Sân khấu
Di sản tuồng cổ Huế
09:44 | 20/12/2016

Tuồng hay còn gọi là Hát Bội, là một bộ môn nghệ thuật truyền thống có lịch sử hình thành từ lâu đời. Song cho đến nay, chưa có tài liệu nào khẳng định thời điểm ra đời của tuồng. 

Di sản tuồng cổ Huế
Một cảnh trong vở tuồng "Cánh tay Vương Tá" năm 2011 tại Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM (Nguồn: sankhau3mien.com)

I. Tuồng Huế - lịch sử hình thành và phát triển

Tuồng hay còn gọi là Hát Bội, là một bộ môn nghệ thuật truyền thống có lịch sử hình thành từ lâu đời. Song cho đến nay, chưa có tài liệu nào khẳng định thời điểm ra đời của tuồng. Khi khảo cứu nội dung lời thoại, ca từ trong các loại hình kịch hát, diễn xướng dân gian xưa như hát trò, sắc bùa, tập chèo…ở một số địa phương, chúng tôi đã có nhận định ban đầu rằng, nghệ thuật tuồng đã hình thành và phát triển từ các loại hình sân khấu dân gian Việt Nam. Khi nghiên cứu về lịch sử tuồng của vùng đất Thuận Hóa, đặc biệt là thời kỳ chúa Nguyễn, các nhà nghiên cứu thường dẫn liệu về nhân vật Đào Duy Từ, người có nguồn gốc xuất thân từ một gia đình làm nghề hát xướng thời Lê. Do quan niệm xướng ca vô loài nên các triều đình phong kiến thường có quy định cấm không cho con cái nhà hát xướng được đi thi. Có người đã giúp Đào Duy Từ thay đổi hộ tịch để được vào trường thi. Nhưng về sau, vụ việc trên bị bại lộ nên ông không thể vào được chốn quan trường để thi thố tài năng. Đào Duy Từ sợ bị mang tội, hoặc bất mãn, đã bỏ vào Nam. Do có tài học uyên bác nên Đào Duy Từ được một vị quan tiến cử với chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Do có năng lực, nên Đào Duy Từ đã được Chúa chọn làm quân sư. Ông đã lập được nhiều công trạng lớn dưới thời chúa Nguyễn. Vốn xuất thân từ một gia đình làm nghệ thuật, Đào Duy Từ đã bắt tay vào việc phát triển nghệ thuật tuồng trở thành một bộ môn nghệ thuật dân gian đặc sắc của xứ đàng trong.

Khi Gia Long thống nhất đất nước, chọn Phú Xuân làm nơi xây dựng kinh đô. Vùng đất kinh đô Phú Xuân – Huế với phong cảnh hữu tình, non xanh nước biếc, là nơi khơi nguồn cảm hứng sáng tạo văn hóa nghệ thuật. Bộ môn nghệ thuật tuồng đã được các bậc vua chúa quan tâm. Điệu hát, lời ca của tuồng đã được sửa sang, trau chuốt; nghệ thuật diễn tuồng ngày càng được nâng cao bởi các đào kép “chuyên nghiêp”; tuồng dần dần trở thành món ăn tinh thần phục vụ các bậc vua chúa, quan lại, hoàng thân quốc thích và những bậc thế gia giàu có… Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa, đặc biệt là tư tưởng Nho giáo, phần lớn nội dung của các vở tuồng trong thời kỳ ấy đều đề cao tinh thần trung quân ái quốc, đạo đức luân lý gia đình và xã hội được thể hiện bởi giềng mối Tam cương, Ngũ luân. Đó là mối quan hệ về Trung, Hiếu, Tiết, Nghĩa giữa vua tôi, cha con, anh em, bạn bè, chồng vợ... mà đến nay ta vẫn còn thấy được khi thưởng thức những vở tuồng cổ. Hình ảnh các vị vua chúa Trung Hoa (có khi chỉ là hư cấu) như: Vua Nghiêu, vua Thuấn cùng các vị vua: Thang, Văn, Võ … Họ được coi là những bậc “Thánh quân”, những đấng vua hiền luôn lo cho dân cho nước. Bên cạnh đó là những vị tôi trung tài giỏi như Y Doãn, Lữ Vọng...luôn một dạ trung quân ái quốc. Nghệ thuật tuồng dưới thời các vua Nguyễn đã phát triển ở đỉnh cao, trở thành quốc kịch,là bộ môn nghệ thuật chính thống của nhà nước phong kiến. Tuồng không chỉ được quan tâm trong triều nội mà còn được phát triển ở ngoài dân gian. Dưới triều Nguyễn, hầu như trong các dịp lễ hội lớn của các làng xã đều có tổ chức diễn tuồng. Trong những đêm hát tuồng ở sân đình, từ quan viên, chức sắc cho đến dân chúng không ai là không đắm mình thưởng thức bộ môn nghệ thuật đặc sắc của dân tộc vang lên trong tiếng trống chầu rộn rã.

Dưới thời vua Tự Đức, triều đình thành lập ban Hiệu Thư do Đào Tấn chủ trì; một số hoàng thân quốc thích cùng với các văn quan nổi tiếng đã tham gia trong ban này. Ban Hiệu Thư đã thực hiện việc sưu tầm các vở tuồng được viết bằng chữ Nôm ở trong dân gian về triều để san định và nâng cao về mặt văn học. Trong thời gian này, các thành viên của ban Hiệu Thư cũng sáng tác nhiều vở tuồng nổi tiếng như các vở: Vạn bửu trình tường; Quần phương hiến thuỵ… trong đó có một số vở do vua Tự Đức đích thân “châu phê”.

Kể từ khi triều đại nhà Nguyễn cáo chung (1945), rồi tiếp đến là những biến động về lịch sử xã hội, chiến tranh, đất nước chia cắt đã ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước trên mọi phương diện. Các bộ môn nghệ thuật truyền thống, trong đó có nghệ thuật tuồng đã mất dần chổ đứng của mình, nhất là sau khi các loại hình nghệ thuật mới của phương Tây bắt đầu du nhập vào Việt Nam.

Đến nay, hầu như khán giả trẻ ở Việt Nam không mấy ai quan tâm đến bộ môn nghệ thuật tuồng. Còn lớp người già khi hồi tưởng lại những đêm thâu đi xem hát bội (tuồng) thì dường như vẫn còn háo hức, họ vẫn còn thuộc nằm lòng tên tuổi của các đào kép nổi tiếng với những vai diễn đã từng làm họ say sưa cùng với tiếng trống chầu ngày nào bên sân đình. Với tinh thần bảo tồn di sản văn hoá dân tộc, gìn giữ tinh hoa vốn cổ của ông cha, đặc biệt là đối với bộ môn nghệ thuật tuồng truyền thống đã gắn liền với đất nước, với dân tộc qua bao thế kỷ.

II. Tuồng Huế - Di cảo và số phận

Huế là đất kinh đô, nơi lưu giữ những di sản văn hóa quí báu của dân tộc. Đặc biệt, quần thể kiến trúc kinh đô Huế với hệ thống đền đài, cung điện, lăng tẩm của các vị vua chúa. Trong đó có di tích của Duyệt thị đường, Minh Khiêm đường…là sân khấu tuồng của cung đình xưa. Ngày nay, Duyệt thị đường là trụ sở chính của Nhà hát nghệ thuật cung đình Huế, được sử dụng với chức năng là nơi bảo tồn và phát triển nghệ thuật cung đình, đặc biệt, nhã nhạc cung đình Huế (Việt Nam) đã được UNESCO công nhận là "Kiệt tác Di sản Văn hóa Phi vật thể và Truyền khẩu của Nhân loại". Nhiều năm qua, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế đã quan tâm nhiều đến việc bảo tồn nghệ thuật tuồng cung đình. Sân khấu Duyệt thị đường là nơi tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học về tuồng. Nhiều vở tuồng và trích đoạn tuồng đã được phục dựng và biểu diễn ở đây. Trong đó có cả việc đưa nghệ thuật tuồng trở thành sản phẩm du lịch để giới thiệu một bộ môn nghệ thuật quí giá của dân tộc đến với du khách trong nước và nước ngoài. Song mọi nỗ lực để nhằm bảo tồn nghệ thuật tuồng nói chung và nghệ thuật tuồng cung đình Huế cho đến nay vẫn là điều nan giải. Chúng ta có thể nhận định rằng, hiện nay việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật tuồng trên cả nước nói chung và tuồng Huế nói riêng đang gặp nhiều khó khăn. Tuồng đang đứng trước nguy cơ mai một nếu không có những giải pháp kịp thời trong việc bảo tồn và phát triển bộ môn sân khấu truyền thống này. Hiện nay, sân khấu tuồng đang vắng bóng người xem (cho dù chỉ diễn những trích đoạn hay, đặc sắc…) Việc đưa tuồng trở thành sản phẩm du lịch để phục vụ du khách vẫn không khả thi, vì ít người xem; thu không bù được chi. Ngay cả Nhà hát tuồng Trung ương ở Hà Nội cũng đang lâm vào tình trạng này. Những diễn viên tuồng lớn tuổi, có kinh nghiệm phần lớn đã qua đời. Lớp diễn viên trẻ kế cận có nhiều người rất yêu nghề, song do tuồng hoạt động cầm chừng nên một bộ phận phải kiêm thêm hoạt động ở lĩnh vực nghệ thuật đương đại để có thêm nguồn thu nhập. Ở Huế, một số diễn viên tuồng phải tham gia biểu diễn ca Huế và cả nhạc mới để có thêm thu nhập nuôi sống bản thân. Vấn đề đào tạo diễn viên tuồng không chỉ ở Huế mà nhiều nơi cũng đang gặp khó khăn. Trước đây, trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên Huế là nơi đào tạo diễn viên cho Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế, Nhà hát Nghệ thuật  Ca kịch Huế, nhưng nhiều năm nay không mở thêm được lớp đào tạo diễn viên tuồng nào vì không chiêu sinh được.

Trước năm 1975, tôi ở trong khuôn viên của Duyệt thị đường để theo học bộ môn âm nhạc và kịch nói tại Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Huế. Hàng ngày, tiếp xúc với nhiều diễn viên lão thành của tuồng, nhạc lễ (nay gọi là nhã nhạc cung đình), đoàn ba vũ… được xem và nghe họ đàn hát, múa, diễn tuồng… Từ đó, niềm đam mê nghệ thuật dân tộc đã ngấm vào mình lúc nào không hay. Nhiều năm qua, tôi đã từng ra Bắc vào Nam, tìm đến những cơ quan văn hóa, Nhà hát tuồng, gia đình các nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu… để tìm kiếm những gì liên quan đến nghệ thuật tuồng. Đặc biệt là tìm những kịch bản tuồng cổ của Huế đang lưu lạc khắp nơi trong nước.  Vẫn biết là việc tự lực “mò kim đáy bể” là khó, nhưng may mắn là tôi đã tìm thấy được những bản tuồng cổ của Huế.

Tại Viện Sân khấu, tôi đã tiếp cận với các vở tuồng cổ bằng chữ Nôm do Viện mua năm 1976 từ ông Giám Cơ (tức ông Hoàng Ngọc Cơ con nuôi của bà Tuần vũ Đặng Ngọc Oánh, trưởng đoàn hát bộ Đồng Hỹ Ban tiền thân của Đồng Xuân Lâu). Số lượng khoảng 50 vở, song phần lớn các vở tuồng này không còn đủ chương hồi, một số bản đã bị mục, rách Song đây là một phần di sản quý báu của bộ môn nghệ thuật tuồng truyền thống Huế. Đặc biệt, trong di sản tuồng cổ của Huế hiện đang lưu trữ ở đây còn có năm hồi (từ 1- 5) của vở Quần Phương Tập Khánh gồm 273 trang chữ Nôm (có cả chữ Hán). Đây là một vở tuồng pho tiêu biểu của tuồng Cung đình Huế dài hàng chục hồi, tương truyền do Nguyễn Thuật, Đào Tấn cùng một số văn quan nổi tiếng trong Ban Hiệu Thư sáng tác dưới triều Nguyễn. Các nhà nghiên cứu tuồng thường gọi vở tuồng này bằng nhiều tên khác nhau như: Quần Phương hiến thuỵ, Quần Phương hiến thọ hay Quần Trân hiến thuỵ

Khảo cứu những văn bản tuồng cổ này, tôi đã tìm thấy các cứ liệu, bằng chứng để xác định đây chính là những vở diễn của sân khấu tuồng Huế vào cuối triều Nguyễn. Cụ thể trên các vở tuồng có đóng các dấu: Théâtre Đồng Xuân Lâu - Rue Gia Long, dấu tròn thứ hai được đóng nhiều trên các vở tuồng, vòng ngoài có dòng chữ: Đoàn Hát Bộ Đồng Hỹ Ban, ở giữa là hai dòng chữ: Chủ Nhân - Hoàng Ngọc Cơ, dấu thứ ba hình quả trám: Phần vành trên dấu khắc tên: Lê Trung Cư bằng tiếng Việt, ở giữa dấu là tên Lê Trung Cư bằng chữ Hán. dấu này thường đóng ở đầu các bản tuồng, chồng lên dấu Đồng Hỹ Ban (chưa rõ Ông Lê Trung Cư là ai).

Khi sưu tầm ở Đà Nẵng, tôi đã đến nhà Ông Lê Văn Xuân, nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hóa nổi tiếng của miền Trung. Ở đây, tôi đã tiếp cận được khối lượng lớn văn bản Hán Nôm của Huế, phần lớn là văn bản tuồng cổ bằng chữ Nôm. Đây là tư liệu do Ông Lê Văn Xuân mua lại từ gia đình bà chúa Nhất (Hoàng trưởng nữ của vua Dục Đức), bà này từng là chủ của một đoàn tuồng ở Huế.  

Tư liệu tuồng gồm; 31 hồi tuồng Tam quốc chí, 3 hồi Vạn bửu và một số hồi của các vở: Ngũ hổ, Trầm hương các, Bình Liêu, Điện Bắc, Lôi phong tháp ... Sau khi khảo cứu những vở tuồng này, tôi phát hiện được rằng đây chính là những văn bản gốc của tuồng cung đình Nguyễn. Bởi lẽ, một số bìa đóng ở ngoài là loại giấy “long đằng”, loại giấy màu vàng có in nổi hình rồng; đây chính là loại giấy dùng để viết sắc phong nên còn gọi là giấy sắc. Đặc biệt ở vở Lôi phong tháp còn có dấu ấn “Diên thọ cung bảo” tức vở tuồng này từng được lưu giữ ở Diên Thọ cung (Đại nội Huế). Tuồng Tam Quốc chí có tập mang số thứ tự 114; như vậy, trong kho tàng tuồng cổ của triều đình Huế đã từng có pho tuồng Tam Quốc chí nguyên bản gồm 120 hồi là xác đáng. Bên cạnh đó còn có nhiều tài liệu Hán Nôm khác, trong đó có cuốn Chinh phụ ngâm diễn âm từ khúc, đây là bản chép tay sao lại bản in Tân san Chinh phụ ngâm từ khúc, được in từ năm Gia Long 14 (1815) do Chính Trực đường hiệu tử (Bản này đã được chụp và in lại trong Tổng tập Văn học Việt Nam, tập 13B).

Di sản tuồng cổ chữ Nôm của Việt Nam với số phận lưu lạc nghiệt ngã (có thể hồi một đang nằm ở Việt Nam nhưng hồi hai, hồi ba lại nằm ở Pháp, Mỹ…), song cũng thật may mắn là văn bản tuồng Nôm hiện vẫn còn khá nhiều. Chỉ tiếc là chúng ta chưa có điều kiện khai thác để hiểu hết giá trị của bộ môn nghệ thuật vừa mang tính dân gian, vừa mang tính bác học này. Đặc biệt là những giá trị về lịch sử, văn học, triết học, ngôn ngữ… qua nội dung, bố cục, lời thoại, ca từ… Đương nhiên tuồng và văn bản tuồng (hát bội) không chỉ xuất phát từ Huế mà nó trải dài từ miền Bắc (nơi khai sinh của tuồng từ thời Lý Trần hoặc xưa hơn nữa) vào đến Nam Trung bộ và cả ở miền Nam. Song một điều chắc chắn rằng các kịch bản tuồng cổ nổi tiếng, phần lớn đều có mối liên quan đến tuồng cung đình Huế. Bởi vì thời đó, tuồng là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân và được xem là bộ môn nghệ thuật sân khấu chính thống, được triều đình nhà Nguyễn quan tâm phát triển.

III. Giá trị nội dung tuồng bản cung đình Huế - từ nghiên cứu đến bảo tồn

Dưới chế độ quân chủ, Nho giáo được xem là ý thức hệ chính thống gắn bó với thể chế chính trị - xã hội. Tất cả mọi người trong xã hội bấy giờ đều phải chịu sự ràng buộc từ các mối quan hệ mà học thuyết Nho giáo đã đề cập. Kịch bản tuồng là một thể loại văn học do các nhà nho sáng tác nên không thể thoát ra khỏi quĩ đạo của tư tưởng nho giáo. Đa số các vở tuồng đều mượn bối cảnh lịch sử của các nước phương Bắc để hư cấu nên cốt truyện, nhân vật. Nội dung tuồng phần lớn đều xoay quanh những tình tiết mâu thuẩn giữa các quốc gia, sự xung đột của các thế lực của vua chúa, quan lại trong triều; vấn đề trung, hiếu tiết nghĩa với hình ảnh các bậc tôi trung dốc chí phò vua giúp nước luôn phải đấu tranh với lũ gian thần kéo bè kết cánh, bán nước hại dân ... Vì vậy nghệ thuật tuồng ngoài chức năng giải trí, nó còn thực hiện chức năng giáo dục con người. Trong đó những yếu tố trung, hiếu, tiết, nghĩa luôn được đề cao nhằm mục đích hướng con người đến những giá trị nhân văn cao đẹp trong xã hội phong kiến thời bấy giờ.

Quân thần là đại đạo,

Phụ tử ấy ân thâm.

(Tuồng Ngự Văn Quân) 

                             Sự phụ con đà sáng tiết,

Còn sự quân con khá thơm danh.

Trước ngàn năm rỡ tiết cha lành,

Sau muôn thuở trọn bề con thảo.

(Tuồng Sơn Hậu)

Chữ “Trung quân” bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu trong tất cả các mối quan hệ trong xã hội phong kiến:

Lo chữ trung, trung lấy làm đầu,

Còn chữ hiếu, hiếu kia để dạ.

(Tuồng Sơn Hậu)

Song khái niệm “Trung quân” ở trong tuồng cũng được phân biệt rạch ròi: bề tôi hiền đức chỉ “Trung” với đấng minh quân, chứ nếu “Trung” đối với “hôn quân” thì đó là “ngu trung”.

Trụ tàn bạo thì ta bội Trụ,

Chu đức nhơn sao chẳng phò Chu.

(Tuồng An trào kiếm)

Trong thời điểm đó, việc sử dụng nghệ thuật tuồng làm phương tiện chuyển tải tư tưởng Nho giáo đến tận dân chúng là một việc làm có ý nghĩa. Bởi vì tuồng là bộ môn nghệ thuật được quần chúng bấy giờ yêu thích. Khi xem tuồng, dù sân khấu chỉ là một góc sân đình hay bãi chợ, nhưng với mặt nạ, phục trang cùng nghệ thuật diễn xuất ước lệ, khán giả cho dù là người dân bình thường cũng có thể phân biệt được nhân vật nào là chính, tà; trung, nịnh; vị vua nào là đấng minh quân, ai là kẻ gian thần bán nước, hãm hại bậc trung lương, soán đoạt ngôi vua... Kết cuộc của các vở tuồng bao giờ cũng nêu cao chính nghĩa ái quốc trung quân, trừ gian diệt nịnh...mang lại cho đất nước yên vui, muôn dân được hưởng phúc thái bình thịnh trị. Cho dù đó chỉ là ước mơ, song cũng làm thỏa lòng khán giả xem tuồng. Những yếu tố đó đã tạo cho nghệ thuật tuồng phát triển và được mọi tầng lớp quần chúng trong xã hội phong kiến hâm mộ.

Chế độ phong kiến Việt Nam sụp đổ, nghệ thuật tuồng cũng theo đó mà mai một dần. Nhưng dẫu sao, tuồng vẫn là một di sản văn hóa quí giá của tiền nhân để lại. Nên ngay cả khi đất nước đang còn chia cắt, chính quyền của hai miền vẫn quan tâm khôi phục bộ môn nghệ thuật tuồng. Sau khi thống nhất đất nước, tuồng càng được quan tâm hơn.

Việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy nghệ thuật tuồng của chúng ta bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những điều bất cập. Song điều quan trọng là cho đến nay, chúng ta vẫn chưa khai thác được kho tàng kịch bản cổ để có thể nhận chân được những giá trị đích thực của bộ môn nghệ thuật tuồng trong quá khứ. Và  tuồng sẽ còn mang lại những gì cho thế hệ chúng ta hôm nay và cho cả mai sau ?

Chúng ta biết rằng, để có một vở diển ra mắt công chúng, trước hết phải có kịch bản, đạo diễn và một dàn diễn viên có tay nghề. Đặc biệt đối với tuồng đòi hỏi phải có những đào kép chính thật xuất sắc và kịch bản phải hay mới thu hút được người xem, cho dù khán giả là các vị quan viên chức sắc hay chỉ là những người dân lao động bình thường. Trong nghệ thuật biểu diển tuồng, từng động tác diễn xuất, từng câu chữ, ca từ của người diễn viên khi thể hiện đều được bình phẩm ngay bởi tiếng trống chầu đặt trước sân khấu. Mặc dù sân khấu ở đây có khi chỉ là một góc sân đình được bài trí một cách đơn giản. Đặc biệt là khi tuồng được các vua quan phong kiến đưa vào phục vụ ở triều đình thì đòi hỏi trình độ diễn viên cho đến nội dung vở diễn đều phải được nâng cao hơn. Nghệ thuật tuồng Việt Nam đã hình thành và phát triển trải qua hàng trăm năm, vì vậy số lượng kịch bản tuồng phải nhiều và hầu hết đều viết bằng chữ Nôm. Một loại chữ viết do cha ông ta sáng tạo trên nền chữ Hán. Chữ Nôm ra đời với mục đích chống lại sự đồng hoá văn hoá của các nước lớn, đặc biệt là trong thời kỳ Bắc thuộc. Từ văn tự này, họ đã để lại cho chúng ta một kho tàng văn hoá thành văn đồ sộ với những tác phẩm văn học giá trị như truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc… và nhiều tác phẩm chữ Nôm của các tác giả nổi tiếng như Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều, Đoàn Thị Điểm và nhiều tác phẩm khuyết danh khác.  

Vấn đề cần đặt ra là hiện nay vẫn còn hàng trăm kịch bản tuồng viết bằng chữ Nôm đang được lưu giữ ở các Bảo tàng, Thư viện, Trung tâm lưu trữ, tủ sách cá nhân... trong nước và ở nước ngoài. Mặc dầu liệt kê chưa thật đầy đủ nhưng con số kịch bản tuồng cổ viết bằng chữ Nôm hiện còn trên 200 vở. Có vở ghi tên Chủ nhân và tên người sao chép, lại còn ghi chú thêm là Gia bảo, Gia thư, chứng tỏ cha ông ta đã rất quí trọng tuồng. Số kịch bản tuồng cổ chữ Nôm còn lại hiện nay đều là những tác phẩm văn học cổ có gía trị. Nếu được khai thác tốt, chúng ta sẽ chọn lọc được một số kịch bản hay để các đơn vị nghệ thuật tuồng trong nước dàn dựng nhằm bảo tồn và phát huy bộ môn nghệ thuật tuồng. Đặc biệt là việc chọn lọc, kế thừa, phát huy những giá trị đạo đức nhân văn của Nho giáo đã hình thành qua hàng ngàn năm cùng với nghệ thuật tuồng và lịch sử phát triển của đất nước.

IV. Vai trò tuồng Huế trong lịch sử phát triển nghệ thuật tuồng Việt Nam - Vấn đề phục hồi và bảo tồn tuồng Huế để xứng đáng bộ môn nghệ thuật truyền thống vùng "kinh sư".

Các nhà nghiên cứu về tuồng lâu nay thường phân chia có tính khu biệt đối với các vùng đất có nghệ thuật tuồng phát triển như: tuồng Bắc, tuồng Huế (tuồng Kinh), tuồng Khu V… song tôi vẫn thấy nghệ thuật tuồng Việt Nam vẫn mang trong mình tính đồng nhất ở đỉnh cao đối với nghệ thuật diễn xuất, tiết tấu âm nhạc, phục trang, đạo cụ và cả nội dung kịch bản… Thông qua tài nghệ diễn xuất của các nghệ sĩ mà nhân vật trong tuồng được hóa thân một cách chân thực và sống động theo đúng ý đồ của đạo diễn và thỏa mãn nhu cầu thưởng thức của khán giả. Một diễn viên tuồng giỏi nghề có thể biểu diễn ở bất cứ một gánh hát tuồng nào trên khắp đất nước. Trong tác phẩm Đời tôi trên sân khấu tuồng, Nghệ sĩ nhân dân Lê Bá Tùng, quê ở Vinh, học diễn tuồng từ năm 15 tuổi với ông Đinh Văn Xuân, một kép hát của cụ Đào Tấn. Sau 4 năm miệt mài học tập, ông đầu quân vào đoàn tuồng Vĩnh Tường Long ở Vinh rồi vào Huế hát cho gánh hát Phượng Lâu, gánh Bang Hồ; ra Phủ Lý (Nam Định) hát cho gánh Tụ Châu; vào Thọ Xuân (Thanh Hóa) hát cho gánh Viên Quảng; vào Vinh hát cho gánh Sinh Châu của Ông Đặng Bá Tạo; có lúc lại vào Đà Nẵng diễn cho gánh của ông Phó Phẩm; lên Đà Lạt hát cho gánh Năm May; đi Savanakhet diễn cho gánh Thái Mộng Đài… Trong suốt gần 50 năm trên sân khấu tuồng ông đã diễn gần 90 vai tuồng khác nhau. Riêng vai Lã Bố, ông đã từng diễn ở 3 gánh hát ở 3 địa phương khác nhau: Thanh Hóa, Hà Tỉnh và Huế. Trong cuốn Tự điển Nghệ thuật Hát bội Việt Nam, GS Nguyễn Lộc đã viết về NSND Lê Bá Tùng như sau: “… có giọng hát cao, múa đẹp, điểm đặc biệt là ông diễn theo phong cách Huế - Liên khu V hoặc phong cách tuồng Bắc đều nhuần nhuyễn không pha trộn…”. Cùng công tác ở Đoàn tuồng Bắc (tiền thân của Nhà hát tuồng Việt Nam) với Lê Bá Tùng còn có nghệ sĩ Đoàn Thị Ngà, người Huế, sinh năm 1906, là một đào hát nổi tiếng từ những năm 1925-1930, bà từng được nhiều đoàn hát ở miền Bắc mời biểu diễn. Buổi diễn trong dịp lễ mừng thọ vua Khải Định ở Huế, bà đóng vai Điêu Thuyền (vở Phụng Nghi Đình) rất xuất sắc, được nhà vua ban thưởng. Năm 80 tuổi, giọng hát của bà vẫn còn hay và ngân vang. Thân sinh bà là một cụ đồ Nho chuyên làm công việc sao chép các văn bản tuồng và nhắc vở. Bà cũng đã từng làm nhiệm vụ khai thác vốn cổ ở Ban nghiên cứu sân khấu trước khi về công tác ở đoàn tuồng Bắc. Bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1993 và mất trong năm ấy ở Hà Nội.

Tiến sĩ Xuân Yến, trong tham luận trình bày ở Hội thảo khoa học: Danh sĩ Huế với tuồng truyền thống Huế (1998), đã nhắc đến hình ảnh nghệ sĩ Đoàn Thị Ngà một cách trân trọng: “… Cô được phân công dạy học sinh chúng tôi những bài bản lớn, bài bản khó như: bài Cạo đầu, bài Nam Dựng, điệu Thán lả, điệu Khách Hồn... Cô đề xướng và đã dạy chúng tôi một số điệu múa cung đình như: Múa Bông ( bài Tam Quốc), múa Trình Tường, xem Tam Lang...Mãi đến gần đây tôi mới hiểu rằng cô đã dạy cho chúng tôi theo cách đào tạo diễn viên tuồng ở Thanh Bình Thự  xưa kia… Ngoài múa, hát ra cô Ngà còn dạy chúng tôi những vai mẫu mực như: Trại Ba, Hồ Nguyệt Cô, Xuân Đào, Mai Hương, Đổng Mẫu...

Thông qua những điệu múa, câu hát và vai diễn mà cô Ngà đã truyền dạy, chúng tôi nhận thấy ở Tuồng Kinh- Tuồng Huế- đó là sự bài bản, ni tấc, tinh tế, một lối diễn chững chạc, sâu sắc đầy tính bác học Vai Hồ Nguyệt Cô mà hiện nay các nghệ sỹ tuồng cả nước đang trình diễn là bản diễn của cô Ngà.

Ông cũng nhận định: “…giai đoạn từ cuối thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX, Tuồng Kinh- Tuồng Huế có sự ảnh hưởng rất lớn đối với Tuồng Miền Bắc. Sự ảnh hưởng ấy từ nhiều nguồn, khi thì trực tiếp như trường hợp kép Bàng dạy phường tuồng làng Đồng Kị hoặc cô Đoàn Thị Ngà dạy ở Trường Đại học Sân khấu- Điện ảnh Hà Nội và Nhà hát Tuồng Trung ương”.

Văn hóa nghệ thuật của kinh đô Huế ngày xưa có sức lan tỏa và ảnh hưởng lớn đối với các vùng miền trong nước, đặc biệt là nghệ thuật tuồng. Các vị quan lại ở nhiều nơi cũng tìm cách đưa nghệ thuật tuồng từ Huế về phát triển trên quê hương của họ. Nhiều bản tuồng Kinh đã được sao chép, nhiều đào kép đã được họ mời về để huấn luyện cho các gánh tuồng trên đất Bắc như: phường tuồng Tam Lư (Bắc Ninh); tuồng làng Đồng Kỵ…Tuồng chợ Cạn ở Quảng Trị đã được Ông Võ Luận (Thất Luận), quê ở Hiền Lương, Phong Điền gầy dựng. Lịch sử tuồng Quảng Nam cũng ghi nhận có xuất xứ từ Đức Giáo (?), một làng chuyên nghề hát tuồng ở Thừa Thiên Huế. Ban đầu họ định cư tại làng Khánh Đức (nay thuộc xã Quế Châu, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) sau đó họ biệt lập làng lấy tên là làng Đức Giáo. Song làng này chỉ có dân đinh chứ không có ruộng đất (hữu đinh vô điền). Làng này chuyên nghề hát tuồng, vì vậy có câu truyền tụng “Đức Giáo vô địa lập chùy, dĩ xướng ca vi nghệ” (Đức Giáo không có đất cắm dùi, lấy nghề xướng ca để sinh sống)…  

Việc bảo tồn và khôi phục tuồng Huế theo nguyên mẫu như ngày xưa là chuyện không phải dễ. Song với nhận thức: Nghệ thuật tuồng Huế là một bộ phận của văn hóa Huế, là di sản văn hóa quí giá của Việt Nam. Vì vậy, vấn đề khôi phục và bảo tồn tuồng Huế cần phải tiếp tục được quan tâm. Những gì liên quan đến tuồng Huế mà nơi khác còn giữ được thì chúng ta phải nghiên cứu và tiếp thu lại (kể cả bài bản, nghệ thuật diễn xuất của các vai mẫu…). Theo tôi, trong điều kiện hiện nay, chúng ta chưa có điều kiện phục hồi những vở tuồng cổ nổi tiếng một thời trên đất Huế. Song phải cần đặt ra việc sưu tập, phiên âm những bản tuồng Nôm cổ đang lưu lạc khắp trong và ngoài nước để tiếp tục nghiên cứu, chọn lọc và phát huy để bộ môn nghệ thuật truyền thống nổi tiếng của kinh đô Huế sống mãi với di sản văn hóa cội nguồn của đất nước.

Nguyễn Thế

Hội viên Hội VNDG Thừa Thiên Huế

Các bài mới
Các bài đã đăng