NSND Thanh Ngoan - Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam: Nỗi lo về nhân lực
Với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều hoạt động biểu diễn của Nhà hát Chèo Việt Nam đã phải huỷ bỏ. Nếu như năm 2020 nhà hát còn “cứu” được vài buổi diễn thì đến thời điểm này năm nay gần như là “trắng tay”.
Ngay mùa lễ hội đầu năm, nhà hát đã dày công chuẩn bị các tiết mục nhưng do phải hoãn nên dẫn đến việc không có nguồn thu. Rồi tháng 4 với kế hoạch mở các chiếu chèo phục vụ khách du lịch cũng phải dừng. Trước những khó khăn nay theo kế hoạch trong năm nhà hát sẽ dựng 2 vở diễn mới nhưng chúng tôi đã xoay ra dựng và ghi hình các chương trình bảo tồn hay mời các nghệ sĩ gạo cội dựng các trích đoạn chèo để làm tư liệu.
Bên cạnh việc biểu diễn bị gián đoạn, thì đời sống của các diễn viên nhà hát cũng hết sức khó khăn. Rất may thời gian qua Bộ VHTTDL có tổ chức thi viên chức nên một số em đã được vào biên chế. Nhưng kể cả khi biên chế thì lương cũng rất thấp (khởi điểm là 1,86 – lương hệ trung cấp). Thậm chí với các diễn viên hợp đồng với mức lương 3 triệu/tháng nhưng do không được biểu diễn nên đã nghỉ gần hết. Đến nay chỉ còn có 19 diễn viên vào biên chế được trả lương.
Vấn đề này đang đặt ra “bài toán” khó trong việc tìm kiếm lực lượng kế cận. Để tháo gỡ những khó khăn, theo tôi ở thời điểm này không thể chờ đợi sự thay đổi từ chính sách để tháo gỡ mà Bộ VHTTDL cần có biện pháp ngay lập tức như cấp kinh phí cho các nhà hát biểu diễn 10 đêm, 20 đêm sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Có tiền bồi dưỡng, diễn viên sẽ có điểm tựa để tiếp tục cống hiến với nghề.
NSND Triệu Trung Kiên - Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam: Thay đổi cách đặt hàng với các nhà hát
Tôi làm Giám đốc Nhà hát được 2 năm thì cả 2 năm đều bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hiện nay do không thể tổ chức hoạt động biểu diễn nên nhà hát đang tập trung vào hoạt động động dựng các vở diễn mới đề tham gia Liên hoan Sân khấu Cải lương vào tháng 11.
Mặc dù không chắc Liên hoan có được tổ chức như kế hoạch hay không nhưng chúng tôi vẫn phải dàn dựng và chia nhau tập để đảm bảo việc không tập trung đông người. Còn về doanh thu thì gần như là “trắng tay”. Thậm chí về hợp đồng chuyên môn nhà hát phải chấm dứt với 5 trường hợp để chuyển sang hợp đồng công việc, lấy kinh phí dựng vở để duy trì.
Để tháo gỡ những khó khăn trước mắt, theo tôi thay vì một năm dựng 2 vở như trước đây, Bộ VHTTDL đặt hàng mỗi đơn vị nghệ thuật 2 năm thực hiện một tác phẩm công phu, hoành tráng, chất lượng. Tác phẩm hoàn thiện được đưa đến phục vụ cho các đối tượng nhất định như học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp...
NSND Tống Toàn Thắng - Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam: Vay mượn để duy trì
Với Liên đoàn Xiếc Việt Nam thông thường sẽ khai xuân từ tháng 2, nhưng do dịch bệnh mãi đến 27/3 chúng tôi mới triển khai được các hoạt động biểu diễn. Nhưng cũng chỉ mới diễn được một tháng với hơn chục buổi diễn thì phải dừng lại.
Rồi xuất diễn tại Đà Nẵng dù đã chuẩn bị rất kỹ nhưng sau buổi biểu diễn khai mạc, cả đoàn phải “khăn gói” về Hà Nội để đảm bảo công tác phòng chống dịch. Tiếp đó Gala Xiếc 3 miền tại Quảng Ninh cũng không thể thực hiện như kế hoạch.
Nhưng thương nhất vẫn là lực lượng diễn viên trẻ, hợp đồng không trả lương từ ngân sách. Liên đoàn phải đi vay đi mượn các nơi nhưng đến nay đã quá kiệt quệ. Thậm chí nhiều nghệ sĩ về quê, chúng tôi cũng khuyên nên ở lại vì giờ lên cũng tốn tiền tàu xe mà cũng không có thu nhập. Hầu hết các diễn viên hiện nay đang ở nhà luyện tập để duy trì thể lực.
Theo kế hoạch, Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng đã chuẩn bị vở kịch xiếc “Biệt đội anh hùng” phục vụ thiếu nhi dịp hè này, nhưng phải tạm gác lại, hy vọng dịch Covid-19 được kiểm soát nhanh chóng để đến dịp Trung thu đem đến khán giả. Sân khấu dừng phục vụ sẽ thiệt thòi cho khán giả, đặc biệt là các em thiếu nhi. Nhưng nỗi lo lớn nhất là đơn vị không có doanh thu, các nghệ sĩ sẽ khó trụ lại với nghề, sân khấu sẽ mất dần nguồn nhân lực.
NSND Phạm Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam: Cần có chế độ hỗ trợ cho các diễn viên
Với các loại hình nghệ thuật truyền thống như Tuồng, Chèo thì nguồn thu phần lớn dựa vào mùa lễ hội, nhưng do dịch bệnh các suất biểu diễn bị hủy rất nhiều. Trước hoàn cảnh này nhiều nghệ sĩ sống chủ yếu dựa vào nghề diễn rất thoái chí.
Ban lãnh đạo Nhà hát cũng cố gắng tạo các buổi biểu diễn “chớp nhoáng” khi dịch tạm lắng nhưng tình hình chung là hết sức khó khăn. Trong đó khó khăn lớn nhất của sân khấu hiện nay là giữ diễn viên ở lại. Ngay Nhà hát Tuồng Việt Nam có diễn viên là NSƯT cũng đã phải bỏ việc để ra bên ngoài bươn chải. Lý do chỉ vì, nhà hát đóng cửa, không biểu diễn thì không có thu nhập, diễn viên hợp đồng không có lương, không thể sống bằng niềm tin.
Hơn thế, các nghệ sĩ của nhà hát còn thiệt thòi khi chỉ tốt nghiệp Trung cấp, không có hệ đào tạo Đại học, nên ngay cả nói tới biện pháp tăng lương cũng không đáng kể gì.
Theo Đại đoàn kết