Sân khấu
Tìm hướng gỡ khó cho sân khấu
09:32 | 03/06/2021
Mọi hoạt động biểu diễn nghệ thuật trực tiếp bị “đóng băng”, không có suất diễn, không có nguồn thu dẫn đến thiếu kinh phí chi trả cho diễn viên hợp đồng, gian nan trong việc giữ chân nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ trẻ… Ðây là hàng loạt những khó khăn mà các đơn vị nghệ thuật sân khấu công lập đang phải đối mặt khi chống chọi với “cơn bão” Covid.
 
Tìm hướng gỡ khó cho sân khấu
Cảnh trong vở nhạc kịch “Bầy chim thiên nga” của Nhà hát Tuổi trẻ. Ảnh: Quang Vinh
Thách thức bủa vây
 
NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho biết, anh đảm nhận vị trí này được hai năm thì lại đúng vào hai năm có dịch Covid-19, khó khăn chồng chất khó khăn, vất vả lắm mới kiếm được những hợp đồng biểu diễn cho sân khấu cải lương truyền thống, vậy mà tất cả đều phải hủy, mọi khoản chi đều không thu về được, tình hình hoạt động của nhà hát vô cùng gay go… Ðối với những đơn vị nghệ thuật có thế mạnh về sân khấu thiếu nhi như Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, lẽ ra đầu mùa hè sẽ là thời điểm hoạt động gần như rộn ràng nhất năm vì gắn liền với Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6 và Tháng hành động vì trẻ em, nhưng do dịch diễn biến phức tạp, nhiều kịch mục đã đầu tư, lên kế hoạch công diễn đều đổ bể. NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho hay: Dịp cuối tháng 5 đến giữa tháng 6 hằng năm, nhà hát thường phục vụ khoảng từ 50 đến 70 suất diễn, có ngày diễn tới năm, sáu suất, thậm chí phải mở cả hai lối đi ở ngõ vào nhà hát để đón khán giả. Song năm nay, từ Tết đến giờ Nhà hát mới chỉ diễn loanh quanh được vài buổi cuối tuần, các nghệ sĩ đều ngao ngán. Hai vở diễn được chuẩn bị để phục vụ khán giả nhỏ tuổi mùa hè này là nhạc kịch “Bầy chim thiên nga” vừa dàn dựng xong và kịch “Cuộc chiến vi-rút” sắp hoàn thiện đều phải dừng lại. Tình trạng ở Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng không khá hơn khi hàng loạt những chương trình đã bán vé dịp 30-4, 1-5 đều phải hoàn tiền cho khán giả, ga-la xiếc ở Quảng Ninh không thể thực hiện. Dịp 1-6, Liên đoàn đã hoàn thành dàn dựng vở “Biệt đội anh hùng” nhưng phải hoãn chờ dịp diễn. Ðã bỏ kinh phí đầu tư mà không được diễn cho nên không có nguồn thu để bù chi, dẫn tới nhiều khó khăn trong duy trì hoạt động đơn vị…
 
Tuy nhiên, điều khiến lãnh đạo các đơn vị sân khấu đau đầu hơn cả là bài toán giữ chân diễn viên, là nỗi lo thiếu hụt đội ngũ nghệ sĩ trẻ kế cận đủ sức gìn giữ di sản sân khấu của cha ông. NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ, Liên đoàn có khá nhiều diễn viên hợp đồng nhưng không có nguồn thu cho nên việc bảo đảm thu nhập cho họ rất khó khăn. Liên đoàn đã phải yêu cầu nhiều diễn viên về quê, luyện tập tại nhà. Cùng chung trăn trở, NSND Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam cho hay, từ năm ngoái đến năm nay, các diễn viên hợp đồng của nhà hát đã phải nghỉ gần hết, đơn vị không có thu nhập nên rất khó giữ chân các em. Không chỉ diễn viên hợp đồng, ở Nhà hát Múa rối Việt Nam, ngay cả các nghệ sĩ đã thành danh cũng lựa chọn rời đơn vị vì lý do mưu sinh. “Năm ngoái, một nghệ sĩ chính của chúng tôi đã xin nghỉ. Có trường hợp đầy đủ thành tích, chuẩn bị vào biên chế cũng vẫn quyết định nghỉ. Họ không tìm đến với đơn vị nghệ thuật khác mà bỏ hẳn nghề, lựa chọn công việc mới dễ kiếm sống hơn. Ðào tạo được một diễn viên rối mất rất nhiều thời gian, công sức, cho nên thật đáng lo ngại khi họ không còn gắn bó với nghề. Lực lượng biểu diễn vốn đã mỏng, nay lại “rụng” dần là vô cùng đáng lo”, NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam băn khoăn. Còn Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn thì chia sẻ, ở đơn vị của ông, thậm chí có những người đã được phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú vẫn bỏ nghề. Ðối với lĩnh vực tuồng, không có đào tạo bậc đại học, các diễn viên chỉ được xếp ở trình độ trung cấp cho nên lên lương cũng khó. Ngân sách nhà nước lại không được dùng để trả cho lao động hợp đồng, đơn vị không thể kiếm đâu ra nguồn thu để chi trả. “Làm thế nào để giữ chân nghệ sĩ là vấn đề căn cơ cần được giải quyết trước mắt. Họ là những diễn viên trẻ, là tương lai của sân khấu. Có kịch bản hay nhưng không có người diễn giỏi thì cũng không thể có tác phẩm thành công. Nhà hát cấp trung ương đã khó khăn như vậy thì các nhà hát địa phương sẽ còn khó khăn đến mức nào? Nên nhất thiết cần có sự điều chỉnh về chính sách để bảo đảm được cuộc sống cho diễn viên, nghệ sĩ”- ông Phạm Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
 
Cần hỗ trợ kịp thời
 
Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm trong dập dịch cho nên những người làm sân khấu hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng tình trạng “bình thường mới” sẽ nhanh chóng được thiết lập. Tuy nhiên, theo lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật, việc khán giả tìm đến với sân khấu theo kiểu “ăn trả bữa sau ốm” là điều khó có thể xảy ra, một phần do tâm lý vẫn e ngại, một phần do kinh tế bị ảnh hưởng sau dịch. Do đó, để không làm gián đoạn dòng chảy sân khấu nước nhà, cần có những chính sánh, giải pháp hỗ trợ kịp thời để những người làm nghề yên tâm cống hiến. Mới đây, tại buổi tọa đàm trực tuyến giữa Câu lạc bộ Nhà báo sân khấu (Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam) và đại diện các đơn vị nghệ thuật về giải pháp đưa khán giả đến với sân khấu sau ảnh hưởng dịch bệnh, nhiều lãnh đạo nhà hát đã bày tỏ mong muốn được nhận sự hỗ trợ, chia sẻ từ các cấp quản lý cao hơn. Theo NSND Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, nghệ sĩ phải được lên sân khấu mới giữ được nghề và có thu nhập. Vì thế, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên có dự án hỗ trợ cụ thể để các nhà hát có thể sáng đèn ngay sau khi dịch được kiểm soát, thí dụ như hỗ trợ ngay mười đến 20 đêm diễn để các nghệ sĩ vẫn được làm nghề, để tạo đà và tiếp sức cho các đơn vị đưa sân khấu đến với khán giả. Bên cạnh đó, cũng cần tính đến giải pháp xây dựng nhà hát trực tuyến (online), đưa sân khấu lên môi trường số. Dẫu hình thức xem online không thể mang lại cảm giác như xem trực tiếp nhưng đây cũng là hướng đi phù hợp trong tình hình hiện nay để công chúng thấy nghệ thuật biểu diễn sân khấu vẫn đang vận động… NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết, để giữ chân những đối tượng làm việc không có lương của nhà hát, ban lãnh đạo đơn vị đã quyết định sẽ trích một khoản để hỗ trợ họ chi phí thuê nhà. Nhà hát cũng đã bố trí hai ê-kíp để xây dựng kênh Youtube và TikTok, từ đó có kế hoạch quảng bá về hoạt động của nhà hát trên nhiều phương diện ở môi trường số để không làm đứt gãy sự kết nối với công chúng, để khán giả tìm đến nhà hát ngay khi dịch được kiểm soát.
 
Đại diện nhiều đơn vị nghệ thuật cho rằng, kinh phí nghệ thuật biểu diễn cần được sử dụng một cách linh hoạt để cân đối trong mùa dịch. Chẳng hạn, vì dịch nên không thể tổ chức các liên hoan, cuộc thi sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc thì có thể dùng kinh phí đó để hỗ trợ các đơn vị nghệ thuật vượt qua mùa dịch thông qua nhiều hình thức. NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam cho rằng, cũng cần có chính sách để các đơn vị có thể quảng bá nghệ thuật sân khấu tới các vùng sâu, vùng xa vì đây là địa bàn đang rất ít điều kiện được hưởng thụ nghệ thuật. Về phía cơ quan quản lý, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Hướng Dương cho hay, Cục đã lên kế hoạch phối hợp với các đài truyền hình để ghi hình, phát sóng các tác phẩm sân khấu chất lượng của các đơn vị nghệ thuật. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định sẽ đồng hành, chia sẻ khó khăn của các đơn vị trong mùa dịch thông qua những buổi làm việc cụ thể với các nhà hát để có giải pháp hỗ trợ cụ thể, thiết thực…
 
Tại buổi làm việc giữa lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với đại diện 12 đơn vị nghệ thuật trực thuộc Bộ vào ngày 27-5 vừa qua, lãnh đạo Bộ cho biết trong kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm 2021 - 2022, Bộ sẽ có kế hoạch đặt hàng cụ thể cho các đơn vị sao cho sát tình hình thực tiễn. Ðể giải quyết những khó khăn trước mắt từ tác động dịch Covid-19, Bộ sẽ kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về gói hỗ trợ phù hợp cho các đơn vị nghệ thuật biểu diễn công lập. Bộ cũng chỉ đạo các đơn vị cần chủ động về kế hoạch biểu diễn cũng như xây dựng các tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao, nâng cấp rạp hát, phương tiện kỹ thuật để sau dịch sẽ có ngay những tác phẩm nghệ thuật hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu khán giả… Ðược biết, Cục Nghệ thuật biểu diễn đang hoàn thiện Ðề án sắp xếp nâng cao năng lực các đơn vị nghệ thuật biểu diễn ở Trung ương. Ðề án sẽ xác định rõ vai trò, vị trí, nhiệm vụ của từng đơn vị, tạo điều kiện thuận lợi hơn để từng đơn vị nghệ thuật phát triển hiệu quả.
 
Theo Trang Anh - Nhân Dân Online
 
 
 
 
 
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng