Múa
Khởi sắc mới của múa Huế đương đại
11:06 | 26/11/2020

Múa Huế đương đại đang có những khởi sắc thật sự, ít nhất trong khoảng 5 năm lại đây

Khởi sắc mới của múa Huế đương đại

Múa Huế đang “chất” hơn

“Văn hiến Kinh kỳ” (do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế dàn dựng) kể lại các sự kiện lịch sử để làm nổi bật 5 di sản văn hóa được thế giới công nhận với 3 chương, mỗi chương có nhiều cảnh diễn, chủ yếu bằng động tác múa, đan xen tương ứng với 12 hồi gắn với nhiều chủ đề, nội dung khác nhau. Chương trình thật sự là một bữa tiệc âm nhạc và múa được dàn dựng công phu, sắc màu sân khấu lộng lẫy, diễn xướng hùng tráng, khói màu hư ảo… thực sự làm nức lòng hàng nghìn công chúng, du khách gần xa.

Những năm gần đây, múa Huế không chỉ thành công với “Văn hiến Kinh kỳ”. Khi tham gia xét Giải thưởng VHNT Cố đô lần thứ VI chuyên ngành múa vào cuối năm 2019, NSND Hà Thế Dũng - Chủ tịch Hội đồng và ban giám khảo đều nhận định không ngờ múa Huế đã phát triển nhanh như vậy.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Kim Dung tỏ ra bất ngờ nhiều nhất: “Các tác phẩm tham gia giải thưởng đa dạng về thể loại. Các biên đạo múa có sự đầu tư công phu, ngôn ngữ đa dạng, hình thức múa tập thể chiếm số đông, hình thức múa ít người có ít nhưng nhiều sáng tạo. Chất liệu múa được các tác giả xây dựng hòa quyện được giữa múa dân gian, truyền thống, múa cổ điển châu Âu phá cách và múa hiện đại…


Hai tác phẩm được đánh giá cao nhất là “Mệnh đất trời” và “Huyền thoại phá Tam Giang”. Ở “Mệnh đất trời”, biên đạo múa Phan Hoàng đã xây dựng được bối cảnh sân khấu rất nên thơ và sự kết hợp hoàn hảo của bố cục sân khấu bao gồm ngôn ngữ múa, hình thức thể hiện, màn hình, âm thanh, ánh sáng, tạo nên bức tranh sinh động, lột tả được khát vọng của con người trong thời hiện đại. Các lớp múa rõ ràng, sạch; các tuyến múa không nhiều nhưng gây được cảm nhận của người xem và đặc biệt đó là sự kết hợp của ngôn ngữ múa truyền thống, đặc trưng và ngôn ngữ múa hiện đại. Vở múa tạo sự tươi mới trong phong cách biểu diễn, các cụm tạo hình có bề rộng, bề dài, chiều sâu và tầm cao, thể hiện tính bứt phá, thắt nút, các trường đoạn mà câu chuyện tác giả muốn kể, gây nhiều cảm xúc đối với người xem.

“Huyền thoại phá Tam Giang” là vở múa tập thể khá dày dặn, khai thác đặc trưng của vùng đất đã đi vào thơ ca. Bố cục sân khấu kết hợp nhiều hình thức sân khấu khác nhau tạo nên một phong cảnh sâu rộng, thể hiện rõ hình ảnh đời sống sinh hoạt, đời sống tâm linh. Các lớp múa tập thể đan xen những đoạn múa đôi, múa đơn, tình tiết, rõ ý, dẫn dắt người xem đi vào câu chuyện có tính chất tả thực, đôi khi cũng nhìn thấy được sự hư cấu của người biên đạo.

Một đội ngũ đang độ chín

NGƯT Cao Chí Hải, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Chi hội trưởng Chi hội Múa Việt Nam tại Huế, cho biết: “Chưa bao giờ nghệ thuật múa Huế lại sôi nổi rầm rộ như hiện nay. Hầu hết trong các dịp lễ hội, các ngày truyền thống của các làng xã, cơ quan ban ngành đều có đội múa tham gia biểu diễn. Đây là dấu hiệu đáng mừng cho một vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa nghệ thuật”.

Các nghệ sĩ múa nỗ lực sáng tác, dàn dựng, biểu diễn nghệ thuật múa; tham gia với nhiều lễ hội qua các kỳ Festival Huế, Tuần lễ văn hóa Huế tại Hà Nội, thành phố Hạ Long, Hội An, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Nghệ An, Thanh Hóa, TP. Hồ Chí Minh… Vũ điệu múa Huế đã phục vụ quảng bá kích cầu du lịch và các lễ hội chính hàng năm: Thuận An biển gọi, Sóng nước Tam Giang, Lăng Cô vịnh đẹp. Vũ điệu múa Huế cũng tham gia giao lưu đối ngoại với nhiều nước trên thế giới, như: Pháp, Mỹ, Thụy Sĩ, Bỉ, Tây Ban Nha, Ý, Hàn Quốc, Lào, Thái Lan và Nhật Bản.

Đáng mừng là, đã có một đội ngũ biên đạo múa đang độ chín, có nhiều công trình, tác phẩm đáng ghi nhận. NGƯT Cao Chí Hải tham gia chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học “Múa trong lễ hội Azakoonh” của dân tộc Tà Ôi; tham gia chỉ đạo nhiều hội diễn, liên hoan khu vực và toàn quốc, chỉ đạo chương trình nghệ thuật của tỉnh trong các ngày lễ lớn…

NSND Bạch Hạc hiện là Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa đã tham gia đạo diễn nhiều lễ hội có quy mô lớn, như: “Câu chuyện Hoàng cung”, “Bốn mùa yêu thương”, “Văn hiến Kinh kỳ”… Nghệ sĩ Lê Thị Diệu Hy biên đạo và dàn dựng nhiều tác phẩm múa dân gian dân tộc, tiêu biểu nhất là khai thác chất liệu múa cung đình đưa vào tác phẩm đương đại một cách khéo léo và đặc sắc, làm giàu thêm múa Huế.

Nghệ sĩ Mai Trung cũng là một biên đạo tên tuổi, biên đạo chính các lễ hội, như Văn hiến Kinh kỳ, Khai mạc Festival Café Buôn Ma Thuột… Mai Trung cùng Diệu Hy tham gia biên đạo chính cho các chương trình Khai mạc Festival Võ cổ truyền Bình Định, Pháo hoa Đà Nẵng,… Các biên đạo múa Ánh Hồng, Thu Hoài, Quang Sáng, Bạch Mai, Phan Tuần, Hồng Nhâm, Khánh Hiệp… cũng đạt nhiều huy chương vàng, bạc qua các kỳ hội diễn chuyên nghiệp và quần chúng trong toàn quốc, nhận được các giải thưởng của Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, tặng thưởng tác phẩm xuất sắc của Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh…

Cùng với Festival Huế như là sự hội ngộ của nhiều chương trình múa, đã trở nên là tập đại thành của các vũ điệu xưa nay trên toàn thế giới. Huế vì thế được xem như là trung tâm trình diễn nghệ thuật múa của thế kỷ 21. Trong không gian nghệ thuật như vậy, việc các nghệ sĩ múa Huế đang nhanh chóng trưởng thành là một tín hiệu đáng mừng.

NGỌC THANH

Theo baothuathienhue.vn

 
 
 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng