Múa
Bốn câu chúc thọ nhà vua được tái hiện trong “Đại Nội về đêm” qua vũ khúc cung đình Trình tường tập khánh
09:20 | 05/07/2017

“Ngày xưa những dịp quốc – lễ, quốc – khánh, trong cung vua chúa có trình diễn ca vũ. Những vũ khúc cổ thất truyền rất nhiều, đến đời Nguyễn chỉ còn 11 khúc gồm: Bát dật, Lục cúng hoa đăng, Tam tinh chúc thọ, Bát tiên hiến thọ, Trình tường tập khánh, Đấu chiến thắng Phật, Tứ linh, Nữ tướng xuất quân, Vũ phiến (múa quạt), bài hát toàn bằng chữ Hán” .

Bốn câu chúc thọ nhà vua được tái hiện trong “Đại Nội về đêm” qua vũ khúc cung đình Trình tường tập khánh
Biểu diễn vũ khúc cung đình Trình tường tập khánh trong chương trình “Đại Nội về đêm”

Trong 11 vũ khúc nói trên, vũ khúc Trình tường tập khánh được múa vào các ngày lễ Tứ ngũ tuần đại khánh. Điệu múa có bốn vị tứ trụ thiên thần vâng mệnh thượng đế xuống trần gian để chúc cho nhà vua sống lâu trăm tuổi, chúc muôn dân giàu sang, ấm no và hạnh phúc.

Nghi thức múa của vũ khúc Trình tường tập khánh được mô tả như sau: Bốn diễn viên hoá thân vào hai vị thiên thần mặt đỏ râu bạc và hai vị mặt trắng râu đen. Cả bốn vị đội mũ xuân thu, bình thiên, kim khôi, bao đĩnh, trong mặc giáp, ngoài phủ áo dao bào, đeo đai, xiêm trường, quần giáp, chân đi hia, lưng giắt thần thông bửu bối. Khi múa, sử dụng các động tác của vũ đạo tuồng như: bộ khai, bộ cầu, bộ ký, bộ xoay, bộ cất bản… tất cả họ đều múa đồng bộ với nhau theo các tuyến ngang, dọc, xéo, rồi cùng tạo thành các hình khối đẹp mắt trên nên nhạc lúc réo rắc trầm bổng, lúc cao trào giục giã của dàn Đại nhạc. Trong lúc múa, mỗi vị thiên thân trên tay cầm một câu liễn, đến khi điệu múa gần đến hồi kết, tất cả họ cùng đứng trụ bộ và tung ra bốn câu chúc tụng:

 
Thiên tử vạn niên
Vạn thọ vô cương
Quần phương tập khánh
Vạn bảo trình tường
 
Dịch nghĩa:
 
Thiên tử muôn năm
Sống lâu không ngần nào
Bốn phương đều đến mừng
Muôn dân tiến của báu, dâng điềm lành
 
Vũ khúc cung đình Trình tường tập khánh thuộc thể loại múa chúc tụng, nó cũng giống như các vũ khúc cung đình khác từ khi manh nha cho đến khi trở thành một điệu múa được ưa chuộng, bản thân điệu múa này đã biết gạn lọc những cái hay, cái dỡ, và khi bước vào ngưỡng cửa của chốn lầu son gác tía, nó được các nghệ nhân cung đình nâng lên một tầm cao hơn để phù hợp với môi trường diễn xướng mới.
 
Theo Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề, khi biểu diễn múa cung đình, ban Thiều nhạc thường được dùng để phụ họa. Ban nhạc gồm những nhạc cụ như sau: Trống lớn (trống cái), trống con, trống tiểu bồng, trống yêu cổ, đàn tỳ bà, đàn tam, đàn nguyệt, đàn hồ, đàn nhị, sáo tre ngang 6 lỗ, kèn, sênh tiền, tam âm. Biên chế dàn nhạc thay đổi tùy theo yêu cầu của từng điệu múa.
 
Mặc dù sách Những đại lễ và vũ khúc của vua chúa Việt Nam đã liệt kê các loại nhạc cụ như thế nhưng trên thực tế không sử dụng toàn bộ ban nhạc. Hiện nay, trống yêu cổ đã thất truyền, trống tiểu bồng chỉ sử dụng trong một số bài Đại nhạc, không đệm cho múa. Ban nhạc đệm cho múa hiện nay có thể liệt kê như sau: Trống chiến, kèn, sáo tre ngang 6 lỗ, đàn nhị, đàn hồ, đàn nguyệt, đàn tỳ bà, đàn bầu, đàn tranh, phách tiền, tam âm. Tuy nhiên, với từng điệu múa khác nhau thì yêu cầu nhạc cụ cũng khác nhau, chẳng hạn, vũ khúc Trình tường tập khánh có nhạc cụ chính là trống chiến, kèn, đàn nhị,…
 
 
NSND Phan Thị Bạch Hạc – Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế (Nhà hát) cho biết, sau khi triều đình nhà Nguyễn cáo chung, các vũ khúc cung đình Huế trong đó có vũ khúc Trình tường tập khánh cũng mất đi môi trường diễn xướng. Tuy nhiên, bằng niềm đam mê và mong muốn khôi phục lại vốn cổ của tiền nhân, các nghệ sĩ của Nhà hát đã sưu tầm, nghiên cứu và khôi phục lại vũ khúc Trình tường tập khánh đưa vào chương trình biểu diễn phục vụ du khách. Đặc biệt, hiện nay vũ khúc Trình tường tập khánh được đưa vào chương trình “Đại Nội về đêm” và trở thành điểm nhấn quan trọng rất được du khách yêu thích.
 
Theo Trương Trọng Bình - Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng