Sân khấu
Một đêm ở rạp hát An Nam
10:46 | 06/10/2014

E.GRAS
(Chủ sự Tài chính An nam, Huế 1910)

Vào một buổi tối ở vùng Gia Hội, cuối con đường hẹp đầy ổ gà, chỉ có ánh sáng lờ mờ của những cây đèn tim ở bọng của những túp nhà tranh An nam, và đây là một ngôi nhà lớn hơn, sau dãy hàng rào bông bụt và chè tàu dưới rặng tre sẫm bóng.

Một đêm ở rạp hát An Nam
Một vở tuồng Annam - Ảnh: internet

Một chiếc xe kéo chở ta đến đó, bằng cách đi theo một đoạn ngắn gập ghềnh của một con đường bùn trong đầm oai à không có sao hoặc dưới cái trong trẻo của một vừng trăng sáng bạc. Người nhà ở chợ quanh ngoại ô sợ bất trắc, và nguy hiểm của bóng đêm, nhưng có cái trong trẻo của ánh trăng không đâu bằng xứ này, khiêu gợi, thì họ vội vàng, kéo nhau đến đây, và gian phòng sẽ chen chúc đầy người, tỏa ra cái hơi hâm hẩm của phòng tắm hơi. Tối đến là bắt đầu hát ngay, vì điều lệ cảnh sát buộc phải nghỉ hát vào nửa đêm. Cách đây không lâu một vở tuồng còn phải diễn đi diễn lại trong nhiều ngày, nhiều đêm, không ngừng và không hề làm suy giảm cái vui thú của người dân ở đây vốn ham thích những trò vui chẳng khác gì trẻ con.

Nội dung của các tuồng không có gì mới cả: Kẻ nịnh bị lột mặt nạ, người ngay được tưởng thưởng, theo như cách của vở “vàng thau”. Nhân vật thường là vua, hoàng tử, chiến sĩ, hoặc người quý phái; Tác giả là quan chức hay trí thức muốn nhân cơ hội giới thiệu các vở tuồng mà họ sáng tác để tỏ ra mình là người trung thần: người quân tử.

Tuy nhiên không một vở tuồng nào trôi chảy nếu không có sự can thiệp của ma quỉ. Thần tốt hay xấu thỉnh thoảng thể hiện linh hồn của nhân vật ngoài đời.

Như vậy ta có thể hiểu ngay ý nghĩ của các nhân vật. Có thể phức tạp về ý nghĩ nhưng rất lộ liễu về phương tiện, tuồng hát không có gì bí mật. Người nhắc tuồng xuất hiện trên sân khấu và nhắc to. Như vậy là được nghe hai lần, nhưng chỉ trả tiền một vé.

Các mánh lới và các sập bẫy người xem không có: diễn viên bước lên ghế đẩu được xem như là leo núi, quàng dây có lục lạc vào đùi được xem như là phi ngựa. Người bị thương đi tìm ở góc vài chiếc khăn đỏ cuốn lại với nhau và cột vào dây lưng để chỉ là bị lồi ruột. Người đang nằm chết đứng dậy và đi vào sau màn một cách tự nhiên khi nghĩ rằng khán giả đều đã rõ được cái chết đó và xét thấy nằm đó không cần thiết nữa.

Nhưng ma quỉ thì không có cách biến mất như người trần gian được. Người ta tung trước mặt khán giả một ít bột bốc lửa mà người tàu đã chế ra. Một anh phụ màn đem bột đến với một que lửa đỏ hay một chùm vải đang cháy và ném bột vào tạo thành những chùm tia lửa, để cho ma quỉ trốn xuống dưới bàn. Đôi khi đơn giản hơn, nhưng táo bạo hơn, người phụ màn uống một ngụm dầu hỏa phun vào một cái vá nung đỏ. Sau sân khấu có một bậc sàn cao có màn che khuất được dùng để làm trời. Thỉnh thoảng lúc cần nó được hé mở, một nhân vật đã chết sớm nhưng có điều chưa nói hết có thể xuất hiện tại đó và nói thêm; một ông sơ có thể hiện ra tại đó để cho biết là bọn cháu hai đời đã làm ông phật lòng. Và cứ như thế tuồng hát tiếp diễn.

Ở trong rạp hát người An nam không quen la ó để chê dở cũng như không biết vỗ tay để khen hay. Những người nào ngày nay mà biết làm như vậy là do học hỏi chúng ta. Chỉ có các loạt tiếng chầu thình thình của hai cái trống lớn để hai bên sân khấu làm vai trò chuyên môn thay người vỗ tay, là điểm nhịp cho những tiếng rống nửa mồm, nửa mũi của những diễn viên khi thì nhảy lên, khi thì gào thét, khi thì trợn mắt dữ tợn, khi thì vuốt râu, khi thì lồng lộng như lên cơn co giật, khi thì đứng khựng lại trong tư thế uy nghi với những cử động như người máy, khi thì hát lên chậm rãi thành độc tấu dẳng dai.

Khúc hát hoặc khúc ngâm không phân biệt được với nhau, và luôn luôn đó chỉ là một làn điệu chậm rãi của một chuỗi đơn âm kéo dài hoặc nặng nề hoặc vút cao, và người An nam trong khi đi xem tuồng thì chỉ nói là đi xem hát.

Và diễn viên luôn luôn phải đấu tranh hơi tiếng với cái dàn nhạc dã man, lạc hậu và ầm ĩ, trong đó ngoài trống thình thình, tiếng sanh lắc cắc, tiếng phèn la phèng phèng, tiếng xập xõa bằng sắt tây xoèn xoẹt, tiếng đàn cò eo ét và tiếng rít dài nhột lỗ tai của cây kèn bầu. Hiệu quả của hòa tấu đó như thế nào? Đôi khi có nhân vật tức bụng mà đẻ con trên sân khấu; và người phụ màn lại phải mang đến một con búp bê cho đào hát để đeo vào thắt lưng.

Để cho đầy đủ hơn thì nên nói rằng, hát tuồng Annam thực chất là hát tuồng của Tàu bởi vì các tác phẩm đều viết bằng chữ nho, nên đám nhà quê hôi hám, rách rưới ngồi chen chúc trên các đà tre như khỉ ngồi trên cành cây và ngay các diễn viên nói chữ như vẹt đều chẳng hiểu gì mấy, và thậm chí không hiểu gì là đằng khác. Chỉ một vài nhà nho rất hiếm mới thưởng thức cái niềm vui thanh tao qua nội dung của vở tuồng. Ngồi trên ghế danh dự, hớp nước trà hay kéo cần điếu, dài vắt vẻo do đứa tớ quỳ một bên dâng tới, hít một hơi dài, rồi phà khói đặc vào không gian mồm, mũi mở to lâng lâng bên cạnh có thằng bé đang quạt hầu, hoặc dâng ống nhổ bằng đồng, hoặc dâng hộp cau trầu, thì ông này mới là người thưởng thức được một cách sành sỏi các đoạn tuồng hay.
 

Những diễn viên của rạp hát Annam - Ảnh: internet


Ngồi xa và riêng biệt, ông này thể hiện cái sành sỏi của ông bằng cách nện đùi trống to vào cái trống đẹp kê vừa tầm tay, hoặc ném cho diễn viên những thẻ gỗ nhỏ mà sau buổi trình diễn người thu tiền sẽ đếm theo số thẻ mà thu những trự kẽm. Thỉnh thoảng cũng có những đoạn hát chêm ngắn bằng tiếng nói thông thường để cho người diễn tuồng cương. Có tên tabarin xứ da vàng, triển khai tài hí hước và đem đến sự vui thú cho những người bình dân thích vui cười ưa tếu ngạo có tính khí như tính khí của người Tây phương. Trong khi đó có nhiều thằng nhóc con lêu lỏi giữa những hàng ghế chật chội, tài tình như con mèo con khỉ, trên tay có cái mẹt, bán quýt còn xanh vỏ hoặc là cau trầu vôi để cho mọi người Annam từ công chúa vàng son, cho đến thằng cu li mạt hạng mua lấy mà ăn cho cái má nó phình ra, cho cái môi nó đỏ loét.

* * *

Trong những ngày kỵ lớn, một bàn thờ được đặt trên bệ riêng, người ta đặt lên đó những cái tượng bằng sáp tượng trưng cho các diễn viên đã mất, thường ngày được cất giữ trong phòng ở hậu trường. Trước các tượng là cúng cơm, trái cây, thịt, hoa, những nén hương khói xám bốc lên, và những nến thắp đỏ không nhiều khói. Trong các buổi tối đó, thì không diễn tuồng hát mà diễn một cảnh thần tiên đại náo. Những con vật kỳ dị, cá khổng lồ, trâu rồng, kỳ lân, hổ dữ tợn, được làm bằng giấy đánh nhau theo phe hoặc là giao hợp với nhau một cách ngây ngô trước mắt mọi người, giữa những loạt pháo nổ, các chùm tia lửa và các ánh chớp của bột bốc lửa đỏ và xanh. Cuộc lễ tiếp tục bằng một đợt múa trống vũ ba lê: độ hai mươi phụ nữ và thanh niên đội mũ giống như mũ giải phóng cổ La Mã, mặc áo đỏ và xanh bó sát thân hình, đốt chân cuốn xà cạp trắng hoặc xanh, bàn chân trần, mỗi người gánh hai chiếc đèn lồng nhỏ bằng giấy màu có trang trí bằng vòng hoa, hát giọng the thé khớp nhịp với những động tác chậm rãi và duyên dáng lộn vòng xen kẽ; xoáy người trên ngón chân, múa cánh tay, bàn tay đồng đều và thẳng hàng.

Đối với người Pháp, thì cảnh múa ấy có khuyết điểm, là đều đều và quá kéo dài, không có một màn nghỉ xen kẽ.

Thôi thì yên lòng mà cắt ngang nó đi để đến xem hậu trường của nghệ sĩ. Cái phòng sau là phòng chung với một cái bộ ván cho nam diễn viên và một cái khác cho nữ diễn viên, hóa trang lạc hậu, ánh sáng không đủ, áo quần làm tuồng cũng như ở nước chúng ta, nếu được nhìn gần thì chẳng ăn khách chút nào. Người ta có thể xem như là chỗ ở tạm thời của một gánh hát rong trong một vựa lúa. Cũng như ở nước chúng ta ánh đèn sân khấu có mặt trái của nó. Trong một góc, bất động, mắt mờ, một diễn viên già nua đã hóa trang đang đợi ra diễn: người này mù nhưng thói quen lên sân khấu và đồng nghiệp che dấu, nên vẫn đảm nhiệm được những vai mà chẳng ai nghi ngờ gì cả...

Dù có biểu diễn thế nào đi nữa, ngộ nghĩnh hay đặc biệt. Dù các màn trình diễn kỳ thú và đặc biệt ra sao đi nữa, thì quần chúng dường như chẳng hiểu gì cả, cái mù tịt đó cũng như tính khí tự nhiên của họ giải thích cho ta thấy được sự thụ động, sự trì chí vô tư của họ khi đi xem hát. Đi xem hát chẳng qua là một thói quen của lễ tục. Ở xứ này thì cái gì cũng lễ tục, tôn giáo lẫn lộn với cuộc sống, nên nhân thể họ trải qua hằng giờ để nói chuyện về việc riêng, hút thuốc, cười cợt, nhậu nhẹt, và nếu cần chạy ngay qua sân khấu. Như là chuyện thường. Sân khấu là một sàn không cao, nằm giữa rạp không hậu trường, một phía thông với phòng hóa trang bằng hai cửa hông được trổ ra ở hai bên sàn lên trời.

Trật tự và lịch sự phải được duy trì khắp nơi; do đó một bên này của tầng cấp được dành cho nữ, và bên kia dành cho nam, ở giữa là bệ danh dự dành cho các quan khách, và trên trần có treo chiếc quạt trần được kéo dây do thằng bé không mặc áo bẩn thỉu, hắt qua hắt lại từng bụm gió, tuy có mát một chút nhưng chẳng thơm tho gì. Người ta có thể đi vòng quanh rạp hát, núp sau bóng tối của hàng cọc tre để giữ các tầng cấp và không phải là không có lúc các khán giả bị nhét trong hộp cá mòi đã thả xòe vào các cọc ấy.

Nhiều lò nấu giữa trời, nhiều sạp bán đủ thứ thực phẩm; bên cạnh chỗ ăn món ăn tinh thần, một sân đồ ăn thực chất hơn phảng phất những mùi vị không nhẹ lắm đối với mũi người Châu Âu, trong đó có nước mắm.

Một người Tàu bán cơm bình dân, mình trần sạch nhẵn lông đuôi sam cuốn quanh đầu trọc, môi thừ lừ, trông giống như nửa thần nửa vật đang chạy lăng xăng xung quanh những ông viên chức, các nữ nhân thanh lịch đang hớp nước trà, hay rượu, tự động hay bị bắt buộc, trong những cái chén sành nhỏ, có màu sắc. Các ông này, mặc áo quần An nam được âu hóa nhờ những cái mũ đệm kiểu trung Mỹ, hay cái mũ nỉ đen; quần rộng màu trắng, thướt tha trên các đôi giày đen bóng loáng, ra dáng tự đắc hoặc an nhàn, hãnh diện với cái hãnh diện nhà quan, nhờ có cây dù bất chấp thời tiết luôn mở ra, che cho các sợ hãi ma quỉ, sợ hãi gió máy về đêm ở nơi người cầm dù, và cũng mở ra ngay cả những đêm trăng tỏ. Các nữ nhân là của đạo quân đeo đồ trang sức, mặt phấn, môi son, mày cao sắc lẽm trong khuôn mặt trắng như vôi, tóc đen và láng do chải dầu dừa, tóc cài hoa lài, tay đeo xuyến, cổ đeo dây chuyền vàng, có người lừ đừ hút những điếu thuốc nhỏ, ngồi trên chiếc ghế đòn, đầu gối tới cằm, ngón chân cái kẹp vào chiếc giày cườm, cái liếc sắt ngót xuyên qua khóe mắt. Người khác thì phe phẩy khăn hoặc quạt, đi lui đi tới guốc gỗ sơn, cao đu đưa một cách duyên dáng cái thân hình mảnh mai uốn éo trong những áo dài lụa nhiều màu ôm chặt đôi vú nhỏ, và bó đôi cánh tay suôn đuổn, và trong những cái quần rộng mềm mại cử động nhẹ trên mông. Tất cả đàn bà trẻ ngây thơ này, bằng lời tiếng rỉ rã cao thấp nói với nhau về những điều này nọ nhoẽn cười với cái đen của những hàm răng nhuộm thuốc rỏi, và khép mắt nữa cho đôi mắt càng híp. Những nàng muốn được lòng người Tây phương, thì không nhuộm răng mà để hàm răng trắng nõn.

Bên ngoài một nhóm chủ tiệm và thương gia Tàu chếnh choáng, xương xẩu rã rời, vai teo tóp, trong những cái vét chật và quá dài hoặc có người thì thù lù bụng phệ trong những áo khoác màu xanh rất ngắn mang đôi tất bó trong quần xà lỏn lụa trên đôi giày nỉ dày cộm, chụp như cái nôi trên đầu chiếc mũ nỉ phùng phình hay chiếc mũ lưỡi trai bằng vải mềm, làm cho họ giống như những người bộ lạc Bắc Mỹ, đi lắc lư trên đôi chân cáng náng, và phát ra những tiếng cười ô ô. Một vài người Ấn Độ cái xà rông cuốn quanh hông, đi chậm rãi, chiếc mũ chõm láng lẩy chụp lên cái sọ đầu đen thui giống như những lọ mực đen có nắp vàng. Những trẻ con chõm tóc bay lưa thưa trên cái đầu trọc, chiếc áo cụt màu vàng để hở lỗ rún hay làm màng che cho cái mông đít bụ bẫm, đang kêu gọi và xô đẩy nhau. Nhiều bà già khô đét, nhăn nheo, nhai trầu má phồng ra khàn khàn la mắng trẻ và nhổ bọt nước trầu đỏ loét. Những người kéo xe, quần cụt, đầy mồ hôi thở dốc chạy nhanh tránh nhau, chạm vào nhau, kêu nhau dưới làn roi của cảnh sát, gây chật chội cho cửa nẻo và đường đi, kéo ngược và kéo xuôi các chiếc xe lắc lư trong đêm tối, cùng với các đèn gương chập chờn như những đom đóm và các cây đèn nhỏ trên xe như bầy đôm đốm lập loè tung tóe trong những vòng quay loanh quanh của bánh xe. Những cây đèn dầu hỏa lờ mờ chiếu những tia sáng vàng vọt, yếu ớt, màu đồng và thau rỉ vào trông cuộc sống nhung nhúc, bụi bẩn từ đời nào để lại.

Chỉ cần bỏ ra năm mười xu, bằng giá hai mươi lăm xu tiền Pháp, là ta có thể thưởng thức được tất cả những gì vừa nói, kể cả chén trà được chiêu đãi một cách lịch sự do nhà hát.

Những ngài quận công của Triều Nam cũng không cho nhiều hơn thế.

Chúng ta có thể rước cả đoàn ca vũ và dàn nhạc về nhà với giá mười lăm đồng bạc, tiền của vua. Và chẳng cần đến người bán vé, người xếp chỗ, tránh được người xin tiền: ở đây người ta không có tục lệ thưởng tiền phục vụ. An nam là một xứ sở tuyệt vời.

Nguồn TCSH
 

Các bài mới