Văn nghệ dân gian
Ký ức một miền quê biển
14:58 | 23/08/2023

NGUYỄN THẾ

Ký ức một miền quê biển
Thu hoạch cá - NSNA Đặng Việt Hùng

Năm 1976, tôi có dịp dẫn đoàn thiếu niên của xã Phong Bình tham gia hội trại hè của Thiếu niên huyện Phong Điền tại biển Phong Hải. Đây là lần đầu tiên tôi được đến một vùng biển bình yên của quê hương. Hồi đó, Phong Hải là xã tuyến biển của huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế (thời kỳ này chưa sát nhập 3 tỉnh Bình Trị Thiên). Địa giới xã Phong Hải thời đó kéo dài từ thôn Trung Đồng (giáp với xã Hải Khê, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) đến giáp xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế. Địa giới biển Phong Hải hồi đó bao gồm tuyến biển của các xã “ngũ điền”, tức là suốt chiều dài biên giới biển của huyện Phong Điền ngày nay. Trại hè được tổ chức ngay dưới rừng dương bạt ngàn của xã Phong Hải. Tôi nhớ mãi quang cảnh thiên nhiên của Phong Hải lúc đó như được phối bằng màu xanh của rừng dương và màu xanh của biển. Gió biển thổi vào rừng dương tạo nên âm thanh vi vút, lao xao… như một nhạc khúc của thiên nhiên bao la biểntrời. Vượt đồi cát dưới cái nắng nóng bỏng chân quả là gian nan cho những ai mới lần đầu đến với Phong Hải. Nhưng khi tới nơi, bóng mát rừng dương cùng gió của biển sẽ làm cho ta không những quên đi sự mệt nhọc mà còn cảm thấy khoan khoái, mát mẻ. Bên trong rừng dương Phong Hải còn có những dòng suối cạn với mạch nước ngầm chầm chậm chảy ra biển. Nước suối chảy tràn dài trên cát cung cấp nước ngọt và độ ẩm cho những bãi rau muống biển cùng nhiều loại thực vật sống ven bờ biển. Màu xanh của lớp thảm thực vật như điểm xuyết thêm nét đẹp cho bờ cát dài của biển.

Từ xa xưa, phần lớn người Việt từ đất Bắc di dân vào Thuận Hóa đều đi bằng đường biển, Những người dân đồng bằng ven biển Bắc bộ chính là lớp cư dân sớm của Thuận Hóa thời di dân mở cõi sau sự kiện vua Chăm là Chế Mân dâng hai châu Ô, Lý làm sính lễ cưới Huyền Trân công chúa của nhà Trần năm 1306. Riêng người dân vùng biển Bắc bộ, ngoài việc di dân theo lệnh của triều đình, họ còn tham gia vận chuyển những những cư dân vùng đồng bằng Bắc bộ đi tìm cuộc sống nơi vùng đất mới ở phương Nam. Họ đã cùng nhau lênh đênh nhiều ngày trên biển, rồi tìm vào các cửa biển để chọn vùng đất sinh sống lâu dài. Những người dân làm nghề nông thì theo các nguồn sông, tìm những dãi đất phù sa ven sông để lập làng. Còn dân nghề biển ban đầu cũng chọn những bãi ngang hoặc những vùng đất gần với biển để sinh sống và khai thác nguồn lợi của biển. Bước đầu người dân làm nghề biểnở Phong Hải sống chung với người dân làm nghề nông ở làng Thế Chí. Làng Thế Chí có hai giáp, Thế Chí Đông giáp (nay là xã Điền Hải); Thế Chí Tây giáp (nay là xã Điền Hòa). Một thời gian ngắn sau đó, người dân làm nghề biển chuyển ra sống ở vùng bãi ngang để tiện việc đánh bắt hải sản. Khi chuyển ra sống ở bờ biển, họ tiếp tục cộng cư với người dân bản địa, tức là người Chăm. Xã Phong Hải xưa kia vẫn có người Chăm. Cư dân Chăm lúc đó chính là người dân họ Chế của làng biển Mỹ Hòa thuộc xã Điền Lộc ngày nay. Tuy sống ở biển nhưng người dân Phong Hải vẫn luôn gắn bó với người dân làng Thế Chí như bà con ruột thịt. Họ gọi nhau là dân “trong ruộng” và dân “ngoài biển”. Khi vào mùa đánh bắt tôm cá, người dân “trong ruộng” vẫn cùng lên thuyền vươn khơi với dân “ngoài biển”. Sau một ngày ra khơi để đánh bắt tôm cá, người dân “trong ruộng” cũng được chia phần sản phẩm như người dân “ngoài biển”. Sản phẩm tôm, cá, ruốc mắm…được dân “ngoài biển” mang vào “trong ruộng” để trao đổi lương thực và các loại thực phẩm khác. Sản phẩm của biển Phong Hải không chỉ cung cấp cho người dân quanh vùng mà còn được đưa đi tiêu thụ tận các làng vùng đồng bằng, trung du và cả những bản đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng thượng nguồn. Người dân miền núi, vùng đồng bằng và vùng biển luôn có những mối quan hệ trong việc đổi trao nguồn lương thực, thực phẩm để đảm bảo cho nhu cầu cuộc sống của nhau. Bởi vậy, người dân vùng biển Nam và Trung bộ có câu:

Ai lên nhắn với nậu nguồn,

Mít non gởi xuống, cá chuồn gởi lên.

Ngày trước, nhiều người dân miền biển thường xuyên gánh ruốc và nước mắm đi các làng để bán hoặc trao đổi lương thực. Nhiều gia đình người dân các làng vùng ruộng được “cung cấp” các loại nước mắm, ruốc biển “chính hiệu”, có thể dự trữ để dùng nhiều ngày. Trải qua thời gian dài mua bán trao đổi hàng hóa, một số người ở biển trở thành những mối cung cấp ruốc, nước mắm thường xuyên tận các làng bản xa xôi. Vì vậy, họ luôn nắm rõ nhà nào sắp hết ruốc, hết nước mắm để kịp thời đưa đến. Hồi nhỏ, mẹ tôi thường gọi bà lão chuyêncung cấp ruốc, nước mắm cho gia đình tôi là “mụ kẻ biển”. Như vậy, nói người dân vùng biển là những cư dân sớm của vùng Thuận Hóa là không sai. Họ đã đến vùng đất này cùng thời với dân các làng Kẻ Lừ (Niêm Phò); Kẻ Né (Ma Nê); Kẻ Phù (Phò Trạch)…nên mới có danh xưng “Kẻ Biển”. “Kẻ Biển” là tiếng gọi chung cư dân vùng biển của Thuận Hóa xưa. Tôi nhớ mãi vào đầu những năm 60 của thế kỷ trước, cứ mỗi lần “mụ kẻ biển” gánh ruốc, nước mắm lên cung cấp cho bà con ở làng Phò Trạch (quê của tôi), bà đều ngủ lại qua đêm ở nhà tôi. Mạ tôi và mụ rất hợp nhau. Cứ sau bữa ăn tối là gia đình tôi quây quần bên mụ để nghe mụ nói chuyện. Mụ từng đi bán mắm ruốc khắp nơi nên hiểu biết nhiều chuyện của làng này xóm nọ. Mụ kể mãi không bao giờ hết. Nhưng lũ trẻ chúng tôi thích nhất là nghe mụ kể chuyện đời xưa. Tôi nhớ có hôm mụ kể chuyện những tên trộm chuyên nghiệp ngày xưa và tục thờ “Thiên linh cái”. Lúc đó khi nghe nội dung mụ kể, chúng tôi sợ hết hồn. Mụ kể rằng, ngày xưa những người chuyên làm nghề ăn trộm, khi nghe nơi mô có cô gái “đồng trinh” bị trời đánh (sét đánh) chết là họ đến đào trộm mộ để lấy cái đầu của cô gái xấu số ấy về thờ ở một góc kín phía sau nhà. Họ có những thủ tục cúng bái riêng gọi là luyện “Thiên linh cái”. Sau khi luyện thành, cứ đến buổi tối trước khi chuẩn bị đi ăn trộm là họ khấn vái “Thiên linh cái”. Hễ “Thiên linh cái” xoay hướng nào là tên trộm sẽ đi theo hướng ấy và thực hiện vụ trộm thành công, không bị chủ nhà bắt. Mụ còn kể chuyện cách thức và mưu mẹo của chủ nhà khi bắt người ăn trộm nữa. Nghe thật hấp dẫn. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn mường tượng được khuôn mặt nhăn nheo, rám nắng và lối kể chuyện lôi cuốn của mụ. Sau này, khi đọc cuốn “Nghệ thuật ăn trộm và bắt trộm của người xưa” của nhà văn Toan Ánh tôi mới hiểu một cách rành rẽ về nội dung của câu chuyện này. Vì vậy, tôi càng nể phục hơn về sự hiểu biết và trí nhớ của mụ. Tôi đoan chắc rằng thời trẻ mụ đã từng nghe một thức giả kể chuyện này hoặc trực tiếp đọc những số báo viết về đề tài này của nhà văn Toan Ánh nên mới nhớ và kể cốt chuyện chính một cách rành rọt như vậy (“Nghệ thuật ăn trộm và bắt trộm của người xưa” của Toan Ánh được đăng ở nhật báo Cách - Mạng Quốc - Gia từ cuối năm 1959).

Trước đây, ở Phong Hải, đàn ông ra khơi đánh cá, phụ nữ tham gia chế biến và tiêu thụ hải sản. Ngoài ra, phụ nữ của xã Phong Hải còn có nghề dệt “lưới mức” (một loại lưới cước ni lông mắt nhỏ) để kết thành ngư cụ đánh bắt hải sản ven bờ gọi là “giạ”. Loại “lưới mức”này còn dùng làm nò sáo cho ngư dân vùng đầm phá. Sản phẩm này còn được kết nhiều tấm để làm loại “rớ mùng” (còn gọi là “rớ tủ”) để cung cấp cho bà con vùng đồng bằng để “cất” những loại cá nhỏ (cá trắng). Hồi trước, nhà nào ở Phong Hải cũng có vài khung cửi để dệt mức. Cứ thời gian rảnh rỗi là họ dệt, không kể ngày đêm. Các em nhỏ từ trên 10 tuổi cho đến các cụ bà bảy, tám mươi đều tham gia làm nghề này. Họ xem đây là một nghề phụ để có thêm thu nhập bù vào những ngày biển động, dông tố hay ngày đông tháng giá mọi người không đi biển được.Vì vậy, hồi trước về Phong Hải, đi ngang nhà nào cũng nghe tiếng kẽo kẹt của khung cửi dệt “lưới mức”. Sau này, bà con ở đây cũng có đầu tư máy công nghiệp để dệt “lưới mức”, nhưng do làm ăn nhỏ lẻ, không cạnh tranh được với thị trường nên khoảng 6,7 năm nay, phụ nữ ở Phong Hải không còn ai làm nghề dệt “lưới mức”.

Nghề chế biến hải sản như làm cá khô, làm ruốc, làm nước mắm …cũng mang lại thu nhập đáng kể cho người dân xã Phong Hải. Mỗi khi được mùa tôm cá…nhà thuyền thu được tỉ lệ lớn lượng tôm cá đánh bắt được trong chuyến đi biển, lao động tham gia đánh bắt trên thuyền cũng được chia phần tương xứng. Nhà nào cũng “đầy ắp” lộc biển. Đây chính là lúc người phụ nữ Phong Hải vất vã nhất. Nếu trời còn sớm, chị em phải gánh cá tươi “chạy” đi các nơi tiêu thụ cho kịp. Những bà con “vùng ruộng” thời điểm này cũng hào phóng, mua nhiều sản phẩm của biển vì tươi và rẻ. Ngoài việc phục vụ cho bữa ăn hôm sau họ còn chế biến để dự trữ cho mùa đông tháng giá. Thậm chí cũng có nhiều người vùng ruộng mua cá để phơi khô hay làm mắm để dành. Số chị em còn lại ở biển lại tiếp tục kho cá, nướng cá để chạy chợ vùng xa vào sáng sớm hôm sau. Hai ba giờ sáng là họ đã có gánh cá để chạy chợ. Gánh cá lúc này của họ không chỉ có cá kho, cá nướng mà còn có cá tươi hay mực tươi của các ghe thuyền câu đêm mới vào bờ… có khi cá nhiều quá họ phải hấp chín để sáng hôm sau phơi khô hoặc làm mắm. Tôi từng chứng kiến nhiều lần thuyền về đầy ắp cá, tôm… người ở bãi biển đông như hội. Tiếng gọi giục giã ơi ới. Tiếng ai cũng to vì họ quen với việc “ăn sóng nói gió” vì nếu nói nhỏ thì bị tiếng sóng át đi không thể nghe được. Lúc này từ đầu làng đến cuối xóm, nhà nào cũng bốc khói nghi nghút vì kho cá, nướng cá…chất đốt họ dùng để kho cá chủ yếu là lá dương khô hay những cành dương nhỏ rơi rụng khắp rừng dương. Lúc đó chúng ta sẽ ngửi được mùi hương thơm hăng hắt của tinh dầu lá dương khô tỏa lan khắp làng biển. Nướng cá thì họ mua loại than chắt, tốt ở miền núi để nướng. Vì lửa của loại than này nóng đượm mà lâu tàn. Ngày xưa, ít khi người dân vùng biển chặt cây dương để làm củi mà họ chỉ cào lá (nhà nào cũng dự trữ cả chục bao lá dương khô) hay trảy cành nhỏ để làm chất đốt hàng ngày. Vì rừng dương là lá chắn sóng gió, bảo bùng hiệu quả nhất đối với vùng biển. Ngày trước ở đây có khá nhiều rừng dương nối liền với các làng biển. Có cây lớn, tuổi đời trên cả 100 năm. Cây dương đã lớn lên và phát triển qua nhiều thế hệ người dân vùng biễn giã. Bởi vậy miền quê biển nào cũng coi trọng việc phát triển rừng dương để bảo vệ môi trường biển. Chính rừng dương đã góp phần điều tiết nguồn nước ngầm (nước ngọt) của vùng quê biển.

Đã bao đời, người dân Phong Hải luôn chịu thương chịu khó, bám biển ngày đêm theo từng con nước, từng đàn cá. Người có kinh tế khá giả thì đóng thuyền (Phong Hải gọi là gọ) lớn để ra khơi xa đánh bắt hải sản; ngư dân bình thường thì đóng loại gọ nhỏ để đánh bắt gần bờ (gọi là lộng) hoặc ra độ sâu khoảng năm bảy sải để câu cá, câu mực…Để có nguồn cá, họ phải ra biển “đặt tre”. Họ ra dến vùng biển có độ sâu từ 20 - 25 sải nước (người dân biển chỉ hình dung độ sâu của biển bằng sải tay), tức độ sâu khoảng từ trên 30 đến 40 mét. Họ tìm những nơi có rạng đá, rạng san hô, hoăc tầng mùn ở đáy dày. Đây chính là nơi sản sinhcác loại thủy sinh vật tạo nguồn thức ăn cho các loàitôm cá. Họ bện rơm và độn cát làm thành túi lớn  thả xuống đáy biển tạo thành những ụ chìm cố định rồi nối dây buộc vào những cây tre lớn đặt nổi đứng trên mặt biển. Họ nối từng dãy bó lá chuối khô rồi buộc vào những cây tre để tạo “bóng râm” trên mặt biển. Cá sẽ tìm đến để trú ngụ (gọi là cá đứng). Đây là những “trộ cá” do người dân tạo ra để nhử nguồn cá phục vụ cho việc đánh bắt. Trước đây người ta chỉ sử dụng “tri thức dân gian” để đánh bắt cá. Trước đây việc đánh cá của cư dân biển Thừa Thiên Huế, trong đó có người dân biển Phong Hải phần lớn theo mùa vụ tính theo Âm lịch: tháng Giêng tháng Hai là mùa cá Trích; tháng 6 tháng 7 là mùa cá nục; tháng 8 tháng 9 là mùa đánh bắt con ruốc, cá cơm duội… nhưng sau này họ đã đóng những thuyền lớn hơn và liên kết với nhau thành từng tổ từ 5 đến 7 thuyền, dùng ánh sáng đèn điện để nhử cá, gọi là nghề đánh “mành đèn”. Sản lượng hải sản đánh bắt ngày càng phát triển hơn. Song khi khoa học kỹ thuật phát triển, ngoài việc sản xuất máy tầm ngư để dò tìm nguồn cá, người ta phát minh những máy phát sóng âm để nhử cá. Tàu thuyền đánh cá lớn của nước ngoài chỉ cần đậu ở hải phận Quốc tế (phao số không), phát sóng âm nhử cá là cá lại tập trung đến những nơi đó nên sản lượng cá ở ngư trường Việt Nam cũng phần nào chịu ảnh hưởng. Nhất là đối với các vùng biển chưa có điều kiện để đóng tàu lớn phục vụ cho việc đánh bắt xa bờ. Đó là chưa nói đến vấn đề an ninh quốc phòng trên biển và chấp hành luật biển Quốc tế.

Trở lại miền quê biển Phong Hải sau thời gian biến động về kinh tế xã hội. Nhất là thời kỳ gặp khó khăn về kinh tế, nhiều người dân nơi đây đã dùng chính thuyền đánh cá của mình để vượt biên ra nước ngoài. Chủ yếu là thuyền chỉ chạy được đến trại tỵ nạn ở Hồng Kông rồi sau đó mới đi định cư ở các nước. Mặc dù sống ở nước ngoài với nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng người dân Phong Hải vẫn luôn hướng về quê hương nơi có gia đình, bà con làng xóm.

 

 

 

 

Tác giả: Nguyễn Thế
Các bài mới
Các bài đã đăng