PHẠM BÁ THỊNH
1. Sử thi phản ánh lịch sử của các dân tộc thời cổ đại khá đa dạng và sinh động bằng một lối tư duy nguyên hợp, một cảm quan lãng mạn, kỳ ảo đậm chất thần thoại. Hiện thực trong Sử thi là thiên nhiên, cuộc đấu tranh chinh phục những trở lực thiên nhiên và xã hội, những mối quan hệ giữa các thành viên trong cộng đồng dựa trên cơ sở luật tục truyền thống…vv. Nói chung, tất cả các khía cạnh của lịch sử phát triển của các dân tộc làm nên tính phong phú, hấp dẫn riêng của các lớp không gian nghệ thuật trong tác phẩm Sử thi Tây nguyên.
2. Không gian nghệ thuật Sử thi theo chúng tôi có thể tách thành nhiều lớp khác nhau. Chúng thường tách bạch nhưng cũng có thể chồng lên nhau trong một chi tiết, một hình tượng nghệ thuật nào đó. Chúng có thể kết hợp với các thành tố nghệ thuật khác trong việc biểu đạt một nội dung cụ thể. Nhiều thủ pháp nghệ thuật khác nhau như hiện thực, huyền ảo, tượng trưng, phóng đại, đối lập,…được vận dụng để triển khai không gian nghệ thuật trong Sử thi.
2.1. Lớp không gian hiện thực khách quan
Hiện thực được phản ánh trong Sử thi vừa mang hơi thở sinh động của cuộc sống cố đại vừa lung linh, kỳ ảo của một hiện thực được phóng chiếu bằng sức tưởng tượng tuyệt vời của người nghệ sĩ dân gian. Tính hiện thực và huyền ảo kết hợp tạo nên đặc trưng có giá trị thẩm mỹ cao cho không gian Sử thi. Nó vừa tạo nên cảm giác gần gũi đời thường lại vừa gây ấn tượng hoành tráng đến kỳ lạ.
Tính hiện thực của lớp không gian nghệ thuật này nổi rõ trong những đoạn miêu tả núi rừng Tây nguyên, miêu tả cuộc sống lao động, săn bắt, hái lượm, sinh hoạt văn hóa - tín ngưỡng và công cuộc đấu tranh thiên nhiên, đấu tranh xã hội của các bộ tộc.
Sắc điệu núi rừng Tây nguyên được tác giả dân gian cảm nhận tinh tế, sâu sắc và miêu tả chính xác từ những yếu tố nhỏ lẻ như một sắc hoa, mùi hương, tập quán sinh tồn của các loài,…đến những biến động của khung cảnh tự nhiên hùng vĩ. Tất cả hiện lên trong từng chi tiết nghệ thuật đặc sắc: “trắng như hoa êpang, phơn phớt vàng như bông hoa ơring; mơn mỡn như lá chuối non trong rừng mới nhú; thoăn thoắt như con rắn prao-huê; uyển chuyển như cành blô sai quả.” <Đăm Xăn> hoặc: “Dãy núi Chư pông mặc áo xanh; rừng xanh như mặt sông tháng ba,…” <Đăm Đơ Roăn> Những nét vẽ đơn này nằm rải trong các Sử thi, nó vừa là sự miêu tả trực tiếp thiên nhiên vừa được dùng để so sánh khi miêu tả con người hoặc hành động, tính cách, quan hệ của con người, nhất là của người anh hùng. Chúng hợp lại tạo nên một không gian tự nhiên cao rộng, lấp lánh sắc màu, rộn rã âm thanh, ẩn chứa những nét dịu êm lẫn dữ dội. Đó cũng là không gian hoạt động của người anh hùng, giúp cho hình tượng này hoành tráng, kỳ vĩ, tăng sức hấp dẫn cho Sử thi.
Không gian hiện thực của Sử thi còn là nơi diễn ra những công việc thường ngày của con người với tất cả nhịp điệu sôi động vốn có. Ta gặp ở Sử thi việc hái lượm, săn bắt, thuần hóa các loài, khai thác lâm sản, chế tác công cụ, tạo dựng nhà cửa, buôn làng, cảnh giao dịch đổi chác,.…Không gian lao động và không gian quan hệ đời thường này tạo nên vẻ đẹp bình yên, sung túc cho những buôn làng giữa lòng đại ngàn Tây nguyên. Nó cũng là không gian của những sáng tạo văn hóa làm nên cuộc sống phong phú, ẩn chứa nhiều giá trị sâu xa, tích cực. Nó góp phần chuyển tải một chủ đề lớn của Sử thi: Chủ đề lao động sản xuất. Có người gọi nó là không gian hòa bình đối lập với không gian chiến trận.(ĐHK)
Cách miêu tả hiện thực khách quan ở Sử thi chịu ảnh hưởng đậm nét của nghệ thuật Thần thoại. hiện thực được phóng chiếu bằng cảm quan lãng mạn, thần kỳ. Do vậy vẻ đẹp thiên nhiên Sử thi trở nên rực rỡ. Núi rừng Tây nguyên mênh mông lại càng mênh mông hơn, giàu có lại càng giàu có hơn…Công việc kiếm sống gian nan trong đời thường bỗng trở nên nhẹ nhàng, hiệu quả. Nương rẫy rộng bao la, con người dễ dàng bắt được các loài thú dữ, của cải vật chất vốn hiếm bỗng trở nên nhiều vô kể; cuộc sống ấm no, hội hè liên miên, khách tứ xứ đến ăn dầm ở dề mà chủ vẫn vui. Cách miêu tả cuộc sống sung túc trong Sử thi làm nên một không gian nghệ thuật vừa hiện thực vừa huyền ảo-lãng mạn, thể hiện khát vọng lý tưởng thời đại.
Chiến tranh là hiện thực sôi động của thời cổ đại. Đây là giai đoạn mà “chiến tranh và các tổ chức để tiến hành chiến tranh đã trở thành chức năng thường xuyên trong sinh hoạt của người dân…”(F.Engels). Chiến tranh là hoạt động sống còn của các bộ tộc cổ đại, do vậy chinh phạt là công việc của cả cộng đồng. Trong Sử thi một không gian chiến trận bề bộn, kỳ vĩ, đầy tính đối lập. Chất hiện thực thể hiện ở sự kiện, chất huyền ảo lãng mạn làm “giãn nở” không gian chiến trận, đẩy xung đột đời thường lên tầm “thần thánh-vũ trụ”; tính chất đối lập thể hiện rõ quan niệm của nhân dân về chiến tranh, về người anh hùng cũng như mơ ước và lý tưởng của họ.
Chiến tranh trong Sử thi bắt đầu từ tham vọng chiếm đoạt của cải, đất đai, nô lệ. Nó thường được hình tượng hóa bằng việc cướp đoạt “người đẹp” (người yêu, vợ, mẹ,...của người anh hùng) dẫn đến buôn làng không còn yên ổn, uy danh tù trưởng bị xúc phạm và người anh hùng phải tổ chức cả buôn làng chinh phạt. Cuộc tụ binh quy mô lớn thể hiện uy danh người tù trưởng: “Hãy mời tất cả bà con, tất cả các bộ tộc,…hãy gọi về tất cả dân trong vùng…” <Đăm Xăn>; những lần xuất trận đầy khí thế thể hiện sức mạnh cộng đồng: “Hằng nghìn, hằng vạn người cùng đi,…” và cả cuộc xung trận dữ dội giữa các tù trưởng hùng mạnh. Kẻ gây hấn thất bại, người anh hùng chiến thắng, cộng đồng lại mở hội mừng vui.
Không gian chiến trận mở rộng ra nhiều chiều, mang tính đối lập, thể hiện một cách trọn vẹn sức tung hoành của người anh hùng không bị giới hạn nào chi phối. Mọi thứ trong trường hoạt động của người anh hùng Sử thi đều được phóng chiếu theo hướng “thần thánh hóa”, “huyền ảo hóa”. Người anh hùng trở nên ngang tầm thần thánh, có gốc gác thần linh, sức mạnh bất khả chiến bại, tài năng siêu phàm, uy danh vang đến tận thần linh và khắp cùng sông núi. Vẻ đẹp ngoại hình tuyệt vời, đối lập và hơn hẳn kẻ thù yếu kém, xấu xa.
Sự biểu hiện không gian chiến trận trong tầm giãn rộng phi thường với hình tượng người anh hùng dũng mãnh cho ta hiểu được tính chất những cuộc chiến tranh giữa các bộ tộc, hiểu khát vọng chiến thắng để tồn tại là một ước mơ lý tưởng của nhân dân các dân tộc thời cổ đại. Chiến tranh là một nội dung lớn của Sử thi. Không gian chiến trận chiếm một dung lượng lớn trong không gian hiện thực Sử thi. Chính tính chất huyền ảo của lớp không gian nghệ thuật này mới đủ sức dung chứa hình tượng người anh hùng lý tưởng một cách hoàn chỉnh đến tuyệt đối, mới có khả năng phả vào hình tượng sức sống, sức hấp dẫn mạnh mẽ, kỳ lạ qua mọi thời đại.
Không gian hiện thực khách quan là lớp không gian phổ biến trong Sử thi. Dù nó được lý tưởng hóa, phóng đại đến tầm cỡ nào thì những tính chất của nó cũng được quy chiếu từ hiện thực cuộc sống. Bản chất của các sự kiện Sử thi là hiện thực, các mối quan hệ quy chiếu là hợp lý, việc mô tả là phóng đại, hoành tráng, đối lập đầy tính thiên vị…Đó chính là sức thu hút kỳ diệu của lớp không gian nghệ thuật hiện thực nói riêng và của nghệ thuật Sử thi nói chung, góp phần làm tỏa sáng nội dung, ý nghĩa của hình tượng nghệ thuật người anh hùng, hình tượng cộng đồng.
2.2. Lớp không gian xã hội
Ở các Sử thi tên nhân vật chính được dùng để đặt tên cho tác phẩm. Cuộc đời người anh hùng hoặc nhóm anh hùng làm nên nội dung câu chuyện. Trong Sử thi tác giả dân gian đề cập đến nhiều mối quan hệ xã hội thông qua quan hệ người anh hùng với các thành viên trong gia đình và cộng đồng. Thậm chí ta còn thấy những mối quan hệ rộng lớn hơn như quan hệ con người với thần linh, yêu ma, loài vật,…đầy tính kỳ ảo. Những mối quan hệ này tạo ra lớp không gian xã hội. Nghiên cứu chúng giúp ta rõ hơn chủ đề, ý nghĩa hình tượng nghệ thuật và những quan niệm nhân sinh, vũ trụ,..của các bộ tộc Tây nguyên.
2.2.1. Quan hệ con người - con người. Bao gồm các mối quan hệ sau:
+ Quan hệ tù trưởng - các thành viên bộ tộc : Quan hệ này là phụ thuộc nhưng bình đẳng, không có mâu thuẫn. Người tù trưởng tài năng luôn dẫn dắt mọi người thực hiện công việc có ích cho cộng đồng. Các thành viên luôn nghe theo, làm theo răm rắp lời kêu gọi của tù trưởng. Không gian quan hệ này êm thắm, thân ái, chở che cho thấy xã hội Sử thi đang là xã hội thời công xã thị tộc. Phần lớn các Sử thi, vai trò tù trưởng đã vào tay người đàn ông, tuy mức độ quyền hạn ít nhiều còn bị chia sẻ với người phụ nữ, điều đó lại cho thấy xã hội thị tộc mẫu hệ đang trên đường tan rã. Mỗi Sử thi phản ánh một thời kỳ mà mức độ tan rã khác nhau.
Trong sử thi Đăm Xăn vai trò người phụ nữ còn mạnh, chi phối đến khát vọng tự do của Đăm Xăn, cho thấy sử thi này xuất hiện khi chế độ thị tộc mẫu hệ chưa hoàn toàn phân rã. Đến sử thi Đăm Noi, người anh hùng Đăm Noi không còn nghe lời mẹ và người cậu mà làm theo ý mình và đã tác động lôi kéo cả ông cậu, cho thấy chế độ phụ hệ đã lấn quyền tạo nên không gian quan hệ mới.
Trong sử thi Đăm Di, vai trò người anh cả được tôn xưng, người em út tài năng, khỏe mạnh không còn được trọng vọng như thời công xã thị tộc. Quan hệ này là dấu hiệu của thời manh nha chế độ nô lệ - gia trưởng… Không gian xã hội này chứa nhiều quan hệ bất bình đẳng, tư tưởng tư hữu vật chất xuất hiện, mầm mống của bất công phát triển. Đây cũng là một trong những Sử thi xuất hiện muộn.
+ Quan hệ tù trưởng - tù trưởng; tù trưởng - thành viên bộ tộc khác. Có hai dạng quan hệ: Quan hệ xung đột và quan hệ cộng tác. Khi không mâu thuẫn vật chất, biết tôn trọng nhau dễ đi đến liên minh bộ tộc, tạo ra quan hệ chia sẻ quyền lợi. Nhiều Sử thi đã thể hiện tinh thần hiếu khách cao cả, tặng vật quý cho khách mang về. Khi xung đột vật chất, cướp đoạt tài sản có chủ quyền, xúc phạm uy danh tất yếu dẫn đến xung đột, chiến tranh thôn tính xảy ra. Như ta thấy Đăm Xăn đánh Mơtao Grứ và Mơtao Mơxây; Đăm Noi đánh với Chi Lơ Bú; Đăm Di đánh với Đăm Chúc,…Quan hệ tù trưởng chiến thắng với thành viên bộ tộc thất bại là quan hệ chủ - tớ, bình đẳng như với thành viên trong bộ tộc của mình, không tàn sát, nhục hình sau khi chấm dứt chiến tranh với tù trưởng thù địch.
Những lớp không gian xã hội này cho ta thấy quan niệm sống của các tộc người cố đại Tây Nguyên đậm tinh thần nhân ái, tương thân tương trợ, đùm bọc, luôn đấu tranh cho tự do, dân chủ, bình đẳng, không có biểu hiện của sự tàn sát đẫm máu hoặc trả thù độc ác như trong một số Sử thi trên thế giới.
2.2.2. Quan hệ con người - loài vật. Không gian quan hệ này mở ra nhiều chiều nhưng ý nghĩa luôn nhất quán. Đó là tinh thần yêu thương loài vật, ý thức về sự có ích của muôn loài đối với đời sống của con người. Con người luôn làm chủ, dùng sức mạnh để chế ngự và thuần dưỡng các loài. Điều này chứng tỏ con người cổ đại các dân tộc Tây Nguyên biết dựa vào nguồn sống tự nhiên để bảo đảm cuộc sống cho mình và luôn giữ nó trong trạng thái cân bằng.
Nói chung, không gian xã hội bao gồm nhiều dạng quan hệ nhưng thống nhất trong việc biểu đạt quan niệm đạo đức, nhân sinh, vũ trụ. Con người luôn tìm cách vươn lên khẳng định vị trí trung tâm vũ trụ của mình. Họ luôn coi trọng tinh thần nhân ái, bình đẳng, yêu chuộng hòa bình, có ý thức xây dựng một cộng đồng yên ấm, sẵn sàng diệt trừ kẻ ác, cái xấu nhưng không mang sắc thái cường bạo.
2.3. Lớp không gian vũ trụ - không gian không cản trở.
Không gian vũ trụ bao gồm cả lớp không gian tự nhiên rộng lớn lẫn quan niệm về vũ trụ sơ khai. Trong Sử thi còn có lớp không gian không cản trở, khác với hiện thực hạn chế mà con người đang phải chấp nhận đối mặt. Đó là không gian của những điều kỳ điệu, phi thường mà nhân vật anh hùng đã dấn thân hành động.
Con người khi sáng tạo lớp không gian này trong tiến trình tiếp cận thế giới tự nhiên, một mặt thể hiện sức tưởng tượng kỳ lạ, bay bỗng, mặt khác bộc lộ sự nhận thức lại của họ trước tự nhiên.
Trong Sử thi không gian vũ trụ được biểu đạt dưới nhiều góc độ khác nhau, thông qua nhiều chi tiết nghệ thuật độc đáo. Phổ biến vẫn là sự biểu đạt tập trung cao độ ở hình tượng người anh hùng lý tưởng trong quan hệ với thần linh, với thiên nhiên. Người anh hùng lý tưởng được tác giả dân gian đẩy lên ngang tầm với thần linh vĩ đại, làm được những việc trong tầm kích vũ trụ mà trước chỉ có thần linh mới làm được. Người anh hùng lên trời, cầu hôn con gái nhà trời, xuất trận hùng dũng, múa khiên đao mà chuyển động đến cả trăng sao, làm giật mình các vị thần trên trời, làm tan tác muôn loài trên mặt đất,…Sức mạnh người anh hùng là sức mạnh bão tố, tư thế người anh hùng vượt cao hơn núi non, bước đi người anh hùng vượt bao sông suối đồi nương muôn dặm,…
Tư thế hiên ngang, sức mạnh phi thường, xung trận lẫm liệt,…đã đưa người anh hùng Sử thi bước ra khỏi thế giới con người bình thường-mặt đất, hòa vào thiên địa mênh mông cao xanh, bước vào không gian vũ trụ. Nhân vật Xét trèo lên cây tre cao vút để bước vào thế giới của thần linh; nhân vật Đăm Noi rẻ nước đi vào lòng đất - một thế giới bí ẩn đối với nhận thức hạn chế của con người. Việc Đăm Xăn hồi sinh thành Đăm Xăn cháu, một lần nữa người anh hùng vượt qua ranh giới giữa sinh - tử, vượt qua ranh giới của thế giới hữu hình và vô hình. Chỉ khi ở trong tầm cao và sâu ấy, khi xóa bỏ được những giới hạn vây bọc, cản trở, người anh hùng Sử thi mới thật sự tỏa sáng, sức mạnh mới lên đến tột đỉnh: Đạp gục đỉnh núi Dú…dẫm nát ngọn Tơling.
Sức mạnh và tư thế ấy của người anh hùng không chỉ bộc lộ ở không gian chiến trận mà còn trong bất cứ hoạt động nào, bất cứ nơi đâu khi cuộc sống cộng đồng buôn làng cần. Đăm Xăn lên trời xin thóc giống, chàng dám vượt qua giới hạn phân chia thế giới con người và thần linh. Và sau đó phải chấp nhận cái chết cho riêng mình khi lên tận thế giới thần linh để cầu hôn Nữ thần mặt trời. Suy cho cùng người anh hùng vẫn là một cá thể gắn bó với cộng đồng, vì cuộc sống ấm no, yên bình và thể hiện lý tưởng của cộng đồng.
Những hình tượng nhân vật Sử thi tung hoành trong không gian vũ trụ - một không gian không cản trở - luôn ẩn chứa nhiều tầng nghĩa, luôn đẹp và được mến mộ. Chính lớp không gian này đã nâng nhân vật sử thi lên tầm phi thường, lộng lẫy, tỏa sáng.
Mở ra không gian vũ trụ để nhân vật viễn du qua các thế giới thể hiện một cách nhận thức về thế giới, một quan niệm về tự nhiên, về lẽ mất còn với cả mặt tích cực lẫn hạn chế của tác giả Sử thi. Nó cũng là ước mơ, khát khao cháy bỏng ngàn đời nay của con người trong công cuộc khắc chế, chinh phục thế giới tự nhiên. Qua họ phần nào giúp con người hiểu về thế giới hữu hạn của mình hơn.
Sức hấp dẫn, sức sống lâu bền, sức lan tỏa mạnh mẽ của Sử thi tự bao đời nay không thể không tính đến hiệu quả của lớp không gian vũ trụ trong thế giới nghệ thuật Sử thi mà đời sau không lặp lại được.
2.4. Lớp không gian văn hóa
Tất cả những sáng tạo văn hóa vật chất, tinh thần gộp lại làm nên diện mạo cuộc sống của một cộng đồng trong một giai đoạn lịch sử nào đó.
Sử thi không đi vào miêu tả cụ thể chi tiết những sáng tạo văn hóa nhưng qua việc miêu tả hành động, miêu tả không gian sinh tồn, quan hệ của nhân vật trung tâm chúng ta thấy được một lớp không gian văn hóa đa dạng và phong phú.
+ Nhân vật tù trưởng anh hùng sống trong một không gian ngổn ngang vật thể nhân tạo. Ta bắt gặp những buôn làng sầm uất, một trăm nhà về phía Nam, một trăm nhà về phía Bắc…; mái nhà Rông cong vút, chạm trổ nhiều hoa văn, tượng thú…Trong nhà chiêng, ché, trống, khăn áo, khố, điếu, hoa tai, lược đồng, tên nỏ, gươm, giáo, rìu đồng,…nhiều vô kể <Chi Lơ Kok>, dấu hiệu của sự giàu có. Giàu có cũng là một đặc trưng của người tù trường anh hùng. Nên hiểu đây là biểu hiện một cuộc sống lý tưởng, một biểu hiện của khát vọng ấm no. Nó thể hiện niềm tự hào về danh tiếng hơn là ẩn chứa ý nghĩa của sự tích lũy xã hội ở giai đoạn đầu thời kỳ tư hữu và nô lệ. Người anh hùng Sử thi không ky cóp, trái lại càng giàu càng rộng lượng, bao dung. Vật chất dưới mắt kẻ tham lam mới là đối tượng của sự chiếm hữu, cướp đoạt và đó là mầm mống của tai họa cho cả cộng đồng.
Do vậy lớp không gian văn hóa vật chất này một mặt đã góp phần thể hiện phẩm chất tốt đẹp của người anh hùng, của quan hệ xã hội lý tưởng, mẫu mực thời công xã thị tộc; mặt khác nó cũng soi tỏ những nết xấu xa sơ khai ẩn chứa trong tâm địa hẹp hòi của con người.
+ Trong không khí rộn ràng của cảnh chiến trận hoành tráng, cảnh săn bắt, canh tác đông vui, không thể không nói đến sự góp mặt của những sinh hoạt hội hè, vui chơi nhảy múa nhộn nhịp, những nghi lễ trang trọng, chiêng trống inh ỏi, những cuộc đón tiếp khách khứa linh đình…Không gian văn hóa phi vật thể này tạo sinh khí cho những buôn làng heo hút giữa đại ngàn Tây nguyên hoang vu xa xưa và xác lập được một cuộc sống văn hóa tích cực, phong phú.
+ Ta còn gặp ở Sử thi Tây nguyên một không gian tín ngưỡng đa thần. Lớp không gian này mở ra quan hệ Con người - Thần linh, trong đó bao gồm:
- Con người - Trời: Trời vị thần tối cao luôn phù trợ cho con người nói chung và người anh hùng chân chính nói riêng Trời giúp sức cho Đăm Xăn chiến thắng Mơtao Mơxây, can thiệp vào những hành động chệch hướng của con người. Trừng phạt Đăm Xăn vì không chịu lấy H’nhí và H’bhi theo luật tục <Đăm Xăn>. Nhưng người và Trời vẫn quan hệ bình đẳng, người có thể kiện trời, dọa trời, uy hiếp tính mạng của trời. Đăm Xăn túm tóc ông Gỗn dọa giết nếu không hóa phép cho H’Nhi và H’Bhi sống lại. Không như quan niệm thời sau.
- Con người - Thần bảo hộ: Các vị thần bảo hộ luôn giúp con người. Thần tốt giúp người tốt, thần xấu giúp người xấu. Đó cũng là quan hệ tương ứng giữa mọi vật trong thế giới tự nhiên được tác giả dân gian nhận thức. Ở Sử thi con người kính nể, ngưỡng vọng hần linh nhưng lại muốn vươn lên ngang tầm với thần linh. Đăm Noi cầu xin thần Rồng giúp làm đẹp chiếc thuyền của mình nhưng khi thần giúp kẻ xấu thì Đăm Noi vẫn đánh và tiêu diệt thần. Đăm Xăn chặt cây thần Smuk. Việc Đăm Xăn đòi đi cưới Nữ thần mặt trời là một bước con người tự nâng mình lên ngang tầm thần thánh, tạo một không gian văn hóa quan hệ bình đẳng với thần linh, biểu hiện khát vọng chinh phục, chế ngự sức mạnh tự nhiên. Đăm Xăn thất bại trong việc cầu hôn nữ thần Mặt Trời, bỏ xác trong rừng Sun Yrit, thể hiện hạn chế của con người trên đường chinh phục tự nhiên. Đó như là bi kịch của con người cổ đại.
- Sử thi còn xác lập được một không gian văn hóa ứng xử tốt đẹp. Nhiều cung cách giao tiếp, ứng xử dựa trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng nhau xứng đáng làm mẫu mực cho mọi quan hệ ở mọi thời đại. Lớp không gian này có nhiều chỗ bao trùm lên không gian xã hội. Nét phổ biến nhất trong ứng xử là luôn hạ mình, khiêm nhường nhưng vẫn giữ vị thế, bản lĩnh của người làm chủ. Tinh thần quý khách được biểu hiện qua thái độ trân trọng đối xử hết sức tốt đẹp với khách. Một thứ uyển ngữ đáng yêu được dùng trong cung cách “mời mọc”: “Anh uống tạm rượu chua,rượu chát nhà tôi”; Mời khách ăn cơm: “cơm tôi có mùi mốc, nước tôi có mùi tanh…”. Còn khách thì đáp lại bằng những lời tán dương. Họ còn tận tình giúp đỡ chân thành đối với những thành viên gặp điều không may, lâm vào hoàn cảnh túng thiếu bất kể người đó là thân hay sơ. Chi Lơ Kok cho Chi Lơ Bú cả kho lúa…Cả buôn làng có thể cùng góp của cải để một người tiếp đãi khách “Buôn ta có khách đến thăm. Ai có ché con, ai có chum nhỏ ché to, mang đến cùng tôi mời khách uống,…”. Quan hệ đó tạo nên sự gắn kết và sức mạnh cộng đồng. Sức mạnh người anh hùng có phần xuất phát từ quan hệ ứng xử tốt đẹp trong xã hội. Lớp không gian văn hóa này đã tạo thêm cho Sử thi đậm đà ý vị nhân văn.
- Những luật tục cũng là một thành tựu văn hóa. Sử thi có những quy định về tín ngưỡng thờ cúng, về giao tiếp, săn bắt và đặc biệt về vấn đề hôn nhân. Hôn nhân trong Sử thi có tính chất tiến bộ như kiểu hôn nhân “một vợ một chồng”,…Con người thời kỳ này cũng đã nhận ra tác hại của “hôn nhân huyết thống” (loạn luân) và “ngoại hôn”. Những hình tượng yêu ma và sự trừng phạt của thần linh, của bộ tộc dành cho người phạm luật tục hôn nhân là rào cản, sự cảnh báo về sự phát triển của giống nòi đối với mọi thành viên trong cộng đồng. Con người tự nhiên thường bị cuốn hút bởi tính dục, con người văn hóa đã vượt lên sức hút đầy cám dỗ đó. Hình tượng nhân vật GrănKđiêng là sự nhận thức sai lầm và sửa chữa sai lầm của con người. Ý nghĩa lớn nhất của hình tượng là sự nhận thức sai lầm và phản tĩnh để trở về với hạnh phúc gia đình “một vợ một chồng”, bảo đảm được hôn nhân đúng luật tục, xã hội yên bình.
Bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau, lớp không gian văn hóa không chỉ làm phong phú nội dung Sử thi mà còn làm cho Sử thi thêm hấp dẫn, sinh động, đặt nhân vật Sử thi vào nhiều mối quan hệ văn hóa - xã hội đa dạng khiến hình tượng này vừa kỳ vĩ lại vừa gần gũi, đời thường. Cuộc sống vốn yên tĩnh xa xưa của các buôn làng ẩn mình dưới bóng núi rừng Tây Nguyên trở nên sống động, bừng sáng trong lớp không gian văn hóa đa sắc thái của Sử thi.
3. Nói về không gian nghệ thuật của thể loại Sử thi thật khó, bởi nó là thể loại đồ sộ về nội dung, đa dạng về nghệ thuật và nhiều lớp không gian đan xen trong một chi tiết, một hình tượng nghệ thuật nhất định, cụ thể, khó bóc tách rạch ròi. Dẫu sao chỉ qua việc khảo sát mổ số thành tố không gian nghệ thuật chúng tôi cũng nêu được nhiều vấn đề: tính thống nhất, sức hấp dẫn, âm hưởng hùng tráng, ý nghĩa sâu sắc, phong phú của Sử thi trong chừng mực hợp lý, khách quan nhất.
P.B.T