Sân khấu
Đưa sân khấu lên truyền hình
09:47 | 09/06/2021
Hơn một năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động nghệ thuật biểu diễn đang dần phải thích nghi với điều kiện và hoàn cảnh mới. Nhiều nhà hát áp dụng hình thức sân khấu truyền hình, phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của đông đảo công chúng. Dẫu không thể mang lại cảm giác như xem trực tiếp nhưng đây là hướng đi phù hợp trong tình hình hiện nay.
 
Đưa sân khấu lên truyền hình
Vở diễn "Cuộc chiến vô cực" của Nhà hát Tuổi trẻ sẽ được ghi hình phục vụ thiếu nhi dịp hè này
Từ cách làm ở Hải Phòng
 
Hải Phòng thực hiện đề án Sân khấu truyền hình từ cuối năm 2019, dự kiến kéo dài đến tháng 10.2021. Đến thời điểm này, với 24 chương trình, vở diễn được tổ chức sản xuất, biểu diễn, ghi hình phát sóng, tường thuật trực tuyến (livestream), đề án Sân khấu truyền hình Hải Phòng là một trong những gợi ý cho nhiều đơn vị nghệ thuật địa phương, trong khoảng thời gian sân khấu gặp khó khăn kép vì dịch Covid-19.
 
Báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng cho thấy, một năm sau khi đề án được triển khai, các đơn vị nghệ thuật địa phương đã thực hiện 12 vở diễn, đầu tư cả về quy mô và chất lượng dàn dựng. Đặc biệt, nhiều số đã được Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng đến khán giả cả nước. Các vở diễn đa dạng về nội dung, đề tài lịch sử có "Khai sáng An Biên", "Đức Vương Ngô Quyền", "Hoàng Đế Tiền Lê", "Hào khí Bạch Đằng Giang", "Lời sấm truyền từ quán Trung Tân"; yếu tố huyền thoại có “Một truyền tích Hoa Phượng”; chiến tranh cách mạng có “Di sản mùa xuân”; cùng nhiều vở diễn mang hơi thở cuộc sống đương đại như: "Phong tỏa", "Người trong mắt bão", "Thành phố mặt trời lên", "Giấc mơ ếch xanh", "Tôi và chúng ta". Ngoài tổ chức phát sóng trực tiếp, trực tuyến, các tác phẩm sân khấu còn được phát lại nhiều lần trên tất cả các kênh của Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng.
 
Theo thống kê, số lượng khán giả xem trực tiếp qua livestream đạt gần 15.000 người, mỗi chương trình có trên 10.000 lượt xem; số lượng khán giả chia sẻ chương trình trên trang cá nhân đạt gần 300 lượt và số lượng khán giả thích chương trình từ 1.000 - 2.000 và tăng dần ở các chương trình sau.
 
Tất nhiên, hoạt động này đặt ra nhiều thách thức hơn, đặc biệt là các chương trình được truyền hình trực tiếp. Từng tổ chức một số chương trình sân khấu truyền hình, NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết: So với các chương trình ghi hình phát lại, truyền hình trực tiếp thể hiện tính chuyên nghiệp và sự lan tỏa cho chương trình, vở diễn, thu hút sự chú ý và tạo hứng thú hơn với người xem. “Tuy nhiên, hoạt động này cũng đòi hỏi sự công phu, chỉn chu, không chỉ diễn viên mà cả êkíp hậu trường cũng phải rèn luyện bản lĩnh, nâng cao trình độ diễn xuất, cập nhật ứng dụng khoa học - công nghệ”.
 
Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng Trần Thị Hoàng Mai, quá trình thực hiện sân khấu truyền hình có thể gặp khó khăn như kỹ thuật ghi hình chưa đạt kết quả như mong muốn; chưa chọn được những góc hình lột tả được vai diễn, kỹ năng diễn xuất của diễn viên theo đúng ý tưởng của đạo diễn và tinh thần của tác phẩm mà mới chỉ mang tính tường thuật hình ảnh... Thêm nữa, việc tổ chức phát lại chương trình chưa đáp ứng được nhu cầu của Nhân dân khi muốn xem lại vở diễn; việc phối hợp quảng bá chương trình với các đài truyền hình trong cả nước chưa nhiều... "Hy vọng những bất cập này sẽ được các đơn vị nghệ thuật rút kinh nghiệm khi áp dụng hình thức sân khấu truyền hình thời gian tới", bà Mai nói.
Thay đổi cách thưởng thức nghệ thuật
 
Biểu diễn trực tiếp trên sân khấu khác hẳn biểu diễn trên truyền hình, nhưng biểu diễn trực tiếp chỉ tồn tại khi có khán giả đến sân khấu. Vì vậy, khi khán giả không thể đến rạp trực tiếp theo dõi các chương trình nghệ thuật như hiện nay, thì sân khấu truyền hình trở thành một giải pháp. Hơn một năm qua, trong bối cảnh dịch Covid-19, sân khấu truyền hình đã tạo cơ hội và động lực cho nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo và thể hiện niềm đam mê, nâng cao kỹ năng diễn xuất, cống hiến các tác phẩm nghệ thuật cho công chúng.
 
Tuy nhiên, NSƯT Xuân Bắc cho rằng, để thu hút khán giả, phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, trong đó hoạt động truyền thông, quảng bá phải tận dụng các nền tảng mạng xã hội. "Nhà hát Kịch Việt Nam đã và đang khởi động tổ chức 2 êkíp. Trong đó, một nhóm làm Youtube, một nhóm làm Tiktok. Mỗi nhóm đưa ra kế hoạch, nội dung; với nội dung có các mảng hình ảnh, giải trí, luyện tập, hoạt động và xây dựng hình ảnh cá nhân diễn viên…”.
 
Có sân khấu truyền hình cũng có nghĩa hoạt động của các nhà hát vẫn được duy trì, nghệ sĩ vui hơn khi được làm nghề, khán giả cũng không vì thế mà quên sân khấu truyền thống. Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, NSƯT Sĩ Tiến cho biết, đây cũng là lý do để nhà hát lên kế hoạch ghi hình một vở diễn phát trên truyền hình hè này. “Chúng tôi chọn 'Cuộc chiến vô cực' - vở diễn đậm chất nhạc kịch với không gian sân khấu rực rỡ sắc màu và những tình huống vui nhộn - để phục vụ khán giả thiếu nhi trong những ngày hè. Đây là món ăn tinh thần rất an toàn cho những người yêu nhạc kịch, mến mộ Nhà hát Tuổi trẻ trong những ngày dịch bệnh vẫn hoành hành”.
 
Còn với xiếc, do đặc thù mỗi buổi diễn cần sự hỗ trợ đặc biệt của kỹ thuật, kỹ xảo sân khấu 4D, âm thanh, hình ảnh, ánh sáng cùng đa dạng yếu tố diễn giữa người và động vật, nên rất khó làm sân khấu truyền hình. Song theo Phó giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, NSND Tống Toàn Thắng, Liên đoàn đã học cách làm của các nước như Italy, Nga xây dựng các băng hình video cung cấp cho Đài Truyền hình Việt Nam ghép và sử dụng như các chương trình online. "Nghệ sĩ có tác phẩm, được biểu diễn, được thăng hoa trên sân khấu đã là điều đáng quý, khán giả vì thế cũng có cơ hội thay đổi hình thức thưởng thức nghệ thuật một cách an toàn”, NSND Tống Toàn Thắng nói.
 
 
Theo Hương Sen - Báo Điện tử Đại biểu Nhân dân
 
 
 
 
 
 
 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng