Múa
Nghệ thuật Múa đương đại Việt Nam từ một góc nhìn
16:11 | 15/07/2021

“Thế kỉ 21, nghệ thuật múa chuyên nghiệp Việt Nam nhìn lại và hướng tới” , đó là chủ đề  hội thảo sắp tới do Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam tổ chức. Tôi hiểu rằng, chúng ta sẽ bàn đến về bản chất và hình thức của những sáng tạo nghệ thuật múa đương đại một cách toàn diện.

Nghệ thuật Múa đương đại Việt Nam từ một góc nhìn
Ảnh minh họa (Internet)
Nghệ thuật múa đương đại Việt Nam trong những thập kỉ qua có nhiều “biến động” tích cực. Sự biến động được biểu hiện rất rõ trong các lĩnh vực nghệ thuật múa chuyên nghiệp: Sáng tác, biểu diễn, nghiên cứu, lí luận và đào tạo. Tác nhân đã tạo nên những biến đổi đó là sự xuất hiện của múa hiện đại vào Việt Nam. Cho đến nay đã có nhiều cách giải thích về hình thức và nội hàm của dòng múa này. Tuy nhiên, về mặt lí luận và thực tiễn vẫn chưa có sự thống nhất. Lúc hiện đại, khi đương đại, thậm chí có tác giả còn đưa ra dòng múa hậu hiện đại, tiền hiện đại và theo lô gic phát triển có lẽ sắp tới sẽ có một dòng múa mới xuất hiện đó là “hậu đương đại” nữa chăng? Trong bài viết này, tác giả chỉ giới hạn theo tinh thần của từ điển Tiếng Việt và từ điển Triết học – Đương đại với ý nghĩa những sự vật đang tồn tại, đang xảy ra, nó tiếp nhận những kĩ thuật tiến bộ, phục vụ cho đời sống hiện sinh.
 
Nghệ thuật múa đương đại Việt Nam được phản ánh rõ nét nhất trong các sáng tác tác phẩm múa chuyên nghiệp. Những ưu điểm và hạn chế cũng được bộc lộ khá rõ. Vì thế việc quy nạp những hiện tượng đó trên tinh thần khách quan, khoa học là việc làm cần thiết. Muốn xác định ưu điểm và hạn chế trước tiên cần xem xét từ ngôn ngữ biểu hiện. Trong sáng tạo nghệ thuật, ngôn ngữ xây dựng tác phẩm là vấn đề quan trọng bậc nhất và nghệ thuật múa cũng không nằm ngoài nguyên tắc đó.
 
Ngôn ngữ múa luôn thay đổi và biến động không ngừng để đáp ứng với thẩm mĩ đương đại, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi xu thế hội nhập văn hóa đang phát triển khá mạnh mẽ và phức tạp. Cùng một thời điểm, những xu hướng nghệ thuật múa khác nhau từ “bốn phương, tám hướng” xâm nhập vào sân khấu múa chuyên nghiệp Việt Nam. Ai cũng biết quá trình giao lưu là quá trình phát triển, đó là một tất yếu. Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu mà chúng ta đạt được vẫn còn những hạn chế cần được xem xét và có những đánh giá, tổng kết. Múa đương đại Việt Nam trong dòng chảy của sự phát triển được phản ánh trong một bức tranh khá sinh động, đa sắc màu. Quan điểm của người viết khi bàn về múa đương đại là bàn tới những sáng tạo trong tác phẩm nghệ thuật múa đang tồn tại trên sân khấu biểu diễn múa chuyên nghiệp hôm nay. Với quan điểm tác phẩm múa đương đại phản ánh dưới các hình thức thể loại trong đó đã sử dụng ngôn ngữ của dòng múa hiện đại, và “múa hiện đại” trong trường hợp này được xem xét như một công cụ, một hệ thống ngôn ngữ để xây dựng tác phẩm múa đương đại.
 
Tiến trình và nguyên nhân xuất hiện của múa hiện đại đã được phân tích và chứng minh qua khá nhiều bài viết của nhiều tác giả. Qua mỗi giai đoạn lịch sử, múa hiện đại đã tự điều chỉnh cho phù hợp với các mối quan hệ xã hội và tương thích với thẩm mĩ của xã hội đương đại… Sự tương thích đó biểu hiện quy luật phát triển của một hiện tượng văn hóa đang được người đương thời ở khắp các châu lục quan tâm và tiếp nhận. Đương nhiên tiếp nhận và điều chỉnh luôn trong trạng thái động của tiến trình phát triển. Nhiều bài viết của giới nghiên cứu đã giới thiệu về khởi nguồn và lí do xuất hiện của múa hiện đại tại Việt Nam. Trước nhu cầu phát triển của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội… múa hiện đại với đặc điểm và tính chất của nó đã mang đến cho nghệ thuật múa một vũ khí mới khá “lợi hại”. Xét một cách toàn diện, ngôn ngữ múa hiện đại đã giúp cho các tác giả, biên đạo mở rộng biên độ trong tư duy sáng tác tác phẩm múa. Đồng thời có một cách tiếp cận mới hơn đối với các thành tố nghệ thuật khác trong cấu thành tác phẩm múa như: Đề tài, nội dung tác phẩm, âm nhạc, kĩ thuật biểu diễn (diễn viên), trang phục, âm thanh, nghệ thuật ánh sáng…Có một cách tiếp cận và ứng xử mới hơn đối với tổng thể tác phẩm. Hay có thể nói với những nỗ lực cố gắng mới làm hiện đại hóa tác phẩm múa trên tinh thần “…Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
 
Qua nghiên cứu cho thấy những yếu tố mới của múa hiện đại đã được tiếp nhận, ứng dụng từng bước trong quá trình xây dựng tác phẩm múa. Một thế hệ tác giả biên đạo mới, trẻ, đã nhanh chóng nhìn được hiệu quả thiết thực của dòng múa mới này. Về mặt lí luận, không ít bài viết bước đầu đã thừa nhận tính ưu việt của ngôn ngữ múa hiện đại. Đặc biệt một số đề tài luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ đã nghiên cứu xung quanh các vấn đề liên quan đến dòng múa hiện đại. Mặc dù thực tế cho thấy. sự chấp nhận múa hiện đại trong lĩnh vực sáng tác tác phẩm nghệ thuật còn khá gay gắt và cho đến hiện nay câu chuyện đó vẫn đang được tiếp tục với những tranh luận, bàn thảo mới. Nhưng một điều chắc chắn có thể khẳng định đó là dòng ngôn ngữ múa hiện đại đến Việt Nam đã tạo được hiệu quả nghệ thuật, thiết thực và có ích.
 
Những đặc điểm mới của ngôn ngữ múa hiện đại so với ngôn ngữ khuôn mẫu của múa cổ điển Châu Âu như sự phóng khoáng, tương đối tự do trong cấu tạo, chuyển động các động tác, tổ hợp động tác. Những tác động của ánh sáng với trang phục, các trình thức chuyển động mới, xuất phát từ trung tâm cơ thể, kích thích, hoạt động đánh thức các bộ phận, giúp giải phóng cơ thể. Trang phục được thiết kế tự do hơn cùng với cách biểu cảm trên khuôn mặt của nghệ sĩ biểu diễn so với phong cách múa cổ điển châu Âu… Và tiếp đó ở các giai đoạn sau, múa hiện đại đã có những bổ sung mới hiện đại hơn như người ta đã tính đến kĩ thuật hít, thở, sự chuyển động của các khớp, bước chân người diễn trong không gian tác phẩm một cách tự nhiên; Sự tưởng tượng ra các sự vật, hiện tượng tự nhiên và tự điều chỉnh, cân bằng, định hướng không gian biểu diễn…Những tên tuổi đại diện cho dòng múa hiện đại đã được giới múa Việt Nam biết đến như: Loie Fuller, Isadona Duncan, Martha Graham, Doris Humphrey, Merce  cunningham…Múa hiện đại ra đời và liên tục phát triển qua các nhân vật và tác phẩm mang dấu ấn lịch sử. Cho đến hôm nay nó được thế giới chấp nhận và coi như thành tựu của nhân loại.
 
Các quốc gia khắp châu lục khác nhau đã tiếp nhận múa hiện đại và từng bước bản địa hóa nó như một tất yếu.
 
Đặc điểm, tính chất múa hiện đại đã được phản ánh qua hình thức, nội dung  trong các tác phẩm múa đương đại Việt Nam những năm qua.  Các biên đạo đã cập nhật những yếu tố kĩ thuật của múa hiện đại đưa vào sáng tác của mình tùy theo mức độ và cấp độ khác nhau. Như vậy có thể nói sự  thay đổi đó đã làm mới hình ảnh nghệ thuật múa đương đại Việt Nam. Đó là thành tựu bước đầu của quá trình hội nhập với nghệ thuật múa thế giới. Ngôn ngữ và kĩ thuật múa hiện đại đã trở thành phương tiện, công cụ có tính biểu cảm cao.
 
Lĩnh vực sáng tác múa chuyên nghiệp Việt Nam hơn nửa thế kỉ qua đã chấp nhận và ứng dụng ngôn ngữ các dòng múa để cấu tạo ngôn ngữ tác phẩm như: Dòng múa dân gian; dòng múa Cổ điển Châu Âu và sự phối hợp ngôn ngữ của các dòng múa trên với nhau kết hợp với sự tìm tòi sáng tạo ngôn ngữ  của mỗi tác giả. Đặc biệt ngôn ngữ của dòng múa cổ điển Châu Âu đã đồng hành và góp phần tích cực trong nghệ thuật xây dựng ngôn ngữ tác phẩm múa.  Thực tế có thể kể ra hàng loạt các tác phẩm đã thành công trong việc sử dụng ngôn ngữ múa cổ điển Châu Âu với tư cách là phương tiện, là công cụ trong quá trình cấu tạo, xây dựng tác phẩm. Sự thành công trong lĩnh vực sáng tác tác phẩm múa  chuyên nghiệp hay nói một cách khác là giá trị nghệ thuật còn phụ thuộc vào năng lực của biên đạo trên tinh thần tiếp nhận, ứng dụng và năng lực sáng tạo. Tất cả các sáng tạo đó bao giờ cũng dựa trên nguyên tắc làm giàu cho văn hóa múa dân tộc.
 
Xét về ngôn ngữ, luật động của múa hiện đại đã được phát huy ở mọi chiều cạnh  khác nhau. Ngôn ngữ múa cho dù ở các trạng thái động hoặc tĩnh đều được ứng dụng, mở rộng triệt để. Biên đạo múa không còn bị bó buộc phải tuân thủ những niêm luật của múa cổ điển châu Âu khi cấu tạo ngôn ngữ múa trong tác phẩm của mình như trước khi xuất hiện múa hiện dại. Tư duy sáng tác nhìn chung trở nên khoáng đạt và mở rộng hơn. Một vấn đề rất dễ nhận thấy đó là khi yếu tố múa hiện đại “bước vào” trong tác phẩm đã tạo nên nhiều cảm xúc. Khán giả đã nhanh chóng tiếp nhận và đồng cảm với tác phẩm trong quá trình thưởng thức nghệ thuật. Sự kết hợp kĩ thuật giữa múa hiện đại với múa cổ điển Châu Âu của các biên đạo trẻ đã tạo cho tác phẩm múa đương đại một hình ảnh mới, góc độ, tạo hình mới và trở nên  hấp đẫn hơn. Sự kết hợp ngôn ngữ giữa hai dòng múa từng bước đã  khá hài  hòa và có hiệu quả.
 
Tính ưu việt của kĩ thuật múa hiện đại đã nhanh chóng tiếp cận với ngôn ngữ dòng múa dân gian các dân tộc Việt Nam. Điều này đã chứng minh trên sân khấu biểu diễn nghệ thuật múa hiện nay. Đặc biệt biểu hiện rõ nhất trong cuộc thi sáng tác tác phẩm múa chuyên nghiệp các dân tộc thiểu số do Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vào tháng 7 năm 2016. Người trong nghề đã dễ dàng nhận biết “dấu vết, mẩu mảnh, yếu tố, đặc điểm” múa hiện đại trong 30 tác phẩm dự thi. Đặc biệt có 02 giải A đó là tác phẩm “Lễ bỏ mả” của biên đạo Xuân Trường; “Chơi trống” biên đạo Tạ Xuân Chiến đã sử dụng chất liệu múa dân gian các tộc người B’ru, Dao. Điều đặc biệt ở đây đó là các tác giả đã ứng dụng một cách “khéo léo, hài hòa” những yếu tố kĩ thuật và ngôn ngữ luật động của múa hiện đại. Thành công ở chỗ sử dụng các yếu tố mới nhưng vẫn tôn vinh được bản sắc tộc người, chất liệu múa dân  gian của từng tộc người, mang hơi thở mới, phù hợp với thẩm mĩ đương đại.
 
Qua phân tích và chứng minh trên cho thấy dòng múa dân gian có thể tiếp nhận với múa hiện đại và tạo nên những hiệu quả nghệ thuật mới, giá trị mới. Múa dân gian là sự tích hợp những sáng tạo của quần chúng nhân dân các thế hệ, nó là những biểu hiện rõ nét và tiêu biểu  bản sắc văn hóa múa Việt Nam. Vì thế khi kết hợp với bất cứ dòng múa nào thì múa dân gian vẫn là giai điệu chính, chủ đề chính trong sáng tạo tác phẩm múa.
 
Tính ưu việt của ngôn ngữ múa hiện đại khi xâm nhập vào tác phẩm múa đương đại đã như một tác nhân tích cực giúp cho tác giả biên đạo mở rộng hơn phạm vi nội dung đề tài. Thực tế cho thấy, hiện thực hôm nay đang diễn ra khá phong phú, phức tạp, đòi hỏi những tìm tòi sáng tạo mới, những vấn đề mới đang xảy ra trong hiện thực đời sống hôm nay cần được phản ánh. Dòng múa hiện đại đã như một phương tiện, một công cụ giúp cho nghệ thuật múa trở nên phong phú, đa dạng, hiệu quả hơn trong việc tạo nên những tác phẩm mang cấu trúc và nội dung hiện đại. Cũng từ ý đó, bố cục tác phẩm cũng trở nên màu sắc, sinh động hơn. Những bố cục truyền thống từng bước dược thay đổi cơ bản. Cấu trúc tác phẩm đổi mới khá nhiều, đương nhiên  hiệu quả nghệ thuật sẽ có những thay đổi tích cực. Tác phẩm múa hiện nay cho thấy không còn chỉ đơn thuần là tôn vinh hoặc cổ vũ động viên hay miêu tả vẻ đẹp thuần túy trong đời sống thiên nhiên, con người mà thực sự nội dung khá nhiều tác phẩm đã đi sâu, khắc họa những câu chuyện sau chiến tranh một cách sinh động sâu sắc, không ít tác phẩm thành công trong việc mô tả đời sống tinh thần, thế giới tâm linh con người như: “Sắc sắc, không không”  của biên đạo Trần Ly Ly; “Thân phận” của Tuyết Minh vv…
 
Nghệ thuật múa là nghệ thuật tổng hợp. Tác phẩm múa bao gồm các thành tố nghệ thuật mà trong đó vai trò của âm nhạc rất quan trọng. Sự liên quan và tác động của những yếu tố múa hiện đại đã làm cho âm nhạc trở nên năng động và đổi mới hơn. Thực tế cho thấy nhiều tác phẩm múa đã được dựng trên những bản nhạc có cấu trúc, hòa thanh khá hiện đại. Thậm chí có tác phẩm âm nhạc đã tồn tại từ lâu với một mục đích khác, nhưng với tư duy mới trong mối quan hệ giữa múa và âm nhạc đã tạo nên những tác phẩm múa mang hơi thở mới, thẩm mĩ mới. Như vậy ngôn ngữ múa và âm nhạc trong tác phẩm múa đương đại đã thực sự đổi mới. Những tác động qua lại của hai yếu tố này đã có sự can thiệp tích cực của ngôn ngữ và kĩ thuật múa đương đại.
 
Vai trò quan trọng bậc nhất sau biên đạo trong tác phẩm múa đó là người nghệ sĩ biểu diễn. Thực tế cho thấy kĩ thuật và ngôn ngữ của múa hiện đại được sử dụng trong các tác phẩm đã giúp họ trưởng thành rất nhiều. Đội ngũ diễn viên được tiếp cận với các yếu tố kĩ thuật mới. Những kĩ thuật mang tính tiên tiến, quốc tế đã bổ sung thêm vào hành trang của những người làm nghề. Có thể nói cũng từ đó chúng ta dễ dàng phát hiện những tài năng mới trong nghệ thuật biểu diễn.
 
Nhìn từ góc độ đào tạo, sự xuất hiện của hệ thống ngôn ngữ, kĩ thuật múa hiện đại như một đóng góp mới, quan trọng. Các trung tâm đào tạo múa chuyên nghiệp đã từng bước hình thành đội ngũ giáo viên truyền dạy bộ môn nghệ thuật này. Từ thực tế cho thấy múa hiện đại đã có một vị trí quan trọng trong các trường đào tạo nghệ sĩ múa chuyên nghiệp. Tuy rằng mỗi cơ sở đào tạo có biểu hiện những cấp độ khác nhau nhưng sự cập nhật và bổ sung đó là điều cần thiết, hữu ích cho công tác đào tạo. Bộ môn múa hiện đại được từng bước cập nhật và hệ thống lại một cách bài bản, khoa học. Đội ngũ giáo viên được tuyển chọn có tiêu chuẩn chất lượng ngày một chuyên nghiệp hơn. Tại các trung tâm đào tạo lớn, các chuyên ngành huấn luyện, biên đạo và diễn viên được cập nhật bộ môn nghệ thuật tiên tiến này.
 
Trong bất cứ một loại hình nghệ thuật biểu diễn nào người ta cũng nhắc đến mối quan hệ tương hỗ của các yếu tố đó là: Tác phẩm, tác giả và công chúng. Sự đổi mới của nghệ thuật múa đương đại qua các tác phẩm đã góp phần tạo nên một bộ phận công chúng cũng được những thông tin mới. Tất nhiên đó là tác động qua lại của các yếu tố giúp nhau trong quá trình đổi mới, phát triển. Khán giả đã cảm nhận được những thay đổi tích cực đó trong thưởng thức nghệ thuật múa. Như vậy sự tác động mạnh mẽ của múa hiện đại vào tác phẩm múa đã thay đổi nhiều thành tố nghệ thuật và như một logic tự nhiên đã mang đến cho khán giả những cảm nhận mới, thẩm mĩ mới.
 
Nhìn chung nghệ thuật múa đương đại đã lộ diện trước đời sống khán giả với  gương mặt và phẩm chất mới. Cho thấy sự tiếp thu và giao lưu với nghệ thuật múa thế giới đã góp phần thúc đẩy nghệ thuật múa Việt Nam trong tiến trình phát triển. Tuy nhiên từ góc độ nghiên cứu có thể nhận biết còn tồn tại một số hạn chế.
 
Một số hạn chế  quá trình tiếp nhận và phát triển
 
Như đã phân tích và chứng minh ở phần trên, múa hiện đại xuất hiện ở Việt Nam bằng nhiều con đường, từ nhiều quốc gia, thông qua các tổ chức và cá nhân khác nhau. Đặc biệt số lượng nghệ sĩ múa đi tu nghiệp ở các quốc gia với thời hạn và năng lực tiếp nhận khác nhau. Từ đó khi về nước truyền dạy, phổ biến đã khác nhau. Chính điều đó cũng là một nguyên nhân khách quan tạo nên hình ảnh múa hiện đại Việt Nam khá “phong phú, đa dạng, phức tạp”. Đấy là chưa kể cá biệt còn có những nghệ sĩ tự “ngộ nhận” về sự hiểu biết của mình đối với múa hiện đại. Có lẽ vì thế cho đến hiện nay nhìn từ các góc độ, múa hiện đại chưa được thống nhất một cách bài bản trong các trường múa chuyên nghiệp Việt Nam và trong nhận thức của những người làm nghề như sáng tác, nghiên cứu lí luận, nghệ sĩ biểu diễn.
 
Một nguyên tắc cơ bản trong quá trình tiếp thu tinh hoa múa thế giới đó là sự “bản địa” hóa cho phù hợp với thẩm mĩ của cộng đồng quốc gia đang tiếp nhận, sử dụng và phát triển múa hiện đại. Việt Nam cũng nằm trong quy luật đó.
 
Trên tinh thần nghiên cứu khách quan, khoa học và trách nhiệm, tác giả xin được nêu một số hạn chế sau:
 
+ Về mặt lí luận, múa hiện đại đang còn tranh cãi về khái niệm, tên gọi. Từ đó có thể thấy sự khác nhau về quan điểm tiếp cận, đương nhiên dẫn đến quan niệm về nội hàm khác nhau. Vấn đề này phải nhanh chóng khắc phục để đi đến thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
 
+ Sự xuất hiện cũng như quá trình ứng dụng múa hiện đại vào các lĩnh vực nghệ thuật múa ở những mức độ, cấp độ khác nhau được thể hiện khá rõ qua năng lực tiếp nhận và tái tạo của các tác giả. Đây là một thực tế đồng thời cũng là tất yếu lịch sử. Nguyên nhân đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng nghệ thuật của tác phẩm.
 
+ Sự đánh giá chất lượng tác phẩm nghệ thuật múa đương đại qua các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp cấp quốc gia chưa chuẩn xác nhìn từ góc độ chuyên môn. Hiện tượng này khá ảnh hưởng đến quá trình phát triển. Không it những tổng kết, đánh giá thiếu tính thuyết phục và đủ sức định hướng cho những bước đi tiếp theo.
 
+ Thực tế không ít các tác phẩm múa thể hiện sự chắp vá, lắp ghép một cách thụ động và “cơ học” những luật động, tổ hợp ngôn ngữ múa hiện đại với ngôn ngữ các dòng múa khác một cách thiếu hiểu biết, vô cảm.
 
+  Một số tác giả biên đạo do thiếu hiểu biết đã lạm dụng một cách vô thức ngôn ngữ múa hiện đại trong quá trình xây dựng tác phẩm, cách làm đó dẫn đến tình trạng làm nhạt nhòa thậm chí đánh mất bản sắc dản dân tộc của tác phẩm.
 
Tuy nhiên nghệ thuật múa đương đại Việt Nam trong những năm qua phát triển khá mạnh mẽ. Nhận định này được phản ánh một cách toàn diện trên các lĩnh vực nghệ thuật múa chuyên nghiệp và được chứng minh một cách tập trung nhất qua các giải thưởng cao của quốc gia và quốc tế cho các tác phẩm múa đương đại. Từ đó cho thấy tính ưu việt, tiến bộ của  hệ thống ngôn ngữ, kĩ thuật của múa hiện đại và khả năng tiếp thu, ứng dụng, sáng tạo tinh hoa nghệ thuật múa thế giới của đội ngũ tác giả trẻ có thể khẳng định tới thời điểm này nghệ thuật múa đương đại  Việt Nam đã có những thay đổi lớn mang tính “cách mạng”./.
 
 
NSND Ứng Duy Thịnh - Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam
 
 
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng