Múa
Thái bình cổ nhạc hồi sinh sau bao ngày trầm lắng
15:18 | 02/11/2022
Theo cố GS Trần Văn Khê thì Nhã nhạc cung đình triều Nguyễn là một kho tàng to lớn, bí ẩn chưa bao giờ có thể tìm hiểu hết, trong đó riêng GS.TS Tô Ngọc Thanh nhấn mạnh: Thái bình cổ nhạc là tác phẩm duy nhất được hoàn thiện về cấu trúc cũng như nội dung, chủ yếu đề cao chữ “lễ” của văn hoá dân tộc”.
 
Thái bình cổ nhạc hồi sinh sau bao ngày trầm lắng
Nhà Duyệt Thị Đường được phục dựng như ngày xưa đón khách vào xem
Đi tìm triết lý “lễ” nhạc cung đình
 
Nếu chia theo chương, Thái bình cổ nhạc có 5 chương tất cả, trong đó “Tam luân cửu chuyển” là phần quan trọng nhất. Ý nghĩa chương này là cầu mong mưa thuận gió hoà, tạo thành phần mở đầu.
 
Ý nghĩa siêu hình của khúc nhạc dạo đầu mô tả luân là bánh xe, tam luân là ba bước chuyển hóa trong con người. Cửu chuyển là chín sự thay đổi bản chất để siêu sinh tịnh độ. Phần “Tam luân cửu chuyển” được thể hiện gồm hai phần “phát” và qua quá trình phục dựng, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế đã chọn, đưa vào biểu diễn “Tam luân cửu chuyển” tại nhiều buổi lễ cấp nhà nước như lễ đón Nhật hoàng thăm Đại nội Huế.
 
Hiện nay ở Huế, CLB Nhã Nhạc Phú Xuân thường trình diễn “Tam luân cửu chuyển” ở nhà hát Duyệt Thị Đường cho du khách nước ngoài thưởng thức. Tiết mục mở đầu bằng một hồi trống dài, dồn dập, thôi thúc, sau đó là tiếng kèn trầm bổng, thổn thức, ngân vang hàng chục phút. Đệm vào tiếng kèn rõ ràng, mạch lạc là tiếng sanh, phách, tiếng trống nhỏ dìu dặt, nhịp nhàng. Nhạc điệu lúc nhanh, lúc chậm, thanh thoát nhưng rất uy nghiêm.
 
Theo GS TS Trần Văn Khê, Nhã nhạc cung đình triều Nguyễn vẫn còn là một kho tàng to lớn, bí ẩn mà các nhà nghiên cứu đang quan tâm tìm hiểu. Thế hệ tôi, cùng chúng bạn cùng trang lứa (1950- 1970) đi xem làng tế tháng 7 âm lịch, rất thích nghe “đánh trống, thổi kèn”, nhưng đâu có biết ấy là Nhã nhạc. Ngoài dân gian, người Huế còn bắt chước điệu nhạc, đặt ra bài hát hài hước dạy trẻ con: “,chè xôi chuối để cúng ông bà, thịt gà rô ti, thịt vịt, tôm, cua, đậu xào”…Nếu sau này Nhã nhạc không được vinh danh la di sản phi vật thể thế giới thì e rằng bài nhạc ọ i è- “Tam luân cửu chuyển” - tức "Thái Bình cổ nhạc"- một tác phẩm trong Nhã nhạc, vẫn chưa ai quan tâm, nghiên cứu.
 
Trải qua nghiên cứu của trường Âm nhạc Huế, khoảng 10 năm (1990-2000), người ta mới biết Thái bình cổ nhạc là một tác phẩm nhạc lễ, do nhiều phần ghép lại với nhau, bao gồm: Tam luân cửu chuyển, Giá một, Giá hai, Giá bảy, Giá ký, Quân đại, Quân tiểu và Mở cờ. Mỗi phần là một nội dung hoàn chỉnh và độc lập nên có thể tách rời ra làm thành nhiều bài bản nhỏ. Qua quá trình phục dựng Nhã nhạc cung đình, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế đã chọn, đưa vào biểu diễn “Tam luân cửu chuyển” tại nhiều buổi lễ long trọng, hay biểu diễn định kỳ trong nhà hát Duyệt Thị Đường phục vụ du khách.
 
thai-binh-co-nhac-2-hat-boi-tet-cung-dinh-1667322863.jpg
Đón khách vào xem các nghệ nhân trình diễn hát bội dịp tết
 
Đòi hỏi sự tiếp nối muôn đời  
 
CLB Nhã nhạc Phú Xuân là đơn vị trình tấu “Thái Bình cổ nhạc” thành công nhất. Khi hoà tấu, Thái bình cổ nhạc hoàn chỉnh gồm 5 chương, trong đó Tam luân cửu chuyển và các lớp kết hợp ăn khớp, hài hòa với nhau. Theo nghệ nhân Lữ Viên Minh, con trai của cố nghệ nhân Lữ Hữu Thi, cho biết: “Ngày xưa mỗi nhạc công biểu diễn được ngăn cách bởi tấm màn kín, không thấy nhau. Bậc thầy lắng nghe để đánh giá mức độ hòa hợp, người chơi (trống, kèn) bị chỏi sẽ bị loại ngay. Người chơi trống đòi hỏi phải đánh đồng bộ, ăn khớp. Khi đánh, tay không được vung dùi trống cao quá tầm mắt. Quy ước đánh tay phải trước, thể hiện sự nghiêm trang. Cố nghệ nhân Trần Kích trước khi qua đời thường nói: “ Thái bình cổ nhạc là bản hòa tấu cần ít nhất 2 nhạc công sử dụng trống và 2 nhạc công sử dụng kèn. Phần kèn làm nền cho trống phô diễn nhưng bắt buộc dựa trên thang âm ngũ cung trong Nhã nhạc cung đình triều Nguyễn”.
 
Đỉnh cao trí tuệ tác phẩm này là cái “lễ” của văn hoá trong Nhã nhạc. Điển hình nhất chính là tác phẩm “Thái bình cổ nhạc”, chủ yếu phục vụ cho các buổi tế lễ long trọng của triều đình, và tế làng. Do Thái bình cổ nhạc ẩn tàng trong dân gian nên việc tìm kiếm tư liệu hết sức khó khăn. Phải đi sâu vào các vùng quê xứ Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị, nhóm nghiên cứu mới tìm được một lượng thông tin quý báu.
 
thai-binh-co-nhac-3-mua-xuan-ve-tren-cuu-dinh-hue-1667322863.jpg
Mưa trên cửu đỉnh, hoàng mai xanh tươi chờ xuân, trong Đại nội- Huế
 
Nếu chia theo chương, Thái bình cổ nhạc có 5 chương tất cả, trong đó “Tam luân cửu chuyển” (ba hồi trống rung chuyển 9 tầng mây) là phần quan trọng nhất. Ý nghĩa chương này “cầu mong mưa thuận gió hoà” tạo thành phần mở đầu. Phần “Tam luân cửu chuyển” được thể hiện gồm hai phần “phát” và “hiệp”. Nhạc cụ diễn tấu gồm trống (trống con, trống đại) và kèn (kèn bầu đại, trung, tiểu). Đến nay hiện có tất cả 7 nguồn tổng phổ quan trọng, trong đó đáng tin nhất là một bản của dòng họ Hoàng (NS Hoàng Thi Thơ) ở Quảng Trị và một bản của GS.TS Tô Ngọc Thanh. 
 
Theo một số nghệ nhân hiện còn lưu giữ bản tổng phổ Thái bình cổ nhạc được viết bằng chữ Hán-Nôm, cho biết: “Thái bình cổ nhạc là tác phẩm được lưu truyền từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, nên nó gần như là hoàn thiện về cấu trúc cũng như nội dung”. Các bản tổng phổ được các gia tộc bảo tồn, ghi chép lại đều bằng chữ Hán – Nôm. Sau đó, thực hành bằng cách truyền khẩu bài bản, truyền ngón nghề (kèn, đàn, trống) cho các thế hệ con cháu.
 
Đặc biệt, do người xưa thường giấu “bí quyết” chỉ truyền thụ cho truyền nhân chọn lọc trong gia đình, nên việc nhà nghiên cứu muốn sao chép lại các tổng phổ phục vụ cho công tác bảo tồn, sưu tầm, nghiên cứu đều bị từ chối. Tháng 7 âm lịch ở Thừa Thiên- Huế là thời kỳ tế làng (thu tế). Các nhà nghiên cứu Nhã nhạc thường phải thức đến 3-4 giờ sáng, để ghi âm, ghi hình tổng phổ “Thái bình cổ nhạc”. Sau đó đối chiếu điểm giống, hay khác nhau giữa các tổng phổ, để tìm ra điểm chung nhất, gần nguyên bản nhất.
 
 
Theo Vũ Hảo - Tạp chí Văn hóa và Phát triển
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng