Dẫu sân khấu truyền thống đang gặp khó khăn nhưng các nghệ sĩ vẫn giữ được “lửa” đam mê, dựng nhiều vở diễn tạo được tiếng vang trong lòng công chúng.
Dấu ấn
Lật lại trang sử năm 1945, vở tuồng “Đường đến Tuần lễ vàng” do Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế dàn dựng (Kịch bản: Nguyễn Phước Hải Trung, đạo diễn: NSƯT La Thanh Hùng) là những ký ức đẹp về sức mạnh của lòng dân, đặc biệt là những quyết sách thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc giữ gìn tài sản văn hóa của dân tộc.
Năm 1945, sau khi kết thúc Tuần lễ vàng, nhiều người trong Ban vận động đã thỉnh thị ý kiến Bác Hồ về việc cho nung chảy hơn 2.700 hiện vật bằng vàng thu được từ triều đình nhà Nguyễn. Mặc dù hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ vô cùng khó khăn, nhưng Bác không đồng ý. Theo Người, đó là bằng chứng vật chất còn lại để thế hệ mai sau hiểu sâu hơn về văn hóa nước nhà... Vở tuồng lịch sử này còn thể hiện thành công sự âu lo, giằng xé nội tâm của vua Bảo Đại trước thời khắc lịch sử. Cuối cùng, ông chọn “nhường ngôi” cho Việt Minh với câu nói nổi tiếng: “Thà làm dân một nước độc lập, còn hơn làm vua một nước nô lệ”.
Tham gia Liên hoan Nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp tuồng, bài chòi và dân ca kịch toàn quốc 2018, “Đường đến Tuần lễ vàng” đoạt huy chương bạc cho toàn vở diễn; 2 huy chương vàng cho vai vua Bảo Đại và vai Hoàng hậu Nam Phương; huy chương bạc cho vai Thái hậu Từ Cung và giải đặc biệt cho vai Hồ Chủ tịch. NSƯT La Thanh Hùng chia sẻ, để chuyển tải thành công từ kịch bản thành vở tuồng trên sân khấu là sự nỗ lực của cả ê kíp. Bởi đây là tác phẩm nghệ thuật tuồng hiện đại, trong khi tuồng thường mang tính chất cổ và dân gian. Nội dung tác phẩm lại gắn liền với lịch sử, không thể hư cấu, không có kịch tính, xung đột…
Tại Liên hoan Nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp tuồng, bài chòi và dân ca kịch toàn quốc 2019, vở ca kịch “Cái mẻ kho” do Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế dàn dựng cũng đoạt huy chương bạc. Các nghệ sĩ tham gia vở diễn này cũng được trao 2 huy chương vàng và 3 huy chương bạc; trong đó, 2 Huy chương vàng thuộc về nghệ sĩ Hoàng Hà (vai Thạch Sùng) và nghệ sĩ Hoài Nhi (vai Mít).
“Cái mẻ kho” là vở diễn được nhà văn, tác giả kịch bản Xuân Đức sáng tác và chuyển thể ca kịch Huế dựa theo cốt truyện dân gian “Thạch sùng”. Phê phán lòng tham và thói hợm hĩnh của Thạch Sùng đã khiến anh ta đánh mất tất cả, vở kịch mượn câu chuyện dân gian để răn đe người đời không nên quá tham lam...
Thể hiện tâm lý nhân vật Thạch Sùng đầy sống động, nghệ sĩ Hoàng Hà chia sẻ, ngay khi đọc kịch bản, anh đã cảm thấy vai diễn này đầy cuốn hút. Để thể hiện thành công vai diễn, nghệ sĩ Hoàng Hà đã mất 2 tháng luyện tập cách biểu hiện gương mặt, ánh mắt, cử chỉ… Đạt huy chương vàng vai diễn, anh rất vui khi những nỗ lực của mình được đền đáp xứng đáng.
Giữ đam mê
Những năm qua, sân khấu Thừa Thiên Huế luôn tạo được dấu ấn tại các liên hoan, hội diễn toàn quốc với nhiều vở diễn đạt giải cao. Nếu trước đây, mỗi năm Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế chỉ chọn được một vở diễn dự liên hoan sân khấu toàn quốc, thì nay đã dựng được vài vở. Lực lượng tham gia đông hơn, nghệ sĩ trẻ có đất diễn để trau dồi nghề nghiệp nên rất hào hứng đóng góp công sức và trí tuệ. Nhiều gương mặt nghệ sĩ trẻ đã thành công và tạo được dấu ấn.
Trước đây, việc tìm kịch bản dàn dựng vở diễn tham gia hội diễn sân khấu toàn quốc rất khó khăn. Thấu hiểu điều này, những năm gần đây, Hội Nghệ sĩ sân khấu liên tục tổ chức các trại sáng tác kịch bản và đào tạo được một số tác giả trẻ. Các kịch bản có đề tài phong phú, nội dung bắt kịp với thời cuộc nên thu hút sự tham gia của đạo diễn và diễn viên.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu cho hay, dù sân khấu truyền thống gặp nhiều khó khăn nhưng điều vui là anh em nghệ sĩ vẫn giữ được “lửa” đam mê. Cuộc đời gắn chặt với sân khấu, họ vẫn hăng say mài giũa và sáng tạo để có những tác phẩm chất lượng phục vụ công chúng. Nhờ sự chung sức, nhiệt tình của nghệ sĩ, sân khấu Thừa Thiên Huế đã gặt hái được nhiều thành công.
Từ tinh thần xã hội hóa, Hội Sân khấu tỉnh nỗ lực dàn dựng các vở diễn “Trò đời nghiệt ngã”, “Vượt sóng” tham dự liên hoan sân khấu chuyên nghiệp, góp phần gìn giữ và quảng bá nghệ thuật truyền thống Huế. Khi hội đưa ra chủ trương dựng vở bằng tinh thần xã hội hóa, tất cả hội viên đều nhiệt tình hưởng ứng, cùng góp “sức người, sức của”. Người góp kịch bản, người lo khâu đạo diễn, nhạc công, người đảm nhận các vai diễn. Việc tập vở phải diễn ra ngoài giờ, chủ yếu là ban đêm, rất vất vả nhưng ai cũng hào hứng, hăng say.
Ông Thanh cho biết, tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan, ban, ngành, đơn vị nghệ thuật, hội tiếp tục triển khai xây dựng, phục hồi các chương trình vở diễn để các hội viên có sân chơi sinh hoạt, trao đổi, sáng tạo nghệ thuật trên tinh thần tự nguyện. Nhưng, cái khó là địa điểm tổ chức biểu diễn không có, trong khi tuồng và ca kịch là loại hình nghệ thuật truyền thống đòi hỏi không gian sân khấu. Điều nghệ sĩ khao khát là có nơi biểu diễn, để có thể giới thiệu, quảng bá nghệ thuật truyền thống.
Cuộc sống của nghệ sĩ khá khó khăn khi chế độ lương, bồi dưỡng còn ít ỏi, nhưng nói như NSƯT Nguyễn Đình Dũng, Phó Giám đốc Phụ trách Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế, khi vào vai, nghệ sĩ quên đi cuộc sống đời thường với những vất vả, lo toan để sống cho niềm đam mê nghề nghiệp.
Theo Trang Hiền - Báo Thừa Thiên Huế