Lê Trung Vũ quan tâm hơn đến nhu cầu văn hóa biểu hiện trong lễ hội: Lễ hội là "điểm sáng hội tụ của các hoạt động văn hóa - nghệ thuật đặc sắc của nhân dân - là một sinh hoạt cộng đồng có khả năng đáp ứng được nhiều mặt của nhu cầu văn hóa ấy"(2).
Quan sát một số lễ hội được tổ chức ở Thừa Thiên - Huế những năm gần đây, ta sẽ thấy được phần nào đời sống tinh thần của nhân dân. Nó phản ánh một cách trung thực tâm tư và nguyện vọng của nhân dân trước những chuyển biến mạnh mẽ và sâu sắc của thời sự, chính trị, văn hóa... đang diễn ra trên thế giới và ở đất nước chúng ta. Thiết nghĩ đây là một vấn đề văn hóa - xã hội rất đáng được quan tâm tìm hiểu.
***
Thừa Thiên - Huế vốn là một vùng đất có truyền thống văn hóa lâu đời. Trước cách mạng tháng 8, nhiều lễ hội truyền thống được tổ chức một cách trang trọng. Có thể chia thành các loại lễ hội sau:
1. Lễ hội tưởng nhớ vị khai canh, thành hoàng làng: Lễ tục hát trò ở Phò Trạch (huyện Hương Điền); Lễ hội cầu ngư ở Thai Dương (xã Thuận An).
2. Lễ hội tưởng niệm vị tổ sư ngành nghề: Hội vật võ ở làng Sình (Lại Ân), Lễ hội tổ ngành rèn (Hiền Lương), tổ ngành điêu khắc, chạm trổ (Mỹ Xuyên), tổ ngành ca nhạc Huế (Huế), tổ ngành tuồng (Huế).
3. Lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo: Lễ Phật Đản, Vu Lan... ở các chùa, lễ hội của đạo Tiên thiên Thánh giáo (điện Hòn Chén ở Hải Cát), Lễ thu tế ở làng Chuồn (An Truyền).
4. Lễ hội theo vụ mùa: Lễ hội mùa thu: múa "Tập chèo" ở Phò Trạch, Lễ hội mùa Xuân: Hát sắc bùa ở Phò Trạch.
Trong những dịp lễ hội ấy, các sinh hoạt văn nghệ, thể thao được tổ chức thực hiện. Tuy nhiên cần phải lưu ý một điều là các sinh hoạt ấy thường gắn liền với công nghiệp, hành trạng của vị khai canh làng; hoặc mang một ý nghĩa liên quan đến tín ngưỡng cầu mùa, phồn thực, cầu an cho toàn thể dân làng. Hát trò ở Phò Trạch, dưới hình thức trình nghề "sĩ, nông, công, thương; ngư, tiều, canh, mục" nhằm tưởng nhớ vị thành hoàng của làng là Hương Lãnh Tử, biệt hiệu của một người mang họ Hoành, tác giả của kịch bản Hát trò, đồng thời cũng mang ý nghĩa cầu chúc cho "tứ dân" làm ăn thịnh vượng, thăng quan tiến chức. Trong buổi lễ "hát trò" có tục bán bánh hòn (một loại bánh có hình tròn nhỏ bằng đồng xu, làm bằng bột với đường) để cầu mong phồn thực. Người ta tin rằng ai hiếm muộn, ăn bánh ấy sẽ có con. Hát sắc bùa ở Phò Trạch trong những ngày đầu xuân là hình thức sát quỷ trừ tà, chúc tụng gia chủ làm ăn thịnh đạt, gặt hái được nhiều may mắn. Làm trò trên cạn và dưới nước trong lễ cầu ngư ở Thai Dương (Thuận An) cũng là một loại trình diễn có tính cách nghi lễ nhằm tưởng nhớ công ơn của vị Thành hoàng làng dạy dân làm nghề bủa lưới, buôn ghe bán mành. Các "con cá" (do trẻ em đóng) đánh được sẽ được mang dâng cúng tại bàn thờ của vị thành hoàng, cùng với số tiền tượng trưng do dân làng "bán cá" được trong trò trên bộ. Cuộc thi đua trải ở làng Thai Dương phải qua chặng đầu tiên có tính cách nghi lễ gọi là "tráo cúng". Các trải đua ở vòng "tráo cúng " ấy phải lấy đủ 4 thẻ: "Sĩ" có ghi câu: văn tấn võ thăng; "nông" có ghi câu: hòa cốc phong đăng; "công" có ghi câu: ngư hà lợi lạc; và "thương" có ghi câu: nhất bổn vạn lợi. Số thẻ của 4 chặng sau khi thu thập lại đầy đủ được đặt cúng tại bàn thờ vị Thành hoàng làng.
Tục đua trải lại có nguồn gốc xa xưa liên quan đến tục cầu mưa, rước nước trong nghi lễ nông nghiệp của nước ta xưa.
Tục đấu vật ở làng Sình (Lại Ân) cũng có tính chất nghi lễ; nhằm tưởng nhớ công nghiệp của vị tổ vật võ. Hằng năm cứ đến ngày mồng 10 tháng giêng, dịp đầu xuân, dân làng tổ chức đấu vật trước sân đình thờ tổ để tưởng nhớ công nghiệp của vị Tổ vật võ. Buổi thi đấu được bắt đầu bằng một nghi thức, truyền tụng trong ca dao làng Sình.
"Ba hồi trống giục ầm ầm
Chấp lịnh tay cầm dùi trống bước ra.
Vật vờn vài giải qua loa
Mở đầu hội vật gần xa cùng về"...
Trải qua bao năm tháng, từ sau cách mạng tháng 8, một số lễ hội đã đi vào quên lãng (như tục "hát trò", hát "sắc bùa" và múa "tập chèo" ở Phò Trạch), một số lễ hội dần được phục hồi, và hiện nay ngày càng có cơ hội phát triển, quy mô tổ chức càng rộng lớn, đòi hỏi sự góp công góp sức của toàn thể dân làng như lễ hội Cầu ngư ở xã Thuận An, lễ thu tế ở xã An Truyền hiện tại.
Đó là một vấn đề có tính cách, văn hóa cần phải được sự quan tâm của xã hội trong bối cảnh lịch sử hiện nay. Việc tổ chức lễ thu tế và cầu ngư ở 2 xã An Truyền và Thuận An càng ngày càng có quy mô lớn gợi ta câu hỏi: phải chăng ngày nay lễ hội đã đáp ứng được nguyện vọng tinh thần của cộng đồng người Việt ở miền Trung nói riêng và cả nước nói chung? Cần phải có sự so sánh cách tổ chức lễ hội từ sau ngày giải phóng miền Nam 1975 cho đến bây giờ mới thấy rõ sự tiến triển trong quy mô tổ chức, sự phục hồi và phát triển các lễ hội truyền thống...
Sau những đợt bài trừ văn hóa nô dịch, phản động, đồi trụy và chiến dịch, bài trừ mê tín dị đoan được thi hành rầm rộ vào những năm sau giải phóng, những lễ hội dân gian truyền thống được thu hẹp lại về tổ chức, hoặc cử hành có tính chất nội bộ, rất hạn chế. Hình thức cúng bái cũng giảm sút, nhưng dần dần do nền kinh tế quốc dân được phục hồi, chính quyền có cái nhìn thoáng hơn về nhu cầu tinh thần, tín ngưỡng của nhân dân, nhu cầu ấy ngày càng trở nên khẩn thiết khi cuộc sống vật chất phần nào được đáp ứng. Khi gánh nặng vật chất dương thế nhẹ bớt thì con người bỗng cảm thấy mình thiếu sót trách nhiệm nếu không lưu tâm đến đời sống tinh thần. Hơn nữa, truyền thống trọng tổ tiên, tôn cổ điển vốn là một truyền thống tốt đẹp bao đời bám sâu gốc rễ vào con người Thừa Thiên - Huế, không dễ gì mà dứt bỏ được. Đối với cộng đồng làng xã, nơi từ lâu vốn ít bị làn sóng văn minh vật chất phương Tây xâm nhập, lại càng có ý thức bảo lưu tinh thần này một cách mạnh mẽ. Ngày nay dù các phương tiện truyền thanh truyền hình hiện đại mở rộng tầm ảnh hưởng, nạn vi-déo đen, sách đen, hiện tượng ô nhiễm văn hóa đồi trụy đang được cấp thiết báo động, tệ nạn xâm phạm đạo lý cổ truyền, những hành động tiêu cực trong xã hội phơi bày vẫn không thể đánh bật được tinh thần bảo lưu văn hóa truyền thống lưu truyền từ bao thế hệ. Một lý do khác, các hình thức lễ hội mới còn nghèo nàn, chưa đủ sức hấp dẫn khối đông đảo quần chúng nên từ tâm thức sâu xa của mỗi con người, nhu cầu trở về nguồn cội, kính nhớ công lao tổ tiên vẫn là một nhu cầu khẩn thiết, phù hợp với tâm lý đông đảo quần chúng trong tình thế mới. Đó là sự phục hưng đạo lý truyền thống, một phản ứng của nhân dân nhằm bảo vệ luân lý, đạo đức dân tộc trước sự xâm nhập văn hóa ngoại lai có các khuynh hướng không mấy tốt đẹp từ các phương trời khác đến.
***
Nhìn phong cách cử hành nghi lễ một cách trang trọng, tôn nghiêm, theo đúng nghi thức cổ truyền ở làng Chuồn và ở Thai Dương, ta sẽ thấy ngay ý thức bảo tồn, tôn trọng nề nếp cổ của dân vùng này. Nghi lễ Thu tế gồm lễ diễn nghi vào lúc 18g ngày 15 tháng 7 Âm lịch, lễ nghinh Thần ở đồng miễu về đình làng vào lúc 4g sáng ngày 16 tháng 7, đến 9g có lễ an vị, kế hành Túc yết. Lễ chánh tế được cử hành vào lúc 02g sáng ngày 17 tháng 7(3). Sau đó vào lúc 05g sáng là lễ tống thần (đưa thần trở về vị trí cũ) và lễ bia bạc. Để chuẩn bị cho ngày lễ hội, tất cả mọi thành viên trong làng đều được huy động. Tất cả dụng cụ, y phục hành lễ đều được sắm sửa lại; bộ phận phụ trách phần nghi lễ phải tập dượt thuần thục các động tác hành lễ, ôn tập các làn điệu dâng cúng như điệu Thài, một làn điệu cổ truyền độc đáo của làng. Phần lễ nghinh thần và tống thần được đưa vào chương trình hành lễ góp phần tạo không khí tưng bừng, nhiều màu sắc cho ngày hội lễ. Đoàn rước thần khởi hành từ các miếu thờ trong làng đến đình làng, và từ đình làng trở lại các miếu thờ, qua các đường trong thôn xóm, dưới các hàng biểu ngữ đỏ thắm. Bên mỗi con đường nhỏ dẫn vào từng xóm, dân làng xây dựng các cổng chào, bày các bàn hương án, khói hương trầm nghi ngút tăng thêm vẻ trang trọng cho buổi lễ. Lễ chánh tế được cử hành vào lúc 02g sáng tại đình làng, dưới ánh sáng rạng tỏ của các ngọn đèn điện, các bàn thờ sáng sủa, được quét dọn thật tươm tất, đã tạo nên không khí trang nghiêm ấm cúng cần thiết cho nghi lễ. Cần có cái nhìn sâu sắc, xuyên thấu đi vào tâm linh của con người trong lễ hội truyền thống mới thấy được sự ước muốn cảm thông, hòa hợp giữa cộng đồng người với thiên nhiên (đất-người-trời). Triết lý an vi và khát vọng an lạc được thể hiện qua lễ chánh tế ở làng Chuồn mà thời gian hành lễ vào đúng lúc tĩnh lặng nhất của một ngày (từ 02g đến 05g sáng), dâng lên thần lễ vật tinh sạch biểu tỏ sự tôn kính, thành tâm của con người đối với thần linh (các đồ lễ phải thật tinh khiết). Chính vào thời gian tĩnh lặng đó, sự cộng cảm (communion) mang tính chất thiêng liêng, nhưng không huyền bí.
Lễ tế Tổ ngành rèn ở Hiền Lương được cử hành từ giữa khuya cũng trong ý nghĩa này. Đó là một biểu hiện đầy tính văn hóa của con người ở một vùng đất văn vật.
Những nét đẹp truyền thống trong hội lễ dân gian đã được bảo tồn một cách trang trọng.
Tuy nhiên, hướng cách tân trong việc tổ chức lễ hội truyền thống ở Thừa Thiên-Huế cũng được thể hiện khá rõ nét. Lễ hội cầu ngư ở xã Thuận An ngày nay(4) có những thay đổi cho phù hợp với thẩm mỹ quan hiện đại. Bài văn tế trong các nghi lễ không còn sử dụng dày đặc Hán tự mà thay vào bằng tiếng Nôm, đọc lên ai cũng hiểu nội dung, ý nghĩa, do đó sức truyền cảm mạnh và có tác dụng trực tiếp vào người tham dự (như nội dung bài văn tế, nhớ đến công lao các liệt sĩ bảo vệ Trấn Hải thành vào năm Quý Mùi (1883) lúc Pháp tấn công vào Thuận An).
Nghệ thuật trình diễn cũng theo hướng cách tân có sự thay đổi trong lối hóa trang, phục trang, lề lối trình diễn. Trong lễ làm trò, trên bộ, các trẻ em được hóa trang thành cá bằng cách đội các hình con cá bằng giấy trên đầu; các bà đi mua cá không còn mặc áo điều ngại kiểu cổ mà mang áo dài đủ màu sắc trong ngày lễ hội; người trình diễn không hoàn toàn là do dân làng phụ trách như trong lễ hội truyền thống mà có thể mời thêm diễn viên bên ngoài (Đoàn tuồng Thanh Bình diễn phần văn nghệ dân gian, lớp "phúc, lộc, thọ" cầu chúc dân làng sau lễ Túc yết; và cảnh sinh hoạt nghề biển trong lễ làm trò trên bộ), giờ giấc hành lễ có thể chuyển dịch để tạo sự thuận tiện cho quan khách dễ dàng tham dự…
***
Sự phục hồi một số lễ hội dân gian truyền thống ở các làng xã Thừa Thiên- Huế rõ ràng đã đáp ứng được nhu cầu tinh thần của quần chúng đương đại, nhất là các lễ hội tưởng nhớ Thành hoàng, tổ sư nghề nghiệp. Đó là một cơ hội tốt để tăng thêm sự đoàn kết, bền vững của khối cộng đồng mà đình làng là địa điểm hội tụ mang nhiều ý nghĩa. Lễ hội đã tạo nên sức mạnh tổng hợp và mối giây nối kết thiêng liêng tình cảm con người về quê hương đất nước. Các thế hệ nam nữ, từ già đến trẻ đều náo nức, nhiệt tình, tự nguyện đóng góp công sức của mình cho ngày lễ hội truyền thống. Cảm động biết bao là ngày họp mặt của các người con của làng xã từng xa quê đã lâu(5). Tầng lớp thanh thiếu niên, qua lễ hội sẽ hiểu được phần nào nguồn gốc, sự ra đời và phát triển làng xã địa phương. Đây là dịp cụ thể để thế hệ tương lai đối diện với quá khứ, là động lực nhắc nhở con người trong đời sống hiện tại đừng nên vô tâm, thờ ơ với công ơn của các thế hệ đã qua. Tạo ý thức kính trọng ông tổ khai canh tổ sư ngành nghề, là tạo môi trường để phát triển nhân cách và lòng nhân đạo trong mỗi con người đương đại, gây cơ sở cho tinh thần dân chủ, bình đẳng phát huy mạnh mẽ trong xã hội ta hôm nay.
Đồng thời với sự phục hồi lễ hội truyền thống, ý thức bảo tồn, bảo tàng cùng sự quan tâm đến các cơ sở kiến trúc văn hóa làng xã như đình, chùa, miếu mạo cũng được đặt lại một cách đúng đắn. Đình làng An Truyền qua bao năm tháng chiến tranh vẫn được dân làng hết lòng bảo trọng và tu sửa kịp thời, mặc dù đời sống dân làng trong những thời kỳ ấy gặp vô vàn khó khăn. Cần ghi nhận rằng đó là đình làng khang trang, rộng rãi vào bậc nhất ở Thừa Thiên – Huế. Miếu, âm linh ở xã Thuận An, nơi thờ các vị liệt sĩ hy sinh năm Quý Mùi (1883) lúc Pháp đánh vào cửa Thuận An cũng đã được tu sửa và miếu thành hoàng làng đang có dự án tu sửa (hiện giờ vẫn còn được dùng làm lớp học). Đó là điều đáng mừng, là dấu hiệu lạc quan cho bộ mặt văn hóa của Thừa Thiên- Huế, vốn lâu nay đang bị méo mó, chao đảo từ nhiều phía tác động. Những công trình kiến trúc văn hóa, những lễ hội truyền thống dân gian phải đáng được lưu tâm phục hồi nhiều hơn nữa để trả lại bộ mặt văn hóa đích thực cho cộng đồng làng xã Việt Nam.
T.T.B
(TCSH41/02&03-1990)
------------------
(1) Trần Quốc Vượng: Lễ hội, một cái nhìn tổng thể. Văn hóa dân gian, tập số I - 1986, tr. A.
(2) Lê Trung Vũ: Lễ hội, câu chuyện của đương thời. Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật, số 3 (86) 1989, tr.19.
(3) Nghi lễ chánh tế ở làng Chuồn do Thượng thư Hồ Đắc Trung, người của làng truyền dạy cho dân.
(4) Tổ chức vào ngày 11 và 12 tháng Giêng Âm lịch, năm Canh Ngọ. (Ngày 6 và 7 tháng 2 năm 1990)
(5) Trường hợp Đại tá Hoàng Gia Huy, nhân ngày Lễ hội cầu ngư của xã đã biện một mâm cau trầu rượu để xin ra mắt làng, ông cố bốn đời của Đại tá là Hoàng Công Uy nguyên là lãnh binh đã từng đồn trú, chiến đấu và hy sinh tại Trấn Hải thành vào năm 1883 khi Pháp tấn công vào Thuận An.