Cuối những năm 90 của thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 đã xuất hiện một số lượng lớn những tác phẩm múa dân gian, cung đình, tôn giáo mới, nhưng còn ít tác phẩm có ấn tượng sâu sắc và có tính bền vững trong lòng khán giả. Và cũng có một số quá đà, dân gian không ra dân gian, hiện đại không ra hiện đại, hổ lốn lai tạp, không thuộc loại hình nào, hình thái nào và còn nhiều tác phẩm múa phong cách, ngôn ngữ, cấu trúc rất giống nhau. Nội dung các điệu múa cũng na ná như nhau, âm nhạc múa thì loạn lên bởi những thanh điện tử phá phách, rất khó phân biệt các giai điệu nhạc múa của từng dân tộc. Một "bệnh dịch" múa phụ họa tràn lan, vô tội vạ, nhàm chán...
Ðiểm qua thể loại kịch múa của những năm gần đây, mặc dù còn nhiều hạn chế mặt này, mặt khác, nhưng một số tác phẩm múa đã đi đúng hướng và để lại cho người xem một số ấn tượng tốt đẹp cả về nội dung lẫn hình thức như kịch múa "Kiều Nguyệt Nga", "Ngọc trai đỏ" của NSND Việt Cường. Kịch múa "Bông lau trắng", "Cánh diều quê hương" của NSND Ứng Duy Thịnh.
Bản chất của một tác phẩm múa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc bao giờ cũng gồm ba nguyên tố cơ bản: nội dung tư tưởng, hình thức nghệ thuật của tác phẩm, tính cội nguồn truyền thống. Ba nguyên tố này tác động tới nhau dễ tạo ra những sáng tạo mới mang một bộ mặt, tâm hồn dân tộc trong thời đại mới.
Là một biên đạo múa, tôi muốn được cùng bàn với nhiều bạn đồng nghiệp là cần tiếp thu tinh hoa nghệ thuật múa thế giới như thế nào. Tiếp thu tinh hoa nghệ thuật múa của nhân loại bao gồm nhiều nội dung rộng lớn. Ta rất cần tiếp thu các kiến thức chung mà ta đang thiếu, đang yếu. Tiếp thu những kinh nghiệm tiên tiến, phương pháp kết cấu xây dựng những tác phẩm múa dân tộc, ballet và cả hiện đại nữa. Tiếp thu những kinh nghiệm về đào tạo, giảng dạy, kinh nghiệm biểu diễn, sưu tầm, bảo tồn và phát triển nghệ thuật múa dân tộc. Tiếp thu không có nghĩa là đi "copy" những động tác múa mới, hoặc "nhái lại" theo kiểu "mình Ngô đầu Sở"...
Trong vấn đề tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại nói chung và tinh hoa nghệ thuật múa nói riêng, trong ngành múa chúng ta đang nổi lên vấn đề tiếp thu múa hiện đại thế giới như thế nào.
Ngay ở các nước phát triển cũng chưa thấy nói rằng nghệ thuật múa hiện đại là tinh hoa của nghệ thuật múa nhân loại. Các nhà phê bình múa thế giới mới chỉ coi múa hiện đại như một sự tìm tòi dễ phá vỡ cái kinh điển sân khấu một chiều và phá vỡ những quy phạm kết cấu múa cổ điển bác học châu Âu. Múa hiện đại cũng đạt được thành công bước đầu qua một số tác phẩm múa, bên cạnh nhiều tác phẩm múa hiện đại đã thất bại (trong 100 năm ra đời của múa hiện đại). Múa hiện đại cho tới nay vẫn còn nằm trong quá trình thể nghiệm mà không nước nào giống nước nào, mỗi nước đều khác nhau cả về nội dung và hình thức.
Múa hiện đại cũng có thể coi đó là sự tìm tòi mới của thế kỷ 20 của nghệ thuật múa. Nhưng múa hiện đại, đương đại cho tới nay chưa bao giờ được chiếm ngôi chủ soái trong nghệ thuật múa của nước nó tồn tại.
Bởi vì trong mỗi nước, múa dân tộc, truyền thống vẫn được nhân dân và nhà nước họ coi là "quốc vũ", là tài sản, di sản văn hóa quý báu của dân tộc mình. Bởi vì nghệ thuật múa dân tộc truyền thống đã góp phần vẽ nên diện mạo riêng biệt của từng quốc gia độc lập, còn múa hiện đại thì không làm được điều đó vì ngôn ngữ múa hiện đại bản chất là thứ ngôn ngữ pha trộn nhiều yếu tố ngoại lai, mãi mãi không bao giờ có thể được xếp ngang hàng với nghệ thuật múa dân tộc truyền thống. Ngoài ra nghệ thuật ballet cổ điển cũng được coi trọng, bởi nó đã được nhân loại công nhận là một di sản văn hóa bác học của nhân loại. Nó là niềm tự hào chung của nền nghệ thuật múa bác học thế giới.
Nghệ thuật múa dân tộc truyền thống và nghệ thuật múa ballet kinh điển được Nhà nước tài trợ hoặc bao cấp toàn phần, còn nghệ thuật múa hiện đại thường xuất phát từ những diễn viên và biên đạo có tài năng về loại múa này tự đứng ra thành lập đoàn, đội, nhà hát riêng tự lo, tự quản.
Sự phát triển của nghệ thuật múa hiện đại thế giới 100 năm qua không đồng đều và không được phổ biến, tiếp nhận rộng rãi trên toàn cầu. Chủ yếu phát triển ở Mỹ, Ðức, Pháp, Canada, Australia. Như vậy cũng có thể nói rằng múa hiện đại du nhập Việt Nam mấy năm gần đây là sự đi tìm những thủ pháp mới lạ của một số biên đạo múa Việt Nam.
Múa hiện đại cũng chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, là vị trí thứ yếu ở ngay các nước đó, chứ chưa bao giờ thay thế cho nghệ thuật múa dân tộc của những nước đó. Múa hiện đại được lưu truyền vào Việt Nam, đánh giá một cách khách quan, nó cũng tác động tích cực một phần nào đó vào sự phát triển phương pháp cấu trúc hình thức nghệ thuật múa Việt Nam. Bởi một số biên đạo trẻ đã biết vận dụng hài hòa, không lạm dụng, tiếp thu và sáng tạo trên cơ sở có phê phán chứ không phải tiếp thu một cách mù quáng, hoa mắt vì "cái lạ". Ngược lại một số biên đạo đã lạm dụng thủ pháp xây dựng múa hiện đại như một cứu cánh theo kiểu "copy" nguyên bản, chắp vá sống sượng một cách hình thức chủ nghĩa, bí ẩn, vô nghĩa thì đã không tiếp cận được với khán giả và tự biến mất. Cái "mới, lạ" của múa hiện đại từ thuở ban đầu xuất hiện ở nước ta, đến giờ đã không còn lạ nữa và nhiều tác phẩm múa hiện đại tự thân lặp đi lặp lại nhiều động tác vô hồn, vô xứ sở làm khó chịu nhiều khán giả yêu múa.
Bàn về định hướng phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại nói chung và nghệ thuật múa nói riêng là một định hướng hết sức khoa học mang tính chân lý khách quan. Ðó là một sự tiếp thu tinh hoa đa dạng nhiều mặt vô cùng phức tạp của một thế giới đầy biến động trong xu thế toàn cầu hóa. Nó đòi hỏi mỗi văn nghệ sĩ phải có bản lĩnh vững vàng, vốn kiến thức sâu rộng, kinh nghiệm phong phú về nghề nghiệp, lòng tự trọng dân tộc cao, tự làm chủ được mình để không bị lạc hướng, tìm được, học được những "tuyệt chiêu" phục vụ việc nâng cao và phát triển nghệ thuật múa dân tộc mình.
Và cũng để tránh những hiện tượng đã có ở nước ta, có biên đạo múa cứ tự cho mình là "rất mới", "khám phá" và đang xây dựng một nền nghệ thuật múa Việt Nam tiên tiến nhất, nhưng thực chất là "đạo múa", "hàng nhái" giống như "đạo văn", "đạo nhạc" và gần đây có cả "đạo vẽ" ở Việt Nam. Lại còn tệ hại hơn nữa là để lọt vào nước ta cả những "hàng cũ" hoặc loại hàng đầy virus văn hóa xấu độc ở bên ngoài.
NSND ĐỖ MINH TIẾN
Báo Nhân Dân Online