Văn nghệ dân gian
Nhà cộng đồng truyền thống ở các dân tộc thiểu số vùng Trường Sơn - Tây Nguyên
15:37 | 17/02/2023

NGUYỄN VĂN MẠNH

Nhà cộng đồng truyền thống ở các dân tộc thiểu số vùng Trường Sơn - Tây Nguyên
Ảnh minh họa (Internet)

Mở đầu

Cùng với phát triển kinh tế, thời gian qua các địa phương trong cả nước nói chung và ở vùng miền núi Trường Sơn - Tây Nguyên nói riêng đã chú trọng việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa truyền thống. Trong đó, phổ biến là việc triển khai xây dựng, phục dựng nhà cộng đồng truyền thống (NCĐTT) (còn được gọi là nhà chung cộng đồng hay nhà văn hóa cộng đồng) cho các dân tộc thiểu số (DTTS), để cố kết cộng đồng và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Bởi vậy, các địa phương vùng DTTS ở Trường Sơn - Tây Nguyên bằng nhiều nguồn kinh phí, đã xây dựng NCĐTT cho các thôn/buôn/làng của đồng bào. Đến nay, đã có một số cá nhân, tổ chức nghiên cứu về quá trình xây dựng NCĐTT vùng DTTS ở Trường Sơn - Tây Nguyên, như Nguyễn Hữu Thông (2003), với tìm hiểu về “Tính hợp lý giữa cái còn và cái mất của một di sản”; Nguyễn Xuân Hồng (2013) xem xét việc “Phục dựng nhà cộng đồng truyền thống ở xã Hồng Hạ, huyện A Lưới: bài học về những cách tiếp cận trong công tác bảo tồn”; Trường Đại học Nông lâm - Đại học Huế và Đại học Kyoto (2008) thực hiện nghiên cứu về “Xây dựng nhà cộng đồng truyền thống có sự tham gia của người dân ở vùng núi miền Trung Việt nam”… Tuy nhiên, để đánh giá một cách tổng thể việc xây dựng nhà cộng đồng, phân tích những ưu điểm, hạn chế và đề xuất giải pháp có liên quan, vẫn còn ít công trình nghiên cứu. Bài viết này, trên cơ sở kết quả nghiên cứu tài liệu, nghiên cứu thực địa tại vùng miền núi của các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum - nơi cư trú của các DTTS Bru-Vân Kiều, Tà-ôi, Cơ-tu, Xơ-đăng, Ê-đê, Mnông, Ba-na, Gia-rai, Giẻ-Triêng …, sẽ đề cập ba vấn đề cơ bản: (1) Việc triển xây dựng NCĐTT; (2) Những ưu điểm, hạn chế trong việc xây dựng NCĐTT; và (3) Đề xuất một số giải pháp để tiếp tục xây dựng NCĐTT có hiệu quả cho các DTTS vùng Trường Sơn - Tây Nguyên trong thời gian tới.

1. Việc triển khai xây dựng NCĐTT của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Trường Sơn - Tây Nguyên

Để giúp đồng bào DTTS ở Trường Sơn - Tây Nguyên có điều kiện bảo tồn di sản văn hóa truyền thống, trong thời gian qua hầu hết các dự án định canh định cư, chương trình hỗ trợ cộng đồng của Chính phủ và các tổ chức phi chính phủ trên nhiều vùng miền núi ở Trường Sơn - Tây Nguyên đều có hạng mục xây dựng NCĐTT. Ví dụ, NCĐTT của các chương trình, dư án như: Chương trình “Dự án qui hoạch vùng kinh tế mới” từ năm 1961-1975, Chương trình “Mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo” từ năm 1998- 2010, Chương trình “Phát triển kinh tế xã hội vùng đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số và miền núi” (gọi tắt là Chương trình 135) được triển khai từ năm 1998 và gần đây là Chương trình “Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới” từ năm 2010- 2020 trong hợp phần phát triển cụm dân cư đặc biệt khó khăn,... Theo đó, kiến trúc mẫu NCĐTT ở Tây Nguyên là nhà rông, ở Trường Sơn là nhà gươl, một số nơi như ở Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh vì không có mẫu nhà chung nên mô phỏng kiểu nhà sàn của đồng bào các dân tộc thiểu số nhưng sử dụng vật liệu mới: tường được xây bằng gạch, trụ và xà được đúc bằng bê tông, mái nhà lợp tôn, có nơi làm nhà đất cấp bốn tường gạch, lợp tôn. Chỉ tính riêng vùng đồng bào các dân tộc thiểu số Tà-ôi, Cơ-tu, Bru-Vân Kiều ở Thừa Thiên Huế trong những năm gần đây, phong trào xây dựng NCĐTT đã đạt nhiều thành tựu đáng kể. Cụ thể, dự án “Cơ sở hạ tầng nông thôn dựa vào cộng đồng” (CBRIP) ở người Cơ-tu huyện Nam Đông triển khai từ năm 2004-2006 hỗ trợ xây dựng 13 nhà cộng đồng tại 4 xã, gồm Thượng Nhật, Hương Sơn, Thượng Long và Thượng Quảng. Bên cạnh đó từ năm 2002-2009, một dự án khác cũng được triển khai, đó là “Dự án giảm nghèo miền Trung” (CLIP), với vốn vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) được hỗ trợ bởi cơ quan Phát triển quốc tế (DFID) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Theo đó, một trong những nội dung chính của dự án này là xây dựng NCĐTT. Ở Thừa Thiên Huế, dự án này được thực hiện chủ yếu tại 30 xã nghèo vùng cao biên giới của 2 huyện A Lưới và Nam Đông. Công trình NCĐTT là một trong những hạng mục thuộc tiểu hợp phần phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, và dự án đã xây dựng được trung bình 3 nhà cho 1 xã. Tại A Lưới, dự án xây dựng được 25 NCĐTT. Ở Nam Đông, dự án xây dựng được 14 NCĐTT. Ngoài ra, một số tổ chức phi chính phủ cũng tham gia hỗ trợ người dân xây dựng nhà cộng đồng, như “Chương trình phục hồi nhà gươl” với sự hỗ trợ của tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam (NAV) và Tổ chức liên minh các nhà thờ vì hợp tác và phát triển của Hà Lan (ICCO); “Dự án du lịch sinh thái” được tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) tài trợ. Tuy nhiên, các dự án này chỉ được thực hiện ở một số thôn, đó là ở U Rang - Hương Hữu (1990), A Ka - Thượng Long (2000), Dỗi - Thượng Lộ (2004), A Chiếu - Thượng Long (2000) và A Răng - Thượng Quảng (2002)” (Trương Hoàng Phương, Hirohide Kobayashi, 2013, tr.106). Còn Trường Sau đại học nghiên cứu về môi trường toàn cầu - Đại học Kyoto  “thông qua dự án JICA tại xã Hồng Hạ tỉnh Thừa Thiên Huế, nhà chung cộng đồng của người Cơtu còn gọi là nhà gươl đã được phục dựng gần như là truyền thống”, vào tháng 9-2007 (Nguyễn Xuân Hồng, 2013, tr.113).

Ở miền núi tỉnh Quảng Nam, theo thống kê của Ban xây dựng “Đề án hỗ trợ bảo tồn, phát huy một số loại hình văn hóa các dân tộc thiểu số”, đến năm 2019, toàn tỉnh có 253 thôn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó: 238 thôn có NCĐTT, 15 thôn không có, 44 NCĐTT đã xuống cấp, hư hỏng (Sở VH&TT tỉnh Quảng Nam, 2019).

Tại Tây Nguyên, đến thời điểm năm 2013, toàn vùng đã xây dựng được 2.027 NCĐTT, với tổng kinh phí đầu tư khoảng 300 tỷ đồng. Cụ thể, tỉnh Đắk Lắk có 605 thôn/làng dân tộc thiểu số đã xây dựng 570 NCĐTT, với kinh phí hơn 60 tỷ đồng; tỉnh Gia Lai xây dựng 749 NCĐTT; tỉnh Kon Tum có 575/588 thôn/làng đồng bào dân tộc thiểu số có NCĐTT; và tỉnh Đắc Nông xây dựng được 133 NCĐTT. Ngoài việc đầu tư xây dựng NCĐTT, nhiều địa phương còn bảo đảm kinh phí cho sắm cờ Tổ quốc, Quốc hiệu, ảnh và tượng Bác Hồ; sắm các trang thiết bị như dàn âm thanh, ti vi, bàn ghế, cồng chiêng, tủ sách[1].

Về mẫu NCĐTT, với các dân tộc Ê-đê, Mnông được xây dựng theo kiến trúc nhà dài, còn với các dân tộc Ba-na, Gia-rai, Giẻ-Triêng ở các tỉnh Gia Lai, Kon Tum được xây dựng theo kiến trúc nhà rông, và người dân quen gọi là “Nhà rông văn hóa[2].

2. Những ưu điểm và hạn chế của việc xây dựng NCĐTT cho đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Trường Sơn - Tây Nguyên

Trên quan điểm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, việc xây dựng NCĐTT cho đồng bào các dân tộc thiểu số trong thời gian qua được diễn ra rộng khắp các vùng miền của nước ta là việc làm cần thiết, hợp lý[3]. Đó không chỉ là nhân tố quan trọng để lưu giữ di sản nghệ thuật kiến trúc, lễ hội, ẩm thực; nơi hội họp, trao đổi kiến thức, mà còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, như tính cộng đồng, văn hóa tâm linh. Vì vậy, với đồng bào các dân tộc thiểu số, NCĐTT chính là bộ mặt văn hóa của  làng.

Trong quá trình xây dựng NCĐTT, việc tham khảo ý kiến, bàn bạc và huy động sức dân đã được thực hiện. Một số ngôi nhà cộng đồng được xây dựng với sự tham gia tích cực và có hiệu quả của người dân địa phương. Vì vậy, NCĐTT thường được xây dựng ở vị trí đắc địa nhất của làng - thường ở giữa hoặc đầu làng để thuận tiện cho người dân tổ chức các sinh hoạt cộng đồng. Các ngôi nhà này về cơ bản được thiết kế theo mô thức NCĐTT của đồng bào các dân tộc thiểu số với cả không gian kiến trúc, kết cấu kiến trúc, hình dáng, vật liệu. Các NCĐTT được xây dựng, về cơ bản phát huy giá trị tốt đẹp: đây là nơi hội họp, tổ chức lễ hội cộng đồng; nơi trưng bày các hiện vật văn hóa của dân tộc, như cồng chiêng, ché rượu cần, nhạc cụ truyền thống.

Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm, vẫn còn những bất ổn liên quan đến công việc này. Do NCĐTT được xây dựng từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau, nên mô thức, vật liệu của ngôi nhà này trong cùng một dân tộc, một vùng có khi khác nhau. Ví dụ, cùng trong cộng đồng Cơ-tu ở huyện Nam Đông, nhưng có NCĐTT được xây kiên cố với cột, kèo bằng bê tông, liếp bằng ván, lợp tôn; có nơi lại được dựng bằng gỗ, tranh, tre; và diện tích xây dựng ngôi nhà cũng rộng hẹp, với hình dáng cao thấp khác nhau. 

Nhiều NCĐTT được xây dựng sau một thời gian không sử dụng, nên hư hỏng, xuống cấp. Ở các tỉnh Tây Nguyên, tỷ lệ NCĐTT hoạt động tốt còn ít, và có hàng trăm NCĐTT bị bỏ hoang, rất lãng phí. Tại Đắc Nông hiện có 70 NCĐTT bị bỏ hoang, xuống cấp và hư hỏng, chiếm gần 53% tổng số NCĐTT toàn tỉnh. Trong tổng số 749 NCĐTT ở tỉnh Gia Lai có 599 NCĐTT tổ chức các hoạt động, nhưng chủ yếu vẫn chỉ là họp dân, biểu diễn văn nghệ, hoặc làm nơi mở các lớp học, còn lại 150 NCĐTT hoạt động kém hiệu quả, bỏ hoang hóa[4]. Tình trạng này có nhiều nguyên nhân, cụ thể như sau:

Thứ nhất, việc xây dựng NCĐTT còn nhiều bất cập, từ thiết kế đến chất lượng công trình và không phù hợp với phong tục tập quán của người dân. Hình thức xây dựng NCĐTT là mô phỏng kiểu nhà truyền thống của đồng bào, như nhà rông, nhà gươl, nhà sàn, nhưng nhiều công trình sử dụng vật liệu mới: tường được xây bằng gạch, trụ và xà được đúc bằng bê tông, mái nhà lợp tôn hoặc ngói; thậm chí có nơi làm nhà đất cấp bốn tường gạch, cột, kèo làm bằng bê tông, lợp ngói, hoặc tôn. Diện tích xây dựng và khuôn viên xây dựng ngôi nhà quá chật chội.

Việc phục dựng NCĐTT vùng đồng bào các DTTS ở Trường Sơn - Tây Nguyên trong thời gian qua đã thiếu nghiên cứu một cách tường tận về cảnh quan, kết cấu và không gian kiến trúc của ngôi nhà, nên việc phục hồi, xây dựng những kiểu NCĐTT có phần áp đặt và thậm chí dễ dãi. Ví như, việc xây dựng NCĐTT ở người Cơ-tu huyện Nam Đông tỉnh Thừa Thiên Huế lấy khuôn mẫu kiến trúc nhà gươl là hợp lý, nhưng mang khuôn mẫu đó lên xây dựng ở các thôn/làng, xã thuộc huyện A Lưới, nơi cư trú chủ yếu của người Tà-ôi, Pacô[5]  thì việc mô phỏng thiết kế, kiến trúc kiểu nhà gươl với kết cấu hai đầu hồi hình con trâu (đặc trưng kiến trúc nhà gươl), là chưa thỏa đáng. Ở người Tà-ôi, NCĐTT của họ không phải là nhà gươl mà là nhà roong với kiến trúc đặc trưng là bộ mái rộng và dài, đầu hồi cuộn tròn, nằm ở giữa làng “như cái trục bánh xe. Các nhà dân nằm chiếu đòn nóc vào nhà Roong như cái nan hoa của bánh xe” (Viện Dân tộc học, 2015, tr.347)[6]. Bên cạnh đó, trước đây có những làng người Tà-ôi cư trú trong một ngôi nhà dài, gian giữa (“moong”) được coi là NCĐTT của làng đó. “Đối với ngôi nhà dài của người Tàôi, gian ở giữa là phòng khách “moong” và cũng là nơi diễn ra các sinh hoạt quan trọng của đại gia đình. Đây là nơi các thành viên sống trong ngôi nhà dài có thể lui tới và có thể là nơi ngủ của các con trai chưa lấy vợ. Mọi nghi lễ cúng bái quan trọng cũng đều diễn ra ở gian này” (Nguyễn Văn Mạnh, Chủ biên, 2001, tr.115)[7]. Điều đó còn gặp ở các tỉnh Tây Nguyên, khi lấy mô thức nhà rông - chỉ có ở những buôn làng của các dân tộc như Gia-rai, Ba-na tại phía Bắc Tây Nguyên, để xây dựng NCĐTT cho các buôn làng người Ê-đê, Mnông; hay xây nhà cấp bốn để làm nhà cộng đồng là không hợp lý.

Vị trí xây dựng NCĐTT cũng đặt ra những vấn đề cần suy nghĩ. Không gian kiến trúc của ngôi nhà “không chỉ được xác lập trên một kiến trúc đơn lẻ, duy nhất, mà còn đi kèm với một khuôn viên thoáng, rộng kiểu quảng trường làng, nơi dựng cột đâm trâu” (Nguyễn Hữu Thông, 2003, tr.4); vì vậy NCĐTT phải được xây dựng ở trung tâm làng, bao quanh ngôi nhà đó là các gia đình với sự quần cư, mật tập tạo nên không gian kiến trúc hợp lý cho NCĐTT của làng. Trong khi đó, nhiều NCĐTT được xây dựng những năm gần đây ở một số địa phương thuộc miền núi Trường Sơn - Tây Nguyên lại không thực hiện đúng cảnh quan kiến trúc ngôi NCĐTT, được xây dựng ở ngoài rìa làng, tạo nên một kiến trúc phân tán, tách rời, mà ngôi nhà làng ở thôn Dỗi, xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế là minh chứng.

Kết cấu kiến trúc NCĐTT cũng đặt ra những thách thức cho việc bảo tồn và phát triển. Các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã đưa ra nhiều phương thức để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, như bảo tồn tĩnh/bảo tồn động, bảo tồn nguyên trạng/bảo tồn nguyên vẹn, bảo tồn thích nghi/bảo tồn nối tiếp, và bảo tồn dưới dạng “bảo tàng hóa”.  Ở nhiều địa phương vùng miền núi Trường Sơn - Tây Nguyên, việc xây dựng NCĐTT, bên cạnh một số trường hợp không nhiều bảo tồn nguyên vẹn[8], chủ yếu sử dụng hình thức bảo tồn thích nghi/bảo tồn nối tiếp, mà phổ biến là thiết kế theo kiểu nhà truyền thống, nhưng vật liệu xây dựng được sử dụng là loại hiện đại; thậm chí có một số thôn bản, NCĐTT được xây dựng theo kiểu nhà cấp 4, tường gạch, mái lợp tôn. Rõ ràng dù bảo tồn dưới hình thức nào, phải có một tiêu chí cơ bản là yếu tố nào trong NCĐTT được coi là cần bảo tồn nguyên vẹn, còn những yếu tố nào được phép biến đổi. Ví dụ, trong kết cấu truyền thống của NCĐTT như nhà gươl của người Cơ-tu, “được chạm khắc hoa văn đặc trưng, từ con gà trên nóc mái đến các bộ ván bên trong, có cả cột cây đâm trâu sừng sững giữa sân”( Trương Điện Thắng, 2019). Trong xây dựng NCĐTT, cột chính/cột thiêng không thể là cột bê tông cốt sắt; nhà phải có bếp (không thể có kiến trúc nhà chung lạnh lẽo, gió lùa vào mùa đông giá rét); những kết cấu kiến trúc khác như hình dáng, vị trí cầu thang, hai đầu hồi nhà, các cửa sổ của nhà, độ cao thấp của mái nhà… được coi là những phần kiến trúc không được phép biến đổi. Không gian sinh hoạt của ngôi nhà - “phần hồn của ngôi nhà”,  như phía trong, phía ngoài của sàn nhà, trước nhà, sau nhà, đầu nhà, cuối nhà cũng cần được xác định và không được đổi thay. Nơi để các chiến lợi phẩm trong săn bắn, nơi để các lễ vật cúng tế trong các dịp lễ hội, không gian thiêng của ngôi nhà mà người lạ không được phép đến cũng cần giữ nguyên. Rất đáng tiếc, nhiều công trình xây dựng NCĐTT ở các địa phương vùng Trường Sơn - Tây Nguyên trong thời gian qua lại không đảm bảo các yêu cầu trên.

Thứ hai, do khi xây dựng NCĐTT không xác định rõ cộng đồng dân cư thụ hưởng, nên lẫn lộn NCĐTT của buôn/làng với của xã, thôn. Xã là đơn vị hành chính, thôn là một cụm dân cư trực thuộc hành chính của xã (thôn có thể đồng nhất với buôn/làng, có thể không), nên phải phân biệt chức năng của NCĐTT và nhà văn hóa - một bộ phận của thiết chế văn hóa cơ sở. Nếu chức năng của nhà văn hóa trong thiết chế văn hóa cơ sở là nơi hội họp, sinh hoạt tập thể của thôn, xã, thì với NCĐTT, lại có chức năng rất phong phú và đa dạng. Theo Nguyễn Xuân Hồng (2013, tr. 116), “Trước đây trong gươl  bao giờ cũng treo những chiến lợi phẩm thu được từ những cuộc đi săn cá nhân hay tập thể của làng như xương trâu, răng lợn rừng, da các loại thú; là nơi ở, ngủ, chơi, trao đổi công việc của những người đàn ông; nơi quyết định những công việc hệ trọng của làng; nơi diễn ra các lễ hội cộng đồng, các lễ nghi tôn giáo. Đêm đêm, tại gươl, thế hệ trẻ sẽ được thế hệ già Cơtu kể cho nghe câu chuyện về chàng mồ côi nghèo khổ nhưng dũng cảm, nhân hậu; về sự tích của các loài vật…”. Tác giả Nguyễn Hữu Thông (2003, tr.3-4) khi tìm hiểu ngôi nhà cộng đồng của các tộc người ở Trường Sơn - Tây Nguyên đã nêu 8 chức năng sau đây: (1) Giảng đường truyền dạy tri thức; (2) Hội trường cho các cuộc thảo luận cộng đồng; (3) Pháp đình cho xử án; (4) Nơi lưu truyền luật tục; (5) Sân khấu dân gian; (6) Không gian thiêng; (7) Phòng trưng bày những thành quả lao động; và (8) Nơi lưu trú, tiếp khách của làng. Theo  chúng tôi, các chức năng của NCĐTT hiện nay không còn được phát huy, do tác động của nền kinh tế thị trường nên nhiều quan hệ cộng đồng đã mờ nhạt. NCĐTT không còn là chỗ ngủ của trai làng, không còn là nơi truyền dạy tri thức, không còn là pháp đình xử án, không còn là nơi trưng bày những thành quả lao động và cũng không phải không gian thiêng cùng nơi tổ chức các lễ hội làng. Có chăng, đây chỉ còn là nơi lưu giữ và tiếp khách. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông có lý khi nói rằng: “Phải chăng sự ra đời của ngôi nhà làng gắn liền với sự kết thúc sự tồn tại của những công xã huyết hệ, để thiết lập mối quan hệ láng giềng một cách phổ biến. Điều này cũng đã hàm chứa tính hữu hạn của nó khi các công xã khép kín ấy không còn hiện hữu nữa” (Nguyễn Hữu Thông, 2003, tr.4).

Nếu trước đây muốn xây dựng NCĐTT, người dân phải vào rừng tìm gỗ rồi mọi người tùy vào phần việc được già làng phân công để góp sức xây dựng; và ngôi nhà được bày biện các hiện vật minh chứng cho sự gạn dạ, dũng mãnh của các thợ săn như một niềm kiêu hãnh, thì nay “Ngôi nhà gươl bằng bê tông cốt thép, lợp tôn từ ngân sách nhà nước, hoàn toàn không có giọt mồ hôi và dấu tay của họ”(Trương Điện Thắng, 2019).

3. Một số giải pháp trong xây dựng NCĐTT cho đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Trường Sơn - Tây Nguyên

Với những ưu điểm, hạn chế như đã phân tích, khi triển khai xây dựng NCĐTT, cần đảm bảo các nguyên tắc sau đây:

- Trước hết cần xác định nội hàm khái niệm: nhà văn hóa, nhà văn hóa cộng đồng, nhà cộng đồng, NCĐTT. Ở đây, khái niệm nhà văn hóa/nhà văn hóa cộng đồng nên xác định là một bộ phận của thiết chế văn hóa cơ sở, bao gồm nhà văn hóa, thư viện, bảo tàng, khu thi đấu thể thao của các đơn vị hành chính cấp xã; còn NCĐTT hay nhà cộng đồng nên hiểu là một thiết chế văn hóa truyền thống của buôn/làng; nó giống như đình làng ở người Việt, nhà gươl của người Cơ-tu, nhà rông của người Gia-rai, Ba-na... Một vấn đề đặt ra là hiện nay buôn/làng/thôn trở thành bộ phận của hành chính cấp xã, nên nhiều vùng dân cư nước ta đã đồng nhất thôn với làng/bản/buôn truyền thống để xây dựng NCĐTT. Thôn là chân rết của đơn vị hành chính cấp xã, có thể trùng với làng/bản/buôn truyền thống, nhưng có thể không trùng. Trường hợp không trùng, khi thôn là một cộng đồng dân cư mới thành lập, tập hợp nhiều nguồn dân cư, hoặc một làng/bản/buôn truyền thống do dân số đông, được chia thành một vài thôn. Vì vậy, cần tìm hiểu để xác định thôn với làng/bản/buôn là một hay không là một. Hiện nay, tại nhiều địa phương, số lượng thôn so với số lượng buôn/làng tăng lên đáng kể. Ví dụ, ở tỉnh Quảng Nam có 253 thôn, nhưng có thể số lượng buôn/làng ít hơn. Bởi vậy, khi xây dựng NCĐTT cần loại bỏ 2 trường hợp sau đây:

+ Không xây dựng NCĐTT xã, vì đó là nhà văn hóa nằm trong thiết chế văn hóa cơ sở, thuộc thiết chế hành chính.

+ Không xây dựng NCĐTT ở các thôn được thành lập không dựa trên cơ sở  buôn/làng truyền thống.

Như vậy, khi xây dựng NCĐTT cho buôn/làng, cần xem xét đối tượng thụ hưởng NCĐTT có phải là đơn vị buôn/làngtruyền thống hay không; và không nên xây dựng NCĐTT ở thôn được thành lập không dựa trên trên cơ sở buôn/làng cổ truyền.

- Đảm bảo cảnh quan kiến trúc NCĐTT. Cảnh quan kiến trúc ở đây là địa thế xây dựng nhà, hướng nhà, sự gắn bó với các ngôi nhà trong buôn/làng. Lâu nay việc xây dựng nhà không theo nguyên tắc này nên không tránh khỏi sự thất bại, tốn kém tiền bạc của Nhà nước, nhân dân. Thông thường, nhà cộng đồng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nằm ở giữa làng, theo hướng lưng quay về phía núi. Địa thế nơi xây dựng bằng phẳng, cao ráo, thoáng mát. Bao quanh NCĐTT là các nhà trong làng, tạo thành quần thể mật tập, gần gũi, gắn bó. Trước nhà có một sân rộng với cây nêu làm biểu trưng linh hồn của ngôi nhà; xung quanh nhà có cây trái tạo nên không gian tâm linh. Nhà dẫu không xây cổng cũng vẫn được xác định phía trước, phía sau, bên phải, bên trái.

- Đảm bảo kết cấu kiến trúc truyền thống. Kết cấu này bao gồm hình dáng ngôi nhà, kết cấu vật liệu xây dựng, và kết cấu kỹ thuật xây dựng. Cần chú ý hình dáng NCĐTT phải khởi nguồn từ ngôi nhà truyền thống của người dân, như nhà rông của người Gia-rai, Ba-na, nhà gươl của người Cơ-tu. Nhưng hiện nay, hình dáng những ngôi nhà cộng đồng thường theo mô hình của vùng. Ví dụ, ở Tây Nguyên là mô hình nhà rông, ở vùng Trường Sơn là mô hình nhà gươl. Nếu người dân không đồng thuận, sẽ gây nên phản cảm. Vì thế, nên chăng có sự bàn bạc với dân làng để chọn lựa mô hình. Ví dụ, ở người Tà-ôi thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, NCĐTT là nhà roong; với người Pakoh là klang; người Bru - Vân Kiều là khoan/xu; hay ở các dân tộc Ê-đê, Mnông là nhà dài. Có thể những người có trách nhiệm cùng với người dân bàn bạc chọn lựa các mô hình, để lấy ngôi nhà cộng đồng của vùng hoặc là mô hình NCĐTT của đồng bào sở tại. Với một số dân tộc từ lâu không còn NCĐTT, nên chăng cùng với người dân thống nhất lấy nhà sàn truyền thống hay nhà đất để xây dựng. Về vật liệu, NCĐTT được dựng bằng chất liệu thực vật như gỗ, tranh, tre, nứa, lá. Nhưng hiện nay, gỗ để làm cột, kèo của rừng không nhiều, mái lá không được lâu bền, nên theo quan điểm bảo tồn thích nghi, có thể xây dựng cột kèo bằng bê tông cốt sắt, mái lợp tôn. Dẫu vậy, NCĐTT phải đảm bảo nguyên tắc giữ được hình dáng vật liệu truyền thống. Vì vậy cột kèo làm bằng bê tông phải được phủ màu sắc gỗ; mái lợp tôn nhưng ở trên phải phủ tranh tre.

- Đảm bảo không gian kiến trúc truyền thống. Đây là không gian có cột thiêng, nơi không được để các đồ uế tạp. Không gian này dùng đặt lễ vật, để ché rượu cần; nơi tổ chức lễ nghi cúng tế; nơi quy định chỗ ngồi của các thành viên trong cộng đồng; nơi có bếp lửa đặt ở nửa cuối ngôi nhà để tạo nên cái ấm; nơi trưng bày các sản phẩm của săn bắn như sừng trâu, tê giác, hươu nai, được gài  trên liếp nhà, mái nhà.

- Xác định/lựa chọn hình thức bảo tồn/xây dựng/phục dựng thích hợp, với các hình thức như sau:

+ Bảo tồn nguyên vẹn: Theo tinh thần Hiến chương quốc tế về Bảo tồn và trùng tu di tích và di chỉ tại Đại hội quốc tế lần thứ hai các kiến trúc sư và kỹ thuật gia về di tích lịch sử tại Venice vào năm 1964, NCĐTT phải được xây dựng dựa trên tính xác thực vốn có về cả vật liệu, kỹ thuật, kiến trúc.

+ Bảo tồn tiếp nối/bảo tồn thích nghi: Hình thức bảo tồn này là chấp nhận điều chỉnh các yếu tố không còn phù hợp với xã hội và môi trường hiện nay, như sử dụng nguyên vật liệu hiện đại thay thế sự khan hiếm của nguyên vật liệu truyền thống. Như vậy, NCĐTT được phục dựng để bảo tồn hồn cốt của ngôi nhà, thay vì bảo tồn nguyên vẹn “xác kiến trúc” của nó.

+ Bảo tồn dưới dạng “bảo tàng hóa”: Theo hình thức này, NCĐTT được bảo tồn dưới dạng di sản, để giới thiệu và duy trì di sản văn hóa của cộng đồng các DTTS cho con cháu hôm nay, mai sau và cho khách du lịch.

- Cuối cùng, trong quá trình xây dựng NCĐTT, phải thực hiện nguyên tắc xây dựng dựa vào cộng đồng dân cư. Ví dụ như, “thanh niên tìm kiếm và thu thập những cây gỗ lớn trong rừng, các hộ gia đình trong thôn đóng góp các vật liệu như lá lợp mái và tre nứa làm vách tường. Những người có kinh nghiệm tham gia bằng cách thiết kế và hướng dẫn dân làng dựng nhà theo cách thức truyền thống” (Trương Hoàng Phương, Hirohide Kobayashi, 2013, tr.106).  

Kết luận

Xây dựng NCĐTT thuộc chương trình bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống là việc làm tích cực, có ý nghĩa. Tuy nhiên, việc phục hồi, xây dựng NCĐTT trong những năm gần đây còn nhiều hạn chế. Để giảm được những hạn chế nêu trên, phải tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ, mà một trong những giải pháp là kết hợp xã hội hóa nguồn lực tài chính; xã hội hóa việc tham gia của các nhà khoa học, các tổ chức phản biện xã hội, của chính quyền địa phương; và hơn tất cả là xã hội hóa dựa trên tri thức địa phương, sự bàn bạc, góp ý và tham gia công sức của cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, một trong những nguyên tắc xây dựng NCĐTT là phải kết hợp các phương thức bảo tồn tĩnh, bảo tồn động, bảo tồn nguyên vẹn, bảo tồn tiếp nối/thích nghi. Những yếu tố bảo tồn phải tuyệt đối tuân thủ là không gian, cảnh quan của ngôi nhà nằm ở trung tâm của buôn/làng và giữ được hình dáng, các yếu tố thiêng liên quan đến NCĐTT. Trong xu hướng hiện nay, ngoài việc thay đổi vật liệu xây dựng, một số kết cấu kiến trúc trong ngôi nhà, nên chăng cũng cần thay đổi chức năng sử dụng của NCĐTT để có thể trở thành một trung tâm văn hóa với bảo tàng, thư viện, khu vui chơi, thể thao của thanh thiếu niên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Sỹ Hào (2020), “Những phát sinh sau khi sáp nhập thôn bản: Câu chuyện về nhà văn hóa”, Tạp chí Dân tộc & Phát triển, Số 2.
  2.  Nguyễn Xuân Hồng (2013), “Phục dựng nhà cộng đồng truyền thống ở xã Hồng Hạ, huyện A Lưới: Bài học về những cách tiếp cận trong công tác bảo tồn, trong Kỷ yếu hội thảo Kiến trúc truyền thống và cộng đồng, do VICAS tổ chức, Huế 9/2013.
  3. Nguyễn Quốc Lộc (Chủ biên) (1984), Các dân tộc ít người ở Bình Trị Thiên, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
  4. Nguyễn Văn Mạnh (Chủ biên) (2001), Luật tục của người Tàôi, Cơtu, Bru-Vân Kiều ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
  5. Trương Hoàng Phương & Hirohide Kobayashi (2013), “Tác động của chính sách đối với nhà truyền thống cộng đồng của người Cơtu ở Nam Đông, Thừa Thiên Huế, trong Kỷ yếu hội thảo Kiến trúc truyền thống và cộng đồng, do VICAS tổ chức, Huế 9/2013.
  6. Trương Điện Thắng (2019), “Có một Nam Giang buồn”, Báo Thanh Niên, ngày 25/9, tr.16.
  7. Nguyễn Hữu Thông (2003), “Tính hợp lý giữa cái còn và cái mất của một di sản”, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, Số 6, tr. 3-8.
  8. Trường Đại học Nông lâm - Đại học Huế và Đại học Kyoto (2008), Xây dựng nhà cộng đồng truyền thống có sự tham gia của người dân ở vùng núi miền Trung Việt nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

Viện Dân tộc học (2015), Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía Nam) (Tái bản có sửa chữa, bổ sung), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.



[1] Nguyên Bình (2013), “Nhà văn hóa cộng đồng ở Tây Nguyên: Xây xong đóng cửa, bỏ hoang”, trên trang: https://anninhthudo.vn/phong-su/nha-van-hoa-cong-dong-o-tay-nguyen-xay-xong-dong-cua-bo-hoang-2/525457.an td  (Truy cập ngày 4/10/2019).

[2] “Xây dựng nhà văn hóa cộng đồng: Việc làm thiết thực”, trên trang: baogialai.com.vn/channel/12380/201710/xay-dung-nha-sinh-hoat-cong-dong-viec-lam-thiet-thuc (Truy cập ngày 5/10/2019).

[3] Theo số liệu của Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (2010 - 2020), cả nước có gần 73 nghìn nhà văn hóa thôn, làng, tổ dân phố, ấp bản, bon, buôn được xây dựng. Kinh phí xây dựng là từ huy động đóng góp của nhân dân và từ nguồn ngân sách nhà nước.Tính trung bình ở khu vực miền núi, một nhà văn hóa được xây dựng ít nhất hết 300 triệu đồng, còn nhiều là 500 triệu đồng (Sỹ Hào, 2020).

[4] Nguyên Bình (2013), “Nhà văn hóa cộng đồng ở Tây Nguyên: Xây xong đóng cửa, bỏ hoang”, trên trang: https://anninhthudo.vn/phong-su/nha-van-hoa-cong-dong-o-tay-nguyen-xay-xong-dong-cua-bo-hoang-2/525457 .antd (Truy cập ngày 4/10/2019)

[6] Loại nhà này còn gọi là rông, ron/rộn, có nơi còn gọi là đung pứt lư, có tác giả cho rằng, loại nhà này do giao lưu văn hóa với người Cơ-tu, ảnh hưởng nhà Gươl (Nguyễn Quốc Lộc, Cb, 1984, tr.157),

[7] Ở người Pacô, ngôi nhà chung của làng gần giống với nhà roong nhưng gọi là klang.

[8] Hình thức bảo tồn nguyên vẹn, như trường hợp NCĐTT/nhà gươl ở thôn A Ka, xã Thượng Quảng, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngôi nhà này được xây dựng năm 2017, với kinh phí do Trường Đại học Kyoto hỗ trợ (95 triệu đồng), còn cộng đồng đóng góp công xây dựng.

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng