiều cây xiếm và chỗ cắm buồm di động là “đặc sản” thuyền bè của Quảng Trị, Hà Tĩnh và Thanh Hóa (hay gọi là mảng)20. Đây là phương tiện giao thông thủy sơ khai nhất từ xa xưa mà cho đến nay vẫn còn bắt gặp ở vùng ven bờ Đông Dương, Đài Loan, Nam Mỹ với bè “balsa” của Ecuador và Peru. Bè Cửa Tùng (Quảng Trị) ở ven biển mũi Lay chủ yếu là bè nhỏ, một buồm, hai xiếm đặt ngang nhau, phần lớn chạy thuận gió. Từ Cửa Nhượng (Hà Tĩnh) trở đi bè có hai buồm. Từ Sầm Sơn (Thanh Hóa), bè có hai hay ba buồm, cho tới tận cửa sông Hồng, cửa Đáy và cửa Ba Lạt (Quất Lâm và Vạn Lý). Bè được đóng bằng 12 thân cây tre, đường kính 10cm. Tre được uốn cong ngược lên để tạo thành mũi con thuyền hình phẳng. Các cây tre được liên kết với nhau bằng dây mây. Hai cây tre kích thước rất lớn được đặt hai bên mạn để che sóng biển. Buồm vải nhuộm củ nâu màu đất hung đỏ giống màu của buồm trên vịnh Hạ Long21.

Thuyền ở Phước Hải (Bà Rịa Vũng Tàu nay), Phan Thiết (Bình Thuận), Nha Trang (Khánh Hòa) có thân rất tròn, không có đường bẻ góc tại hông thuyền, nên nhìn chúng có vẻ như kéo dãn ra, dáng loe rộng gần giống với thuyền dhow vùng Hồng Hải và những chiếc xebec ở phía đông Địa Trung Hải.

Ghe bầu Mũi Né (Phan Thiết) có tải trọng 120 tấn, chiều dài 30m, rộng đến 6m, mạn cao 4m. Loại ghe này chủ yếu dùng để vận chuyển nước mắm, đạt mức tối đa đến 20.000 tỉn/chiếc. Chúng có mặt trên những kênh rạch Tây Nam Bộ, theo sông Cửu Long ngược lên Phnom Penh và trở lại Việt Nam với những con thuyền chất đầy gạo22.

Ghe cửa Bà Rịa thì sống mũi ít vút cao so với ghe cửa Gò Công. Tông màu đơn giản, đỏ, viền đen, không có họa tiết âm dương, cho đến nay vẫn giữ những màu truyền thống này. Bộ buồm gồm 3 chiếc: buồm lớn, buồm mũi và buồm phụ tam giác rất nhỏ treo ở đầu mũi. Cách sắp xếp buồm tăng dần từ trước ra sau, giống buồm Latinh23.

Ghe cửa Cửu Long là dòng ghe nổi tiếng, phân bố từ tỉnh Gò Công đến tỉnh Bà Rịa, ra vào các cửa sông và khắp vùng đồng bằng Nam Bộ. Người ta còn bắt gặp chúng trên sông Ông Đốc, Bảy Háp (Cà Mau), vào cuối tháng giêng hay đang buôn bán với những chiếc thuyền mành của người Hoa trong vịnh Thái Lan, đôi khi trợ giúp cho cả bọn buôn lậu. Mũi thuyền rất ấn tượng với sống mũi nhô cao, đi biển tốt. Hai con mắt thuyền có màu đỏ hay đen, đôi khi là màu vàng tươi hay xanh24.

Một trong những loại thuyền đánh cá có dáng đẹp là chiếc ghe câu Phú Quốc, hoạt động ở khu vực vịnh Thái Lan vào những đêm trắng sáng từ tháng hai đến tháng sáu. Ghe có con mắt lớn tròn như mặt trăng đen và trắng nổi bật trên nền xanh nước biển. Ghe câu Phú Quốc không có sống chính, đáy bầu tròn, 1 cột buồm, buồm mũi hình tam giác. Loại thuyền này dùng để đánh bắt một loại mực nhỏ là mực thẻ. Hoặc vào mùa gió đông bắc thì đi đánh cá cơm để làm nước mắm25.

3. Thuyền bè trong văn hóa Việt

Hai con thuyền được dùng làm mộ táng Việt Khê (Hải Phòng) và Châu Khê (Hà Tây) là hai thuyền độc mộc cỡ lớn được làm từ một cây gỗ nguyên, có thể chở đến 10 người. Vào đầu thế kỷ 20, ở Tây Nguyên vẫn còn dùng áo quan hình thuyền độc mộc26.

Ghe bầu đã được Từ điển Larousse của Pháp ghi nhận, đó là chiếc cầu nối trong giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và các nước. Theo đó những yếu tố văn hóa bên ngoài đã làm phong phú nên đời sống văn hóa địa phương và ngược lại. Hiện tượng ghe bầu đã hàm chứa trong nó sự hội nhập các yếu tố văn minh Việt - Chăm - Mã Lai - Nam Đảo - Địa Trung Hải - Trung Cận Đông - Ấn Độ Dương - Trung Hoa, trong đó đọng lại rõ nét các yếu tố Mã Lai - Nam Đảo - Champa - Việt27.

Vè Các lái hay Vè Thủy trình, Vè Nhật trình là một cẩm nang của dân đi buôn đường biển bằng ghe bầu. Các làng chài ven biển Nam Trung Bộ vẫn còn lưu hành những bài vè này với những dị bản khác nhau. Đây thực chất là một bản hải trình đơn giản, do những người làm nghề vận chuyển ghe bầu Bắc Nam sáng tác, đúc kết dưới hình thức vần vè, miêu tả đầy đủ các địa danh với những mũi, hòn, cù lao, rạn đá ngầm hoặc san hô cùng những vũng, núi, bến cảng, cửa sông, phố xá trên đất liền và cả những nơi hiểm trở thường gây tai nạn cho thuyền bè qua lại.

Thuyền bè Việt Nam còn gắn liền với những tập tục, lễ hội, kiêng kỵ của người dân vùng sông nước, biển cả. Đó là văn hóa liên quan đến thờ thần nước của cư dân nông nghiệp vùng chiêm trũng và của cư dân ngư nghiệp vùng sông hồ, đầm phá, ven biển gắn với hình ảnh con thuyền như: tục vẽ mắt thuyền, hò bả trạo, hò đưa linh, lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa.

4. Kết luận

Việt Nam có một hệ ghe thuyền rất phong phú, trải dài từ Bắc xuống Nam, từ các phương tiện thủy dùng trong các ao hồ, sông rạch cho đến ngoài biển cả. Những chiếc thuyền bè này có nguồn gốc bản địa, có những đóng góp cho văn minh hàng hải thế giới và chịu ảnh hưởng của các dòng thuyền Đông Tây, nhất là của các nước trong khu vực như Đông Nam Á như Champa, Mã Lai và Trung Quốc. Chúng đã đóng vai trò quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, dân sinh theo sự phát triển của dân tộc suốt mấy ngàn năm qua. Và nó còn chứa đựng những vốn quý về tri thức dân gian như kỹ thuật đóng, vận hành ghe thuyền, kiến thức đi biển và những giá trị văn hóa.

Các học giả người Pháp đã có những đóng góp quan trọng cho việc nghiên cứu thuyền bè Việt Nam với những công trình đặt nền móng cho việc nghiên cứu dân tộc học hàng hải ở nước ta. Đây là những nghiên cứu tỉ mỉ, cụ thể, thông qua so sánh, đối chiếu với các loại tàu thuyền trên thế giới, góp phần tìm hiểu về một loại hình văn hóa vật chất của cư dân ven biển còn ít được quan tâm.

Việt Nam cần có giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của thuyền bè thông qua việc đầu tư các công trình các công trình nghiên cứu trên cơ sở kế thừa các nghiên cứu của người Pháp; thành lập viện nghiên cứu văn hóa biển gắn với bảo tàng thuyền bè Việt Nam; đẩy mạnh khảo cổ học dưới nước, nhất là khai quật các con tàu cổ; giới thiệu di sản thuyền bè trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước.

N.T.L

Chú thích:

1. Nguyễn Văn Kim, Nguyễn Mạnh Dũng (chủ biên) (2015), Việt Nam truyền thống kinh tế - văn hóa biển, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.106-108.

2. Nhiều tác giả (2007), Việt Nam trong hệ thống thương mại châu Á thế kỷ XVI-XVII, Nxb Thế giới, Hà Nội, tr.320.

3. Trần Quốc Vượng, Cao Xuân Phổ (chủ biên) (1996), Biển với người Việt cổ, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr.293, 301.

4. Nhiều tác giả (2007), Việt Nam trong hệ thống thương mại châu Á thế kỷ XVI-XVII, Sđd, tr.323.

5. Phan Cẩm Thượng (2011), Văn minh vật chất của người Việt, Nxb Tri thức, Hà Nội, tr.75-77.

6. Gustave Hue (1937), Dictionnaire Vietnamien - Chinois - Francais, Imprime Trung Hòa, Saigon, p.311-312. Xem thêm Nguyễn Thanh Lợi (2014), Ghe bầu Nam Trung Bộ và ghe xuồng Nam Bộ, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

7. Nhiều tác giả (2007), Việt Nam trong hệ thống thương mại châu Á thế kỷ XVI-XVII, Sđd, tr.316-317.

8. Maurice Durand (1993), Hiểu biết về Việt Nam, Đỗ Trọng Quang dịch, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.323-324.

9. Nhiều tác giả (2007), Việt Nam trong hệ thống thương mại châu Á thế kỷ XVI-XVII, Sđd, tr.321.

10. Trần Quốc Vượng, Cao Xuân Phổ (chủ biên) (1996), Biển với người Việt cổ, Sđd, tr.13-14.

11. Nguyễn Bội Liên, Trần Văn An, Nguyễn Văn Phi (1991), Ghe bầu Hội An-xứ Quảng trong Đô thị cổ Hội An, Kỷ yếu hội thảo quốc tế, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.142-143.

12. Thuyền mành (junk) Cửa Lò có một bánh lái bề mặt hẹp nằm trong một ngăn dây neo, một kỹ thuật độc đáo ở Viễn Đông. Trên những dòng sông chảy xiết nó được thay thế bằng một bánh lái bề mặt rộng bản. Thuyền rất nặng nhưng uyển chuyển, buồm to như cánh buồm liền hoạt động trong gió [Maurice Durand (1993), Hiểu biết về Việt Nam, Sđd, tr.327].

13. Pierre Paris (2018), Phác thảo dân tộc học hàng hải Việt Nam, Đỗ Thái Bình dịch, Nxb Văn hóa - Văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh, tr.89-98.

14. Pierre Paris (2018), Phác thảo dân tộc học hàng hải Việt Nam, Sđd, tr.19, 24.

15. Pierre Paris (2018), Phác thảo dân tộc học hàng hải Việt Nam, Sđd, tr.19.

16. Pierre Paris (2018), Phác thảo dân tộc học hàng hải Việt Nam, Sđd, tr.37.

17. Pierre Paris (2018), Phác thảo dân tộc học hàng hải Việt Nam, Sđd, tr.37-38.

18. J. B. Piétri (2015), Thuyền buồm Đông Dương, Đỗ Thái Bình dịch, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, tr.11-12, 19-23, 70-71.

19. J. B. Piétri (2015), Thuyền buồm Đông Dương, Sđd, tr.68.

20. Chiếc hay mảng, người Trung Hoa đọc là B’ai, Palsam; thổ dân Đài Loan đọc là P’ai; người Triều Tiên đọc là Palson; dân Polynesia đọc là Paepae; người Ecuador đọc là Balsa; người Brazil đọc Jangada.[Vũ Hữu San (2017), Văn hóa nước và hàng hải thời cổ của Việt Nam, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, tr.138).

21. J. B. Piétri (2015), Thuyền buồm Đông Dương, Sđd, tr.159-160.

22. J. B. Piétri (2015), Thuyền buồm Đông Dương, Sđd, tr.105.

23. J. B. Piétri (2015), Thuyền buồm Đông Dương, Sđd, tr.96.

24. J. B. Piétri (2015), Thuyền buồm Đông Dương, Sđd, tr.94-95.

25. J. B. Piétri (2015), Thuyền buồm Đông Dương, Sđd, tr.84-87.

26. Phan Cẩm Thượng (2011), Văn minh vật chất của người Việt, Sđd, tr.74.

27. Nguyễn Bội Liên, Trần Văn An, Nguyễn Văn Phi (1991), Ghe bầu Hội An-xứ Quảng trong Đô thị cổ Hội An, Sđd, tr.144.

 

Tài liệu tham khảo :

1. Trần Văn An (2011), Ghe bầu trong đời sống văn hóa ở Hội An – Quảng Nam, Nxb Dân trí, Hà Nội.

2. Satish Chandra, Himanshu Prabha Ray (2013), The sea, indentity and history from the bay of Bengal to the South China sea, Institute of Southeast Asian Studies, Singapore.

3. Nguyễn Thanh Lợi (2005), Ghe xuồng ở Nam Bộ trong Nam Bộ đất & người, Tập 3, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh.

4. Nguyễn Thanh Lợi (2014), Một góc nhìn về văn hóa biển, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.

5. Nhiều tác giả (2015), Văn hóa biển đảo bảo vệ và phát huy giá trị, Nxb Thế giới, Hà Nội.

6. Pierre Paris (2018), Phác thảo dân tộc học hàng hải Việt Nam, Đỗ Thái Bình dịch, Nxb Văn hóa - Văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh.

7. J. B. Piétri (2015), Thuyền buồm Đông Dương, Đỗ Thái Bình dịch, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh.

8. Vũ Hữu San (2017), Văn hóa nước và hàng hải thời cổ của Việt Nam, Nxb Phụ nữ, Hà Nội.

9. Ngô Đức Thịnh, Nguyễn Việt (1984), Thuyền bè truyền thống Việt Nam (Đặt một số vấn đề dưới góc độ dân tộc học), Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 6.

10. Thanh thư về tàu thuyền cận duyên miền Nam Việt Nam, Viện Battelle Memorial, Ohio, 1967.

 

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng