Suốt 387 năm là chặng đường lịch sử, là quá trình hình thành, phát triển văn hóa cung đình triều Nguyễn. Một chặng đường gắn liền với sự biến động của “chín Chúa, mười ba Vua”. Trong các mối quan hệ “chìm nổi, thăng trầm” đó, Văn hóa Huế hiện lên với một khuôn mặt văn hóa có đặc điểm, diện mạo, bản sắc riêng.
Qua nghiên cứu, khảo sát cho thấy nền văn hóa này ảnh hưởng không nhỏ từ văn hóa dân gian. Vì thế qua lăng kính của những người làm nghệ thuật múa chuyên nghiệp không khó khăn lắm để có thể nhận biết trong ngôn ngữ múa cung đình Huế có vết tích, sắc thái của múa dân gian. Điều đó cho thấy “cái phông” dân gian có một sức mạnh và sự lan tỏa rộng đã ảnh hưởng quan trọng đến các hiện tượng văn hóa khác. Người Việt Nam tự hào với Văn hóa Huế. Thế giới đã biết đến và thừa nhận Huế với những công nhận mang tính pháp lý đó là hai di sản văn hóa được UNESCO công nhận: Quần thể di tích Cố đô Huế (11/12/1993) và Nhã nhạc Cung đình huế “Kiệt tác di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại”.
Người Việt Nam có lẽ không ai dưới một lần đến với Huế và nhiều người đã có dịp thưởng ngoạn quần thể di tích Cố đô Huế với các công trình: Đàn Nam Giao; Duyệt Thị Đường... Các lăng tẩm có kiến trúc độc đáo cũng như thể hiện được thế giới nhân sinh của các vị vua Nguyễn như: Lăng Gia Long; Lăng Minh Mạng; Lăng Đồng Khánh... Ở đây không chỉ giới hạn mộ phần của các vị vua mà chúng ta còn cảm nhận được ý nghĩa lịch sử, văn hóa Huế, đồng thời ở mỗi cung bậc khác nhau gợi lên cảm xúc nghệ thuật đối với vẻ đẹp thâm nghiêm của kiến trúc xưa.
Nhã nhạc Cung đình Huế rất nổi tiếng cùng những quy tắc, quy mô, cấu trúc trong diễn xướng và có nội dung bài bản. Là một môn nghệ thuật bác học, tính chuyên nghiệp cao, được coi là “Quốc nhạc” của âm nhạc Việt Nam có vị trí, ảnh hưởng lớn trong các triều đại phong kiến. Nhã nhạc (Âm nhạc cung đình Huế) là sự trao truyền, tiếp nhận và phát triển từ dòng nhạc cung đình của các triều đại trước, chủ yếu là dòng nhạc cung đình Thăng Long. Đến thời kỳ nhà Nguyễn âm nhạc Cung đình Huế mới được phát triển rực rỡ.
Tuy nhiên trong bài viết này chúng tôi muốn đề cập đến các vấn đề có liên quan đến nghệ thuật múa. Khái quát được một số đặc điểm và giá trị của múa cung đình Huế. Nói đến nghệ thuật Múa Cung đình Huế không phải là nói đến sự khởi nguồn, tồn tại trong giới hạn không gian lịch sử của một triều đại. Múa Cung đình khác với Múa Dân gian về tính chuyên nghiệp trong ngôn ngữ, bố cục, cách thức, mục đích và không gian trình diễn. Với nhiều góc nhìn khác nhau, các nhà nghiên cứu các thời kỳ đã chỉ ra rằng múa Cung đình Huế đã tồn tại qua các triều đại: Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Lê và đặc biệt phát triển rực rỡ dưới triều đại nhà Nguyễn. Như một tất yếu của sự hình thành, phát triển các hiện tượng văn hóa không nằm ngoài những nguyên tắc: Tồn tại, cập nhật, loại trừ, bổ sung rồi hoàn thiện... nguyên tắc đó luôn được tái hiện trong diễn trình lịch sử. Thực tế cho thấy Múa Cung đình Huế đã tiếp thu những yếu tố tích cực dưới góc nhìn nghệ thuật múa gắn liền với quan điểm thẩm mỹ của thời đại. Điều mà chúng tôi muốn nêu trong bài viết này đó là gương mặt riêng của Múa Cung đình Huế cùng những giá trị và ảnh hưởng của nó trong đời sống đương đại.
Múa Cung đình Huế căn cứ vào mục đích, nội dung có thể phân thành ba nhóm: Múa nghi lễ, múa chúc tụng và múa theo tích, sử. Trong nhóm múa nghi lễ có múa Bát Dật là một hình thức, quy mô rực rỡ và hoành tráng. Được trình diễn trong lễ Tế đàn Nam Giao ở kinh đô Phú Xuân, do nhà vua đích thân chủ trì. Nội dung điệu múa nhằm ca ngợi sự hưng thịnh, quốc thái dân an của vương triều nhà Nguyễn. Như vậy điệu múa Bát Dật trong khuôn khổ không gian nghi lễ đã tạo ra một hình ảnh và không khí hoành tráng. Dẫn dụ những người dự lễ một sự hướng theo, uy nghiêm, thành kính, tập trung cao độ cảm xúc con người vào mục đích nội dung, chủ đề điệu múa. Đặc điểm này như một gợi mở cho các sáng tạo sau này trên sân khấu múa chuyên nghiệp. Phải chăng những màn mở đầu, kết thúc các chương trình lễ hội hiện đại đã “thấm nhuần” và tiếp thu cách biểu cảm này. Nhưng không dễ gì sáng tác Múa Hiện đại đã đạt được những cảm xúc thăng hoa như múa Bát Dật. Đến đây tôi bỗng nhớ một câu nói: “Hãy đi đến tận cùng của dân tộc ta sẽ gặp được nhân loại”. Như vậy di sản múa dân gian nói chung và Múa Cung đình Huế nói riêng cần được tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng. Tính hiện đại không phải qua vẻ bên ngoài của ngôn ngữ động tác mà ở cái nó tạo ra một cảm xúc thăng hoa giúp người xem cùng “đắm chìm” vào không gian, chiều sâu tác phẩm. Tôi nhớ bản thân đã từng làm tổng đạo diễn một số chương trình có những màn hát múa quân số lên đến hàng nghìn người nhưng chưa thể tạo được những cảm xúc chân thực, linh thiêng như múa nghi lễ Cung đình Huế.
Trong khi múa Bát Dật được biết số lượng diễn viên tối đa là 128 người, đã tạo được hiệu quả cao về mặt nghệ thuật, đặc biệt không gian linh thiêng, trang trọng của buổi lễ. Có thể nói, múa Bát Dật là sự kết hợp một cách nhuần nhuyễn, hài hòa của người “biên đạo” xưa và tính tự nguyện của người diễn từ cái hình vẻ dáng dấp bên ngoài với cái tín ngưỡng sâu thẳm bên trong con người. Vì thế múa Bát Dật mới tạo nên một cảm xúc mãnh liệt như vậy.
Múa Lục cúng hoa đăng (Festival Huế 2002)
Điệu múa thứ hai trong múa nghi lễ Cung đình Huế đó là múa “Lục cúng Hoa đăng”. Một điệu múa rất nổi tiếng. Trong nhiều thập kỷ qua nó đã vượt khỏi không gian cung đình và đã lan tỏa tới các sân khấu múa hiện đại. Giới biên đạo đã biết tiếp thu, khai thác, phát triển nó trong các mục đích, nội dung yêu cầu khác nhau. Múa Lục cúng Hoa đăng là một vẻ đẹp được kết hợp với nhiều yếu tố thẩm mỹ. Vẻ đẹp đăng đối của đội hình, sự chuyển động hợp lý của các tuyến múa không cầu kỳ nhưng tạo hiệu quả trực diện tới khán giả. Để thực hiện điệu múa người ta đã dàn dựng cho 64 vũ sinh, chia thành 08 nhóm, trình diễn ở các địa điểm như: Điện Thái Hòa, Phú Văn Lâu, Điện Cần Chánh. Đặc biệt giá trị nổi bật đó là vẻ đẹp kỳ ảo, lung linh của các chiếc đèn hoa sen. Một khối lượng khá đông người và đèn trong sự biến ảo của màn đêm cực kỳ ấn tượng toàn mỹ. Không phải ngẫu nhiên mà múa Lục cúng Hoa đăng được tái hiện trong các chương trình nghệ thuật có quy mô lớn mang tầm quốc gia. Ngoài mục đích ý nghĩa nội dung, nhìn từ góc độ kỹ năng biên đạo nó còn là những thủ pháp nghệ thuật quý báu có thể ứng dụng, phát huy trong đời sống sân khấu múa đương đại. Có thể nhận thấy trong vài ba thập kỷ qua, từ bắc chí nam, từ đông sang tây Việt Nam, từ trung ương đến địa phương, từ sân khấu nhỏ đến sân khấu lớn, từ múa chuyên nghiệp đến múa quần chúng v.v... hình ảnh, thủ pháp nghệ thuật của múa Lục cúng Hoa đăng đã hóa thân vào hàng trăm, hàng nghìn điệu múa hoa sen với chủ đề ca ngợi lãnh tụ và vẻ đẹp Việt. Một sức mạnh lan tỏa, phủ sóng rất rộng lớn trên khắp các sân khấu toàn quốc. Những kinh nghiệm đồng nghĩa với những giá trị truyền thống được thể hiện khá rõ trong cấu trúc điệu múa Lục cúng Hoa đăng. Nghệ thuật tuyến, đội hình, xử lý ánh sáng, kỹ thuật trồng người thành mảng khối lớn nhỏ, cao thấp, gần xa qua hiệu quả của các tháp hoa đăng, sự đăng đối được chiết suất từ luật tứ tượng (một nguyên tắc trong sáng tạo nghệ thuật múa dân gian)... Điều đó phải chăng là những bài học quý báu của cha ông để lại. Ý thức được tầm quan trọng của giá trị truyền thống trong việc tiếp nhận và tái tạo tác phẩm luôn là một thái độ cần thiết đối với mỗi tác giả biên đạo đương đại.
Điệu múa thứ ba chúng tôi giới thiệu trong bài viết này đó là “Múa Song quang”. Múa Song quang còn có tên gọi khác đó là múa “Đấu chiến thắng Phật” (Phật hiệu của Tề Thiên Đại Thánh). Khác với hai điệu múa trên, múa “Song quang” là điệu múa gồm hai nhân vật. Theo các sách viết rằng đời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, tác giả Đào Duy Từ sau khi xem kinh Phật đã dựng điệu múa này. Mục đích điệu múa hướng tới việc tiễu trừ yêu quái, quỷ chướng. Trong nghệ thuật sáng tạo truyền thống có câu nói “Có tích mới dịch nên trò”. Tích, trò ở múa “Song quang” được xây dựng từ thế quan Phật giáo. Có thể nói từ những tích trong kinh phật, tác giả đã xây dựng thành điệu múa phục vụ được hai mục đích tôn giáo và cung đình. Tuy khởi đầu điệu múa chỉ tồn tại trong lĩnh vực tôn giáo nhưng sau này nhanh chóng đã được cung đình hóa bởi tính hấp dẫn, tính chuyên nghiệp cùng những giá trị nhân văn của nó. Có thể nói từ triết lý Bi, Trí, Dũng của Phật tính, điệu múa đã nói lên sự hoằng pháp một cách sâu sắc, đáp ứng được tâm lý các thời đại, hòa hợp xu thế hội nhập, phát triển. Hơn nữa, thiện và ác mãi mãi là đề tài cần tiếp tục được khai tác trong các sáng tạo nghệ thuật.
Tề Thiên Đại Thánh và Hộ Pháp trong Vũ khúc cung đình Đấu Chiến Thắng Phật.
Ảnh tư tiệu Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế
Với hình thức múa đôi qua hai nhân vật Hộ Pháp và Tề Thiên Đại Thánh cùng những khắc họa đặc điểm, tính cách của ngôn ngữ động tác rất mạch lạc rõ ràng. Nghệ thuật xây dựng tính cách của người xưa tài tình trong việc biểu hiện nội dung và hành động nhân vật. Sự khác biệt trong ngôn ngữ đồng nghĩa với việc tạo nên tính hấp dẫn của màn diễn đối với người xem. Vũ đạo nhân vật Tề Thiên Đại Thánh đã khắc họa rõ nét tính cách của nhân vật. Khán giả dễ dàng và đồng hành cùng nhân vật qua các động tác gần với đời thường: Chuyển động luôn luôn trong trạng thái khom lưng. Đây là động tác chủ đạo kết hợp với các biểu hiện đầu, mình, chân, tay, cùng những sắc thái trong từng động tác mang tính biểu cảm cao. Đặc biệt hình ảnh “chú khỉ” được thần thánh hóa nhưng vẫn không thoát khỏi hình ảnh của đời sống thật. Đầu lắc nhanh kết hợp với chớp mắt. Những thay đổi dứt khoát, mau lẹ cho thấy cái hay của nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật. Những động tác đó được kết hợp khéo léo trong trang phục, đạo cụ. Khuôn mặt được tạo hình tỉ mỉ với hình ảnh mặt khỉ. Nhân vật Tề Thiên Đại Thánh trong trang phục áo giáp, lưng thắt đai, chân mang hài, tay cầm kim côn liên tiếp thay đổi dáng múa với tốc độ, tính chất nhanh, gọn, dứt khoát. Giữa ngôn ngữ múa kết hợp với trang phục, đạo cụ hài hòa, hợp lý và hấp dẫn. Cho thấy đây là một bài học cần được nghiên cứu sâu sắc để tiếp nhận và ứng dụng trong tư duy sáng tác múa. Nghệ thuật này giúp cho người xem “đồng hành” ngay trong quá trình thưởng thức nghệ thuật, đặc biệt tác động trực tiếp, tạo nên cảm xúc tức thì.
Nhân vật thứ hai múa Song quang (Đấu chiến thắng Phật) là nhân vật Hộ Pháp. Khác hẳn với vai Tề Thiên Đại Thánh, ngôn ngữ múa của Hộ Pháp gần như tương phản “tuyệt đối”. Trong nghệ thuật biên đạo đây là một yêu cầu nghệ thuật đòi hỏi trình độ cao. Động tác của Hộ Pháp với bước chân chữ bát, tốc độ chuyển động thong thả, dáng người hơi ngửa ra phía sau, tay cầm bửu chữ. Khác với Tề Thiên Đại Thánh trong dánh người lom khom, chạy, đảo đầu, đảo mắt nhanh. Sự tương phản giữa hai nhân vật chính là biểu hiện trình độ nghệ thuật cao trong biên múa, trong tài năng cấu tạo ngôn ngữ. Do sự khác biệt giữa hai nhân vật mà ngôn ngữ và trang phục đã được xây dựng, tác giả múa còn tiếp tục khai thác sự khác nhau trong tuyến múa, đội hình... hầu như các chuyển động của hai nhân vật thường đảo ngược nhau trong hai tuyến múa cơ bản tròn và chéo.
Đến đây tôi chợt nhớ trong kế hoạch chuyên môn của Ban Chấp hành Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam năm 2017 có đề ra đó là sắp tới Hội sẽ tổ chức cuộc thi sáng tác tác phẩm múa “Tính cách Việt Nam”. Thiển nghĩ những bài học kinh nghiệm quý báu cho nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật chúng ta có thể tìm thấy trong kho tàng nghệ thuật múa Cung đình Huế.
Trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi tạm giới hạn miêu tả ba điệu múa: Bát Dật; Lục cúng Hoa đăng và múa Song quang. Trữ lượng múa Cung đình Huế còn khá nhiều tuyệt phẩm có nội dung phong phú, đa dạng về hình thức biểu hiện. Những sắc thái khác biệt, độc đáo trong các hình thức, chúc tụng, tích, truyện như: Tam Tinh chúc thọ; Bát Tiên hiến thọ; Trình tường tập khánh; Vũ Phiến; Lục triệt Hoa Mã Đăng; Tứ Linh; Nữ tướng xuất quân; Tây du; Tam quốc... Mỗi một điệu múa đều để lại những giá trị nghệ thuật quý báu chưa kể đến những giá trị văn hóa, đạo đức, tín ngưỡng. Như vậy, nhìn từ góc độ nghệ thuật múa nói chung và nghệ thuật biên đạo nói riêng, Múa Cung đình Huế là hiện thân với nhiều giá trị có sức trường tồn xứng đáng được các thế hệ sau trân trọng, ngưỡng mộ. Múa Cung đình Huế là một thành tố quan trọng trong tổng thể văn hóa Huế xứng đáng được thế giới công nhận./.
Theo Kiên Ứng - Tạp chí Nhịp điệu