Sân khấu
NSƯT Minh Tiến
14:34 | 14/03/2017

NSƯT  Minh Tiến sinh ngày 25.2.1959, thân sinh là ông Nguyễn Ái Chủng – diễn viên, đạo diễn của Đoàn Ca Kịch Trị Thiên trước 1975, quê xã Vĩnh Giang, Vĩnh Linh, Quảng Trị; mẹ là nghệ nhân ca Huế Hồng Tuyêt hiện đang sinh sống tại thành phố Huế.

NSƯT  Minh Tiến

Trong những ngày giữ trẻ tại Đoàn Ca Kịch Trị Thiên, bà ngoại Minh Tiến muốn cháu mình sẽ nối nghiệp ông ngoại là nghệ nhân đàn nhị Nguyễn Minh Giáo nên khi Minh Tiến lêm 9 tuổi, lúc đoàn đang sơ tán ở Hưng Yên bà đã cho Minh Tiến học đàn bầu với ông Biên – một nghệ nhân đàn bầu người Huế ra sinh sống trên đất Bắc có vợ là một nghệ nhân đàn tranh.

 Với phương pháp dạy theo lối truyền khẩu, Minh Tiến đã cố gắng thuộc lòng từng nốt nhạc xưa dưới dạng “hò xự xang xê cống…”. Chỉ học một năm nhưng do người thầy hết lòng chân truyền và cậu học trò bé nhỏ được sống trong môi trường nghệ thuật của bố mẹ và ông nội là nghệ nhân đàn nguyệt Nguyễn Như Giản nên Minh Tiến đã đàn bầu được nhiều làn điệu ca Huế, các điệu lý, dân ca Bình Trị Thiên.

 Năm 1969, Minh Tiến lên Hà Nội học văn hóa, tại đây Minh Tiến may mắn được học đàn bầu với ông Hiếu, một nhạc công của Đoàn Ca Kịch trị Thiên – bố nhạc sĩ Nguyễn Tiến là tác giả ca khúc “Hoa cau vườn trầu” và học thêm nhạc lý với nghệ sĩ cải lương Thúy Đạt. Vừa học văn hóa, vừa học đàn bầu, Minh Tiến đã rất nỗ lực trong quá trình đến với loại hình ca kịch Huế trong ý thức làm thế nào để không phụ lòng tin cậy của bà ngoại và của các người thân trong gia đình.

 Năm 1973, khi trở về quê cha, Minh Tiến được vào đoàn văn công của Ty Văn Hóa thông Tin Vĩnh Linh trong cương vị nhạc công đàn bầu. Lặng lẽ với cung bổng, cung trầm, tiếng đàn bầu Minh Tiến ngày càng khởi sắc, “có nhụy”, Minh Tiến cố gắng chuyển tải hồn minh vào tiếng đàn bầu sâu lắng, giàu âm hưởng với một bề dày nội tâm nhằm làm rung động người thưởng ngoạn. Ngoài các buổi biểu diễn chính thức của đoàn, Minh Tiến luyện tay nghề bằng cách hòa tấu với các đồng nghiệp trong đoàn. Chính những thời điểm tri âm này đã tạo cho Minh Tiến thuần thục hơn các ngón nhấn, vuốt, rung… của kỹ thuật đàn bầu.

Bằng tinh thần cầu thị, hiếu nhạc, mong tiếp thu cái mới để nâng cao sở trường của mình trên lĩnh vực âm nhạc, Minh Tiến đã xin đoàn theo học 5 năm Khoa Sáng tác tại trường Đại học Nghệ thuật Huế (1998-2002). Từ thực tế hoạt động nghiệp vụ kết hợp sở học nhà trường trong những năm gần đây Minh Tiến được Đoàn Ca Kịch Huế nay là Nhà hát Nghệ Thuật Ca kịch Huế mời viết nhạc cho nhiều vở ca kịch Huế, tiêu biểu có các vở “Ngọn lửa tình yêu” (kịch bản Liên Nguyễn, đạo diễn NSND Ngọc Bình), viết nhạc bổ sung cho vở “Viên đạn súng kíp”, trước đây là phần nhạc của ông Văn Thư, viết nhạc hoàn chỉnh vở “Đồng tiền Vạn Lịch”, “Truyền thuyết tình yêu”, “Đám cưới ly biệt”, “Chuyện tình của chú Cuội”, “Bạch Viên Tôn Cát”, “Trái tim người mẹ”, “Vú cát”… cùng nhiều vở ca kịch ngắn, tiểu phẩm, trich đoạn tuồng khác

 Sau khi tốt nghiệp Khoa Sáng tác âm nhạc, Minh Tiến có niềm đam mê mới, đó là tập trung sáng tác ca khúc tân nhạc. Một số tác phẩm của Minh Tiến đã được phổ biến rộng rãi trong công chúng như “Đây thôn Vỹ Dạ” (phổ thơ Hàn Mặc Tử), “Việt Nam quang vinh Hồ Chí Minh”, Ca khúc miền quê thương nhớ (HCV Đường Chín Xanh 1998), “Đợi con về”, “Cố đô yêu dấu”, “Nhớ Huế và em”, “Chiều Chân Mây”, “Biển gọ”i... “Người lính năm xưa” (viết về hình ảnh những người lính hữu nghị Lào, Campuchia), “Nhịp cầu yêu thương (viết về cầu Bạch Hổ trong dịp thay nhịp cầu mới), “Hát về quê tôi”… Minh Tiến cũng là người sáng tác âm nhạc cho chương trình nghệ thuật đón nhận di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng (Đoàn Nghệ thuật Tổng hợp Quảng Bình dàn dựng, biểu diễn); sáng tác phần âm nhạc không lời cho chương trình văn nghệ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ…. Minh Tiến cũng đã thành công trên lĩnh vực Khí nhạc: "Dàn nhạc dân tộc" “Âm vang núi rừng” (giải C Hội Nhạc sĩ Việt Nam), tứ tấu 3 chương có tên "Sông Hương", biến tấu “Ký ức một dòng sông” và một số tác phẩm khác; Về nhạc múa, Minh Tiến đã có nhiều tác phẩm thành công, tiêu biểu là “Sắc Tâm”, “Tiếng đàn xuân”, “Múa cầu ngư”,...

 Bên cạnh việc gắn bó với nghệ thuật ca Huế, ca kịch Huế, Minh Tiến còn dành thời gian cho việc giảng dạy ở Trường Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên Huế. Minh Tiến cũng đã nhiều lần xuất ngoại biểu diễn với nhiều kỷ niệm vui, đó là lần sang Nhật Bản biểu diễn với NSƯT Châu Dinh, Đỗ Trung Hùng, Mai Lê. Đăng Ninh (1966), dự Liên hoan Dân ca Quốc tế tại Nam Ninh, Trung Quốc (2002)… mới đây Minh Tiến cùng một số nghệ sĩ trong nước sang biểu diễn tại Thụy Sĩ (2013)…

 Nghệ sĩ Minh Tiến đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú (2012).

Tác giả: Minh Tiến
Các bài mới
Các bài đã đăng